Cậu Hai có dịp hát nhưng từ đó cậu không đến núi Bích Khê hát nữa. Ngày rằm trôi qua, rồi ngày mười sáu cũng trôi qua. Đến ngày mười bảy, ông quản đò không nhịn được nữa, ông vào thành tới phố bờ sông để tìm người trai trẻ đó. Tới cổng thành, đang định ra phố bờ sông thì ông gặp quản ngựa họ Dương, người lần trước làm mối cho Thiên Bảo. Ông Dương dắt một con la, chuẩn bị ra khỏi thành. Thấy ông quản đò, ông Dương nắm ngay lấy:
- Bác ơi, tôi đang có việc cần báo cho bác thì vừa hay bác lại vào thành.
- Có việc gì thế?
- Cậu Cả Thiên Bảo đi thuyền xuống đến bãi Từ thì gặp sự cố. Không biết cậu ấy ngã xuống đấy rồi bị nước xoáy cuốn đi mất hay sao đấy.
Sáng nay, nhà ông Thuận Thuận mới biết tin này, nghe nói cậu Hai sáng sớm nay đi tới chỗ đó.
Tin này như một cái tát vả thật mạnh vào mặt ông quản đò, ông không tin đó là việc có thật, cố làm ra vẻ bình tĩnh hỏi:
- Cậu Thiên Bảo chết đuối rồi sao? Chưa bao giờ tôi nghe nói vịt lại bị chết đuối cả.
- Vậy mà con vịt đó vẫn có lần bị chết đuối đấy! Tôi tán thành ý kiến sáng suốt của bác, không để cho cậu ấy được thuận lợi đi đường xe.
Nghe quản ngựa nói thế, ông quản đò còn rất ngờ cái tin kia. Nhưng khi chú ý nhìn vẻ mặt của ông quản ngựa, ông lão hiểu đó là tin có thật. Ông buồn thảm nói:
- Tôi có ý kiến sáng suốt đáng kể gì đâu! Đó là ý trời... - Khi nói vậy, tình cảm trào dâng trong lòng ông quản đò.
Để chứng minh lời ông quản ngựa nói có được bao nhiêu phần đáng tin, sau khi chia tay với ông quản ngựa, ông già vội vàng tới phố bờ sông. Tới trước cửa nhà ông Thuận Thuận, ở đấy đang có người đốt tiền vàng, rất nhiều người túm tụm trò chuyện. Ông già chen vào nghe thì điều người ta đang nói chính là sự kiện mà ông quản Dương vừa nói. Nhưng khi người ta phát hiện ông lão đang đứng sau lưng thì họ chuyển sang nói chuyện khác, cố ý nói về tình hình giá dầu lên xuống ở dưới hạ du như thế nào. Ông quản đò rất không yên lòng, định tìm một thủy thủ tương đối thân để hỏi chuyện.
Lát sau, ông quản bến Thuận Thuận từ bên ngoài trở về, dáng vẻ trầm lặng. Người đàn ông trung niên vốn phóng khoáng và thẳng thắn này dường như bị nỗi bất hạnh quật ngã, có vẻ như đang cố sức gượng dậy, vừa thấy ông quản đò đã nói luôn:
- Bác ơi, việc chúng ta nói chuyện với nhau hỏng rồi. Cháu Thiên Bảo bị chết đuối, bác đã biết chưa?
Hai mắt đỏ lên, ông quản đò xoắn hai tay vào nhau, hỏi:
- Sao thế, đó là tin đích xác à? Việc xảy ra hôm qua hay là hôm kia?
Một người dường như trở về để báo tin, nói chen:
- Trưa ngày mười sáu, thuyền đâm vào đá, mũi thuyền chúc xuống nước, anh Thiên Bảo dùng sào đẩy thuyền ra, thế là người bị bật xuống nước.
- Chính mắt chú trông thấy cậu ấy bắn xuống sông à? - Ông già hỏi.
- Cháu cùng lúc rơi xuống sông với anh ấy mà!
- Thiên Bảo có nói gì không?
- Chẳng kịp nói gì cả. Mấy hôm nay anh ấy chẳng nói gì.
Ông quản đò lắc đầu, liếc ông Thuận Thuận một cái. Ông quản bến dường như biết lòng ông già đang xốn xang, bèn nói:
- Bác ơi, tất cả là do trời, bác cho qua đi! Nhà tôi đang có ít rượu ngon do người ở Đại Hưng đem biếu, bác mang về một ít mà uống!
Cậu giúp việc lấy cái ống tre đổ đầy một ống rượu, dùng lá cây đồng bịt kín lại đưa cho ông quản đò.
Ông quản đò cầm ống rượu, ra khỏi phố bờ sông. Ông lủi thủi đi tới bến sông, rồi tới bờ sông chỗ Thiên Bảo mấy hôm trước lên thuyền. Ông quản Dương vẫn còn ở đó, đang thả cho la lăn lộn cọ mình trong cát, còn mình thì ngồi hóng mát dưới bóng liễu. Ông quản đò bước tới mời ông Dương nếm thử rượu Đại Hưng. Hai người dường như phấn chấn hơn chút ít, ông quản đò nói cho ông Dương biết đêm mười tư, hai anh em Thiên Bảo có đến hát ở núi Bích Khê. Nghe xong, ông quản Dương hỏi:
- Bác ơi, có phải chăng bác cho rằng Thuý Thuý ưng cậu Hai và nên gả cho cậu Hai?
Đang nói đến đấy thì cậu Hai Na Tống từ trên phố đi xuống. Chàng trai này có dáng như sắp đi đâu xa, vừa nhìn thấy ông quản đò liền quay trở lại. Ông quản Dương gọi:
- Cậu Hai, cậu Hai, cậu xuống đây, có chuyện muốn hỏi cậu đây!
Na Tống đứng lại, hỏi:
- Ông có gì muốn hỏi?
Ông quản Dương liếc nhìn ông lão đưa đò rồi nói với cậu Hai:
- Cậu xuống đây, có chuyện muốn nói!
- Chuyện gì thế?
- Tôi nghe người ta bảo cậu đã đi rồi cơ mà? Cậu xuống đây rồi tôi nói cho cậu nghe. Tôi không ăn thịt cậu đâu.
Chàng trai Na Tống mặt ngăm đen, hai vai rộng, sức sống như hùm beo gượng cười, đi tới gốc liễu. Ông quản đò chỉ về phía thượng du, nơi có nhà máy xay xát mới dựng, nói:
- Cậu Hai, nghe người ta nói, nhà máy xay xát ấy sắp tới là của cậu phải không? Cho tôi đến trông cối xay nhé, có được không?
Cậu Hai dường như không quen nghe những câu nói có dụng ý như thế nên im lặng. Ông quản Dương thấy không khí có phần căng thẳng bèn nói:
- Cậu Hai, cậu làm sao thế? Chuẩn bị xuống dưới đó đấy à?
Cậu thanh niên gật đầu rồi bỏ đi luôn.
Ông quản đò bị tẽn, trở về núi Bích Khê ngay sau đó. Khi về tới bến đò, ông làm vẻ bình thản nói cho Thuý Thuý biết tin:
- Thuý Thuý, trong thành có chuyện mới đây. Cậu Cả Thiên Bảo áp tải thuyền dầu xuống tới Thìn Châu thì ngã xuống sông ở bãi Từ, chết đuối rồi!
Vì chưa nghe hiểu nên thoạt đầu dường như Thuý Thuý hoàn toàn không chú ý đến tin đó. Ông ngoại lại nói:
- Thuý Thuý, chuyện này là có thật đấy! Ông quản ngựa lần trước đến đây làm mối còn bảo ông không nhận lời cầu hôn là rất cao kiến đấy.
Thuý Thuý liếc nhìn ông, thấy mắt ông đỏ lên, biết là ông đã uống rượu, vả còn có chút tâm sự không được vui nên thầm nghĩ: “Ai làm cho ông giận thế nhỉ?”. Khi đò sang bờ bên nhà, ông ngoại cười gượng đi lên nhà. Thuý Thuý trông đò, một lúc lâu không nghe thấy ông nói gì, vội chạy về nhà xem sao. Em thấy ông đang ngồi trên bậc cửa, bện quai cho giày cỏ. Thuý Thúy thấy thần sắc ông ngoại khác thường, bèn ngồi xổm trước mặt ông, hỏi:
- Ông ơi, ông làm sao thế?
- Thiên Bảo chết thật rồi! Cậu Hai Na Tống giận ông cháu ta, cho rằng nhà cậu xảy ra việc này là do chúng ta cả.
Có người đứng dưới suối gọi đò rất to, ông lão vội vàng đi xuống bến. Thuý Thuý ngồi trên đống cỏ ở góc nhà, lòng rối bời. Đợi một lúc không thấy ông trở lại, em bật khóc.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !