Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 17

Chương 17
Người làm rượu nho

1

 

Buổi thẩm vấn đầu tiên đối với Struensee bắt đầu vào ngày 20 tháng Hai, kéo dài từ 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều, chẳng mang lại kết quả gì.

Ngày 21 tháng Hai, cuộc thẩm vấn tiếp tục, và người ta đưa ra thêm nhiều bằng chứng với Struensee rằng anh đã có quan hệ thân mật và vô đạo đức với Hoàng hậu. Những bằng chứng, được khẳng định như vậy, là không thể chối cãi được. Ngay cả những kẻ hầu trung thành nhất với anh cũng đã khai; nếu như anh tin có một vòng khép kín những cá nhân bảo vệ anh, thì giờ đây anh phải nhận ra rằng vòng tròn đó không hề tồn tại. Đến cuối buổi thấm vấn dài trong ngày thứ ba, khi Struensee hỏi liệu Hoàng hậu có nhanh chóng ra lệnh chấm dứt trò hề bỉ ổi này không thì họ trả lời với anh  rằng chính Hoàng hậu cũng đã bị bắt, đang giam giữ tại lâu đài Kronborg và Nhà vua muốn tiến hành các thủ tục ly hôn với vợ,và bất cứ giá nào, anh đừng có mơ màng gì được sự ủng hộ từ Hoàng hậu nếu như anh nghĩ như vậy.

Struensee trân trối nhìn họ như thể bị bất ngờ và rồi anh hiểu ra. Đột nhiên, anh khóc lóc thảm thiết không thể kiểm soát nổi và đề nghị cho về xà lim để suy nghĩ lại.

ủy ban thẩm vấn tất nhiên từ chối lời đề nghị của anh vì lúc này Struensee đã suy sụp và sắp đến lúc chịu thú nhận, người ta quyết định kéo dài phiên thẩm vấn ngày hôm đó. Struensee khóc lóc không dứt, anh  hoàn toàn tuyệt vọng và đã một lần thừa nhận, "vô cùng nản chí và cam chịu thất bại", là có quan hệ thân mật với Hoàng hậu và hai người đã có giao hợp.

Ngày 23 tháng Hai, anh ký bản thú nhận hoàn toàn.

Tin tức nhanh chóng loang đi khắp châu Âu.

Sự phẫn nộ và khinh bỉ là nét chủ đạo trong các lời bình luận. Hành động của Struensee bị lên án; không phải vì việc có quan hệ gần gũi với Hoàng hậu mà chính là việc anh đã thú nhận. Một nhà quan sát người Pháp sau khi nghe tin đã viết rằng" một người Pháp có thể nói mọi điều với thế giới nhưng anh ta sẽ không bao giờ thú nhận."

Thật rõ ràng là giờ đây Struensee đã ký vào bản án tử hình của chính mình.

 

Một ủy ban bốn người được cử đến Kronborg để đưa ra cho Hoàng hậu xem bản thú nhận viết tay của Struensee. Theo như chỉ thị, Hoàng hậu chỉ được phép đọc bản sao có thẩm quyền. Văn bản gốc được mang theo và nàng được phép so sánh với bản sao để xác định tính trung thực, nhưng không được, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chạm tay vào bản gốc; nó sẽ được giơ lên cho nàng nhìn song không được đặt vào tay của Hoàng hậu.

Họ hoàn toàn hiểu về thái độ kiên quyết và sợ cơn giận dữ của nàng.

 

 

2

 

Nàng luôn ngồi bên cửa sổ nhìn ra qua Oresund, đây cũng là lần đầu tiên trong những năm nàng sống ở Đan Mạch bị đóng băng và phủ đầy tuyết. Giờ đây tuyết trôi thành những chuỗi mỏng trên băng và cảnh tượng trông thật đẹp. Nàng đã khẳng định cảnh tuyết trôi trên băng là đẹp nhất.

Nàng không tin rằng nhiều thứ ở đất nước này còn đẹp nữa. Thực tế, mọi thứ đều xấu xa, xám xịt và thù địch, nhưng nàng vẫn ngắm nghía những gì là đẹp. Ít ra thì thỉnh thoảng, nhất là vào buổi chiều khi ánh mặt trời xuyên qua và trong vài phút thôi, mọi vật trở nên tuyệt đẹp.

Mà nàng lại thấy nhớ những chú chim. Nàng đã biết cách yêu chúng trước thời kỳ quen Struensee, khi nàng đứng trên bờ biển và thấy chúng" tắm mình trong những giấc mơ của chúng" - đây cũng là thành ngữ sau này nàng thường sử dụng khi nói với Struensee  về chúng - hoặc thỉnh thoảng vùng dậy biến đi trong đám mây mù trôi là là sát mặt biển. Ý nghĩ những con chim có thể mơ được đã trở nên rất quan trọng: chúng cũng có những bí mật và ước mơ, có thể biết yêu, giống như những cái cây có thể biết yêu và loài chim cũng có những mong ước, ấp ủ những hy vọng, rồi bỗng nhiên vụt bay lên, chạm đầu cánh của chúng vào màn xám xịt bàng bạc sau biến đi vào đâu đó. Đến một chỗ nào đấy, một cuộc sống khác hẳn. Hình như cuộc sống ấy thật đẹp.

Nhưng giờ đây chẳng có con chim nào.

Đây là lâu đài Hamlet, và nàng đã xem vở Hamlet ở London. Một ông vua điên loạn, người đã buộc người tình của mình phải tự vẫn; nàng đã khóc khi xem vở kịch và lần đầu tiên khi đến thăm lâu đài Kronborg hình như nó đã mang lại cho nàng ấn tượng rất sâu sắc. Giờ đây, nó chẳng còn ấn tượng gì cả. Có chăng chỉ là câu chuyện khủng khiếp về việc nàng bị cầm tù. Nàng căm ghét Hamlet. Nàng không muốn cuộc đời mình được viết thành một vở kịch. Nàng hình dung ra nàng viết về chính cuộc đời mình. "Bị tù vì yêu", Ophelia đã chết; vậy giờ đây nàng bị cầm tù vì cái gì? Có phải giống như Ophelia, vì tình yêu chăng? Vâng, đúng là tình yêu. Nhưng nàng không có ý định lên cơn điên và chết. Nàng vẫn quyết rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thế nào đi nữa, cũng sẽ không trở thành Ophelia.

Nàng khước từ bị trở thành một vở diễn.

Nàng căm thù Ophelia và những bông hoa trên tóc nàng và cái chết của nàng và bài ca đó chỉ là kỳ quặc. Mình giờ đây mới có hai mươi tuổi, nàng phải liên tục nhắc mình như vậy; nàng mới hai mươi tuổi đầu và không bị cầm tù trong một vở kịch Đan Mạch do một người Anh viết ra và không thể bị cầm tù vì sự điên loạn của bất kỳ ai khác, nàng vẫn còn trẻ.

Ôi, hãy giữ cho con vô tội, và biến những kẻ khác thành vĩ đại. Đó là giọng điệu của Ophelia trong Hamlet. Thật lạ lùng.

Nhưng những chú chim đã bỏ nàng. Liệu đấy có phải là dấu hiệu?

 

Nàng cũng ghét mọi thứ giống như tu viện.

Triều đình là một tu viện, mẹ nàng là tu viện, Thái hậu là một tu viện, Kronborg là một tu viện. Trong một tu viện, con người đều thiếu tài năng. Holberg không phải là một tu viện, những chú chim không phải là tu viện, cưỡi ngựa trong trang phục đàn ông không phải là tu viện và Struensee cũng vậy. Suốt mười lăm năm, nàng sống trong tu viện của mẹ mình và thiếu mọi tài năng; giờ đây nàng lại ngồi trong một cái tu viện nữa và ở giữa là thời kỳ Struensee. Nàng ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn ra xa qua những bông tuyết và cố hiểu xem thời kỳ Struensee là gì.

Điều đó có nghĩa là lớn lên, từ một đứa trẻ nghĩ mình chỉ mười lăm tuổi, trở thành một trăm tuổi và đã hiểu biết.

Trong bốn năm, mọi thứ đều thay đổi.

Từ cảnh khủng khiếp, ông vua nhỏ bé điên cuồng cưỡng hiếp nàng, rồi triều đình, cũng bị điên giống như Nhà vua, người mà cũng đôi lúc nàng yêu; không, dùng sai từ rồi. Đó không phải là yêu. Nàng gạt nó sang một bên. Đầu tiên là tu viện rồi bốn năm. Nó diễn ra nhanh quá; nàng nhận ra mình không phải là không có tài năng và điều này là đáng ngạc nhiên nhất trong mọi thứ, nàng đã dạy họ - họ! - Vậy không phải nàng không có tài năng và đã dạy họ cảm thấy sợ hãi.

Cô gái đã bắt đầu dạy họ cảm thấy sợ hãi.

 

Struensee đã có lần kể cho nàng nghe về một câu chuyện cổ tích Đức. Câu chuyện kể về một cậu bé không biết sợ; thằng bé đã khởi hành đi vào thế giới "để học cách biết sợ". Mẩu chuyện nghe thật là Đức và bí hiểm. Nàng nghĩ đó là một câu chuyện kỳ lạ và hầu như nàng chưa bao giờ nghĩ đến nó. Mà nàng nhớ tên câu chuyện: "Cậu bé ra đi học cách biết sợ". Anh ấy đã kể lại bằng tiếng Đức. Cậu bé ra đi để học cách biết sợ. Nhưng mà, trong giọng của anh ấy, bằng tiếng Đức, sự mô tả nghe thật là đẹp, gần như mầu nhiệm. Tại sao anh ấy lại kể cho nàng nghe? Liệu có phải đó là câu chuyện mà anh muốn kể về chính anh ấy không? Một dấu hiệu bí mật chăng? Sau đó nàng nghĩ là anh ấy muốn kể về chính mình. Tất nhiên trong câu chuyện có một thằng bé khác. Anh ấy thật thông minh, tài năng, tốt bụng và đáng yêu nhưng cũng tê liệt vì sợ hãi. Tất cả mọi thứ, mọi thứ đều làm anh sợ hãi. Anh ấy đầy những tài năng thật đáng nể nhưng nỗi sợ hãi đã làm những tài năng ấy bị tê liệt. Đứa bé tài năng bị tê liệt vì nỗi sợ hãi.

Song cậu em ngu ngốc lại không biết sợ là gì.

Đứa bé ngu ngốc đã trở thành kẻ chiến thắng.

Câu chuyện đó Struensee chọn để kể cho nàng nghe có nghĩa gì? Liệu có phải là về chính bản thân anh ấy không? Hay là anh ấy muốn nói về nàng? Hoặc về kẻ thù của họ và để sống thì phải thế nào? Điều kiện hoặc những điều kiện đã tồn tại nhưng những cái đó họ đã từ chối không chịu điều chỉnh theo. Tại sao lại có sự tốt đẹp kỳ quặc phục vụ cho cái tốt? Tại sao anh ấy không chịu thanh trừng những kẻ thù của mình, đuổi họ hay mua chuộc họ để thích ứng với cuộc chơi vĩ đại?

Có phải vì anh ấy sợ cái xấu xa, sợ quá đến nỗi không muốn vấy bẩn bàn tay mình để giờ đây mất hết tất cả?

 

Một đoàn đại biểu gồm bốn người đến nói với nàng rằng Struensee đã bị tống giam vào ngục và anh đã thú tội.

Nàng đoán là chúng đã tra tấn anh. Nàng gần như chắc chắn về điều này. Và rồi tất nhiên, anh đã thú nhận mọi thứ. Struensee không phải sinh ra trên đời này để học cách biết sợ hãi. S âu thẳm bên trong con người anh luôn biết sợ. Nàng đã thấy điều ấy. Anh thậm chí còn không thâu tóm cả quyền lực. Nàng không thể hiểu nổi điều đó. Nàng lại cảm thấy có một niềm khoái lạc duy nhất khi nhận ra đây là lần đầu tiên nàng có thể đem lại nỗi sợ hãi.

Nhưng anh ấy thì lại không thế. Có cái gì đó cơ bản sai với anh. Vì sao luôn luôn là những người sai sót được lựa chọn để làm việc tốt? Chúa không thể là người làm vậy. Chắc là Quỷ đã lựa chọn. Do đó anh đã lựa chọn những người quí phái mà có thể cảm thấy sợ hãi, cảm thấy sợ hãi. Nhưng nếu như người tốt không thể giết hoặc phá hủy thì sự tốt đẹp trở nên bất lực.

Thật ghê sợ. Mọi việc cứ phải theo cách đó sao? Có đúng chính nàng, người không biết sợ hãi và thích thú việc thâu tóm quyền lực, cảm thấy hạnh phúc khi thấy họ khiếp sợ mình, những người như nàng mới nên thực thi cuộc cách mạng Đan Mạch?

 

 

Không có con chim nào ở bên ngoài. Sao lúc này không còn con chim nào khi nàng cần đến chúng.

Anh đã kể cho nàng nghe câu chuyện về một thằng bé có mọi thứ nhưng lại biết sợ. Song có một thằng bé khác trong câu chuyện là nhân vật chính. Đứa bé đó là kẻ độc ác, tội lỗi, ngu ngốc và không hề biết sợ nhưng lại là kẻ chiến thắng.

Làm sao một ai đó có thể chinh phục thế giới này mà là người tốt và thiếu lòng can đảm để trở thành kẻ xấu xa? Làm sao mà có thể đặt một cái đòn bẩy dưới ngôi nhà của trái đất?

 

Một mùa đông dài bất tận. Tuyết rơi suốt trên vùng biển Oresund.

Khi nào thì mới hết đây?

Bốn năm qua nàng đã sống. Thực ra thì ít hơn. Nó bắt đầu ở Nhà hát Hoàng gia, khi nàng quyết định hôn anh. Liệu có phải vào mùa xuân năm 1770 không? Điều đó có nghĩa là nàng mới chỉ sống có hai năm.

Làm sao mà quãng thời gian ngắn ngủi ấy để lớn lên được. Làm sao mà quãng thời gian ngắn ngủi ấy để chết đi.

Vì sao lại là Johann Friedrich Struensee mà nàng yêu tha thiết khi cái tốt lại bị thất bại và những kẻ không cảm thấy sợ lại chiến thắng?

"Ồ, hãy giữ cho ta thánh thiện, biến những kẻ khác thành vĩ đại"

Điều đó quả là đã lâu quá rồi.

 

 

 

 

 

3

 

Đoàn đại biểu bốn người chẳng hoàn tất được việc gì.

Bốn ngày sau Guldberg tới.

Guldberg đi một mình, ra hiệu cho lính gác đợi ở bên ngoài rồi ngồi xuống một chiếc ghế. Ông nhìn thẳng vào mắt nàng, không chớp mắt. Không, gã đàn ông nhỏ bé này không phải là Rantzau, không phải là kẻ phản bội hèn hạ, không thể đánh giá thấp gã được, một người không đùa giỡn được. Trước đó, nàng đã nghĩ về gã như một thứ vớ vẩn trong bóng xám nhạt nhòa của gã nhưng dường như đã có sự thay đổi; vậy cái gì đã làm thay đổi vậy? Gã thật chẳng có ý nghĩa gì cả. Gã là một đối thủ chết người, và nàng đã đánh giá thấp gã; giờ đây gã đang ngồi trên chiếc ghế của mình nhìn nàng không chớp mắt. Đôi mắt của gã muốn nói điều gì? Người ta nói gã không hề chớp song liệu còn có cái gì khác chăng? Ông nói với nàng điềm tĩnh và bằng một giọng lạnh lùng, cho biết giờ đây Struensee đã thú tội, và mới đây nàng được biết Nhà vua muốn ly dị nên đối với nàng một lời thú nhận là cần thiết.

- Không. - Nàng nói với ông bằng một giọng bình tĩnh tương tự.

- Trong trường hợp đó,- ông ta nói,- Struensee đã lăng mạ Hoàng hậu Đan Mạch. Anh ta sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn nữa. Chúng tôi buộc phải bắt anh ta chết dần bằng cách buộc vào bánh xe.

Ông nhìn nàng, rất bình thản.

 

- Nhà ngươi là một con lừa,- nàng nói,- thế còn đứa bé thì sao?

- Cái giá sẽ phải trả,- ông nói,- phải trả giá!

- Điều đó có nghĩa thế nào?

- Rằng đứa vô phúc đó, nòi giống của một con điếm sẽ phải loại bỏ đi.

Nàng biết mình phải giữ bình tĩnh. Tính mạng của đứa bé phụ thuộc vào đấy, và nàng phải giữ bình tĩnh  và suy nghĩ.

- Chỉ có một điều ta không hiểu được,- nàng nói bằng một giọng hết sức kiềm chế mặc dù trong tai nàng nghe như có tiếng the thé và run rẩy,- ta không hiểu được mong muốn trả thù này. Làm sao mà một người như ngươi lại được tạo ra. Vì Chúa? Hay vì Quỷ

Ông nhìn nàng hồi lâu.

- Sự sa đọa phải trả giá. Và nhiệm vụ của tôi là thuyết phục Hoàng hậu ký vào giấy nhận tội.

- Nhưng ngươi chưa trả lời ta. - Nàng nói.

- Thế Hoàng hậu thực sự muốn có câu trả lời ư?

- Đúng vậy. Ta thực sự muốn vậy.

Rồi ông khẽ khàng rút từ trong túi ra một cuốn sách, nhìn qua một cách cân nhắc, lật giở các trang và bắt đầu đọc. Đó là cuốn Kinh thánh. Gã  có giọng đọc tuyệt vời, nàng bỗng nhiên nghĩ, nhưng có cái gì đó thật khủng khiếp về thái độ, vẻ bình tĩnh của gã và đoạn văn gã đọc to cho nàng. Ông ta nói:

- Đây là đoạn về Isaiah, Chương 34; liệu tôi có thể đọc một đoạn cho Hoàng hậu nghe chăng? - Và ông ta cất giọng đọc: - "Vì Chúa đã giận dữ với các bộ tộc và bực bội với tất cả mọi người, Ngài đã hủy diệt bọn họ, buộc họ phải đối mặt với những cuộc thảm sát. Thi thể của họ sẽ bị quăng ra n goài; mùi xác chết nồng nặc và những ngọn núi ngập chìm trong biển máu. Tât cả những kẻ trên thiên đường đều bị thối rữa; bầu trời dựng thẳng đứng trông như một câu đối. Tất cả bọn họ đều rớt xuống như những chiếc lá rụng khỏi cành nho, giống như lá rơi từ cành cây sung." - Rồi ông chậm rãi giở từng trang với vẻ mặt trầm ngâm như thế vừa lắng nghe âm hưởng của mỗi từ. Ôi lạy Chúa, nàng chợt nghĩ, làm sao mà ta lại từng coi người đàn ông kia như một kẻ chẳng đáng phải bận tâm nhỉ? - "Bởi vì lưỡi kiếm của ta đã uống no đến căng bụng trên thiên đường; hãy nhìn xem, nó giáng xuống lời phán xét tới Edom, tới những kẻ bị ta đã hủy diệt. Chúa


có một thanh kiếm đã được tắm trong máu... nó được luyện bằng mỡ
và máu của loài cừu và dê cùng với mỡ gan cừu. Đúng vậy."
- Giọng ông ta bỗng trở nên rắn rỏi khiến nàng không thể không trố
mắt nhìn như thể bị cuốn hút, hay sợ hãi, hoặc cả hai. - "Đất đai của họ sẽ bị thấm đẫm bởi máu, trở nên phì nhiêu nhờ mỡ. Vì Chúa
có một ngày để trả thù, một năm để bù đắp lại ý tưởng của bọn Do Thái. Rồi dòng suối Edom sẽ biến thành một vũng bùn và đất đai của Người thành lưu huỳnh. Hết ngày đến đêm không hề bị cạn kiệt; những đám khói cứ thế bốc lên. Từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ trở nên hoang phế, rồi mãi mãi sẽ chẳng hề có một bóng người qua lại... Họ sẽ đặt tên nó là một Vương quốc không hề tồn tại; tất cả những ông hoàng, bà chúa sẽ không hề tồn tại. Những bụi cây gai sẽ mọc tràn lan trên các tháp canh lan xuống tận các pháo đài. Rồi nơi đây sẽ trở thành bãi săn mồi của loài chó rừng và hang ổ của loài đà điểu. Nơi đó các con vật hoang dã sẽ gặp loài linh cẩu, thần rừng sẽ phải than khóc với các vị thần khác; đúng vậy, màn đêm cứ thế ngự trị mãi mãi..."
- Ông ta cứ thế tiếp tục đọc với giọng vừa bình thản vừa căng thẳng. - Đó là những lời của nhà tiên tri. - Tôi đọc vậy chỉ nhằm đưa ra cơ sở cho những lời của Chúa về sự trừng phạt đối với kẻ tìm kiếm sự xấu xa và đồi bại, không trong sáng và nhơ bẩn. - Ông nhắc lại mắt vẫn nhìn chăm chú vào nàng. Đột nhiên, nàng nhìn vào mắt gã, không, không phải nó không chớp mà nó có màu nhạt, gần như xanh nhạt, giống như mắt chó sói. Chúng nhợt nhạt và nguy hiểm, làm mọi người khiếp sợ, thực tế không phải gã không hề chớp mắt, đôi mắt của gã quả là không thể chịu nổi với sắc màu xanh lơ của một con sói, và gã lại đọc tiếp bằng một giọng bình tĩnh như trước.  - Giờ thì chúng ta tới đoạn mà Thái hậu, theo lời khuyên của ta, đã khuyến nghị được đọc tại tất cả các nhà thờ trên đất nước này vào ngày Chủ nhật tới như bày tỏ sự tạ ơn là Đan Mạch đã may mắn không phải chia sẻ số phận của Edom và ta sẽ đọc phần từ nhà tiên tri Isaiah, Chương thứ 63. - Rồi ông đằng hắng giọng, mắt nhìn chăm chú vào cuốn Kinh thánh đang mở sẵn và đọc văn bản mà những người dân Đan Mạch sẽ nghe trong ngày Chủ nhật tới. - "Ai là kẻ đã tới từ Edom, trong những bộ quần áo màu tím sẫm từ Bozrah, anh ta là kẻ thật rực rỡ với trang bị, tiến bước với sức mạnh vĩ đại nhất? Chính là ta, tuyên cáo chinh phục, hùng mạnh để cứu rỗi. Vậy tại sao trang bị của ngươi màu đỏ và quần áo của ngươi lại giống như của hắn ta bị ép trong khi làm rượu nho? Ta, chỉ mình ta, đạp lên cái ép rượu và từ những người không ai cùng ta. Ta đạp chúng trong giận dữ; những dòng máu từ cuộc sống của họ bắn toé lên quần áo của ta, và ta đã làm vấy bẩn tất cả. Ngày báo thù vẫn còn ở trong tim ta, và những năm cải hoán đang tới. Ta nhìn nhưng chả có ai giúp đỡ cả. Ta kinh ngạc, song chả có ai để đưa lên; vậy chỉ có mỗi cánh tay ta mang lại chiến thắng cho mình và sự giận dữ của ta nâng giữ mình. Ta đạp xuống mọi người với sự giận dữ. Ta bắt họ phải uống cạn sự giận dữ của ta và tưới dòng máu của họ lên mặt đất" .

Rồi ông ngừng đọc và nhìn nàng.

- Kẻ đạp nho. - Nàng nói như thể với chính mình.

- Ta đã được hỏi một câu hỏi,- ông nói,- và không muốn đưa ra câu trả lời. Giờ đây ta đã làm điều ấy.

-Ra thế? - Nàng thì thào.

- Đó là vì sao.

Có đến một lúc nàng nghĩ, khi ngắm nhìn người thợ làm rượu vang đang đọc một cách chậm rãi và cứng nhắc, rằng có lẽ Struensee cũng cần phải có một người như vậy ở bên cạnh mình.

Bình thản, im lặng với đôi mắt màu xanh lơ của con sói, bộ quần áo vấy máu và với tâm trạng cho những trò chơi lớn.

Nàng thấy gần như ghê tởm khi ý nghĩ đó thoáng đến trong đầu. Struensee có lẽ chả bao giờ bị lừa gạt bởi ý nghĩ này. Đấy là một sự thật mà chính nàng thấy bị cuốn vào và làm cho nàng thấy khó chịu. Liệu nàng có phải là "Mụ phù thủy trong đêm" không?

Mình đã có một người làm rượu vang ở ngay trong mình rồi phải không?

Không, nàng tự thuyết phục mình. Vậy những chuyện này sẽ kết thúc ở đâu? Nó sẽ chấm dứt ở đâu?

Friedrich

Cuối cùng thì nàng cũng ký.

Không có nhắc một tí gì về sự sinh hạ đứa bé gái. Nhưng về chuyện dan díu, nàng viết bằng một bàn tay rắn rỏi, giận dữ, dù cho không đưa ra chi tiết; nàng thú nhận theo kiểu này" giống như Công tước Struensee đã thừa nhận".

Nàng viết một cách rắn rỏi sao cho để anh không bị tra tấn đến chết một cách chậm rãi, sao cho khỏi để anh nghĩ nàng đã nói dối và làm dơ bẩn quyền lực hoàng gia, vì nàng biết rằng sự lo lắng của anh về điều này quả là lớn; nhưng nàng chỉ có thể nghĩ được một điều là: tụi trẻ, tụi trẻ, và đứa con trai đã lớn rồi, song còn đứa bé gái mà mình đang nuôi dưỡng, và họ sẽ đem con bé đi, và chúng sẽ bị bao vây bởi lũ sói, điều gì sẽ xảy ra, Louise bé bỏng, họ sẽ tách cả hai đứa ra khỏi ta, vậy thì ai cho nó bú đây, ai sẽ ôm ấp nó với lòng yêu thương giữa những kẻ làm rượu vang?

Nàng ký. Và nàng biết rằng mình không còn là một cô gái bạo dạn không biết sợ nữa. Nỗi sợ cuố i cùng đã tìm đến nàng, nỗi sợ đã tìm nàng và cuối cùng thì nàng cũng biết sợ là gì.

 

 

4

 

Đại sứ Anh Keith cuối cùng cũng được phép vào thăm Hoàng hậu bị cầm tù.

Vấn đề đã được đưa lên ở cấp cao hơn. Một trò chơi lớn đã được tạo ra, mặc dù trò chơi lớn không liên quan đến hai công tước bị giam cầm, hoặc  những kẻ phạm tội cỡ nhỏ nhoi bị bắt cùng lúc đó. Sau này, họ được thả ra và đuổi đi, rồi rơi vào sự ghét bỏ hoặc nhận những khoản đất phong nhỏ và  được tha bổng, cấp lương hưu.

Những kẻ phạm tội nhỏ im lặng biến mất.

 

Reverdil, người bảo trợ cẩn trọng, bà vú, gia sư của Christian, và vị cố vấn đáng yêu của đứa trẻ chừng nào cần đến lời khuyên, cũng bị đuổi đi. Ông ta bị quản thúc tại gia trong một tuần lễ nhưng ông ta ngồi bình thản và chờ đợi; những thông điệp trái ngược nhau tới; cuối cùng thì một lệnh trục xuất lịch sự tới buộc ông ta phải rời về nước mẹ của mình càng sớm càng tốt và ở đó tìm kiếm sự thanh thản.

Ông ta đã hiểu. Ông đã đi ra khỏi trung tâm của cơn bão với tốc độ chậm chạp bởi vì, như ông ta viết, ông không muốn đưa ra ấn tượng mình đang chạy trốn. Bằng cách này, ông đã biến mất khỏi lịch sử từng giai đoạn một, kiềm chế trong cuộc chạy trốn, lại một lần nữa bị đuổi, gầy gò, hốc hác, buồn rầu và sáng suốt, cùng với những hy vọng bướng bỉnh một lần nữa vẫn sống; ông biến đi như một ánh mặt trời lặn rất từ tốn. Đó là một hình ảnh tồi tệ, nhưng nó lại thích hợp với Élie Salomon Francois Reverdil. Có lẽ ông đã mô tả nó như vậy như thể ông vẫn ẩn mình vào một trong những hình ảnh ông yêu thích được dùng, sự chậm chạp của đạo đức: những hình ảnh của một cuộc cách mạng cẩn trọng, những sự rút lui chậm chạp, của rạng đông và hoàng hôn của Chủ nghĩa Khai sáng.

 

Trò chơi lớn không liên quan đến những nhân vật thứ yếu.

Trò chơi lớn liên quan đến con điếm nhỏ người Anh, nàng công chúa  nhỏ bé, Hoàng hậu đã đăng quang của Đan Mạch, em của vua George III, người phụ nữ theo phái ánh sáng ở vương triều Đan Mạch được tôn kính bởi Sa hoàng Nga Catherine; có nghĩa là một Caroline Mathilde bé nhỏ,bị cầm tù, khóc lóc, hoàn toàn bối rối và giận dữ.

Mụ phù thủy đêm. Thiên thần quỷ. Tuy nhiên, nàng lại là mẹ của hai đứa trẻ hoàng tộc, điều đó ban cho nàng quyền lực.

Sự phân tích của Guldberg rất rõ ràng. Họ đã lấy được lời thú tội gian dâm của nàng. Chuyện ly dị là cần thiết để ngăn không cho nàng và đứa con của nàng tiếm quyền. Nhóm trị vì xung quanh Guldberg giờ đây, như ông ta thừa nhận, cũng giống như Struensee đã từng thế, hoàn toàn phụ thuộc vào tính hợp pháp của ông vua điên. Chúa ban cho quyền lực. Nhưng Christian vẫn còn là ngón tay của Chúa, điều bảo đảm cho cuộc sống, tước vị và ngọn lửa quyền lực đối với kẻ nào có đủ sức mạnh chinh phục khoảng trống tối đen của quyền lực tạo ra bởi căn bệnh của Nhà vua.

Vị bác sĩ hoàng gia đã đến thăm khoảng trống đó rồi lấp đầy nó. Giờ đây khi anh đi khỏi. Những kẻ khác sẽ đến thăm khoảng trống đó.

Tình hình về cơ bản không thay đổi, mặc dù đảo ngược.

 

Trò chơi lớn giờ đây liên quan đến Hoàng hậu.

Christian đã thừa nhận công chúa nhỏ là con của ngài. Tuyên bố nó, một đứa trẻ vô phúc, là một sự thóa mạ đối với ngài và sẽ làm giảm đi quyền lực của ngài để hợp thức hóa chính phủ mới. Nếu đứa bé gái là đồ vô phúc thì người mẹ có thể được phép giữ nó và không còn lý do gì giữ đứa bé tại Đan Mạch. Điều này không thể xảy ra được. Cũng không thể tuyên bố Christian là điên loạn, cũng vì lý do ấy; tất cả quyền lực sẽ trả lại cho đứa con trai hợp pháp của ngài và gián tiếp về Caroline Mathilde.

 

Do vậy thì tội gian dâm phải được thiết lập. Ly dị sẽ phải diễn ra.

Vấn đề ở đây là vị quân vương nước Anh sẽ phản ứng thế nào trước sự sỉ nhục đối với người em gái của mình.

Tiếp đó là một giai đoạn lộn xộn: có chiến tranh hay không? George III đã ra lệnh một hạm đội hải quân hoàng gia sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Đan Mạch nếu như những quyền lợi của Caroline Mathilde bị khước từ. Nhưng đồng thời, báo chí và truyền đơn ở nước Anh xuất bản những phần trong lời thú tội của Struensee. Sự tự do báo chí ở nước Anh vừa đáng khâm phục và cũng rất tệ hại, câu chuyện gây kinh ngạc giữa viên bác sĩ người Đức và Hoàng hậu người Anh bé nhỏ hấp dẫn không thể cưỡng lại được.

Nhưng chiến tranh- trên hết là cái gì?

Nó hình thành khi những tuần lễ trôi qua, ngày mỗi khó khăn để bước vào một cuộc chiến lớn vì một sự lăng mạ tới niềm tự hào dân tộc. Sự không chung thủy về tình dục của Caroline Mathilde đã làm cho sự ủng hộ của công chúng không chắc chắn. Cũng có nhiều cuộc chiến tranh được phát động vì những lý do nhỏ và đặc biệt hơn nhưng nước Anh giờ đây đang lưỡng lự.

Họ tìm đến một sự thoả hiệp. Quận chúa sẽ thoát khỏi cảnh bị cầm tù  chung thân đã được dự kiến ở Aalborghus. Ly dị được chấp thuận. Những đứa trẻ sẽ bị tách ra khỏi nàng. Nàng sẽ bị câu lưu vĩnh viễn khỏi Đan Mạch và buộc phải sống tự nguyện dưới sự kiểm soát ở một trong những lâu đài của nhà vua Anh trong những vùng thuộc quyền sở hữu của ngài ở Đức, tại Celle, Hanover.

Nàng vẫn được giữ tước vị Quận chúa.

 

 

Tại hải cảng Helsingor vào ngày 27 tháng 5 năm 1772, một hạm đội nhỏ của Anh tới, gồm hai khinh hạm và một thuyền buồm hoàng gia.

Cũng ngày hôm ấy, đứa bé gái bị đưa đi khỏi mẹ.

Ngày hôm trước đó họ đã nói với nàng phải từ bỏ đứa bé vào hôm sau; nàng đã biết điều này từ lâu, chỉ có điều thời gian chính xác thì thật chưa rõ ràng. Nàng không lúc nào rời đứa bé, bế ẵm nó suốt mọi lúc trên tay; giờ đây đứa bé được mười tháng tuổi, đã có thể chập chững đi nếu có ai cầm tay nó. Đứa bé luôn tươi tỉnh,và Quận chúa từ chối không cho bất cứ người hầu gái nào chăm sóc nó trong những ngày cuối. Khi đứa trẻ trở nên chán ngán với những trò chơi đơn giản mà nàng nghĩ ra thì đối với nàng việc mặc quần áo cho nó lại đóng một vai trò quan trọng. Ta đã thú nhận mọi thứ mình đã làm sai nếu như có thể giữ được con bé và Chúa là người thợ đạp rượu nho. Ta đã thấy họ đến với những bộ quần áo vấy máu và những con sói sẽ tiếp nhận, nhưng thường nàng cứ mặc quần áo cho đứa bé rồi lại cởi ra, đôi khi cần thiết song cũng có lúc hoàn toàn không cần thiết và thay quần áo cho đứa trẻ như thể để lấy lòng đứa bé. Vào buổi sáng ngày 27 tháng Năm, khi Quận chúa nhìn thấy ba chiếc tàu biển thả neo tại hải cảng, nàng đã thay quần áo cho đứa bé được mười lần rồi, dù cho người hầu có phản đối kiểu gì đi nữa thì chỉ vấp phải sự bực bội và những giọt nước mắt.

Khi một đoàn đại biểu của chính phủ Đan Mạch mới đi tới, Quận chúa gần như mất bình tĩnh. Nàng hét lên không kiềm chế được và nhất định không để mang con bé đi, rồi chỉ với sự kiên quyết của phái đoàn vừa không làm đứa bé tội nghiệp hoảng sợ vừa giữ được phẩm giá, họ mới buộc được nàng thôi không khóc lóc như mưa, song sự nhục mạ này nếu ta chỉ là một kẻ làm rượu nho vào giờ phút này, nhưng còn đứa trẻ.

Cuối cùng thì họ cũng lôi được đứa trẻ ra khỏi vòng tay của mẹ nó mà không làm tổn hại đến nó và Quận chúa.

Sau đó nàng đứng bên cửa sổ, như thường lệ, hình như hoàn toàn bình tĩnh, nhìn trân trối với bộ mặt chẳng bộc lộ chút biểu cảm gì về phía Copenhagen.

Mọi thứ đều trống rỗng. Không còn nghĩ ngợi gì nữa. Bé Louise đã được đưa trả cho đàn sói Đan Mạch.

 

 

5

 

Vào lúc 6 giờ tối ngày 30 tháng 5, việc trao trả được tiến hành. Rồi những sĩ quan Anh bước lên bờ, tháp tùng bởi một đội lính có vũ trang chừng năm mươi người, để dẫn Caroline Mathilde đi.

Cuộc gặp mặt với đội quân vũ trang của Đan Mạch tại Kronborg thật bất thường. Những sĩ quan Anh không chào những người lính gác Đan Mạch theo như tục lệ thông thường, họ cũng không trao đổi một lời nào với các tùy tùng hoặc sĩ quan Đan Mạch; thay vào đó chỉ là sự lạnh nhạt và khinh bỉ tuyệt đối. Họ làm thành một vòng gác danh dự xung quanh Quận chúa, chào đón nàng theo nghi thức nhà binh và một loạt đạn chào mừng được bắn ra từ các hạm thuyền.

Từ phía dưới cảng, nàng bước đi giữa hàng lính Anh đứng theo đội hình, súng lưỡi lê tuốt trần.

Rồi nàng được tháp tùng lên chiếc thuyền buồm hoàng gia và chuyển sang chiếc khinh hạm.

Quận chúa rất bình tĩnh và cương quyết. Nàng nói chuyện với một phong cách thân mật với những người đồng hương, những người khinh bỉ những lính gác Đan Mạch, muốn biểu lộ sự lên án trước cách nàng bị đối xử. Họ sát cánh cạnh nàng với những gì không thể mô tả bằng những từ ngữ quân sự song có lẽ là tình thương yêu.

Không còn nghi ngờ gì, họ xem nàng vẫn là cô gái bé nhỏ của họ. Không hơn không kém. Những sự cư xử của họ chứng tỏ điều đó.

Nàng đã bị đối xử tàn tệ. Họ muốn biểu lộ với những người Đan Mạch sự khinh bỉ của họ.

Bình thản, nàng bước đi giữa hàng lính thủy thủ Anh khi họ bồng súng lên. Không có nụ cười cũng như giọt nước mắt nào. Về điểm này, sự từ biệt của nàng khỏi Đan Mạch không giống như khi nàng đến. Lúc đó nàng khóc mà không hiểu vì sao. Giờ đây, nàng không khóc, mặc dù nàng có lý do để khóc, song nàng đã quyết định vậy.

Họ tháp tùng nàng đi với đầy đủ nghi thức quân sự, với sự khinh bỉ đối với những kẻ mà nàng rời xa và với lòng thương yêu nàng. Đó là cách mà cô gái nhỏ người Anh được đưa trở về sau chuyến thăm của nàng tới Đan Mạch.   

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t87526-chuyen-vieng-tham-cua-ngu-y-hoang-gia-chuong-17.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận