Bữa nay dắt con đi ăn với khách hàng, mà dượng thấy con giao tiếp không được hay. Nên dượng viết bài này gửi con và các bạn trong câu lạc bộ “con-dượng”. Con đã năm cuối đại học rồi, vài bữa nữa là ra trường, đi làm. Kỹ năng ăn nói nó quan trọng lắm, mình ăn nói có duyên một cái á, muốn gì được đó. Ai cũng yêu mến, làm gì cũng hanh thông. Dượng soạn 10 bài về kỹ năng ăn nói, con cứ làm theo.
Bài 1: Ăn nói vô duyên
Trong xã hội mình, tồn tại một nhóm người mà người ta gọi là ăn nói vô duyên. Kiểu người này dân gian nó gọi là đồ “không duyên không dùng” gì hết. “Đồ con gái con lứa. Đồ đàn ông đàn ang”… Họ nói xong, người nghe ngượng nghịu, lúng túng, không tham gia được vào câu chuyện, khiến sự giao tiếp đến chỗ bế tắc. Do vậy, mình phải nhìn vào đối tượng giao tiếp để có cách giao tiếp phù hợp.
Thứ nhất là chuyện trình độ văn hóa. Mình phải phán đoán xem họ thuộc tuýp người học nhiều hay học ít mà có cách nói khác nhau. Gặp khách do điều kiện họ học hành không tới nơi tới chốn, mình đừng kể chuyện bằng cấp ra. Đừng đem kể về thành tích xưa em học đại học danh tiếng này đại học uy tín kia, lớp chuyên lớp chọn, em thi đại học mấy chục điểm, rồi chuyện bạn học, họp lớp, giảng đường… ra nói làm người kia không biết góp chuyện thế nào. Còn với người có học, cũng phải hết sức khéo léo. Tâm lý ở Việt Nam là trường công thì được đánh giá cao hơn trường tư, tốt nghiệp trường đầu vào điểm cao thì được nể hơn trường có đầu vào thấp, nên người ta có khuynh hướng che giấu các trường học mà họ cho là không có giỏi, cốt cũng chút sĩ diện, con đừng ép.
Ví dụ dượng có lần gặp 1 chị kia, chị học 1 trường nào đó chắc cũng ít người biết. Dượng hỏi thì chị nói chị hồi xưa tốt nghiệp trường đại học Cà Mau, tức cùng trường với dượng. Cái dượng hỏi lại dạ vậy chị đồng môn với em rồi, học khóa mấy nhỉ, thấy chị ấp úng một hồi, nói hình như khóa năm 2000 hay sao ấy, chuyên về kinh tế mà dạy bằng tiếng Lào. Dượng nghe vậy biết là không phải rồi, nên thôi không hỏi nữa, chỉ nói dạ, chuyển chủ đề. Mình mà vặn vẹo thêm là làm gì trường này có khoa tiếng Lào, hay kiểu làm gì có khóa 2000, phải là K21, K22…chứ thì chỉ làm chị ấy quê. Quê thì khó huề. Chả có tác dụng gì cả. Nên con gặp ai nói tốt nghiệp trường đó trường đó, nếu mình hỏi chị biết thầy A, giảng đường B hay môn học C không, họ lúng túng nói kiểu hồi đó học nhiều lắm chả nhớ gì, thì thôi không hỏi nữa, nhé. Chuyển ngay chủ đề cho dượng. Con mà xoáy vô ép cho được thì một hồi lòi ra là chị học đại học Harvard, là trường không có nổi tiếng nên chỉ muốn giấu nhẹm đi. Con vui sướng biết bao vì tìm ra sự thật, nhưng cơ hội giao tiếp giữa con với chị ấy đến đây là kết thúc. Vì con vô duyên.
Thứ 2 là con phải có óc quan sát. Bài viết về óc quan sát, dượng sẽ viết riêng một bài. Trong giao tiếp con cố gắng để ý theo dõi, quan sát những điểm chung giữa mình và đối tượng giao tiếp, nói cái gì mà cả 2 đều hào hứng tham gia nghe và nói. Khi ngồi cùng một bà lão không còn răng, con đừng mời bà nhai khô mực. Nói ngon lắm, ăn đi. Ủa sao răng bà rụng hết trơn vậy, chắc bà ít quánh răng phải hem. Coi răng con nè, đều tăm tắp. Bà lão sẽ nhổ bã trầu vào mặt con. Hay con đi đám ma, con chúc tang gia có 1 ngày tang lễ thật nhiều niềm vui, hay ăn mặc quần áo xanh đỏ tím hồng, đứng chụp hình tự sướng post lên facebook, nói với gia chủ chết thì thôi chứ gì đâu mà buồn dữ vậy, ai hổng chết, còn vừa nói vừa cắn hột dưa nhả đầy nhà, móc điện thoại ra cười nói xôn xao…..thì một lúc cả tang gia sẽ bối rối. Hay đi đám cưới thì con lao lên sân khấu, rên rỉ hát mấy bài nội dung toàn tan vỡ và chia tay. Một hồi là bị cô dâu chú rể rượt dí con chạy có cờ luôn. Ngồi uống cà phê với 1 nhóm bạn, con phải tìm điểm chung của tất cả mọi người để ai cũng có thể tham gia vô nói, chứ trong nhóm có 1 anh rành bóng đá, còn tất cả các chị còn lại thì chỉ biết nấu ăn, con hào hứng nói bóng đá với anh kia, mấy chị còn lại sẽ chán, muốn bỏ về. Nên người thông minh nhất là người tìm điểm chung nhiều nhất, rồi triển khai cho họ góp chuyện. Thật ra, cứ 2 người con gặp ngoài đường bất kỳ, họ đều có điểm chung cả, tại con không biết nhận ra ấy thôi. Ví dụ, họ đều là người Việt Nam, đều biết tiếng Việt, đều đang đi xe máy, đều thích ăn cơm hơn ăn phở, đều đọc Tony Buổi Sáng….Con chụp lấy khai thác liền, thế là mọi người đều rôm rả tham gia, giao tiếp sẽ đạt đến mức xuất sắc, ai nấy đều nhìn con, yêu mến, say mê.
Nhưng con cũng phải để ý tránh làm tổn thương hay tự ái cho người nghe khi đề cập đến điểm yếu của họ. Vừa giao tiếp vài câu, mình phải lanh lợi nhận ra điểm yếu của từng người để đưa vô list các chủ đề nhạy cảm, phải lái qua đề tài khác nếu ai đó đề cập. Giả dụ trong nhóm ngồi uống cà phê đó, có 1 anh rất xấu trai, mà có 1 chị cứ mãi huyên thuyên về sự thanh tú của dượng, thì chắc chắn anh kia cũng mặc cảm, cũng có chút buồn nhẹ. Con nghe thấy thì lập tức lái chủ đề sang hướng khác ngay. Nói ” dạ mấy anh chị hem biết chứ dượng Tony của con dạo này cũng xuống sắc rồi, À, mà cái bài viết về XYZ hôm bữa chị thấy hay hem, đọc xong em cũng muốn đi Hà Giang”. Cái họ sẽ nói theo ý con vừa nói. Con rút kinh nghiệm, con chỉ đề cập chuyện ngoại hình của dượng khi đi cà phê với Alain Delon hay Lương Triều Vỹ, con nhé.