Cho Anh Nhìn Về Em Chương 24

Chương 24
Ai sẽ thích bạn Kajuma

Điều mà Cát Niên thích nhất ở cấp Ba đó là mọi người có thể chất đống tất cả sách giáo khoa, vở bài tập lên bàn học, cứ như một bức tường thành vậy, người có thể giấu mình sau đó, tựa hồ có một thành lũy bảo vệ. Vì vậy, bức tường thành của cô luôn được chồng lên cao nhất, cho dù là khi lên lớp hay lúc tan học, cô đều thích vùi đầu tận hưởng niềm vui của mình.

Điều mà cô thích làm nhất vẫn là ngồi ngây ra, người ở đây nhưng tâm tư lại đang có những cuộc gặp gỡ bất ngờ và lạ lùng ở tận đâu đó. Nhưng những khoảng thời gian để ngẩn ngơ của Cát Niên cũng có sự chọn lọc, giờ toán và giờ tiếng Anh cô rất nghiêm túc, việc này đã trở thành thói quen rồi, cô sợ nếu tiết này không theo kịp thì những tiết học sau sẽ như vịt nghe sấm, cô lại hay xấu hổ, không muốn đi hỏi bài hay mượn bài tập của người khác để chép, tất cả đều dựa vào bản thân. Những lúc có thể cho phép bản thân thi thoảng được ngẩn ngơ là giờ học chính trị và giờ lịch sử, còn giờ Ngữ văn thì hoàn toàn là một giờ lý tưởng cho các giấc mơ giữa ban ngày của cô. Môn Ngữ văn quan trọng là ở chỗ cảm nhận ngôn ngữ, thà tự mình tinh thần phân liệt trước còn hơn bị phân liệt bởi việc phân tích ngụ ý sâu xa và tư tưởng trọng tâm trong các bài văn của Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá. Trận quyết đấu của Tiêu Thu Thủy ở Đường Môn, hay vóc dáng của anh và Đường Phương khi chạy trốn còn hay hơn là Khổng Ất Kỷ và Tường Lâm Tẩu nhiều. Giáo viên Ngữ văn thao thao bất tuyệt giảng bài trên bục giảng, Cát Niên mắt chăm chú nhìn lên bảng, nhưng hồn phách thì đã bay theo hai nhân vật đang chạy trốn kia rồi.

Tiêu Thu Thủy có một khuôn mặt nghiêm nghị và trầm tĩnh, khi cười lộ ra hàm răng trắng bóng, còn Đường Phương trông ra sao, cô chưa bao giờ nhìn rõ.

Những lúc đang nghĩ miên man như thế, Cát Niên thường bị ăn phấn của giáo viên dạy Ngữ văn. Thật xui xẻo, vị giáo viên giờ “mơ mộng” lại chính là giáo viên chủ nhiệm của Cát Niên.

Công phu búng phấn của thầy giáo Ngữ văn lúc nào cũng chuẩn xác, cho dù đầu của Cát Niên có vùi sâu thế nào thì viên phấn cũng vừa vặn trúng đích. Cát Niên lại chẳng hiểu gì, mỗi lần như thế đều kêu lên “ái ui”, càng làm người ném phấn được dịp đắc thắng.

“Em Tạ Cát Niên, hồn phách trở về đây, hồn phách trở về đây… Được rồi, trả lời một câu hỏi của tôi.” Mấy lời mở đầu của thầy giáo Ngữ văn hầu như đều na ná nhau. Có lúc thầy ấy còn than thở, nhìn Tạ Cát Niên hai mắt ngây dại, hồn phách trống rỗng như thế chẳng thà để cô gục xuống bàn học mà ngủ còn hơn.

Những lúc như thế này, Cát Niên sẽ chầm chậm đứng dậy trong tiếng cười ầm ĩ của các bạn, đỏ mặt tía tai trả lời câu hỏi của thầy. Chủ nhiệm lớp của họ thích kéo dài giờ lên lớp, thường xuyên diễn ra cảnh các lớp khác tan học rồi lại tụ tập bên ngoài phòng học của họ hò hét cổ vũ như thể đang xem hội không bằng.

Tuy Cát Niên có chút lúng túng, lúc căng thẳng lại còn nói lắp nữa, nhưng câu trả lời của cô rất ít khi sai sót. Không phải vì cô chăm chỉ ôn tập bài, lúc khai giảng cô thường coi sách giáo khoa Ngữ văn như một cuốn tiểu thuyết và đọc từ đầu đến cuối, cô thích xem những bài văn đó, nhưng không thích mấy tư tưởng trọng tâm sâu lắng và kín đáo của chúng. Kể ra thì, tuy thầy giáo Ngữ văn rất khoái ném phấn vào đầu Cát Niên, nhưng thấy nói mãi mà cô vẫn thế, thầy cũng không làm khó cô. Nguyên nhân sâu xa, cơ bản là vì từ khi lên cấp Ba thành tích học tập của Cát Niên luôn rất tốt, một học sinh ưu tú thích ngơ ngẩn thì vẫn cứ là một học sinh ưu tú, hơn nữa trông cô lại rất ngoan ngoãn, lúc làm sai việc gì thì bộ dạng như một chú thỏ trắng vô tội, là giáo viên chủ nhiệm, chẳng thể nào đối xử tệ bạc với những học sinh như thế.

Thật ra thành tích tốt cũng chẳng có gì là kỳ lạ cả. Từ khi vào trường Trung học số 7, học tập là việc chính đáng duy nhất mà Cát Niên có thể làm ngoài việc ngẩn ngơ. Làm nhiều mấy đề đại số, hình học, phương trình hóa học, đề đọc hiểu tiếng Anh, tự nhiên sẽ tìm ra hứng thú trong đó, giống như là nói chuyện với chúng vậy, lần một lần hai, thể nào cũng tìm ra được đáp án. Điều này còn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc mấy cậu học sinh chơi đuổi bắt ngoài phòng học hay các bạn nữ tán chuyện ai thích ai.

Ồ, đúng rồi, Cát Niên còn viết thư cho Vu Vũ nữa. Mặc dù cùng ở trong một thành phố mà phải viết thư thì hơi kỳ lạ, nhưng Cát Niên vẫn kiên trì viết không biết mệt mỏi, mỗi tuần một bức, nhiều chuyện để nói thì hai bức. Cẩn thận dán con tem giá năm hào lên phong bì, và gửi những tâm sự của cô đi.

Cát Niên cũng chỉ có Vu Vũ là bạn. Lúc cậu ấy ở bên cạnh, cậu ấy là tất cả; lúc cậu ấy không ở bên cạnh, tất cả đều là cậu ấy. Bông hoa đẹp nhất phải cùng ngắm với Vu Vũ, cơn mưa to nhất cũng phải cùng tắm với Vu Vũ, những chuyện vui nhất hay cả những chuyện đau khổ nhất cũng đều phải chia sẻ với Vu Vũ.

Cát Niên đã trở thành một thiếu nữ ở tuổi thanh xuân rồi, có thể trong tiềm thức cô đã mơ hồ cảm nhận được thứ cảm giác đó. Thế nhưng khi nghĩ đến điều này cô chỉ mím môi cười chúm chím. Cô và Vu Vũ, có rất nhiều điều để nói, nhưng cũng có những điều không cần phải nói.

Thư trả lời của Vu Vũ không đều đặn như Cát Niên, vậy cũng đúng thôi, trước giờ cậu luôn là người ít nói. Những bức thư cậu gửi cho cô, ngoài chuyện nói rằng mình vẫn khỏe, thì trên mặt giấy viết thư trắng trơn còn lại cậu vẽ thêm hai cái cây, một cây đã to, cây còn lại vẫn đang mọc. Cậu vẽ không giỏi, khó khăn lắm mới phân biệt được hai cái cây. Khi Cát Niên đọc thư, thỉnh thoảng cô bạn cùng bàn lại liếc nhìn, cô bạn này thường hỏi: “Tạ Cát Niên, sao lần nào cậu cũng nhận được cùng một bức thư thế?”

Bọn họ đều không hiểu, chỉ có Cát Niên mới phát hiện ra cái cây nhỏ vẫn dần dần cao lên, lá cây lúc đầu chỉ có năm lá, rồi mọc thành hai mươi, ba mươi lá, cây to thì nở hoa rồi lại tàn.

Có hai cây, cây lựu và cây tỳ bà, Vu Vũ và Cát Niên.

Để cho hòa đồng với tâm trạng của các thiếu nữ độ tuổi này, có lúc Cát Niên cũng quan tâm đến những câu chuyện bàn tán của mấy cô bạn ngồi gần. Ở lứa tuổi này, việc học là quan trọng nhất, mà mơ ước thì cũng nhiều nhất. Các bạn nam cùng tuổi, hơn tuổi, ai cao, ai đẹp trai, ai học giỏi, ai chơi thể thao hay… đều là chủ đề có nói cả ngày cũng không hết chuyện.

Có một lần, Cát Niên đang cắm cúi đọc Hoán hoa tẩy kiếm lục thì cô bạn cùng bàn đột nhiên hỏi: “Tạ Cát Niên, cậu thấy Hàn Thuật thế nào?”

Cát Niên là một cô gái sống nội tâm, không mấy khi nói chuyện với các bạn trong lớp. Một người thường ngày luôn đứng ngoài các nhóm hội như cô bỗng nhiên nghe thấy có người hỏi mình, Cát Niên không giấu được niềm vinh hạnh và xúc động, cô phấn chấn tinh thần, cố gắng hết mình để trả lời câu hỏi.

“Hàm số_(1) á? Tớ thấy được lắm. Tớ rất thích.” Cô đóng sách lại nói.

Các bạn gái nghe thấy câu này, ai nấy đều trợn tròn mắt, ngay lập tức thì thầm to nhỏ với nhau.

Bạn cùng bàn của Cát Niên dùng khuỷu tay huých nhẹ vào cô: “Được lắm, Tạ Cát Niên. Cậu cũng bạo miệng nhỉ, nhưng mà mọi người đều nói Hàn Thuật khó chinh phục lắm đấy.”

Cát Niên ngồi thẳng người, nghiêm túc nói: “Không phải đâu, chỉ cần học thuộc vài công thức là sẽ chinh phục được thôi.” Cô cũng bắt chước nói theo giọng điệu của các bạn.

“Công thức, công thức nào cơ?” Cô bạn cùng bàn ngạc nhiên cao giọng hỏi.

Không lẽ các bạn đều ngây người ra trong giờ toán hay sao?

Cát Niên lấy ra cuốn sổ tay, đang chuẩn bị nhiệt tình giải đáp cho các bạn thì mới nhớ ra hỏi: “Các c u hỏi hàm đa nguyên hay hàm ngược?”

Lúc này tất cả mọi người đều ngớ người ra, cô bạn cùng bàn Cát Niên trợn mắt: “Xí…, thế mà tớ cứ tưởng cậu nói thích Hàn Thuật.”

Cát Niên chần chừ một lúc: “Thực ra tớ thích hình học không gian hơn.”

Vì chuyện này mà Cát Niên có biệt danh là “con mọt sách”. Cát Niên nghĩ một lúc mới giật mình phát hiện ra “hàm số” chính là “Hàn Thuật”. Thực ra không phải cô là người hồ đồ, chỉ là vì từ trước đến nay cô chưa từng coi cái người tên “Hàn Thuật” là đối tượng để xem xét, suy nghĩ đến mà thôi.

Cảm giác của Cát Niên đối với Hàn Thuật cũng giống như đối với bạn Kazuma_(1) trong Shin-cậu bé bút chì. Nhìn cái là biết ngay xuất thân từ một gia đình tốt, và luôn cảm thấy mình tuyệt vời. Nhanh nhẹn, lễ phép, thích sạch sẽ, coi trọng vẻ bề ngoài, hiểu biết hơn các bạn cùng trang lứa, được giáo dục trong môi trường tốt, thích làm những chuyện có đẳng cấp, coi việc làm bạn với những người thấp hèn, cử chỉ thô lỗ như Shin là một điều đáng xấu hổ. Bây giờ cậu ta đeo ba lô chỉnh tề đi học, vài năm nữa sẽ cắp cặp chỉnh tề đi làm. Cát Niên tự thấy “người tuyệt vời” như cậu quá xa vời đối với cô, cho dù là trong chuyện Shin-cậu bé bút chì đi chăng nữa, cô cũng chỉ thích Bo(2)_ thôi.

Ai lại đi thích Kazuma chứ?

Đương nhiên là Kazuma cũng không thích mẫu người như Cát Niên. Cát Niên không ở trong ký túc, ngày ngày phải căn giờ mà đi học, cô thích bước vào lớp học đúng lúc tiếng chuông reo. Nhưng đi bộ men theo bờ sông, làm sao không ướt giày cho được? Chỉ cần không chú ý một chút là đi học muộn ngay.

Thầy giáo và các bạn Sao đỏ khác thi thoảng sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua khi thấy vẻ mặt hối hận và thái độ nhận lỗi của cô. Nếu như gặp phải Kazuma, à không, gặp Hàn Thuật, thì đúng là ra khỏi cửa mà không xem lịch. Hàn Thuật làm việc liêm khiết hơn Bao Chửng, nghiêm túc hơn Lôi Phong, mũi thính hơn cả cún con, còn hành tung thì bí ẩn hơn cả cái bóng. Kỳ lạ hơn là Hàn Thuật hình như rất thích ôm cây đợi thỏ ở con đường mà Cát Niên hay đi. Cát Niên đi muộn mười lần thì có đến tám chín lần bị Hàn Thuật túm được, không phê bình và châm biếm cho một hồi thì nhất định không chịu thả cô đi.

Cát Niên cố tìm ra quy luật thi hành nhiệm vụ của Hàn Thuật, câu trả lời mà cô có được là “không có quy luật”. Cô không hiểu tại sao có người lại hy sinh bao nhiêu công sức và nhiệt tình để đi làm tay sai cho Phòng quản lý trật tự của trường trong khi không hề nhận được bất cứ thù lao gì.

Cũng vì bị Hàn Thuật dồn đến chân tường không còn cách nào khác nên khi nào không kịp thời gian, Cát Niên toàn đi đường tắt rồi trèo tường vào, cô chỉ cần nhắm mắt nhảy từ bức tường cao một mét ở phía Đông Bắc trường Trung học số 7 xuống, là đến bãi cỏ phía sau tòa nhà thực nghiệm, cỏ ở đây rất dày, không dễ bị ngã đau, cũng đỡ phải mất thời gian vòng một đoạn dài.

Cát Niên không biết làm sao mà Hàn Thuật lại phát hiện ra cái góc xó xỉnh kín đáo ấy, đại loại là sau nửa học kỳ trèo qua tường vào trường không có chuyện gì xảy ra, bỗng một ngày, khi đang chuẩn bị nhún người nhảy xuống thì bỗng nhiên cô nhìn thấy cái bóng dáng đáng sợ ấy từ một góc khác lao tới, cậu ta vừa chạy vừa hét lên: “Tạ Cát Niên, cậu không sợ bị ngã chết à?”

Đương nhiên là Cát Niên sợ rồi, nhưng cô sợ phải chết trong tay Hàn Thuật hơn. Cô hốt hoảng rơi xuống đất trong tư thế thật không thanh lịch chút nào, tay chân chạm đất cùng một lúc, nhưng dù sao đi chăng nữa cô vẫn “chuồn” một cách thành công trước khi chó săn đến. Từ đó, Cát Niên tự động đặt báo thức sớm hơn mười lăm phút, cô không muốn lặp lại chuyện liều mạng đó thêm một lần nào nữa. Đến khi học kỳ một sắp kết thúc, Cát Niên không hề đi muộn lần nào. Có một lần, Hàn Thuật đi kiểm tra huy hiệu trường, cậu ta bất ngờ hỏi Cát Niên một câu rất kỳ quặc: “Tạ Cát Niên, sao cậu không trèo tường nữa vậy?”

Cát Niên thật thà trả lời: “Tớ sợ bị ngã chết mà.”

Cô không biết tại sao Hàn Thuật lại tỏ ra thất vọng. Mãi đến khi kỳ thi cuối kỳ kết thúc, tức là vào khoảng một ngày trước khi nghỉ hè, toàn thể học sinh và giáo viên trong trường lao động tập thể, có người nhặt cỏ ở góc tường phía tòa nhà thực nghiệm, đang nhặt thì phát hiện được một cái hố sâu đến đầu gối, bên trên còn được phủ cỏ dại rất ngay ngắn. Những bạn phát hiện ra cái hố cứ đoán mãi xem nó được dùng vào việc gì, có người nói là cái hố đó là để cất giấu bảo bối, có người lại nói là để bắt chuột, chỉ có Cát Niên đang đứng bên cạnh là lạnh cả sống lưng. Cô thừa lúc mọi người không chú ý, quan sát tỉ mỉ địa hình xung quanh hố, vị trí của cái hố chẳng phải là chỗ mà cô hay nhảy xuống khi trèo tường đó sao?

Theo Cát Niên được biết, Hàn Thuật là một người rất bận rộn, tan học là cậu ta tham gia lớp năng khiếu tiếng Anh, lớp bồi dưỡng toán Olympic, lớp âm nhạc, lại còn tập đánh cầu lông nữa, nói tóm lại cậu ta là một học sinh giỏi làm gì cũng được. Rốt cuộc là cậu ta đào cái hố đó vào lúc nào, dùng cái gì để đào, với tâm trạng như thế nào và để đạt được mục đích gì chứ? Cát Niên không thể hiểu nổi, nửa đêm tỉnh dậy nghĩ đến chuyện này cô vẫn còn cảm thấy sợ hãi.

Khổng Khiết Đảm, Hạc Đỉnh Hồng, Thất Tinh Hải Đường, Kim Tàm Cổ Độc… không ai độc ác hơn tâm địa của cậu con trai này.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t27106-cho-anh-nhin-ve-em-chuong-24.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận