Hạ gặp chị Quyên ở hàng gội đầu cắt tóc.
Hôm đó quán vắng khách. Bà chủ quán mặt sưng húp, nằm ủ rũ trên bàn gội đầu. Hạ mở cửa vào. Nhìn đôi mắt đỏ lựng của chị chủ, Hạ dợm gót quay ra.
- Đứng lại! - Quyên nhảy phắt xuống đất - Đi đâu đấy?
Thái độ bất bình thường của bà chủ khiến Hạ bất ngờ. Cô đứng khựng lại. Quyên nhìn chằm chằm vào mặt Hạ:
- Vào rồi sao còn định bỏ đi?
- Em…
Hạ luống cuống. Cô cầu viện đến một lý do để nhanh chóng thoát khỏi chỗ đáng ghét này. Đón khách hay hù dọa khách thế này? Chả lẽ bỏ tiền để vào nhìn mặt bà chủ sưng sỉa lên thế này sao? Cả con phố dài, có thiếu gì hàng cắt tóc. Mà tóc cô để dài thêm một ngày nữa, cũng không chết ai.
“Chỉ là em muốn hỏi đường”, cô có thể nói như thế. Nhưng rõ ràng để hỏi đường, có thể hỏi mấy bà già đang đứng buôn chuyện ngay trước cửa hàng gội đầu. Việc gì phải mở cửa vào tận bên trong thế này. Cô lúng túng. Sự thiếu tự tin luôn là điều Hạ căm ghét nhất ở bản thân mình. Nhưng vẫn buộc phải chung sống với nó. Và lẽ ra phải bỏ đi một cách đầy phẫn nộ - khỏi cái cửa hàng phách lối này - thì cô vẫn bần thần đứng lại. Qua những tấm gương lớn đặt quanh phòng, trông cô ngớ ngẩn hết sức.
- Ngồi xuống đi!
Quyên nói như ra lệnh. Chả hiểu sao, Hạ lại lắp rắp làm theo, không một mảy may chống đối. Tâm lý quen bị sai bảo ở cơ quan đã khiến cô trở nên bạc nhược rồi ư?
Ngồi xuống ghế - ừ thì ngồi. Và tiếp theo là hai đôi mắt gườm gườm nhìn nhau.
Hỏi:
- Gội đầu à?
Trả lời:
- Em không gội đầu.
Hỏi:
- Làm móng à?
Trả lời:
- Em không làm móng?
Hỏi:
- Thế cắt tóc nhé?
Trả lời:
- Em không muốn cắt tóc.
Hỏi:
- Thế vào đây làm gì?
Trả lời:
- Em nhầm.
Lần này thì không hỏi nữa, chủ nhà rút phắt cái khăn treo trên mắc xuống, quàng quanh cổ.
Hạ định nhổm dậy, liền bị Quyên ấn ghì xuống. Đoạn mắng:
- Ngồi yên đấy!
Hỏi:
- Chị định làm gì em vậy?
Trả lời:
- Đây không định hiếp dâm.
Vừa tức vừa phì cười:
- Chị muốn gì ở em?
Mắng:
- Ngồi yên đấy.
Đoạn tay với cái kéo trên bàn, túm tóc, cắt xoèn xoẹt. Mắng tiếp:
- Mặt gày như mõ còn để tóc tai lướt thướt như thế này. Ngồi yên đấy.
Xoèn xoẹt một lúc, Hạ nhìn vào gương, chả nhận ra mình nữa. Nhưng phải thừa nhận là đẹp. Mặt đỡ vêu vao, trông có hồn hơn.
- Chị cho em gửi tiền.
Mắng:
- Vớ vẩn. Cắt cho cái đầu giải xui thôi. Lần sau đến
Chuyện gặp nhau ban đầu của hai chị em diễn ra đúng như vậy. Nghe kể thì chắc chẳng ai tin. Nhưng không hề thêm bớt tí nào.
Lần sau gặp thì đã thành bạn thân.
* * *
Mười bảy tuổi, Quyên đã thành vợ người ta. Năm sau thì sinh em bé. Hai vợ chồng trẻ con, không nghề ngỗng, thừa tự ái và thiếu kiên nhẫn - đang từ yêu đương mặn nồng, quay ra cắn xé nhau. Con ba tháng viêm phổi, mẹ trong túi không có lấy một đồng. Chồng mải mê với đám tá lả. Bố mẹ chồng về trong quê lo việc xây lăng mộ, cả tháng cũng chưa xong. Nửa đêm, người mẹ trẻ ôm con đi bộ về nhà ông bà ngoại. Nước mắt mẹ, nước mắt con lã chã. Thề sau phen này về phải bỏ bằng được. Con cho trại trẻ mồ côi. Sống tự do cho nó sướng cái thân.
Hai bên nội ngoại mấy phen phải xúm dỗ dành, dàn hòa và thay nhau chăm sóc đứa trẻ, rồi nuôi luôn hai vợ chồng nhà trẻ con. Quyên được nhượng cho một cửa hàng cắt tóc gội đầu. Cũng mấy tháng theo thầy Sài Gòn học nghề. Chồng thì đi học nghề sửa xe máy. Cũng có đồng ra đồng vào. Con chưa được ba tuổi thì đứa thứ hai ra đời. Nhà cửa lại như có bão quét. Dư thừa nước mắt, chửi bới, trách móc, cắn xé nhau.
Từ một cô gái sắc nước hương trời, Quyên bị vắt kiệt như một vỏ mướp khô. Chồng chán tá lả, quay sang gái gú, đề đóm. Hai đứa con, nói chuyện bỏ chồng đâu phải
đơn giản.
Hôm Hạ đến cửa hàng, Quyên vừa mang tiền lên đồn công an chạy cho chồng về. Lý do: Chồng Quyên với lũ bạn động rồ, đưa gái vào nhà nghỉ, dùng thuốc lắc, hò hét, quan hệ với nhau như thời nguyên thủy. Công an ập vào, mặt vẫn đần đuồi đuỗi do phê thuốc. Vợ đến nhìn chồng, chỉ muốn chém cho một nhát. Chẳng lẽ không cứu? Chuộc chồng xong thì lo chuộc con xe GL mới cứng về. Tiền đâu? Hàng họ bấy lâu tích lũy được bao nhiêu thì nặn hết ra. Còn tiền của chồng đâu? Ăn chơi như phá ấy, hỏi tiền quá bằng chuyện lạ.
Chuyện là thế. Mắt húp, mặt sưng còn là may.
Thì cũng mấy lần định tự tử. Nhưng cứ nhắm mắt vào lại thấy hai đứa con đứng sừng sững, ngáng đường. Miệng ời ời gọi: Mẹ ơi đừng bỏ con. Nước mắt nước mũi chảy vòng quanh. Đành tặc lưỡi, cố mà sống vậy. Sống khốn nạn kiểu gì cũng được. Miễn là có chỗ dựa cho con cái. Nhưng Quyên không phải là dạng gái hạ cấp. Không học hành đến nơi đến chốn, hoàn cảnh trái khoáy - cũng không có nghĩa là lao vào đường bán trôn nuôi miệng, thẽ thọt với cánh đàn ông, nhặt nhạnh những đồng tiền bán thân rẻ mạt.
Sẵn có nghề cắt tóc gội đầu, rồi thì tập tọng mở cửa hàng. Năng làm năng quen. Năng làm năng giỏi. Túc tắc cũng kiếm tiền đủ sống nuôi con. Còn thì kệ cha đời. Thôi thì đành tự động viên mình mà sống, mà lạc quan lên. Chứ còn biết làm sao.
Ông trời không phụ kẻ khó. Cửa hàng làm không hết việc. Thì mở thêm cửa hàng mới. Bán thêm mỹ phẩm. Thời nay, có chị em nào không bỏ tiền cho mấy cái chuyện làm đẹp này. Bà chủ cửa hàng có duyên, khách vào khách ra nườm nượp. Quyên chạy không hết việc
Thôi thế cũng được. Đen tình đỏ bạc.
* * *
Hai con, tuổi ngoài ba mươi, Quyên vẫn đẹp ngời ngời. Chỉ có đôi mắt u uất không chịu nổi. Cánh đàn ông vào hàng gội đầu, không ít người mê Quyên như điếu đổ. Mê không phải như dạng qua đường, chấm mút tí ti cho vui vẻ. Mà là thực lòng. Người có vợ, người chưa vợ. Quyên cũng chả có ý định cưa cẩm tán tỉnh ai. Em là gái có chồng có con. Không bồ bịch nhăng nhít. Nhà có một thằng đàn ông bồ bịch là đủ tan cửa nát nhà rồi. “Khí tiết” ấy của Quyên, khiến cánh đàn ông vị nể và càng mê mệt cô hơn. Hoa tặng tới tới. Không tuần nào cửa hàng Quyên thiếu hoa. Tặng thế thôi. Yêu trong lòng thế thôi. Ở đời, có quý mến một ai đó ngoài chồng ngoài vợ, cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng biết được giới hạn dừng của nó thì không phải ai cũng đủ tỉnh táo. Mà trường hợp của Quyên, dễ bỏ mặc số phận đưa đẩy. Nhưng Quyên không thế.
Quyên chán đàn ông rồi. Có chồng cũng như không. Gọi là có một thằng bố cho con đỡ tủi thân. Còn thì cứ một mình cho đàn ông nó chết thèm - cô thường tự chọc mình những lúc đau khổ, mỏi mệt.
Từ lúc chơi thân với Quyên, khi nào buồn, Hạ thường đến cửa hàng Quyên để xả stress. Để được Quyên sai việc này việc nọ. Nào thì múc nước. Nào thì lấy khăn. Nào thì sấy hộ cái đầu. Lúc bí nhân viên quá, Hạ xắn tay áo, đứng gãi cho khách. Hết khách ra khách vào. Mỗi người mỗi vẻ. Mỗi người mỗi chuyện. Lúc nào mệt nhoài ra thì đóng cửa hàng, về ngủ một giấc lấy lại tinh thần.
- Hay em về đây làm với chị?
Bỗng một hôm, Hạ dè dặt đề nghị.
- Mày điên à. Tao không học hành gì thì mới nhận làm phận cu li đầy tớ thiên hạ thế này. Chứ mày…
- Em chán lắm rồi. Học hành thì sao nào? Cuộc sống của em bức bối quá. Em mệt mỏi lắm chị ạ.
- Tao tưởng mỗi mình tao điên. Mày nói thật đấy à?
- Em nói thật mà. Em phát điên lên đến nơi rồi.
- Cuộc sống… chả biết thế nào mà lần… Thích thì về đây làm. Nhưng tao chả tin. Cái ngữ đầu to mắt cận, chả biết gì ngoài chữ nghĩa như nhà cô, ở đây ba bữa thì chạy làng. Ờ, nhưng mà biết đâu được nhỉ…