Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 18

Chương 18
Dòng sông

1

 

Ngày báo thù và ngày của người làm rượu nho sẽ tới.

Nhưng có điều gì đó về ý tưởng rất hấp dẫn nay xem ra như là sai. Guldberg không hiểu đấy là gì. Họ đã đọc những văn bản cầu kinh tại nhà thờ với mỗi sự giải thích lại sốc hơn cả lần trước đó; Guldberg nghĩ rằng cũng hợp lý khi điều này xảy ra; chính ông ta đã lựa chọn đoạn văn  và đúng như vậy, Thái hậu đã đồng ý, ngày phán xét và báo thù đã tới, ta giẫm đạp lên mọi người trong cơn tức giận, ta bắt họ phải uống sự giận dữ của ta và ta rót máu của họ trên mặt đất. Đấy là những từ ngữ đúng đắn, và công lý được thực thi. Nhưng khi ông ta đọc văn bản này cho ả gái điếm nhỏ người Anh thì nghe thật kinh ngạc. Tại sao nàng lại nhìn ông theo cách như vậy? Nàng đã mang đến nguồn gốc tội lỗi vào vương quốc Đan Mạch, ông đoan chắc như vậy, và nàng là một mụ phù thủy trong bóng đêm. Đó sẽ là sự săn đuổi những con chó rừng và nơi trú ngụ của những con đà điểu. Và những súc vật hoang dã sẽ gặp những con linh cẩu, mụ phù thủy đêm sẽ bay xuống và tìm cho mụ nơi trú ngụ. Nàng đáng phải chịu vậy, nàng biết rằng mình là một phù thủy đêm, và nàng đã buộc ông phải quỳ gối xuống bên giường và quyền lực của nàng thật lớn, và Chúa, làm sao chúng con có thể bảo vệ mình khỏi sự lây lan của tội lỗi.

Nhưng ông đã nhìn thấy mặt nàng. Khi ông rời mắt khỏi cuốn Kinh thánh, ông chỉ nhìn thấy mặt nàng và sau đó nó nhợt nhòa đi, ông không thấy được mụ phù thủy trong bóng đêm mà chỉ là một đứa trẻ.

Sự ngây thơ đột nhiên,phơi trần. Và đứa trẻ.

Hai tuần sau buổi gặp thứ hai với Caroline Mathilde, nhưng trước khi bản án được tuyên, Guldberg bỗng cảm thấy hơi nghi ngại. Đây là lần đầu tiên trong đời ông, song ông vẫn coi đó như sự tuyệt vọng. Ông không thể tìm được từ khác cho điều ấy.

Những gì xảy ra như sau.

Việc hỏi cung đối với Struensee và Brandt giờ đây đã gần hoàn tất; tội của Struensee đã rõ ràng, bản án chỉ có thể là tử hình. Lúc ấy, Guldberg đến thăm Thái hậu.

Ông ta nói với bà điều khôn ngoan nhất nên làm.

- Điều khôn ngoan nhất,- ông ta nói,- điều khôn ngoan nhất dưới góc cạnh chính trị không phải là một án tử hình mà nên là một cái gì đó ít nghiêm khắc hơn...

- Sa hoàng Nga,- Thái hậu ngắt lời ông ta,- mong muốn giảm án. Ta không cần phải nghe điều đó nữa. Cũng giống như nhà vua nước Anh. Và cũng giống như một số vị vua khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch của Chủ nghĩa Khai sáng. Ta chỉ có thể đáp ứng điều đó.

- Điều gì ạ?

- Không.

Bà thật kiên định. Rồi bỗng nhiên, bà ta nói về ngọn lửa thảo nguyên lớn của sự trong sáng sẽ tràn qua khắp trái đất và xóa sạch mọi thứ, mọi thứ vốn là một phần của thời kỳ Struensee. Và rồi không còn chỗ cho tình cảm. Bà ta tiếp tục theo cách như vậy, và ông lắng nghe; mọi thứ hình như là tiếng vọng của những gì ông đã nói với chính mình, ôi lạy Chúa, nếu như không có chỗ nào cho tình yêu thì chỉ có sự dơ bẩn và sa đọa và ông không có thể làm điều gì khác hơn là đồng ý. Mặc dù sau đấy, ông đã bắt đầu nói nữa về điều gì có thể coi là khôn ngoan và có tình, về Nữ hoàng Nga và nhà vua nước Anh, và sự mạo hiểm của những gì gây phức tạp nghiêm trọng, nhưng chắc chắn đó không phải là những gì ông muốn mà chỉ là < em>chúng ta phải cắt bỏ khỏi những gì gọi là tình yêu và sự hận thù giống như thứ tình yêu của kẻ làm rượu nho và Thái hậu chẳng buồn nghe.

Ông ta cảm thấy có cái gì đấy yếu ớt bừng lên trong ông và bỗng ông trở nên lúng túng. Đó là cơ sở cho sự tuyệt vọng của ông.

Ban đêm, ông nằm thao thức hồi lâu, nhìn lên màn đêm khi Chúa nhân từ có thể tìm thấy được, cùng với tình thương yêu, lòng khoan dung và công lý. Thế rồi ông bị cuốn vào nỗi sợ hãi. Không có gì cả trong bóng tối, chỉ có sự trống rỗng và sự tuyệt vọng quá đỗi.

Cuộc sống kiểu gì vậy, ông ngẫm nghĩ, khi công lý và sự báo thù chiến thắng, và ta không thể thấy tình thương của Chúa trong bóng tối mà chỉ có sự tuyệt vọng và trống rỗng.

Ngày hôm sau, ông đã trấn tĩnh lại được.

 

Rồi ông đến thăm Nhà vua.

Đối với Christian, ngài dường như đã từ bỏ hoàn toàn. Ngài thấy hoảng sợ về mọi thứ và ngồi run rẩy trong phòng, ăn uống một cách miễn cưỡng những thứ được mang đến cho ngài và chỉ nói chuyện với con chó của mình.

Đứa bé da đen Moranti đã biến mất. Có lẽ trong đêm báo thù đó nó cố gắng nấp dưới tấm chăn như cách Christian đã dạy nó nhưng không thể trốn thoát được và có lẽ trong đêm ấy, nó đã đầu hàng hoặc muốn trở về điều gì đó mà chẳng ai biết cả. Hoặc là nó đã bị giết trong đêm khi Copenhagen bùng nổ và cơn giận dữ không thể giải thích được đã đến với mọi người, tất cả bọn họ đều biết một điều gì đấy đã kết thúc và sự giận dữ của họ phải hướng tới cái gì đó, mặc dù không ai hiểu được lý do, song sự giận dữ vẫn tồn tại và phải báo thù; không ai nhìn thấy nó từ đêm hôm đó nữa. Nó biến mất khỏi lịch sử. Christian đã ra lệnh tìm kiếm nó nhưng không có hiệu quả.

Giờ đây, ngài chỉ còn lại mỗi con chó.

Guldberg cảm thấy phiền lòng trước những báo cáo về tình trạng của Nhà vua, ông ta muốn tự mình tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với Nhà vua. Ông ta tới gặp Christian và nói với ngài bằng giọng dỗ dành, khẳng định với ngài rằng tất cả mọi sự đe dọa đối với tính mạng Nhà vua đã bị đập tan và giờ đây ngài đã an toàn.

Sau một hồi, Nhà vua thì thào "thổ lộ" với Guldberg một số điều thầm kín nhất định.

Nhà vua nói với Guldberg rằng trong quá khứ ngài đã phải chịu đựng sự lừa dối là mẹ ngài, Hoàng hậu Louise, đã có một người tình là người Anh, người đó là cha của ngài. Và thỉnh thoảng ngài cũng tin rằng Catherine, ở nước Nga vĩ đại, là mẹ ngài. Tuy nhiên, ngài khẳng định rằng, bằng một cách nào đó ngài đã bị đánh tráo. Có thể ngài là đứa trẻ của một người nông dân bị đánh tráo. Ngài luôn dùng từ "bị đánh tráo", dường như điều đó có nghĩa là một sự đánh tráo đã diễn ra hoặc ngài đã bị bán đi một cách có ý thức.

Tuy vậy, giờ đây, ngài cảm thấy hoàn toàn chắc chắn. Quận chúa, Caroline Mathilde, là mẹ của ngài. Sự thật là nàng bị cầm tù ở lâu đài Kronborg đối với ngài là một tin tức ghê sợ nhất. Nhưng chuyện nàng là mẹ ngài thì rất rõ ràng.

Guldberg lắng nghe với nỗi kinh ngạc và bực bội ngày càng tăng.

Christian trong tình trạng không rõ ràng hiện nay hoặc tự huyễn hoặc về hình ảnh của chính mình, dường như đã pha trộn những tố chất từ sự mô tả của Saxo về Amleth. Christian đã không thể được xem vở kịch Hamlet của văn hào người Anh Shakespear, Guldberg biết rất rõ (tất nhiên đã không được diễn trong thời gian Nhà vua ở London) và cũng chưa được công diễn lần nào tại Đan Mạch.

Sự bối rối của Christian cũng như ảo giác của ông ta về sự ra đời của mình là một điều chẳng có gì mới. Từ mùa xuân năm 1771, nó càng trở nên rõ rệt hơn. Thực tế ngài luôn coi thế giới hiện tại là nhà hát đã được mọi người giờ đây biết hết. Nhưng nếu sự thực ông ta nghĩ mình đang đóng vai trong một vở kịch mà trong đó Caroline Mathilde là mẹ mình thì Guldberg tự hỏi với đôi điều băn khoăn thế ông ta sẽ cho Struensee đóng vai gì.

Và chính bản thân nhà vua Christian sẽ đóng kịch thế nào trong một vở diễn thực sự? Ngài sẽ theo văn bản nào, và sự thể hiện gì sẽ theo sau? Ngài sẽ tự cho mình vai diễn gì? Sự thật là một người bị điên khùng có thể nghĩ ngài đang diễn ở một vở kịch không phải là điều không bình thường. Nhưng người diễn viên này không nhìn thấy thực tế một cách tượng trưng hoặc ở nghĩa bóng và cũng không phải ngài không có quyền lực. Nếu ngài nghĩ mình là một phần của buổi biểu diễn, ngài có đủ quyền để biến buổi diễn thành sự thật. Đó là trường hợp mà một chỉ dụ từ tay Nhà vua cần phải được tuân theo. Ngài có đủ các quyền lực chính thức.

Nếu như Nhà vua có dịp được đi thăm"bà mẹ" thân yêu của mình, ngài có thể bị nàng ta sử dụng, và mọi thứ có thể xảy ra. Việc giết hại Rosencrantz, Guildenstern hoặc Gulberg thì thật quá dễ dàng.

- Hạ thần mong,- Guldberg nói,- được phép khuyên Bệ hạ về một vấn đề hết sức tế nhị.

Christian nhìn vào cặp chân trần của mình, ngài đã bỏ giày rồi lẩm bẩm:

- Nếu như Bà chúa của nhân gian ở đây. Nếu như nàng ở đây và có thể. Có thể.

- Gì ạ? Có thể gì? - Guldberg hỏi.

- Có thể cho ta thời gian của nàng.- Christian thì thầm.

Rồi Guldberg bỏ đi. Ông cũng ra lệnh phải canh chừng Nhà vua thật chặt chẽ và nói rằng không để Nhà vua tiếp xúc với bất kỳ ai nếu không có giấy phép viết tay của Guldberg.

Và ông cảm thấy nhẹ nhõm là giây phút yếu đuối của mình đã qua, nỗi tuyệt vọng đã biến mất và một lần nữa ông lại có thể hành động một cách thực sự có lý.

 

 

2

 

Viên mục sư của nhà thờ dòng đức thánh Peter, tiến sĩ thần học Balthasar Münter, theo đề nghị của chính phủ, đã đến thăm Struensee trong xà lim lần đầu tiên vào ngày 1 tháng Ba năm 1772.

 

Sáu tuần đã trôi qua kể từ đêm Struensee bị giam vào ngục. Và từng chút từng chút một anh bị đánh gục hoàn toàn. Có hai lần thảm bại. Lần thứ nhất đỡ hơn, trước mặt ban điều tra, khi anh thú tội và hy sinh Hoàng hậu. Sau thảm bại lớn hơn, từ bên trong.

Đầu tiên, sau lần thảm bại tại Tòa án điều tra, anh chẳng cảm thấy gì cả, chỉ thấy tuyệt vọng và trống rỗng, nhưng sau đấy là nỗi nhục nhã. Chính tội lỗi và sự nhục nhã đã xâm chiếm anh  giống như căn bệnh ung thư gậm nhấm từ bên trong. Anh đã thú nhận và đã phơi trần nàng tới mức nhục nhã nhất; điều gì đã xảy ra với nàng bây giờ? Và còn đứa trẻ nữa. Anh cảm thấy mình bế tắc và không thể nói chuyện được với ai; anh chỉ có mỗi cuốn Kinh thánh và anh thấy căm thù ý nghĩ phải giở đến nó. Anh đã đọc cuốn sách của Guldberg về một kẻ theo tư tưởng tự do đã cải hối  ba lần và mỗi lần đọc dường như đối với anh lại càng thấy ngờ nghệch và bị lừa bịp. Song anh chẳng có ai để nói chuyện, về đêm trời thật lạnh và xiềng xích lại cứa mạnh vào những vết sưng tấy ở cổ chân và tay. Đâu chỉ có vậy.

Một sự im lặng.

Đã có thời người ta gọi anh là "kẻ im lặng" bởi vì anh lắng nghe, còn giờ đây anh hiểu im lặng là cái gì. Đó là một con quỷ thù địch đang chờ đợi. Mọi tiếng động đã ngừng.

Đó là khi mức tới.

Cứ mỗi đêm trôi qua, anh cảm thấy như trở về với kỷ niệm xưa. Anh trở lại một chặng đường dài, về đến tận Altona và còn xa hơn nữa: trở về thời niên thiếu mà chẳng bao giờ anh muốn nghĩ đến cả, nhưng giờ đây nó đến với anh. Anh buộc phải quay lại những điều không vui, cả đến ngôi nhà sùng đạo. Cũng đến cả mẹ anh, người không khắt khe mà luôn tràn đầy tình yêu thương. Trong những buổi gặp đầu tiên, vị mục sư đã đem đến một lá thư của bố anh và giọng điệu trong thư của bố anh càng làm anh thêm tuyệt vọng:

"Sự thăng tiến của con mà chúng ta biết được trên báo chí không hề làm chúng ta vui lòng". Còn bây giờ, ông viết, sự tuyệt vọng của họ không có bờ bến.

Mẹ anh bổ sung thêm một vài dòng buồn rầu và cảm thông, nhưng điều cốt yếu của lá thư là sự cải hoán và phục tùng  hoàn toàn đối với đức Chúa Jesu và sự tha thứ của Người có thể cứu vãn anh.

Thật không thể chịu đựng nổi.

Viên mục sư ngồi trên chiếc ghế của anh và nhìn anh, bằng một giọng khẽ khàng ông phân tích những vấn đề của Struensee thành những cấu trúc lô-gích. Việc đó được làm không phải là không nhạy cảm. Vị mục sư đã thấy những vết thương của anh và phàn nàn trước s đối xử tàn bạo rồi để mặc cho anh khóc. Nhưng khi mục sư Münter nói, Struensee bỗng nhiên cảm nhận được một thứ tình cảm đặc biệt hạ đẳng, suy nghĩ rằng anh không phải là một nhà tư tưởng hoặc một lý luận gia mà anh chỉ giản đơn là một bác sĩ từ Altona và luôn muốn ngồi trong im lặng.

Và rằng anh không tương xứng.

Nhưng điều tốt nhất là vị mục sư bé nhỏ với khuôn mặt sắc sảo và đôi mắt bình thản đã định hình một vấn đề mà bị gạt sang phần tồi tệ nhất của nó. Điều tệ hại nhất không phải là cái chết, sự đau đớn hay một thực tế là anh sẽ bị tra tấn cho đến chết. Điều tồi tệ nhất là một câu hỏi khác vẫn day dứt trong anh cả ngày lẫn đêm.

Những gì ta làm có sai không? Đây là vấn đề tệ hại nhất.

 

 

*

 

Một hôm viên mục sư, gần như bỏ qua, đã gặp phải điều này. Ông ta nói:

- Công tước Struensee, làm sao mà anh với nghiên cứu của mình trong tình trạng cô độc như vậy, biết rằng điều này là đúng? Tại sao anh lại tin rằng mình có được sự thật khi anh chẳng biết tí gì về thực tế?

- Tôi đã từng làm việc nhiều năm ở Altona,- Struensee nói với ông ta,- và tôi biết thực tế.

- Đúng như vậy,- viên mục sư đáp lại,- nhưng là một bác sĩ ở Altona. Còn về sáu trăm ba mươi hai đạo luật kia thì sao?

Sau một hồi im lặng, ông ta nói tiếp xen chút tò mò:

- Thế ai làm công việc nghiên cứu?

Và Struensee đáp, thoáng nụ cười.

- Một quan chức chính phủ cần mẫn luôn luôn làm việc nghiên cứu thích hợp, ngay cả việc lên kế hoạch chặt chính chân tay mình.

Viên mục sư gật đầu như thể ông ta đã tìm ra câu trả lời cho bằng chứng rõ ràng và thực tế.

 

Anh không làm điều gì sai cả.

Từ nghiên cứu của mình, anh đã chỉ đạo cuộc cách mạng ở Đan Mạch một cách bình tĩnh, không hề có sự tàn sát, cầm tù, cưỡng bức hoặc đầy biệt xứ, không trở nên tham nhũng hoặc ban thưởng cho bạn bè cũng như tìm kiếm bổng lộc cho cá nhân mình hay lợi dụng quyền lực vì những lý do ích kỷ đen tối nào đó. Nhưng xét cho cùng thì anh cũng phải làm điều gì đó sai trái. Và trong những cơn ác mộng, anh cứ trở lại mãi với những người nông dân Đan Mạch bị áp bức và hình ảnh đứa trẻ bị tra tấn đến chết trên con ngựa bằng gỗ.

Chính là vậy. Có điều gì đó về hình ảnh ấy mà mãi nó chẳng tan biến đi.

Không phải là anh thấy sợ đám đông hỗn loạn khi họ nhằm tới anh. Mà vì đấy là lúc duy nhất anh thấy rất gần với họ. Nhưng anh đã quay gót đi và chạy theo chiếc xe ngựa trong bóng tối cùng bùn lầy.

Thực ra, anh đã phản bội chính mình. Anh đã luôn mong mình kết thúc chuyến đi châu Âu ở Altona. Song thực ra anh đã chấm dứt nó ở Altona.

Anh đã phác họa vài khuôn mặt trong phạm vi bản luận văn tiến sĩ của mình. Có cái quan trọng về điều này mà anh hình như đã quên mất. Để nhìn bộ máy và trò chơi lớn, đừng có quên những khuôn mặt người. Liệu có phải vậy không?

Đi theo hướng đó là cần thiết. Và cũng là lô-gích mà vị mục sư bé nhỏ kia đã định hình một vấn đề khác hẳn cho anh. Đấy là vấn đề của sự trường tồn, không biết nó có tồn tại không và bằng tất cả sự kính trọng, anh đã xoè tay tới vị mục sư bé nhỏ và chấp nhận món quà này.

Và như vậy, anh đã có thể bỏ qua được một vấn đề nữa, vốn tồi tệ nhất. Và anh cảm thấy hài lòng.

 

 

Mục sư Münter đã đến thăm Struensee tại xà lim hai mươi bảy lần.

Trong lần thăm thứ hai ông nói rằng ông biết chắc chắn Struensee sẽ bị xử tử. Một vấn đề trí thức dưới đây nổi lên. Nếu như cái chết có nghĩa là sự tiêu hủy hoàn toàn- và nó đúng như thế. Vậy thì không có cái vĩnh cửu, không có Chúa, không có thiên đường và sự trừng phạt vĩnh viễn. Vậy thì những điều trăn trở của Struensee trong suốt những tuần qua chẳng có nghĩa gì cả. Vì thế, cái đầu tiên, Struensee cần tập trung vào khả năng duy nhất khác, đó là cuộc sống sau cái chết tồn tại; thứ hai là điều tra những cơ hội nào tồn tại để giành được càng nhiều càng tốt khả năng còn lại.

Ông ta hỏi Struensee một cách khiêm nhường rằng liệu anh có đồng ý với phân tích này không và Struensee ngồi im lặng hồi lâu. Rồi Struensee hỏi:

- Nếu điều thứ hai là đúng thì liệu mục sư Münter có thường xuyên tới đây để chúng ta cùng nhau phân tích khả năng thứ hai không?

- Được. Hàng ngày và nhiều giờ mỗi ngày. - Ông ta đáp lại.

Như vậy là cuộc nói chuyện của họ bắt đầu. Và câu chuyện về cải huấn của anh được khởi sự.

 

Hơn hai trăm trang trong tài liệu về cải huấn được viết dưới dạng hỏi và đáp. Struensee đã kiên nhẫn đọc Kinh thánh, phát hiện những vấn đề, cần những câu trả lời và nhận được chúng." Nhưng hãy nói với ta, công tước Struensee, điều gì trong đoạn này anh thấy khó chấp nhận?"

"Đoạn khi Chúa nói với mẹ mình: 'Thưa bà, con đã làm gì với người?' Xem ra có vẻ cứng rắn quá và nếu như tôi có thể dùng từ không đúng mực". Và tiếp theo là sự phân tích không mệt mỏi của mục sư, mặc dù nó được hướng trực tiếp đến Struensee hay được tạo thành sau này đều không rõ ràng. Nhưng có rất nhiều trang với những câu trả lời thần học dài dằng dặc. Rồi đến một câu hỏi ngắn và một câu trả lời chi tiết, và phần cuối của những ghi ché p trong ngày là một điều khẳng định rằng công tước Struensee giờ đây đã hiểu và lĩnh hội đầy đủ vấn đề.

Những câu hỏi ngắn, câu trả lời dài và cuối cùng là sự hiểu biết lẫn nhau. Về những hoạt động chính trị của Struensee là không


có gì.

 

Lời thú tội cải huấn của anh đã được xuất bản sau này bằng nhiều thứ tiếng.

Chẳng ai biết thực sự nó nói gì. Mục sư Münter ngồi đó, ngày qua ngày, cúi đầu xuống cuốn sổ tay của mình. Mọi thứ sẽ được xuất bản và trở nên rất nổi tiếng: như một lời biện giải của một kẻ có tư tưởng tự do và tông đồ của Chủ nghĩa Khai sáng.

Chính Münter là người đã viết ra tất cả. Thái hậu về sau này đã nghiên cứu kỹ văn bản trước khi nó được ấn hành, đã xóa đi đôi chỗ và kiểm duyệt vài đoạn.

Rồi nó được in ra.

Nhà thơ Goethe trẻ tuổi lúc đó đã giận dữ khi đọc nó. Nhiều người khác đã tức giận. Không phải việc Struensee đã cải đạo, mà sự thật là nó đã được lấy ra dưới đòn tra tấn. Mặc dù điều đó không đúng và anh chưa bao giờ từ bỏ những ý tưởng khai sáng của mình, nhưng hình như anh đã đặt mình trong niềm hân hoan vào cánh tay của đức Chúa cứu rỗi và nấp mình trong những vết thương của Người. Mặc dù những người nói về sự bội giáo và đạo đức giả có được từ sự tra tấn khó có thể hình dung ra nó như thế nào: với vị mục sư bình tĩnh, sắc sảo, nói năng nhỏ nhẹ và nhân ái, mục sư Münter với thứ tiếng Đức lịch lãm và nhịp điệu- ông ta nói tiếng Đức! Và cuối cùng là tiếng Đức! - nói với anh và dẫn dắt qua vấn đề khó khăn nhất- tại sao anh lại thất bại trong thế giới này- và nói về sự trường tồn vốn là một câu hỏi dễ dàng và thương hại. Và tất cả bằng tiếng Đức, hình như thỉnh thoảng lại đưa Struensee về nơi xuất phát điểm vốn ấm áp và an toàn: trong đó bao gồm trường Đại học Halle, bà mẹ anh cùng với sự chăm bẵm, sùng đạo của bà, lá thư của bố anh và sự thật họ đã nghe là anh giờ đã về yên nghỉ trong những vết thương của Chúa Jesu và niềm vui của họ tại Altona và chuyện giác hơi, những người bạn của anh ở Halle và mọi thứ, mọi thứ mà hình như đã bị lãng quên.

Nhưng bây giờ đã tìm thấy và trong những ngày, những giờ được tái hiện lại bởi mục sư Münter, ngồi trên chiếc ghế bành trước mặt anh, trong cái lạnh giá của Copenhagen, nơi mà lẽ ra anh không nên bao giờ đến thăm và nơi mà chỉ có những cuộc đối thoại lô-gích, trí tuệ và thần học trong vài giờ có thể giải thoát "Kẻ im lặng", một bác sĩ từ Altona, từ nỗi sợ hãi là sự yếu đuối của anh và có lẽ cuối cùng, sức mạnh của anh.

 

 

 

 

 

 

3

 

Bản án của Struensee được ủy ban Điều tra ký vào ngày thứ Bảy, 25 tháng Tư.

Lý do đằng sau đó không phải là anh đã phạm tội ngoại tình với Hoàng hậu mà là anh đã hành động một cách có ý thức để thoả mãn khao khát quyền lực và anh đã xóa bỏ Hội đồng, và chính là do lỗi của anh mà Đức vua, người vốn rất đỗi thương yêu thần dân của mình, đã mất lòng tin vào Hội đồng và Struensee đã gây ra hàng loạt những hành động bạo lực do sự ích kỷ của mình, báng bổ đối với tôn giáo, tự trọng và đạo đức thông thường.

Không có điều gì nói về sự không chung thủy, chỉ có phần đề cập mơ hồ "hành động sai trái thêm vào, mà vì vậy anh đã bị buộc tội khi quân  ở mức cao nhất". Không đề cập gì đến chứng điên của Christian.

Không nhắc gì đến đứa bé gái. Mà chỉ tội "khi quân" và "ở mức cao nhất". Bản án được ban hành phù hợp với luật pháp Đan Mạch, mục thứ nhất của Cuốn 6, Chương 4:

"Công tước Johann Friedrich Struensee sẽ chịu sự trừng phạt và để làm gương cho những kẻ khác giống như hắn, vì vậy bị tước đi danh dự, cuộc sống và mọi thứ sở hữu, truất khỏi chức vụ công tước và tất cả những danh hiệu khác đã được ban tặng, gia huy tước hiệu của hắn sẽ bị đao phủ đập vỡ; bàn tay phải của Johann Friedrich Struensee bị chặt cụt khi còn sống và về sau chặt đầu; thân thể của hắn bị chặt từng khúc, đặt trên cọc và bánh xe, còn  đầu và tay bị bêu trên cọc."

 

Bản án đối với Brandt cũng như vậy. Chặt tay, chặt đầu, tứ chi và bêu  xác.

Tuy nhiên, phần kết luận của tòa án, có ý nghĩa khác hẳn. Chính sự kiện lạ lùng của chuyện ngón tay trỏ lại là lý do dẫn đến bản án tử hình đối với anh ta và hình thức xử tử.

Anh ta đã vi phạm thân thể của Nhà vua.

Hai mươi tư giờ sau đó, vào buổi chiều ngày 27 tháng Tư, các bản án đã được vua Christian VII phê chuẩn. Chữ ký của ngài là cần thiết. Có sự lo lắng lớn về chuyện khả năng bản án bị lật ngược là hoàn toàn có thể. Vì lý do ấy, Christian bị đưa vào cảnh bận rộn suốt cả ngày, như thể người ta muốn ngài mệt lử, chán phè với các hoạt động lễ nghi và tháp tùng ngài tới thế giới nhà hát, nơi chẳng có gì ngoài bản án tử hình là thực.    

Vào buổi tối ngày 23 tháng Tư, một vũ hội  hóa trang lớn được tổ chức ở nơi Nhà vua và Thái hậu duyên dáng đã tiếp tất cả các vị khách được mời đến. Vào ngày 24, một buổi hòa nhạc được tổ chức tại nhà hát Đan Mạch với sự có mặt của hoàng tộc. Vào ngày 25, bản án được tuyên đối với Struensee và Brandt và đêm hôm đó Nhà vua đi xem vở opera Hadrian ở Syria. Ngày 27, vua Christian lúc này cực kỳ mệt mỏi và hoàn  toàn  rối  trí (theo những người có mặt cho biết) đã được những thành viên của triều đình tháp tùng tới dự tiệc tối ở Charlottenlund, rồi từ đó ngài trở về vào lúc 7 giờ tối, ký các bản án và ngay lập tức được dẫn tới Nh à hát Opera nơi ngài vừa ngủ gật vừa thưởng thức một vở opera Italia.

Người ta vẫn rất sợ Nhà vua sẽ ban bố việc hoãn thi hành án. Mọi người đều nghi ngờ có cuộc đảo chính và nếu vậy nhiều cái đầu sẽ bị rơi. Đã có lo lắng rằng các thế lực khác có thể can thiệp khi một người đưa thư mang đến từ St. Petersburg vào ngày 26 tháng Tư, một lá thư gửi nhà vua Đan Mạch.

Lá thư được nghiên cứu rất kỹ.

Catherine đại đế tỏ ra băn khoăn nhưng không đe dọa gì. Bà đã kêu gọi Nhà vua, nói rằng "sự cảm thông vốn tự nhiên đối với mỗi trái tim nhạy cảm và trọng danh dự" mong được ngài quan tâm đến "sự khoan hồng hơn là nghiêm khắc và nghiệt ngã" với những kẻ "không may mắn", những kẻ đã làm ngài tức giận "dù cho có thể bào chữa như thế nào."

Tất nhiên, Christian không được đọc lá thư này. Giọng điệu cũng vừa phải. Nước Nga sẽ không can thiệp vào. Cũng giống như nhà vua nước Anh. Họ có thể tự mình thanh trừng những kẻ sa đọa.

 

Vấn đề cuối cùng lại là Christian.

Nếu chỉ có Christian, trong cơn lú lẫn của mình, không gây ra vấn đề gì mà chỉ có ký thôi! Nếu như ngài không chịu ký thì sẽ không có tính hợp pháp.

Tuy nhiên tất cả mọi thứ đều diễn ra trôi chảy. Christian ngồi bên bàn Hội đồng, lẩm bẩm, người ngả nghiêng, và lẫn lộn; chỉ có một lát hình như ngài bừng tỉnh, rồi than phiền về thứ ngôn ngữ đặc biệt và phức tạp của văn bản quá dài; bỗng nhiên ngài thốt ra kẻ nào sử dụng thứ ngôn ngữ kỳ quặc đó "phải đáng phạt một trăm roi".

Rồi ngài lại tiếp tục với những câu lẩm bẩm và không hề phản đối, rồi ký.

Sau đấy, lúc lên xe ngựa để tới Nhà hát Opera, ngài bèn kéo Guldberg dừng lại, rồi lôi sang một bên thì thầm tâm sự.

 

Ngài thổ lộ với Guldberg rằng ngài không chắc là Struensee muốn giết mình. Nhưng ngài nói, nếu thực sự mình, Christian, không phải là một con người đã được Chúa lựa chọn thì không cần phải đòi hỏi sự có mặt của ngài tại địa điểm hành quyết để có thể ra lệnh tha bổng cho kẻ phạm tội! Liệu có đủ chưa nếu như ngài cầu xin Chúa, người nâng đỡ ngài, tha thứ cho anh ta? Và ngài lại thổ lộ thêm với Guldberg rằng ngài đã từ lâu không chắc mình có là một con người hay không, nếu như là một con người bằng xương bằng thịt, có thể là một đứa trẻ bị tráo đổi mà cha mẹ thật sự lại là những người nông dân ở Jutland, thì liệu vụ hành quyết này có cung cấp đủ bằng chứng cho ngài không? Thật tội nghiệp! Nếu vậy, ngài chỉ cần qua những suy nghĩ của mình thôi và dù ngài có mặt hay không tại cuộc hành quyết, cũng có thể ra lệnh ân xá, lúc đó lại bằng chứng - bằng chứng! - Rằng ngài không phải là một con người. Nhưng, nếu như điều này không thành công, thì ngài cũng sẽ chứng minh rằng ngài thực sự là một con người. Bằng cách này vụ hành quyết sẽ là chỉ dẫn mà ngài mong muốn từ lâu, một dấu hiệu từ Chúa cho thấy nguồn gốc của ngài là gì và một câu trả lời cho câu hỏi ngài có phải là con người hay không.

Thì thào và khăng khăng, ngài nói điều đó với Guldberg và cuối cùng thốt ra.

- Một chỉ dẫn! Cuối cùng là một dấu hiệu!

Guldberg lắng nghe những câu nói lộn xộn mà không mảy may biểu lộ tình cảm gì. Ông ta để ý Nhà vua không nhắc một lời nào đến Caroline Mathilde là mẹ của ngài.

- Một sự phân tích chính xác và thông minh. - Đó là lời đáp duy nhất củaGuldberg.

 

Sau đấy người ta đưa Christian vào Nhà hát Opera. Guldberg nhìn trân trối sau Nhà vua hồi lâu, chìm đắm trong suy nghĩ và rồi bắt đầu những biện pháp đề phòng liên quan đến cuộc hành quyết mà ông ta giờ đây nhận ra là cực kỳ cần thiết.

 

 

4

 

Người ta xây dựng pháp trường giống như một sân khấu ngoài trời.

Ngay lập tức sau khi Nhà vua ký vào bản án, họ bắt đầu dựng lên đoạn đầu đài tại Ostre Fælled. Đó là một cái đài hình chữ nhật bằng gỗ, cao chừng mười lăm fít;  trên mái có hẳn một cái chòi làm nhô ra để cho cả gã đao phủ và nạn nhân được nhìn thấy rõ ràng, cao vượt lên; ở trên đấy đầu và tay nạn nhân bị chặt.

Họ dựng địa điểm hành quyết rất nhanh và một ban nhạc nhỏ cũng được gọi đến để mang lại không khí lễ hội cho cái sân khấu chết người này. Tin tức loang ra rất nhanh; các vụ xử tử sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 28 tháng Tư, lúc 9 giờ, một vài giờ trước một buổi lễ lớn bắt đầu. Gần ba vạn người đã rời Copenhagen từ sáng sớm trên mình ngựa, đi bộ hoặc đi bằng xe tới Ostre Fælled, một cánh đồng nằm ngay ở phía bắc bức tường thành phố.

Tất cả các lực lượng quân sự ở Copenhagen được triệu tập vào dịp này. Người ta ước tính có khoảng năm nghìn lính được bố trí xung quanh Ostre Fælled, một số canh gác pháp trường, số còn lại thì tập trung ngay trên cánh đồng để sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra sự rối loạn nào.

 

Hai mục sư Münter và Hee đã đến từ rất sớm cùng với các nạn nhân. Những tù nhân phải rời pháo đài vào lúc 8.30, được tháp tùng bởi một đoàn xe ngựa do hai trăm lính bộ binh canh gác, lưỡi lê tuốt trần và hai trăm ba mươi tư cận vệ trên lưng ngựa.

Hai tù nhân được chở trên những chiếc xe riêng biệt.

 

Vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, Brandt vẫn thổi sáo.

Anh ta hình như vui vẻ, không hề sợ sệt. Anh ta mỉm cười khi đọc bản án cùng với những lời buộc tội của tòa án. Anh ta nói mình hoàn toàn quen thuộc với những lễ nghi xung quanh màn hài kịch này; tất nhiên anh có thể được tha bổng vì những lời buộc tội thật vớ vẩn và sự trừng phạt không hề thích hợp với những lời buộc tội. Khi họ giật cây sáo của anh trước khi giải đi, anh ta chỉ nói:

- Tôi sẽ tiếp tục thổi sáo đêm nay khi màn kịch này kết thúc và tôi sẽ được tha bổng và tự do.

Khi người ta nói với Brandt rằng anh sẽ bị xử tử trước Struensee; anh ta có vẻ hơi ngạc nhiên một chút, có thể là sợ hãi; anh đã nghĩ trong quá trình tha bổng, đối với những tội phạm nặng như Struensee, phải bị xử tử trước, sau mới đến người vô tội, tức anh ta, có thể được tha bổng sẽ là chuyện tất nhiên.

Nhưng giờ đây thì anh ta lại giả định rằng cả hai sẽ được tha bổng.

Anh mong muốn khi bước lên xe sẽ nhìn thấy lệnh tha bổng đang trên đường tới pháp trường để anh sẽ không bị trở thành mục tiêu của đám đông quần chúng hỗn loạn. Anh ta cảm thấy vị trí của mình như một ông trùm vui chơi, chịu trách nhiệm về các hoạt động giải trí văn hóa của triều đình và thủ đô, hay nói một cách khác, là vị quan về văn hóa, đã tạo ra ác cảm đối với nhiều người trong dân chúng. Trong số những thường dân có một sự thù địch mãnh liệt đối với văn hóa, và nếu như anh được tha bổng trên pháp trường thì rất có thể sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của dân chúng."Tôi e rằng người ta sẽ lột da tôi ra mất".

Tuy nhiên, anh ta đã được khẳng định bằng tin năm nghìn lính được điều động để bảo vệ anh ta trước đám đông. Anh ta mặc một áo choàng màu xanh lá cây có tua vàng, bên ngoài khoác một chiếc áo lông màu trắng.

Chiếc xe chạy thật chậm chạp.

Dừng lại trước đoạn đầu đài, ngay dưới chân cầu thang, là cô nhân tình mới nhất của Brandt; Brandt chào cô ta với vẻ hồ hởi, sau hỏi những lính gác xem anh ta có cần thiết phải leo lên trên đoạn đầu đài trước khi có lệnh ân xá không, nhưng rồi anh ta cũng đồng ý phải làm vậy.

Dean Hee tháp tùng anh ta lên cầu thang.

Khi lên đến bậc thang cuối cùng, ông ta cầu xin Chúa tha tội cho Brandt. Rồi người ta đọc bản án và gã đao phủ, Gottscchalk Mühlhausen, bước lên phía trước, giơ lên cái tước hiệu công tước của Brandt, sau đập vỡ đôi ra và thốt lên những lời truyền thống: "Việc đó không phải được thực hiện không có nguyên do, mà đáng  phải làm như vậy". Dean Hee hỏi Brandt rằng anh ta có hối tiếc tội khi quân không và Brandt trả lời khẳng định; tất nhiên điều này là điều kiện tiên quyết để tha bổng theo sau. Trước khi điều đó tới, anh ta được yêu cầu cởi bỏ áo lông, mũ áo choàng màu xanh lá cây và áo chẽn; anh ta làm theo như vậy mặc dù không hài lòng vì cho rằng điều ấy không cần thiết. Rồi anh ta bị buộc phải quỳ xuống và tựa đầu lên một cái thớt lớn và cánh tay phải xoè rộng ra trên một cái thớt bên cạnh. Giờ nét mặt anh ta trở nên xám ngoét nhưng vẫn còn khấp khởi vì đây là lúc mà từ "tha bổng" sẽ được công bố.

Đúng lúc ấy, gã đao phủ đã chặt phăng cánh tay phải của
anh ta.

Chỉ tới khi đó, Brandt mới tin rằng câu chuyện là nghiêm túc. Trong cơn quằn quại, anh ta quay đầu lại nhìn thấy cánh tay bị chặt máu đang phun ra, anh ta bắt đầu hét lên sợ hãi; nhưng họ đã giữ anh ta thật chặt, ấn đầu xuống cái thớt và với một nhát tiếp theo, cái đầu bị chặt đứt khỏi cơ thể. Cái đầu được giơ lên để mọi người cùng nhìn thấy.

Một không khí im lặng bao trùm đám đông, khiến rất nhiều người ngạc nhiên.

Cái xác bị lột truồng ra, dương vật bị cắt rồi quẳng xuống một cỗ xe đặt ở dưới đoạn đầu đài cao mười lăm fit. Bụng bị phanh ra, ruột gan bị lôi ra vứt tung toé rồi thân hình bị chặt làm bốn mảnh; tất cả bị vứt vào thùng xe.

Brandt đã nhầm lẫn. Chả hề có chuyện tha bổng nào được đặt ra, hoặc ít nhất là không tha bổng đối với anh ta từ những kẻ giờ đây đang nắm quyền hành.

Có thể cũng có một cơ hội. Song cơ hội này đã bị chặn lại.

 

Đêm hôm trước, nhà vua Christian VII đã ra lệnh phải đánh thức ngài dậy rất sớm; vào lúc 8 giờ sáng ngài đi ra ngoài một mình, không nói định làm điều gì, bước ngang qua sân cung đình tới chỗ chuồng ngựa.

 

Rồi ngài ra lệnh đem một chiếc xe ngựa và gã xà ích tới.

Xem ra ngài có vẻ hoảng hốt, cơ thể ngài run rẩy như thể ngài quá sợ hãi về những điều sắp làm, nhưng mọi điều ngài yêu cầu không hề bị từ chối hoặc làm ngược lại; thực ra, một cỗ xe ngựa đã chờ sẵn, những con ngựa đã được thắng cương và một tốp sáu người lính dưới sự chỉ huy của một sĩ quan cận vệ đã đứng quanh cỗ xe. Nhà vua không hề tỏ ra nghi ngờ về điều này rồi ra lệnh cho gã xà ích đưa ngài tới nơi hành hình ở Ostre Fælled.

Không ai dám trái lời ngài và chiếc xe cùng với đám tháp tùng khởi hành.

Trong chuyến đi, Nhà vua ngồi nép vào một góc, mắt nhìn như cắm xuống chân ngài giống mọi khi; trông ngài xanh xao và bối rối nhưng ngài không hề ngước nhìn lên cho đến nửa tiếng sau, khi chiếc xe dừng lại. Rồi ngài thò đầu ra, và nhận ra mình đang ở đâu. Ngài đang ở trên đảo Amager. Ngài lao người ra cửa và nhận thấy đều bị khóa, ngài mở cửa sổ rồi hét lên với đám lính rằng ngài đã bị đưa đến sai chỗ.

Họ không trả lời nhưng ngài đã hiểu. Họ đã đánh xe đưa ngài tới đảo Amager. Ngài đã bị lừa. Chiếc xe ngựa giờ đây đứng lặng yên cách bờ biển khoảng một trăm bộ và yên cương đã bị tháo ra. Ngài hỏi điều này nghĩa là thế nào; viên sĩ quan bèn phi ngựa tới chỗ cỗ xe và thông báo với Nhà vua rằng họ buộc phải thay ngựa vì chúng kiệt sức, nhưng họ sẽ tiếp tục cuộc hành trình ngay sau khi những con ngựa mới được đem tới.

Rồi gã nhanh chóng phi đi mất.

 

Cánh cửa của cỗ xe vẫn bị khóa chặt. Những con ngựa đã bị tháo dây cương. Những tên lính vệ binh vẫn ngồi trên lưng ngựa cách đó một trăm bộ và xếp hàng chờ đợi.

Nhà vua ngồi một mình trong chiếc xe không có ngựa. Ngài thôi không la hét nữa rồi ngồi phịch xuống hàng ghế trong xe tức tối. Ngài nhìn ra bờ biển nơi đó không hề có đám cây nào bao phủ, rồi nhìn ra mặt biển rất phẳng lặng. Ngài nhận ra bây giờ là lúc phải tha bổng cho những kẻ bị kết án. Ngài không thể trèo ra khỏi chiếc xe. Những tiếng hét của ngài chẳng đến được với ai cả. Những tên vệ binh nhìn thấy ngài qua cánh cửa sổ mở đang có những động tác kỳ quặc giơ cánh tay và bàn tay lên quá đầu, như thể ngài muốn vươn cánh tay lên tận bầu trời, tới Chúa, mà đã chọn ngài là con của Người, một con người có thể tồn tại, có quyền lực, một người có thể thực thi quyền lực để tha bổng, nhưng sau một hồi đôi tay của ngài xem ra mệt mỏi hoặc cảm thấy bất lực nên rơi thõng xuống.

Ngài vẫn ngồi trong góc cỗ xe. Từ phía đông những đám mây mang theo mưa trôi về phía Amager. Những tên vệ binh đứng chờ bên ngoài trong im lặng. Chả thấy con ngựa nào tới cả. Không thấy có Chúa hiện ra.

Có lẽ lúc này ngài đã hiểu. Có lẽ ngài đã được thấy dấu hiệu của mình. Ngài chỉ là một con người, không hơn không kém. Mưa bắt đầu rơi, ngày càng nặng hạt và chẳng bao lâu những con ngựa có thể tới và có lẽ họ sẽ lại quay trở về lâu đài, có lẽ đức Chúa nhân từ có tồn tại nhưng tại sao Người không bao giờ cho con thấy mặt hoặc cho lời chỉ dẫn hoặc lời khuyên hoặc cho con một chút thời gian của Người, thời gian của Người, hãy cho con thời gian, và giờ đây mưa lạnh buốt, ngày càng nặng hạt.

 

Chẳng ai nghe thấy tiếng thét của ngài cả. Không có con ngựa nào. Không có Chúa. Chỉ có con người.

 

 

5

 

Nhà vua Thụy Điển Gustav III lên ngôi năm 1771, vào giữa thời kỳ Struensee mà ngài đã chứng kiến với một tình cảm lẫn lộn và cũng với một sự thích thú lớn lao. Từ lễ đăng quang đã có một tác phẩm hội họa nổi tiếng của Carl Gustaf Pilo.

Nó có tên là Lễ đăng quang của Gustav III. Pilo đã từng là thầy giáo dạy vẽ cho Christian khi còn nhỏ và ông ta sống trong triều đình Đan Mạch thời kỳ Struensee, nhưng đến năm 1772 ông ta bị trục xuất và trở về Stockholm. Ở đó, ông ta bắt đầu tác phẩm vĩ đại mô tả lễ đăng quang của Gustav III, mặc dù ông không bao giờ có thể hoàn thành tác phẩm, nhưng nó là tác phẩm cuối cùng của ông.

Có lẽ ông ta cố gắng mô tả một cái gì đó quá đau đớn.

Ở chính giữa bức tranh là nhà vua Thụy Điển, vẫn còn trẻ; ngài đã thừa hưởng quyền uy và dòng giống thích hợp, nhưng ngài cũng, như chúng ta biết, tràn đầy những ý tưở ng về Chủ nghĩa Khai sáng. Nó đã là rất nhiều năm trước khi ngài thay đổi và trước khi ngài bị ám sát ở một vũ hội hóa trang. Xung quanh ngài là những thành viên của một triều đình cũng tiếng tăm không kém.

Cái đó ở chính giữa và thật đáng suy nghĩ.

Nhà vua và triều đình không xuất hiện được vẽ ở phòng đăng quang; họ lại được đặt ở giữa một khu rừng đen thẫm với những thân cây đen sẫm, cao lớn, như thể cảnh đăng quang được diễn ra trong một khu rừng cổ xưa hoang dại hàng thế kỷ ở Bắc Âu.

Không, không có cột, không có những cây cột của một nhà thờ. Bóng tối, những thân cây, một khu rừng nguyên sinh trong bóng tối thần bí và ở chính giữa là một đám người sững sờ kinh ngạc.

Liệu có phải bóng tối là ánh sáng hay cái được thắp sáng là bóng tối? Một sự lựa chọn phải được tiến hành. Cũng như vậy là sự thực của lịch sử, người ta chọn cái gì để xem, cái gì là ánh sáng và cái gì là bóng tối.

 

 

6

 

Struensee ngủ rất bình yên đêm đó và khi anh thức dậy anh thật bình tĩnh.

Anh biết điều gì sắp xảy ra. Anh nằm với đôi mắt mở to, nhìn trân trối hồi lâu lên trần đá xám xịt của xà lim, tập trung vào một suy nghĩ duy nhất. Cái đó liên quan tới Caroline Mathilde. Anh tập trung vào những gì thật đẹp, vào thực tế là anh đã yêu nàng và anh đã nhận được một tin nhắn từ nàng cho biết nàng đã tha thứ cho anh vì đã thú tội; rồi anh nghĩ về việc anh đã cảm thấy thế nào khi nàng nói với anh rằng nàng đã có mang, và đó là của anh. Anh thực sự cảm thấy tất cả đã mất hết nhưng nó chẳng là vấn đề gì cả. Anh đã có con, đứa trẻ sẽ sống và đứa trẻ sẽ đem lại cho anh cuộc sống vĩnh cửu, đứa trẻ sẽ sống và sinh ra những đứa trẻ, đó là sự trường tồn và chẳng có vấn đề gì cả.

 

Đấy là những gì anh suy nghĩ.

Khi mục sư Münter bước vào xà lim, giọng của cha run lên khi ngài đọc một đoạn trong Kinh thánh và ngài không còn lô-gích như mọi khi nữa mà đã đầu hàng trước một cơn bão của tình cảm, điều này thật ngạc nhiên và hình như đã cho thấy ngài không thể xem thường Struensee mà ngược lại rất mến anh. Nhưng sáng hôm đó, buổi sáng cuối cùng của anh, Struensee đã nói với ông bằng giọng từ tốn rằng anh muốn bao bọc xung quanh mình là sự im lặng để tập trung vào ý nghĩa của cuộc sống vĩnh hằng và anh sẽ rất vui nếu như mục sư hiểu được điều đó.

Vị mục sư gật đầu lia lịa và hiểu. Vậy là họ dành cả những giờ của buổi sáng đó hoàn toàn trong im lặng và yên tĩnh.

Rồi đến lúc ra đi.

Münter không đi cùng với Struensee trong chiếc xe ngựa nhưng ông bước vào bên trong đoạn đầu đài; chiếc xe dừng lại rất gần đó, và từ vị trí của họ có thể nhìn thấy Brandt bước lên cầu thang, từ cửa sổ mở họ nghe được những lời của Dean Hee và của gã đao phủ, rồi tiếng thét của Brandt khi cánh tay của anh ta bị chặt đứt trong sự kinh ngạc và rồi là những tiếng rìu chặt nặng nề khi việc xả thân thể diễn ra, những mảnh xác được liệng vào cỗ xe đậu  dưới đoạn đầu đài.

Münter chẳng giúp được gì nhiều. Ông ta bắt đầu đọc Kinh thánh, song run rẩy và òa lên khóc mà không thể kiềm chế được; Struensee nói với ông ta, cố gắng an ủi ông nhưng không được. Toàn thân vị mục sư run lên lẩy bẩy khi ông ta khóc nức nở, ông ta cố gắng lắp bắp vài từ trong Kinh thánh, Struensee đã đưa cho ông ta chiếc khăn mùi soa và sau nửa giờ việc hành quyết Brandt hoàn tất, những tiếng ném thình thịch các bộ phận của cơ thể chấm dứt và đã đến giờ.

Anh đứng trên đoạn đầu đài nhìn ra phía biển người. Rất nhiều người đã tới! Biển người là vô tận: họ là những người anh đã tới thăm và chính họ là những người anh đã muốn giúp đỡ. Tại sao họ lại không cảm ơn anh? Nhưng đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy họ.

 

Giờ đây mình đã thấy họ. Mình đã thấy. Ôi lạy Chúa, có lẽ Người tồn tại như một khe cửa ở đó; nhiệm vụ của con phải cố len vào, liệu đấy có phải là vì quyền lợi của họ và giờ đây mọi thứ đều tuyệt vọng, liệu con có thể hỏi họ được không. Ôi lạy Chúa, con nhìn thấy họ và họ nhìn thấy con, nhưng giờ thì đã quá muộn rồi và có lẽ con nên nói với họ và đừng có tự cô lập mình và có lẽ họ nên nói chuyện với con song con ngồi đó trong phòng của mình và tại sao chúng ta không gặp nhau lần đầu tiên theo cách này mà giờ đây đã là quá muộn rồi; họ đập vỡ gia huy của anh và nói những lời cần thiết. Rồi lột quần áo của anh. Cả chỗ này đều vấy máu của Brandt và anh nghĩ, đây chính là Brandt, mẩu thịt này chỗ máu này và đoạn xương này, đó là một con người khi sự thiêng liêng biến mất, chỉ còn có thịt, máu và đây là Brandt, vậy thì con người là cái gì. Họ tóm chặt tay anh, lúc này ngoan ngoãn như một con cừu, đầu của anh được kê lên trên một cái thớt, còn cánh tay ở trên một cái thớt khác, anh nhìn thẳng về phía trước, tới biển vô tận những khuôn mặt xám ngoét và xanh nhợt với những cái mồm há rộng đang nhìn anh, rồi gã đao phủ chặt cánh tay anh bằng chiếc rìu.

Cơ thể anh giãy thật mạnh đến nỗi gã đao phủ khi chuẩn bị chặt đầu anh, đã trượt tay; Struensee nhổm dậy trên một đầu gối mở miệng như thể anh muốn nói với tất cả hàng nghìn người mà anh gặp lần đầu tiên, chỉ có một bức hình mà con có đức Chúa Jesu, đó là bức hình của đứa con gái bé nhỏ, nhưng nếu như con có thể nói với tất cả những người đã không hiểu và trước đó con đã phạm tội bởi vì con không hiểu và rồi anh lại bị đẩy xuống cái thớt lần nữa, lần này khi gã đao phủ vung rìu lên lần thứ hai, những lời cuối cùng anh đã nói với nàng thoáng vụt trở lại trong những cái trường tồn của Vĩnh cửu, rồi cái rìu cuối cùng cũng đã tìm đúng vị trí của nó, chặt đứt cái đầu của viên bác sĩ hoàng gia người Đức; và chuyến thăm Đan Mạch của anh đã kết thúc.

 

Từ phía đông, những đám mây đen cuộn tới, và khi việc chặt từng khúc thân thể của anh bắt đầu, mưa bắt đầu đổ xuống; nhưng đó không phải là cái làm cho đám đông rời khỏi nơi này.

Họ rời khỏi nơi này như thể họ đã thấy quá đủ, như thể họ muốn nói: không, điều đó chúng tôi không muốn nhìn thấy, có cái gì đấy sai, đó không phải là cách chúng tôi muốn.

Phải chăng chúng tôi đã bị đánh lừa?     

Không, họ không chạy trốn, chỉ đơn giản là họ bắt đầu ra đi, lúc đầu là vài trăm người, rồi vài nghìn người và rồi tất cả họ đều đi. Như thể thế là đủ, họ chẳng hề thích thú gì với những gì đã nhìn thấy, không thấy có niềm vui quỷ quái nào và không có sự báo thù, mọi thứ đã đơn giản trở nên không thể chịu nổi. Đầu tiên họ là một khối quần chúng vô tận nhìn chằm chằm trong im lặng những gì đang xảy ra - tại sao lại im lặng đến vậy? Rồi họ bắt đầu lui lại, lúc đầu chầm chậm, về sau nhanh hơn, trong sự buồn bã. Họ bước đi và chạy về phía thành phố, cơn mưa nặng hạt dần nhưng đối với họ, cơn mưa là điều quen thuộc, ít ra hình như nó đến với họ khi tất cả màn kịch này diễn ra và họ không còn muốn tham gia đóng vai nào trong đó nữa.

Liệu có phải sự tàn bạo mà họ không thể chịu được không? Hoặc là họ cảm thấy bị phản bội?

Guldberg đã ra lệnh cho chiếc xe ngựa của mình dừng lại cách đoạn đầu đài một trăm bước chân; ông ta không ra khỏi xe ngựa nhưng ra lệnh cho hai mươi tên lính đứng gác bên cạnh. Vậy chúng được yêu cầu phải canh gác chống lại cái gì? Mọi thứ đang diễn ra đúng theo kế hoạch. Nhưng tất cả lập tức có cái gì đó cảm thấy thiêu thiếu và ngoài vòng kiểm soát; thế còn những đám đông thì sao? Tại sao họ lại rời cảnh tượng đó, đằng sau những khuôn mặt mệt mỏi, thương cảm và rầu rĩ kia là cái gì mà khiến ông ta cảm thấy khó chịu? Họ đi ngang qua ông ta như thể một đám đông xám xịt, đau đớn, một con sông, một đám rước tang lễ mà không có lời nào, không chút tình cảm, mà hình như chỉ có biểu hiện... đúng, nỗi tiếc thương. Đó là nỗi thương tiếc đã làm cho im lặng chết người và cũng đồng thời ngoài tầm kiểm soát.

Họ đã chứng kiến sự kết thúc vĩnh viễn của thời đại Struensee, nhưng đồng thời Guldberg lại có cảm nghĩ mối hiểm nguy vẫn chưa qua. Sự lan truyền của tội lỗi cũng đã đến chỗ họ. Và ngọn lửa đen từ những ngọn đuốc của Chủ nghĩa Khai sáng chưa bị dập tắt. Những ý tưởng đó bằng một cách kỳ lạ đã ảnh hưởng tới họ, thậm chí họ có thể đọc được và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể hiểu được, và sẽ không bao giờ hiểu được, chính vì vậy họ sẽ phải đặt dưới quyền kiểm soát và bị lãnh đạo; nhưng có thể sự lây nhiễm vẫn còn đó. Có thể thời kỳ Struensee vẫn chưa kết thúc; ông ta biết rằng lúc này điều quan trọng là phải hết sức cảnh giác.

Cái đầu đã bị chặt đi nhưng những tư tưởng vẫn còn đó và người dân đã không muốn ở lại chứng kiến; tại sao họ lại rời đi?

Đó là một dấu hiệu cảnh báo. Liệu ông ta đã làm điều gì sai trái? Liệu ông ta đọc được gì ở những khuôn mặt rầu rĩ, buồn bã kia? Liệu đấy có phải là sự cam chịu? Đúng, có lẽ. Thế thì cứ vậy đã. Ông ta ngồi đó, trên chiếc xe của mình, còn đám đông khổng lồ những người dân vây xung quanh ông ta giống như một con sông, không phải ở trên bờ của con sông mà ở ngay chính giữa dòng! Chính giữa dòng! Ông ta không biết nên hiểu điều này như thế nào.

Cảnh giác tuyệt đối giờ đây là cần thiết. Thời kỳ Struensee đã qua. Nhưng sự lây nhiễm.

Ba vạn người đã không chào đón cái đầu bị chặt bằng những tiếng hò reo. Họ chạy trốn, vội vàng, vấp ngã, lôi xềnh xệch lũ trẻ được đem theo, tránh xa khỏi đoạn đầu đài mà giờ đây bị chìm đắm trong cơn mưa ngày càng nặng hạt. Họ không muốn nhìn thêm nữa. Có cái gì đó sai rồi. Guldberg ngồi bất động trong xe, được canh gác cẩn mật. Nhưng điều ông ta luôn nhớ là đám đông vô tận này đã chuyển động ra sao, mặc dù trong im lặng; và đám đông giống như một con sông bị ngăn cách quanh chiếc xe của ông ta, và ông ta ngồi đó, không phải trên bờ như một người phiên dịch mà ở chính ngay giữa dòng chảy. Lần đầu tiên, ông ta biết rằng mình không thể đọc được sự chuyển động của dòng sông.

Điều gì tràn ngập trong trái tim họ? Sau tất cả thời đại Struensee không kết thúc?

 

Mới gần đây thôi, chỉ ba tháng trước, cảm giác đoàn kết còn rất mạnh mẽ. Ông ta nhớ lại những cuộc bạo động vui vẻ vào tháng Giêng. Nỗi căm thù của người dân thật lớn lao. Nhưng giờ đây họ trở nên im lặng rồi bỏ đi, kinh ngạc và không biểu lộ vui mừng, trong một đám tang khổng lồ tràn đầy sự im lặng mà lần đầu tiên Guldberg cảm thấy sợ hãi.

Liệu có còn cái gì nữa chưa bị chặt đi?

 

Cỗ xe đứng dưới đoạn đầu đài.

Khi cỗ xe chở những phần thân thể tới Vestre Fælled, nơi những cái đầu và cánh tay được cắm trên cọc, các bộ phận sinh dục cùng với ruột bị vứt trên các bánh xe, khi chiếc xe cuối cùng đã được chất đầy chuẩn bị khởi hành, thì cả cánh đồng trống không: chỉ còn lại năm nghìn lính đứng im lặng, bất động dưới trời mưa nặng hạt, đứng gác trên một khoảng không còn lại sau khi ba vạn người đã rời đi từ lâu khỏi nơi người ta nghĩ rằng thời đại Struensee đã bị chặt đầu và chấm dứt.   

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t87527-chuyen-vieng-tham-cua-ngu-y-hoang-gia-chuong-18.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận