Trên chuyến bay từ Trung Phi về Pari mùa xuân năm 1975, có một người khách quốc tịch Pháp hồi hương, dáng người cao lớn, râu tóc bạc phơ, ngồi trầm tư như vừa mới qua một trận ốm, dáng mệt mỏi lộ rõ trên gương mặt. Áng chừng ông đã ở tuổi 65. Mấy mươi năm làm việc ở Phi châu đã làm ông kiệt sức. Vậy mà, khi cầm trên tay tờ báo đưa tin nóng hổi nhất về cuộc chiến tranh ViệtNam, ông bật dậy nhanh nhẹn, vui vẻ như một thanh niên tráng kiện. Cái tin Sài Gòn giải phóng, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, cả đất nước Việt Nam thống nhất đã làm ông sung sướng, phấn khởi như muốn reo lên trong lòng. Bởi đã từ lâu ông nhận ra rằng mọi cuộc chiến tranh xâm lược đều là phi nghĩa và đều sẽ đưa đến một kết cục thảm hại. Ông đã từng đồng tình với cuộc đấu tranh giành độc lập của người châu Phi, ông đã xây dựng và thực thi những phương án đào tạo để giúp cho người châu Phi tự cai trị, tự quản lý. Huống hồ, với Việt Nam, một đất nước mà ông yêu quý, một dân tộc mà ông mến mộ, đặc biệt là mến mộ truyền thống văn hóa nghìn năm phong phú thì ông càng mong mỏi và tin tưởng họ sẽ giành được hòa bình, độc lập. Cố nhiên, tự bản thân ông đã nhận ra niềm vui sâu kín trong lòng mình: cái điều mà suốt 30 năm qua ở Phi châu ông đã tưởng như hoàn toàn không thể có cơ hội để thực hiện một lời hứa, một ước nguyện. Ông sẽ đi tìm Quế, ông sẽ về lại ViệtNam. Bằng mọi cách, nhất định ông sẽ tìm lại người bạn đời năm xưa của mình.
Trong hành lý xách tay gọn nhẹ của người hồi hương hôm nay, cũng như lúc ra đi, không thể thiếu những tấm hình gia đình, vợ con và những kỷ vật nhỏ nhoi, ít ỏi của Quế. Ngoài ra, ông cũng không quên mang về "những bức thư không gửi" ông đã viết cho người phương xa, đang lưu lại trong cuốn nhật ký.
Đường bay còn quá xa. Vị khách luống tuổi lại ngồi trong im lặng. Phải chăng trong giờ khắc này, ông đang lục lại trong ký ức xem ở ViệtNamngày ấy mình đã quen biết những ai, quan hệ với những ai. Và không biết trải qua ngần ấy năm chiến tranh, ai còn, ai mất. Lòng lo lắng, hồ nghi, ông cũng không dám tin rằng người ấy có còn không, có qua nổi chặng đường gai góc dài dằng dặc của 30 năm chiến tranh? Trong tâm trí ông, hình ảnh người bạn đời của mình vẫn là một cô Quế trẻ trung, xinh đẹp, dịu dàng, hiền hậu của ngày xưa. Rồi ông lại tự bảo với lòng mình: nếu còn, chắc cũng đã thành một bà già cỡ ngoài 50 tuổi. Mà biết đâu, bà ấy có chờ mình, hay là đã lấy chồng và đang cùng chồng con sống yên vui, hạnh phúc trong một mái nhà. Bà ấy có còn nhớ tới mình không? Có nhớ rằng đang có hai đứa con bên Pháp? Khi mình tìm lại được, liệu bà ấy có nhận không? Hay là... Hay là...
Bao nhiêu câu hỏi dồn dập, quay cuồng trong đầu óc ông già Pari hồi hương mà chẳng biết tới bao giờ mới được giải đáp.
2
Xuống sân bay Đờgôn, Misen không muốn dừng chân ở Pari, mà lên ngay chuyến máy bay gần nhất về Macxây nơi gia đình ông đang trú ngụ, để khẩn trương thực hiện mọi dự định. Sau những bữa cơm đoàn tụ thân mật với gia đình, bạn bè, ông tìm hiểu thêm về tình hình ViệtNamsau cuộc chiến. Ông gửi tới người bạn thân hiện đang là Đại sứ Pháp tại ViệtNammột bức thư fax khá dài. Nội dung bức thư là muốn nhờ bạn tạo điều kiện để tìm lại tung tích người bạn đời mà suốt gần nửa thế kỷ qua ông đã giấu kín và giờ đã mất địa chỉ. Nhưng thông tin cho bạn, Misen chỉ báo được có mấy lời ngắn ngủi:
"Cô Trần Thị Quế, cháu ngoại ông Lang Huy, có người bác (anh của mẹ) tên là Thung, làm chánh tổng vào đầu thập kỷ 40. Người làng Ghềnh, huyện Kiến Tĩnh, tỉnh H."
Rồi ông lại phóng ô tô ngược 800 km lên Pari, tìm kiếm một người bạn thân khác là đốc tờ Lương. Ông này người Việt, là một trí thức có uy tín, đã định cư ở Pháp từ mấy chục năm trước. Nghe ông Lương nói còn có bà con ở quê, đã mấy lần liên lạc thư từ, quà cáp, Misen vui mừng khôn xiết. Ông lại nói lời khẩn thiết nhờ cậy bạn và bổ sung thêm một thông tin mà ông cho là bổ ích:
- Ngày còn làm việc ở Hà Nội, tôi có quen biết với ông Phán Lộc, người huyện Kiến Tĩnh, tỉnh H., nhà ở khoảng giữa phố Hàng Đường.
- Ông Phán Lộc, không biết có còn không. Nghe nói, từ những năm sau Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội tiến hành công tư hợp doanh, cải tạo giai cấp tư sản, không biết ông Phán Lộc còn ở Hàng Đường hay đã đi chỗ khác. - Đốc tờ Lương, bằng tiếng Pháp, tỏ lòng băn khoăn ái ngại cho Misen. Rồi ông giới thiệu cho ông bạn già người Pháp này đến vùng biển Noócmăngđi, làm quen với một người bạn ViệtNamcủa mình đang làm thuyền trưởng đánh cá ở đó. Nghe nói vị thuyền trưởng này mới liên lạc được với người nhà sau cuộc chiến.
Khi ông Misen vượt hơn 400 km xuôi về tới biển Noócmăngđi thì thuyền trưởng Hạt vừa ở ngoài khơi về. Đúng như một ngư dân ViệtNam, ông niềm nở đón tiếp người bạn thân của Đốc tờ Lương một bữa cơm thuần Việt. Ngồi bên đĩa cá tươi luộc còn bốc hơi nóng, quyện với mùi thì là thơm thơm, thuyền trưởng Hạt vui vẻ gợi lại những món ăn đặc sản của dân tộc mình xem Misen còn nhớ? Ông già da trắng thú vị hưởng ứng.
Ông già Misen xoay xoay ly rượu trên tay, chân tình bộc bạch với người bạn mới về ý đồ thiết tha muốn gặp lại người bạn đời của mình thì được biết, vị thuyền trưởng này vừa tiếp được thư của một người họ hàng thân thiết ngày xưa làm thư ký nhà băng ở tỉnh H. với cái tên thường gọi là Ký Thanh.
Mang thêm những thông tin mới, Misen hối hả phóng xe trở về Mácxây với những tia hy vọng.
Không biết là lần thứ bao nhiêu rồi, trong cuộc đời mấy mươi năm chu du từng trải, cũng như từ khi trở về, Misen lại mở những tấm hình và kỷ vật của Quế ra ngắm nghía: bức hình mẹ con Quế trong buổi chia tay làm ông rưng rưng xúc động. Trời ơi! Vậy mà đã hơn 30 năm xa. Ngày ấy, hai đứa con còn bé thế này, mà bây giờ, cả hai đứa đã lấy chồng. Con Marian đã cho ông một thằng cháu ngoại biết cắp sách đến trường rồi, mà bà ngoại nó thì đang ở phương trời nào? Liệu có bao giờ mẹ con, bà cháu còn được gặp nhau không? Tấm ảnh "cô hàng xén" gợi cho ông nhớ lại cả một cuộc tình lận đận, và đầy trắc trở, bất hạnh. Ông thương Quế ngày ấy, có chồng rồi mà vẫn phải sống lẻ loi, đơn chiếc. Vì phải giữ bí mật cho chồng được công thành danh toại. Vì lo lắng cho sự nghiệp của chồng, mà Quế phải cam phận sống tha phương nay đây mai đó, ăn đậu ở nhờ. Cuộc đoàn tụ, hạnh phúc vợ chồng mà ngày ấy Quế được hưởng, với mình, chỉ có thể tính bằng giờ, bằng ngày chứ đâu có được tính bằng tháng. Lấy một ông chồng quan chức hàng tỉnh, đã không dám nên danh nên giá, công khai ra mắt bà con xóm làng, lại cứ phải giấu giấu giếm giếm, tiền bạc đưa về giúp mẹ cũng chẳng được là bao... Đang miên man xót xa thương nhớ Quế, tay Misen chạm phải cái băng "cát-xét" ông đã ghi âm được tiếng hát của Quế trong một buổi dạ hội do ông chủ trì. Tiếng hát ngọt ngào của Quế cất lên trong máy, ông mải mê nghe và muốn hát theo. Rồi lấy ra một bộ phách - kỷ vật nhỏ nhoi của Quế, bắt chước những người hát ca trù sành sỏi, ông nâng tay cao tay thấp gõ xuống mấy tiếng "cách, cách". Hình ảnh của Quế trong những đêm hát ca trù ở nhà ông và cả ở xóm Bình Kha lại hiện lên rõ ràng trong tâm trí ông như ngày nào.
Ngồi một mình trong thư phòng, Misen lần giở những trang nhật ký - những "bức thư không gửi" viết cho Quế, lòng thấy xốn xang xúc động như chính mình đang được trò chuyện, tâm sự với người mình yêu. Ép cẩn thận giữa những trang nhật ký đó của ông là một mảnh giấy học trò đã úa vàng vì thời gian, nét chữ run rẩy, nhòe nhòe:
"Đêm chia tay tại Hà Nội, em yêu mình nhiều hôn mình nhiều. Mình ơi em nhớ mình bao giờ em quên được mình, mình ơi từ mai trở đi Đời em sống có một mình, Không biết chúng mình có gặp nhau nữa không hay là hết rồi. Tháng 8-1945 Tại Hà Nội".
Misen áp mảnh giấy viết vội của người xưa vào ngực mình, ngồi mơ màng như bất động.
3
Ông Misen Butê sống trong thấp thỏm chờ đợi. Phải đến hơn nửa năm sau mới nhận được cú điện thoại không vui của Đốc tờ Lương. Ông ta cho biết rằng người bà con thân tín của ông từ Nam Định đã nhiệt tình ra Hà Nội, tìm ông Phán Lộc ở phố Hàng Đường giúp ông, thì nghe nói cụ Phán Lộc từ sau ngày vào công tư hợp doanh được ít lâu đã mất. Người con trai của cụ đi bộ đội, ra chiến trường, hình như sau khi ra quân đã xây dựng gia đình ở tận trong Bạc Liêu.
Misen vừa buông lời cám ơn đốc tờ Lương, vừa ngao ngán thở dài: thế là bế tắc một hướng!
Bẵng đi gần một năm, ông thuyền trưởng Hạt ở Noócmăngđi mới gửi tới cho ông Misen một lá thư vừa
"Bố cháu nói, ngày trước làm việc kề cận dưới trướng ông nhà băng nên có biết ông phó sứ Misen ở tỉnh H. và có vài lần gặp bà vợ ông lý cựu tên là Đông những đêm nghe hát ở phường Bình Kha. Nay cháu thay bố cháu đang bị bệnh, tìm mãi mới gặp được bà cụ Đông thì bà ấy bảo: có biết cô Quế lấy ông phó sứ, nhưng hai người đã đưa nhau đi Hà Nội từ những năm nảo năm nào kia, bà bây giờ già lẫn rồi, bà không nhớ rõ nữa...".
Thấy nói tìm được cụ Đông rồi, Misen đã tưởng tin mừng, ông như muốn reo lên trong lòng. Hóa ra cũng chỉ bằng không! Misen có phần chán nản. Niềm tin gặp lại Quế của ông bắt đầu lung lay. Chỉ còn một hướng từ phía ông đại sứ Pháp. Misen sốt ruột, vội nâng ống nói giục bạn.
Đầu dây đằng kia (từ ViệtNam) tiếng ông bạn trả lời:
"Tôi đã cho đăng báo, trong mục tìm người nhà. Sẽ cho đăng lại một lần nữa. Hãy vui lòng chờ".
Một buổi sáng, bà Quế đang hì hục trộn vữa ở công trường, thấy cô bạn trẻ xòe tờ báo trước mặt:
- Bác Quế ơi, suýt nữa cháu quên. Hôm qua ngồi bọc vở cho thằng con, thấy tờ báo có tên bác, cháu giữ lại cho bác xem. Này, có phải của bác không? Ai đang tìm bác phải không? "Nhắn tìm người nhà là Trần Thị Quế, người tỉnh H...". Bà Quế cầm tờ báo trên tay, thoáng một chút băn khoăn, bà đọc lại: "... Bà Quế ở đâu xin báo cho ông Sỹ Thái ở số nhà... tiểu khu... khu Đống Đa, Hà Nội". Ông Sỹ Thái là ai? Mình không hề quen biết gì người này. Nghĩ vậy, bà đưa trả lại tờ báo cho chủ của nó:
- Không phải tôi đâu, thiên hạ thiếu gì người trùng họ, trùng tên. Với lỵ tôi không quen ai là Sỹ Thái cả.
Nhưng đó chính là cái tin tìm người nhà đầu tiên mà ông bạn đại sứ Pháp tại ViệtNamđã đăng hộ Misen. Ông đã sở cậy một nhân viên người Việt trong sứ quán làm việc này. Ông nhân viên vốn cẩn thận và rất ý tứ, nghĩ rằng cần phải nhờ một cái địa chỉ ở ngoài (ngoài sứ quán) cho người ta hồi âm, và vào thời buổi này, chưa nên vội đưa ra những chi tiết như lấy chồng Pháp và cháu ông chánh tổng, kẻo nhỡ người ta không dám nhận.
Bà Quế đọc thấy mảnh báo cũ có tin tìm người nhà ở công trường thì cũng chỉ chắt lưỡi một cái "Chậc! Ai tìm mình mà làm gì. Chỉ có ông ấy, thì ông ấy đã đi tận đẩu, tận đâu mất rồi. Chả biết còn sống hay là chết. Mà sống thì cũng vợ đẹp con khôn rồi, còn nhớ gì đến mình". Nghĩ vậy rồi bà cũng quên nhanh như một chuyện phiếm chị em vẫn kể cho vui nghe tai nọ xọ tai kia mà thôi. Về nhà, tuyệt nhiên, bà không kể nửa lời với ai cả. Vợ chồng cậu em họ không biết. Những người hàng xóm láng giềng không ai biết.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Cho đến một buổi tối, Tráng đi làm về, đưa cho chị một tờ báo có tin tìm người nhà:
"... Ông Misen Butê, người Pháp, nhắn tìm vợ là bà Trần Thị Quế, quê ở... tỉnh H., thất lạc gia đình từ tháng 8-1945...", địa chỉ hồi âm vẫn như trước. Người đàn bà một thoáng chững lại, lặng đi, mừng vui xúc động lẫn lộn. "Đúng là ông ấy tìm mình. Ông ấy còn sống. Vậy là ông ấy vẫn còn tình còn nghĩa. Ông ấy chưa quên mình...".
Thấy bà chị cứ cầm chặt tờ báo trong tay đứng thần ra không nói gì, cậu em sốt ruột hỏi:
- Chị, có phải của chị không? Có phải có ai tìm chị không? Mà sao lại là "người Pháp"? Bố thằng Trung là... Hay là... Chị có lấy chồng Pháp bao giờ không?
Nghe cậu em hỏi dồn, người chị nửa muốn chối, nửa muốn nhận là phải. Chối thì... đành đoạn cắt đứt, không bao giờ còn được gặp ông ấy, mà nhất là chẳng bao giờ còn được gặp lại hai đứa con bên Pháp... Mà nhận thì... cũng khổ. Nhận là tự đào bới lên cái bí mật đã chôn chặt giấu kín từ mấy mươi năm nay, rồi cái tiếng "me Tây" lại trở lại, liệu có thoát khỏi được cái nhìn khinh thị xỉa xói của mọi người? Nghĩ tới đó, bà đành trả lời cậu Tráng, chậm rãi mà có vẻ dứt khoát:
- Không, không phải người ta tìm chị đâu. Bố thằng Trung là người Việt.
Tráng không nghi ngờ gì nữa. Rồi Tráng cũng quên nhanh về cái tin tìm người nhà, không nói gì với vợ con và cả với thằng cháu. Nhưng với người đàn bà đã nhiều gian truân, người vợ xa chồng thì cái mẩu tin tìm người nhà đã làm bà xốn xang mãi không thôi. Từ bữa ấy, ngày nào bà cũng trong một tâm trạng giằng xé phức tạp: nhận hay không nhận?
4
Có một người khách lạ, nói là người nhà của bác sĩ Lương ở bên Pháp tìm về làng Ghềnh, huyện Kiến Tĩnh,
tỉnh H.
Cô cán bộ ủy ban xã niềm nở rót nước mời khách với một cái miệng nói tươi tắn và rất có duyên:
- Bác ạ, cái tên làng Ghềnh xưa lắm rồi. Bác mà hỏi lớp bọn cháu trở xuống thì không mấy người biết. Bây giờ xã chúng cháu có cái tên hay hơn là xã Yên Bình, cũng như ở làng Thượng trên kia, bây giờ có tên mới là xã Yên Thái.
- Vâng ạ. Thưa đồng chí, xã Yên Bình, khi xưa có tên là làng Ghềnh, có phải có ông Thung làm chánh tổng, là con cả cụ Lang Huy?
- Dạ, nhưng ông Thung mất đã lâu rồi. Bác cần gì mời bác gặp chủ tịch Đạt. Ông Đạt là con trai ông Thung, và là cháu nội cụ Lang Huy đấy ạ.
Sau khi trò chuyện với chủ tịch Đạt ở xã Yên Bình trở về, người bà con thân tín của bác sĩ Lương gửi một cái thư sang Pari cho biết:
"... Ông chánh Thung ở làng Ghềnh ngày trước có người cháu bỏ làng đi từ lâu tên là Trần Thị Mật chứ không phải Trần Thị Quế... Mẹ bà Mật, tức em gái ông Thung là một người đàn bà mù lòa...".
Cái tin ấy chưa đưa lại điều gì mới mẻ, đáng vui cho Misen.
Phải đến một năm sau, khi vợ chồng Tráng đưa người chị họ về quê nội và xuống xã Yên Bình thăm quê ngoại của chị, thì ông chủ tịch Đạt mới được biết người em con cô của mình Trần Thị Mật khi xưa ấy cũng chính là Trần Thị Quế. Sau khi đã biết rõ đầu đuôi sự tình, ông khuyên cô em:
- Người ta đã cậy người tìm kiếm công phu, chân tình như thế, sao cô còn không nhận? Bây giờ, Pháp với ta có quan hệ khác trước rồi. Có biết chuyện cô thì cũng không ai ác cảm, thành kiến nặng nề như hồi xưa nữa đâu.
- Tôi không muốn nhận vì... - Bà Quế phân trần - Tôi không tin lại có người đàn ông chung thủy đến thế. Ngày trước thì ông ấy đối với tôi tốt thật. Ông ấy đã không nề hà tôi là phận tôi tớ nghèo hèn, xuất thân đói rách, biết tôi đã từng đi ở, và có một bà mẹ mù, ông ấy vẫn chân thành yêu tôi và tha thiết muốn lấy tôi. Nhưng bây giờ, bẵng đi ngần ấy năm xa cách, một người như ông ấy, học hành đỗ đạt cao và làm quan to, sao có thể không lấy vợ khác, sao có thể chờ đợi một người đàn bà gian truân, khổ cực như tôi. Mà cho dù ông ấy có muốn chờ tôi, thì bố mẹ ông ấy cũng cứ bắt ông ấy phải lấy vợ, để còn cho họ một đứa cháu trai. Ngày trước, khi đã có tôi, ông ấy cũng mấy lần nhận thư nhà thúc về lấy vợ đấy.
- Em cũng đồng ý với chị - Cậu Tráng nói - Chuyện cũ cho về dĩ vãng đi. Đừng tơ tưởng hão huyền nữa. Người ở liền bên cạnh cũng chẳng tin được, huống hồ đã mấy chục năm không gặp, lại là người châu Âu, biết đâu mà lần. Rồi lại chuốc sầu chuốc khổ vào thân nơi đất khách quê người thêm tội nợ. Thôi thì, sống yên ổn vậy, mà làm ăn, còn chăm lo nuôi dạy thằng Trung cho nên người. Chị mà đi sang với ông ấy thì... tội cho thằng Trung lắm.
Nghe cậu Tráng nhắc đến thằng Trung, bà Quế cho là phải. Bà nghĩ nó còn nhỏ dại quá, sao bà có thể đành lòng bỏ nó lại một mình trên cõi đời này. Ngoài mình ra thì còn có ai cho nó nương tựa nữa đâu. Chao ôi! Giá như mình có thể biết được họ hàng, quê quán của thằng Trung ở đâu! Nghĩ vậy, người đàn bà thở dài:
- Cậu Tráng nói thế cũng đúng. Tôi còn phải lo cho thằng Trung. Chuyện tình duyên một thời với ông ấy nay tôi cũng muốn quên đi, chẳng tơ tưởng hy vọng gì nữa. Chỉ có điều, còn hai đứa con ở bên Pháp, vậy là coi như tôi... đành mất hai đứa con! Hai đứa con mình đã đứt ruột đẻ ra...
- Để mất con thế nào được? - Cô em dâu, vợ cậu Tráng ngắt lời chị. - Mẹ con lưu lạc, cách biệt bao nhiêu năm, giờ có cơ hội gặp lại, sao lại không gặp. Cho dù ông ấy có vợ khác, thì còn tình mẹ con máu mủ ruột thịt chứ. Mình cứ nhận đi, xem con cái nó đối xử với mình như thế nào, ông ấy đối xử với mình như thế nào. Ông ấy đã nhờ người tìm kiếm như thế, thì hẳn ông ấy cũng là người tốt, còn tình, còn nghĩa chứ chưa hết đâu.
Cả nhà bàn bạc hồi lâu, rồi cậu Tráng bằng lòng để
lại cho ông Đạt cái địa chỉ của nhà mình - nơi chị Quế đang tạm trú.
Khi ông Sỹ Thái, thay mặt người bạn Pháp của ông Misen tìm đến được làng Ghềnh thì những thông tin mới nhất đã đưa đến được với ông bạn già hưu trí ở Macxây.
5
Một sáng mùa thu, bà Quế đang ở công trường, vừa trộn xong một mẻ bê tông lớn thì thấy cô em dâu chạy đến đưa một phong thư:
- Chị ơi, chị có thư từ Pháp gửi về.
Cầm trong tay phong thư của một người lạ: "Nguyễn Văn Lương - Pari", bà Quế ngần ngại. Cô em giục:
- Đúng tên, đúng họ của chị rồi, chỉ là không dấu. Thì chị cứ thử bóc ra xem thư nói gì nào.
Trong bức thư ông Lương viết: "Thưa bà, nếu bà đúng là vợ của ông Misen Butê, phó công sứ Pháp ở tỉnh H., xin bà vui lòng hồi âm cho ông Misen được biết tin tức về sức khỏe và gia đình của bà. Xin bà cho biết bà cần những thứ gì, ông Misen sẽ gửi tới bà trong thời gian ngắn nhất...".
Đêm đó, khi mọi người trong nhà đã ngủ cả rồi, bà Quế che đèn ngồi viết thư phúc đáp cho ông đốc tờ Nguyễn Văn Lương ở Pari:
"... Tôi xin chân thành cảm ơn ông, và kính nhờ ông chuyển tới ông Misen lời đề nghị của tôi là tôi muốn ông ấy gửi cho mấy tấm ảnh của các con, ngoài ra, tôi không cần gì hết...".
Mấy tháng sau, bà Quế sung sướng và cảm động mân mê mãi trên tay bức ảnh của các con ngày chia xa và một bức ảnh khác có hình hai thiếu nữ Pháp xinh đẹp, càng lớn càng giống bố. Kèm theo hai bức ảnh của các con, ông già Misen gửi cho vợ một bức thư đánh máy, không có dấu nhưng tình cảm rất mặn mà. Ông nói rằng ông vẫn thương nhớ Quế, các con vẫn thường nhắc tới mẹ. Rằng nếu được Quế bằng lòng thì ông sẽ mua vé và làm thủ tục để bà sang Pháp một chuyến cho vợ chồng đoàn tụ, mẹ con gặp lại nhau... Dưới thư có chữ ký. Đúng là chữ ký của ông ấy. Bà Quế nhận ra ngay. Bà vui và bà tin rồi. Đúng là ông ấy vẫn tốt, ông ấy vẫn nhớ thương mình. Nhưng sao không nghe nói gì về đường vợ con. Không biết ông ấy có lấy vợ khác không? Có thêm đứa con nào nữa không? Nếu có, mình sang, rồi ông ấy ăn nói thế nào? Rồi bố mẹ ông ấy sẽ coi mình là người thế nào? Liệu mình có chịu đựng nổi không hay lại ôm sầu chuốc tủi vào thân. Rồi bấy giờ ân hận không cam phận sống cho yên cái tuổi già thì cũng đã muộn mất rồi...
Bà Quế đưa những sự phân vân đó ra trao đổi với vợ chồng cậu em. Tráng vẫn một mực khuyên chị:
- Chị cứ ở nhà đây, không phải đi đâu cả. Một mình nơi đất khách quê người, biết rồi lành dữ thế nào. Ông ấy có tình thì ông ấy sang đây. Các con chị còn nhận mẹ thì chúng nó về một chuyến, thăm mẹ, thăm quê ngoại cho biết, bằng không gửi cho mẹ được cái gì thì gửi...
Vợ Tráng ngọt ngào ngắt lời chồng:
- Em nghĩ rằng chị Quế cứ nên đi một chuyến cho biết đó biết đây. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau cho bõ những năm xa cách, trông ngóng, đợi chờ. Vui thì ở chơi lâu lâu, khó khăn trở ngại thì về liền. Mình lấy vé khứ hồi trong tay rồi, sợ gì. Đây mới chỉ là đi chơi, đi thăm. Có nói chuyện đi ở hẳn bên ấy đâu.
Khi thằng Trung biết chuyện, và biết mẹ còn áy náy lo cho mình thì nó nói ngay:
- Mẹ cứ yên tâm mà đi. Con tự lo được mẹ ạ. Các chị cũng là con của mẹ, mẹ phải sang với các chị chứ, mẹ phải thương các chị với chứ. Các chị mới ba tuổi, năm tuổi đã phải xa mẹ rồi. Con thì được ở với mẹ từ nhỏ đến giờ, đã mười mấy năm rồi. Các chị thiệt thòi hơn con. Con thương các chị, mẹ ạ.
Nghe thằng cháu biết điều vậy, vợ Tráng mạnh dạn
bàn thêm:
- Đó, chị Quế với anh Tráng nghe thằng Trung nói đấy, nó rất có tình có nghĩa và không ghen tị với các chị đâu. Mà chị Quế sang bên đó, biết đâu, gặp được mọi sự thuận lợi, thằng Trung lại được nhờ, chị lại có thêm người hỗ trợ để nuôi thằng Trung ăn học thành tài cũng nên.
Tráng không tin vào cái sự đẹp đẽ đó, nhưng mấy lời vợ bàn rằng chỉ đi chơi, không thuận thì về làm anh nghe ra. Anh nghĩ rằng chị Quế cũng có thể hồi âm với lời chấp nhận đi chơi một chuyến như thế.
6
Mùa hè năm 1980.
Trong đoàn khách du lịch Hà Nội đến từ Pari có đôi vợ chồng người Pháp, tuổi trạc trên dưới 40. Bỏ tất cả những cuộc thăm thú danh lam thắng cảnh ở miền Bắc ViệtNamnhư lịch trình đã định, người vợ năn nỉ:
- Mình phải đạt được mục đích chính đã anh nhé. Đi du lịch, thăm thú thì lúc nào chẳng được.
Thế rồi, từ khách sạn, họ đến ngay sứ quán Pháp tại ViệtNamđể tìm người bạn thân của bố đang làm việc ở đó. Ngài đại sứ không có nhà, nhưng phu nhân đại sứ, sau một bữa cơm thân mật đã giới thiệu họ với một nhân viên người Việt dưới quyền của chồng mình, và yêu cầu ông này tận tình giúp đỡ họ.
Theo chân người bạn Việt mới này, hai vợ chồng người Pháp ngồi trong hai chiếc xích lô du lịch, tìm đến căn nhà nhỏ trong cái ngõ hẻm cuối khu tập thể Kim Liên. Bà chủ nhà mới ở công trường về, vừa cởi nón và tháo cái khăn tay che miệng, chân còn xỏ nguyên trong đôi ủng cao su đen còn lấm đầy vôi vữa. Bà ngỡ ngàng nhìn người khách lạ, miệng mấp máy nói lời chào không thành tiếng, trong lòng thắc mắc nghi ngại có sự nhầm lẫn nào chăng khi những người châu Âu tìm đến nhà chị em mình. Anh người Việt bước đến gần, cất tiếng trước:
- Chào bác ạ.
Hai người nước ngoài lễ phép cúi đầu chào, trong khi cô gái nói theo bằng một giọng phát âm khó khăn:
- Chờ... ào b... bác.
Bà chủ nhà thấy vui vui và tự nhiên hơn khi nghe từ miệng một cô đầm thốt ra mấy tiếng Việt, và nhất là khi nghe ông người Việt hỏi đúng tên mình:
- Thưa bác, cho chúng tôi hỏi thăm, đây có phải nhà bà Trần Thị Quế, quê làng Ghềnh, huyện Kiến Tĩnh, tỉnh H.
Nhìn người đàn bà châu Âu có mái tóc đen quăn quăn và gương mặt trái xoan với những đường nét quen quen thì ngờ ngợ, nhưng nghĩ tới thân phận và dáng dấp, trang phục của mình lúc này, bà chỉ thận trọng và niềm nở mời khách vào nhà chứ chưa vội trả lời:
- Xin mời hai ông và bà vào nhà xơi nước đã. Bà Quế...
Bà chủ nhà đang định dùng kế hoãn binh, nói rằng "Bà Quế chưa về" nhưng quan sát dáng điệu ngỡ ngàng và giọng nói ấp úng của người đối diện, người dẫn đường như đã phán đoán được điều gì. Anh vội nối lời người đàn bà:
- Dạ, thưa, bà Quế là vợ ông Misen Butê, trước cách mạng làm phó sứ ở tỉnh H., rồi chuyển lên Hà Nội, Lào Cai... Khi ông Misen về Pháp đã mang theo hai người con gái, và đây là...
Bà Quế đang xúc động nghe và quan sát cô gái người Pháp thì đột nhiên, bà cất tiếng gọi:
- Gienna! Gienna phải không?
Không còn nghi ngờ gì nữa, và không gì có thể ngăn cách họ nữa, cả hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng gọi "Mẹ!" thảng thốt của cô con gái.
Giây lát sau, Gienna quay lại, nói như reo vui với chồng (bằng tiếng Pháp):
- Anh Pie ơi, mẹ em đây rồi! Em tìm được mẹ rồi.
Chàng thanh niên người Pháp cũng thấy lòng mình
sung sướng.
Bằng tiếng Pháp, anh cũng cất tiếng gọi "mẹ" như muốn chia vui cùng vợ.
Vợ chồng cậu Tráng và thằng Trung về. Bên ngoài, hoàng hôn đã buông xuống, nhưng trong căn nhà nhỏ ở cuối khu tập thể Kim Liên lúc này trên gương mặt mỗi người đều rạng rỡ niềm vui.
Những ngày sau đó, nhờ sự hỗ trợ của anh nhân viên người Việt ở sứ quán Pháp và vợ chồng Tráng, gia đình bà Quế đã có được những bữa cơm đoàn tụ và những chuyến du ngoạn thú vị. Thằng Trung đi học và vợ chồng cậu Tráng bận đi làm, bỏ mất vài ba buổi sum họp. Riêng lần thăm vịnh Hạ Long và chùa Hương Tích họ mời được vợ chồng ông đại sứ Pháp đi cùng. Và tối nào, Gienna cũng gọi dây nói về cho bố, vắn tắt kể lại cuộc hành trình vui vẻ của mấy mẹ con trong ngày. Và một lần, người đàn bà trạc 60 tuổi, sung sướng nhận ra tiếng nói thân yêu của người năm xưa, bà xúc động: "Ông đấy à? Ông có khỏe không?".
Chừng mười ngày sau, thằng Trung theo mẹ ra sân bay, tiễn vợ chồng chị Gienna theo đoàn du lịch trở về Pháp. Trước khi buông rời mẹ để vào phòng cách ly, Gienna không quên nhắc lại một câu cô đã nói nhiều lần với mẹ:
- Ba và chúng con... sẽ nhanh chóng... gửi vé... và làm thủ tục để mời mẹ sang, mẹ nhé.
Nghe câu nói tiếng Việt chưa sõi và đứt quãng từ miệng con gái, mặc dù phải hiểu bằng cảm nhận nhiều hơn, lòng người mẹ vẫn sung sướng và xúc động, bởi hiểu rằng ông ấy đã dạy cho các con mình nói tiếng Việt. Hẳn bố con từ lâu
đã nghĩ tới một ngày sẽ tìm về với mẹ - về với quê ngoại
ViệtNam.
7
Gần đến Nôen năm ấy (1980), người đàn bà nghèo khổ trong cái xóm lao động cuối khu tập thể Kim Liên làm xong mọi thủ tục và nhận được giấy phép xuất cảnh. Vợ chồng Tráng mừng cho chị và cũng biết được sự nhanh chóng, thuận lợi như thế là nhờ sự tác động qua lại giữa hai bên sứ quán.
Cầm cái vé khứ hồi trong tay, trước khi lên máy bay, người mẹ còn băn khoăn dặn đi dặn lại mãi đứa bé mười ba, mười bốn tuổi:
- Mẹ chỉ sang chơi rồi mẹ về. Con ở nhà cho ngoan, học cho giỏi, nhớ giữ gìn sức khỏe và nghe lời cậu mợ Tráng nhé.
Thằng Trung ra điều cứng cỏi, không khóc, chỉ giơ tay vẫy chào mẹ với một lời động viên như người lớn:
- Mẹ cứ yên tâm mà đi. Mẹ ở bên ấy bao lâu cũng được, cho các chị ấy vui. Đừng lo cho con.
Người mẹ hiểu rằng, thằng bé đã lớn thật rồi. Vả lại ở nhà còn có gia đình cậu Tráng, bà nén xúc động đi lùi vào và khuất dần sau cửa kiểm soát cuối cùng.
Ngồi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ với những bữa ăn gần nhau, làm người đàn bà lao động không quen nhàn nhã, cảm thấy ậm ạch mệt mỏi. Nhưng mặc dù đi có mỗi một mình, chẳng biết tới ai, bà vẫn yên tâm vì một anh cán bộ ngoại giao nào đó đã gửi gắm bà cẩn thận cho nhân viên hàng không rồi. Sau một lần dừng cánh ởĐubai, xứ sở của những người da màu, người ta lại hướng dẫn bà trở về chỗ cũ. Trong tâm trí bà không dứt với những ý nghĩ chồng chéo, khi mường tượng về một cuộc gặp gỡ, đoàn tụ với chồng con nơi xứ lạ, người nọ nói, người kia không hiểu, phong tục tập quán, đi đứng ăn mặc mỗi người một kiểu, liệu có hòa hợp, thoải mái được không? Khi thì nghĩ tới thằng bé con ở nhà chắc là nhớ mẹ lắm, rồi học hành, ăn ở, khi ốm, khi đau, liệu vợ chồng cậu Tráng có khó khăn với nó quá? Chẳng bao lâu, bà đã nghe thông báo "Máy bay đang từ từ hạ cánh xuống sân bay Đờgôn". Họ còn cẩn thận nhắc nhở quý khách thắt dây an toàn và mặc ấm khi ra sân bay. Nhiệt độ ở Pari vào lúc tờ mờ sáng của một ngày cuối năm này đã hạ xuống tới 5 độ C.
Người đàn bà Việt Nam trong trang phục của một thương nhân cao tuổi, quần gấm hoa đen, áo kép gấm hoa màu tím, chiếc khăn len Trung Quốc trùm kín tai, tay xách hành lý gọn nhẹ, đi nghiêng nghiêng mình tránh làn gió lạnh quật vào mặt, vừa ra tới cửa kiểm soát đầu tiên đã thấy bên kia cửa có vợ chồng Gienna đứng đón. Khi Gienna cất tiếng gọi "mẹ" và chỉ tay về phía mình, bà Quế nhận ra, đằng sau lưng con gái út, còn có một người Pháp cao lớn, trắng trẻo, bụng phệ đang nhìn mình cười cười, vẫy vẫy. "Ông ấy?". Bà Quế nghĩ và thấy lòng mình run lên.
Khi đã đón được mẹ, Gienna hướng vào người đàn ông Pháp cao lớn sau lưng mình nói như cắt nghĩa:
- Mấy hôm rồi ba ốm. Con bảo ba... ở nhà mà ba cứ đòi đi đón mẹ.
Người đàn ông dang rộng cả hai tay ôm vợ vào lòng;
- Ồ, tôi nhớ mình quá. Mình vẫn cứ như ngày xưa.