Chuyện Đời Tôi Chương 18


Chương 18
Đánh bò cạp

Mọi thức ăn vật dụng dọc đường của chúng tôi đều nằm gọn trong cái túi lúc nào cũng kè kè bên người. Lúc chia tay, đại đội truỏng Tăng đã đưa chúng tôi một ít tiền. Dựa vào chút tiền đó chúng tôi sống qua ngày. Nhưng khi lưu lạc đến làng Dung của Quý Châu, thì một xu cũng chẳng còn dính túi.

Làng Dung (không biết tại sao lại viết như vậy, tôi không nhớ rõ) khá bề thế, đã đầy dân lánh nạn. Chúng tôi thuê được một ngôi nhà nhỏ để trú tạm. Ba tôi phát hiện ra một cửa hàng gần đó, thế là mẹ tôi lục đống áo quần, lấy đồ nữ trang còn lại, được giấu trong áo lót, đem ra bán dần. Nhưng rồi cũng chỉ đủ ăn quấy quá qua ngày. Thiếu thốn, kham khổ làm cho mẹ tôi đổ bệnh.

Hồi đó, vùng Quý Châu - Quảng Tây đang có dịch sốt rét, bệnh đang lây lan khắp nơi. Thông thường bệnh sốt rét hay lên cơn cách nhật, nhưng ở Quý Châu, thì ngày nào cũng lên cơn, càng lúc càng dữ. Hồi đó, người đi lánh nạn bị chết vì sốt rét không phải ít. Người địa phương gọi bệnh này là "đánh bò cạp", ai nghe mấy tiếng này đều thất kinh, vì bệnh này có thể ủ vài năm hoặc vài chục năm, mà thuốc ký ninh, lại thuốc đặc trị bệnh này ở đây lại vô cùng quý hiếm. Đúng là lúc nhà dột lại đổ thêm mưa rào, mẹ tôi nhiễm sốt rét ác tính, ngã qụy không gượng dậy được.

Nhà không tiền, không thuốc, không thức ăn trong lúc trước mắt tối tăm, tương lai mờ mịt. Những ngày tạm trú trong ngôi nhà nhỏ này thật thê lương ảm đạm quá đỗi. Mẹ tôi nằm trên chiếc ván, cả ngày chỉ rên với rên, thật xót gan, xót ruột, Ba tôi ngày ngày phải đem mớ đồ, mà chủ cửa hàng không chịu mua đi bán dạo khắp nơi, những hy vọng đổi được vài viên thuốc. Ngồi bên giường trông chừng mẹ, nghe từng tiếng rên của mẹ tôi càng lo lắng, càng hoảng sợ. Từ khi xa quê, tôi đã sớm hiểu thế nào là tử biệt, nên mỗi lần ba đi vắng, giao tôi canh chừng mẹ, tôi sợ vô cùng, tôi sợ bóng tối và tử thần vây chặt cả ngôi nhà.

Một hôm, tôi canh chừng mẹ như thường lệ, thấy không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, đầu tôi bắt đầu choáng váng, tim đập dồn dập, mồ hôi toát ra thấm ướt cả lưng áo. Mẹ trân trối nhìn tôi, thều thào nói qua nước mắt:

- Con ơi! Nếu mẹ chết, các con làm sao?

Tôi đứng không vững nữa, òa khóc thảm thiết, tiếng khóc đã làm mẹ tôi đang yếu phải bật dậy, đỡ tôi, vò đầu an ủi tôi:

- Đừng sợ! Đừng sợ con! Mẹ nói chơi đó mà!

Nhưng tôi cứ khóc mãi. Tôi run rẩy, rồi té xỉu. Khi tỉnh dậy, bác sĩ đã ở trong nhà, tôi thì nằm bên cạnh mẹ, tránh chườm khăn ướt, người nóng như lửa... Tôi đã bị lây bệnh sốt rét.

Thế là hai mẹ còn cùng đổ quỵ trong căn nhà nhỏ ấy. Mùi vị "đánh bò cạp" hồi đó còn in sâu trong óc tôi cho đến bây giờ. Khi sốt rét thì sốt toát mồ hôi, còn rét thì rét tận xương tận tủy, cả người run cầm cập, đầu đau như búa bổ. Sáu tuổi đầu, tôi không sao chịu nổi, chỉ biết khóc, khóc như thể không bao giờ dứt. (Sau này, thứ bệnh đó còn dày vò tôi mấy năm nữa, khi dứt khi phát, mãi sau giải phóng trở về Thượng Hải, mới hoàn toàn dứt hẳn).

Nhà năm miệng ăn, bệnh đổ hai người. Tiền trả công bác sĩ đã cạn, tiền thuê nhà trọ cũng thiếu chồng chất, lại thêm sợ mẹ con tôi chết trong nhà, chủ nhà không ngớt giục chúng tôi dời đi. Đến nông nỗi này, đúng là sơn cùng thủy tận rồi, nhà năm người, người nọ nhìn người kia, bưng mặt khóc. Hồi đó, cả nhà tôi, ngoài bộ quần áo mặc trên người, chẳng còn gì để bán.

Xem chừng cả nhà phải kết liễu cuộc đời tại cái làng nhỏ bé, miệt núi non hiểm trở này. Mẹ tôi thường nói với ba về cái chết. Tôi bồi hồi nhớ lại cảnh đâm đầu xuống sông Đông An, sao hồi đó không chết đi cho rảnh nhỉ? Thế rồi, một chuyện lạ lùng nữa lại đến.

Hôm ấy, như thường lệ, ba tôi lo bương chải bên ngoài tìm kế sinh nhai. Tôi và mẹ thì nằm chờ chết trong gian phòng tối tăm ngột ngạt. Bỗng cửa mở toang, ba tôi cùng một thanh niên lạ mặt bước vào, phấn khởi nói với mẹ tôi:

- Mình xem! Có biết tôi gặp ai đây không?

Cùng lúc, người thanh niên phục xuống trước giường, xúc động nói:

- Bà giáo Trần, sao lại đến nông nỗi này?

Nguyên người này là học trò của ba tôi, họ Túc ( tên là gì tôi không nhớ rõ). Ông Túc là trợ giáo Đại học Quảng Tay, đang sơ tán về vùng này. Ba tôi ra phố, mau sao gặp được ông Túc.

Thấy mẹ con tôi sắp chết, còn hai em thì đói lả, không chút do dự, ông Túc vụt chạy đi mời bác sĩ đến rồi mua thuốc, mua thực phẩm và thanh toán cả tiền nhà trọ... Ông chạy đôn chạy đáo mọi nơi mọi chỗ lo cho cả nhà tôi, phải nói rằng tấm lòng đầy nhiệt tình, chân thật đó, thật là cảm động, cả nhà tôi, nhờ gặp được ông Túc mà thoát khỏi cơn hoạn nạn. Tình người lúc này thật cao quý làm sao!

Ông Túc đã cứu chúng tôi thoát khỏi hiểm nghèo. Bệnh sốt rét của hai mẹ con tôi bị đẩy lùi. Nhưng chúng tôi cũng chẳng còn một xu dính túi, mà đường thì còn xa tít mù, làm sao đi đến nơi đến chốn? Để giải quyết việc làm sau này cho chúng tôi, ông Túc lại giới thiệu ba tôi với trường đại học Quảng Tây. Lúc đó, các giáo sư, giáo viên trường đại học Quảng Tây người thì bỏ việc, người thì sơ tán, lãnh đạo nhà trường đang lo lắng vì thiếu thầy. Dù trong chiến tranh, nhà trường vẫn kiên quyết duy trì việc học hành. Ban lãnh đạo trường cho rằng ba tôi là một nhân tài hiếm có nên nhận ba tôi. Đúng là chuyện nằm mơ cũng không có được ở lại cái địa phương nhỏ bé, chỉ vì mẹ con tôi bị ốm liệt giường mà ba tôi lại vào dạy ở đại học Quảng Tây. Nhờ có việc làm, có đồng lương, bao nỗi nhọc nhằn của chúng tôi đã được vơi đi rất nhiều.

Thế là chúng tôi theo trường đại học Quảng Tây, tiếp tục rút về Quý Châu. Bước thứ nhất, đi thuyền gỗ theo dòng sông chảy xiết cặp triền núi hướng về Dung Giang của Quý Châu. Trên chiếc thuyền con ấy, chúng tôi phải đi mất hai mươi ngày, thường xuyên vật lộn với dòng nước hung hãn.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/50433


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận