Cà Phê Cùng Tony Gà què liệu có gáy vang?

Gà què liệu có gáy vang?
Tony thích dùng hàng hóa có nguồn gốc từ nông sản Việt, như uống nước trái cây của Le Fruit, nhà máy này dưới Cần.

Và mới ăn thử Sô-cô-la Việt nam nhãn hiệu MAROU, do 2 bạn Tây ba lô sản xuất.

2 cậu Tây này, 1 lần đi du lịch ba lô sang nước ta và phát hiện ra Việt Nam trồng được cây cacao. Khác với cà phê có thể phơi khô, tự rang, tự xay để uống một cách dễ dàng, thì từ hạt cacao để làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức phức tạp, phải ủ lên men mất mấy tháng, nên người trồng chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô với giá rẻ mạt. Cây cacao thật sự là mỏ vàng ở Việt nam, vì thổ nhưỡng hay khí hậu các nước trồng được loại cây này chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu sử dụng khắp thế giới. Thế rồi 2 cậu Tây quyết định ở lại VN, lập nghiệp. Mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ trước. Và đặt tên theo vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng….với hàm lượng cacao tinh chất gấp mấy lần loại sô-cô-la cao cấp nhất trên thị trường. Nghe đồn giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước. Tụi Tây ăn xong nghiện quá. Thậm chí người bán hàng trong các cửa hàng Chocolate đắt tiền ở khu Grand Palace ở Brussel, kinh đô Sô-cô-la thế giới, cũng không ăn sản phẩm Sô Cô La chế biến quy mô công nghiệp rồi nữa, đổ xô sang Việt Nam tham quan xưởng sản xuất và mua sản phẩm của 2 cậu này.

Và các bạn trẻ, nếu thất nghiệp hay đang rảnh rỗi, nghiên cứu trồng trọt hay sản xuất cái này xem sao. Thị trường còn mênh mông lắm, mấy nước xứ lạnh như Hàn, Nhật, châu Âu, Mỹ….trồng đâu có được, mà họ ăn uống sô-cô-la kinh lắm. Riêng bán được cho Trung Quốc thôi thì nông dân Việt Nam mình trồng trối chết cũng không kịp nhu cầu nữa.

Bạn trẻ, hãy lao vào làm đi, đừng ngồi than thở nữa. Thiên nhiên ưu ái quá, chỉ mình ít động não hay động tay chân thôi. Hạc hành ngành gì không quan trọng, ngành đào tạo gì kệ mẹ nó, xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người. Thất nghiệp là do mình, chứ hận chi cha mẹ, hận chi thầy cô, hận chi cái trường. Mình chăm chỉ hạc hành, ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kỹ năng mềm đều thành thạo, tính tình lại tinh tế vui vẻ lanh lợi…thì mắc mớ gì không có việc.

À, mà tại không đọc chuyện của Tony nên thất nghiệp. Thôi thì giờ lập tức sửa chữa. Dẹp bỏ mọi tư tưởng bó hẹp trong đô thị lớn, hãy mạnh dạn bung ra các tỉnh xa xôi mà làm giàu. Có 2 người bạn của Tony ở Hà nội, một tốt nghiệp ngoại thương, một tốt nghiệp kinh tế quốc dân, từng nói là “ bọn tôi chỉ ở Hà Nội, hoặc cùng lắm là vào Sài Gòn ở Phú Mỹ Hưng, chứ các vùng khác không sống được”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua tự kiêu hãnh gì đó không rõ của người thủ đô, 1 bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu một công ty thủy sản, 1 bạn về Lâm Hà ( Bảo Lộc), xin vào làm kế toán cho 1 nông trường trồng bơ và cà phê. Lúc ra đi, bạn bè họp ở cà phê Hàng Mành bỉu môi khinh bỉ, nói 2 đứa mày kiếm không ra việc phải đi tha hương cầu thực, nhục mặt chưa. Mới có 7 năm thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên 2 bạn ấy tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ, …..thành những nông trường lớn, rồi sản xuất xuất khẩu, tiền cứ thế mà vào nhà, giàu không ai địch lại. Có tiền rồi, cứ rảnh là thay đồ đi Mỹ nghỉ dưỡng. Đãi sinh nhật ở Singapore chứ ở Sài Gòn không thèm, con cái đều hạc trường quốc tế, đời sống phong lưu và tử tế của người kiếm tiền bằng mồ hôi của mình. Tony nói kẹt tiền là mang lên cho Tony mượn 1 tỷ. Đem hết bà con ngoài ấy vào, giờ thành những danh gia vọng tộc.

Còn đám bạn cũ của tụi nó, kiên quyết đeo bám 5 cửa ô đất Tràng An, ngõ nhỏ-phố nhỏ-tâm hồn nhỏ, cứ sáng sáng ngồi uống chè, đút 2 cái tay vào đùi, hít hà cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng nói được…nhưng chỉ có làm thì lại không được. Tối tối tự sướng bên đĩa thịt chó và mấy lá mơ lông, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chì chiết của vợ con.

Hà cớ gì cứ phải bám trụ ở Sài Gòn Hà Nội trong khi tìm miết không có việc làm? Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán giao thương với những con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền. Để dân tộc họ giàu có. Còn mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “ gà què ăn quẩn cối xay”, canh me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó mới quanh quẩn kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì suốt ngày quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?

Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Lào, Cambodia, Myanmar….hãy còn nhiều cơ hội!

Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn. Mà cất tiếng gáy vang, cho đời nó nể….

Nguồn: truyen8.mobi/t129090-ca-phe-cung-tony-ga-que-lieu-co-gay-vang.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận