Cậu Cả lên con thuyền mới đóng trẩy xuôi, để cậu Hai Na Tống ở nhà. Về phía ông quản đò, ông cho rằng cậu Hai đã hát đêm ấy thì mấy ngày sau tất nhiên sẽ còn hát nữa. Bởi vậy, hễ đến tối, ông cố ý nhân việc khác nhắc Thuý Thuý chú ý nghe tiếng hát trong đêm. ăn cơm tối xong, hai ông cháu ngồi trong nhà. Vì nhà gần bến nước nên hễ tới hoàng hôn là muỗi chân dài kêu o o, Thuý Thuý bèn bó ngải thành bùi nhùi, đốt cho khói bốc lên để đuổi muỗi trong các góc nhà. Vung bùi nhùi một hồi, liệu chừng khắp nhà đều được khói cỏ ngải xông đủ, em mới để bùi nhùi xuống đất trước giường, đến ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ nghe ông nói chuyện. Từ một số chuyện khác, dần dần ông chuyển sang nói chuyện hát. Ông nói rất khéo, cuối cùng mới hỏi:
- Thuý Thuý, tiếng hát trong mơ đưa được cháu lên núi cao hái cỏ tai hổ. Nếu quả thật có người đứng trên núi đối diện với suối hát cho cháu nghe thì cháu nghĩ sao?
Ông lão nói chuyện ấy như một chuyện đùa. Thuý Thuý cũng coi như chuyện đùa mà trả lời:
- Có người hát trên đó thì cháu lắng nghe. Người ấy hát bao lâu, cháu cũng nghe bấy lâu.
- Hát ba năm sáu tháng thì sao?
- Hát hay thì cháu sẽ nghe đủ ba năm sáu tháng.
- Như thế không công bằng.
- Sao lại không công bằng? Người hát vì cháu chẳng phải rất muốn cháu nghe lâu dài tiếng hát của người ấy hay sao?
- Theo lý thì xào thịt để người ăn, ca hát để người nghe. Nhưng người hát vì cháu còn muốn cháu hiểu ý trong tiếng hát của mình nữa.
- Ông ơi, cháu phải hiểu ý gì trong lời hát hả ông?
- Tất nhiên là tấm lòng chân thật muốn kết giao cùng cháu. Không hiểu được tấm lòng đó thì chẳng phải cũng như nghe con sẻ trúc hót sao?
- Cháu hiểu tấm lòng của người ấy rồi sao nữa?
Ông quản đò nắm tay lại đấm mạnh vào bắp chân của mình, rồi cười:
- Thuý Thuý, cháu lanh lợi còn ông thì vụng về quá, không nói được cho mềm mại, cháu đừng giận nhé! Ông cứ nói thẳng đuột một câu chuyện vui cho cháu nghe, cháu nên coi như chuyện đùa mà nghe. Cậu Cả Thiên Bảo ở phố bờ sông đi đường xe, nhờ ông mối đến thưa chuyện. Ông đã cho cháu biết chuyện này rồi, cháu có vẻ không ưng, phải thế không? Nhưng nếu người ấy còn có người em và người này đi đường ngựa, tới hát cho cháu nghe và cầu hôn cháu, cháu sẽ tính sao?
Thuý Thuý giật mình, cúi đầu xuống. Vì em không hiểu trong chuyện vui này có mấy phần là thật, lại cũng không biết ai nghĩ ra chuyện đùa đó nên em mỉm cười, khe khẽ nói với vẻ van nài:
- Ông đừng nói chuyện đùa nữa nhé! - Nói xong, Thuý Thuý đứng lên.
- Nếu chuyện ông nói là thật thì sao?
- Ông thật là... - Thuý Thuý bước đi.
- Chuyện ông nói là chuyện vui đấy, cháu có giận ông không?
Thuý Thuý không dám giận ông. Khi bước tới bậc cửa, em nói sang chuyện khác:
- Ông nhìn trăng trên trời đi, to thật!
Nói xong, cô bé ra khỏi nhà, đứng giữa trời trăng thanh gió mát. Đứng một lát, ông ngoại cũng từ trong nhà đi ra. Thuý Thuý đến ngồi trên phiến đá phơi dưới nắng gắt lúc ban ngày, phiến đá toả hơi nóng còn giữ lại được. Ông ngoại bảo:
- Thuý Thuý, đừng ngồi trên đá nóng kẻo lại sinh mụn nhọt đấy!
Nhưng khi ông sờ tay vào phiến đá rồi ông cũng lại ngồi trên đó.
ánh trăng rất mềm mại, mặt suối nổi lên một màn sương mù mỏng. Lúc này nếu có người đứng bên kia suối hát, người bên này suối hát đáp lại thì thật quá đẹp. Thuý Thuý vẫn nhớ chuyện đùa ông vừa nói. Em đâu có điếc! Ông ngoại nói rất phân minh: người em đi đường ngựa, cất tiếng hát cho đi qua cả một tối, như thế nghĩa là sao? em im lặng, dường như chỉ đợi tiếng hát đó.
Thuý Thuý ngồi một lúc lâu dưới trăng, lòng em thật sự mong đợi người ấy đến hát. Rất lâu, bên kia suối, ngoài tiếng côn trùng kêu ran hồi này đến hồi khác ra, tuyệt nhiên không có tiếng gì khác. Thuý Thuý trở vào trong nhà, sờ cạnh cửa lấy chiếc tiêu bằng lau, đem ra thổi dưới ánh trăng. Em cảm thấy thổi chẳng hay, bèn đưa cho ông để ông thổi. Ông quản đò thổi dọc ống tiêu bằng lau, thổi một khúc thật dài, thổi dịu tâm tình của Thuý thuý. Cô bé ngồi tựa bên ông, hỏi:
- Ai là người đầu tiên nghĩ ra cách làm ống tiêu hả ông?
- Nhất định đó phải là người sung sướng, vui vẻ làm ra, bởi vì người ấy chia sẻ niềm vui cho mọi người. Nhưng cũng có thể do một người chẳng vui vẻ gì làm ra, bởi vì tiếng tiêu đồng thời cũng gây nên niềm không vui cho người khác.
- Ông ơi, ông không vui à? Ông giận cháu phải không?
- Ông đâu có giận cháu! Có cháu ở bên cạnh, ông rất vui.
- Nếu cháu bỏ đi thì sao?
- Cháu sẽ không khi nào xa rời ông.
- Vạn nhất có chuyện đó, ông sẽ làm gì?
- Vạn nhất có chuyện đó, ông sẽ cưỡi con đò này đi tìm cháu.
Thuý thuý cười với vẻ chế giễu:
- Người ta có câu: “bãi Phượng, bãi Từ chẳng sợ hung. Về xuôi còn phải tránh Kê Lung; Kê Lung muốn tránh không hề khó, Thanh Lãng bãi kia sóng vạn trùng.” Con đò của ông có qua nổi bãi Phượng, bãi Từ và bãi Thanh Lãng không? ở những nơi ấy, ông chẳng nói nước chảy như điên là gì?
Ông ngoại nói:
- Thuý thuý, tới lúc đó ông cũng sẽ là thằng điên, còn sợ gì nước cả sóng to nữa?
Thuý thuý suy nghĩ rất nghiêm túc rồi nói:
- Ông ơi, cháu nhất định không bỏ đi đâu, nhưng ông có bỏ đi không? Ông có sẽ bị một người nào đó bắt đến nơi khác không?
Ông ngoại lặng thinh, nghĩ đến cái chết sẽ bắt ông đi. Nghĩ tới cảnh sau khi cái chết bắt mình đi, ông ngây người nhìn một ngôi sao góc trời phía nam, thầm nghĩ: “Tháng Bảy, tháng Tám, trên trời thường có sao đổi ngôi, người cũng thường chết vào tháng Bảy, tháng Tám chăng?”. Ông nghĩ đến câu chuyện nói với cậu Cả ở trên phố lúc ban ngày, nghĩ đến cỗ cối xay nước làm của hồi môn của cô bé ở Trung Trại, lại nghĩ tới cậu Hai. Ông nghĩ một lô sự việc, lòng hơi rối bời. Thuý thuý bỗng nói:
- Ông ơi, ông hát cho cháu nghe có được không ông?
Ông ngoại hát luôn mười bài. Thuý thuý tựa người vào ông, nhắm mắt lại mà nghe. Khi ông thôi hát, Thuý thuý tự nhủ: “Mình lại hái được một nắm cỏ tai hổ nữa rồi!”.
Những bài ông ngoại hát chính là những bài ông nghe được đêm hôm ấy.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !