Biên Thành Chương 13


Chương 13
Chuyện sau đó dài lắm. Điều quan trọng đáng nói nhất là cháu đã được sinh ra từ cuộc hát đó.

Lúc hoàng hôn, Thuý Thuý ngồi dưới ngọn tháp trắng đằng sau nhà ngắm bầu trời được mặt trời chiếu soi rọi thành đám mây mỏng màu hoa đào. Ngày mười tư, Trung Trại có phiên chợ, người buôn bán trong thành tới Trung Trại thu mua thổ sản rất đông, vì thế rất đông người sang đò; ông ngoại luôn tay đưa đò, không được nghỉ. Trời sắp sang đêm, những chim khác dường như đã nghỉ cả, chỉ riêng đỗ quyên còn hát mãi. Đá và bùn được nắng soi cả một ngày, cây cỏ cũng được mặt trời soi cả một ngày nên lúc này đều toả hơi ấm áp. Trong không khí có mùi bùn, mùi cây cỏ và cả mùi của côn trùng vỏ cứng nữa. Thuý Thúy vừa nhìn áng mây hồng trên trời vừa lắng nghe tiếng ồn ào của người đi buôn trên bến đò, trong lòng có chút buồn bã.

Hoàng hôn dịu dàng, đẹp và bình lặng, nhưng nếu là người cảm thấu được mọi cảnh vật trước mắt, thì trong một buổi hoàng hôn thế này lòng hẳn sẽ có chút man mác buồn. Thế là ngày hôm đó trở thành nỗi đau khổ, Thuý Thuý cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó. Dường như em thấy một ngày đã trôi qua, em muốn níu giữ nó để có được một việc gì mới mẻ, nhưng không được. Cuộc sống dường như quá bình thường khiến em chịu không nổi.

“Mình phải ngồi thuyền xuôi xuống huyện Đào Nguyên để qua hồ Động Đình, cho ông đánh cồng đi khắp thành gọi mình, thắp đèn lồng đi khắp nơi tìm mình!” Em như cố ý giận ông, buông tuồng nghĩ đến một việc như thế. Em còn tưởng tượng cảnh ông dùng mọi cách tìm em mà không thấy, cuối cùng đành nằm thượt trên con đò. “Người ta gọi, đò ơi đò, bác ơi bác, bác làm sao thế? Còn sao nữa? Thuý Thuý bỏ đi rồi, xuống huyện Đào Nguyên rồi! Thế bác sẽ làm như thế nào? Thế nào à? Tôi bỏ con dao vào túi đeo, theo thuyền xuôi xuống đó giết chết nó!...”

Thuý Thuý dường như nghe thấy cả cuộc đối thoại ấy nữa nên đâm sợ. Em vừa lanh lảnh gọi ông vừa chạy từ trên cao xuống bến đò. Khi thấy ông đưa đò ra giữa suối, người trên đò khe khẽ nói chuyện, con tim nhỏ bé ấy vẫn thình thịch đập không thôi.

- Ông ơi, ông ơi, ông kéo đò trở lại đi!

Ông quản đò không hiểu ý cháu, tưởng Thuý Thuý muốn đưa đò thay mình bèn nói:

- Thuý Thuý, cháu đợi một lát, ông đưa đò về ngay đây!

- Ông không đưa đò về nữa hay sao?

- Ông về ngay đây mà!

Thuý Thuý ngồi bên bờ suối nhìn mặt suối đang bị ánh trời chiều bao phủ. Em nhìn thấy một toán người đang đi đò, trong số đó có người đánh lửa lên để hút thuốc, lại gõ tẩu thuốc dài vào mạn đò cho rơi tàn thuốc thì bỗng nhiên em bật khóc.

Ông ngoại đưa đò về, thấy Thuý Thuý ngây người ngồi bên bờ suối. Hỏi có việc gì, Thuý Thuý không đáp, ông bèn bảo cháu nhóm lửa nấu cơm. Thuý Thuý nghĩ một lát, thấy mình tự dưng khóc thật buồn cười bèn một mình trở lên nhà. Sau khi nhóm được lửa bên bếp đen thui, em lại lên chỗ núi cao ở trước cửa gọi ông, bảo ông về nhà. Ông quản đò không bao giờ đùa cợt với chức vụ, ông hiểu người gọi đò đều là những người muốn được sớm về thành để ăn cơm tối nên một người gọi cũng chở, không tiện bắt người ta đứng trên bờ chờ đợi, bởi vậy ông không trở lên nhà. Ông chỉ đứng trên mũi đò bảo Thuý Thuý để ông làm xong việc, chở người ta sang đò xong là về nhà ăn cơm tối.

Lần thứ hai gọi mà ông không chịu về, Thuý Thuý ngồi trên vách đá cảm thấy buồn. Trời đã tối hẳn. Một con đom đóm to, đuôi loé ánh sáng xanh, bay rất nhanh ngay bên cạnh Thuý Thuý, em nghĩ: “Xem mày bay được bao xa?”, rồi đưa mắt theo dõi theo đốm ánh sáng xanh ấy. Chim đỗ quyên lại kêu.

- Ông ơi, sao ông còn chưa lên nhà? Cháu cần ông lắm!

Ông ngoại đứng trên đò nghe tiếng gọi vừa nũng nịu vừa oán trách đó thì ồm ồm đáp: “Thuý Thuý, ông lên ngay, ông lên ngay đây!”, rồi thầm tự nhủ: “Thuý Thuý, ông không còn nữa thì cháu sẽ ra sao đây?”.

Khi ông quản đò lên nhà, thấy nhà tối thui, chỉ bếp là còn lửa. Thuý Thuý ngồi trên chiếc ghế thấp bên cạnh bếp, hai tay ôm lấy mặt. Bước đến bên, ông quản đò mới biết cháu khóc đã lâu. Hơn nửa ngày nay, ông khom lưng kéo đò sang lại kéo đò về. Khi nghỉ thì tay đã mỏi, lưng đã đau, lẽ ra về đến nhà là ngửi thấy mùi rau dưa om nhỏ lửa trong nồi và nhìn thấy Thuý Thúy chạy đi chạy lại dọn cơm dưới ánh đèn. Ông bảo cháu:

- Thúy Thuý, ông về muộn mà cháu đã khóc, như thế còn ra gì nữa? Ông chết thì sao?

Thúy Thúy không đáp, ông già lại nói:

- Không được khóc. Lớn rồi, bất kể việc gì cũng không được khóc, có thế mới xứng đáng là người con của mảnh đất này!

Thúy Thúy bỏ hai tay ôm mặt ra, đứng sát vào người ông, nói:

- Cháu không khóc nữa!

 Khi hai ông cháu nấu cơm, ông ngoại kể một số chuyện vui cho Thúy Thúy nghe, nhân đó lại nhắc đến người mẹ quá cố của em. Sau khi ăn xong cơm dưới ánh đèn dầu, ông già mệt mỏi vì đưa đò nên uống nửa bát rượu, thế là cơm xong ông rất phấn chấn, lại cùng Thúy Thúy lên vách đá cao trước cửa và kể chuyện cho cháu nghe dưới ánh trăng. Ông kể về người mẹ lanh lợi, khéo léo và đáng thương của Thúy Thúy, nhắc đến tính cách kiên cường của con gái đã thiệt phận, Thúy Thúy nghe rất say mê.

Thúy Thúy ôm gối ngồi dưới ánh trăng, tựa vào người ông, hỏi rất nhiều chuyện về người mẹ đáng thương của em. Thỉnh thoảng em thở một hơi dài, dường như có cái gì đó rất nặng đè lên tim em, em muốn chuyển nó ra xa nên mới thở như thế, nhưng không làm sao gạt nó đi được.

ánh trăng như ánh bạc, chiếu sáng khắp nơi; dưới ánh trăng, rừng tre trên núi trở thành màu đen. Tiếng côn trùng rỉ rả bên người dầy đặc như tiếng mưa rơi. Thỉnh thoảng không biết tự nơi nào, bỗng một con oanh cỏ gù gù trong cổ họng; lát sau, có lẽ con chim nhỏ này hiểu ra là đã nửa đêm, bèn nhắm đôi mắt nhỏ lại mà ngủ yên.

Đã khuya rồi mà ông ngoại vẫn rất hưng phấn, kể tiếp nhiều chuyện cho Thúy Thúy nghe. Ông kể phong tục hát của người ở thành này hai chục năm trước đây, họ đã nổi danh ở vùng giáp ranh giữa Tứ Xuyên và Quý Châu như thế nào. Cha của Thúy Thúy là tay hát số một, biết dùng cách ví von để cởi bỏ những nút thắt trong niềm yêu và nỗi ghét. Ông còn kể cả chuyện mẹ Thúy Thúy thích hát lắm, đã cùng cha em hát đối đáp giữa ban ngày trước khi quen biết nhau như thế nào. Người đứng trong rừng tre lưng chừng núi thổi sáo, người đứng trên đò kéo đò qua suối như thế nào, ông cũng kể hết. Thúy Thúy hỏi:

- Sau đó thì sao hả ông?

- Chuyện sau đó dài lắm. Điều quan trọng đáng nói nhất là cháu đã được sinh ra từ cuộc hát đó.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30514


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận