Chênh Vênh Hai Lăm Tản văn 8


Tản văn 8
Hổng đâu như đất Sài Gòn

Sài Gòn lúc nào cũng bí ẩn như cái việc chẳng ai nói rõ vì sao nó tên Sài Gòn. Người đoán già, kẻ đoán non, chỉ là nó vẫn cứ đón hết người đến, tiễn bao kẻ đi.

Hỏi tuổi Sài Gòn, nhiều người kêu 18, trẻ nên đỏng đà đỏng đảnh. Sáng nắng, chiều mưa, trưa trưa buồn buồn là cúp điện.

Nhiều bữa làm về, trời còn nắng chang chang tự dưng mưa cái ào, ướt át. Tấp vô lề đường, chị chị bán em cái áo mưa nhỏ, chợt giật mình nhớ ra, áo mưa nhỏ còn hai, ba nghĩa khác.

Mới chọt tay vô cái bao ni lông cỡ bự hình áo mưa thì nghe cái bựt, tét làm hai, chẳng biết trách người ta làm đồ dỏm hay trách bản thận ngoại cỡ.

Chưa hết tức tìm cách về nhà đã thấy trời ráo quảnh, hơi đất hầm hầm bốc lên. Bà mẹ chở con trên xe lầm bầm, thời tiết kiểu này không bệnh mới lạ, tổ cha nó Sài Gòn!

Ờ! Tổ cha nó Sài Gòn đỏng đảnh!

Nhiều khi thấy ghét cái thói đỏng đà đỏng đảnh đó dễ sợ.

Mới ban sáng trời hừng đông se lạnh, lăn dài lười nhác trên giường quơ quào chẳng thấy cái mền đâu bèn lủi thủi ngồi dậy khép cửa sổ.

Đến trưa, Sài Gòn ỏn à ỏn ẻn nắng rót qua song, đang tập trung làm việc cũng phải dừng tay tìm chỗ tránh nắng cho khỏi sạm lòng người.

Chiều tối Sài Gòn lại sậm sà sậm sịch lạnh, lạnh để tự dưng nhận cái tin nhắn chẳng hiểu nói cho ai, “Phải chi có cái gối ôm 37 độ để ôm cho ấm.”

Ghét vậy, chứ xa chừng vài hôm lại nhớ quay nhớ quắt.

Hỏi Sài Gòn bao lớn, người nói lớn, người nói nhỏ.

Lớn cũng đúng, có ai vỗ ngực kêu là đi hết đất Sài Gòn đâu. Với lại, có lúc đi qua đoạn đường cũ, cố nán thêm một chút, hi vọng gặp lại người xưa… mà người cứ biền biệt, ôm cục nhớ đi về trong cái nắng nồng nàn. Tức thấy sợ, Sài Gòn nó lớn nên người ta lạc nhau.

Nhỏ cũng chẳng sai, bởi có mấy người không muốn mà cứ gặp hoài. Sáng đi làm gặp, chiều tan tầm cũng gặp, mà gặp là tránh. Sợ gặp cái lòng đau nên tránh, chứ nhớ, chứ thương cũng còn một mớ trong lòng.

Hỏi Sài Gòn có cái chi ngon? Thấy Huế có bún bò, Nam Vang có hủ tiếu, Sóc Trăng có bún nước lèo, phở Hà Nội cũng đặc biệt… giận thằng Sài Gòn không biết ăn gì cho riêng.

Có thằng nói, đặc sản Sài Gòn là bụi. Thấy cũng đúng.

Bụi Sài Gòn nó khác lắm, có lần ra Nha Trang, chạy xe máy tà tà 40 cây số, về lau mặt cái khăn trắng bóc, vô Sài Gòn thử, 5 phút chạy xe về bản mặt đen sì.

Mà dân Sài Gòn đúng lạ, ai cũng nói ghét bụi bặm, khói xe, mà tối nào rảnh là chở nhau chạy vòng vòng, ăn một bụng bụi về mới ngủ ngon.

Bụi Sài Gòn nó bám dai bám dẳng, sáng xịt đâu nửa chai nước hoa mà chạy xe một chút vào công ty, người đã đầy mùi Sài Gòn. Mà chắc vậy mới thấy đời đúng phong sương, lãng tử đặc trưng của dân Sài Gòn.

Có bầu chọn, chắc dân Sài Gòn đứng đầu vụ năng động. Nghe lục đục người ta bán khoai lang nướng có lời, là dọc chục con đường đi đâu cũng thơm lừng lừng mùi nướng khoai.

Có đợt món bạch tuộc nướng lên ngôi, vậy là xì xà xì xụp cảnh người ta ngồi ăn rồi hít hà vì muối ớt cay quá.

Hay như cái món trà chanh, bún đậu tuốt ngoài Hà Nội, cũng được người ta bưng vào Sài Gòn, bán như đặc sản. Dân chúng lại có dịp tưng bừng hưởng ứng. Mà cũng buồn, chưa thấy ngon bao lâu thì đã cùng tẩy chay trà chanh vì nghe đồn hóa chất. Thôi thì cái gì cũng một thời, qua rồi đừng nên tiếc.

Ở Sài Gòn, người ta có thể ăn mặc thật sành điệu, xài laptop hạng sang, ngồi café máy lạnh để gởi một cái đơn xin việc vị trí nhân viên bán hàng.

Và cũng ở Sài Gòn, người ta có thể mặc quần đùi, áo thun, dép lào, ngồi café lề đường, bàn chuyện đang xây cao ốc để cho thuê.

Ở Sài Gòn, cái áo cái quần nhiều khi chẳng nói lên được chi.

Cũng ở cái đất Sài Gòn, người ta bỏ ra 60 phút quý giá của cuộc đời để đứng dòm ngó, chỉ trỏ một vụ tai nạn giao thông không liên quan đến mình.

Nhưng người ta thường không bỏ ra được 60 giây ngắn ngủi để chờ cho hết đèn xanh, đỏ, thứ mà ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của họ.

Ở Sài Gòn, cái bận, rảnh nó thường nhập nhòe lắm…

Ở Sài Gòn, người ta nằm trong căn nhà xập xệ chờ giải tỏa bên dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc, đắp lên mình ánh sáng xanh ảo diệu từ mớ nhà cao tầng chọc trời bên kia sông chiếu sang. Chắc cũng mơ trọn vẹn một giấc.

Hay cũng ở Sài Gòn, nghe kể có cái xóm chen giữa hai tòa nhà cao tầng, người dân sống chủ yếu nhờ nghề bán nước miếng. Chọt bên này vài câu, bên kia vài câu là có tiền rủng rỉnh, sống phây phây.

Ở cái Sài Gòn đó, người ta vội vã đến mức đi uống ly café 65 ngàn với bạn bè mà quên đi buổi cơm tối, mẹ từng nói, “ráng vài ngày, mẹ lãnh lương tháng này rồi đưa con đóng tiền học.”

Cũng ở cái Sài Gòn đó, người ta thích sự ồn ào, náo nhiệt của quán bar đến mức chẳng màng đến cảnh cha mình lặng lẽ ngả lưng trên chiếc xe ôm ngồi chờ khách.

Có người sợ Sài Gòn, sợ xanh mật, trào đờm. Nghe than, đau lắm, “trước dưới quê, nghèo thì đói, vô Sài Gòn mới biết, nghèo là nhục. Mà nhục thì nó không chết như đói, nó làm con người ta cắm mặt mà đi, có khi cả đời chẳng ngẩng đầu nhìn lên nổi.”

Thấy cũng tội, mà thiệt thôi cũng kệ. Chuyện bá tánh, lo chắc hết ngày không xong.

Có người chết ở Sài Gòn, cái kiểu chết chắc không thể chết ở đâu được.

Chiều chạng vạng, tan tầm, đứng nép bên lề đường nhìn dòng người nêm chặt cứng. Tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi. Người ta cũng muốn nhích, muốn đi, mà chẳng biết lùi con ngựa sắt vô đâu để chừa đường cho con trâu trắng đang ò e.

Đến lúc kiếng xe hạ, một thanh niên thò đầu ra, tay đập rầm rầm vào thùng xe:

“Mẹ mấy người! Tránh ra cho người ta đi cứu em tui!”

Chắc do kêu mẹ mấy người tránh, nên “mấy người” vẫn cứ lơ lơ mà đứng, đi cũng hổng biết đi đâu cho được bởi chung quanh len chặt người chặt xe.

Ló ngó nhìn vô, thấy một tóc bạc đang nắm chặt tay tóc xanh nằm trên băng ca.

Chắc chỉ ở Sài Gòn, người ta mới chết vì không tìm được đường nhích.

Dân Sài Gòn nhiều khi thích dọ ý ông trời. Chuyện như mấy ông già dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, hay ra cá cược thời tiết. Kiểu như hôm nay tắt nắng mấy giờ, ngày mai có mưa không, đêm mai gió hướng nào. Vậy mà cá cũng lên năm, bảy trăm chứ có ít. Đến lúc mấy bà vợ nháo nhào, hỏi tiền đâu mất mới lí nhí khai nhận, mấy ông chồng đi lo chuyện của ông trời mà sinh bịnh.

Cũng không ở đâu như cái đất Sài Gòn, lòng tin con người bị đem ra thử thách đến tàn tệ.

Bọn con nít 1, 2 tuổi lờ đờ thuốc ngủ được đem cho thuê, nằm trên tay mấy đưa lớn hơn ở ngã tư đèn xanh, đỏ dưới cái nóng 40 độ đổ lửa mướt mồ hôi, mục đích nhận vài ngàn bạc bố thí từ người đi đường qua lại.

Có lần rộ lên chuyện bà mẹ già cõng con tật nguyền đứng xin ăn ở ngã tư, hay ông già bán me bên vệ đường. Người ta chưa kịp thương thì đã đùng đùng giận vì có người bảo họ chỉ là lừa gạt miếng cơm manh áo hàng ngày.

Hay mấy ngày nay râm ran vụ mấy đứa nhóc nhờ quá giang xe, chở về nhà, đùng ra là cả ổ trấn lột, cướp xe người khác. Tin hay không thì cũng còn tùy, nhưng ắt hẳn lòng người ta cũng dợn lên hoài nghi, đắn đo.

Người ta nói dân Sài Gòn vô cảm, dửng dưng với nỗi đau của đồng loại… Nhưng nhìn lại, để vô cảm như Sài Gòn, cũng là kết quả của những lúc niềm tin bị chà đạp dưới gót giày mưu sinh tàn nhẫn.

Nhưng cũng chẳng phải vì vậy mà Sài Gòn không còn điều tốt. Người ta vẫn cứ yêu thương, cho đi mà chẳng mong hồi khứ.

Như chạy xe mấy ngày nóng đổ lửa sôi dầu, thấy bên lề đường thùng trà đá với mấy cái ly ghi rõ, “Nước đá miễn phí”. Bản thân cũng khát khô, muốn dừng lại uống nhưng thôi.

Nghĩ, mình khát bỏ 10 ngàn ra mua chai trà xanh được, để dành nước đó cho mấy người bán vé số đi bộ lầm lũi giữa trưa có lý hơn.

Cũng ở cái đất Sài Gòn, người ta có thể đi xe tay ga sang trọng, xài điện thoại đắt tiền, nhưng hàng tháng vẫn cố nài nỉ chủ nhà cho nợ thêm vài ngày tiền.

Hay người ta có thể bỏ lại tiền thừa đến hai, ba chục ngàn cho người phục vụ quán café để tỏ ra mình là người lịch sự, nhưng sẵn sàng ngửa tay đòi cho bằng được ba chục ngàn tiền mua tô phở cho cô ruột ở nhà.

Sài Gòn, vài người khắc chữ sĩ lên trán đến nỗi chảy hết máu tình thương.

Dân Sài Gòn khó hiểu như chính cái vùng đất họ sống.

Có thể nói chuyện cùng nhau, nhưng chưa chắc đã hiểu.

Có thể đi cùng nhau, nhưng chưa chắc đã thích.

Có thể nắm tay nhau, nhưng chưa chắc đã thân.

Có thể hôn nhau, nhưng chưa chắc đã thương.

Thậm chí có thể ngủ cùng nhau nhưng chưa chắc đã yêu.

Sài Gòn bí ẩn vậy, nên người ta có khi bỏ cả đời để tìm hoài mà không hiểu.

Chuyện Sài Gòn, nói cả đời nhiều khi hổng hết, nên thôi dừng ở đây. Ai muốn thì tự tới Sài Gòn mà coi cho biết!

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/32775


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận