Một tháng lặng lẽ trôi qua, nỗi lòng trong lòng mọi người dường như đã lành qua những ngày dài dằng dặc đó. Trời oi bức lạ thường, mọi người đều mải đổ mồ hôi, dùng nước mát ủ rượu nếp mà ăn, chẳng cần bận lòng vì việc gì. Trong cuộc sống, việc vướng bận trong lòng thường không ở lại lâu. Thúy Thúy ngày nào cũng ngủ trưa dưới tháp trắng, phía mặt trời không soi đến. ở nơi cao này rất mát, lại có tiếng chim sẻ trúc hót trong rừng tre giữa hai núi khiến người giãn cả ra. Thứ chim này nhiều hơn các loài chim khác, cho dù tiếng chim núi có trùm lên giấc ngủ thì cô bé vẫn mơ những giấc mơ rất hoang đường.
Đó không phải là tội lỗi của người ta. Nhà thơ có thể vì một việc rất nhỏ mà viết nên được cả một quyển, một tập thơ; nhà điêu khắc có thể khắc nên hình người có da có thịt như sống; hoạ sĩ quét một nét xanh, vẩy một vệt đỏ hoặc xám là có thể vẽ nên bức tranh màu rất có sức hấp dẫn. Ai chẳng vì nhớ đến bóng dáng có nụ cười tủm tỉm hoặc một cái chau mày mà làm nên thành tích kỳ quặc không ngờ? Thúy Thúy không biết dùng chữ, dùng đá, dùng màu sắc để chuyển tình yêu ghét trong tim sang một vật khác. Em chỉ biết để cho con tim mình rong ruổi theo những sự việc hết sức hoang đường. Từ nỗi lòng giấu kín đó, em thường tìm thấy niềm hưng phấn vừa kinh sợ vừa vui mừng. Tương lai mà em không hề biết một chút gì làm em vô cùng xốn xang, em không làm thế nào giấu nhẹm mối tình si ấy không cho ông ngoại biết.
Còn ông ngoại, có thể nói ông biết tất cả rồi. Nhưng thực ra ông lại là người chẳng biết gì hết. Ông biết Thúy Thúy không chê cậu Hai nhưng lại không biết chàng trai ấy nghĩ thế nào. Ông quản bến và cậu Hai đã từng cho ông vấp đinh nhưng ông không nản lòng.
“Cần sắp xếp cho khéo mới được, có thể mới hợp với đạo lý”, ông già nghĩ như thế và càng thấy trước khi việc tốt thành công thì bao giờ cũng phải trải qua nhiều nỗi quanh co. Cho nên những giấc mơ trong khi thao láo hai mắt của ông càng hoang đường, càng không tưởng hơn cả cháu gái ông là Thúy Thúy.
Ông dò hỏi tất cả người địa phương qua đò về cuộc sống của cha con cậu Hai, quan tâm đến họ chẳng khác gì người nhà mình. Nhưng cũng thật lạ, vì thế ông lại sợ chạm mặt ông quản bến và cậu Hai, hễ gặp họ là ông chẳng biết nói gì ngoài việc xoa hai tay vào nhau theo thói quen, mất hẳn vẻ tự nhiên. Còn hai cha con ông quản bến đều hiểu ý ông, nhưng chàng trai chết đi ấy đã để lại ấn tượng thê thảm không xua đuổi nổi trong lòng họ. Bởi vậy hai cha con mới làm ra vẻ hoàn toàn không hiểu ý tứ của ông quản đò, cùng sống cho qua ngày tháng.
Rõ ràng ban đêm không nằm mơ, nhưng sáng ra khi nói chuyện cùng cháu gái, ông quản đò lại nói:
- Thúy Thúy, ông nằm mơ sợ quá!
Thúy Thúy hỏi:
- Ông mơ gì mà sợ quá?
Làm vẻ suy nghĩ về giấc mơ, ông già vừa nhìn kỹ đôi lông mày dài trên khuôn mặt xinh xinh của cháu gái, vừa kể về giấc mộng đẹp khi ông mở to cặp mắt vào lúc khác. Không cần nói cũng biết những giấc mơ ấy thực ra chẳng có gì đáng sợ.
Mọi dòng sông đều chảy ra biển, chuyện lúc đầu dù nói xa xôi đến đâu rốt cuộc cũng vẫn quay trở lại việc làm cho Thúy Thúy phải đỏ mặt. Khi nào thấy cháu gái hơi bực mình, vẻ mặt tỏ ra hơi bối rối thì ông già mới thấy hơi sợ, vội vàng giải thích hoặc dùng chuyện phiếm để che đậy ý vốn có trong vấn đề mà ông muốn nói.
- Thúy Thúy, ông không định nói như thế đâu. Ông già rồi, lú lẫn rồi, chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả.
Nhưng có lúc Thúy Thúy lẳng lặng lắng nghe những lời nói đùa lú lẫn đó của ông ngoại, nghe mãi cho đến khi em mím môi mỉm cười:
- Ông ơi, ông hơi lú lẫn thật rồi!
Ông cụ nghe nhưng không nói gì. Ông định nói: “Ông có đầy một bụng tâm sự đây!”, nhưng chưa kịp nói thì đúng lúc ấy có người gọi đò.
Trời nóng nực, người qua đò từ xa đến đây, trên vai là gánh nặng đến bảy chục cân, vừa đến bên suối đã muốn hóng mát, chưa vội đi ngay. Họ ngồi xổm bên vò trà đặt dưới mỏm đá uống nước trà mát, chuyền cho nhau ống điếu mà hút thuốc và bắt chuyện với ông quản đò. Rất nhiều chuyện trời ơi đất hỡi được nói ra từ đây để cho ông quản đò nghe. Có khi người qua đò thấy nước suối trong veo thì xuống suối rửa chân tay hoặc tắm táp qua loa. Họ ngồi càng lâu thì chuyện càng nhiều. Ông già kể lại chuyện đó cho Thúy Thúy nghe nên cô bé cũng biết được khối chuyện, từ chuyện giá hàng lên xuống ra sao, ngồi kiệu, đi thuyền tốn kém bao nhiêu, người chở phà khi cho phà từ trên bờ xuống nước thì hơn mười con sào phải cùng đẩy như thế nào, hút thuốc phiện trên thuyền thuốc phiện ra sao, đàn bà không bó chân hút thuốc kiểu gì..., chẳng chuyện gì mà không nói.
Cậu Hai Na Tống từ Xuyên Đông áp tải hàng về đến Trà Đồng. Lúc ấy đã gần hoàng hôn, mặt suối rất tĩnh lặng, ông ngoại cùng Thúy Thúy đang ở trong vườn rau ngắm mầm cải củ mới nhú. Thúy Thúy ban ngày ngủ nhiều nên cảm thấy hơi buồn chán. Vừa nghe tiếng gọi đò, em đã tranh chạy luôn xuống suối. Xuống đến nơi thấy hai người đứng trên bến đò. Qua ánh chiều tà, cô bé nhìn rất rõ phía sau lưng và nhận ra đó chính là cậu Hai Na Tống cùng một người làm công ở nhà cậu. Thúy Thúy giật nảy người, quay đầu bỏ chạy vào rừng tre như con thú nhỏ gặp phải thợ săn. Khi nghe thấy tiếng chân chạy, hai người đứng bên bờ suối ngoảnh lại nhìn thì cũng đã hiểu ra sự việc. Đợi một lúc nữa không thấy ai xuống chở đò, anh làm công lại gọi toáng lên lần nữa.
Ông quản đò nghe rõ lắm nhưng vẫn ngồi xổm ngoài vườn ngắm mầm cải, thầm thấy buồn cười. Ông đã nhìn thấy Thúy Thúy bỏ chạy và biết hẳn cô cháu gái mình đã nhìn rõ người qua đò ấy là ai, nên ông cố ý ngồi lại ở trên mỏm đá cao, không chịu xuống. Thúy Thúy còn nhỏ chưa đến tuổi nhận việc, người qua đò muốn qua mà em không chịu đưa đò thì cũng chẳng làm gì được em, vì vậy họ đành gào lên đòi qua đò. Người làm công gọi mấy lần thì cũng thôi, ngoảnh lại hỏi cậu Hai:
- Họ chơi trò gì vậy hả cậu Hai? Lẽ nào ông già đổ bệnh chỉ còn mỗi một mình Thúy Thúy? Cậu Hai đáp:
- Đợi chút nữa, xem thế nào!
Thế là hai người đợi thêm lúc nữa. Thấy khách bên bờ này lặng lẽ đợi, ông quản đò ngồi ngoài vườn nghĩ: “Lẽ nào là cậu Hai?”. Dường như ông già lo ngại làm phật ý Thúy Thúy nên vẫn ngồi yên, không đứng lên.
Chỉ một lúc sau, tiếng gọi đò lại vang lên bên bờ suối, tiếng gọi lần này có vẻ khác chút ít, đó mới thật là tiếng cậu Hai. Bực mình rồi hả? Đợi lâu rồi hả? Muốn cãi nhau hả? Ông quản đò vừa đoán lung tung vừa chạy xuống suối. Đến bờ suối, hai người ấy đã lên đò, một trong hai người chính là cậu Hai. Ông già kinh ngạc kêu lên:
- Trời ơi, cậu Hai! Cậu về rồi à?
Chàng trai dường như rất bực mình:
- Về rồi! Đò ông làm sao thế? Đợi đến nửa ngày cũng chẳng thấy một ai!
- Tôi cứ tưởng... - Ông quản đò nhìn quanh một lượt nhưng không thấy Thúy Thúy đâu, chỉ thấy con chó vàng chạy xuống từ phía rừng tre trên núi. Ông biết Thúy Thúy đã lên núi, bèn nói chữa: - Tôi cứ tưởng cậu qua đò rồi!
- Qua đò rồi? Không chờ ông xuống ai dám cho đò qua? - Anh làm công nói, vừa lúc đó có con chim nước đập nước bay lên. - Chim đã về tổ, chúng tôi cũng phải về nhà ăn cơm chứ!
- Còn sớm lắm, về đến phố còn sớm lắm! - Nói xong ông già nhảy lên đò, rồi vừa nghĩ thầm: “Chẳng phải cậu muốn kế thừa con đò này hay sao?” vừa kéo dây chão cho đò rời bến.
- Cậu Hai, đi đường mệt lắm nhỉ?
Ông quản đò gợi chuyện nhưng cậu Hai chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng muốn nghe tiếp. Thuyền vừa cập bến, cậu Hai đã cùng người làm công vượt qua núi đi mất dạng. Thái độ lạnh nhạt đó đã để lại ấn tượng trong lòng ông quản đò. Đứng trông theo họ, ông giơ nắm đấm dọa dứ ba lần và gào lên khe khẽ rồi đưa đò trở về.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !