Chương 11 Khi tôi từ từ tỉnh lại, mặt trời buổi sáng đang chiếu qua cửa sổ phòng khách. Ngay trước khi ngồi dậy, trông thấy góc các tia sáng, tôi biết trời đã khá trưa. Tôi cố gượng vừa đủ để ngồi lên và nhìn đồng hồ tay. Sáu giờ năm mươi bảy. Tôi đã bị bất tỉnh hơn hai tiếng đồng hồ. Tôi có cảm giác đầu mình đã bị nứt, nhưng khi tôi đưa bàn tay sờ qua một cách đầy sợ hãi về phía sau, tôi không thấy máu mà chỉ có một cục u bên cạnh vành tai. Tôi biết mình đã bị đánh ngất một cách tài tình bởi một tay chuyên nghiệp biết cách làm sao cho nạn nhân không chết.
Ngoài ra còn có một mùi vị ngọt một cách buồn nôn trong miệng tôi và một cảm giác nóng ran chung quanh mũi và môi trên của tôi. Thuốc mê. Đúng rồi, không lẽ chỉ một cú đánh dù mạnh đến mức đó, mà lại có thể làm cho tôi mê man quá lâu như thế này.
Tôi phải ngồi yên mấy phút, tay ôm đầu cho tới khi bớt nhức, mới có thể vận sức đứng dậy được. Ngay chính công việc này cũng phải chia thành từng giai đoạn: đặt bàn tay trái lên mặt thảm, chống thân hình lên bằng hai đầu gối, bỏ một bàn chân trên sàn và đẩy mạnh. Bước đi cũng không phải dễ dàng. Tôi bước một cách chậm chạp và lảo đảo tới khung cửa sổ gần nhất nhìn ra bến tàu, cố xem thử có phải tàu đang rời bến. Tôi có thể cảm thấy máy tàu chuyển động lại. Nắm chặt mép cửa sổ bằng cả hai bàn tay, tôi trông thấy quang cảnh bến tàu đang di chuyển từ từ xa dần hông tàu. Về phía bên trái tôi có thể trông thấy bờ dốc lài lài trôi lui mãi. Tôi nhìn nhanh khắp bến tàu. Ngòai bốn người, tất cả hành khách khác đã biến dạng vào khung cửa đen ngòm của dãy nhà quan thuế chạy dài bên kia đường sắt. Họ là ba người đàn ông và một người đàn bà, vừa đi tới khung cửa rộng và tối đen. Petrelli đang đẩy một chiếc ghế lăn mang một người băng đầu kín mít. Anson bước một bên chiếc ghế. Và Monique bước phía bên kia. Ngay lúc vừa đến khung cửa, Monique chợt dừng chân và nhìn lui. Tôi có thể trông thấy khuôn mặt hình trái xoan của nàng một cách khá rõ trong ánh nắng của buổi sáng sớm. Anson dừng cách nàng một bước về phía trước. Ông ta nói với nàng một câu gì đó. Tôi có thể đoán được vẻ nóng nảy trong thế đứng của ông ta. Nàng vẫn đứng nhìn lui thêm một lúc, mắt lướt dọc theo con tàu tựa hồ đang tìm một người nào ở trên boong. Tôi vội vàng tháo con ốc gắn khung cửa sổ, nhưng ngay trong lúc cố tháo, tôi biết phải mất nhiều thì giờ mới mở được cả bốn con. Đúng khi tôi ngừng tháo cửa, Monique quay người và đi theo Anson vào trong khung cửa như một miệng hang. Hình ảnh cuối cùng của nàng mà tôi đã được thấy trong lúc nàng ra khỏi nơi có ánh nắng là chiếc váy của nàng xoay nhẹ dưới lai chiếc áo choàng ngắn bằng lông chồn. Mấy lời nói của Monique chợt vang lại trong tâm trí tôi trong lúc tôi nhìn nàng đi và một mùi vị cay đắng dâng lên từ đáy cổ của tôi. "Thời giờ... thời giờ của em đã tới rồi." "Đây là lần cuối cùng... lần cuối cùng em có thể nói chuyện với anh". Tôi phải ngồi xuống ở bàn viết của Monique một hồi lâu mới có thể đủ thăng bằng để đi ra cửa. Tôi chậm bước trở về phòng riêng, tay vịn vào vách ngăn, có cảm t ưởng sắp sửa ngất xỉu lại trước khi về tới nơi. Nhưng tôi đã không ngất. Tôi đâm bổ người qua ngưỡng cửa và với tay lui đóng cánh cửa lại. Mãi đến khi tôi lụp chụp bật đèn lên rồi tôi mới trông thấy có ai nằm dài trên tấm thảm nhỏ bên cạnh giường. Đó là Martin Allen. Ông ta đã gần chết khi tôi sờ vào mình ông ta. Cán một cây dao dài dựng đứng sau lưng ông ta trong lúc ông ta nằm úp mặt xuống tấm thảm. Ông ta gượng ngóc đầu dậy khỏi mặt sàn, nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ. Tôi gọi: - Allen! Ai đâm ông vậy? Miệng ông ta mấp máy một hồi mới thì thào được một tiếng: - Matuschek. Giọng ông ta đã quá yếu, như của một người hấp hối. Tôi luồn một bàn tay dưới trán ông ta và giữ cho mặt ông ta khỏi chạm lên nền. Tôi không thể lăn ông ta nằm ngửa ra được vì kẹt con dao. Máu ông ta chỉ chảy ra ngoài chút ít, nhưng lưng áo choàng ướt sũng một khoảnh và ở khóe miệng có một tia máu bầm bắt đầu rỉ ra. Tôi hiểu ngay như vậy nghĩa là gì. Tôi liền nói: - Allen, ông đừng lo. Để tôi đi gọi bác sĩ. - Không! Ông ta như đem tất cả sức lực cuối cùng còn lại để ngăn cản. Tôi có thể thấy rõ thân hình ông ta cứng đờ đi vì đã dùng quá sức trong lúc vẫn cố gắng nói tiếp: - Không! Trốn đi. Nghi ngờ ông. Hãy im lặng trốn đi. Nói với Dill'm. Suit... Try...Hai tiếng cuối quá yếu đến nỗi tôi không thể chắc chắn mình có nghe đúng hay không. Ông ta lại lắp bắp: - Suit... Try... Rồi máu tươi trào ra khỏi miệng ông ta và mắt ông ta dại hẳn khi tôi nhìn kỹ lại. Tôi đặt nhẹ đầu ông ta xuống và ngồi ngửa ra. Trong đời tôi, tôi đã từng chứng kiến nhiều người chết. Tôi đã nhận thấy một điều khá kỳ lạ là cơn đau đớn lúc chết của mỗi người đều giống nhau. Một kẻ đang hấp hối và biết mình sắp chết bao giờ cũng gần như sẵn sàng ra đi. Các bạn của tôi là những người chịu nhiều đau đớn hơn hết. Tôi đã từng trông thấy nhiều bạn thân gập người lại vì đau đớn đến chịu không nổi, đã từng nhìn ánh mắt lạc thần của một người mặc cho huyết thanh từ từ chuyền sang từ cái chai treo trên cây súng đang cắm lưỡi lê vào nền đất cứng. Nhưng cảnh tượng ngoài trận tiền bao giờ cũng đau lòng hơn bất cứ một nơi nào khác vì đôi mắt lạc thần là của một kẻ thân yêu như một người anh em cùng chung máu huyết. Mãi một lúc thật lâu sau tôi mới trông thấy cái hình do Martin Allen vẽ một cách vụng về trên mặt gỗ màu vàng của chiếc ghế đẩu bên cạnh giường. Trong phút chốc, tôi quên hết nỗi phiền muộn. Cái hình được vẽ bằng chính máu của ông ta, gồm một hình chữ nhật với hai hình chữ nhật nhỏ hơn nằm bên trong, đối xứng nhau qua đường chéo và góc dính vào nhau. Dần dần tôi mới hiểu được ý nghĩa của nó: một trong những mẫu cờ dùng làm ám hiệu cho các lọai tàu bè, có ngụ ý: " Bạn đang đứng giữa vùng nguy hiểm". Tôi dí một ngón tay lên đó và nhận thấy máu đã bắt đầu đông đặc và đen bầm. Nhưng Allen đã để lại cho tôi một bức thông điệp. Họa chăng chỉ có Chúa mới hiểu được tôi cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cái chết của Allen trong suốt mười lăm phút ngồi xuống bên cạnh xác của ông ta, nhìn nó lạnh dần. Nhất định bọn chúng đã bắt được ông ta và giam giữ kín ở một nơi nào đó cho tới lúc giết ông ta và bỏ xác trong phòng tôi. Nhưng tôi phải thoát ra khỏi cảnh ngộ này, và tôi bắt đầu nghĩ đến vần đề của chính mình. Tôi khó lòng mang xác Allen trở về phòng ông ta qua dãy hành lang chật hẹp trên tàu. Còn để lại đây, chắc chắn người ta sẽ phát giác trước khi tôi kịp qua khỏi phòng kiểm nhận thông hành ở Southampton. Trừ phi tôi có thể giấu kỹ ông ta. Tôi chỉ nghĩ ra được mỗi một chỗ, và ngay cả chỗ này cũng rất nguy hiểm. Không biết bao lâu sau thì người ta lau chùi căn phòng này? Có lẽ không trước cuộc lau chùi toàn diện chiếc tàu để chuẩn bị chạy trở qua Đại-tây-dương. Ít nhất tôi cũng thừa sức lừa phỉnh được Err. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Tôi phải duy trì tự do để dễ dàng hành động. Thật là may mắn vì tôi đã bảo Err đừng mang trà cho tôi trong buổi sáng cuối cùng này. Cố quên chiếc đầu nhức nhối và mùi vị đắng chát trong cổ họng vì buồn nôn, tôi xoắn mấy ngón tay vào phía sau cổ áo của Allen và kéo lê ông ta cùng tấm thảm nhỏ mà ông ta đang nằm lên băng ngang sàn tới cửa buồng tắm. Tôi không dám nâng ông ta lên cao vì sợ làm tràn vũng máu còn chưa thấm qua lớp thảm. Ông ta nặng một cách không ngờ. Chiếc đầu võ sĩ của ông ta lắc lư yếu xịu. Tôi suýt nôn mửa mấy lần trong lúc kéo ông ta tới cửa và vật lộn với ông ta cùng tấm thảm để đưa tất cả lên bậc cửa cao hơn nền phòng rồi sau đó lên cạnh bồn tắm lại còn cao hơn nữa. Cuối cùng tôi phải rút lưỡi dao ra để cho khỏi bị vướng lúc lăn ông ta vào bồn. Tôi ngạc nhiên thấy chỉ có một chút máu chảy khi tôi rút dao ra. Tới đây thì tôi không sao nín thêm được nữa. Tôi quay lại bồn rửa mặt và nôn tháo suốt một phút. Nhưng lẽ tất nhiên trong ruột tôi không có gì nhiều. Ngay cả bữa điểm tâm tôi còn chưa ăn. Yếu đuối và run rẩy, tôi lấy tấm màn cuốn quanh xác Allen và nhét vào hai bên bồn tắm. Sau khi đã cạo râu qua loa rồi, tôi mới chợt trông thấy phong thư lớn nằm trên mặt gối của giường tôi, với dấu hiệu riêng của bến tàu Cunard ở trên góc. Bức thư đề tên tôi, "Stuart", với nét chữ ngay ngắn của Monique. Tôi nhìn chăm chú một hồi lâu mới mở ra. Đoạn tôi đem thư tới bàn, nặng nề ngồi xuống, và bắt đầu đọc: Stuart, Stuart yêu quý: Ai oán: em phải thay đổi tất cả chương trình. Im lặng, sáng nay em phải rời khỏi tàu ở LeHavre. Ngày nay em biết em phải đi Ba-lê với Jacques. Thế có nghĩa là em sẽ không còn gặp lại anh nữa. Stuart, em rất buồn. Nhưng thế này là tốt nhất. U buồn thay, mình sẽ không bao giờ hạnh phúc, vì đời em không bao giờ đem an vui đến cho anh. Rồi đây em sẽ nhớ mãi chuyện này đến suốt đời, anh khiến em không sao quên được kỷ niệm. Nhưng bây giờ anh quên em đi. Đây là món quà cuối cùng em tặng anh, dù em đã cho anh quá ít, nhưng lại bảo đảm cho Ted vẫn còn sống và bình an. Điều này em phải bí mật cho anh hay. Stuart yêu quý, hãy tha thứ cho em, liebe Brust (1) , vĩnh biệt anh. Monique. Phía dưới chữ ký, nàng đã viết bốn dòng cuối cùng của một ca khúc trong tập Welheím Meister, mà nàng đã hát theo nhạc của Hugo Wolf: Darum an dem langen Tagie Merke die es, liebe Brust, Jeder Tag hat seine Plage Und die Nacht hat ihre Lust. Tôi lấy cây bút chì, cảm thấy lỗ trống trong dạ dày đang lan rộng dần, và dịch lại trên mặt giấy ngay dưới mấy câu thơ bằng tiếng Đức: Rồi tháng ngày trôi chảy êm đềm, Anh yêu xin nhớ mãi dùm em, Ngày qua ngày vẫn thêm lầm lỗi. Cứu vãn bằng niềm vui mỗi đêm. (Đan Chinh phỏng dịch) Tôi gạch bỏ đoạn thơ vừa dịch bằng hai lằn bút chì khắc nghiệt và xem lại phần chính của bức thư. Tôi đọc đi đọc lại tới bốn lần cho tới khi quả quyết lời thư không giống Monique. Những mẫu tự đầu mỗi chữ hoa viết bằng kiểu chữ in, đúng là lối viết của nàng không sao lầm được. Nhưng chữ đầu tiên, đứng riêng ra, thì lại hoàn toàn không giống của nàng. Tất cả chỉ là những câu ghi chú lộn xộn của một nữ sinh. Lời thư rời rạc và vụng về, không sao giống câu văn tiếng Anh của Monique thường không bao giờ vụng về. Tôi tạm gác lại. Cất phong thư vào trong đáy giả của hộp đựng máy đánh chữ xong, tôi gọi Err mang thức điểm tâm vào phòng. Tôi không thể chường mặt ngòai bàn ăn. Vả lại tôi không dám bỏ liều để Err vào lau chùi trong lúc tôi đi vắng. Anh ta nói khi đem thức ăn vào: - Ông sắp về tới nhà rồi. Tôi bảo: - Phải. Nhưng tiếng đó làm tôi giật nảy mình. Tôi không thể về nhà được nữa. Tôi sẽ bị truy nã khi người ta tìm thấy tử thi của Allen trong bồn tắm của tôi. Trong giây lát tôi chợt có ý định sẽ ở lại để cho nhà chức trách thẩm vấn. Nhưng tôi hiểu như thế sẽ làm hư hỏng cuộc tìm kiếm mà tôi cương quyết thực hiện, và tôi không thể kéo dài thời gian. Tôi liền hỏi Err: - Bao giờ thì anh lau dọn căn phòng này? - Thưa ông, chắc cũng phải sáng mai. - Tốt. Tôi có việc phải làm. Anh chỉ cần trải giường xong đặt cho tôi tấm bảng "Miễn quấy rầy" ở ngòai cửa. Tôi ngốn ngấu cho xong bữa điểm tâm và đi lên phòng vô tuyến để cố gượng tạo ra một dấu vết giả mạo. Tôi đưa cho cô gái trong phòng này số điện thọai của Khách sạn Savoy ở Luân-đôn. Cô ta bắt liên lạc với Khách sạn sau mấy giây. Tôi liền hỏi thăm George Renata. Tôi quen biết nhiều anh ta nhưng tôi không muốn anh ta nhận ra tôi lần này. Tôi cố giả giọng miền đông tiểu bang Virginia trong lúc nói: - Ông Renata, tôi là Angus Mackenzie ở Virginia, đang đi trên tàu Queen Victoria sắp cặp bến Southampton, và tôi đã vô ý không đặt phòng trước. Tôi muốn ngụ tại khách sạn Lovelace của ông nếu ông còn phòng trống. Stuart Dunbar đã dặn tôi có thể nói chuyện với ông nếu tôi gặp khó khăn. - Nhưng thưa ông Mackenzie, đây là Khách sạn Savoy. Tôi kêu lên: - Ôi, trời! Tôi đã gọi lầm số. - Thưa ông, không hề gì. Nếu ông có thể giữ máy một lát, tôi có thể gọi tới Lovelace và thu xếp giúp ông. - Thế thì tốt quá. Anh ta bỏ đi chưa tới một phút và trở lại cho tôi hay: - Ông Mackenzie, ông thật may mắn. Ở đó còn một phòng trống loại hai giường, có buồng tắm riêng, nếu ông bằng lòng. - Vậy là nhất. Ông vui lòng giữ phòng đó cho tôi? - Thưa ông, tôi đã giữ rồi. Chúng tôi sẽ cho người ra tận bến tàu Southampton để đón ông. Tôi biết chuyện này sẽ không thể che chở cho tôi được lâu. Hy vọng độc nhất của tôi là cô gái trong phòng vô tuyến sẽ nhớ tôi đã gọi số điện thoại của Savoy, và sẽ không biết mặt tôi. Tôi trả tiền mặt cho cô ta. Nhưng tôi vẫn mất khá nhiều thì giờ, nhiều hơn thì giờ cần thiết khi cần phải mạo hiểm trong một trường hợp như thế này. Nhân viên sở di trú trên tàu chỉ liếc mắt xem qua sổ thông hành của tôi khi chúng tôi đến hải cảng. Tôi toát mồ hôi khắp người trong lúc ông ta nhìn hình tôi rồi quay sang tôi, và khoan thai đóng khuôn dấu vào sổ. Tôi phải vờ trông ra ngoài, phía mũi đất và tòa lâu đài cổ, qua mấy khung cửa sổ bên hông tàu. Hệ thống điều hòa không khí đã tắt nên không khí trở nên ngột ngạt. Tôi lại còn toát mồ hôi nhiều hơn nữa khi tôi xách hộp đựng máy đánh chữ trước phòng của viên trưởng kho và cố bước thật chậm xuống cầu phao. Tôi chờ đợi nghe một tiếng gọi lớn tên tôi ở bất cứ lúc nào. Tôi chỉ thở được một hơi dài lúc tôi cảm thấy mặt bê-tông ở cuối cầu phao dưới chân tôi, và bắt đầu băng đường rầy xe lửa chở hàng hóa, tiến về phía dãy nhà quan thuế. Thế rồi trong lúc bước vào đây, tôi lại gặp một chuyện rắc rối khác. Tôi đã quên phứt chuyện Geogre Renata bảo sẽ cho người đến đón tôi tại Southampton, mãi tới khi chợt trông thấy một người bồi sang trọng của Khách sạn Savoy đang lăng xăng ở cổng ra. Anh ta lên tiếng hỏi: - Thưa, ông Mackenzie? Tôi không bao giờ biết được bọn họ làm cách nào để nhìn ra người mà họ đi đón, nhưng không bao giờ họ đón hụt. Anh ta nói tiếp với tôi: - Thưa ông, tôi sẽ lấy hành lý cho ông, nếu ông vui lòng giao giấy khai báo cho tôi. Lưỡi tôi líu lại trong mấy giây. Anh ta nhìn tôi một cách kỳ lạ, tay vẫn đưa về phía chiếc phong bì tôi đang cầm. Tôi liền giao cho anh ta, và bảo bằng một giọng hơi luống cuống: - Tờ khai mang tên Dunbar. Stuart Dunbar. Vừa nói, tôi vừa đưa cho anh ta một tờ giấy bạc một Anh-kim. Mắt anh ta không hề nhấp nháy trong lúc tay cầm tờ bạc. - Thưa ông, tôi hiểu. Ông cần giữ kín không cho ai hay biết. Tôi sẽ đưa mọi thứ của ông lên xe lửa cấp kỳ. Ông chỉ việc đi theo tôi và bước một mình lên toa xe. Anh ta đã có mặt ngay vừa lúc tôi đi qua khoảng đưởng chừng một trăm thước tới nơi xe lửa đậu. Anh ta bỏ hành lý lên giá cho tôi và chào: - Xin chúc ông đi đường vui vẻ. Rồi anh ta từ giã bỏ tôi ngồi run một mình. Mồ hôi vẫn tháo ra như tắm, tôi nhìn ra khung cửa về phía dãy nhà quan thuế cho tới khi đoàn xe lửa chuyển mình bắt đầu lăn bánh. Trong lúc con tàu khởi sự chạy nhanh, tôi bỗng trông thấy ba người đàn ông phóng ra khỏi ngưỡng cửa chính của dãy nhà quan thuế. Hai người trong bọn họ là hai viên sĩ quan hàng hải. Người thứ ba là một người mặc áo choàng dài màu trắng. Có lẽ Err. Bọn họ nhìn một lúc tựa hồ muốn chạy theo xe lửa. Nhưng đoàn tàu đã ra khỏi sân. Cuối cùng tôi trông thấy họ chạy trở vào nhà. Nhưng tôi biết giai đoạn tiếp theo là cảnh sát. Sau đó cảnh sát Luân-đôn sẽ truy tầm tôi. Hay là sở Scotland Yard? Tôi không đoán biết được. Nhưng tôi hiểu tôi phải lánh mặt cảnh sát trong một thời gian. Vấn đề khó khăn là tôi không biết tôi cần lẩn tránh họ trong bao lâu, bởi vì tôi không có một ý kiến nhỏ nào về những gì mình sắp làm. Tôi ngắm phong cảnh tươi đẹp chốn đồng quê miền Nam nước Anh qua vùng Winchester và Farnborough cùng những vùng khác nằm dọc theo con đường sắt quen thuộc này, cố lên tinh thần bằng một ly gin-tonic ở toa giải khát, nhưng tôi không thấy được bao nhiêu. Tôi đang thử suy nghĩ như một gã tội phạm. Tôi biết tôi không dám đi vào Luân-đôn bằng xe lửa. Nhất định người ta đang chờ tôi ở nhà ga Waterloo. Mãi tới lúc tôi trông thấy một dấu hiệu đèn về phía bên trái, tôi mới sực nhớ tàu sắp sửa đến ga Vauxhall Bridge, và ga kế là Waterloo. Tôi đành phải đánh liều nhân lúc đoàn tàu giảm tốc độ trong khi chạy qua nhà ga. Tôi kéo mấy túi đồ của tôi xuống khỏi giá và liệng tất cả ra ngoài cửa sổ ngoại trừ hộp máy đánh chữ trong lúc tàu lướt qua sân ga. Đúng lúc tàu chạy chậm như đi bộ, tôi đã chực sẵn ở cửa, liền mở ra và nhảy xuống khi tàu bắt đầu gia tăng tốc độ. Dù ở tốc độ đó, tôi vẫn bị té và trầy đầu gối.