Những ngày sau đấy cho đến tận bây giờ cả nhà vẫn còn gọi là Thời Đại Kinh Hoàng. Helen thì nhắc lại những ngày ấy bằng cách nói bóng nói gió đại loại như: “Chị còn nhớ lúc chị bắt đầu cư xử y như Hitler không? Rồi cả nhà ghét chị, chỉ mong chị về quách lại London không?”
Sự thay đổi trong tôi thật khủng khiếp.
Như thể ai đó vừa với tay nhấn công tắc.
Tôi từ buồn bã, cô độc, khổ sở chuyển thành giận dữ, thịnh nộ và ghen tuông, đòi trả thù Denise và James. Tôi sung sướng tưởng tượng ra đủ thứ tai họa đổ xuống đầu hai kẻ ấy.
Tôi không hề có ý bao biện gì cho cái thời kỳ tôi chỉ nằm suốt trên giường, thậm chí không mở nổi miệng để nói gì vì quá đau khổ. Trông tôi chắc bạn sẽ thấy chán đời, tôi chẳng làm được gì dù là những việc vặt cỏn con nhất trong nhà. Ai trách tôi được?
Nhưng giờ thì tôi giống như một con điên luôn nổi cơn tam bành. Bao nhiêu là thù hận, giận dữ dồn ứ bên trong mà cái kẻ phải gánh lấy nó, tức là James, thì lại không có ở đó. Vì vậy nên gia đình tôi, những kẻ ngoài cuộc vô tội mà thực tế đã cố hết sức để cưu mang, giúp đỡ tôi, thành ra lại phải chịu bị la hét và bị đóng sầm cửa trước mặt thay cho anh ta.
Lúc mới từ London về lại nhà bố mẹ, tôi đường hoàng với viễn cảnh được gặm nhấm nỗi đau. Tôi thấy mình cũng giống một nữ anh hùng thời Victoria, bị phụ tình và không còn lựa chọn nào khác là gặm nhấm nỗi đau rồi chết trong sầu khổ, nhưng chết rất xinh đẹp giữa xung quanh toàn dầu thơm với dầu thơm. Như Michelle Pfeiffer trong phim Dangerous Liaisons ấy.
Giờ tôi giống Christopher Walken trong Deerhunter hơn. Mất trí. Điên loạn. Là mối đe dọa với chính bản thân mình và mọi người. Đi đi lại lại trong nhà với con mắt đầy vẻ điên dại. Mọi người đang chuyện trò rôm rả cứ thấy tôi bước vào là im bặt. Bố, mẹ nhìn theo sợ sệt. Anna và Helen thì lỉnh ra ngoài.
Tôi đâu có mặc đồ rằn ri để ra trận, cũng đâu có quấn chéo ngực một cái dây gắn đầy đạn, cũng không khư khư thứ vũ khí tự động đáng sợ nào, và chẳng có lấy một quả lựu đạn trong túi. Mặt mũi tôi không lấm lem bụi đất (mặc dù nhìn trong gương thì chắc cũng có. Vụ tắm rửa đã bị cho qua hết suốt thời kỳ này). Nhưng tôi thấy mình thật quyền lực như thể tôi có tất cả những thứ ấy trên người, và mọi người nhìn tôi sợ sệt như thể tôi có đeo chúng thật.
Thời Đại Kinh Hoàng khởi đầu vào cái ngày tôi xem cái cuốn phim video đó với mẹ. (Tôi xin phép không kể chi tiết chuyện gì đã xảy ra. Tôi quá xấu hổ không dám nhắc lại. Với lại tiệm cho thuê băng cũng đã chịu không lấy tiền thuê. Cậu nhân viên nói hoàn toàn đúng. Họ chỉ mua và trữ phim thôi. Mớ phim ảnh ở tiệm của họ không liên quan gì đến quan điểm cá nhân của họ với vấn đề đạo đức hết. Chỉ tại lúc đó tôi đang quá căng thẳng thôi).
Thời Đại Kinh Hoàng kéo dài thêm vài ngày chinh chiến tơi bời. Cái gì cũng có thể làm tôi nổi cơn, nhất là mấy cảnh lãng mạn trên tivi. Đầu tôi liên tục chiếu những cảnh James và Denise trên giường. Khi xem thấy những cặp yêu đương trên tivi, tôi lập tức bị quá tải, nổ tung.
May sao tôi đã không nhìn thấy cặp nào thắm thiết ngoài đời thật, nếu không thì tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bố mẹ chắc chắn là không như hai kẻ đang yêu rồi. Câu lãng mạn nhất ông nói với bà trong suốt một tuần là: “Tối thứ năm này mình có đi siêu thị mua đồ đông lạnh không bà?”
Helen có một mớ đuôi đeo bám toàn các cậu trai đều đặn ghé nhà, nhưng con nhỏ chế giễu tụi nó rất tàn nhẫn, bỡn cợt cái sự tận tâm rối rít của họ. Làm tôi cũng hả dạ một cách nhẫn tâm. Còn Anna thì, thôi lại là một chuyện khác tôi sẽ kể sau.
Tôi khóc liên tu bất tận suốt Thời Đại này. Chửi tục nữa. Rồi quăng ném đồ đạc.
Như tôi đã nói, phim ảnh chọc giận tôi. Nếu thấy chàng nghiêng người hôn nàng, lập tức ngọn lửa ghen tuông xanh lè phừng phừng cháy trong cơ thể tôi. Tôi nghĩ ngay đến James. Tôi nghĩ ngay đến James của tôi với một người đàn bà khác. Trong một khắc, ý nghĩ của tôi như không còn dính gì nữa đến thực tại, như thể James vẫn ở bên tôi và tôi đang ngốc nghếch tưởng tượng đủ các “trường hợp xấu nhất” có thể xảy ra. Rồi tôi chợt nhớ ra là chuyện đã xảy ra rồi, là anh đang chung sống với một người đàn bà khác. Và cứ mỗi lần như thế tôi lại thấy đau lắm. Mười lần như thế thì cả mười lần tôi đau như một.
Thế là tôi quăng cuốn sách vào cái tivi, hoặc độp giày vào tường, hay phóng chai sữa của Kate vào cửa kính, hay bất cứ thứ gì tiện tay để quăng ném nếu có bất cứ cái gì cho tôi độp chúng vào. Rồi tôi văng tục như hàng cá ngoài chợ, rầm rập bước ra khỏi phòng, dập mạnh cửa đến nỗi chắc phải có vài miếng ngói rơi xuống. Tình hình căng thẳng đến mức nếu tôi ập vào phòng khách lúc tivi đang mở, Anna hoặc Helen, bất cứ đứa nào đang ở đó, sẽ chụp lấy cái điều khiển, mau lẹ chuyển sang bất cứ kênh nào vô thưởng vô phạt như chương trình dạy vật lý ứng dụng của Đại học Mở, hay một bộ phim tài liệu về cách vận hành của tủ lạnh, hay là một trò gameshow nào đó mà đám thí sinh rõ ràng đều đã bị giải phẫu não. (Một ví dụ cho sự đần độn của bọn họ: “Thủ đô(1) của Haiti là gì?”, “Ừm... có phải là H không ạ?”)
- Có gì coi không? - tôi gầm gừ.
- Ờ, ờ... có mỗi cái này, - mọi người run run đáp, tay chỉ cả về hướng tivi.
Rồi tất cả ngồi im thin thít, vờ chăm chú theo dõi bất cứ thứ gì chiếu trên màn hình khi cái điều khiển dừng lại, trong khi cả người tôi run lên bần bật trông rất dữ tợn. Anna/Helen/mẹ/bố ngồi cứng ngắc một chỗ, sợ không dám nói chuyện, sợ không dám đề nghị chuyển sang kênh khác, chỉ chờ có cơ hội là lỉnh đi, xem tiếp chương trình mình muốn trên cái tivi nhỏ trong phòng mẹ.
Mà cứ thấy bọn họ đứng dậy và bắt đầu nhích về phía cửa là tôi vồ lấy ngay:
- Đi đâu đấy? Không chịu nổi phải ngồi chung phòng với tôi chứ gì? Chồng tôi bỏ đi đã đủ tệ rồi, giờ tưởng tượng xem đến cả cái nhà này cũng đối xử với tôi như thế này đây.
Và nạn nhân đáng thương đứng đó trông khốn khổ, xấu hổ không dám bỏ đi nhưng quá rõ là cũng chẳng muốn ở lại.
Và ghét tôi vì đã cư xử như thế.
- Thôi đi đi, - tôi hét lên tàn nhẫn. - Đi!
Mà vì tôi quá kinh khủng nên không một ai, kể cả Helen, dám nói thẳng với tôi rằng tôi là đứa cực kỳ ích kỷ, và nếu phải chửi thật thì là một con quỷ cái. Tôi đã đem cái tính nóng như lửa và tâm trạng thay đổi liên tục không đoán trước nổi ra để cả nhà phải nhượng bộ.
Chỉ có Kate là tôi còn tử tế. Mà cũng chỉ thỉnh thoảng thôi.
Có lần con bé khóc, tôi đã hét vào mặt nó:
- Câm ngay, Kate!
Và thật khó tin, con bé nín ngay. Nhưng tôi chưa từng nói lại được y như thế bao giờ. Tôi đã thử đủ kiểu, như là “Câm ngay, Kate!”, hay “Câm ngay, Kate!”, hay “Câm ngay, Kate!” nhưng chẳng có gì khác hết. Con bé vẫn khóc ré, rõ ràng là đang nghĩ: “Ha ha, bà cũng dọa được tôi một lần đấy, trong một phần nghìn giây thôi, nhưng bà phải biết chuyện này đừng hòng xảy ra đến lần thứ hai.”
Năng lượng trong người tôi quá nhiều, mà cơ thể tôi thì không đủ lớn để chứa. Từ không còn chút sức lực nào tôi thành ra quá tải. Tôi không biết phải làm gì với nó. Tôi có cảm tưởng mình sẽ bị nổ tung ra. Hay là hóa điên. Tôi vật vã vì không muốn ra khỏi nhà nhưng lại như muốn chạy cả trăm dặm. Nếu không chắc tôi hóa dại. Tôi có sức mạnh của mười tên đàn ông. Trong mấy cái tuần kinh khủng ấy tôi chắc phải ẵm được mấy huy chương vàng Olympic, bạn cứ kể ra bất cứ môn nào.
Tôi có cảm tưởng mình sẽ chạy được nhanh hơn, nhảy cao hơn, thảy xa hơn, nâng nặng hơn, đấm mạnh hơn bất cứ ai.
Cái đêm đầu tiên cơn ghen len lỏi vào ấy, tôi đã nốc hết nửa chai vodka.
Tôi dọa nạt, bắt con Anna phải cho mượn mười lăm bảng, còn Helen thì ra cửa hàng mua rượu về cho tôi.
Anna hẳn là thích được đi mua hơn.
Và Anna sẽ vui vẻ trở về đem theo chai rượu.
Nhưng khi nào nó về đây? Đó mới là vấn đề.
Có thể phải cả tuần sau nó mới xuất đầu lộ diện, rồi kể cho tôi nghe một câu chuyện mơ hồ rằng trên đường đi nó đã gặp một chiếc xe tải trên đường đến Stonehenge(1)_ và thấy nên nhập bọn. Hoặc một chuyện kỳ quái nào đó liên quan đến tâm linh đã xảy ra khiến nó hồn tạm lìa xác hết một tuần.
Và tôi sẽ bảo với nó rằng thế chẳng có gì quái lạ cả. Là nếu nó qua nhà thằng Shane bạn trai nó để được hút hít cho đã đời thì đấy chính là chuyện thường ngày. Và nếu phải gọi cho đúng tên thì đó là trí lìa khỏi đầu chứ không phải là hồn lìa khỏi xác nữa.
Mà giằng co với con Helen cũng chẳng dễ dàng gì.
- Em chết đuối mất, - nó làu bàu. - Thời tiết vẫn đang rất khắc nghiệt.
- Không đâu, - tôi trấn an nó, rất nhẫn tâm, qua kẽ răng, ý nói: “Nhưng làm ra cảnh đó thật cũng không hề khó gì.”
- Chị phải trả thêm tiền đó, - nó thay đổi chiến thuật.
- Bao nhiêu?
- Năm bảng.
- Đưa nó thêm năm đồng nữa, - tôi lệnh cho Anna.
Tiền trao.
- Vậy là tổng cộng chị thiếu em hai mươi đồng rồi nhá, - Anna lo lắng nói.
- Tao đã quỵt bao giờ chưa? - tôi lạnh lùng hỏi.
- Ừm... chưa, - con bé tội nghiệp nói, sợ đến không dám nhắc tôi vẫn còn nợ nó chai rượu tôi đã “mượn” tối hôm đầu tiên về nhà.
- Mày đi đâu đấy? - tôi hống hách hỏi Helen.
- Lên lầu thay đồ bơi!
Rất lâu sau đó nó mới về, ướt như chuột, nước nhỏ long tong khắp người và càu nhàu ầm ĩ, đưa cho tôi chai vodka bỏ trong cái túi ướt sũng.
Tôi không buồn hỏi tiền thối lại.
Nó cũng chẳng đả động gì tới.
Đến khi tôi phát hiện ra chai vodka đã bị mở và vơi đi khoảng một phần tư thì Helen đã cao chạy xa bay.
Đem theo luôn cơ hội được mừng cái sinh nhật thứ mười chín.
Cứ đợi tôi túm được nó đã, cảnh tượng ân đền oán trả sẽ kinh khiếp đây.
Tôi đâu phải thứ đàn bà dễ bị qua mặt.
Nhưng dù có chai vodka thì tôi vẫn không ngủ được. Tôi lang thang từ phòng này qua phòng khác suốt đêm trong khi cả nhà đang say ngủ, ôm chai rượu với cái ly, tìm một nơi nào cho tôi cái cảm giác an toàn. Tôi mong tìm một nơi nào mà ở đó đầu tôi sẽ thôi tua những cảnh kinh khủng ấy. Nhưng sự ghen tuông và lòng căm hận khiến tôi cứ thức trừng trừng giữa đêm. Nó cứ đâm thúc tôi mà tôi thì chẳng giải quyết được gì. Tôi không tìm được chút yên thân nào.
Tuyệt vọng, tôi nghĩ nếu thử nằm trên một cái giường khác hay trong một căn phòng khác biết đâu tôi sẽ ngủ được.
Tôi mò mẫm vào phòng của Rachel. (Còn nhớ không? Bạn có thể ở đây nếu muốn nhịn đói đấy.) Tôi bật đèn lên.
Căn phòng cũng có cái cảm giác lành lạnh như phòng của tôi và Margaret lúc tôi mới về. Cái cảm giác đã không ai ở trong đó một thời gian dài, mặc dù quần áo vẫn còn treo trong tủ, mấy tấm poster vẫn dính trên tường và vẫn còn một cái đĩa ở dưới gầm giường.
Tôi bỗng nhìn thấy cái xe đạp tập thể hình và cái máy tập tay bố mua cách đây chín năm, hăm hở với ý định làm thon thả cơ thể chỉ trong một thời gian ngắn.
Đây. Chúng vẫn nằm trên sàn, phủ đầy bụi và mạng nhện, trông đề mốt, kêu cót két cọt kẹt, khác xa cái tiếng xe đạp tập thể hình và máy tập tay bây giờ vốn gắn cả chương trình vi tính, có màn hình và tự động tính toán lượng calo nữa.
Tôi nhìn chúng trìu mến, trông chúng như từ thời tiền sử. Ký ức tràn về.
Chúng tôi đã vô cùng hào hứng hôm cái xe tải giao chúng đến nhà!
Bố, mấy chị em gái và tôi hồi hộp phát run lên.
Chỉ có mẹ là không hào hứng. Bà bảo không hiểu nổi sao mấy bố con phải nhặng xị lên như thế.
Rằng bà chẳng có nhu cầu phải đày đọa mình như thế. Rằng đời bà đã dư thừa đày đọa, cụ thể là cưới bố và làm mẹ của năm đứa chúng tôi.
Còn chúng tôi thì mừng quýnh lên.
Chúng tôi xúm xít lại, luôn miệng xuýt xoa khi hai cái máy được khui khỏi thùng và lắp ở phòng kính.
Chúng tôi đã tràn trề hy vọng với hai cái máy. Vì ai cũng nghĩ chỉ cần chạm nhẹ vào cái máy thôi là đã có ngay cơ thể như Jamie Lee Curtis_ (lúc ấy cô này nổi lắm). Chuyện tranh giành vô cùng căng thẳng.
Bố cũng nói muốn có được cơ thể như Jamie Lee Curtis. Mẹ không thèm nói chuyện suốt một tuần.
Lúc mới đầu tất cả chúng tôi đều chen lấn, đánh nhau để được tập máy.
Cũng giống như việc sản xuất vũ khí đạn dược thời chiến, hai cái máy chạy hết công suất ngày cũng như đêm.
Luôn có một hàng dài chờ đợi.
Mà phải nói thêm là mọi người không phải lúc nào cũng đàng hoàng mà xếp hàng. Chuyện ra giá, ngã giá vẫn cứ diễn ra luôn.
Đã có những giọt nước mắt ngắn dài, những lời độc địa không dưới một lần trong những trận chiến đấu quyết liệt xem ai là người kế tiếp.
Chúng tôi rất mê cái xe đạp thể hình. Margaret, Rachel và tôi đều ám ảnh với cái vòng ba và cặp đùi của mình.
Ít ai mê cái máy tập tay vì chúng tôi vẫn còn nhỏ quá, chưa nhận ra rằng người ta còn có thể bị mỡ ở cánh tay nữa.
Margaret, Rachel và tôi tiêu tốn phần lớn thời gian những năm niên thiếu đứng quay lưng lại trước gương, gần trẹo cổ vì cố ngoái ra sau trong khi thân dưới giữ nguyên để xem cái mông mình trông như thế nào.
Rồi lo lắng hỏi nhau:
- Mông em thấy sao? Rất to hay to vừa vừa?
Chúng tôi đã phí phạm quá nhiều thời gian tự dằn vặt mình và lo lắng kích cỡ cái vòng ba của mình.
Mua hay thử bất cứ cái quần jean nào, chúng tôi cũng đưa ra tiêu chí phải làm thon gọn mông. Áo sơ mi, áo khoác, áo len nào cũng phải tính toán đến chuyện che giấu mông cho thật khéo.
Nỗi ám ảnh cái vòng ba vĩ đại cũng không thua kém gì nỗi ám ảnh cái vòng một khiêm tốn.
Buồn thay!
Bởi vì chúng tôi xinh đẹp.
Dáng xinh xắn, dễ thương thế kia.
Vậy mà không hiểu vì sao.
Rachel hay nói chị ấy ước được sống vào thời xa xưa. Chính xác là thời có nạn đói. Chị từng nói với tôi giọng thèm muốn: “Tưởng tượng tụi mình sẽ ốm eo như thế nào nếu vài tháng chỉ ăn toàn đá với cỏ.”
Tôi sẵn sàng chi thật mạnh tay để người tôi được như hồi ấy.
Rồi tôi bỗng thấy hoảng. Chúa ơi, liệu có ngày nào đó mình nhìn lại mình bây giờ rồi ước còn được như thế này không?
Có lẽ tôi nên hạnh phúc với cái thân hình của mình bây giờ, dù tôi có nghĩ nó xấu xí hay thế nào. Vì một ngày nào đó tôi sẽ ước mình lại được như thế này.
Mặc dù tôi không hình dung nổi sẽ có lúc mình tuyệt vọng đến mức ấy.
Rồi cũng rất nhanh chóng, sự hấp dẫn của hai cái máy vơi đi. Kết quả tổng hợp của những tai nạn nho nhỏ và sự thất vọng.
Mặc dù chỉ mới chín tuổi nhưng Helen nhất định bảo nó biết cái máy tập tay vận hành như thế nào. Nó triệu tập tất cả chúng tôi lại để biểu diễn cho xem. Nó chỉnh độ nặng vượt xa sức mình để lòe mọi người trong khi không thèm khởi động trước. Ngay lập tức, nó bị trật cơ trong lồng ngực.
Gây ra một cuộc đại náo động trong nhà.
Những kẻ đáng thương rơi vào tay của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha cũng sẽ không la thét và la thét không ngừng như Helen.
Nó tuyên bố bị liệt mất một bên. Thứ duy nhất làm dịu đi bất cứ triệu chứng nào của nó là hàng đống, hàng đống sô cô la và sự chăm nom hai bốn trên hai bốn của mọi người.
Helen đã là Helen ngay từ cái thuở sơ khai ấy.
Theo lời nó thì nó đau không chịu nổi. Nó yêu cầu bác sĩ Blenheim phải giải thoát cho nó khỏi đau đớn. Sáu người còn lại chúng tôi cũng thấy cơn đau của nó là không chịu nổi và nhất trí là nó nên được giải thoát.
Nhưng bác sĩ Blenheim nói có một cái luật nào đó cấm làm chuyện này.
Tôi còn nhớ ông gọi nó là ám sát hay cố sát gì gì đấy.
Bố trấn an ông rằng chúng tôi sẽ chỉ gọi đó là kết liễu nhân đạo.
Một sự nhân đạo dành cho chúng tôi. Đúng vậy.
Thêm nữa là chúng tôi sẽ không tố cáo ông, nhưng bác sĩ Blenheim vẫn không thấy thuyết phục.
Và rồi, vì chẳng ai trông được như Jamie Lee Curtis dù chỉ một tẹo bất chấp bao nhiêu khổ luyện, chúng tôi thấy nản và thất vọng, và quyết định trả đũa cái xe tập bằng cách nghỉ chơi với nó.
Ít lâu sau, cả bố cũng thôi không giả vờ như vẫn đang tập tành. Ông lầm rầm gì đó nghe như là đã đọc được trên tờ Cosmopolitan là tập luyện quá sức thì cũng không tốt y như là không tập gì hết.
Tôi có đọc đúng cái bài báo ấy. Thực ra nó đề cập đến những người tập luyện theo kiểu ép xác, những kẻ vô cùng bệnh hoạn, những kẻ khác xa ông.
Nhưng theo ông thì đó là một cái cớ vô cùng chắc chắn. Ông hoàn toàn có lý do chính đáng để bỏ bê hai cái máy.
Ông vẫn lôi cái bài báo đó ra mỗi khi mẹ ầm ĩ chuyện hai cái máy tốn bao nhiêu tiền, rằng bà chưa từng muốn ông sắm chúng về, và bà đã biết đích xác hai cái máy sẽ tới ngày này.
Và thế là hai cái máy bị bỏ bê đến độ phủ đầy bụi, cùng với mấy đôi tất màu hồng và mấy cái dải dây băng cột đầu thấm mồ hôi màu hồng pha xanh chúng tôi đã mua để khi tập nom cho đẹp.
Thực ra Margaret và tôi còn mua cho bố một đôi tất và một cái dây băng cột đầu đều màu hồng như thế. Ông cũng có đeo một lần cho chúng tôi vui. Hình như đâu đó trong nhà vẫn còn một tấm hình chụp hình ông bữa hôm ấy.
Thế nên tôi ngạc nhiên vô cùng lúc suýt vấp phải cái xe đạp và cái máy tập tay trong phòng Rachel.
Tôi đã không trông thấy chúng rất nhiều năm nay rồi. Cứ nghĩ chúng đã bị đày đi Siberia từ lâu, chung số phận với cái máy nhún, mấy cây cà kheo, giày trượt patanh, ván trượt, máy chơi game Kerplunk!, bộ đồ chơi câu đố, bóng chơi swing, vợt chơi squash, món đồ chơi chạm bóng, xe đạp Chopper_(1), mấy cuốn băng tự học tiếng Tây Ban Nha, bộ bài bridge mini, cái ca nô bằng sợi thủy tinh và hàng ngàn các thứ đồ chơi, giải trí khác đã từng được ưu ái tuy ngắn ngủi nhưng rất mãnh liệt. Ấy là chưa kể chúng đã gây ra những cuộc cãi vã liên miên trong nhà trước khi thành ra thất sủng, bị ném vào cái lỗ đen của vũ trụ mà chung sống với than đá, máy xén cỏ và tua vít.
Tôi mừng quá.
Nếu không nói là vô cùng bất ngờ.
Chúng như những người bạn cũ nhiều năm không gặp, rồi đùng một cái tôi gặp lại chúng ở một nơi không ngờ tới.
Giờ chuyện đã xảy ra rồi nên tôi mới mạnh miệng nói cái thứ tôi đã cần, rất cần khi ấy là một cái bao cát, để giải thoát nỗi giận dữ chuyện James với Denise.
Nhưng chính vì không có cái bao cát, và sự thật là luật pháp nghiêm cấm tôi lấy cái đầu của Helen ra dùng đỡ, nên phát hiện ra cái xe đạp và cái máy tập tay quả đúng là ơn Chúa ban xuống.
Tôi nhận ra vận động tay chân một chút có lẽ sẽ giúp tôi thoát khỏi suy nghĩ luẩn quẩn để rồi nổ tung ra thành từng mảnh vì ghen tuông và oán giận.
Hoặc là vậy, hoặc là ngập đầu vào rượu chè.
Thế là tôi đặt chai rượu với cái ly xuống bàn trang điểm của Rachel rồi leo lên chiếc xe đạp tập thể hình, nhét cái đầm ngủ xuống dưới yên. Vâng, tôi vẫn đang mặc đồ ngủ của mẹ, nhưng không phải đúng cái đầm hôm tôi vừa về đâu nhé. Mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ như thế. Tôi đâu có sa sút đến vậy. Nhưng cái đầm này chắc chắn cũng cùng một khuôn với cái kia.
Rồi như một con ngốc (nhưng không ngốc đến thế đâu nhé. Nói gì thì nói tôi cũng vừa nốc vào nửa chai vodka mà), tôi bắt đầu đạp. Và trong khi cả nhà đang say ngủ thì tôi đạp, đạp, đạp, và đổ mồ hôi. Rồi tôi chuyển sang tập tay, tập đến vã mồ hôi. Rồi tôi lại quay lại cái xe đạp, đạp cho vã mồ hôi thêm nữa.
Trong khi James đang ngủ ngon lành ở một nơi nào đó ở London, tay quàng qua cái cô Denise kia đầy thương yêu che chở thì tôi đạp xe như một con điên trong cái phòng ngủ tường còn dính đầy poster Don Johnson. Những giọt nước mắt nóng hổi giận dữ chảy đầy trên khuôn mặt đã tím lại.
Tôi không khỏi tủi thân khi đem đặt hai cái hình ảnh ấy cạnh nhau.
Mỗi khi tưởng tượng ra cảnh hai người kia trên giường với nhau, tôi lại đạp nhanh hơn, như thể nếu đạp hết sức mình, tôi sẽ không còn thấy đau đớn nữa.
Khi nghĩ đến chuyện cô ta mân mê cái cơ thể trần trụi đẹp tuyệt của anh, tôi lại dốc thêm một mớ năng lượng nữa mà căng hết người ra, đạp nhanh hơn nữa.
Tôi sợ nếu ngừng lại, có lẽ tôi sẽ phải đi kiếm ai đó mà giết mất.
Đã rất nhiều tháng rồi tôi không tập luyện gì, và có đến hàng thế kỷ tôi không phải làm gì vất vả (trừ chuyện sanh em bé), nhưng tôi không hề thấy mệt hay thậm chí hụt hơi.
Càng ráng hết sức đạp, tôi càng thấy dễ chịu hơn.
Tôi thấy như cơ đùi của mình làm bằng thép (nhưng đảm bảo với bạn là không được vậy).
Hai bàn đạp quay vèo vèo. Tôi có cảm giác như hai cẳng chân được bôi trơn. Chúng chuyển động quá dễ dàng, như thể ai đó đã tra dầu vào hết các khớp.
Tôi cứ đạp, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, cho đến khi những cục nghẹn ứ trong lồng ngực bắt đầu tung ra. Tôi bắt đầu thấy bình tĩnh lại.
Nhịp thở đã trở lại bình thường.
Cho đến lúc tôi chịu rời cái xe tập thì ghi đông xe đã mướt mồ hôi của tôi, cái đầm ngủ dính bết vào người. Tôi gần như thấy phấn chấn, hoan hỉ.
Tôi về phòng, đặt mình xuống.
Kate tròn xoe mắt nhìn khuôn mặt đỏ ké và cái đầm ngủ sũng ướt của tôi, nhưng hình như không có vẻ gì thích thú.
Tôi vùi khuôn mặt nóng ran vào gối. Tôi biết giờ thì mình sẽ ngủ được.
Tôi thức dậy rất sớm vào sáng hôm sau, sớm hơn 4a4c cả Kate nữa. Thực ra cũng có một chút thay đổi - tôi đã đánh thức con bé bằng tiếng khóc của mình.
- Giờ thì con thấy rồi đấy, - tôi sụt sịt nghĩ. - Bắt đầu một ngày mới theo cách đó có hay ho gì không?
Cái bóng ma của ghen tuông và giận dữ đã quay trở lại.
Chúng đứng đó nhìn khi tôi đang ngủ.
- Có nên đánh thức cô ta chưa? - một đứa hỏi.
- Ừ, - thằng Ghen Tuông nói. - Mày muốn đánh thức cô ta không?
- Ồ không đâu, thôi mày làm đi, - thằng Giận Dữ lịch sự nhường.
- Quá hân hạnh, - thằng Ghen Tuông duyên dáng trả lời, rồi túm vai tôi lay dậy.
Tôi thức dậy, trong đầu toàn cảnh James trên giường với Denise.
Sự giận dữ cay đắng đã trở lại, chạy rần rần trong cơ thể tôi như một thứ chất độc.
Thế là vừa cho Kate bú, tôi vừa làm nốt nửa chai vodka còn lại, rồi quay lại phòng của Rachel, trèo lên cái xe tập.
Nếu ông trời có mắt, tôi đã phải cứng chắc như đồng như thép sau cuộc hành xác đêm qua. Nhưng kinh nghiệm từ cái tháng vừa qua khiến tôi biết ông ta không có mắt.
Công bằng là thế đó.
Cho nên tôi vẫn không hề cứng chắc như đồng như thép.
Tuần tiếp theo, tôi lại ngập ngụa trong ghen tuông và giận dữ. Tôi căm thù James với Denise. Tôi hành hạ gia đình mình mà không hay biết. Rồi khi nào thấy quá tải tôi lại trèo lên cái xe mà đạp cho sự giận dữ vơi bớt đi. Tôi cũng bê tha quá mức vào rượu chè.
Tôi nợ Anna dễ đến một núi tiền.
Helen đòi tiền phí cao ngật ngưỡng cho chuyện đi cửa hàng mua rượu.
Và vì cung, cầu đều bức bách nên tôi không còn lựa chọn nào khác là phải trả phí mua rượu cho nó.
Tôi là người mua, còn nó một mình một chợ.
Vậy là nó bắt bí tôi rồi.
Tôi chỉ có cách hoặc trả tiền cho nó, hoặc tự mình đi.
Mà tôi thì vẫn chưa mặt mũi nào rời nhà.
Bởi vậy nên tôi trả tiền cho nó đi.
Hay đúng hơn là, vì tôi không còn tiền mặt trong tay, Anna trả.
Tôi hoàn toàn không có ý quỵt Anna, nhưng phải chờ tới lúc tôi muốn trả đã. Tôi đã không thèm lo lắng tới cái tình hình tài chánh của Anna bị ảnh hưởng như thế nào.
Lẽ ra tôi đã phải lo lắng.
Nó nghèo kiết xác mà.
Nó còn phải lo cho cái thói nghiện hút ở mức trên trung bình nữa.
Nhưng tôi chỉ biết lo thân mình.
Gần như lúc nào tôi cũng nửa say nửa tỉnh. Tôi nghĩ nếu say tôi sẽ làm tê liệt được nỗi đau đớn và cơn giận dữ. Nhưng không. Tôi chỉ cảm thấy như bị mất phương hướng. Rồi khi tỉnh lại, chỉ vài phút sau tôi đã lại uống tiếp, rồi lại thấy suy sụp khủng khiếp. Quá tệ.
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nói câu này nhưng thật tình, rượu chè không phải là giải pháp.
Có thể là hút hít.
Nhưng không phải là rượu.
Chỉ tới khi vô tình nghe được mẹ, Helen và Anna nói chuyện một bữa nọ, tôi mới biết mình là đứa kinh tởm đến thế nào.
Lúc đó tôi đang định đi vào bếp thì cái tay áo len của tôi (ờ thì áo của bố) bị móc vào nắm cửa cái tủ ở ngoài phòng.
Đang cố gỡ ra thì tôi nghe giọng Helen từ trong bếp.
- Đúng là một con mụ quỷ cái, - Helen tức tối. - Cả nhà không dám coi cảnh hôn hít nào trên tivi, chỉ sợ mụ nổi điên.
Ai vậy ta? Tôi tự hỏi, nhưng đã rất sẵn sàng tham gia vào cái vụ nói xấu này, không cần biết nạn nhân đáng thương là ai. Tôi xấu xa, ác độc như thế đấy.
- Đúng vậy đó, - Anna góp phần. - Hôm qua đang coi tivi thì chị ấy quăng luôn cái bình hoa con làm tặng mẹ hồi Giáng sinh vào cửa, chỉ vì Sheila bảo Scott là cổ yêu ảnh.
- Vậy cơ? - mẹ nói vẻ giận dữ.
Tôi giật nảy mình hiểu ra họ đang nói về tôi. Ừ, chắc chắn là tôi rồi. Tôi là cái đứa đã quăng cái bình hoa kinh tởm ấy vào cửa.
Láo nhỉ!
Tôi đứng yên lặng ngoài cửa, dỏng tai nghe kể tội cái con người kinh khủng khiếp là tôi bây giờ.
- Mẹ không tin được! - mẹ nói tiếp, nghe như run run. - Rồi Scott nói sao?
- Ôi mẹ ôi, mẹ quên cái phim ấy đi năm phút giúp con với, - Helen nghe như sắp khóc vì tức. - Con đang nói chuyện đoàng hoàng mà. Chị Claire bây giờ y như quái vật.
Ừ, có thể đấy, nhưng chị học từ em tất mà cưng. Tôi lạnh lùng nghĩ bụng.
- Như thể bị ma ám rồi ấy, - Helen tiếp.
- Chị nghĩ có thể nào vậy không? - Anna hào hứng, như thể sắp lôi ra ngay cuốn sổ nhật trình mà dò tìm tên một ông thầy trừ tà giỏi cho mấy mẹ con. (Con nghe nói ổng hay lắm mà. Lũ bạn con đứa nào cũng phải nhờ ổng hết.)
- Tụi mày! - mẹ nhẹ nhàng, - Claire nó đang khổ lắm.
Đúng, đúng quá đi chứ gì nữa. Tôi vẫn đứng như tượng ngoài cửa, im lặng đồng tình.
- Nên phải gắng thương chị một tí. Cố kiên nhẫn ít nữa. Hai đứa không biết được chị mày khổ sở thế nào đâu.
Không, làm gì mà hiểu được. Tôi lại đồng tình, trong im lặng.
Yên lặng.
Tốt. Tôi nghĩ, vậy là biết xấu hổ rồi đấy.
- Tối qua chị ấy còn đập luôn cái gạt tàn Aynsley của mẹ nữa, - Helen lí nhí.
- Cái gì?
- Đúng vậy mà, - Anna xác nhận.
Đồ phản trắc!
- Thôi được, - mẹ nói vẻ cương quyết. - Thế là nó đi quá rồi đấy.
- Ha! - giọng Helen đắc thắng, rõ ràng là đang quay qua Anna. - Cho mày biết là mẹ ghét cái bình cũ kỹ xấu xí mà mày làm cho mẹ lắm nhé. Tao biết mẹ giả vờ thích thôi mà. Sao Claire quăng nó vào tường thì mẹ không sao, mà quăng cái gạt tàn Aynsley thì có sao?
Đi thôi. Tôi nghĩ.
Tôi lặng lẽ bỏ lên lầu, người run lẩy bẩy.
Một thứ cảm xúc kỳ lạ.
Tôi tra trong cuốn sổ tham khảo các xúc cảm của mình, và tìm ra.
Không nghi ngờ gì nữa.
Là sự Hổ Thẹn.
Tối đó, tôi đang nằm trên giường thì bố vào.
Tôi cũng có ý đợi rồi.
Hồi còn nhỏ nếu tôi hư thế nào cũng có chuyện này. Mẹ luôn phát hiện ra những trò giấu giếm, lầm lỗi, hư hỏng, bất cứ chuyện gì.
Bà sẽ ra tay trừng trị bằng cách báo cáo với bố.
Ông khẽ gõ cửa, rồi thò đầu vào, trông bẽn lẽn.
Lâu lắm rồi ông mới lại làm chuyện này. Chắc chắn mẹ đang đứng đằng sau, tay cầm roi, hích: “Vào đi, nói chuyện với nó. Phải làm cho nó biết sợ Chúa chứ. Nó đâu thèm nghe tôi. Nó sợ ông.”
- Claire, bố vào được không?
- Bố ngồi đi, - tôi chỉ cái giường, đồng thời vội vã nhét chai rượu vào ngăn tủ đầu giường.
- Chào cháu ngoại cưng nhất nè! - ông bảo Kate.
Không thấy con bé trả lời.
- Ừm, - ông cố tỏ ra vui vẻ.
- Ừm, - tôi bắt chước, ra vẻ bình thản. Tôi sẽ không để cho ông làm việc này một cách dễ dàng.
Tôi thấy lẫn lộn đủ các loại cảm xúc kinh khủng. Xấu hổ, ngượng ngùng vì vẫn còn như con nít, chống chế nếu bị mắng, ức vì bị xem như còn nhỏ nhít, và nhận ra đã đến lúc tôi phải thôi làm một con mụ quỷ cái ích kỷ.
Bố ngồi phịch xuống giường, đè bẹp gí một vỏ lon bia nằm nép trong chăn mà ông đã không để ý thấy.
Ông lôi nó ra, giơ lên, nhìn tôi buồn buồn:
- Gì đây?
Trông nó ra làm sao?, tôi như muốn hỏi ông, thấy tội lỗi và như mình vẫn còn là một đứa con gái mười lăm tuổi.
- Dạ, là lon bia, - tôi lí nhí.
- Nghĩ xem liệu mẹ con có buồn không? - ông bắt đầu tấn công. - Con chỉ nằm với uống, cả ngày.
Chưa là gì đâu, tôi lo sợ nghĩ, cầu Chúa ông sẽ không đột nhiên hạ xuống sàn nhà để rồi phát hiện ra hai chai vodka đã sạch nhẵn dưới gầm giường.
Tôi chỉ biết mỗi sợ hãi và xấu hổ, trông cho ông mau đi ra. Tội nghiệp, ông có biết gì đâu. Tôi sẽ phải tống khứ hai cái chai trước khi ông hút bụi thứ Sáu này. Nếu không ông chắc chắn phát hiện ra.
Nhưng mà cũng như những lần trước, có thể là không.
Nhanh chóng gọn nhẹ là phương châm của ông khi làm công việc hút bụi.
Không có chuyện di dời vật gì, như ghế chẳng hạn, để mà hút bụi dưới gầm.
Hay cả những thứ như sách vở, giày dép, nếu tôi phải thật thành khẩn với bạn.
Hay cả khăn giấy, hay kim gút, nếu tôi phải lôi hết cả ruột gan ra mà nói thật chân tình với bạn.
Ông theo trường phái “sao lại phải quét sạch dưới gầm trong khi chỉ cần quét chung quanh thôi”.
Không nhìn thấy thì không phải vướng bận.
Nếu mắt đã không dòm thấy, thì cái máy hút bụi cũng đâu phải buồn lòng.
Nên có lẽ hai cái chai vodka vẫn có thể nằm ngủ yên bình dưới gầm giường, không bị làm phiền, không bị phát hiện, dễ đến hàng thế kỷ sau.
Nhưng thôi, đằng nào tôi cũng đã quyết sẽ vất chúng đi rồi.
Tôi thấy xấu hổ vì cách cư xử của mình. Tôi đã quá ích kỷ và thiếu trách nhiệm.
- Con quá ích kỷ và thiếu trách nhiệm, - ông nói.
- Con biết, - tôi lí nhí.
Tôi thấy tội lỗi đầy mình.
Và tôi làm mẹ kiểu gì đây?
- Và con làm mẹ kiểu gì đây? - ông hỏi.
- Không ra gì, - tôi lí nhí.
Con bé tội nghiệp, tôi nghĩ, cha bỏ đi đã đủ khổ rồi.
- Con bé tội nghiệp, - ông nói. - Cha bỏ đi đã đủ khổ rồi.
Tôi chỉ ước cái trò dội tiếng trong đầu này chấm dứt.
- Rượu chè có nhấn sầu được bao giờ, - bố thở dài. - Nó chỉ dạy con biết bơi thôi.
Bạn có lẽ đang nghĩ câu này của bố rất thâm thúy và thật lòng.
Tôi cũng nghĩ vậy.
Khi nghe tám trăm lần đầu.
Nhưng giờ tôi đã nhận ra nó. Chính là câu đầu, đoạn mở đầu, trong bài giảng “Những mặt xấu xa của rượu chè” của ông.
Tôi nghe nhiều hồi còn nhỏ đến độ bây giờ tôi có thể lặp lại nguyên si được.
Hay ho lợi lộc gì, tôi nghĩ.
- Hay ho lợi lộc gì, - ông buồn rầu.
Mà trời ạ, tôi đâu có muốn giống như dì Julia.
- Mà trời ạ, con đâu có muốn giống như dì Julia, - giọng ông mệt mỏi.
Tội nghiệp bố, dì Julia là em gái út và bố cứ phải gánh chịu những tai nạn liên quan đến rượu chè của dì.
Nếu sắp bị đuổi việc vì say xỉn ở văn phòng, điều đầu tiên dì làm là gọi cho bố.
Lúc dì bị xe đạp tông khi đang ngật ngưỡng ngoài phố lúc đêm, cảnh sát gọi ai?
Đúng thế.
Bố.
Bao nhiêu tiền đổ cả vào rượu, tôi nghĩ.
- Bao nhiêu tiền đổ cả vào rượu, - ông nặng nề cất từng tiếng.
Tiền thì tôi lại không có.
- Tiền thì con lại không có, - ông nói tiếp.
Và nó hủy hoại sức khỏe của tôi.
- Và nó hủy hoại sức khỏe của con, - ông cảnh báo.
Nó tàn phá sắc đẹp của tôi.
- Nó chẳng giải quyết được vấn đề gì, - ông kết luận.
Sai rồi! Ông quên nói là nó tàn phá sắc đẹp của tôi nữa. Phải nhắc ông.
- Và nó tàn phá sắc đẹp của con nữa, - tôi nhẹ nhàng nhắc.
- Ừ đúng, - ông vội nói. - Và nó tàn phá sắc đẹp của con nữa.
- Bố, con xin lỗi vì tất cả mọi chuyện. Con biết con rất không ra gì với cả nhà và làm cả nhà phải lo lắng, nhưng con sẽ không như thế nữa. Con hứa.
- Con gái ngoan, - ông hơi nhoẻn cười.
Tôi thấy mình như trở lại cái thuở ba tuổi rưỡi.
- Bố biết chuyện này không dễ dàng gì cho con.
- Nhưng cũng không có nghĩa con được quyền cư xử như một con quỷ cái, - tôi nhìn nhận.
Rồi hai bố con ngồi yên lặng mất mấy phút.
Duy chỉ có tiếng Kate ngáy đều đều mãn nguyện - có thể nó cũng đang vui như mọi người khác trong nhà vì tôi đã bị trừng phạt - và tiếng tôi khịt khịt cố nén khóc.
- Vậy con sẽ để mấy đứa kia xem mấy chương trình tụi nó thích chứ hả? - bố hỏi.
- Chắc chắn ạ, - tôi khịt mũi.
- Con sẽ không hét vào mặt bố mẹ và các em nữa?
- Vâng, - tôi cúi đầu.
- Và sẽ không quăng ném đồ đạc nữa?
- Con không quăng ném gì nữa đâu.
- Con là đứa con gái ngoan, biết không? - Bố gắng cười. - Cho dù mẹ con với mấy đứa kia nói gì đi chăng nữa.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !