Chênh Vênh Hai Lăm Tản văn 20


Tản văn 20
Giọt buồn không tên

Hai lăm thích đi café, mặc dù thường chỉ vào đó kêu soda đá bào, cam ép, sinh tố, nhưng vẫn luôn gọi là đi café cho sang chảnh.

Café Sài Gòn mấy quán lúc nào cũng tấp nập người, toàn lạ, thi thoảng có quen. Công việc nhiều khi cũng lôi ra café giải quyết. Có khi bí bách cùng đường, cũng nhào ra café ngồi một mình, lộc cộc gõ cho xong cái bản thảo cận ngày nộp.

Thường nhất vẫn là đi café cùng đám bạn thân, kiểu thân ai nấy lo. Nhóm đâu chừng bảy đứa, chơi chung hồi đại học, rồi bạn bè lần hồi giới thiệu mà quen, giờ thành nhóm, cứ rảnh lại hú hí.

Mỗi cây mỗi trái, mỗi nhà mỗi cảnh, dĩ nhiên bảy đứa ngồi café cùng thì đứa nào cũng có công việc, cuộc sống riêng, tụ chung nhiều khi chỉ để than rằng đang buồn chán quá. Thế nên gọi cái bài viết này là “Giọt buồn không tên” mặc dù viết cho đám bạn thân khùng điên, xàm xí.

Chuyện từng đứa, kể ra cứ như đại diện cho từng nhóm người trẻ, ít nhiều gì đọc xong cũng thấy na ná mình trong đó. Thôi thì đắc tội, mang tiếng làm kẻ vạch áo cho người xem bụng mỡ.

Chuyện của G.

Cái thằng nói đúng theo quan điểm thông thường là đời nó trải hoa hồng. Tiếc là người ta chưa chịu bẻ gai cho đám hồng đó.

Con một trong gia đình toàn các bà, các dì, mẹ, bà ngoại, chị gái... túm lại là trai độc nhất, nên phần thừa kế nghe đâu phải tính bằng hecta đất ở khu dân cư chuẩn bị mở rộng. Ban đầu cả đám chơi chung như anh em cùng nhà, nhưng từ khi nghe cu cậu có đống đất, tự dưng được yêu chiều hơn hẳn bởi các thành viên khác. Thôi kệ, có đất có quyền.

Nhưng có mà không được xài thì cái nỗi tức nó dâng cao tận họng. Con một, út nam, nên nó bị gia đình lúc nào cũng đóng cho cái mộc “con nít” dù bằng tuổi nó (lẫn mình) giờ người đã có con hai, ba tuổi. Việc gì cũng cấm, cũng cản, việc gì cũng không tin tưởng cho làm, đến nỗi cu cậu pháy cấy, phát bực.

Hôm nọ giận quá, gọi cả đám ra café tâm sự, nhấn mạnh “tao bao” (việc này hiếm). Thì chuyện cũng chỉ quay quanh là nó muốn mở một tiệm net, hay một cửa hàng gì đó, mà má và các chị, các bà không chịu, bàn ra đủ kiểu.

Cả đám nghe, chỉ là ngậm ngùi, chia sẻ, chứ cũng chẳng biết khuyên thế nào cho đúng. Chỉ là nghe xong mới hiểu, hóa ra thằng bạn mình cứ như kiểu chim đang trong lồng. Được cho ăn, được cho uống, ở máy lạnh, nhưng tội cái mất tự do.

Mà sống vậy… chán chết.

Với G, nhiều khi chỉ muốn nói cho nó hiểu. Muốn làm gì cũng cần phải có những việc nhỏ dần, để chứng minh khả năng mình cho gia đình hiểu. Đùng một cái kêu bỏ cả đống tiền đầu tư mà chưa biết bản thân con cháu mình khả năng đến đâu, làm sao phụ huynh chịu cho được. Thế nên, ráng lên G ạ… Tao tin rằng mày sẽ làm ông chủ trong tương lai để còn mướn tao về làm bảo vệ.

Chuyện của H.

H không biết giàu không, nhưng có một căn nhà ở Sài Gòn và có xe hơi để đi làm. Nói chung là đủ ăn đó. Thế nên ngoài cái ăn, nó chỉ quan tâm đến hai thứ, nhan sắc của mình và nhan sắc của những người theo mình.

Công tâm mà nói, trong mắt mình thì H nó khá đẹp. Chỉ cần độn cằm, cắt mí mắt, cà da mặt, gọt cạnh mặt thêm là coi như hoàn hảo. Vậy mà lúc nào nó cũng lo lắng thấy thương.

Thường bắt đầu bữa café, nó luôn lấy điện thoại ra chụp một tấm hình xong, hỏi cả đám, “Hôm nay mặt tao có tự nhiên hông bây?”. Cả đám ráng ừ, dù rằng cái tự nhiên đó là hai lớp phấn nền, ba lớp chì và hơn hai chục ký son.

Sau khi luận bàn nhan sắc, H thường nói đến những người muốn theo mình. Nói chung là đủ cả, mà nỗi lo lớn nhất của H là bản thân bị lợi dụng. Đến mức có đứa từng nói, “Nghèo như mình mà khỏe heng mậy, khỏi lo bị trai lừa.”

H yêu nhưng ít tin. Thường tìm mọi lý do để nghi ngờ người mình yêu. Mà mỗi lần chia tay thì cả đám khổ, câu than thở của nó nếu chất được, chắc cũng đè chết vài người.

Có lần yêu người kia đẹp lắm, sợ mình không bằng nên H tìm đủ cách để đẹp, cắt bơm chích gì đó, nhưng xui, dị ứng, mặt lấm tấm máu tươi. Kể lại mà giờ còn xót cho nó, thương, nhưng khuyên thì cũng chẳng biết làm sao để nó nghe.

Thôi thì nếu mày có đọc được tới đây, nhớ lời tao, “Khi yêu thì trong mắt tình nhân, Thị Nở cũng hóa Hằng Nga”, mình cứ là mình trước đã rồi sẽ có một người yêu mình bằng chính con người thật của mình. Và tao hi vọng lắm sớm nghe mày than, “Thằng này nó yêu tao thật lòng quá mày ơi!”

Chuyện của L.

L có người yêu, cũng yêu, nhưng tội cái ít khi thoải mái được với người yêu như bên bạn bè. Cái kiểu đi với người yêu như bên bạn bè. Cái kiểu đi với bạn cười nói ha hả, đi với bồ thì phải nhẹ nhàng, từ tốn. Việc đấy cũng chẳng có gì hại ai, ngoại trừ việc thỉnh thoảng nó năn nỉ, “Ê, đừng có chụp hình đăng lên là tao đang đi café nha…” do sợ bồ thấy mình không đẹp trong hôm đó.

Tính ra L giỏi, nhà xa nên thuê nhà ở Sài Gòn, thân gái một mình tự làm tự sống. Ban đầu cũng lăn tăn lắm chuyện chồng con, vì tuổi này chúng bạn có chồng, con đề huề, còn mình sao cứ lông bông café sớm hôm. Nghe đâu nếu không có gì thay đổi, hai năm nữa thì L chịu lên xe bông.

Thôi thì cũng cầu cho L lên xe bông thành công hơn mong đợi.

Chỉ là, mày nhớ lời tao, “vợ” hay “chồng” người ta còn thường gọi là “bạn đời”. Trên cơ bản hai người phải ở trong tư thế là “bạn” rồi cùng nhau chia sẻ phần đời còn lại. Đôi khi có những lúc chúng ta không thích một điểm gì xấu ở đối phương, hoặc cứ lo nghĩ người ta không thích gì đó ở mình, cứ mạnh dạn nói ra, tâm sự như hai người bạn.

Điều đó không làm xấu đi mối quan hệ hiện có, chỉ là giúp người ta có thể đứng ở một vị trí, góc cạnh khác để nhìn nhận về những thứ cả hai người đang có mà thôi.

Chuyện của T.

T có một giấc mơ, mang tên “Mỹ”. Nghe nói lại ngay từ nhỏ T đã muốn sang đất nước đó để sống, lớn lên giấc mơ càng lớn, đến mức những mối tình sau này đều đặt điều kiện đó lên hàng đầu.

Có lúc hoài nghi, chẳng biết T yêu có thật không? Hay chỉ là cố gắng để hoàn thành giấc mơ của mình? Nhưng có lần thấy T khóc, nước mắt thiệt, mặn và ướt vai áo, mới hiểu nó không chỉ đơn thuần vì giấc mơ riêng.

T yêu nhưng cũng không tin, lúc nào cũng tìm cách kiểm soát người yêu của mình. Điện thoại phải bật 24/7, để khi nào gọi cũng phải nghe, nhắn tin phải trả lời. Câu đầu tiên cả đám ghi nhớ khi nó bật điện thoại lên nghe là “Đang ở đâu với ai?”

Chỉ tiếc là bao nhiêu lần đến rồi đi, giờ T chịu làm mẹ, làm vợ trên đất nước hình chữ S này. Vài tháng nữa sinh con đầu lòng, nghe mà mừng, mà thương. Vài tháng nữa sinh con đầu lòng, nghe mà mừng, mà thương. Nhớ đến cái ngày nào chở nhau đi học khiêu vũ, nó giận bồ, khóc cả đoạn đường trên xe, người ta nhìn như thể đang đóng vai kẻ phụ tình, bạc nghĩa.

“Quan trọng không phải là sống ở đâu, mà là sống với ai…” nhiêu đó dành cho mày có lẽ là đủ rồi, tình yêu nhỉ?

Chuyện của K.

K cũng giỏi, làm thiết kế cho công ty quảng cáo, đời sống đúng mẫu của nữ nhân viên văn phòng hiện đại.

Sáng đi làm, vào công ty tám với đồng nghiệp, kịp chụp hình post lên facebook khoe coi hôm nay mình mặc vầy có đẹp không. Trưa đi ăn cơm, cũng chụp hình món ăn, để dành ngày sau đăng vì sợ nhiều làm người ta nhàm.

Chiều làm về là đi tập gym, nói theo cách của cả đám là đi tập tạ. Tối đến la cà, café cùng đám này đám kia, có khi là bia bọt một chút. À không, nhiều chút.

Như đợt đó, có cái quán bìa đẹp đẽ khai trương, khuyến mãi lớn, tặng cái thẻ miễn phí 100 ly bia. K được, nên tuần ghé đó khoảng ba lần!

Có bữa thấy nó vắng mặt, không café cùng nhóm chưa kịp hỏi đã nghe thông báo, “Qua quán bia mà kiếm, giờ nghe nói nó làm luôn giám đốc kinh doanh trá hình cho bên đó rồi.”

K cũng yêu, người yêu cùng tuổi, tự lập sớm, hai đứa dành dụm tiền về vài năm sau cưới, nên giờ cái gì cũng tiết kiệm, thấy thương, mà kệ, bởi sau này sẽ tốn cục tiền dự đám.

“Lấy một người cùng tuổi, là chấp nhận mình lớn hơn người nó khoảng ba cái đầu” câu này chắc chẳng sai mày nhỉ. Thế nên với ba cái đầu lớn hơn đó, hi vọng rằng mày bình tĩnh suy nghĩ đủ để chẳng còn giận hờn vu vơ.

Chuyện của F.

F dễ thương, nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực và cứng cáp, bằng chứng là sau khi đi khỏi Việt Nam, bôn ba xứ người một thân một mình vẫn sống tốt.

Ngày còn đi học, hai đứa gần nhà nhau nên cũng thân với F nhất, thân luôn cả với má của F. Hai đứa vẫn thường chở nhau trên chiếc xe cà tàng đi khắp nơi hàng quán. Giờ thì nó đã ở cách cả nhóm nửa vòng trái đất. Lệch giờ nên nói chuyện cùng nhau cũng không nhiều được, nhưng biết chắc rằng trong lòng vẫn luôn dành riêng một khoảng nhỏ cho nhau.

Với F, có lẽ sự ra đi đột ngột của cha là chuyện làm trái tim nó đau nhất, đến nay chắc cũng chưa lành. Đằng sau cái dáng nho nhỏ, đi vẫn thường cố thẳng lưng để được cao hơn một chút, là một nghị lực lớn, và đằng sau cái nghị lực lớn, là một trái tim rất dễ tổn thương.

“Chuyện sinh ly, tử biệt, ai rồi cũng sẽ trải qua, chỉ là may mắn, điều đó đến trễ hơn…” Nỗi đau của mày, ít khi nào tao hỏi đến, nhưng tao biết và cảm nhận nó dù cách nhau mấy ngàn cây số. Mạnh mẽ lên cô gái nhỏ bé, rồi sẽ có ngày cùng nhau rong ruổi khắp những con phố Sài Gòn thương quen.

Chuyện của C.

Đời C bằng phẳng… nhiều khi đến chẳng ai ngờ. Nghe kể lại hơn hai chục năm đầu đời, nó chẳng yêu ai, học cũng kha khá, cõng ra trường về công ty làm luôn đến giờ, chưa từng đổi chỗ.

Đùng cái yêu một anh cùng công ty, hai ba năm rồi cưới, chồng hơn một giáp nhưng tâm hồn còn tươi trẻ, cuối tuần vẫn dắt vợ đi coi phim, café cùng đám bạn, xách theo cái máy ảnh, lâu lâu chụp lại mấy lúc vợ cười vui bên bạn, nhưng chắc về coi xong xóa hết nên tới giờ chưa ai nhận được hình.

Ngày C đám cưới, dĩ nhiên cả đám có mặt đông đủ. Nó xúng xính trong áo cô dâu bên chú rể, gương mặt cười tươi đến rạng ngời, chắc chẳng biết dưới này là cả đám đang ngồi thầm ganh tị, nhưng vẫn chúc phúc thiệt lòng. Đám cưới xong, cả đám lại lăn tăn cái câu hỏi, “Con C cưới rồi, khi nào đến mình?”

Rồi thì khi đang gõ lộc cộc thế này, C đang mang bầu, con đầu lòng. Bà bầu khó tính, hay cằn nhằn, mỗi lần qua nhà chơi lèm bèm thấy sợ. Nhưng cả đám biết bầu bí cũng chẳng để tâm, mà để tâm thì cũng chẳng làm gì được nó.

“Tính chúc mẹ tròn con vuông, nhưng biết mày sợ mập xấu nên gọi là mẹ đẹp con xinh nhé… Chỉ cầu chúc cho gia đình nhỏ của mày luôn tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười, để còn có chỗ cho cả đám tụ tập tiệc tùng!”

Chuyện của N.

N khiến bản thân phục nhất. Nó con gái nhưng tính đàn ông, nghị lực và mọi thứ rõ ràng theo kiểu một cộng một là hai. Đi học rồi đi làm, dọn ra ngoài sống và tự lo cho chính bản thân mình. Mẫu của N khiến đàn ông thích, nhưng đa phần chỉ đứng từ xa ngưỡng mộ, vì biết yêu N thì phải là đứa cực kỳ bản lĩnh.

N ít khi công khai chuyện tình cảm, yêu cũng âm thầm, chia tay có buồn thì cũng vài ngày, tinh ý lắm mới nhìn ra được. Đàn ông thích N nhiều, nhưng để N thích lại không bao nhiêu. N từng tuyên bố, chỉ lấy chồng giỏi hoặc giàu, ai chửi thực dụng thì nó chịu, chứ rõ ràng như nó, không lấy người giỏi, hay giàu thì phí. Bản thân đồng ý với nó.

Chỉ là mỗi lần thấy N chạy xe về sau mỗi cuộc vui, biết là chờ nó chỉ là căn phòng trọ, bốn bức tường phẳng lì lì, thấy thương…

Có lần hai đứa ngà ngà say, lôi nó ra nói chuyện, nói luôn cho nó biết là trong những đứa bạn, thương là thương nó nhất, và lo cũng là lo cho nó nhất. Biết nó có cần đâu, nhưng tính vẫn thích lo chuyện bao đồng là thế. Bởi hiểu, những đứa bạn kia, đến khi có chuyện gì đó bất ổn, dẫu sao vẫn còn một gia đình để tìm về, còn N…

Nhưng luôn tin rằng với bản tính của N, sẽ chẳng có gì làm khó được.

“Nhiều lúc tao ngưỡng mộ vì sự thật rằng tao chẳng bản lĩnh bằng mày, và tao không đàn ông như mày. Nhưng cũng như tao đã từng nói, tao thương mày là thiệt. Có thể mày rất mạnh mẽ, hay đôi khi cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tao vẫn nhớ hoài cái lần ngồi giữa sân trường, mày gục trên vai tao vì chuyện tình cảm… Ai rồi cũng sẽ buồn, chỉ hi vọng mày đừng cố nén nỗi buồn đến khi vỡ tan…”

Hai lăm, những buổi sáng café cùng đám bạn hai lăm vẫn đều đặn như một thói quen khó bỏ, thói quen để thả nỗi buồn rơi giọt, tan tành.

Có lúc nghĩ, năm bảy năm sau, đứa nào cũng con cái đùm đề, có khi nào dắt con ra ngồi cùng nhau cho rôm rả chuyện trò?

Những ngày khi tuổi tác dần trở thành nỗi sợ hãi, người ta lại thường có cái thú nhớ về những kỷ niệm như một bài thuốc chữa bệnh quên. Đắn đo lắm mới viết mấy dòng này lại, bởi sợ biết đâu thêm mấy năm nữa, dòng đời cuốn cả đám xa nhau đến mức vô tình gặp, lại chẳng hỏi, “Ai đây?”

Như một người anh đã từng nói, “Ngày nào còn được ngồi tán gẫu bên ly café thì đã là bạn bè, thứ ấy sau này mất khó tìm, nên ráng mà trân trọng…”

Chuyện ấy đơn giản, nhưng đâu phải mấy ai cũng nhớ mà làm được, bởi…

“Bằng hữu khắp thiên hạ, tri kỷ được bao người?”

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/43892


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận