Đến đêm, quả nhiên mưa rất to xen lẫn với những tiếng sấm rợn người. ánh chớp vừa loé sáng trên mái nhà thì tiếp ngay sau đó là tiếng sét nổ. Thúy Thuý run lên trong bóng tối. Ông ngoại cũng đã thức giấc, biết cháu sợ, lại lo cháu bị lạnh nên ông trở dậy lấy chăn đơn đắp lên người cháu rồi bảo:
- Thúy Thúy, không phải sợ!
Thúy Thúy nói:
- Cháu không sợ! - Nói xong, em nói thêm: - Có ông ở đây thì cháu không sợ!
Sấm nổ đánh đùng một tiếng thật to, tiếp theo là tiếng nước lũ cuồn cuộn át cả tiếng mưa rào. Hai ông cháu cho rằng chắc chắn vách đá dựng đứng bên bờ suối đã bị lở, lo cho con đò có lẽ đã bị đè bẹp dưới vách đá từ lâu rồi. Hai ông cháu chỉ còn biết lẳng lặng nằm trên giường nghe tiếng mưa và tiếng sấm.
Nhưng bất kể mưa to đến mức nào, chẳng bao lâu Thúy Thúy đã ngủ thiếp đi. Khi em tỉnh dậy, trời đã sáng bạch. Không biết mưa tạnh từ lúc nào, em chỉ còn nghe thấy tiếng nước từ trên rãnh núi hai bên bờ đổ xuống suối. Thúy Thúy trở dậy nhìn sang ông, thấy ông dường như vẫn còn ngủ say. Em mở cửa bước ra ngoài, trước cửa đã thành một rãnh nước. Một dòng nước từ sau tháp ào ào chảy xuống theo vách đá thẳng đứng ở trước mặt. Khắp nơi đều là những rãnh nước mới được tạo ra, vườn rau bên cạnh nhà đã bị nước cuốn đi, mầm rau bị vùi lấp dưới bùn và đất đá. Em bước thêm về phía trước nhìn xuống suối thì mới biết nước suối dâng cao, làm ngập cả bến đò, nước đã mấp mé đến chỗ đặt vò trà. Con đường xuống bến đò chẳng khác gì một dòng sông nhỏ, ào ào cuốn theo bùn đất vàng khè. Dây chão bắc ngang qua sông để kéo đò đã bị ngập trong nước, con đò đỗ dưới bến đã không còn trông thấy đâu nữa.
Thúy Thúy thấy vách đá dựng đứng trước nhà không hề sụt lở, nên lúc ấy vẫn chưa để ý xem con đò có còn không. Sau một hồi tìm trước tìm sau không thấy con đò, em bất ngờ quay đầu lại nhìn thì cây tháp trắng phía sau nhà cũng không còn, bấy giờ em mới hoảng hồn. Em vội chạy ra sau nhà mới biết cây tháp đã sụp đổ, gạch đá từng đống lớn chất lung tung ở đó khiến em hoảng quá, chẳng biết làm thế nào, chỉ còn biết kêu thét lên gọi ông. Ông không trở dậy, cũng chẳng trả lời, em vội chạy vào nhà. Tới bên giường ông, em lay gọi rất lâu nhưng ông ngoại vẫn không lên tiếng. Thì ra ông già đã tắt thở khi mưa gió, sấm chớp sắp tạnh.
Thúy Thúy bật khóc nức nở. Lúc ấy, một người ở Trà Đồng có việc phải đến Xuyên Đông, tới bờ suối đứng bên đó gọi đò. Thúy Thúy đang ở trong bếp, vừa khóc vừa đun nước để tắm rửa cho ông ngoại đã ra đi.
Người gọi đò tưởng hai ông cháu vẫn còn ngủ, gọi mãi không ai thưa mà mình lại có việc gấp, bèn ném đá bên bờ bên này sang tới mái nhà hai ông cháu. Thúy Thúy nước mũi, nước mắt đầy mặt bước ra, chạy lên mỏm đá cao bên suối đứng ngây ra ở đó.
- Này, muộn rồi đấy, đưa đò sang ngay đi!
- Đò trôi mất rồi!
- Ông cháu bận việc gì thế? Ông ấy coi đò kia mà!
- Ông cháu coi đò, coi đò suốt năm chục năm nhưng nay ông cháu chết rồi!
Thúy Thuý vừa nói với người ở bờ bên kia vừa nức nở khóc. Người kia biết ông quản đò đã chết, tin này phải vào thành báo, bèn nói:
- Chết thật rồi sao? Chú phải về báo tin cho họ biết để họ cho một con thuyền chở các thứ đến đây.
Người ấy về đến thành Trà Đồng thì gặp người quen, bèn báo tin cho người đó biết. Chẳng mấy chốc, cả thành Trà Đồng đều biết tin này. Ông quản bến Thuận Thuận ở phố bờ sông cử người tìm một con thuyền mang theo cỗ quan tài bằng gỗ trắng, tức khắc chở đến bến Bích Khê. Còn trong thành, ông quản ngựa họ Dương cùng một người lính già nữa, đi ngay tới núi Bích Khê, chặt mấy chục cây tre to, cột lại bằng dây mây làm bè, tạm thời làm đò chở người qua suối. Bè kết xong, hai người chống bè sang nhà Thúy Thúy ở suối bên kia. Ông Dương để ông lính già ở lại bè đưa người qua đò, còn mình chạy lên nhà Thúy Thúy thăm người chết. Nước mắt giàn giụa, ông Dương sờ nắn một hồi người bạn già nằm cứng đơ trên giường rồi vội vàng làm một số việc cần làm. Sau đó, những người giúp đỡ đều đã đến, cỗ quan tài chở theo đường sông lớn cũng đã đến. Ông đạo sĩ già ở trong thành mang theo pháp bảo(30) và xách theo một con gà trống để làm hết nghĩa vụ cho việc tụng kinh mai táng, cũng đi bè qua suối mà sang. Mọi người ra ra vào vào, còn Thúy Thúy chỉ biết ngồi trên chiếc ghế con bên cạnh bếp mà khóc hu hu.
Đến trưa, ông quản bến Thuận Thuận cũng đến. Người đi theo ông còn mang một túi gạo, một vò rượu, chân giò hun khói và thịt lợn. Thấy Thúy Thúy, ông quản bến nói:
- Thúy Thúy, bác biết ông ngoại cháu đã mất rồi. Người già thì phải chết, cháu đừng buồn quá, mọi việc đã có bác.
Ông xem xét mọi việc một lượt rồi ra về. Đến chiều, sau khi liệm xong, một số người giúp việc cũng ra về. Đến tối chỉ còn lại ông đạo sĩ già, ông quản ngựa cùng hai anh chàng làm công do ông Thuận Thuận cử đến. Trước lúc hoàng hôn, ông đạo sĩ đã cắt một số bông hoa bằng giấy xanh và đỏ, nặn đất sét làm chân nến. Khi trời đã tối hẳn, nến cửu phẩm màu vàng và hương được thắp lên trên chiếc bàn nhỏ đặt trước quan tài, xung quanh quan tài thì thắp nến nhỏ. Ông đạo sĩ khoác đạo phục bằng vải gai màu lam, bắt đầu làm nghi thức diễu quanh quan tài trong lễ đưa tang. Ông cầm cây phướn làm bằng giấy đi trước dẫn đường, thứ hai là con cháu chịu tang, cuối cùng là ông quản ngựa, ba người đi quanh cỗ quan tài hiu quạnh rất thong thả. Hai anh chàng làm công thì đứng chỗ trống hai bên bếp, gõ thanh la, não bạt loạn xạ. Ông đạo sĩ nhắm mắt vừa đi vừa hát vừa ậm ừ trong cổ họng để an ủi vong linh. Khi nói đến thế giới cực lạc bên Tây Phương có hoa thơm bốn mùa là nơi vong hồn sẽ tới, ông quản ngựa liền lấy hoa giấy trong khay gỗ tung cao lên cho rơi xuống quan tài.
Tới nửa đêm, công việc xong xuôi, đã đốt pháo và nến cũng đã sắp tàn. Thúy Thúy nước mắt lưng tròng vội vàng vào bếp nấu bữa đêm cho người đến giúp việc ăn. Cơm xong, ông đạo sĩ ngả người trên giường người chết đánh một giấc, mấy người còn lại vẫn phải canh quan tài theo đúng quy củ. Ông quản ngựa hát bài ca quanh việc đưa tang để mọi người đỡ hiu quạnh. Ông lấy cái đấu lớn dùng đong gạo làm trống, vừa gõ tay bồm bộp vừa hát, hát tích Vương Tường nằm trên băng, lại hát tích Hoàng Hương quạt gối.
Thúy Thúy khóc cả một ngày và cũng bận rộn cả một ngày, lúc này đã mệt lắm rồi nên vừa ngả đầu tựa vào quan tài đã thiếp đi ngay. Hai anh làm công và ông quản ngựa vẫn tỉnh táo như thường, ba người luân lưu hát. Chỉ thiếp đi một lúc rồi Thúy Thúy lại tỉnh. Dường như cô bé đã mơ thấy gì đó, khi giật mình tỉnh dậy mới nhớ ra ông đã chết, thế là lại khóc ti tỉ.
- Thúy Thúy, đừng khóc nữa. Người đã chết rồi, có khóc cũng không sống lại được.
Ông quản ngựa khuyên giải rồi kể câu chuyện cô dâu đã khóc ra sao. Trong lời kể có xem mấy tiếng thô tục khiến hai anh chàng làm công cười khùng khục rất lâu. Con Vàng sủa ở ngoài sân. Thúy Thúy mở cửa bước ra. Đứng ngoài cửa, em nghe tiếng côn trùng kêu ran khắp nơi. Trăng trên trời tuyệt đẹp, những ngôi sao lớn được khảm vào nền trời xanh thăm thẳm, khung cảnh hết sức tĩnh mịch, êm đềm.
Thúy Thúy nghĩ: “Sự thật là như thế sao? Ông mình chết thật rồi sao?”. Ông quản ngựa đi theo em từ nãy vì ông biết con gái hay nghĩ nông nổi, không chừng cô bé như một lò lửa ủ trong than, không hề để lộ dấu vết, khi thấy ông đã chết, tất cả mọi thứ đều vô vọng, cô bé nhảy xuống vực hay treo cổ để đi theo ông ngoại cũng nên. Bởi vậy ông quản ngựa mới phải để tâm trông chừng cô bé.
Thấy Thúy Thúy đứng ngây người, lâu rồi mà không trở vào nhà, ông quản ngựa hắng giọng rồi bảo Thúy Thúy:
- Thúy Thúy, sương xuống rồi, cháu không thấy lạnh hay sao?
- Cháu không lạnh.
- Trời hôm nay đẹp quá!
- Ô kìa!... Một ngôi sao rất to đổi ngôi khiến Thúy Thúy reo khẽ.
Tiếp ngay sau đó, về hướng nam có một ngôi sao nữa rạch trời đi xuống. Bờ suối bên kia có tiếng cú kêu.
- Thúy Thúy! - Ông quản ngựa đã đứng ngay bên cạnh Thúy Thúy, ôn tồn bảo: - Cháu vào nhà đi, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa!
Thúy Thúy lẳng lặng trở vào đến trước quan tài của ông, ngồi xuống đất rồi lại thút thít khóc. Hai anh làm công gác nhà đã ngủ.
Ông quản ngựa khẽ nói:
- Cháu đừng khóc nữa, đừng khóc nữa nhé! Ông cháu cũng buồn lắm đấy! Cháu có khóc mọng mắt, khản cổ thì cũng chẳng ích gì. Nghe bác nói đây, tâm sự của ông cháu thế nào, bác biết rồi. Mọi việc đã có bác, bác sẽ sắp xếp mọi việc đâu vào đấy để không phụ lòng ông cháu. Bác biết cách thu xếp, việc gì cũng thu xếp được. Bác sẽ tìm một người ông cháu thích mà cháu cũng thích để tiếp nhận con đò này. Nếu không được như ý của bác cháu ta thì tuy bác già thật đấy nhưng vẫn còn có thể cầm liềm liều mạng với chúng. Thúy Thúy, cháu yên tâm đi, mọi việc đã có bác!
Không biết ở nơi nào đó xa xa đã có tiếng gà gáy. Ông đạo sĩ già nằm trên giường lẩm bẩm một mình: “Đã sáng rồi sao! Còn sớm!”.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !