Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa Chúng ta chưa từng nói lời tạm biệt

Chúng ta chưa từng nói lời tạm biệt
Giới thiệu tác giả: Tự Do Cực Quang

Là nhà văn, biên kịch

Tác phẩm tiêu biểu: “Anh đã từng yêu em, nhớ tới lại đau lòng”, “Em cũng sẽ yêu người khác”.

Tôi chìm trong bóng tối, đối mặt với khoảng đen rộng lớn và ngoan cường, đột nhiên cảm thấy trống trải lo lắng vô  cùng.

Tôi biết mình vẫn nhớ bà, trong phút lạnh người không kịp chống đỡ, đã buông áo giáp chẳng có nơi tháo chạy.

Tôi ôm chặt lấy mình giữa phố đêm rực rỡ ánh đèn, cuối cùng bật khóc nức nở.

Vừa tròn hai năm kể từ ngày bà ra đi
.

1

Tôi quên mất lần đầu tiên gặp bà là khi nào, chỉ có cảm giác đó đã là quãng thời gian rất xa xôi.



Những tháng ngày như trên mây, xa xôi vô tận,chỉ có thể nhìn từ xa, chỉ có thể nhìn từ xa, sợ đưa tay với sẽ chỉ còn lại vệt hơi nước lạnh lẽo và sự trống vắng.

Tôi chỉ biết quan hệ giữa bố mẹ và bà không được tốt lắm, còn nguyên nhân vì sao thì, gia đình nào cũng có những điều khó nói, luôn là những hiểu nhầm khó giải thích, khó tháo gỡ.

Sáu tuổi, tôi vào tiểu học, nhà cách trường quá xa còn nhà bà thì lại gần.

Cuối cùng, quan hệ giữa bà và bố mẹ cũng vì tôi mà bớt căng thẳng, chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà. Bố mẹ khi ấy bận làm ăn, bà đưa đón tôi tới trường. Hồi nhỏ tôi hướng nội, ít nói, không có cảm giác thân thiết lắm với trường học và chúng bạn, thậm chí còn có phần chán ghét, vì vậy mỗi ngày đứng ở cổng trường nhìn thấy bà là vui, bởi cuối cùng cũng có thể về nhà xem “Thành phố hoạt hình” và chị Rùa Vàng.

Đưa đón tôi một thời gian bà không đón tôi nữa, bà để tôi đeo ba lô nhỏ, tự mình tới trường. Tôi bị ép đồng hành cùng chúng bạn, bắt đầu kết giao với mấy người bạn.

Nhiều năm sau, một buổi tối nào đó bên bàn ăn, mẹ từng nửa đùa nửa thật nói bà nhẫn tâm quá, bà không biện giải gì, chỉ mỉm cười dịu dàng.

Đợi tới nửa đêm, bà gõ cửa phòng tôi, bưng cho tôi một bát cháo để tôi bỏ bụng khi thức khuya, sau đó đứng bên cạnh cửa giải thích một thôi một hồi, ban đầu sở dĩ bà làm như vậy là vì không muốn thấy tôi tiếp tục cô độc một mình, ngày ngày làm bạn với tivi. Bà sợ sau này lớn lên tôi sẽ thiệt thòi.

Dĩ nhiên tôi không biết phải tiếp lời thế nào, chỉ cười hi hi ha ha mấy câu, bà cũng mỉm cười rồi đi ra, cửa phòng ghép lại, tôi ngồi nhìn màn hình máy tính mà buồn bã hồi lâu.

Bao nhiêu năm trôi qua, thực sự tôi vẫn là đứa trẻ có tính cách cô độc. Bất luận vẻ ngoài có thế nào, trong lòng tôi vẫn chưa từng thay đổi.

Đằng sau vô số chiếc mặt nạ mỉm cười hớn hở và lạc quan yêu đời, việc tôi thích làm nhất và hay làm nhất vẫn là ngồi một mình trong góc khuất, lặng lẽ vẽ vòng tròn trong tim.

Mặc dù vẫn cảm thấy ít nhiều không hợp với xã hội này nhưng cũng may, tấm áo giáp của tôi đến giờ vẫn ứng phó được.

Và tấm áo giáp ban đầu bà gián tiếp đưa cho tôi, đây là món quà đáng quý nhất mà bà dành cho tôi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới nỗi khổ tâm của bà, cũng chưa từng nghĩ sẽ thấu hiểu bà. Nhưng bà quan sát nhất cử nhất động của tôi, thử tất cả mọi khả năng với hi vọng tôi sẽ tốt đẹp hơn.

Cho dù bị hiểu lầm, cho dù có thể sẽ có những giận hờn bị dồn nén.

2

Năm lớp một, tôi bị một bạn câm trong lớp cầm đá đánh toác đầu, máu chảy đầy mặt, vừa khóc vừa chạy về nhà. Bà nhìn thấy giận tím tái mặt mày dắt tay tôi hỏi đường tìm tới nhà bạn câm đó.

Nhưng khi thấy nhà bạn câm chỉ có một người già ở nhà, bố mẹ đều đi làm ở nơi khác, bà liền mềm lòng, mắng bừa mấy câu rồi kéo tôi về  nhà, suốt dọc đường dặn dò tôi sau này phải tránh nó ra.

Đi qua một tiệm tạp hóa một đoạn bà quay lại, mua một túi thạch cho tôi, hết một tệ. Về nhà, tôi vừa xem phim hoạt hình vừa ăn thạch, ước gì ngày nào cũng bị bạn câm đánh toác đầu, chẳng để ý tới ánh mắt dịu dàng của bà đang đứng bên ngây người ra nhìn tôi.

Từ đó về sau, mỗi tháng đi lĩnh lương hưu bà đều mua một túi thạch cho tôi.

Tôi không nỡ ăn hết một lúc nên mỗi ngày ăn một cái cho dù như vậy cũng phải đợi nửa tháng nữa mới được mua cho túi thạch tiếp theo.

Những năm tháng ấy, tiền lương hưu của bà một tháng chưa được ba mươi tệ.

Hồi bé tôi hay khóc, một việc cỏn con cũng khiến khóc cả buổi chiều, dỗ thế nào cũng không được.

Lớn lên, mỗi dịp Tết đến tụ họp không tránh khỏi bị bạn bè cười chê. Mỗi lần như vậy bà đều nghiêm túc giải thích giùm tôi, thời ấy gia đình hoàn cảnh, vật chất thiếu hụt, vì ăn không đủ no nên tôi khóc vì đói.

Vì thế bà hay cảm khái, nếu khi ấy tôi có thể được ăn ngon một chút thì bây giờ có lẽ cao một mét tám lăm rồi, không hổ danh đại hán sơn đông.

Sinh nhật của tôi và bà chỉ cách nhau một ngày, vào dịp tiết xuân hoa nở ấm áp, bà trước tôi sau.

Các mối quan hệ của bà rất tốt, người tới chúc thọ rất nhiều, ngoài các món quà đủ loại ra, thường có người thân mang bánh gato tới nữa.

Nếu có hai chiếc bánh gato, thì sẽ cắt một cái ngay lúc đó, cái còn lại đương nhiên sẽ thuộc về tôi.

Ngày này hàng năm, có thể coi là ngày Tết thứ hai trong năm của tôi.

Vì vậy cho dù cuộc sống khốn khó nhưng khi tôi còn nhỏ đã có bánh gato sinh nhật, năm nào cũng chờ đợi tới ngày này. Chiếc bánh sinh nhật sẽ được mở hôm sinh nhật tôi, chỉ ăn một góc, còn lại đặt trên chỗ cao, ăn trong nửa tháng.

Bây giờ nghĩ lại cảm thấy đó đúng là thứ duyên phận sâu xa.

Vị thơm của bánh gato ngọt lịm, trong căn phòng nhỏ hẹp u tối, gương mặt ngây thơ vui vẻ của tôi bên ánh nến và nụ cười của bà ở bên.

Chính trong những giây phút thế này, thời gian đã để lại những vòng quay tuổi tác. Cuốn theo gió không bao giờ quay đầu lại, cuốn theo dòng nước trôi xa, chẳng bao giờ quay đầu lại nữa.

3

Có một dạo bà từng muốn kể tôi nghe câu chuyện của bà, lúc ấy tôi vẫn còn nhỏ, tâm tính nóng vội đương nhiên không có hứng thú lắng nghe.

Chỉ nghe lõm bõm được chút ít, có lẽ đã bỏ lỡ phần đặc sắc nhất.

Bây giờ nghĩ lại vô cùng hối hận.

Nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn cảm thấy mình sẽ viết lại được cả cuộc đời của bà, chỉ chờ đợi một ngày nào đó trong tương lai, thời cơ chín muồi, cơ duyên ập tới.

Bà là một người trải nhiều thăng trầm, và ông nội mà tôi chưa từng gặp mặt là người nhỏ nhất trong gia đình, ăn uống chơi bời thứ gì cũng giỏi, chỉ duy nhất làm ăn là không giỏi.

Cũng may cụ tôi có con mắt nhìn xa, mua toàn bộ cửa hàng trên cả nửa con phố cho ông, hi vọng cậu con út mình yêu thương sẽ dựa vào việc cho thuê mà sống an nhàn đủ chơi cả cuộc đời.

Gia đình làm nghề gốm sứ, bà được gả vào nhà lúc gia đình đang hưng thịnh.

Nghe nói khi gia đình làm ăn đang phát, ngày đại thọ của cụ nội, chỉ cần người qua đường đi qua, dập đầu trước cửa nhà nói một câu may mắn, sẽ được thưởng một đồng bạc.

Nhưng bà là con gái một gia đình bình thường, cụ nội biết con trai út của mình vô dụng nên muốn tìm một người phụ nữ có thể gánh vác gia đình, vì thế đã tìm tới bà.

Của hồi môn của bà không nhiều, nói thẳng ra thì đây vốn là một cuộc hôn nhân không môn đăng cũng chẳng hộ đối. Vì thế khi bước chân vào đây, bà đã phải nhận không ít ánh mắt lườm nguýt.

Tất cả những chuyện này ông tôi đương nhiên không biết, tiểu thiếu gia làm sao hiểu được chuyện lòng người thay đổi trong căn nhà lớn này chứ. Hơn nữa, với suy đoán của tôi về tính cách của ông nội thì, có thể ông hiểu nhưng vẫn giả vờ như không biết.

Bà không phải là người thích than phiền, những nỗi khổ ấy đương nhiên sẽ mỉm cười nuốt vào trong.

Tính cách của bà mặc dù mạnh mẽ nhưng dù sao vẫn chỉ là con dâu út mới về, ở một nơi trọng lễ giáo như Sơn Đông, thực sự không thể nào bộc lộ năng lực một mình đảm đương mọi chuyện như ở nhà mẹ đẻ.

4

Sau đó, cụ nội mất, mấy người con trai đương nhiên sẽ phân chia nhà cửa.

Những ngày tươi đẹp chưa được bao lâu, “cải cách văn hóa” đã tới. cụ nội bị coi là nhà tư bản, tài sản chia cho con cái đều bị sung công. Không còn tiền cho thuê cửa hàng, chỉ trong một đêm, tiểu thiếu gia của thành phố nhỏ còn không bằng những người nghèo nhất. Hồng vệ quân tới tịch thu tài sản, ép người không biết chữ như bà đọc ngữ lục Mao Trạch Đông, bà không né tránh, nghiêm túc học thuộc. đến lúc bọn chúng tới thu tài sản lần nữa, bà sử dụng lý luận Mao Trạch Đông tranh luận với bọn chúng, miệng lưỡi lanh lợi khiến đám thanh niên sững sờ kinh ngạc, sau đó không tới nhà gỡ bỏ luôn cả giường nữa. Mấy khuôn đúc gốm sứ bằng đồng bà dùng để kê chân giường cũng may mắn được giữ lại, trong ba năm khốn khó gian khổ ấy bán đi cứu sống được cả gia đình.

Nhiều năm sau, bà bị chứng mất trí tuổi già do bệnh đái tháo đường, nhiều việc xảy ra gần đây bà cũng không nhớ nữa, nhưng vẫn thuộc đoạn ngữ lục Mao Trạch Đông.

Bà không để ý chuyện mình không nhớ được những chuyện xảy ra trong quá khứ, có lần bà khoe tài đọc thuộc ngữ lục Mao Trạch Đông cho tôi nghe, sau đó mỉm cười nói, quên cũng tốt, nhiều chuyện quên hết rồi, khi nhớ tới những chuyện ngày bé chỉ còn lại chuyện vui thôi.

Và tôi biết, khi còn nhỏ, có lẽ bà cũng chẳng có mấy chuyện vui.

Bà là con gái lớn, phải gánh vác cả gia đình từ sớm.

Cuộc đời của thế hệ những người như bà thực sự có quá nhiều hồi ức gian nan, dường như được khắc ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn, lau không sạch, chùi không hết.

Chỉ cần chạm nhẹ cũng đau.

Sau khi bị tịch thu tài sản, ông bị éo tới công xưởng làm công việc thấp hèn nhất để chăm lo gia đình. Khi ấy bà đang có bầu cũng phải vác bụng tới làm công ở xưởng gốm sứ. Gia thế đã không còn, không còn gì chống lưng, ông nội đương nhiên đi đến đâu cũng bị chèn ép.

Bà được nghe chuyện từ người khác, một mình chạy tới giữa phân xưởng, đứng lên cao, bất kể có người nghe hay không, bà nói một hơi dài, hợp tình hợp lí,, khiến cho những người đàn ông làm việc chân tay giả vờ không nghe nhưng trong lòng âm thầm tán thưởng, từ đó không ai bắt nạt ông nội nữa.

Về sau khi nhắc tới những ngày này, nhắc tới ông nội, giọng của bà vẫn có phần cảm thấy thất vọng.

Bà kể chuyện ông được phát lương: “Việc đầu tiên là tới cửa hàng điểm tâm mua hai lạng rưỡi thứ đồ mình thích ăn nhất, lén lút ăn hết bên ngoài, hoàn toàn không nghĩ tới chuyện ở nhà còn mấy cái miệng đang đợi cơm.

Mặc dù nói vậy nhưng bà cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, không bóc mẽ ông tại sao về nhà nộp lương không đủ.

Qua những lời kể, ngoài than phiền ra bà vẫn bộc lộ niềm thương xót với người đàn ông này nhiều hơn. Bà dõi theo ông từ lúc ăn sung mặc sướng tới khi không xu dính túi, trong lòng cũng đầy thương tiếc và xót xa. Vì thế, bà cũng coi ông như một đứa trẻ, âm thầm đặt vào tay ông những thứ đã bị cuộc sống cướp mất và những thứ bàn tay bà có thể mang lại. rồi bà lặng lẽ đứng bên nhìn ông,nhìn ông nở nụ cười may mắn như trẻ con, trong lòng cũng cảm thấy hạnh phúc và bình yên.

Mấy năm sau đó, ông nội mất, để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất mới mười mấy tuổi, nhỏ nhất vẫn trong bọc tã, cả nhà đều dựa vào một mình bà.

Khi nhắc tới những ngày ấy, nhắc tới cái chết của ông, bà nội thường nói ông ấy thật biết đường chết. Trong giọng điệu không nhận ra sự đau lòng hay sóng gió, ngược lại có chút châm biếm và bất lực. Nhưng tôi biết là bà rất đau lòng, ông buông tay ra đi đổi lấy sự thanh thản, nhưng để lại cả gia đình cho bà, để lại cả tương lai mù mịt. Con đường dài như vậy, để lại một mình bà bước đi.

Làm sao bà lại không giận được chứ, chỉ là ngày tháng trôi đi, kí ức về nỗi đau đã bị thời gian bào mòn, phủ lên một lớp ánh sáng dịu dàng ấm áp, thời gian qua đi, bà lại cảm thấy sự ra đi của ông là một sự giải thoát.

Bà hiểu người đàn ông của mình, ông quá ít trải nghiệm, bà chấp nhận để ông đi sớm, đi trước mình.

Bà khóc một chút, khổ một chút, rồi cũng qua, còn hơn là nhìn ông cùng chịu đựng với mình.

Vì thế những năm cuối cùng bà mắc bệnh đái tháo đường phải ăn kiêng, người nhà trông bà rất chặt, bà liền lén lút ăn vụng, thấy tôi không quản bà, bà như trẻ con xin tôi mua cho bà, với lý do: “Người sống trên đời chẳng phải vì miếng ăn hay sao, ông nội cháu thèm ăn như vậy nhưng sau đó chẳng được hưởng chút phúc nào, đồ ăn ngon cũng chẳng được ăn, bà phải ăn thay ông.

Lý do này đủ mạnh tới mức tôi quyết định trở thành đồng mưu với bà, bà muốn ăn gì tôi liền châm chước lén lút mua cho bà ăn.

Mỗi khi bà ăn xong, ngay đêm đó đường huyết sẽ lại tăng cao, bố mẹ đo đường huyết cho bà rồi chau mày lẩm bẩm tại sao đường huyết lại đột ngột tăng cao vậy. Tôi và bà bèn đưa mắt gian xảo nhìn nhau, cảm giác ấy đôi bên cùng thấu hiểu.

Bây giờ nhớ lại trong lòng vẫn thấy vui như có trận cười sảng khoái.

5

Bà là một người phụ nữ Sơn Đông hào khí ngút trời, thông minh, có tầm nhìn xa, có khí khái nam nhi.

Mỗi lần về Sơn Đông, khi nhắc tới bà là người ta luôn ca ngợi: “Bà nội cháu giỏi lắm, nếu như bà ấy biết chữ thì đã làm chuyện lớn rồi.”

Tôi tin, người ta nói vậy không phải vì xã giao.

Nghe bố tôi kể, sau cải cách mở cửa, khi mọi người vừa được cho phép làm ăn buôn bán nhỏ, bà tôi khuyến khích bố tôi xin nghỉ công việc ổn định ở công xưởng lúc đó, đầu tư kinh doanh, cho dù chỉ bắt đầu từ việc buôn bán nhỏ. Lý do của bà là, làm công cho người khác mãi mãi không thể kiếm được tiền. Công việc bây giờ dù ổn định nhưng ai biết được ngày mai sẽ như thế nào.

Sau khi trải qua sự thay đổi to lớn trong gia đình ông nội,  bà biết bát cơm mình dựa vào cho dù bây giờ có vững chắc thế nào đi nữa, cũng đều là hư ảo.

Bố tôi hiếu thuận nên nghe lời, bắt tay vào làm việc trong ánh mắt khác lạ của người đời, vất vả gánh vác chuyện làm ăn nhỏ.

Mặc dù khổ nhưng cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi từ đó.

Mấy năm sau đó, cùng với làn sóng kinh tế dâng lên,, chúng tôi cũng nhặt được một chút vỏ sò sau khi nước rút, sống những ngày tháng khá sung sướng.

Mọi chuyện này xét cho cùng đều là công lao nhìn xa trông rộng của bà.

Có một dạo bà ngoại chuyển tới ở nhà tôi. Bà ngoại là người không chịu ngơi tay, lúc nào cũng bận rộn kiếm việc gì đó trong nhà để làm, tạp dề không rời tay. Bà nội thường nằm trên ghế sô pha khuyên bà ngoại rằng nói tới mức hưởng phúc từ lâu rồi, đời người làm gì có chuyện quan trọng thế, bụi trần lau rồi sẽ lại còn, hai chúng ta nằm trên ghế xem tivi chẳng phải thú vị hơn sao. Thấy tôi đứng bên lẳng lặng nghe, bà mỉm cười nói với tôi, còn không cùng bà khuyên bà ngoại, đừng để bà ngoại làm gì nữa, tương lai còn có bao nhiêu ngày nữa đâu.

Nhân sinh quan độ  lượng như vậy bất giác cũng ảnh hưởng tới tôi, khiến tôi cảm thấy đời người thực sự không có nhiều chuyện quan trọng đến vậy, đối với một người, việc sống vui vẻ mới là điều quan trọng nhất.

Sau khi vào đại học tôi và bà ít có dịp gặp nhau. Một năm hai lần nghỉ hè và nghỉ đông, tôi đi đi về về vội vã. Sau này tốt nghiệp rồi lại giảm xuống một năm một lần, chỉ có mấy ngày tết tôi mới yên tâm rời Bắc Kinh về ở Sơn Đông.

Bản tính tôi không thích giao lưu với nhiều người thân, cho dù về nhà tôi cũng trốn trong phòng ngồi máy tính, ngày ở trong phòng, đêm ra ngoài.

Tôi nhớ có những hôm nửa đêm, bà gõ cửa phòng tôi, trên tay bưng một bát mì hoặc một món ăn gì đó, bà sợ tôi đói nên nửa đêm tỉnh dậy âm thầm làm cho tôi ăn. Tôi đón lấy đồ ăn, vẫn ngồi trước máy tính ăn. Bà lặng lẽ ngồi bên, mỉm cười nhìn tôi ăn xong rồi thu dọn bát đũa.

Tôi biết bà muốn ở bên tôi nhiều hơn, muốn nhìn tôi nhiều hơn. Bởi chỉ mấy hôm nữa tôi lại đi nơi khác, nửa năm không về.

Trong lòng tôi vô cùng cảm động nhưng ngoài miệng một câu “cảm ơn” cũng ngại không thốt lên lời, chỉ im lặng nhìn bà chậm rãi làm hết mấy thứ đó rồi biến mất sau cánh cửa phòng tôi. Có bao nhiêu điều chưa thốt lên lời cứ dần dần tan biến trong vô số đêm khuya như vậy.

6

Tôi nhận được tin bà bệnh nặng đúng lúc đang viết một bộ phim truyền hình. Nhà sản xuất đưa ra vô số yêu cầu sửa chữa không ra sao , sự việc tiến triển rất mơ hồ.
Ngày ngày tôi đối mặt với file word, dường như chỉ muốn đâm đầu vào màn hình tinh thể lỏng trước mặt.

Một cuộc điện thoại của bố, tôi như chạy trốn về Sơn Đông, xe điện rất nhanh, chỉ mất bốn tiếng, xuống tàu hỏa,  lại ngồi ô tô là có thể về tới thành phố nhỏ nhiều núi ấy, nơi tôi đã rời xa bao lâu nay.

Cảnh chiều hôm mù mịt, thành phố nhỏ vẫn thế, nhưng có người sắp ra đi.

Đặt hành lí xuống, bước vào căn phòng nhỏ của bà, nhìn bà đang nằm trên giường thở oxy, tôi lặng lẽ đứng bên giường rất lâu, khẽ gọi bà, vẫn tưởng rằng bà có thể mở mắt nhìn tôi một cái.

Nhưng không.

Người  nhà ngồi chật trong phòng, sắc mặt mọi người đều không tốt lắm, vẫn cố gắng gượng hàn huyên mấy câu với tôi, thấy tôi không có hứng thú nói chuyện bèn để mặc mình tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ, đờ đẫn nhìn màn hình điện thoại.

Cứ ngồi như vậy, đêm đã khuya, chốc chốc tôi lại ngước nhìn bà, cảm giác như bà sẽ tỉnh dậy.

Cuối cùng, tôi từ bỏ, chỉ hi vọng bà ra đi thanh thản.

Tôi lặng lẽ đeo tai nghe, trong khi âm thầm đọc Kinh Phật hết lượt này tới lượt khác cho bà, hi vọng bà có thể nhìn thấy ánh sáng, trên đường tới bờ bên kia sẽ không bị lạc lối.

Đến nửa đêm, tôi đi nghỉ ngơi theo lời khuyên của mọi người, sau khi về nhà tôi ngủ một giấc không an lành cho lắm.

Hơn ba giờ sáng, tôi mơ hồ mơ một giấc mộng. Nội dung giấc mộng không rõ ràng lắm, tôi vừa tỉnh dậy đã quên hết. Nhưng tôi phảng phất trong giấc mơ có bà, nhớ bà cười với tôi, có lẽ đã nói “tạm biệt” với tôi, cũng có lẽ không. Tim tôi nặng trĩu, biết bà sắp đi rồi, đây như lời tạm biệt.

Tôi gọi điện cho bố, bố nói bà đã đi lúc hơn ba giờ, tính ra vừa đúng lúc tôi nằm mơ.

Tôi vội vàng rửa mặt, tới thăm bà, trong phòng đầy tiếng khóc, nhưng tôi không rơi lệ. Tôi chỉ như mất hồn giữa lúc hoảng loạn thế này.

Hôm hỏa thiêu bà, tôi đi tiễn, tận mắt nhìn bà thành một làn khói, một nắm tro, tôi yếu đuối như vậy nhưng vẫn không khóc.

Tôi cảm thấy vui cho bà, cả đời này bà đã quá vất vả, so với việc cứ vác cái gánh nặng cũ kĩ, ngay cả linh hồn vừa được thanh thản đã phải quay trở lại gánh lấy những mệt mỏi thì thà rằng ra đi, ra đi không chút vướng bận.

Tôi biết duyên phận kiếp này đã tận, nếu có duyên sẽ gặp nhau ở kiếp sau. Kiếp sau, cho dù không làm người thân, làm bạn bè cũng tốt. Cho dù chỉ vội vã lướt qua nhau, để lại cho nhau một nụ cười cũng không uổng phí mối duyên kiếp này.

Sau này thỉnh thoảng tôi nhớ tới bà, cũng không cảm thấy thương cảm.

Dường như bà chỉ đi xa, chúng tôi chỉ tạm thời không gặp nhau thôi.

Mấy năm sau, vào một buổi chiều mùa đông nào đó, tôi ngủ say và mơ thấy bà. Vẫn là ngôi nhà ở Sơn Đông, bà nằm trên ghế sô pha, cũng là buổi chiều, bà nhìn tay mình, những ngón tay mở ra rồi úp vào liên tục. Ánh sáng chiếu trên gương mặt bà, tôi không nhìn rõ biểu cảm của bà nữa. Nhưng, khung cảnh ấy, cô quạnh vô cùng.

Thời gian trôi qua, khi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được nỗi cô đơn trong những năm cuối cùng của bà. Nỗi cô đơn lạnh lẽo và dài đằng đẵng, chẳng có ai nghe, chẳng có ai hiểu.

Tôi lặng lẽ đứng nhìn bà ở một nơi không xa, cuối cùng bà phát hiện ra tôi, luống cuống ngồi dậy, mỉm cười nói: “Đói chưa? Bà nấu cơm cho cháu ăn nhé”.

Tôi biết đây là một giấc mơ, tôi đứng nhìn bà từ một nơi xa xôi, bất giác rơi nước mắt, lòng dạ cứng cỏi bỗng chốc trở nên yếu mềm. Tôi ước gì giấc mơ ấy dài thêm một chút, đủ để tôi bước tới bên bà, lặng lẽ bên cạnh bà một lúc.

Nhưng tôi chợt bừng tỉnh, lúc ấy mặt trời đã khuất sau núi Tây Sơn. Tôi nghe thấy tiếng trẻ con rượt đuổi nhau dưới lầu, mùi thức ăn từ nhà hàng xóm bên cạnh bay vào phòng, không biết ti vi nhà nào đang mở bộ phim truyền hình về đề tài mẹ chồng nàng dâu.

Tôi chìm trong bóng tối, đối mặt với khoảng đen rộng lớn và ngoan cường, đột nhiên cảm thấy trống trải và lo lắng vô cùng.

Tôi biết mình vẫn nhớ bà, trong phút lạnh người không kịp chống đỡ, đã buông áo giáp chẳng có nơi tháo chạy.

Tôi ôm chặt lấy mình giữa phố đêm rực rỡ ánh đèn, cuối cùng bật khóc nức nở.

7

Tôi đặt bút viết câu chuyện này từ đầu năm nhưng cứ rải rác kéo dài mãi không viết xong.

Khi nhớ ra liền đặt bút viết vài dòng, vô số hình ảnh tập hợp thành kí ức lúc sâu sắc lúc nhàn nhạt.

Vô số lần không kìm chế nổi khi đang viết, lại gác bút hút thuốc rồi viết tiếp hoặc dừng lại ở đó. Khi viết mẩu chuyện này, tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình  lại thận trọng đến vậy.

Có một số câu, hôm sau đọc lại bất chợt thấy giả tạo, sợ cảm xúc lan tràn của mình ảnh hưởng tới cảm quan của độc giả, nên xóa đi viết lại.

Khi viết phần kết là đầu tháng tư, đương tiết thanh minh, tôi không về Sơn Đông dâng một bó hoa lên trước mộ cho bà. Tôi biết,tính bà không thích những thứ hình thức như thế, đương nhiên, cũng có thể tôi đang tìm cho mình lí o để biện minh cho sự bất hiếu của mình.

Tôi có chút vô tư khi tới Bangkok tham gia lễ hội té nước, ở Thái Lan không có mùa mưa, không có mưa, nước và tiếng cười của mọi người thay thế nó.

Ở Chiengmai, tôi viết vài ba dòng, rồi lại trằn trọc, tới Bangkok, trước mắt cơ man là người. Ngày cuối cùng ở Bangkok, tôi bước ra từ quán bar sau khi uống hai chai bia. Trên phố có xe té nước đi qua bốc lên một màn hơi nước mờ mờ, tôi đứng trên phố bỗng nhiên nhớ tới bà. Lồng ngực như bị đè nặng tới khó chịu.

Về khách sạn, nằm trên giường trằn trọc khó ngủ, bao nhiêu câu chữ dâng  lên trong tim suýt chút nữa khóe mắt lại có lớp sương mờ che phủ.

Cho tới bốn giờ sáng, tôi đi chân trần tới bàn làm việc trước cửa sổ ngồi gõ những dòng chữ này, đột nhiên nhớ ra tôi vẫn nợ bà một câu “tạm biệt”. Một câu nói “tạm biệt” mãi mãi chẳng có cơ hội được thốt ra nữa.

Tôi không biết ở thế giới bên kia bà sống có vui không, hoặc cũng sớm đã cắt đứt sự trói buộc của kiếp này mà hướng tới kiếp sau.

Tôi càng không thể nhận định chắc chắn liệu có thế giới khác hoặc tồn tại sự luân hồi hay không.

Chỉ là, một người ra đi, ngọn lửa vô tình và phừng phừng cháy xong, để lại đống tro tàn, một cơn gió thổi qua là bay hết sạch.

Nhưng thứ tình yêu ấy, những hồi ức ấy, sự cho đi không cần nhận lại ấy, quá khứ tràn đầy sự yêu thương nhân từ sẽ không bao giờ biến mất theo. Chúng sẽ ở lại, đơm hoa trên cõi đời này.

Chúng sẽ không bị ngọn lửa thiêu rụi, chúng sẽ ở lại trong hồi ức của những người đã từng bước trên con đường ấy, đời đời, được ghi nhớ, được kể lại.

Có thể chính những thứ này sẽ tạo nên một thế giới khác. Hoặc sẽ làm nên kiếp sau.

Nếu như có kiếp sau, cho dù chúng tôi gặp lại nhau, tôi nghĩ cũng không thể nhận ra nhau nữa rồi. Tôi chỉ hi vọng ông trời từ bi để cho tôi có cơ hội mua một túi thạch nhỏ tặng cho bà, trả một chút ít món nợ nho nhỏ của kiếp này. Mặc dù món nợ này luôn đi cùng tình yêu, đã chẳng phân biệt người cho kẻ nhận. đã không có gì hối tiếc.

Mọi thứ rồi sẽ qua, mọi thứ rồi sẽ trôi xa.

Duyên khởi, duyên diệt, đó không phải điều mà chúng ta có thể khống chế, nhưng suốt dọc đường hướng tới một nơi xa vời không bao giờ đến được, vì ước vọng giản đơn, tươi đẹp nhưng không xa xỉ này, cũng không uổng phí một lần gặp gỡ.

Cho dù núi cao, đường xa, cũng có thể mang trong mình một con tim ấm áp, nói lời tạm biệt vừa lưu luyến vừa có chút tham lam với thế giới này.

Trời đất dù có bất nhân đến mấy, sao có thể nhẫn tâm trách móc.

Đời người sau bao nhiêu lần câu tạm biệt chưa được nói ra thành lời, rồi đến lúc phải nói lời vĩnh biệt.

Chúng tôi đến cuối cùng vẫn không kịp trực tiếp nói câu tạm biệt, tới bây giờ nghĩ lại trong lòng vẫn vô cùng buồn bã.

Vậy thì dùng giấy trắng mực đen viết thêm một câu ở đây, hi vọng giữa khoảng không u tối nào đó bà có thể mỉm  cười biết được.

Tạm biệt, bà nội.

Nguồn: truyen8.mobi/t124177-con-co-the-ben-nguoi-bao-lau-nua-chung-ta-chua-tung-noi-loi-tam-biet.html?read_...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận