Chênh Vênh Hai Lăm Tản văn 21 - 22


Tản văn 21 - 22
Những hình nhân phấn trắng

Tản văn 21 : Những hình nhân phấn trắng


Ngày chạy xe về từ chỗ làm, thấy người bu đen đỏ. Giữa lòng đường, một hình nhân vẽ bằng phấn trắng nằm chơ vơ. Mẫu để vẽ hình được đặt bên lề đường, chiếu phủ kín người, ai đó đang lum khum thắp hai nén nhang tàn, huyễn hoặc.

Lạnh người.

Chừng vài phút nữa, gia đình sẽ biết. Mẹ mất con, chú bác mất cháu, vợ mất chồng, con mất cha… nhà mất đi một người mới sáng nay vừa chào nói.

Nghe đâu năm nào Sài Gòn cũng có trăm ngàn người ra đi vì tai nạn giao thông, cái chết chẳng đâu xa, nó đồng hành cùng người ta trên đoạn đường đang băng băng chạy.

Bản thân lúc nào cũng tự nhủ, phải chạy xe thật cẩn thận, đời còn dài ngày để yêu thương, đừng chỉ vì sự bất cẩn mà đánh mất tất cả.

Viết đôi dòng, chỉ hi vọng có đi đâu, mọi người hãy nhớ đến những hình nhân bằng phấn trắng chơ vơ, mà đảm bảo an toàn giao thông cho cả mình, cả những người xung quanh.

 

 

Tản văn 22 : Thầy

Có bữa nằm nhà, thấy con em đang loay hoay vẽ vẽ, viết viết, hỏi ra mới biết đang làm báo tường nhân ngày Nhà giáo. Chưa kịp nhìn ra dòng khẩu hiệu con em viết là gì, thằng nhóc em họ đi học về, mượn điện thoại gọi cho mẹ nó.

“Tặng cái gì cho cô đây mẹ?”

“Gì mà chẳng được, bận quá thì bỏ phong bì ba bốn trăm cũng được.”

Thấy vừa buồn, vừa thương cho cái nghề được gọi là “thầy” thiên hạ.

Đọc báo, có đợt người ta làm căng lắm cái vụ cô giáo nọ không biết dạy cho học sinh rằng “canh gà Thọ Xương” có nghĩa là tiếng gà gáy báo canh, nên bọn trẻ con cứ nghĩ là món canh nấu bằng cốt gà.

Người kiện, kẻ thưa, nghi ngờ cái sự chuyên nghiệp của bậc làm thầy khiến cô đau buồn, nộp đơn xin nghỉ rồi đến cả phải nhập viện cho tâm được tịnh.

Phân định đúng hay sai thì các cơ quan chức năng có nhiệm vụ, bản thân chẳng liên quan, nhưng thật trước cái cơ chế thị trường, dòng chuyển hóa của xã hội quá nhanh, người thầy dần dà bị biến thành “thợ dạy”.

Chuyện một ông thầy sáng đi dạy ở trường này, tối xách cặp chạy “sô” ở hai ba trung tâm khác là như cơm bữa, thầy cũng như ca sĩ, hết dạy chỗ này lại phải dạy chỗ kia. Khổ nỗi dạy riết đâm nhạt, đâm nhàn, cứ lên bục là cầm giáo án rồi đọc ra rả, mặc cho học sinh bên dưới đứa ngủ, đứa nghe nhạc, đứa nhắn tin, đọc truyện…

Lương chính của thầy ở trường không đủ sống nên mới đành vất vả ngược xuôi. Nhưng đó là thầy cô nào vinh quang được chọn vào các “môn chính, hệ số cao” chứ tầm tầm mấy môn phụ như giáo dục công dân, sử, địa thì có mà ngất ngư, vì mấy đời nay ai lại xách giỏ đi học thêm sử, địa, công dân.

Trường cũ có đợt lên báo ầm ầm, cũng vì mấy chuyện thị phi của việc dạy – học.

Vì là trường điểm, chất lượng cao gì đấy nên muốn vào phải có người quen, không quen thì phải có chút tiền trà bánh, không nhiều lắm, nghe đâu tính bằng ngàn đô. Người đứng ra nhận lại là một cô giáo dạy Văn nhiều thâm niên, do cô thân cùng cô hiệu trưởng. Chẳng hiểu làm sao vụ việc bị người ta phát hiện, rồi cả trường cũng vì vậy được thanh tra, được kiểm chứng, hàng loạt sai phạm rộ lên như nắm mùa mưa.

Có thầy giáo tốt nghiệp môn Lý thì về cho làm bảo vệ, có cô giáo dạy trước đây rất giỏi môn Sinh thì được điều làm giám thị, có người học xong Sử phải dạy Công dân, có người đi theo ngành Toán nhưng phải chọn Thể dục nếu muốn ở lại trường… hóa ra trong cả ngôi trường danh tiếng, thầy, cô cần phải nhìn mặt ban lãnh đạo để mà được phân chia lớp dạy, phân chia lịch giảng, không thì có nguy cơ mất việc như chơi.

Năm đó đọc hàng loạt bài báo về sai phạm trường mình, lòng vừa đau, vừa tủi. Hóa ra ở một môi trường cao quý như sư phạm, cái phe phái, bè cánh vẫn đeo bám, làm tha hóa người thầy.

Trước cũng đi học thêm về sư phạm, được giảng về đạo đức nghề, cao quý làm sao. Rõ ràng trong mặt bằng chung xã hội, làm thầy luôn là một nghề được nhận vọng trọng rất cao. Cả một thế hệ mai sau đều được gởi trên tay thầy. Thầy nhận tri thức rồi kế thừa nó cho đàn đàn lớp lớp sau mình. Vì vậy, trong tất cả các ngành nghề, duy chỉ có nghề làm thầy là cái đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, trên cả cái chuyên môn.

Vậy mà đâu đó, người ta vẫn có bài viết báo, thầy giáo dạ tình đổi điểm, có cả người làm thầy ban ngày rồi đi làm điếm ban đêm… đọc xong nước mắt lưng tròng, thương cho cái kiếp bọt bèo của những người “thợ dạy” bị tha hóa đến tận cùng.

Vài tháng trước, thầy giáo dạy Văn năm lớp 10 gọi điện hỏi thăm. Chuyện vãn xong mới thấy thân làm học trò thật vô đạo, chẳng biết kính mà phải chờ thầy đến hỏi. Về thăm trường cũ, đi ăn trưa cùng các thầy, nghe thầy bảo mà chỉ biết cúi đầu mắc cỡ, “nhìn dọc nhìn ngang học trò mình cũng chẳng biết thế nào là đứa viết văn kiếm sống.”

Hết bữa cơm trưa, từ biệt để thầy còn chuẩn bị cho buổi dạy chiều. Lảng qua sân trường, nhìn cô lao công lui cui hốt đống rác bọn học trò để lại, chợt nhớ câu chuyện ngày xưa.

Ngày Nhà giáo cuối cùng của đời học sinh, năm đó cùng con bạn thân đi mua một bó hồng lớn, về gói ghém cẩn thận, đi tặng cho tất cả những người làm việc trong trường nhưng lại chẳng được gọi là thầy, cô. Chú bảo vệ, cô lao công, cô thu ngân hay anh giữ xe… khi ấy chẳng hiểu vì sao lại có cái thôi thúc để làm vậy…

Giờ nghe cuộc nói chuyện của em họ và thím mới hiểu, cái sự kính người truyền tri thức, nó xuất phát từ tâm chứ không phải bằng mớ vật chất hữu hình.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/43893


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận