Con Gái Của Gian Thần Chương 11


Chương 11
Nhận xét của sư phụ: Làm khuê nữ của Thừa tướng không dễ.

“Đệ vẫn còn là Thừa tướng đấy chứ? Không thấy đệ lo lắng quốc sự, mỗi ngày đều chạy qua chỗ huynh giết thời gian!”. Cố Ích Thuần hừ lạnh một tiếng, lão nhân gia ông ta vì dạy dỗ đám con trai con gái cháu chắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp mà bận rộn đến mức chân không chạm đất, thế mà Trịnh Tĩnh Nghiệp lại ngồi không rảnh rỗi. Lúc trước khi vào kinh có nghe đồn đại, trước cửa phủ của Trịnh tướng xe ngựa đông đúc, vào thời gian làm việc thì mọi người đều ở trong hoàng cung, nha môn hoạt động, hết thời gian làm việc thì sẽ chạy đến phủ Trịnh tướng chăm chỉ làm thêm giờ. Sau khi vào kinh mới phát hiện ra mọi chuyện không phải như thế.

Trịnh Tĩnh Nghiệp rất rảnh rỗi, rảnh đến phát hoảng, cho dù có việc hay không cũng sẽ chạy tới chỗ sư huynh buôn chuyện, hơn nữa còn làm như mình là một bà mối, quấn chặt lấy sư huynh không buông tha, hy vọng vị sư huynh còn chưa tới tuổi “có tâm mà không có sức” này lấy lão bà hoặc là nạp tiểu thiếp, nhận nô tỳ, tránh việc sau này lại tuyệt hậu.

“Quốc sự đã có Quý tiên sinh bọn họ lo lắng, đệ đã vất vả chừng ấy năm, chẳng lẽ lại không để đệ thảnh thơi được mấy ngày?”. Trịnh Tĩnh Nghiệp nhanh chóng cho qua đề tài này, tiếp tục khuyến khích Cố Ích Thuần.

Cố Ích Thuần không hề bị đả động: “Không phải là đệ đã tìm được người chăm sóc huynh rồi hay sao? Các lang quân nương tử của quý phủ, không phải là đã làm cho đống xương cốt già nua của huynh mệt đến mức rã ra hay sao”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không tiếp đề tài này, bỏ chén trà trong tay xuống, giọng lạnh lùng nói: “Đệ hiểu nỗi băn khoăn của huynh, những năm trước mà nói lời này thì đúng là đệ không biết tự lượng sức mình, nhưng bây giờ thì đệ có thể nói”, dừng lại một chút, “Nhân lúc đệ còn có thể sống thêm mười hai mươi năm nữa, huynh nhanh chóng lấy vợ sinh con đi, đệ còn có thể trông nom nó lớn lên mà không bị gia tộc của huynh sắp xếp”.

Cố Ích Thuần đột nhiên nói: “Chỗ tiên sinh, đệ định làm sao?”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp tiếp lời vô cùng trôi chảy: “Tiên sinh muốn gì được nấy, đệ tránh sang một bên là được rồi. Tiên sinh cùng với Tưởng Nghiêm Châu gần đây rất thân thiết, có Tưởng Nghiêm Châu giúp đỡ, trên triều cũng sẽ không phạm phải chuyện kị húy gì. Chuyện huynh hỏi đệ trả lời rồi, chuyện đệ hỏi huynh còn chưa có trả lời đâu đấy”.

Cố Ích Thuần lắc đầu: “Cũng không còn sớm nữa, đường đường là Thừa tướng mà lại phạm dạ cấm(*) cũng không tốt”.

(*) Dạ cấm: lệnh cấm đi lại ban đêm, hay lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Lệnh giới nghiêm làm sao có thể cấm được Thừa tướng? Ông có quyền có thể cấp giấy thông hành đặc biệt cho người ta cơ mà, nhưng Trịnh Tĩnh Nghiệp rất thức thời mà không nói nữa, niệm Nhi Nữ Kinh, đồng thời hỏi xem tình hình học tập của đám con cháu thế nào.

Cố Ích Thuần suy nghĩ một lúc, nói: “A Diễm giống đệ nhất”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười đáp: “Khuê nữ của đệ, đương nhiên là giống đệ rồi”.

Cố Ích Thuần lắc đầu: “Không phải nói về diện mạo, mà là tính tình. Huynh chưa gặp tứ nương, nhưng xem trong đám con cháu của đệ, chỉ có con bé là giống đệ nhất! Nếu như con bé là nam tử, quẳng con bé đến Sơn Dương vào bốn mươi năm trước, nhất định sẽ lại có một Trịnh Tĩnh Nghiệp nữa”.

Gương mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp trở nên nghiêm túc, thời bấy giờ nếu như danh sĩ chỉ có hành động phóng khoáng, có chút học vấn thì cũng chỉ là loại bình thường, loại thử thách cao nhất đối với trình độ của các danh sĩ trong số các loại nghiệp vụ chính là đánh giá con người. Trong thời đại này muốn làm quan thì phải dựa vào tiến cử, dựa vào dư ấm(*), dựa vào tuyển dụng, dựa vào tự tiến cử. Thanh danh của Cố Ích Thuần vang dội, tuy không vượt qua được sư phụ nhưng cũng khiến cho người ta thèm nhỏ dãi, cũng vì đôi tuệ nhãn của ông ta không phải là dùng để trang trí. Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp còn chưa thành đạt thì đôi tuệ nhãn của ông ta đã nhận ra được tài năng của Trịnh Tĩnh Nghiệp, quả nhiên Trịnh Tĩnh Nghiệp sau đó đã trở thành một người có địa vị rất cao. Ông ta nhận xét Ngụy Tĩnh Uyên dục tốc bất đạt, cuối cùng Ngụy Tĩnh Uyên cũng rơi vào kết cục bản thân bị giết còn gia đình thì tan tác. Ông ta nói Tưởng Huyền Ưng (Tưởng tướng, thế gia, tổ tiên của Nghiêm Châu) có tướng trở thành Thừa tướng, quả thật là sau đó Tưởng Huyền Ưng đã trở thành một vị Thừa tướng. Về điểm này thì ông ta đã vượt xa sư phụ của mình.

(*) Dư ấm: kế thừa ấm chức.

Vốn Trịnh Tĩnh Nghiệp đối với nữ nhân đã rất quan tâm rồi, đối với tiểu nữ nhi lại càng thương yêu nhiều hơn, vốn vẫn nghĩ tiểu nữ nhi của mình ngày thường chỉ là thông minh sớm hiểu chuyện hơn một chút mà thôi. Cho dù là không muốn thừa nhận, nhưng Trịnh Tĩnh Nghiệp vốn cũng hiểu rất rõ ràng, từ lúc cuộc sống trong nhà càng lúc càng tốt hơn, thì đám con cháu theo đó cũng càng ngày càng ít phải chịu đựng khổ sở về mặt tinh thần hơn. Lúc còn nhỏ ông đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ? Hoàn cảnh như vậy Trịnh Tú cũng chỉ phải trải qua có một chút ít, đã “Hú hú như quân tử” rồi, huống hồ là ấu nữ?

Cả đời Trịnh Tĩnh Nghiệp có một mối hận lớn, chính là cảm thấy trưởng tử không có đủ dũng khí. Thứ đã đưa ông đi xa trở thành một anh tài, vốn chính là sự kiên nghị quả quyết của bản thân ông.

Cố Ích Thuần còn lo thiên hạ không loạn mà nói thêm một câu: “Con bé biết bản thân mình đang làm chuyện gì”.

Vớ vẩn, người nào có đầu óc mà chả biết mình đang làm chuyện gì, nhưng xem ra những lời này của Cố Ích Thuần còn có ý nghĩa sâu xa gì khác nữa.

“Như vậy là tốt nhất”. Về nhà phải quan sát thêm thôi.

—– o0o —–

Trịnh Diễm không hề biết nàng đã bị lão sư và cha nàng bình phẩm một hồi rồi, lúc này nàng đang cùng với Đỗ thị xem danh mục quà tặng. Nhập học đã được gần một tháng, nàng cùng với các ca ca và các cháu mới được nghỉ hai ngày, ngày mai là sinh nhật bảy tuổi của nàng.

Cố Ích Thuần rất coi trọng nền móng căn bản, luôn yêu cầu học sinh của mình chăm chỉ luyện căn bản. Tiếp xúc với ông ấy một thời gian dài, bạn sẽ phát hiện ra, thoạt nhìn thì Cố Ích Thuần giống như một tên lưu manh, cách thức hành động cũng có phần vô lại, nhưng từ trong xương cốt bản chất của ông ta vẫn mang theo khí thế chính thống. Năm xưa cách thức mà ông ta luyện căn bản cho Trịnh Tĩnh Nghiệp chính là làm cho Trịnh Tĩnh Nghiệp chép sách rồi lại chép sách, đối với các đệ tử của mình, cách thức cũng không khác biệt lắm, trực tiếp cho bọn họ chép sách đi. Tập bắn lại càng yêu cầu mỗi ngày phải luyện tập, luyện đến mức hai tay không cầm nổi bát mà ăn cơm, thì ông ta cũng không hề hạ thấp yêu cầu một chút nào. Rèn luyện nền móng căn bản, chính là để củng cố tri thức cho tương lai.

Nói cái gì mà sẽ không dùng tới, cái gì cơ? Bạn nói là bạn thông minh? Đã từng nhìn thấy thì sẽ không bao giờ quên được? Không cần phải làm như thế? Ai nói thế?!

Những kỹ năng cơ bản, chính là dựa vào việc luyện tập đi luyện tập lại nhiều lần như vậy mà tạo thành.

Lúc trước khi Trịnh Tĩnh Nghiệp đi tìm lão sư, học thức vốn là đã kém hơn Cố Ích Thuần, nếu như không có khí khái bất khuất cùng với may mắn gặp gỡ gia đình Thừa tướng thì hoàn cảnh sau này cũng sẽ chỉ giống như những người bình dân khác. Trong mắt Trịnh Tĩnh Nghiệp thì gia đình giáo sư đã được xem như là thiết diện vô tư rồi, nhưng trong mắt Cố Ích Thuần thì tất cả chỉ như đang lần mò trong vũng nước đục mà thôi.

Trịnh Uyển từng muốn phản kháng, kết quả là bị Cố Ích Thuần tự mình xắn tay áo “sửa chữa” cho đến mức kêu cha gọi mẹ. Cố Ích Thuần là con cháu thế gia, đã là một người thuộc thế gia, ông ta lại có năng lực, Trịnh Uyển bị “sửa chữa” xong, liền trở nên ngoan ngoãn nghe lời. Trịnh Diễm vô cùng hiểu chuyện, không ngu ngốc mà phản kháng giống như ca ca nàng, ngoan ngoãn học hành, tuân theo kế hoạch học hành của bản thân, nên được khen ngợi.

Cuộc sống khổ sở diễn ra nhiều ngày, cuối cùng cũng được nghỉ ngơi – sinh nhật bảy tuổi của Trịnh Diễm đã tới rồi, cuối cùng thì mọi người cũng được nghỉ để tham dự ngày sinh nhật. Bấy giờ nàng mới nhớ tới, không phải là cha nàng nói qua sinh nhật bảy tuổi mới thay đổi chương trình học của nàng hay sao? Tại sao Cố tiên sinh vừa mới đến, cha nàng nói đã không giữ lời thế này, thật là khóc không ra nước mắt.

Theo như các chị dâu nói, chung quy lại nữ hài tử cần phải học quản lý gia đình, việc đó có thể học từ những việc nhỏ nhặt quanh mình. Vì vậy, nàng bị kéo đến xem chính bản thân mình thu được bao nhiêu lễ vật, Đỗ thị trực tiếp đem những thứ đó cho nàng làm vốn riêng. Dù sao… những người cần đáp lễ cũng không nhiều, những lễ vật càng quý trọng lại càng không cần đáp lễ, bởi vì chúng chính là quà lấy lòng mà những người cấp dưới tặng cho Trịnh tướng. Mà những lễ vật cần đáp lễ thì lại không quá quý trọng, rất nhiều trong số đó lại không cần phải đáp lễ, ít nhất cũng là không cần nàng tự đáp lễ. Bởi vì một số người tặng lễ vật ngang cấp với cha nàng, nên để tỏ lòng thành, tất nhiên sẽ không tặng lễ vật quá quý trọng cho một tiểu nha đầu mới có bảy tuổi để mà làm mất thân phận của mình. Có một số thì lại là “ban thưởng”, được đem từ trong cung tặng đi ra, hoặc là một số là được tông thất quý nhân tặng cho. Đều là có chừng mực.

Đa phần mấy thứ này đều là trang sức dành cho tiểu cô nương, nào là vòng tay, nào là xuyến, nào là trâm nhỏ cài tóc, khuyên tai, vòng cổ, hạng quyển(*) vân vân, còn có một ít đồ trang trí đẹp đẽ, tơ lụa tinh xảo, một ít đồ trang sức thực dụng, trong đó Trịnh Diễm thấy có cả túi hương treo bên người, nên tiện tay để sang một bên, làm kỷ niệm.

(*) Xuyến là vòng tay; hạng quyển là vòng cổ, mình không rõ điểm khác nhau giữa vòng tay và xuyến, hạng quyển và vòng cổ cho lắm, tra baike và tìm hình trên baidu thấy nó cũng na ná nhau.

Bụng của Triệu thị mới chỉ hơi lộ ra, thân thể cũng chưa bị phù thũng, nên cũng ra ngồi chỉ điểm cho Trịnh Diễm: “Những thứ của bản thân mình cũng nên có một danh sách, tạo thành một quyển sổ, lúc nào cần dùng cũng tiện. Những thứ ở trong nhà cũng không thể để lộn xộn được, nên quy về một chỗ”.

Phương thị cũng nói: “Những thứ đồ giống nhau nên để ở một chỗ, giao cho một người bảo quản, để cho mỗi người có một nhiệm vụ riêng”.

Những đạo lý này Trịnh Diễm đều biết, khụ khụ, cần phải cảm ơn văn học mạng đã phổ cập. Thật ra đối với mấy thứ này nàng hoàn toàn không có chút hứng thú nào cả, cho dù là vật gì đi nữa, một khi đã có nhiều, cũng sẽ không còn quý giá nữa rồi. Nhìn danh sách các loại lễ vật cùng với tên chủ nhân của chúng, bằng mớ kiến thức nông cạn của bản thân về phả hệ mà nói, Trịnh Diễm đột nhiên hiểu ra: tiền tài hay gì đó đều chỉ là phù vân, nếu như cha nàng không phải là Trịnh Tĩnh Nghiệp, thì nhất định mấy thứ này sẽ không phải là của nàng! Để bảo vệ được gia nghiệp, thì phải đảm bảo mình có đủ thế lực, để hầu bao của bản thân không bị kẻ khác dòm ngó.

Đây cũng là lời giải thích cuối cùng của cuộc sống!

Cho dù có học được nhiều hay ít gì đi nữa, mục đích cuối cùng cũng là điều này! Nếu không như vậy, cuộc sống của nàng sẽ không thể tốt được, nên phải xử lý điều không tốt này một cách sạch sẽ.

Rất nhanh, kết luận này của nàng đã có bằng chứng để chứng minh, ở trong bữa tiệc sinh nhật của nàng.

—– o0o —–

Đối với bữa tiệc sinh nhật bảy tuổi của một nữ hài tử mà nói, tiệc sinh nhật của Trịnh Diễm quả thật là vô cùng xa hoa. Cho dù chỉ là một buổi tụ tập nhỏ của thân hữu trong nhà, số người không nhiều lắm, nhưng những gì cần phải có thì vẫn có. Tướng phủ giăng đèn kết hoa, chỉ riêng tạp kỹ hí kịch cũng đã mời đến ba nhóm người. Đến cả tứ nương Trịnh Du đã xuất giá cũng về nhà mẹ đẻ để chúc mừng sinh nhật của muội muội.

Trịnh Du năm nay hai mươi tuổi, đã kết hôn được một năm, ăn mặc theo kiểu thiếu phụ, gương mặt có năm phần giống với Đỗ thị, nhưng không có phần tang thương như Đỗ thị, tiếng cười trong trẻo, giọng điệu ngay thẳng, cùng với nhị nương Quan thị tạo thành điểm nổi bật: “Tam nương vui vẻ, tôi ở bên kia, không thể qua đây ngay được”.

Trịnh Du lấy chồng cũng không tệ, lúc đầu Trịnh Tĩnh Nghiệp vì tuyển con rể cũng đã hao tốn một phen tâm tư. Cưới con dâu là người khác vào địa bàn nhà mình, địa bàn của mình mình làm chủ. Gả nữ nhi là đem nữ nhi đến địa bàn của người khác, làm gì cũng bị kìm chế.

Ban đầu Trịnh Tĩnh Nghiệp nhất định loại bỏ thế gia, những gia tộc đó lắm quy củ, nữ nhi của ông sao có thể chịu đựng được?

Nhà trai cũng không thể quá kém, những gia đình có căn cơ không cao, có nam tử khoảng hai mươi tuổi mà xứng với khuê nữ của ông, ông cho rằng còn chưa có sinh ra. Cha tốt chưa chắc đã tốt, nhi tử tốt đúng mới là tốt.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đem tiêu chuẩn chọn con rể đặt lên các gia đình huân quý trong triều, trải qua một loạt tra xét cả ngầm lẫn công khai của lão nhân gia ông ta, dùng cách tính kế đối thủ để điều tra nghiên cứu, cuối cùng cũng chọn được mấy thiếu niên thích hợp khoảng mười mấy tuổi, chưa có hôn phối, tình trạng gia đình không quá phức tạp, cũng không có mấy tin đồn nhảm nhí.

Sau đó để cho nữ nhi của mình tự đi chọn trượng phu, sự lựa chọn này không phải là để Trịnh Du đối diện với mấy tờ lý lịch tóm tắt, mà là để cho nữ nhi nhìn thấy người thật, xem người nào thuận mắt thì gả cho người ấy. Người dân thời đại này cũng đủ dũng cảm, các yêu cầu trói buộc nữ tử cũng vẫn còn, nhưng việc chấp hành còn phải phụ thuộc vào tâm tình của mọi người, nên Trịnh gia tứ nương mặc y phục nam đi theo các ca ca ra ngoài đi dạo.

Tỷ phu của Trịnh Diễm là đích trưởng tử của Thành Quốc Công Ngô Thừa Nghiệp – Ngô Hi, bằng tuổi với Trịnh Du, từ khi kết hôn đến nay cuộc sống một nhà hai người cũng xem như hoàn mỹ.

Triệu thị cũng cười nói: “Đã khiến tứ nương lo lắng rồi”. Chị dâu em chồng đứng một chỗ nói chuyện.

Khi bữa tiệc bắt đầu diễn ra, tạp kỹ diễn ở trước nhà chính, trong mắt Trịnh Diễm thì đấy chỉ là mấy trò tung hứng mà thôi.

Trịnh Du cách khoảng không vui đùa với Quan thị, đột nhiên ngừng lại, hai mắt nhìn chăm chú vào một cô gái tuổi còn trẻ đang tung hứng quả bóng nhiều màu sắc.

Đỗ thị cảm thấy có gì đó không đúng, vội hỏi: “A Du? Con nhìn gì thế?”. Đúng lúc đó bà cũng nhìn thấy, ánh mắt từ từ hiện lên vẻ nghi ngờ, quay đầu lại nói với tỳ nữ đi theo mình đã lâu, “Lát nữa, ngươi đi giữ tiểu nương tử kia lại”.

Dưới sảnh đường nữ tử trẻ tuổi kia cầm trong tay quả bóng nhiều màu sắc tung hứng không ngừng trong không trung, tạo thành một vòng tròn, đôi mắt nhìn chăm chú vào cảnh tượng trước mặt, biểu diễn với gương mặt cứng ngắc, suýt chút nữa thì để rơi mất quả bóng. Lúc xuống đài biểu diễn toàn thân đẫm mồ hôi, ngồi ôm gối khóc trong một góc.

Trịnh Diễm chỉ cảm thấy tình hình có chút kỳ quái, nhìn mỗi nơi một chút, có phần nghi ngờ, nhưng dáng vẻ của mẫu thân cùng với chị dâu, tỷ tỷ đã trở lại bình thường rồi, nên cũng chỉ dám âm thầm ngờ vực. Điều mà nàng không biết là, tâm lý của nhóm nữ quyến vừa rồi mới trải qua một trận sóng to gió lớn: đó là Ngụy gia tam nương, khuê nữ của tiền Thừa tướng Ngụy Tĩnh Uyên!

—- o0o —–

“Tôi nói thấy cô ấy biểu diễn tốt, nên thưởng cho hai xâu tiền, còn lại gì cũng chưa nói”. Đỗ thị báo cáo với Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Không nói gì nữa?”.

“Tôi làm sao mà dám nhận ra cô ấy?”.

“Như vậy là tốt nhất, sau này là tốt hay là xấu, cũng chỉ có thể xem xem vận may của cô ấy thế nào”.

“Thật là đáng tiếc, một nữ hài tử tốt như thế, bằng tuổi với tứ nương đi? Năm xưa cũng là một người tôn quý, mà hôm nay lại lưu lạc đến thế này”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp thì lại nghĩ, Ngụy Tĩnh Uyên lúc trước đã từng nói: gia quyến của quan lại không được vào Dịch đình(*), để cho con cháu của tội nhân ở trong cung, sẽ làm tổn hại thuần phong mỹ tục trong cung.

(*) Dịch đình: là nơi cung nữ ở, vị trí ở bên cạnh cung, chịu sự quản lý của Dịch Đình Lệnh. Còn có Dịch đình cung, là một bộ phận của Dịch đình, là nơi ở của cung nữ và nữ quyến của những tội phạm.

Nói thẳng ra là sợ con cháu của những vị quan lại phạm tội mang theo thù hận mà làm loạn đi, trong tâm Trịnh Tĩnh Nghiệp lại có cảm giác, Ngụy Tĩnh Uyên làm như vậy, e là có một nửa nguyên nhân là sợ Hoàng đế nhìn trúng khuê nữ của quan lại phạm tội mà phong làm phi tử, sau đó sẽ lại nhảy ra một màn cố gắng để phục thù đi?

Ngụy Tĩnh Uyên chắc cũng không ngờ, việc ông ta đề nghị đem gia quyến của những quan lại phạm tội phạt làm nô tỳ hoặc đem bán hoặc đưa vào giáo phường(*), cuối cùng lại thành ra hại nữ nhi của chính mình đi?

(*) Giáo phường: chuyên dạy âm nhạc, tạp kỹ cho cung nữ, hoạn quan.

Lúc ấy Ngụy tam nương không phải trở thành quan nô tỳ(11), bây giờ tại trở thành người diễn tạp kỹ, không biết thời gian qua đã phải trải qua những gì rồi. Vợ chồng hai người đều trầm mặc.

Một lúc sau, Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Thời tiết quá nóng, Thánh nhân đã hạ chiếu ba ngày sau, mọi người đều đến Hi Sơn tránh nóng, sai người đi trước quét dọn nhà cửa, chúng ta đi theo tùy giá. Tư Huyền (tên tự của Cố Ích Thuần), đi cùng với chúng ta”.

Gương mặt Đỗ thị trở nên vui vẻ nói: “Vừa hay, biệt thự riêng(*) của nhà chúng ta và biệt thự riêng của nhà Thành Quốc Công cách nhau rất gần, tứ nương cũng tiện qua lại”.

(*) tên gốc là biệt nghiệp, nghĩa là sản nghiệp riêng/ nhà riêng, mình chuyển ngữ thành biệt thự riêng cho dễ hiểu nhé.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc, chuyện cũ cũng nên cho qua đi thôi, sinh nhật của khuê nữ của ông, bị một nha đầu xui xẻo của tiền Thừa tướng đến góp vui thì tính làm gì? Hơn nữa, còn có Quý Phồn đang xắn tay áo lên mà chuẩn bị một trận đại chiến, hôm nay thì chỉ trích một vị quan viên làm mất thể diện của quan viên, ngày mai thì lại khuyên Hoàng đế không nên đắm chìm trong nữ sắc. Trịnh Tĩnh Nghiệp biết, Quý Phồn đang ngầm chuẩn bị làm một vố lớn, mà chuyện này có lẽ là sẽ dính dáng đến Ngụy Tĩnh Uyên, khiến cho Trịnh Tĩnh Nghiệp không thể không đề phòng. Hay là ngày mai ở trước mặt Hoàng đế, nên nói qua một câu đi.

Hoàng đế nghe Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Thê tử của thần có nói, thấy một tiểu nương tử diễn tạp kỹ, hình như là Ngụy gia tam nương, thần nghĩ vốn mọi chuyện cũng không tệ đến mức như thế, mà tại sao đến cuối cùng, lại thành ra như thế”.

Hoàng đế không muốn nghe đến nhất chính là cái tên Ngụy Tĩnh Uyên, nên gương mặt trở nên hung dữ, Trịnh Tĩnh Nghiệp vô cùng biết điều mà chuyển đề tài.

Nữ nhi của tiền Thừa tướng cũng giống như một chiếc lá cây, rơi xuống mặt nước, đụng phải dòng nước xoáy, theo dòng nước trôi xa khỏi tầm mắt của mọi người, không ai nhắc về cô ấy nữa. Trịnh Diễm cảm thấy mẫu thân, chị dâu, tỷ tỷ có phần không đúng nhưng lại không biết là không đúng ở chỗ nào, qua sinh nhật rồi, cũng quên luôn sự kiện này, theo như yêu cầu của “các môn học dạy trở thành thục nữ”, học việc thu dọn để chuyển nhà. Tất nhiên là nàng cần phải rời khỏi kinh thành đi tránh nóng.

—– o0o —–

Hi Sơn vốn tên là “Tây Sơn”, mà cái tên đã thể hiện ý nghĩa của nó, nó nằm ở phía tây của kinh thành. Tiền triều có một vị Hoàng đế cổ hủ(*), sợ cái tên Tây Sơn quá trắng trợn rõ ràng, nên đã đổi thành cái tên vẫn được dùng cho đến bây giờ.

(*) Bản gốc là “toan lưu lưu đích hoàng đế”, mình tra trên baike thì toan lưu lưu ngoài nghĩa là ghen tuông/ dấm chua ra còn là một từ được dùng trong sách cổ, được dùng để hình dung những người hay thích trích dẫn, lời lẽ cổ hủ (từ mang ý châm chọc).

Biệt thự riêng của Trịnh gia tại Hi Sơn cũng không tệ, đấy vốn là chỗ mà Hoàng đế tịch thu của một vị quan đại thần trước đây, lại thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp chưa có biệt thự riêng, nên tiện tay ban thưởng cho. Vốn là chỗ ở của một vị quan đại thần, nên vị trí của biệt thự riêng cũng không tồi, hơn nữa là biệt thự riêng này còn có điểm đặc biệt là có một cái ao trồng hoa sen, lúc này đến ở đấy là thích hợp nhất. Cách bức tường ở Đông viện của biệt thự riêng của Trịnh gia hai dặm về phía đông, chính là biệt thự riêng của nhà Thành Quốc Công, nên việc đi thăm thông gia cũng rất tiện.

Tới biệt thự riêng, vừa tới đã bận rộn. Hi Sơn là nơi tránh nắng nóng của hoàng gia, Cung Thúy Vi ở đây, vào mùa hè hàng năm, gần như là chính phủ mang đến một nửa số quan viên đến đây làm việc, có vô số quan lớn quý nhân tụ tập ở đây. Trên núi những địa phương thích hợp để xây nhà ở không nhiều như ở dưới đất bằng, mà những địa phương thích hợp để xây nhà ở lại có phong cảnh đẹp thì lại càng ít hơn, cho nên bình thường thì biệt thự riêng không lớn như phủ đệ.

Ở đây, chỗ của Trịnh Diễm cũng không rộng đủ cho hai người, chỉ là một tiểu viện dành riêng cho một người ở, phong cảnh cũng không tệ, nhưng nàng lại bị cấm lệnh không cho lại gần bờ ao, bởi vì sợ bị nguy hiểm. Nàng chỉ dẫn mọi người bày biện đồ đạc: “Không cần phải vội vã, mỗi người quản lý một thứ, người nào làm hỏng đồ tôi phạt người ấy, đồ vật vốn ở đâu thì để nguyên ở đấy”. Sau một khắc(*), mọi thứ đã được bày biện xong.

(*) Khắc: 1 khắc = 15 phút.

Đã nói rồi, trước khi đến đã có người quét dọn, còn cần phải làm cái gì nữa? Chẳng qua là đem đồ vật tùy thân bày biện ra thôi, có thể bày ra dáng vẻ bận rộn nhiều việc hay sao?

Chạy qua chỗ của mẫu thân, thấy bảo Cố Ích Thuần đang dọn nhà, xem ra giờ học ngày hôm nay được miễn rồi, Trịnh Diễm suy nghĩ một chút, rồi quyết định quay về học phả hệ.

Sống trong xã hội thượng lưu, quan hệ là điều quan trọng nhất.

A Khánh nhẹ nhàng đi tới nhìn một lúc, rồi lặng lẽ lui xuống, đi đến lò hương đốt một loại hương, Trịnh Diễm thốt lên: “Bách hợp”.

Thật là bi kịch! Trong các môn học của nàng không có học trang điểm, mà trước hết phải học phân biệt các loại mùi hương, nghe nói sau này còn phải học trộn hương. Đây cũng là một loại tài năng để thưởng thức vô cùng nhàm chán mà các gia tộc thế gia hàng trăm năm trước rảnh rỗi đến đản đau đã sáng tạo ra!

“Đệ đã tin chuyện này rồi chứ?”. Cố Ích Thuần nhìn những bông hoa lửa nổ lép bép trên bếp lò, hỏi một cách thản nhiên.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười, hôm qua lúc chuyển nhà, chỗ nào cũng loạn hết c 11ca lên, mà khuê nữ của ông lại vô cùng thuần thục(*) xử lý mọi việc trong phòng mình, Lã Vọng buông cần(12) mà ngồi học phả hệ – trong khi phần lớn đám con cháu của ông còn đang xem các tác phẩm của các bậc tiên hiền(**).

(*) Câu gốc là “tam hạ ngũ trừ nhị”, đây là một thành ngữ giải thích cách tính bằng bàn tính, được dùng để hình dung việc hành động dứt khoát, nhanh nhẹn, gọn gàng.

(**) Tiên hiền: hiền triết đã khuất (những người có tài năng đã qua đời).

“Cứ để bọn chúng cùng một chỗ đọc sách với nhau là được rồi”. Trịnh Tĩnh Nghiệp tự nhủ.

Trong lúc nhận được bình phẩm không biết nên nói là khen ngợi hay là chê bai từ lão sư và phụ thân, Trịnh Diễm vẫn tiếp tục chương trình học tập theo như sự sắp xếp của chính bản thân nàng. Gần đây phổ biến việc những người xuyên qua đều lập kế hoạch lâu dài cho tương lai, tất nhiên đấy là những đứa trẻ ngoan biết nhìn xa trông rộng.

Đến ở biệt thự riêng, cảm thấy tự do hơn nhiều so với ở nhà trong kinh thành, khoảng cách giữa các gia đình cũng gần hơn nên việc qua lại thăm viếng cũng thường xuyên hơn, Trịnh Diễm không hy vọng bản thân mình vì chuyện học hành mà chậm trễ các hoạt động xã giao, mà lại càng muốn tìm thời gian để bổ sung tri thức.

Hoạt động xã giao vốn là không thể diễn ra tùy tiện, hơn nữa nàng còn bị Ngô gia mời, cần phải đến biệt thự riêng của Ngô gia làm khách – Trịnh Du có thai, nhà mẹ đẻ ở gần, đi qua thăm hỏi cũng là chuyện thường tình. Làm muội muội, ở lại chỗ của tỷ tỷ mấy ngày, người của Ngô gia cũng không thể nói gì được.

Trịnh Diễm thu xếp quần áo chân thành đi thăm tỷ tỷ.

 

Chú thích:

(11)       Quan nô tỳ:  nô tỳ là nô lệ bán thân làm nô, phân ra làm quan nô tỳ và tư nô tỳ. Quan nô tỳ thuộc sở hữu của quốc gia, đa phần là công nô. Tư nô tỳ thuộc sở hữu của quan lại, địa chủ, thương nhân có tiền… Ngoại trừ việc thực hiện các công việc trong nhà của gia đình chủ nhân, chủ yếu thực hiện các công việc về nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp.

(12)       Lã Vọng buông cần: ý nghĩa là cho dù bên ngoài có diễn ra chuyện gì đi nữa, vẫn cứ theo như quy tắc cũ mà làm việc, vô cùng trấn tĩnh, giữ vững vị trí của mình. Câu này xuất phát từ điển cố “Khương Tử Nha câu cá, Chu Văn Vương phỏng hiền”: lúc bấy giờ, Cơ Xương nuôi chí lật đổ nhà Thương, đi khắp nơi tìm kiếm người hiền tài. Một hôm, lên núi Bàn Khê thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá với một lưỡi câu không có móc. Thấy lạ, Cơ Xương mới hỏi: “ông lão, sao câu cá bằng lưỡi câu không có móc thế thì câu sao được?”. Khương Tử Nha mới trả lời: “Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ”. Một truyền thuyết khác nói rằng có người tiều phu hỏi ông sao câu được cá với lưỡi câu thẳng, ông trả lời rằng ông không câu cá mà câu Công, câu Hầu. Thấy vậy Cơ Xương mới đem những chuyện thế cuộc ra hỏi, quả nhiên Khương Tử Nha trả lời thông suốt cho thấy những kiến giải siêu phàm thế là từ đó Khương Tử Nha theo phò tá Cơ Xương. Lúc ấy ông đã 60 tuổi. Điển cố này muốn nói muốn nói: muốn làm nên sự nghiệp phải biết dùng người và cũng phải biết chờ thời.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/79221


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận