Con Gái Của Gian Thần Chương 7


Chương 7
Lịch sử gia đình thê thảm: Trịnh Tướng nắm giữ một bí mật lớn phần lời giải thích cuối cùng.

Trịnh Diễm ngồi trên xe, cảm thấy không bình tĩnh, A Khánh thấy nàng thất thần hơn nữa mấy vị chủ tử còn lại sắc mặt cũng không tốt, nên cũng biết điều mà không hỏi gì cả, chỉ đưa khăn cho Trịnh Diễm: “Trời càng lúc càng nóng, thất nương lau mồ hôi đi”.

Về đến nhà, gương mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp vô cùng bình thản. Đỗ thị hiểu trượng phu, dáng vẻ bình thản này của ông không phải là một dấu hiệu tốt, nên bà cũng không hỏi, chỉ nói: “Mệt không? Ăn cơm đi đã”. Trịnh Tĩnh Nghiệp đáp: “Ăn cơm xong đến thư phòng của ta. Đại lang, nhị lang, tam lang đều mang theo vợ con của các con đến”.

Bữa cơm ngày hôm nay đúng là đã đạt đến phẩm chất cao nhất – yên tĩnh không ai nói gì.

Ăn cơm xong, Đỗ thị liếc mắt nhìn, Trịnh Uyển ngoan ngoãn mang đệ đệ muội muội theo đi đến thư phòng trước. Vừa bước tới thư phòng đã thấy, ba vị ca ca của mình đã mang theo cả nhà đến đông đủ. Bất cứ ai cũng không dám nói chuyện.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nắm tay Đỗ thị bước đến, trên gương mặt viết rất rõ ràng hai chữ “mất hứng”. Đức Hưng là cháu trai còn chưa hiểu rõ mọi chuyện, đã muốn nhịn thở lo lắng, Trịnh Tú là con trai sau khi nghe lén xong, nhưng còn không hiểu chuyện bằng cháu trai.

Trịnh Tĩnh Nghiệp thở dài một tiếng: “Có một số chuyện muốn nói cho mọi người biết”. Cũng không làm cho bọn trẻ “hiểu lầm”, đồng thời nhân cơ hội này cũng răn dạy lại trưởng tử.

Gương mặt Đỗ thị nghiêm túc, khóe miệng đều kéo xuống, đương nhiên là biết tiếp theo Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn chuyện gì, những chuyện đó đối với bà mà nói, cũng không phải là một đoạn ký ức tốt đẹp gì.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Đại lang, nhị lang, tam lang đều biết, nguyên quán của gia đình ta ở Sơn Dương”.

Ba người cùng gật đầu.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nói tiếp: “Gia đình ta vốn nghèo khó, vì bị họ hàng ức hiếp, nên không thể giữ gìn cơ nghiệp của tổ tông…”. Gương mặt Đỗ thị cũng trở nên méo mó.

Gian thần không phải tu luyện một ngày mà thành. Con đường trở thành gian thần của Trịnh Tĩnh Nghiệp giống như một câu chuyện mà lúc bắt đầu nam chính vô cùng chăm chỉ – ngoại trừ một việc là ông ta không phải là ngựa đực(19).

Chuyện kể rằng, lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn còn là một đứa bé trai xinh xắn dễ thương, cha ông ta đã chết. Quả phụ nuôi cô nhi, khó khăn tự mình biết lấy. Điều đáng ghét nhất là sống trong xã hội này mà không có hậu thuẫn, thì sự ảnh hưởng của họ hàng lại càng trở nên mạnh mẽ.

Tất nhiên là Trịnh gia cũng có họ hàng, triều đại thay đổi từ tiền triều sang bổn triều, trải qua mấy lần thăng trầm, ba mươi năm chiến loạn. Giá trị con người cũng có thể chỉ như con chó hay cây cỏ. Muốn sống một cuộc sống mà không cần phải hơi chút lại phải lo lắng trước sau, thì biện pháp tốt nhất chính là kết trận tự bảo vệ lấy bản thân mình. Cũng giống như những đại gia tộc như Triệu thị, Cố thị, những tiểu gia tộc ở vùng thôn quê cũng tăng cường đoàn kết nội bộ. Như vậy thì thế lực của dòng họ cũng tăng cường thêm một bậc.

Vì để sử dụng một cách tốt nhất số lượng tài nguyên hữu hạn, quyền lợi của từng cá nhân bên trong dòng tộc cũng bị chèn ép đến mức thấp nhất, như vậy thế lực của dòng họ mới càng trở nên lớn mạnh hơn. Thôn xóm trong thời đại nông nghiệp, vốn là chỗ tụ hội của những người cùng một dòng họ, vì sinh tồn, việc chèn ép quyền lợi cá nhân là việc có thể chấp nhận được ở thời đại này.

Cho tới lúc vương triều mới được thành lập, thì thế lực của dòng họ cũng không suy yếu đi, những người ở trong dòng họ cũng vẫn bị tộc trưởng hay những người có địa vị trong dòng họ sai bảo. Nhưng cũng không đến mức để cho người thân trở thành người làm thuê, dù sao thì những người trong dòng họ trong rất nhiều việc vẫn có quyền lên tiếng.

Cha của Trịnh Tĩnh Nghiệp bị bệnh mà chết, cũng giống như rất nhiều bi kịch được miêu tả trong các câu chuyện xưa, vì chữa bệnh mà cả nhà đã vay mượn rất nhiều tiền. Đến lúc làm xong tang sự, cả nhà đã rơi vào tình cảnh chỉ còn có bốn bức tường.

Nếu như chuyện này xảy ra ở trong dòng họ khác, ví dụ như là Triệu thị, hoặc là Phương thị, nhất định là cô nhi quả phụ sẽ được chú ý chăm sóc – thế gia dù sao cũng không thể vứt bỏ thanh danh của mình đi. Nhưng chuyện này xảy ra ở Trịnh gia, nên đương nhiên là cô nhi quả phụ bị ức hiếp.

Nói ra thì cũng thấy kỳ lạ, có lẽ là nhân bánh bao thì dễ bị ức hiếp, những người khác trong dòng họ của Trịnh gia ở chung với nhau cũng không đến nỗi như vậy, gia đình Trịnh Tĩnh Nghiệp giống như là “hạt đậu trong đàn chim cánh cụt”. Lúc cha Trịnh Tĩnh Nghiệp còn chưa bị bệnh, những người trong dòng họ cũng không hề tôn trọng đôi vợ chồng tính tình yếu đuối này, vì thế nên đến lúc cha ông ta bị bệnh tình hình lại càng trở nên tồi tệ hơn, đến lúc cha ông ta mất, tình cảnh lại càng khó khăn hơn nữa.

Sau khi cha ông ta mất, mẹ ông ta cũng bị buộc phải trở nên kiên cường hơn. Gia đình do một người phụ nữ làm chủ, mà nhà mẹ đẻ cũng lại không dư dả, cho dù bà có khả năng làm việc đi nữa, thì dù sao bà cũng không thuộc khuôn mẫu nữ nhân vật chính, nên không thể mang theo con trai đi theo lúc làm việc. Cho dù có kiên cường hơn nữa, thì vốn bản tính của bà cũng không phải là một người người mạnh mẽ. Trước cửa nhà của quả phụ có nhiều thị phi, xuất phát từ nhiều lý do, bà dứt khoát mang theo con trai quay về nương tựa vào nhà mẹ đẻ.

Cha mẹ đẻ của bà đã mất, trong nhà còn có ca ca, chị dâu cũng không phải là người không hiền lành, dù sao thì cũng không giống những người trong họ hàng Trịnh thị ức hiếp hai mẹ con họ. Câu chuyện tiếp tục phát triển với những tình tiết cẩu huyết, mới sống những ngày tháng không cần lo lắng được mấy năm thì hai mẹ con Hà thị đã gặp phải vấn đề khó khăn – gia đình ca ca cũng gặp phải tai họa, sau tai họa là đại dịch, người nhà lại còn chết hết nữa.

Hai mẹ con Hà thị đành phải trở lại Trịnh gia, mà năm đó, Trịnh Tĩnh Nghiệp mới được mười hai tuổi, chưa tới tuổi có thể gánh vác một gia đình.

Trịnh gia cũng gặp đại dịch, vốn những ngày tháng tốt đẹp lúc trước còn không chấp nhận được họ, huống hồ là bây giờ?

Những người trong dòng họ nhìn trúng mấy mẫu đất bạc màu trong tay Trịnh Tĩnh Nghiệp, cũng biết Hà thị là người dù có năng lực thì cũng sẽ không phản kháng, nên muốn Trịnh Tĩnh Nghiệp trở thành con thừa tự cho một gia đình khác trong dòng họ, đồng thời để Hà thị tái giá. Mà chuyện tái giá này cũng là tự sản tự tiêu, gả cho một người trong dòng họ đã quá ba mươi tuổi có tang vợ. Dù sao Hà thị cũng là người đảm đang, Trịnh gia lại nhanh tay đưa sính lễ đến trước, nhà mẹ đẻ Hà thị cũng không còn người nào cả.

Đối với dòng họ Trịnh thị, thì sự sắp xếp như vậy chỉ là sự điều chỉnh tài nguyên trong nội bộ gia tộc, đối với mọi người trong dòng họ thì đấy là sự sắp xếp vô cùng hợp lý đồng thời có lợi cho việc phát triển của dòng họ. Nhưng Trịnh Tĩnh Nghiệp thì lại không nghĩ như vậy, Hà thị, cũng không nghĩ như vậy.

Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp ở nhà cậu đã may mắn vừa làm vừa học mà đọc được các sách tử thư(20) – nhà cậu tuy là khó khăn đối với cháu ngoại nhưng cũng không đến nỗi là người xấu – ông cũng là người có thiên phú, Hà thị đem toàn bộ hy vọng đặt vào trên người con trai. Nghĩ bị buộc tái giá là coi như bản thân mình số khổ, bà cố gắng nhẫn nhịn, nhưng đứa con trai mà mình ngậm đắng nuốt cay nuôi lớn sau này lại không phải là con trai của mình, thì Hà thị lại trở nên kiên cường, chống đỡ đến cùng, tuyên bố nếu cố ép buộc bà sẽ không để cả hai bên được bình yên. Bắt nạt kẻ yếu vốn là bản tính của con người, những người trong dòng họ Trịnh thị sau đó cũng không ép buộc nữa, nhưng cũng không hề giúp đỡ gì hai mẹ con họ.

Hai mẹ con họ đã sống bốn năm như vậy, lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp mười sáu tuổi, theo pháp luật mà nói, đã trưởng thành, ông đã làm một chuyện làm chấn động toàn dòng họ – yêu cầu phân tông. Trịnh Tĩnh Nghiệp đã thay đổi “hoàn toàn khác biệt”, ông không hề giống như cha mẹ mình, tính tình ông sắc sảo có cá tính, cũng là người rất có chủ kiến.

Thuyết phục mẫu thân, ông quyết định phân tộng, đương nhiên là bị người trong dòng họ ngăn cản. Trong bốn năm này cũng không phải là ông chưa từng làm gì cả, ông đã phát hiện ra chuyện xấu giữa một người nào đó với quả phụ ở thôn bên cạnh và lấy đó để uy hiếp người kia, lại lấy mấy mẫu đất, mấy gian phòng trong nhà làm mồi nhử (theo luật pháp, khi rao bán, những người trong dòng họ có quyền được ưu tiên mua trước, không cần phải nói, ở khâu trung gian chắc chắn sẽ bị cắt xén mất một ít), lại tiếp tục làm ra vẻ nếu như không làm theo ý ông thì ông cũng sẽ không để cho họ yên ổn, từng bước tiêu diệt từng chướng ngại vật một, cuối cùng cũng phân gia.

Mang theo gia sản ít ỏi đến đáng thương, ông giúp đỡ người mẹ già, nhanh chóng bước vào kiếp sống lưu lạc.

Theo như thống kê không đầy đủ, những người trong dòng họ đó sau này cũng phải trả giá rất lớn. Dù sao cũng không có chuyện gì thay đổi được sự thật là trong lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp luôn nhớ đến bọn họ, còn người là còn trả thù, cho tới hiện tại thì Trịnh gia bản tông cũng đã vô cùng suy tàn. Các người ức hiếp ta, ta thành đạt rồi không tính toán với các người là do ta khoan dung độ lượng. Nhưng nếu các người ép buộc mẹ ta tái giá, ta lại tha thứ cho các người, thì ta mới không phải là người.

Đó là lịch sử gia đình đầy thê thảm, Trịnh Diễm không biết, thật sự không biết. Nàng chỉ biết cha mình là tham quan + quyền thần, bản thân gia đình mình không hề có bối cảnh vững chắc, nhưng nàng chưa từng sâu sắc nghĩ đến chuyện xưa ẩn giấu phía sau gia đình mình. Đúng là lúc còn nhỏ cuộc sống không tốt, sau này lớn lên hết sức phấn đấu.

Hiện tại xem ra, sau khi trải qua chuyện như thế, còn có mấy người có thể không phát triển lệch lạc?

Trịnh Tú cúi đầu không nói, anh ta chỉ biết trước đây những người trong dòng họ có đến gây sự mấy lần, lúc đó tổ mẫu đều âm thầm khóc, sau đó mẹ anh ta đều xắn tay áo lên đánh người, tiện thể mắng những người trong dòng họ Trịnh thị từ đầu đến chân một lượt. Nước mắt rơi xuống, lúc khó khăn trước đây, cha anh ta vừa chép sách cho người ta vừa đi học, mẹ anh ta cũng phải vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình, người chăm sóc anh ta lại chính là tổ mẫu. Anh ta đúng là tôn tử của tổ mẫu, tính tình mềm mỏng, không hề phát triển sai lệch như Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Đỗ thị đã không kìm được mà khóc: “A nương từ trước đến giờ vẫn luôn là người hiền lành, nhưng người hiền lành lại bị người ta bắt nạt”. Bà chưa từng bị mẹ chồng hành hạ, tình cảm giữa hai người vô cùng tốt.

———————————————————————————————————————

Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không kìm chế được mà khóc, ngẩng mặt lên nhìn xà nhà trong giây lát, sau đó nói: “Ta đưa tổ mẫu của các con đến thành Sơn Dương, thì gặp mẫu thân của các con…”.

Những gì Đỗ thị trải qua lại càng giống với những nữ nhân vật chính trong những câu chuyện thuộc thể loại điền văn, bà là người ở trong thành Sơn Dương, nhập tịch là lương dân, không có thổ địa, chỉ có một vườn rau hai mẫu ở ngoài thành (chen vào một câu, vườn rau nhà Vu Nguyên Tề ở bên cạnh vườn rau nhà bà, Vu Nguyên Tề vốn cũng không gọi là Vu Nguyên Tề, mà gọi là Vu đại lang, không có tên, sau đó Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn dìu dắt ông ta, nên đã đặt tên cho ông ta). Hoàn cảnh của bà cũng là cha mất sớm, còn một mẹ già, không có đệ đệ, bản thân phải chèo chống gia đình. Bà là một nữ nhân có tính tình hoàn toàn khác biệt so với Hà thị, có lòng nhiệt tình.

Vừa khéo là Trịnh Tĩnh Nghiệp thuê phòng nhà bà để ở trọ, lúc bấy giờ những người biết chữ rất ít, cho dù là ở trong thành, viết hộ thư hay chép sách cũng là công việc rất được chào đón, Trịnh Tĩnh Nghiệp cố gắng vẫn có thể sống qua ngày được.

Ông còn có một ý tưởng: danh sĩ Quý Phồn ở ngay Hưng Thái gần bên trái của Sơn Dương, ông muốn đọc sách, muốn cầu công danh, sau đó phát triển gia đình.

Mọi chuyện sau đó tiếp tục phát triển cũng vô cùng hợp lý, đầu tiên là mẫu thân hai nhà nói chuyện với nhau vô cùng ăn ý – đều là quả phụ có con – sau đó chủ nhà của hai nhà đều là hai người trẻ tuổi, tiếp xúc với nhau cũng nhiều. Trịnh Tĩnh Nghiệp thì sợ nữ nhân giống như mẹ của mình, tính tình của Đỗ thị thì lại hoàn toàn trái ngược với mẹ của ông.

Mà Đỗ thị, cũng cần có một người nam nhân, tuổi tác hai bên cũng xấp xỉ, tính tình cũng hợp ý nhau.

Hai bên cùng tiến về phía nhau. Không hề có chuyện như “chờ ta công thành danh toại rồi trở về cưới nàng, sau khi công thành danh toại rồi lại mang theo n mỹ nữ có gia thế tốt đẹp trở về trở thành tỷ muội của nàng, có thể còn khiến cho nàng trở thành vợ bé”, Trịnh Tĩnh Nghiệp kết hôn luôn.

Hai nhà hợp nhất thành một gia đình, tài nguyên cũng hợp nhất, kết hôn, đi học, sinh tử, trải qua một khoảng thời gian mà bây giờ nhìn lại có thể thấy là vừa không hạnh phúc lại vừa không ấm no, nhưng lúc đó lại cảm thấy đó là khoảng thời gian vô cùng nhẹ nhàng.

Sau đó Trịnh Tĩnh Nghiệp xuất sĩ, chuyện ông là đệ tử của danh sư đã giúp ông rất nhiều, bạn đồng môn như Cố Ích Thuần cũng dốc lòng giúp đỡ. Con đường sau khi xuất sĩ cũng không hề dễ đi, người cũ bắt nạt người mới, những người có gia thế tốt coi thường người có gia thế kém hơn, công việc rối loạn, đấu đá lẫn nhau, tính kế ngáng chân nhau, cấp trên không quan tâm công việc giao hết cho cấp dưới…

Lúc đầu Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng suýt chút nữa thì chịu oan ức thay người khác, cũng phải trải qua bao nhiêu khó khăn, qua năm ải chém sáu tướng(21) mới có chút thành tựu, được cấp trên đề cử làm một viên quan nhỏ – Huyện Úy. Đại huyện quan gọi là Lệnh, tiểu huyện quan gọi là Úy, ông làm một viên tiểu huyện.

Theo sau đó là phiền phức kéo đến, không cần phải nhắc đến chuyện xã giao chốn quan trường, càng khiến cho người ta khó chịu hơn là gia tộc. Vì đã phân tông, gia tộc không dám tới làm phiền ông, nhưng mẫu thân, nhạc mẫu, thê tử của ông đối với chuyện xã giao giữa các phu nhân với nhau thì đúng là hoàn toàn không biết chút gì hết cả, thê tử thì còn tốt, tuổi còn trẻ nên có thể học, nhưng hai vị lão nhân thì thường xuyên bị người ta giễu cợt (Đỗ thị nhớ lại tình trạng khó khăn lúc trước, bản thân thì không sao cả, nhưng bà bất bình cho hai vị lão nhân).

Lúc ấy một vị Quận thủ còn nhìn trúng ông, muốn ông lấy con gái của mình – vị Quận thủ này cũng không phải là danh gia vọng tộc, là một người rất thực tế, cũng không ngại chuyện Trịnh Tĩnh Nghiệp đã có vợ có con. Trịnh Tĩnh Nghiệp kiên quyết từ chối, nên cuộc sống ở quan trường ngày càng khó sống hơn.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cố gắng chống đỡ, dìu dắt Vu Nguyên Tề đi theo mình, đồng thời tiến cử ông ta tòng quân. Xây dựng thế lực cho bản thân, cũng là lúc gặp được Âu Dương Bình, lại còn có danh tiếng là không sợ cường quyền, ở địa phương làm quan chừng mười năm, mới được thăng quan. Mới vừa thăng quan, mẫu thân, nhạc mẫu của ông lần lượt qua đời.

Chịu tang, chịu đủ tang, cũng đồng thời được thêm danh tiếng là người con có hiếu, bắt đầu quay trở lại con đường làm quan. Việc quay trở lại cũng không phải là dễ dàng, số ông may mắn, gặp được một Hoàng đế muốn chống đối lại thế gia, con đường trở lại quan trường của ông mới dễ đi hơn một chút, nhưng cho dù là như vậy, vẫn là mất hết mười năm cố gắng.

Sau đó chính là con đường thăng tiến của Trịnh Tĩnh Nghiệp, nào là mở rộng sản xuất để chống lại thiên tai, nào là vì người dân mà xin lệnh vua áp chế cường hào ác bá… Vì chính trị, vì làm ra những thành tích để trở thành người đứng đầu, nên ông phải làm.

Nhân cơ hội này, Trịnh Tĩnh Nghiệp quay sang phía người nhà (mà chủ yếu là Trịnh Tú) bộc lộ cảm xúc: “Trên triều có nhiều kẻ ngồi không ăn bám như vậy, chẳng lẽ bọn họ không nên tránh đi nhường chỗ cho người có tài? Bọn họ không làm như vậy! Lại còn muốn hại nước hại dân!”. Ông liệt kê khuyết điểm của từng người từng bị ông đả kích, “Đê vỡ rồi mà vẫn còn nói là vô cùng kiên cố! Gặp nạn châu chấu mà không đi diệt trừ châu chấu chỉ biết cúng bái thần thì để làm gì! Bên ngoài thành bọn trộm cướp hoành hành ngang ngược lại nói “kệ bọn chúng đi” để làm gì!”.

Phải biết rằng con người không ai là hoàn hảo hết cả, có ai mà không có khuyết điểm đâu cơ chứ? “Lí Tuấn không chịu làm việc, mấy tháng liền không bước chân đến bổn ti, chậm trễ quốc sự rồi đổ lỗi cho ai?”. Trịnh Tĩnh Nghiệp nói ra sự thật, Trịnh Tú cũng nhận thấy những người này không phải là người tốt. Vu Nguyên Tề là người mà Trịnh Tú biết, nên cảm thấy ông ta cũng tốt. Trịnh Tĩnh Nghiệp lập tức coi đây là cửa ải quan trọng cần đột phá: “Bọn họ nói Vu Nguyên Tề là gian đảng? Các con thấy ông ta gian hay sao? Chẳng qua là không chịu nghe lời bọn họ, nên trở thành gian! Trên đời này ngoại trừ bọn họ ra, những người còn lại đều là gian hết! Bọn họ mới là gian đảng lớn nhất!”.

Nói xong thở hổn hển, phát hiện mọi người trong gia đình rất yên ổn, khóe miệng Trịnh Tĩnh Nghiệp khẽ nhếch lên: “Gia đình chúng ta vốn nghèo khó, đấu tranh tìm kế mưu sinh, không ngờ rằng mỗi bước đi đều bị người ta muốn đẩy xuống bùn đen. Ta không thể lùi bước, không thể lùi bước, ta còn có một nhà già trẻ, lùi bước chính là thịt nát xương tan! Bọn họ còn có dòng họ ở phía sau chống đỡ, chúng ta không có, hiểu không?!”. Cho nên mấy thủ đoạn nhỏ bé là cho phép sử dụng.

Mấy đứa con cháu đồng thời bị chấn động, cúi người nói vâng.

Trịnh Tĩnh Nghiệp thở dài: “Cũng không phải là chuyện gì đáng giá để mà nói nhiều, đặt vào trong địa vị nhà người khác, e là từ nhỏ đã được các bậc trưởng bối dặn dò cả ngàn cả vạn lần về mấy chuyện này rồi. Nhà chúng ta thì… Haizzz, các con đi đi”.

———————————————————————————————————————

Bài học về lịch sử gia đình kết thúc, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng bớt được một nỗi lo lắng. Đỗ thị hỏi ông: “Chỗ Quý sư, nên làm như thế nào bây giờ?”.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lạnh một tiếng: “Ta đã có cách”.

Hôm sau lúc trời còn chưa sáng, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã dậy, mặc y phục để vào triều. Trên triều đình, ông ta tiến cử lão sư của ông ta là Quý Phồn. Nói một người tài giỏi như vậy, triều đình không thể để cho “chốn dân gian làm mai một hiền tài”. Mọi người trên triều đều liếc xéo ông ta, hôm qua chuyện Quý Phồn làm Trịnh Tĩnh Nghiệp mất mặt đã lan truyền khắp cả kinh thành, đến cả hậu cung còn biết, vậy mà hôm nay ông ta thế mà lại muốn tiến cử Quý Phồn, đây là… hối hận?

Trịnh Diễm vẫn còn chưa biết chuyện cha mình mất mặt đã truyền khắp cả kinh thành, lúc mới rạng sáng, Trịnh Tĩnh Nghiệp vừa mới đi khỏi không lâu lắm, Trịnh Diễm còn chưa thức dậy, thì Miêu Quý phi ở trong cung đã sai nội quan đến gọi Trịnh Diễm vào trong cung chơi.

Chú thích:

(19)       Ngựa đực: ý chỉ nam nhân trong chế độ nhất phu đa thê, phía sau còn có cả một “hậu cung”. Theo giải thích của baike thì ngựa đực (chủng mã) trong tiểu thuyết ý chỉ sinh vật giống đực có hoóc-môn nam quá nhiều, khiến cho nhiều con cái phát điên vì nó, muốn giao phối với nó. Một cách giải thích khác mà baike đưa ra là từ này cũng ám chỉ Á Lịch Sơn Đại – trọng mã (Alexandre Dumas), cũng chính là đại trọng mã có cuộc đời vô cùng thối nát. Trên thực tế dùng từ “chủng mã” để hình dung loại người này đúng là một sự sỉ nhục đối với loài ngựa (nguyên văn đấy ạ, thôi thì mình cũng công nhận là cuộc sống cá nhân của Dumas cha đúng là không dám lên tiếng khen ngợi, nhưng mà… nói như thế về đại văn hào có phải là quá đáng hay không???).

(20)       Tử thư: các sách của Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử.

(21)       Qua năm ải chém sáu tướng: là một tích truyện trong hồi 27 của truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung. Tích này kể chuyện Quan Vũ sau khi treo ấn từ quan, cáo biệt Tào Tháo, mang hai phu nhân Cam, Mi đi về Hà Bắc (phía Bắc Hoàng Hà) với Lưu Bị, lần lượt phải trải qua đủ 5 ải. Vì không xin Tào Tháo văn bằng nên dọc đường bị ngăn trở, bất đắc dĩ phải chém 6 viên Tào tướng. Chiến tích về sức mạnh vô song dẹp tan mọi ngáng trở này đã trở thành một bộ phận tổ thành quan trọng trong binh nghiệp lẫy lừng của Quan Vũ.

Đôi lời lảm nhảm: e hèm, sau gần 2 tuần “im thin thít và lặn mất tăm”, bạn đã trở lại, vô cùng xin lỗi các bạn thân yêu vì em laptop già cả của bạn bị ốm, không làm thế nào để thông báo được với mọi người. Hức, nếu lần sau các bạn thấy bạn lặn lâu lâu thì hãy thông cảm và hiểu giùm bạn là lap lại hỏng nữa rồi nhé.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/77465


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận