Câu chuyện về loài dơi Huyết Tử được giữ kín như lời anh đã hứa với tiến sĩ Richard. Từ chỗ tiến sĩ Richard trở về, ở anh Long có một vài thay đổi. Tôi cảm nhận anh đã nắm được mấu chốt của vụ án. Tiến sĩ Richard đã cung cấp cho anh thông tin có giá trị, điều mà anh thường nói với chúng tôi: “Biến số để giải bài toán hóc búa”.
Lần đi này anh Long căn dặn chúng tôi:
- Các cậu phải chú ý đề phòng những kẻ bám đuôi. Đừng để kẻ đi săn trở thành con mồi. Chuyến đi này của tôi sẽ quyết định số phận của vụ án. Các cậu hãy kiên nhẫn chờ đợi, tạm thời tôi chưa thể giải thích gì nhiều cho các cậu hiểu được. Hãy kín đáo cho người theo dõi tình hình ở “câu lạc bộ”, chắc chắn sẽ có nạn nhân mới. Còn một việc cũng rất quan trọng. Lần này các cậu phải phối hợp với nhau thật tốt, đừng để xảy ra sự cố như lần trước. Hãy tìm hiểu tên người sói cho tôi. Tôi hy vọng khi trở về sẽ có những thông tin thú vị về gã này.
Sau khi đã thu xếp ổn thỏa công việc, anh Long bay thẳng ra Hà Thành tìm đến nhà người họa sĩ được giáo sư Richard giới thiệu. Sau này, nhe anh Long kể lại: Chuyến đi đến Hà Thành đã đánh dấu: Kể từ đó, vụ án chính thức đi vào giai đoạn mở nút.
Nhà của họa sĩ Trần Giang, nằm ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Một vùng thôn quê cách Hà Thành khoảng năm mươi cây số. Ông họa sĩ này đã ngoài năm mươi tuổi, râu tóc vẫn còn đen bóng chưa có sợi bạc. Giống như hầu hết các nghệ sỹ thiên tài, lối sống của ông buông thả, lập dị. Hình như, ông chẳng bao giờ quan tâm đến bản thân mình. Ông khoác trên vai chất bụi bặm, phong trần của kẻ lãng du. Họa sỹ Trần Giang được trời phú cho một vẻ ngoài rất điển trai. Vầng trán cao, khuôn mặt góc cạnh, mũi dọc dừa và một đôi mắt biểu cảm, vô cùng tinh tế. Khi anh Long đến trao danh thiếp, ban đầu họa sĩ còn dè dặt, nhưng từ khi biết được anh được tiến sĩ Richard – một người bạn cũ của họa sĩ - giới thiệu thì họa sĩ bỗng trở nên nhiệt tình, cởi mở khác thường. Không đợi anh Long mở lời, họa sĩ Trần Giang nói ngay:
- Lão Richard “máy móc” này, bây giờ mới nhớ đến tôi đây.
- Được sự giới thiệu của tiến sĩ Richard, tôi đến tìm họa sĩ, muốn nhờ họa sĩ tư vấn cho một số vấn đề. Mong họa sĩ giúp cho. – Anh Long nói, khéo dùng những từ ngữ nhẹ nhàng để thuyết phục ông họa sĩ giúp mình.
Họa sĩ Trần Giang tỏ ra vui vẻ, trong lòng ông cảm thấy sung sướng khi có người đề cao mình. Ông đáp lại khiêm tốn:
- Tôi đây, có tài cáng gì đâu.
- Họa sĩ đừng nói vậy. Tôi đã nghe tiến sĩ Richard nói rất nhiều về họa sĩ…
- Sao cơ! Lão già đã nói về tôi ư... thế lão nói những gì? – Họa sĩ Trần Giang có vẻ tò mò với những gì tiến sĩ Richard nói về ông.
Anh Long đã nắm được điểm yếu của họa sĩ, nói lấy lòng:
- Tiến sĩ nói: Trần Giang là một họa sĩ thiên tài, đồng thời là một nhà khoa học ưu tú, nhưng vô cùng khiêm tốn.
Nhưng khi vừa nghe xong, họa sĩ đã sa sầm, nét mặt; nói lầm bầm:
- Hừm. Lão già lại đem ta ra trưng bày rồi. Thật quá đáng!
Miệng thì nói vậy, nhưng anh Long biết trong lòng họa sĩ “rất vừa ý” với những gì anh nói.
Họa sĩ quay sang anh, hỏi chuyện:
- Thế anh muốn tôi tư vấn cho anh điều gì? Tôi chỉ biết về hội họa và dơi thôi.
Anh khéo léo trả lời:
- Thưa họa sĩ! Tôi muốn ngài tư vấn cho tôi cả hai ạ!
Nghe anh Long dùng từ “ngài” càng làm họa sĩ nở mày, nở mặt. Sau đó, họa sĩ mời anh Long vào phòng tranh thưởng lãm những tuyệt tác của ông. Phòng tranh của ông khoảng hai chục mét vuông. Trên tường treo rất nhiều bức tranh do chính tay ông vẽ. Một số bức mới vẻ phát thảo đặt nằm trên bàn. Dụng cụ vẻ chất đầy ngổn ngang trong căn phòng. Họa sĩ Trần Giang là người không theo phong cách hội họa nào cả. Thích gì thì vẽ đó, đề tài phong phú và chẳng quan tâm lắm đến khái niệm ấn tượng. Biết tính họa sĩ thích được khen, nên anh Long tìm những bức tranh đẹp nhất khen ngợi một cách chân thật, và chỉ đưa ra nhận xét của mình khi được hỏi. Anh đi đến một góc khuất của phòng tranh, nằm bên góc phải của căn phòng, sát cửa ra vào. Chăm chú ngắm bức tranh một người thiếu nữ. Đôi mắt anh như dính chặt không rời bức tranh. Thấy vậy họa sĩ Trần Giang mới nói, giọng nhẹ nhàng, tình cảm:
- Cô ấy đẹp quá đúng không?
- Vâng. Thưa họa sĩ! Đây là...
- Chuyện dài lắm! Khi nào có dịp tôi sẽ kể anh nghe.
Sau khi đã thưởng thức xong những “tuyệt tác” của họa sĩ, anh Long mới bắt đầu tìm hiểu về loài dơi Huyết Tử.
- Tôi được tiến sĩ Richard nói lại: Họa sĩ rất thích nghiên cứu về dơi. Tôi muốn ngài giảng về loài dơi Huyết Tử cho nghe!
Nghe anh Long nói vậy, nét mặt họa sĩ Trần Giang bỗng co lại. Ánh mắt ra chiều buồn bã. Bần thần giây lát, họa sĩ trả lời anh Long:
- Loài dơi này có thật! Trước đây “ông ấy” đã không tin tôi. Bây giờ lại muốn biết về nó ư?
- Ngài đã trông thấy nó rồi sao?
- Tôi biết chỗ chúng sống. Nhưng tôi không muốn nhớ tới chúng nữa. – Họa sĩ vừa nói, vừa lắc đầu.
- Có chuyện gì đã xảy ra, ngài có thể chia sẻ với tôi không?
Họa sĩ Trần Giang thở dài, rồi bình thản ngồi xuống chiếc ghế mây. Ông mời anh Long lại ngồi xuống dùng trà, rồi từ từ kể lại câu chuyện của hai mươi năm về trước. Lúc đó, ông là một họa sĩ thang lang, thường đi đây đi đó để vẽ tranh. Một lần tình cờ, trong lúc đang vẽ bức tranh phong cảnh ở Mộc Hương Sơn, thì phát hiện một “sinh vật lạ” trước tầm mắt. Tò mò, ông tìm cách tiếp cận “sinh vật lạ”. Khi đến gần hơn, ông mới thấy rõ từng chi tiết của nó. Đó là một con dơi, loài dơi mà ông chưa bao giờ nhìn thấy. Mắt nó màu trắng đục, cả người nó trơn tru đen đúa, cái đầu lại trọc lóc như người... hình hài của nó chỉ lớn hơn con chim sẻ một chút. Ông vô tình gây ra tiếng động ở cành cây, làm con dơi đang treo vắt vẻo trên cành sợ hãi bay mất. Từ đó ông về tìm hiểu loài dơi, xem có con nào giống như con đã thấy hay không. Quá trình đi tìm tòi, nghiên cứu về loài dơi đã ông đến chỗ phát hiện một loài dơi gọi là dơi Huyết Tử, nhưng loài dơi này chỉ có trong truyền thuyết. Theo mô phỏng thì dơi Huyết Tử giống hệt với con dơi mà ông đã nhìn thấy. Họa sĩ Trần Giang từ đó nuôi mộng tìm dơi, ông đã bỏ ra gần mười năm trời tìm hiểu và săn lùng nhưng vẫn không tìm thấy được chỗ ở của lũ dơi. Ông viết bài đăng báo, nói về phát hiện của mình, nhưng thời đó chẳng ai tin. Họ cho rằng ông bị điên, nói nhăn nói cuội. Ông bạn Richard của ông còn không tin ông, thì ai còn tin nữa. Buồn quá, ông trở về quê nhà sống.
Ngày tháng trôi qua, ông dần nguôi quên về loài dơi Huyết Tử cho đến một ngày. Ngày đó đánh dấu một sự thay đổi trong cuộc đời ông. Một phụ nữ xinh đẹp tìm đến ông, đó là một sinh viên của trường đại học quốc gia Hà Thành, cô ấy đang làm đề tài tốt nghiệp, và tin là loài dơi Huyết Tử có thật, cô ấy muốn cùng ông đi tìm kiếm loài dơi đó. Vậy là, từ khi người thiếu nữ xuất hiện, ước muốn tìm được dơi Huyết Tử lại trổi dậy. Ông lao vào làm việc, nghiên cứu như điên. Tìm kiếm những đặc điểm tương thích dựa trên lũ dơi, căn cứ vào những tài liệu khoa học và cả truyền thuyết. Bên cạnh đó ông được tiếp sức bởi một người phụ nữ đẹp luôn bên cạnh làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Cuối cùng, ông đã tìm ra được chỗ ở của loài dơi dựa trên những phán đoán của mình. Ông gọi loài dơi Huyết Tử là ma cà rồng, vì chúng không sống trong hang động như loài dơi bình thường khác. Chúng chỉ treo mình trên cành cây vào thời điểm kiếm ăn. Chỗ ở của chúng là những hốc cây mục trên thân cổ thụ, hoặc một cái hang nhỏ trong lòng đất ấm. Chúng sẽ vùi mình trong đó ngủ dài hàng tháng trời. Khi mùa xuân đến là thời điểm chúng thức dậy kiếm ăn, thức ăn của chúng là xác thối và máu động vật. Dơi Huyết Tử có một đặc điểm là khi ngủ sẽ như chết, chỉ đúng thời điểm mới sống lại.
Sau khi đã đoán biết được chỗ ở của loài dơi Huyết Tử, ông và “cô học trò” lao vào cuộc tìm kiếm. Trời đã không phụ lòng họ, sau một tháng trời sục sạo trong khu rừng Mộc Hương Sơn. Họ đã tìm được con dơi đầu tiên. Lúc đó ông vui mừng và hạnh phúc siết bao về phát hiện của mình. Ông bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh, mình thành danh, được cả thế giới biết đến. Sau đó sẽ kết hôn với một người phụ nữ xinh đẹp giỏi dang, và người phụ nữ đó không ai xa lạ, là người đang đứng bên cạnh ông vui mừng vì kết quả đạt được.
Ông để con dơi đang say ngủ trong một chiếc hộp giấy. Hai “thầy trò” trở về đúng lúc trời vừa tối. Sau gần năm năm cùng nhau tìm kiếm, họ đã được thỏa nguyện. Vì trời đã tối, nhà tạm lại nằm sâu trong rừng. Nên “cô học trò” đã ở lại cùng họa sĩ, nhưng họ không “ngủ với nhau”. Họa sĩ rất trân trọng thứ tình cảm trong sáng thuần khiết đó, bởi ông nghĩ chưa là vợ chồng thì không nên “vượt quá giới hạn”. Nhưng sự giữ gìn của ông là thừa, vì sáng ra ông mới phát hiện. Người học trò xinh đẹp đã bỏ đi cùng với con dơi Huyết Tử, từ đó không bao giờ cô ấy quay lại nữa. Họa sĩ đau buồn vô hạn, mối tình gần năm năm nuôi dưỡng bỗng chốc tan biến. Sự thật rằng ông đã bị phản bội, ông hận người phụ nữ bội bạc và từ đó không nghe ông nhắc tới loài dơi Huyết Tử nữa.
Nghe xong câu chuyện tình chua xót của họa sĩ Trần Giang, anh Long tỏ ra đồng cảm với người đàn ông si tình. Anh nhìn người họa sĩ gầy gò đang úp mặt khóc. Chờ ông nguôi bớt mới nói:
- Vậy ra, bức tranh trong phòng là ngài vẽ người phụ nữ đó?
Họa sĩ gật đầu. Được tâm sự với anh Long, họa sĩ như trút hết được bao nặng nề, dồn nén trong lòng. Ông đã hứa sẽ giúp anh tìm bắt một con dơi, về cho tiến sĩ Richard nghiên cứu. Nhưng với điều kiện phải giữ kín đề tài này, khoan hãy công bố trước viện hàn lâm khoa học quốc tế, cho đến khi ông qua đời. Anh Long hứa với người họa sĩ.