Miêu Quý phi không có con, nên rất vui vẻ khi thấy trẻ con, mà nguyện vọng nhỏ bé này lại khó có thể thực hiện được ở trong cung. Đứa con lớn tuổi nhất của Hoàng đế – Thái tử – năm nay cũng đã ba mươi tuổi, những hoàng tử hoàng nữ tuổi còn nhỏ thì lại không thân thiết với cô ấy, nên cô ấy đành phải thay đổi biện pháp triệu kiến con cái của các đại thần vào cung để chơi đùa. Khỏi phải nói, Trịnh Diễm chính là một trong những đứa trẻ mà cô ấy muốn gặp, mà cũng có khi là đứa trẻ mà cô ấy muốn gặp nhất cũng nên.
Trịnh Diễm có phong hào nên có xe dành riêng cho mình, xe ngựa dành cho phẩm cấp Huyện quân dùng đồng để trang trí, khá rộng rãi, đồ trang trí được sắp xếp cũng rất có khí thế, ngồi trong xe cùng với hai tỳ nữ nữa, cũng không hề chật chội. Nàng từng tiến cung nhiều lần, có lần là Đỗ thị dẫn đi, có lần là tự mình đi, chỉ cần mang theo đủ người và xe, thì mọi người trong nhà vẫn rất yên tâm để nàng đi. Từ sáng sớm Miêu Phi đã sai nội quan tới đón nàng vào cung, cũng không cần lo lắng việc đi lại trong cung có gì không thích hợp.
Lúc này chưa đến giờ tan triều, xe ngựa của Trịnh Diễm cũng không quá phô trương, đi thẳng một đường tới trước cửa cung. Cả hoàng cung là một tổng thể, phía trước là triều đình phía sau là cung điện, trong cung cấm tất nhiên là nghiêm khắc, nhưng cũng không đến nỗi quá khắc nghiệt. Tuyên triệu mệnh phụ nữ quyến vào cung, cũng là đi từ cửa sau vào tiến về phía trước, những người có phẩm cấp, chính thức tấn kiến, không thích hợp đi cửa sau, phải đi cửa trước để thể hiện sự trịnh trọng.
Từ lúc bắt đầu bước vào cung, không thể tiếp tục sử dụng phương tiện giao thông được nữa, bạn cần phải tự mình bước đi – trừ khi bạn được đặc biệt cho phép. Trịnh Diễm có đặc quyền này, xuống xe ở cửa cung, đổi sang ngồi kiệu trong cung chuẩn bị sẵn, A Nguyệt đi theo vào, A Tuyên ở trên xe chờ.
Cả hoàng cung được bố trí theo phương hướng tọa bắc triều nam, đi vào từ cửa bên phải hoàng cung là cửa Trường Khánh, đi theo bức tường phía tây, ngang qua một quảng trường rất rộng, quảng trường này nằm ở chính giữa mé bên ngoài toàn hoàng cung, cũng là nơi các quan lại tụ tập, mệnh phụ tiến vào hậu cung, nếu thời gian vừa khéo, thì rất có khả năng gặp được các vị quan viên. Hôm nay không thấy ai, Trịnh Diễm ngồi trong kiệu nhìn xung quanh, ngoại trừ những binh lính đang đứng gác, một người thừa ra cũng không hề thấy. Bước tường phía tây cũng không phải là tường bao ngoài toàn cung, đi theo bức tường này về phía tây, chính là cung Dịch Đình, bên trong là nơi ở của những nhân viên cấp thấp trong hậu cung, nơi đó cũng không phải là đích đến của Trịnh Diễm ngày hôm nay. Với địa vị của Miêu Qúy phi, không thể ở nơi đó được. Trịnh Diễm cũng không biết rõ mọi chuyện ở trong cung, chỉ biết nằm ở phía tây của chính cung là cung Dịch Đình mà thôi.
Đi qua thêm một cánh cửa cung nữa – cửa phụ phía bên phải, còn chưa tới hậu cung, ở vị trí này, là chỗ của mấy văn phòng cấp trung ương, đại khái có thể hiểu như là chỗ của Quốc Vụ Viện thời hiện đại. Trịnh Diễm đi thẳng theo bức tường phía tây đi về hướng bắc, không hề đi vào chỗ người ta làm việc, tiếp tục đi về phía trước, đi qua thêm một cánh cửa nữa, sẽ lại thấy một cái quảng trường khá lớn nữa. Đi về phía trước khoảng mười trượng, lúc này, nhìn về phía bên phải sẽ thấy một tòa cung điện tráng lệ, đây là điện Đại Chính là nơi trung tâm của toàn bộ vương triều, cũng vì vậy mà trong toàn bộ hoàng cung gọi nơi này là cung Đại Chính(*). Hiện tại, một đám người ở trong đó đang nhìn cha nàng, nghĩ Trịnh Tĩnh Nghiệp muốn ngất đi – chuyện này Trịnh Diễm hoàn toàn không hề biết gì cả.
Đi qua thêm một cánh cửa cung nữa, mới coi như là bước vào đến hậu cung. Cửa này tên là cửa Nguyệt Hoa, bước qua cánh cửa này, cảnh vật trước mắt như chợt tỏa sáng, cảnh sắc ở hậu cung so với tiền triều đẹp hơn rất nhiều. Cây cối hoa cỏ tỏa bóng mát, đình các đan xen, nước chảy róc rách, hậu cung không nghiêm túc giống như tiền triều, phía bên ngoài các cung điện là các loại cảnh sắc phong phú, không giống như triều đình ở phía trước, bốn phía xung quanh đều là các hình khối vuông vức.
Chỗ gần nhất ở giữa nơi phân cách hậu cung với tiền triều có một điện tên là điện Cần Chính, là nơi Hoàng đế sinh sống hàng ngày. Nơi gần tẩm cung này nhất ở phía sau chính là điện Chiêu Nhân nơi Miêu Quý phi ở, chỗ này vốn là tẩm điện của Hoàng hậu, nhưng hiện tại không có Hoàng hậu, nơi này là chỗ ở của Miêu Quý phi, vì chuyện này mà mấy năm trước trên triều còn có tranh cãi không nhỏ xảy ra. Đích đến của Trịnh Diễm chính là điện Chiêu Nhân.
Cách điện Chiêu Nhân một đoạn, ở xa xa phía trước có một nhóm người, đi bộ, đi cũng không nhanh, nhóm người của Trịnh Diễm rất nhanh đã đi đến trước mặt họ. Hai nhóm người gặp nhau, có thể thấy đấy là một người cũng không thân thiết – con gái yêu của Tưởng tướng là Tưởng Văn Thanh. Tưởng Văn Thanh không có kiệu, cũng không có phong hào, vào cung chỉ có thể đi bộ.
Cô ấy cũng coi như là khách quen ở hậu cung, Trịnh Diễm cũng gặp cô ấy mấy lần, có điều là giao tình không sâu. Tưởng Văn Thanh năm nay mười sáu tuổi, không có chung sở thích với tiểu la lị, cô ấy lại xuất thân từ thế gia, cả hai bên đều hiểu họ không phải là người đi cùng trên một con đường, nên cả hai bên đều ít nói chuyện với nhau hơn. Gần đây Trịnh Tĩnh Nghiệp lại “lội ngược dòng nước”, nên Tưởng Văn Thanh lại càng không muốn tỏ ra thân thiết với một tiểu nha đầu có giao tình sơ sài.
Trịnh Diễm đã cho dừng kiệu, bước xuống chào hỏi. Phụ thân của Tưởng Văn Thanh là Tưởng Tiến Hiền cũng là Thừa tướng, hai nhà chưa trở mặt với nhau, mà cho dù có trở mặt với nhau đi nữa, Trịnh Diễm cũng sẽ tỏ ra không biết gì cả, mà ra vẻ ngây thơ hồn nhiên lại gần Tưởng Văn Thanh chào hỏi: “A Tưởng gần đây có khỏe không?”.
Hai người chỉ cách nhau có vài bước chân, nếu đi thêm mấy bước nữa, Trịnh Diễm sẽ phải ngửa đầu mới nhìn thấy mặt Tưởng Văn Thanh, nhưng nàng không muốn như vậy. Tưởng Văn Thanh là một tiểu mỹ nhân, thanh lịch giống như một bông hoa lê mới chớm nở, lông mày khẽ nhíu lại một chút, nhưng biểu cảm trên gương mặt cũng rất nhanh đã được điểu chỉnh lại, cười nhạt hỏi lại: “A Trịnh gần đây có khỏe không?”.
Cô nàng này, chính là đi đến điện của Thục phi. Thục phi Sở thị là dì của cô ấy, vẫn thường gọi cô ấy vào cung trò chuyện. Sở Thục phi ở trong điện Diên An ở phía sau bên phải cách điện Chiêu Nhân xa hơn một chút, Tưởng Văn Thanh đi thẳng theo bức tường phía tây về hướng bắc, là muốn tránh xa điện Chiêu Nhân. Miêu Phi ở trong điện Chiêu Nhân, chính là một cái gai trong mắt toàn bộ tiền triều lẫn hậu cung, vì cô ấy đã vượt quá quyền hạn của mình.
Hoàng đế vui vẻ!
Không biết đã có bao nhiêu người liều chết khuyên can, khiến Hoàng đế tức giận: “Tôi dốc sức vì quốc gia gần ba mươi năm, bây giờ râu tóc bạc trắng, ra lệnh để một phi tử ở gần để chăm sóc, có gì là không được? Các người muốn không có ai chăm sóc tôi hay sao?”.
Điện Chiêu Nhân là nơi ở của Hoàng hậu thì sao nào? Lão tử muốn cho Miêu Phi ở đấy! Lại còn để cô ấy quản lý hậu cung nữa! Cái gì cơ? Sắc phong tân Hoàng hậu?
Ối chà, thực xin lỗi nhé, tình cảm giữa tôi với nguyên phối lão bà là vô cùng tốt, không nhẫn tâm để người khác chiếm mất vị trí của bà ấy.
A a a!!! Đây chính là trợn mắt nói dối!
Hoàng đế nói thế, sống chết cũng không chịu thay đổi, không nghe lời khuyên can của mọi người, không nể mặt mũi mọi người, không lẽ mọi người lại tạo phản?
Tưởng Văn Thanh biết, đích đến của Trịnh Diễm là điện Chiêu Nhân, trong lòng lại càng thấy không thoải mái, nhưng cũng vẫn trả lời Trịnh Diễm vấn đề “A Tưởng muốn đi đâu”, rồi lại hỏi xem Trịnh Diễm muốn đi đâu, sau đó nói: “Tôi không cùng đường với A Trịnh, A Trịnh nhanh đi gặp Quý phi đi, đừng để muộn giờ. Tôi phải đi đến điện Diên An”.
Trịnh Diễm cười một cách vô cùng ngây thơ: “Vậy tạm biệt ở đây thôi. A Tưởng đi từ từ nhé”. Sau đó phất tay, ngồi lên kiệu, bỏ chạy lấy người.
Nàng đi vô cùng nhanh nhẹn dứt khoát, Tưởng Văn Thanh nhìn theo mà trợn mắt há mồm. Tuy rằng rất muốn thoát khỏi nha đầu kia nhanh một chút, nhưng nàng rời đi cũng quá nhanh đi?
—– o0o —–
Điện Chiêu Nhân vốn là nơi Hoàng Hậu ở, không tinh xảo nhưng quý ở khí thế, diện tích những phiến đá ở phía trước điện so với những chỗ khác đều phải lớn hơn! Tuy rằng hiện tại người ở trong điện chỉ là Quý phi mà không phải là Hoàng hậu, nhưng những người hầu hạ xung quanh thì vẫn dựa theo quy cách cao nhất để mà sắp xếp.
Bước một bước vào trong điện Chiêu Nhân, đã ngửi thấy một mùi hương vô cùng nồng đậm. Hoàng đế tuổi cao, rất nhiều bộ phận trên cơ thể đã không còn nhạy bén nữa, nên lại càng thích ngửi mùi hương nồng đậm. Trịnh Diễm cố nhịn cảm giác muốn hắt xì xuống, day day mũi, làm lễ chào hỏi Miêu Phi.
Đã có nội quan thông báo trước với Miêu Phi, gần đây triều đình có nhiều việc, Hoàng đế cũng bận rộn, mấy ngày nay vẫn dành thời gian gặp gỡ bách quan, nên Miêu Phi rất rảnh rỗi. Đang buồn chán thì nghe thấy báo Trịnh Diễm đến, bỏ cây bút vẽ lông mày xuống nói: “Thất nương đến đây. Pha trà cho thất nương, đem quýt tiến cống đến đây”.
Trịnh Diễm chào Miêu Phi, cũng không cần phải quỳ lễ, mà chỉ cần phúc thân(22) thôi. Trong những trường hợp triệu kiến không quá mức chính thức, thần gặp Quân cũng không cần làm lễ quỳ gối. Quân thần trong lúc đó, cũng không xa cách đến mức như trời với đất.
Miêu Phi cầm tay Trịnh Diễm, ôm nàng vào trong lòng: “Mùa xuân cũng không có nhiều loại trái cây cho lắm, quýt tiến cống này là nội thị đau hết cả đầu mới giữ lại được một ít, bọn họ cũng không có cách nào cả, mười cân cũng chỉ giữ được có một nửa thôi”.
Trịnh Diễm ngả đầu về phía sau, lấy sủng phi của Hoàng đế làm đệm thịt, nhìn thấy cái cằm duyên dáng của Miêu Phi: “Hiếm có như thế, chỗ nương nương có à?”. Xứng đáng là người mà lão Hoàng đế đã lăn lộn trong bụi hoa vài thập niên nhìn trúng, dáng vẻ đúng là đẹp. Lông mày lá liễu mắt hạnh miệng đỏ thắm như anh đào, da thịt trắng trong như tuyết như ngọc, eo mềm mại như dương liễu.
Miêu Phi cúi đầu, nhìn thấy ánh mắt tò mò của Trịnh Diễm, nụ cười cũng lộ ra một chút hài lòng, đưa tay chỉ vào chóp mũi của Trịnh Diễm: “Những thứ ở trong cung dù sao cũng nhiều hơn so với bên ngoài, cho dù là không có, ta cho gọi thất nương đến, thì cũng phải tìm thứ gì đó ngon miệng để chiêu đãi thất nương chứ”.
Miêu Phi là con gái của một quan nhỏ, giao thiệp với gia đình Thừa tướng, cũng là để có sự giúp đỡ từ bên ngoài tốt nhất. Tình huống bây giờ là, Trịnh gia không nhất định cần Miêu Phi, Miêu Phi thì lại cần có một triều thần tỏ ra có thiện ý với cô ấy, nên cô ấy tỏ ra vô cùng gần gũi với Trịnh Diễm, có lần còn muốn thông qua Trịnh Du để kết giao với gia đình nhà chồng của Trịnh Du, nhưng mà người ta không muốn.
Trịnh Diễm vẫn luôn tỏ ra đáng yêu, lúc Miêu Phi ở cùng một chỗ với nàng tâm trạng cảm thấy rất tốt, ở chung với nhau cũng rất hòa thuận. Trong cung có loại hương liệu nào, trang sức mới mẻ gì đó, chỗ nào đó tiến cống lên đồ ăn ngon, đến chỗ cô ấy rồi nhất định cô ấy sẽ cấp cho Trịnh Diễm, đối xử với Trịnh gia so với nhà mẹ đẻ còn tốt hơn.
Trịnh Diễm chớp mắt mấy cái: “Con cùng A Tưởng hôm nay đều có lộc ăn rồi, tỷ ấy hôm nay đi đường xa, đúng lúc được ăn ngon để bồi bổ sức khỏe”.
“A Tưởng?”.
“Vâng! A Tưởng nhà Tưởng tướng công”.
Miêu Phi híp mắt lại, cô ấy là do lão Hoàng đế nhất thời cao hứng bất ngờ mà gặp được. Gia đình Miêu Phi không phải đại phú đại quý cũng không phải danh môn vọng tộc, phụ thân cô ấy chỉ là một tiểu quan, cuộc sống hàng ngày không túng thiếu, cô ấy cũng là được nuông chiều mà lớn lên. Tính tình hoạt bát, chính là loại mà lão Hoàng đế thích.
Mang vào trong cung, Hoàng đế vẫn cảm thấy hứng thú với cô ấy như trước, nhưng điều đó cũng không làm cho mấy màn cung đấu thiếu đi được. Cô ấy không phải là người không hiểu chuyện, từ khi còn bé cũng đã được dạy bảo phải tôn kính đối với thế gia, khi được Hoàng đế coi trọng, một cô nương tuổi còn trẻ cũng khó tránh khỏi có phần đắc ý mà quên mất, sau mấy lần chịu thiệt thòi, mới phát hiện ra cảnh ngộ của mình không ổn chút nào, nên lúc này mới biết thu mình lại. Miêu Phi là một người thông minh, ngã một lần là đã biết khôn, nắm bắt ngay được trọng điểm – cũng chính là Hoàng đế, lại nhận ra bản thân mình không có ai giúp đỡ từ bên ngoài cung, nên cũng đã bắt đầu tìm liên minh ở phía ngoài cung.
Nếu như Trịnh Tĩnh Nghiệp đem âm mưu tính toán đổ lên đầu những nữ nhân ở hậu cung, ông ta sẽ không phải là Trịnh Tĩnh Nghiệp. Dưới con mắt của ông ta, Miêu Phi là người có thể qua lại được, nhưng chắc chắn ông ta sẽ không trở thành người chịu sự sai khiến, điều khiển chỉ huy của cô ấy, thái độ như vậy cũng đã đủ để Miêu Phi cảm động đến rơi nước mắt rồi. Lúc trước, vào thời điểm mà cô ấy còn chưa hiểu rõ mọi chuyện, nghĩ muốn nâng đỡ phụ thân huynh trưởng đệ đệ nhà mình, kết quả là chỉ được có ba tháng, đã xảy ra sơ xuất khiến Hoàng đế tức giận, khiến cho cô ấy thiếu chút nữa cũng bị thất sủng theo, lúc đó cô ấy mới biết, triều đình không phải là nơi dễ chơi như vậy.
Đối với Trịnh Diễm, trò chuyện với Miêu Phi là một chuyện rất nhẹ nhàng. Miêu Phi hỏi nàng: “Mọi người trong nhà vẫn ổn chứ?”.
Trịnh Diễm bỏ quả quýt đã bóc vỏ được một nửa xuống, lấy khăn lau tay rồi trả lời: “Cũng vẫn sinh hoạt giống như mọi ngày”.
Dù sao thì cuộc sống cũng không thể thiếu khó khăn trở ngại được, việc cha đánh con trai cũng coi như là “bình thường”.
Miêu Phi lại vô cùng hứng thú hỏi: “Hôm qua con gặp Quý tiên sinh phải không? Nghe nói ông ta là một danh sĩ, trông dáng vẻ ông ta như thế nào? Có phải là ông ta nói gì cũng thể hiện học thức của ông ta hay không?”.
“Con chỉ nhìn thấy ông ấy có một tí tẹo, không đẹp bằng cha con. Chào hỏi xong, con cùng với các ca ca, điệt nhi phải đi ra ngoài rồi”.
“…”. Nói như thế cũng bằng không nói gì. Tiểu la lị đúng là rất kín miệng, muốn nghe được một chút tin tức về việc sư đồ gặp nhau rồi từ biệt trong sự tức giận, Miêu Phi muốn biết nhưng lại không dám hỏi. Chẳng lẽ thật sự không có gì xảy ra?
Miêu Phi nhăn mũi, tỏ ra ngây thơ đáng yêu: “Thất nương mới học cái gì thế?”.
Hai người lại bắt đầu màn đối thoại không có chút chất dinh dưỡng nào, nào là con học môn gì, nào là hai ngày trước cha con nói muốn dạy con cưỡi ngựa. Nói chuyện được một lúc, Miêu Phi đoán Hoàng đế cũng sắp hạ triều, nên sai người gói hai khay quýt tiến cống tặng cho Trịnh Diễm mang về nhà.
Chuyện liên lạc tình cảm không chút dinh dưỡng nào như vậy thường xảy ra giữa hai người. Miêu Phi mượn cơ hội đó để thể hiện thái độ của mình, Trịnh Diễm cũng tiện tay vơ vét không ít đồ, tình yêu của Trịnh Tĩnh Nghiệp đối với sự “hiểu chuyện” của ấu nữ cũng chỉ có tăng chứ không có giảm – vì miệng lưỡi của nha đầu kia rất kín đáo.
—– o0o —–
Trịnh Diễm về đến nhà, đưa quýt tiến cống giao cho Đỗ thị, trong số đó có một khay là Miêu Phi chỉ đích danh tặng cho Đỗ thị. Đỗ thị vừa cười vừa phân chia số quýt, hỏi Trịnh Diễm: “Hôm nay Quý phi nói chuyện gì với con?”.
Trịnh Diễm kể từ đầu tới đuôi: “Đầu tiên là gặp A Tưởng, tỷ ấy đi gặp Thục phi. Lúc tới cung Chiêu Nhân rồi, Quý phi có hỏi con xem con có gặp Quý tiên sinh hay không, Quý tiên sinh có nói cái gì hay không. Con nói con chỉ kịp chào tiên sinh một tiếng là phải đi ra rồi, cái gì con cũng không biết”.
Đỗ thị vừa cười vừa chỉ vào trán nàng: “Con đúng là thông minh!”.
Hôm nay Trịnh Tĩnh Nghiệp về nhà muộn, đã sớm sai người về nhà, thông báo về nhà muộn, để mọi người ở nhà ăn tối trước. Đỗ thị cũng không hề khách sáo mà để con cháu ăn cơm trước rồi vãn an(23). Sau đó sai phòng bếp chuẩn bị sẵn cơm nóng cho Trịnh Tĩnh Nghiệp.
Lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp trở về thì nụ cười trên gương mặt ông ta rất chân thành, ông ta đã hạ xuống được nước cờ đầu tiên của ông ta rồi. Nữ nhi kết giao với cung phi, người làm cha như ông ta cũng không thể không biết xấu hổ mà nhàn rỗi được. Lúc ở trên triều ông ta đã tiến cử lão sư Quý Phồn của ông ta, mà chuyện này lúc đó là rất bình thường, những người có quen biết vẫn thường tiến cử giúp nhau một chút, mà Quý Phồn lại đúng là một người nổi danh.
Trong lúc có tin đồn sư đồ bất hòa được lan truyền, lại tiến cử đối thủ là Quý Phồn? Quý Phồn từ trước tới nay vẫn là người có danh tiếng vô cùng tốt, có thể trở thành chiêu bài rất có tác dụng.
Trịnh Tĩnh Nghiệp trở nên ngu ngốc hay sao? Đây là quan điểm của rất nhiều người. Thế mà ông ta còn nói “Tài năng của Quý sư, kẻ làm đệ tử không dám kể ra, xin để Thiên tử tự mình kiểm chứng”.
Lại nghĩ mà xem, lão sư đến đây, theo tiêu chuẩn đạo đức lúc bấy giờ, tôn trọng người thầy, lão sư có mắng, đệ tử cũng phải nghe, đệ tử không được phép vô lễ trước mặt lão sư, nếu không thì sẽ có thể chết đuối trong biển nước miếng của người đời, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không còn mặt mũi nào để ngồi ở vị trí Thừa tướng nữa. Danh tiếng của Quý Phồn lan xa, nên Trịnh Tĩnh Nghiệp không thể không tiến cử nhé!
Tất nhiên, đây cũng có thể là sự thăm dò của Trịnh Tĩnh Nghiệp, Quý Phồn đã lâu rồi mới vào kinh thành, mà mục đích của chuyến đi lần này thì Trịnh Tĩnh Nghiệp lại không biết. Phải thử một lần, thì mới biết ông ta có ý muốn xuất sĩ hay không. Nếu không muốn xuất sĩ, thì xem như là Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Nếu như ông ta muốn… như vậy Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng chỉ có thể trố mắt ra mà nhìn.
Những ý tưởng đó Trịnh Tĩnh Nghiệp đều có thể đoán ra được, nên đối với những ánh mắt mà mọi người ở xung quanh nhìn vào mình ông ta coi như không thấy, trong lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp thầm cười lạnh.
Quý Phồn chưa từng làm quan? Còn muốn ông ta làm kinh quan! Không có sơ hở mới là chuyện lạ! Mà sơ hở xảy ra ở kinh thành lại không dễ dàng che giấu như ở địa phương, Ngự Sử có thể cắn chết ông ta! Nói tôi không giúp đỡ? Tôi lại càng muốn xem xem ông có thể làm được cái gì nào.
Các người nói tôi “xây dựng vây cánh”, “kéo bè kéo cánh làm việc xấu” à? Thử nhìn xem vị danh sĩ nổi tiếng cả nước này làm như thế nào đi! Đến lúc đó các người vẫn đoàn kết một lòng vây quanh vị ấy xem, Hoàng đế nhất định sẽ tức giận!
Xuất sĩ chính là bước vào quan trường, từ nay về sau sẽ không còn chút liên quan nào với hình tượng danh sĩ thanh cao nữa, chỉ có thể giãy giụa tìm cách sinh tồn trong cái hồ nước đục này mà thôi. Trịnh Tĩnh Nghiệp không tin còn có mấy người có thể bảo trì được sự “cao thượng”, từ trước tới nay, danh sĩ mỗi triều đại dù cho có “trong sạch cao thượng” đủ để được viết thành “truyện danh sĩ” thì bên trong đó bên cạnh tên của mỗi người cũng chỉ có thêm mấy chục từ giới thiệu sơ lược mà thôi. Mà quan viên được đánh giá là “trong sạch cao thượng”, cả cái triều đại kéo dài hai trăm năm nay cũng chưa có một ai có thể khiến cho tất cả mọi người cùng thừa nhận!
Trịnh Tĩnh Nghiệp thuyết phục Hoàng đế, nói là sức ảnh hưởng của ông ta quá lớn, nếu thả rông ông ta ở bên ngoài thì quả thật là quá nguy hiểm, không bằng để ông ta trong tầm mắt của mình – như vậy có tìm cách xử lý ông ta cũng tiện hơn. Đương nhiên là Trịnh Tĩnh Nghiệp không nói thẳng ra như vậy, ông ta chỉ nói một cách khéo léo: “Quý sư là hải nội danh sĩ, đi khắp nơi tìm hiểu kiến thức được nhiều người hâm mộ. Chỉ với một bọc hành lý không có chút tiền bạc dư thừa nào mà đi khắp thiên hạ, đi đến đâu, thế gia cũng đều dốc hết lòng mà phụng dưỡng, trở thành người nổi tiếng khắp thiên hạ. Một bậc hiền giả như vậy mà lại lưu lạc ở nơi thôn dã, là sai lầm của người làm Thừa tướng như thần”.
Trịnh Tĩnh Nghiệp thuyết phục Hoàng đế với lý do tuy là Quý Phồn gần đây có thể hiện sự không vừa lòng với những chính sách của triều đình, nhưng ông ta cũng không phải là kẻ ngu ngốc, giữ ông ta lại làm quan trong triều mấy ngày để “hiểu rõ những khó khăn của Thánh nhân, sẽ không đưa ra những bình luận bừa bãi về việc triều chính nữa”.
Cuối cùng là: “Một danh sĩ như thế, nếu như có lòng một mực ở ngoài kinh thành giúp Thánh nhân truyền bá học thức khắp tứ phương thì cũng đành thôi, hiện giờ đã vào kinh, Thánh nhân lại không hạ chiếu phong quan, thì lại trở thành triều đình “khinh sĩ”. Bây giờ triệu kiến ông ta, sẽ chứng minh Thánh nhân sáng suốt, triều đình và dân chúng đồng lòng”.
Mấy chiêu này đều đánh trúng vào yếu huyệt của Hoàng đế, làm Hoàng đế chẳng ai lại không muốn có danh tiếng tốt hết cả, đem Quý Phồn trở thành đồ trang trí cũng không phải là ý kiến tồi, hơn nữa gần đây không khí trên triều đình có chút gay cấn, đem chuyện này trở thành một bước đệm giảm nhẹ không khí khẩn trương cũng tốt, mà tạo thành cảnh giả yên bình cũng tốt. Quý Phồn cùng với thế gia có giao tình sâu sắc là một sự thật, thay vì để ông ta ở khắp nơi kết giao với thế gia, thì giữ ông ta ở lại kinh thành cũng không phải là chuyện xấu. Nếu để cho Quý Phồn hiểu chuyện triều chính là việc hết sức khó khăn, thay đổi cái nhìn, từ một danh sĩ cao ngạo khó thuần phục trở thành một danh thần cúc cung tận tụy, cũng là thể hiện sự anh minh của Hoàng đế.
Hoàng đế cảm thấy đây là ý tốt, nên tán thành. Suy nghĩ một lúc, rồi quyết định cấp cho Quý Phồn một chức quan Thị trung.
Cái chức quan Thị trung này, địa vị ban đầu cũng không cao, nhưng chức quan này lại có thể trực tiếp gặp được Hoàng đế. Thường xuyên gặp mặt lãnh đạo thì mới có thể nhanh thăng quan tiến chức được, mới có thể nói xấu người khác, mới có thể làm cho lãnh đạo nhớ kỹ được… Tóm lại, ưu đãi nhiều không kể hết. Vì thế nên các vị Thừa tướng đều mang hàm Thị trung trên người.
Chức quan này phẩm cấp rất cao, với vị trí này trên triều, chức quan này được sắp xếp cho Quý Phồn cũng là không tồi. Lấy tình trạng của Quý Phồn đi xem xét, thì để ông ta quản lý Sùng Văn Quán sẽ thích hợp hơn, nhưng Hoàng đế lại muốn thu phục ông ta, chứ không phải đem ông ta đi đánh bóng tên tuổi, danh tiếng của Quý Phồn ở trong lĩnh vực văn hóa cũng đã đủ cao rồi, nếu cao hơn nữa sẽ không có lợi đối với Hoàng đế.
Quý Phồn không có kinh nghiệm quản lý địa phương, lại thường có ý kiến đối với vấn đề chính trị, bị tình nghi là kẻ hay vung tay múa chân lung tung. Để sắp xếp cho ông ta làm một chức quan có vẻ thích hợp, thì Ngự Sử Đài đúng là một vị trí không tồi. Nhưng Hoàng đế lại không muốn nghe ông ta lảm nhảm soi mói, mà muốn ông ta ca ngợi mình.
Vì thế nên chức quan Thị trung thôi! Có thể thảo luận chính sự, có chức quan, bất kể lúc nào, có th 11fe ể có cái nhìn toàn cảnh về triều chính. Hy vọng rằng ông ta có thể nhìn ra sự thật. Cho dù có đâm chọc ai hay để lộ sơ hở gì, vẫn còn có Trịnh Tĩnh Nghiệp là đệ tử của ông ta giúp ông ta thu dọn lại chiến trường hỗn độn, nên Hoàng đế vui lòng mà đồng ý.
Hoàng đế ba lần hạ chiếu thư, khiến cho gia đình Lí Tuấn không thể sống bình yên được.
Ba lần hạ chiếu thư ba lần từ chối, Quý Phồn cũng đã kiếm được đủ danh tiếng, muốn tiếp tục từ chối, Trịnh Tĩnh Nghiệp đã có hành động, trong vòng một ngày ông ta đã xử lý hai quan viên trực thuộc Đông cung – đều là con cháu của những đại tộc có danh tiếng.
Quý Phồn đã xuất sĩ dưới sự thuyết phục của thế gia! Ông ta vốn không muốn nhảy vào hồ nước đục, trên triều có kẻ tiểu nhân, nếu như đứng cùng một chỗ sẽ làm người quân tử cảm thấy xấu hổ! Xuất sĩ cũng không thể có vị trí cao hơn Trịnh Tĩnh Nghiệp (đây là một điều chắc chắn, Hoàng đế còn chưa bị mù), như vậy mặt mũi của lão sư còn để đi đâu.
Quý Phồn vẫn luôn tin tưởng năng lực của bản thân, cũng tin rằng nếu Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể thuyết phục được Hoàng đế, thì nhất định là ông ta cũng có thể làm được, vì học vấn và danh tiếng của ông ta, hơn nữa là vì ông ta tin tưởng điều bản thân mình làm là đúng. Ngoài miệng còn muốn khiêm tốn mấy câu, chứ cũng không còn giữ thái độ cứng rắn như trước nữa, sợ tạo thành các loại phiền phức linh tinh gì đó – thật ra trong lòng ông ta cũng không nghĩ như thế.
Tuy là từ chối vì khiêm tốn, nhưng mọi người vẫn lo lắng vì chuyện này, sau đó lại khuyên Quý Phồn không nên lo lắng. Lúc bấy giờ có rất nhiều quan viên dựa vào cấp dưới, giống như Lí Tuấn làm quan trên mà mấy tháng không thèm quan tâm đến công việc cũng không phải là không có. Hơn nữa, Quý Phồn là người có môn sinh trải khắp thiên hạ, tính ra thì vẫn có mấy người có năng lực, nếu như thật sự không ổn, trong số đệ tử của ông ta vẫn có người xuất thân từ thế gia, mà cũng không phải thế gia toàn sinh ra phế vật, vẫn luôn có các loại tài nguyên có thể lợi dụng được. Lùi mấy bước mà nói, nếu như Quý Phồn làm quan, thì chỉ cần tới một phẩm cấp nhất định, là có thể có quyền tự mình bổ nhiệm nhân viên cấp dưới, có rất nhiều người có năng lực nhưng xuất thân không cao muốn mượn cơ hội này để thể hiện tài hoa của mình – năm xưa Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng đã lập nghiệp như vậy.
Không thể nói thẳng ra, chứ nói thẳng ra thì đấy chính là coi thường năng lực của Quý Phồn. Cho nên các công tử danh môn nói: “Bây giờ trên triều có kẻ tiểu nhân, nhưng người cầm quyền vẫn là người quân tử, tiên sinh lại lảng tránh, thì thiên hạ sẽ ra sao?”.
Quý Phồn nhảy vào hố phân do Trịnh Tĩnh Nghiệp đào ra.
Chú thích của tác giả:
(*) Cung điện thời Tần gọi là cung Đại Trịnh. Tôi vẫn cảm thấy tò mò với cái tên này, chữ “Trịnh” ở đây có ý nghĩa gì, là họ của kiến trúc sư, hay là tên địa danh, hay có thể hiểu là chữ “Chính” trong chính trị hoặc là “Chính” trong chính giữa. Trong này tôi đã thay đổi một chút để sử dụng.
Chú thích:
(22) Phúc thân: cách thiếu nữ thời xưa cúi chào mà hai tay nắm lại để trước ngực.
(23) Vãn an: chào để chúc ngủ ngon.