Hẹn Hò Với Châu Âu Truyện ngắn 15

Truyện ngắn 15
Gruezi! Thụy Sỹ

Tôi đi Thụy Sỹ nhiều lần, đến khá nhiều thành phố của Thụy Sỹ. Tôi yêu mến và thân thuộc nơi này đến mức chẳng biết viết riêng về thành phố nào cả, đành gom lại những tình cảm chung trong một câu chào mà những người bạn Thụy Sỹ vùng nói tiếng Đức vẫn nói với tôi: “Gruezi” – Chào em.

Dù chưa bao giờ đi Thụy Sỹ người ta cũng có thể bị hút hồn bởi những ngọn núi cao vời vợi, những hồ nước ngăn ngắt xanh, những cánh đồng ngút mắt với đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, những thành phố xinh xắn ngọt ngào như những thỏi chocolate trứ danh.

Hình như nói Gruezi là chưa đủ, phải thêm: Bonjour, Buongiorno, Allegra(*) nữa vì tuy là quốc gia giàu có nhất nhì thế giới, Thụy Sỹ lại không có ngôn ngữ riêng mà cả bốn ngôn ngữ Đức, Pháp, Italia và Romansch đều là ngôn ngữ chính thức. Sự giao thao văn hóa hài hòa mà thống nhất ấy cũng làm nên nét hấp dẫn riêng của Thụy Sỹ, đất nước mà tôi luôn vô cùng mến yêu. Cũng không nhớ nổi tôi đã bao lần đặt chân đến nơi này, nhưng có lẽ chỉ một lần thôi cũng đủ để tôi phải lòng xứ sở xinh đẹp nằm liền bên dãy Alps, mảnh đất pha trộn giữa sự chuẩn mực của đồng hồ, máy móc và sự tinh tế ngọt ngào của pho mát, chocolate.

___________

(*) Từ xin chào trong bốn ngôn ngữ chính của Thụy Sỹ.

 

Bản tình ca của núi và hồ

Đẹp đến ngẩn ngơ! Đó là tất cả những gì tôi có thể thốt lên khi lặng mình ngắm những ngọn núi hùng vĩ của dãy Alps quanh năm tuyết phủ, soi mình bên những hồ nước xanh trong veo tới đáy. Nếu bạn khum tay vốc dòng nước xanh trong ấy mà uống, có lẽ những người Thụy Sỹ hiếu khách sẽ mỉm cười với bạn vì họ luôn vô cùng tự hào về chất lượng nước và môi trường tuyệt vời nơi đây.

 

Mùa nào, núi và hồ cũng viết những bản tình ca nên thơ. Mùa xuân, tuyết lặng lẽ tan,  những cánh hoa mận, hoa lê khẽ khàng rơi trên mặt hồ. Mùa hè, từng đàn thiên nga trắng đủng đỉnh lững lờ ven hồ, thỉnh thoảng nghển cổ đón những vụn bánh mì từ tay khách. Mùa thu, khó có gì đẹp hơn sự hòa sắc của lá vàng, trời xanh, núi trắng và màn sương mù lãng đãng. Còn mùa đông, những bông lau trắng trĩu tuyết lóng lánh thỉnh thoảng đánh rơi khóm tuyết nhẹ làm chú vịt trời nấp trong đó giật mình. Những khu trượt tuyết “đỉnh” của Thụy Sỹ như St.Moritz, Zermatt quả là thiên đường của mùa đông. Dường như bạn đang bay lơ lửng trên nóc nhà của thế giới, khi xung quanh bạn là những đỉnh núi triền miên một màu trắng xóa nổi bật giữa nền trời xanh ngắt. Ngọn Matterhorn kiêu hãnh là biểu tượng của đất nước bên dãy Alps, ngay cả giữa mùa hè cũng không quên tô điểm những vạt tuyết trắng phau phau khói sương.

Nét đẹp của Thụy Sỹ không nằm ở những công trình kiến trúc hùng vĩ hay những huyền thoại bí ẩn. Điều kỳ diệu nhất Thụy Sỹ đem lại cho tôi là cảm giác thanh bình, yên ả, tự do và hòa mình với thiên nhiên. Là đất nước trung lập, Thụy Sỹ đứng ngoài những xung đột phức tạp. Núi cao vời vợi, hồ biêng biếc xanh, những đồng cỏ trải dài không thấy chân trời, đường phố xinh xắn, ngăn nắp, trật tự, sao không thầy lòng yên ả cho được?!

Lần nào qua Thụy Sỹ, dù có bận rộn đến mấy, tôi cũng thấy lòng thư thái lạ thường, hình như người Thụy Sỹ luôn thiết kế cho mình một không gian sống và làm việc quy củ nhưng không kém phần lãng mạn. Ngay bên hành lang phòng làm việc, tôi có thể nhâm nhi ly cà phê sáng trong tiếng chim hót véo von và mùi hương hoa hồng gai ngai ngái sau cơn mưa, ngắm nhìn sương sớm tan dần trên mặt hồ Zurich. Những hôm đi ăn tối muộn, tôi chạy xe chầm chậm qua cánh đồng hướng dương rực ánh chiều vàng, bỏ một france Thụy Sỹ vào chiếc hộp sắt để sung sướng ôm về những cành hướng dương cao lênh khênh. Tôi nhớ những lần thì thầm bên vai bạn, lắng nghe tiếng nước chảy rì rầm từ thác sông Rhein. Tôi yêu những lần lang thang trên núi, nghe lanh canh tiếng chuông từ đàn bò thẩn tha gặm cỏ, thỉnh thoảng chú bò sữa cao lớn lại lúc lắc cái đầu rồi “ừm” một tiếng. Những hôm may mắn, tôi còn được nghe tiếng kèn gỗ Alpshorn trầm ấm của những người nông dân gọi nhau từ núi này sang núi kia, tiếng kèn thả vào buổi chiều thu một cảm giác sum họp và ấm êm khó tả.

Niềm tự hào Thụy Sỹ

Hiếm thấy ở đâu, người dân có thể treo cờ mọi lúc mọi nơi, mọi lý do, mọi địa điểm như ở Thụy Sỹ. Người Thụy Sỹ có tinh thần dân tộc rất cao, họ vô cùng tự hào về tất cả những gì mang thương hiệu “Swiss made”. Lá cờ với hình chữ thập trắng trên nền đỏ tươi bay phấp phới khắp các nẻo đường.

 

Người Thụy Sỹ quả thật có nhiều thứ để hãnh diện với thế giới. Đi mua sắm trên những dãy phố trung tâm của Thụy Sỹ, ai mà không mơ được sở hữu những chiếc đồng hồ tinh xảo, lịch lãm và chính xác, cho dù có thể mãi chỉ là giấc mơ vì cái giá trên trời của những món hàng nổi tiếng thế giới như Omega, Tag Heuer, Breitling... Mấy người bạn tôi khi nghe tôi phàn nàn về giá cả đắt đỏ đó chỉ trả lời tôi gọn lỏn: “Swiss made”. Nét tinh tế của công nghệ cơ khí Thụy Sỹ còn thể hiện ở những vật dụng nhỏ bé nơi phòng bếp. Tôi còn nhớ, mình đã ngơ ngác thế nào trong căn phòng bếp của người bạn trước những dụng cụ bếp sắc sảo, đẹp mắt mà phải loay hoay một lúc tôi mới hiểu ra chúng dùng để làm gì, ví dụ như dụng cụ bỏ hạt táo, đập trứng luộc.

Thụy Sỹ cũng là quê hương của hơn bốn trăm lăm mươi loại pho mát khác nhau và sở hữu hơn mười lăm thương hiệu chocolate thơm ngon nhất thế giới. Dù có vô tình với pho mát đến mấy bạn cũng có thể nhớ tên vài loại pho mát lừng danh như Emmentaler, Alpkäse, Appenzeller. Pho mát Thụy Sỹ không phải là thứ dễ chiều lòng thực khánh, đặc biệt là khách châu Á vì hương vị nồng và béo ngậy đặc trưng, nhưng nhìn những bánh pho mát vàng ươm, tròn căng mịn màng xếp chằn chặn trong kho cũng đã đủ khiến bạn thích mê đi rồi. Tôi phải thú nhận rằng, giữa cái lạnh của mùa đông Hà Nội, tôi thèm lắm miếng bánh mỳ trải pho mát Racklette và nổi lẩu pho mát Fondue. Những đêm rét mướt và tuyết rơi dày, xung quanh đám than củi cháy tí tách giữa chợ Noel, hít hà vị pho mát Racklette nóng chảy béo ngậy, ăn kèm với hành tím, dưa chuột muối và chút ớt bột cũng là một cái thú của tôi và chúng bạn. Fondue thì lại gắn liền với những đêm cuối năm gia đình và bạn bè sum họp, ai nấy nhúng que sắt xiên thịt vào chiếc nồi con con đựng pho mát đun nóng, râm ran trò chuyện quây quần, đón chờ tiếng pháo hoa đầu tiên của năm mới đang đi qua trước thềm.

Tôi đùa với bạn: “Cả đất nước toàn đồng cỏ và bò sữa thế kia, làm gì pho mát chả ngon”, và bạn hóm hỉnh đối đáp với tôi: “Thụy Sỹ không có một cây ca cao nào mà chocolate vẫn ngon nhất thế giới”. Nhưng sự thực đúng là như thế! Thụy Sỹ có lẽ là mảnh đất “nguy hiểm” cho những cô nàng ăn kiêng vì bạn khó lòng cưỡng nổi sự quyến rũ của chocolate ở đây. Đã thử chocolate ở nhiều nước khác nhau, nhưng tôi vẫn bầu cho chocolate Thụy Sỹ ở vị trí số một, bởi cái vị ngọt thanh nhẹ mà không sắc, thấm tan êm dịu nơi đầu lưỡi, bởi sự pha trộn hài hòa khéo léo giữa chocolate, sữa, hạt dẻ và dâu các loại. Tôi sững sờ nếm thanh chocolate Lindt có vị... ớt ấm nồng, vị hoa oải hương vùng Provence. Tôi thích thú mê mẩn những gói giấy bọc chocolate xinh xắn in nhiều hình ảnh như hãnh diện khoe thêm các thắng cảnh nổi tiếng Thụy Sỹ. Không chỉ những thương hiệu lớn mà dừng chân bên những quầy bánh nhỏ, bạn cũng có thể nếm những viên chocolate truffle mà người thợ vừa làm buổi sáng, xinh xắn, tinh khiết và quá đỗi ngọt ngào.

Không gian sống chất lượng, hiện đại mà truyền thống

Thụy Sỹ là một trong những nước giàu nhất thế giới, hệ thống ngân hàng tốt nhất và một nền công nghiệp lâu đời nhất, vậy mà với du khách đến Thụy Sỹ thì hình ảnh quen thuộc chiếm lĩnh tầm mắt lại là những cánh đồng nối dài như vô tận, những ngọn núi xếp nối nhau tới tận chân trời, những thành phố xinh xắn nằm nghiêng nghiêng bên sông bên hồ. Tôi phải lòng những mái ngói trùng điệp cổ kính uốn lượn bên dòng sông Aarau của thủ đô Bern. Tôi khoan khoái tận hưởng những làn gió êm dịu mát lành thổi về từ hồ Le Lecman vào những con phố của Geneva và Lausanne. Và tôi cũng không thể nào quên những chuyến du thuyền êm đềm giữa đêm hè đầy sao trên hồ Zurich. Những thành phố này cũng liên tục đứng trong bảng xếp hạng những thành phố “đáng sống” nhất thế giới, có lẽ không chỉ bởi sự tiện nghi mà còn vì một lẽ sống hài hòa với thiên nhiên. Hoa chẳng bao giờ ngừng nở trên cây cầu mái ngói cổ kính của Luzern suốt mùa hè, soi bóng lấp lánh trên dòng sông xanh dập dìu đàn thiên nga. Mà không chỉ Luzern, sông nào, hồ nào của Thụy Sỹ cũng trong veo tới đáy, nắng lấp lánh cả trên những viên sỏi trắng nép mình dưới làn nước mát lành.

Dẫu không cất công tìm hiểu, du khách cũng có thể biết trang phục truyền thống của người Thụy Sỹ thế nào. Đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người đàn ông đội mũ đen hay cỏ úa có gài hoa edelweiss, mặc áo gile đỏ cũng thêu hoa, vác trên vai chiến kèn gỗ Alpshorn. Các cô gái thì xúng xính trong những bộ váy thêu cầu kỳ, đội chiếc mũ rộng vành thắt nơ quý phái mà dân dã. Ngay cả các cậu bé con tinh nghịch cũng biết diện quần sóc da nâu (lederhorse), mặc áo kẻ ca rô đỏ hay đơn giản chỉ quàng chiếc khăn đỏ in hình hoa eldelweiss là đã ra chất Thụy Sỹ lắm rồi.

 

Tôi may mắn tham dự lễ hội “Jodler und Jodlerin” hay lễ hội hát dân ca của Thụy Sỹ vốn chỉ tổ chức bốn năm một lần và luân phiên giữa các thành phố. Những người dân bình thường nhất cũng trở thành ca sĩ, khoác những bộ cánh truyền thống đẹp nhất, tấp nập về lễ hội. Hai bên bờ sông Ruess với những quán hàng sang trọng, tiếng hát cứ ngân nga dịu êm, thỉnh thoảng chợt nổi lên tiếng lục lạc lanh canh của đàn bò sữa diễu hành trên phố, hay tiếng “ziha” của cậu bé ôm bó cỏ khô. Người ta nói, giai điệu êm dịu của những khúc hát dân ca là tiếng hát của gió trên những thảo nguyên xanh, tiếng hát của nước trên những dòng sông, dòng suối trong vắt. Tiếng hô “Hollerödijö” thì đích thị là tiếng những chàng trai dãy Alps í ới gọi nhau, để rồi xuất hiện trong những bài hát với nhịp accordeon dập dìu tươi tắn.

 

Bạn tôi hay để dành cho tôi những đồng xu frank Thụy Sỹ, ra đời trùng với năm sinh của tôi hay những năm đầu thế kỷ hai mươi, như một minh chứng cho thấy Thụy Sỹ luôn phát triển và có những giá trị sẽ không thay đổi. Tôi vẫn nhớ cảm giác dễ chịu khi đặt chân tới sân bay Zurich, thay vì những bài hát đón chào, con tàu chở khách nối giữa hai nhà chờ luôn đầy ắp tiếng gió, tiếng lục lạc lanh ca lanh canh và tiếng ậm ừ của đ àn bò sữa, như một lời chào thân thiện nhất gửi tới du khách.

Trong mấy năm du học thì tôi đón năm mới ở Thụy Sỹ tới tận hai năm, vì thế mà những ấm áp tôi nghĩ về Thụy Sỹ luôn gắn liền với nồi lẩu pho mát Fondue nghi ngút khói và những bông tuyết trắng bay đầy ngoài cửa sổ. Dù tôi đã cách xa Thụy Sỹ không chỉ một ngọn núi nữa rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn khẽ ấn tay lên chú gấu bông diện quần da thêu hoa trong góc phòng, để chú thay tôi cất lên tiếng gọi từ nơi xa xôi: Gruezi! Thụy Sỹ.

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t79031-hen-ho-voi-chau-au-truyen-ngan-15.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận