Rạng sáng, những người đến giúp đã mang dây thừng và đòn khiêng từ trong thành ra đây. Chiếc quan tài nhỏ bằng gỗ trắng của ông quản đò được sáu người khiêng lên núi phía sau ngọn tháp đổ để chôn, ông quản bến Thuận Thuận, ông quản ngựa, Thúy Thúy, ông đạo sĩ già, con chó vàng đi theo phía sau. Khi tới bên hố vuông đã được đào sẵn, ông đạo sĩ theo đúng lệ nhảy xuống trước tiên, bỏ một ít hạt chu sa và gạo trắng vào bốn góc và giữa huyệt, lại đốt một ít tiền vàng. Khi lên khỏi huyệt, ông bảo những người khiêng quan tài cùng một lúc hạ huyệt, Thúy Thúy gào khản cả cổ, phủ phục trước quan tài không chịu đứng lên. Ông quản ngựa phải kéo mạnh cô bé ra, bấy giờ mới chuyển được quan tài. Chỉ một lúc sau, quan tài đã được đất lấp kín, Thúy Thúy vẫn còn ngồi trên đất khóc nức nở.
Ông đạo sĩ phải về thành để làm cỗ chay cho người ta nên qua đò đi trước. Ông Thuận Thuận giao mọi việc cho ông quản ngựa rồi cũng về thành. Những người giúp việc đều xuống suối rửa chân tay, vả nhà người nào cũng có việc của người ấy, hơn nữa họ đều biết tình cảnh của gia đình này không tiện quấy rầy, không tiện làm kinh động chủ nhà nên đều qua đò trở về cả. Thế là núi Bích Khê chỉ còn lại có ba người: một là Thúy Thúy, hai là ông quản ngựa, ba là ông Trần Tứ Tứ hói đầu do ông quản bến cử đến, giúp việc trông coi tạm thời con đò. Con Vàng vì bị ông hói ném cho một hòn đá nên dường như nó rất ghét ông này, cứ sủa khe khẽ.
Đến chiều, Thúy Thúy bàn với ông quản ngựa, bảo ông về thành giao ngựa cho người trong doanh trông giúp rồi trở lại núi Bích Khê cho em có bầu có bạn. Khi ông quản ngựa trở lại núi Bích Khê thì ông cho ông Tứ Tứ hói đầu về thành.
Thúy Thúy vẫn cùng con chó vàng đưa đò để ông quản ngựa được ngồi chơi trên mỏm đá cao bên suối, thỉnh thoảng cất giọng già nua hát cho em nghe.
Ba ngày sau, ông quản bến đến bàn về việc đưa Thúy Thúy về nhà ông ở. Thúy Thúy còn muốn trông mộ cho ông ngoại, không muốn vào thành ngay, em chỉ xin ông quản bến vào nha môn trong thành xin phép cho ông quản ngựa họ Dương tạm thời ở cùng em. Ông quản bến đồng ý nhận việc này rồi ra về.
Ông quản ngựa họ Dương đã ngoài năm mươi tuổi nhưng tài kể chuyện thì hơn hẳn ông ngoại Thúy Thúy một bậc, lại thêm việc gì ông cũng rất quan tâm, làm việc gì cũng chóng vánh, gọn gàng, cho nên khi ông ở cùng Thúy Thúy thì Thúy Thúy cảm thấy tuy mất đi một người ông nhưng lại có thêm một người bác mới. Lúc chở đò, có người hỏi thăm ông ngoại đáng thương, hoặc nhớ đến ông ngoại lúc chạng vạng tối, đó đều là những lúc Thúy Thúy cảm thấy xót xa nhất, thê lương buồn thảm nhất. Nhưng dần dần nỗi thê thảm ấy cũng nhạt dần theo ngày tháng. Hàng ngày, vào lúc hoàng hôn và tối, hai bác cháu ngồi trên mỏm đá cao ở bên suối trước nhà kể cho nhau nghe chuyện cũ về ông ngoại đáng thương đang nằm dưới đất ẩm ướt. Có rất nhiều chuyện trước đây Thúy Thúy chưa hề biết, bây giờ được nghe, Thúy Thúy thấy dịu ngọt trong lòng. Ông quản còn kể về cha của Thúy Thúy, người lính vừa muốn tình yêu vừa tiếc danh dự, hồi ấy ăn vận binh phục của quân lục doanh nên đã làm cô gái xiêu lòng như thế nào. Ông quản còn kể về mẹ Thúy Thúy hát giỏi như thế nào và những bài hát ấy được lưu hành rộng rãi ra sao hồi bấy giờ.
Thời gian biến đổi, mọi thứ tất nhiên cũng khác đi. Hoàng đế còn không ngồi vững trên ngai vàng, nói gì đến người bình thường? Ông quản ngựa nghĩ đến thời trẻ mình làm lính chăn ngựa, ông đã dắt ngựa tới núi Bích Khê hát cho mẹ Thúy Thúy nghe, nhưng mẹ Thúy Thúy không thèm để mắt đến ông. Thế mà bây giờ ông lại trở thành chỗ dựa vững chắc duy nhất, người được gửi gắm duy nhất đứa con mồ côi này, nghĩ đến đây bất giác ông cười buồn.
Vì hai bác cháu cứ đến buổi hoàng hôn là nói chuyện về ông ngoại cùng những việc có quan hệ tới gia đình này, sau đó còn nói tới mọi chuyện trước khi ông quản đò chết nên Thúy Thúy mới biết được rất nhiều chuyện mà khi còn sống, ông ngoại không hề nói ra. Chuyện cậu Hai đến hát trước nhà, chuyện về cái chết của anh con cả ông Thuận Thuận, chuyện về thái độ lạnh nhạt của cha con ông quản bến đối với ông ngoại, chuyện người Trung Trại dùng nhà xay xát làm của hồi môn để dụ dỗ cậu Hai Na Tống, rồi cậu Hai vừa nhớ về cái chết của anh trai, vừa không được Thúy Thúy để mắt đến nên mới tức giận lên thuyền về xuôi, rồi nguyên nhân cái chết của ông ngoại có liên quan với Thúy Thúy như thế nào... đều kể hết. Thế là hễ việc gì Thúy Thúy chưa biết thì bây giờ cô bé đều đã biết. Sau khi đã biết mọi chuyện, Thúy Thúy khóc cả một đêm.
Sau lễ cúng tứ thất(31), ông quản bến Thuận Thuận cho người đến mời ông quản ngựa vào thành, bàn về việc ông đón Thúy Thúy về nhà làm vợ của cậu Hai. Nhưng cậu Hai đang ở Thìn Châu, nên trước hết chưa nói đến việc này vội, chỉ dọn đến phố bờ sông ở, đợi cậu Hai về xem ý tứ cậu ra sao. Ông quản ngựa cho rằng việc này phải hỏi Thúy Thúy. Trở về, ông thuật lại ý của ông Thuận Thuận cho Thúy Thúy nghe, lại nghĩ hộ chủ trương cho cô bé, cho rằng danh phận chưa xác định ổn thoả mà đến ở nhà một người khác thì chẳng bằng cứ ở núi Bích Khê, đợi cậu Hai đưa thuyền trở về rồi xem ý tứ của cậu ra sao.
Sau khi quyết định xong cách đó, ông quản ngựa cho rằng cậu Hai chẳng bao lâu thế nào cũng trở về, nên vẫn gửi ngựa nhờ người trong doanh trông hộ, còn ông vẫn ở núi Bích Khê cùng Thúy Thúy, chờ đợi ngày lại ngày qua.
Ngọn tháp trắng ở núi Bích Khê có quan hệ với phong thủy ở Trà Đồng, tháp đổ rồi mà không xây lại, tất nhiên là không xong. Ngoài doanh quân trong thành, Cục thuế vụ cùng các cửa hiệu và dân chúng quyên góp một số tiền ra, các trang trại lớn quanh đó cũng có người cầm sổ đi quyên tiền. Tháp được xây lại không có lợi riêng cho một người nào mà cần tất cả mọi người đều tích đức xây tháp, cho tất cả mọi người đều có dịp góp tiền vì thế trên đò cũng treo hai ống tre thật to, hai đầu có đốt, ở giữa cưa một vết hổng để người đi đò tự bỏ tiền vào ống. Khi nào ống tre đầy tiền, ông quản ngựa lại gửi vào thành cho người trông coi công việc và nhận một ống tre khác đem về.
Người đi đò không thấy ông quản đò đâu, Thúy Thúy lại thắt chỉ trắng trên bím tóc thì biết ông già đã làm tròn phận sự của mình, hiện đang bình thản nằm dưới hố sâu cho giòi bọ ăn. Bởi vậy họ đều nhìn Thúy Thúy với ánh mắt thông cảm rồi móc tiền ra bỏ vào ống tre và nói:
- Trời phù hộ cho ông cháu, người chết thì về Tây Phương, người sống thì được bình yên mãi mãi!
Thúy Thúy hiểu tấm lòng của những khách đi đò, lòng chua xót em vội vàng quay người đi mà đưa đò.
Tới mùa đông, ngọn tháp trắng bị đổ đã được xây lại, nhưng chàng trai hát dưới trăng khiến Thúy Thúy trong mơ mà linh hồn vẫn nghe được tiếng hát ấy nhẹ nhàng nâng lên thì chưa từng trở lại Trà Đồng.
.............................
Chàng trai ấy có thể mãi mãi không trở về mà cũng có thể “ngày mai” sẽ trở về.
Viết xong ngày 19 tháng Tư 1934
- HẾT TRUYỆN -
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!