Hồ Phần 1


Phần 1
Ở giữa đô thị đông đúc nơi xe cộ vùn vụt chảy và người ồn ào đi, có hai đôi mắt lẳng lặng nhìn nhau qua bụi khói lơ lửng giữa những tòa nhà cao tầng

 

Nhìn từ lúc còn lạ, cho đến khi thành quen, thành nếp sống của nhau.

Họ rút ngắn khoảng cách lần đầu dưới bóng đêm buông chùng của căn phòng cô gái.

Nhưng rồi, hết sức bối rối, cả hai lại lùi ra và duy trì giữa nhau một thứ lãng mạn lưng chừng. Niềm trắc ẩn thôi thúc người con gái đi tìm chìa khóa giải phóng bạn trai khỏi tù ngục tâm hồn, đẩy cô lên băng trượt hành trình vào quá khứ của anh. Hành trình ấy dẫn cô đến với cuộc sống thoát tục của những nhân dạng lạ lùng, đến một cái hồ bảng lảng hồi ức về những tuổi thơ nảy nở trong thảm họa.



Với bầu không khí nằng nặng bóng tối tinh thần nhưng lại trong vắt không thể nào quên, Hồ không chỉ kế thừa những đặc trưng quen thuộc của ngòi bút Yoshimoto, mà còn trở thành thiên truyện huyền hoặc nhất mà cô từng viết.

Đâu cần phải tha thứ cho bằng hết lỗi lầm mới có thể yêu thương…

Vào cái ngày đầu tiên Nakajima ngủ lại nhà tôi, tôi mơ thấy mẹ.

Phải chăng là do đã lâu rồi tôi mới ngủ cùng phòng với ai đó?

Lần gần nhất tôi ngủ chung phòng với người khác là lần có bố, mẹ và tôi, ba người trong buồng bệnh của mẹ.

Mỗi lần mở mắt sau khi yên tâm là mẹ chưa ngừng thở, tôi lại ngủ tiếp. Sàn bệnh viện hóa ra rất bụi, tôi cứ ngắm đi ngắm lại hoài một chỗ bụi bặm. Giấc ngủ không thật sâu, hễ choàng tỉnh là lại nghe tiếng chân y tá đi ngoài hành lang. Tôi có cảm giác “ở bệnh viện an tâm hơn bên ngoài kia, vì trong này có rất nhiều người đang cận kề cái chết.”

Khi ở dưới đáy vực, ta sẽ thấy nơi chốn ấy có một sự ngọt ngào riêng, không giống bất cứ một nơi nào khác.

Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày mẹ mất, tôi mơ thấy mẹ.

Có những khi mẹ xuất hiện rời rạc trong một cơn mộng chập chờn, nhưng chưa bao giờ mẹ ở lại giấc mơ tôi lâu và rõ ràng thế này, làm tôi cảm thấy như lâu lắm rồi mình mới được gặp mẹ.

Nói về một người đã mất theo cách như vậy nghe thật buồn cười, nhưng đúng là tôi đã nghĩ thế.

Chẳng có gì lạ khi bảo rằng trong mẹ tôi gần như có hai con người. Hai con người ấy cứ đến rồi đi bên trong hình hài bà như hai nhân cách khác nhau.

Một người rất xã giao, tươi tắn, phong trần, sống gấp và sành điệu. Người kia thì tinh tế, khác nào một đóa hoa yếu mềm, luôn run rẩy chực rụng trước cả một cơn gió thoảng.

Phần nhân cách tựa đóa hoa ấy chẳng hề dễ hiểu, nên mẹ, vốn rất mực xởi lởi, chỉ chú tâm nuôi dưỡng phần tính cách phóng khoáng hơn cả đàn ông kia. Mẹ tưới nước cho nó bằng nhiều cuộc tình và bón phân cho nó bằng lời khen ngợi của thế nhân.

Mẹ sinh tôi mà không lấy bố.

Bố là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu nhỏ ở một phố thị nhỏ bên rìa Tokyo. Còn mẹ là một mama xinh đẹp vừa phải trong một câu lạc bộ hạng sang cũng ở phố thị nhỏ bé ven đô ấy.

Lần nọ trong một buổi chiêu đãi, bố được mời tới câu lạc bộ và mê mẹ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mẹ cũng rất có cảm tình với bố. Trên đường về, hai người ghé quán cơm Hàn Quốc, cười như nắc nẻ, thích thú gọi đủ món và ăn uống thân mật bên nhau. Tối hôm sau, hôm sau nữa, vào cả những ngày tuyết rơi, bố vẫn đều đặn tới câu lạc bộ, để rồi hoàn toàn trở thành người tình của mẹ hai tháng sau đó. Bất chấp tình huống khiến họ quen nhau,việc phải mất đến hai tháng tìm hiểu làm tôi tin rằng tình yêu của họ là chân thật.

Mỗi lần tôi hỏi tại sao bố mẹ lại cười như nắc nẻ, thì y như rằng cả hai đồng thanh đáp: “Quán đấy chẳng có lấy một người Nhật, bố mẹ loanh quanh mãi giữa đêm khuya mới tìm thấy nó. Nhưng có đọc được thực đơn đâu, đành gọi bừa, kết quả là họ đem ra toàn những món mình không biết hoặc cay khủng khiếp, lại nhiều quá sức tưởng tượng, làm bố mẹ buồn cười.” Tuy nhiên, tôi chắc chắn không phải vậy.

Tôi tin rằng, bấy giờ họ vui sướng và phấn khích đến thế chỉ bởi một lý do đơn giản là, người kia đang ở trước mặt mình. Ngoài xã hội họ có thể thế này thế khác, nhưng đối với tôi, họ luôn là hai con người đáng yêu. Họ hay cãi vã, song chỉ toàn những cãi vã kiểu trẻ con.

Mẹ muốn có con nên ngay sau đó tôi ra đời, mặc dù mẹ và bố không cưới xin chính thức. Nghĩ cũng thật lạ, vì trước đây bố chưa có vợ con nào khác, ngay cả bây giờ cũng không.

Nhà nội phản đối quyết liệt, bố không muốn lôi mẹ vào chuyện này, thành thử tôi đã lớn lên như một đứa con hoang có thừa nhận.

Trên đời đâu thiếu những chuyện như vậy. Vả chăng bố ở bên chúng tôi phần lớn thời gian, nên tôi chẳng thấy mình có gì đáng thương.

Song thú thực từ thâm tâm, tôi cảm thấy chán ngấy hoàn cảnh ấy.

Chán ngấy cái phố thị ấy, sự sắp đặt ấy, tất cả mọi thứ. Tôi muốn quên bằng hết. Mẹ qua đời thậm chí là một cớ hay để kiếp này tôi khỏi phải quay về đó. Trừ việc gặp bố, tôi hầu như chẳng còn chút quyến luyến nào. Bố mau chóng bán ngôi nhà mà tôi và mẹ từng sống rồi gửi tiền vào tài khoản cho tôi, nói là để tôi khỏi vướng bận chuyện tranh chấp với họ hàng. Tôi không thích, vì cảm thấy nó giống như một dạng bồi thường thiệt hại tinh thần, nhưng dù gì cũng là tài sản do mẹ để lại. Nhà bán đi, mọi dấu tích của tôi tan biến theo, nhưng tôi không đau buồn.

Ví dụ ban ngày mà đến quán bar của mẹ, sẽ thấy mọi thứ đều tối tăm, hơi dơ bẩn, mùi rượu và thuốc vương vất đâu đấy gây cảm giác vô cùng trống rỗng. Những bộ quần áo màu mè của mẹ đưa từ tiệm giặt là về trông mỏng tang dưới ánh mặt trời.

Ấy là tất cả những cảm nhận của tôi về vùng đất cũ.

Cảm nhận vẫn nguyên vẹn đến tận lúc này, khi tôi đã gần ba mươi tuổi.

Lần cuối cùng gặp mặt, bố chăm chú nhìn tôi, đang ngày càng giống mẹ, mặt ngấn lệ. “Đáng lẽ mọi thứ bây giờ mới bắt đầu. Bố mẹ định về già sẽ sống một cuộc đời thật nhàn tản, cùng nhau đi đây đi đó. Mẹ con bảo dứt khoát phải làm một vòng quanh thế giới bằng tàu thủy. Ai ngờ chuyện xảy ra thế này. Giá mà bố đừng băng khoăn về công việc, còn mẹ đừng ngại xin nghỉ ít bữa ở câu lạc bộ để có thể thu xếp đi ngay thì hay biết mấy.”

Uống được rượu, lại thích giao du nên chắc hẳn trước đây bố chơi bời ra trò, nhưng tôi tin là kể từ ngày ở bên mẹ, bố chẳng còn qua lại với ai một cách nghiêm túc nữa.

Mặc dù bố là tay chơi cự phách, xét theo một thứ quan niệm khuôn sáo kiểu như đã là tay chơi thì phải thế này thế nọ, nhưng riêng về mặt hình thức, bố chỉ là một ông chú hói đầu tỉnh lẻ chẳng chệch đi đâu được, làm gì cũng quê kệch, từ đầu đến chân chẳng bới đâu ra được nét gợi tình. Một người không hề sành điệu. Một người nghiêm túc tới nỗi dân chơi đích thực phải phì cười nếu trông thấy.

Bố vốn dĩ là con người đơn giản, phải sống với những ràng buộc về địa vị, về chuyện kế nghiệp gia đình mà chẳng hề quan tâm đến việc vùng thoát ra khỏi đó. Trong vai trò giám đốc công ty xuất nhập khẩu ở một phố thị nhà quê, bố tạo cho người ta ấn tượng về một người có gốc gác con nhà địa chủ chỉ đang cốt làm cho xong, cho đủ lệ bộ những việc phải làm theo khuôn mẫu đã định.

Tôi nghĩ trong cuộc đời bố, mẹ là đóa hoa duy nhất tỏa ra hương thơm tự do.

Bố không bao giờ trộn lẫn không gian riêng của hai người với bất kỳ thứ gì khác. Ở trong đó, bố như được là mẫu người mà mình mong muốn, cứ về đến nhà là bắt tay tu bổ mái ngói, chăm sóc vườn cây, ra ngoài ăn cùng mẹ, xem bài tập của tôi, sửa xe đạp cho tôi.

Nhưng hai người không bao giờ có ý định rời bỏ mảnh đất ấy để đi tìm cuộc sống của riêng mình. Ở bên nhau trong hoàn cảnh ấy mới chính là cuộc sống của họ.

Giờ đây điều bố lo sợ nhất có lẽ là việc tôi cắt đứt quan hệ với bố.

Tôi nghĩ mối lo sợ ấy không thường trực, mà chỉ như một cơn lạnh bất chợt lướt dọc sống lưng bố mà thôi.

Rằng biết đâu một ngày kia tôi sẽ nói với bố: “Tên họ của chúng ta ngay từ đầu đã khác nhau, nên kể từ giờ chúng ta là người dưng.”

Đôi khi, bố bất ngờ chuyển tiền vào tài khoản hoặc gửi đồ ăn tới cho tôi. Tôi sẽ gọi điện cảm ơn. Nỗi lo sợ của bố truyền qua ống nói nghe thật khẩn thiết.

Chúng ta vẫn là cha con phải không? Một cảm giác đại loại như vậy.

Tôi cảm ơn bố và nhận tiền, nhưng chưa từng nói rõ dù chỉ một câu rằng quan hệ cha con mình vẫn sẽ tiếp tục. Vì tôi chưa bao giờ cho rằng mối quan hệ của chúng tôi thuộc diện cần phải nói ra điều đó. Cho dù bố đang cảm thấy thế nào với nỗi day dứt mơ hồ trong lòng, và cho dù tôi có định cắt đứt quan hệ thật, thì bố vẫn là bố.

Riêng về phần mình, tôi chẳng để tâm tới những chuyện như thế.

Nếu cơ nhỡ, tôi rất sẵn lòng được nhờ cậy bố, nhưng khi bố mua cho tôi món này món nọ, thì thế nào những kẻ đố kỵ tham lam cũng tới dòm dỏ (tôi biết bọn họ chỉ đơn giản là muốn nhìn ngó mà thôi) khiến tôi thấy phiền toái.

Tôi thấy phiền toái với mọi thứ định níu giữ tôi lại nơi ấy. Tôi chỉ muốn dừng lại ở những gì tối thiểu.

Trong mắt tôi, dường như có một sợi xích đã cột chặt chân bố mẹ vào với nhau, rồi cột chặt họ với phố thị đó, mặc dù bản thân họ chưa chắc đã nhận ra.

Vì thế, tôi thường xuyên ấp ủ một điều: ấy là có thể chạy trốn bất cứ lúc nào. Tôi hay nghĩ, giả dụ mình có bạn trai, rồi lỡ ra thật lòng, tổ chức đám cưới linh đình trong một khách sạn hay đâu đấy ở phố thị này, lại không may mang bầu nữa, thì coi như chấm hết. Thế nên, ngay cả khi bạn bè cùng trang lứa vô tư yêu đương hoặc mơ mộng chuyện cưới xin, tôi vẫn cứ thờ ơ. Trong lúc hành động tôi luôn suy xét đến hậu quả. Ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba tôi liền lấy cớ lên Tokyo học đại học để ra khỏi nhà cho thật nhanh.

Tôi cảm nhận được bằng chính cơ thể, về sự phân biệt đối xử, tuy có gượng nhẹ nhưng chắc chắn tồn tại, mà mình đang chịu đựng.

Có một bầu không khí luôn vây chặt lấy tôi theo kiểu “gọi là con cái danh gia trong vùng, chứ bản chất chẳng qua là đứa con gái ngoài giá thú của một mama quán bar mà thôi”, nó tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của bố, mà bố thì chỉ nổi tiếng trong khu phố thị này.

Khi đến Tokyo, trở thành một sinh viên vô danh chuyên ngành nghệ thuật, tôi gần như bay bổng vì nhẹ nhõm.

Có lẽ đến hết đời tôi cũng không quên được cảm giác khi thấy những kẻ đầy lòng hiếu kỳ cùng hứng thú lẫn ganh ghét vận bộ đồ đen sặc vẻ hình thức và đãi bôi, dát lên mình sự nghiêm trang giả tạo, gắn lên bộ mặt đau buồn ánh mắt sáng trưng đến nhìn vào bên trong quan tài mẹ... Cái cảm giác chỉ muốn đập tan bầu không khí giả dối và đội lốt ấy bằng một điệu múa khỏa thân cho bõ ghét.

Thân xác mẹ đã được lửa tẩy sạch, không để ánh mắt bẩn thỉu nào có thể in dấu lên đó. Tôi không nghĩ mình lại cảm thấy nhẹ nhõm đến thế khi mẹ bị hỏa thiêu. Trang phục của mẹ, vẻ đẹp của mẹ, quy mô đám tang mà bố chẳng tiếc tiền chuẩn bị dường như đã hoàn toàn thỏa mãn lòng hiếu kỳ của bọn họ.

Với vai trò tang chủ, tôi đứng ra đọc lời điếu, cố gắng mỉm cười hoặc thỉnh thoảng lau nước mắt, nhưng không nói với ai về cảm giác mỉa mai đang dâng lên trong mình.

Đó là một cảm giác thanh cao mà những kẻ đang cố sống cố chết gắn cho kiếp nhân sinh vốn không có hình thù một thứ hình thù nào đó chẳng bao giờ hiểu được.

Nhưng may thay, cô hàng xóm và một vài người bạn ít ỏi của mẹ đã đem lại cho tôi tình cảm đầm ấm, giúp tôi có được những giây phút dễ chịu, rồi cùng uống với nhau một tách trà nóng. Cuộc đời chắc chắn vẫn còn những mặt tốt. Thật tiếc khi phải công nhận rằng giữa cái xấu, ta mới thấy mặt tốt rõ hơn. Không dùng lời, nhưng ánh mắt của họ nói với tôi rằng: “Chúng ta biết con đang tổn thương.”

... Khi trông thấy bố bám chặt lấy quan tài khóc nức nở, tôi đã nghĩ mình không bằng bố. Bố dồn cả tâm tư cho mẹ, còn tôi chỉ toàn để ý tới những điều vô nghĩa.

Trước câu chuyện tình thế kỷ (tất nhiên chỉ đối với hai người họ) ấy, tôi chỉ là cô con gái nhỏ đang run lên vì mất mẹ. Hoặc cũng có thể, đây đơn giản là sự khác biệt giữa chồng và con.

Phải rồi, ngày hôm đó, mẹ đã đến trong giấc mơ tôi, không phải cái nhân cách kia mà là phần con người tựa một đóa hoa của mẹ.

Phần con người thân thương như một cánh hoa mỏng thẹn thùng rung rinh trong bóng nắng.

Mẹ nói chuyện với tôi, trong khung cảnh của căn buồng bệnh từng chứng kiến những ngày cuối cùng của đời mẹ. Suốt một thời gian dài mẹ không thể nhỏm dậy, nên khi thấy mẹ ngồi tựa lưng vào thành giường, tôi bỗng thấy nhớ mẹ quá.

Gió từ cửa sổ thổi vào, ánh nắng cũng lung linh. Mặc bộ đồ ngủ màu hồng giống một nữ sinh trung học trong chuyến dã ngoại cuối cấp, mẹ như đang ở giữa quầng sương mù đẹp đẽ. Những bó hoa thăm hỏi tựa hồ nhòa tan trong vầng hào quang của mẹ.

Mẹ chói chang quá khiến tôi cứ phải nhìn hồi lâu vào đám bụi bám trên bậu cửa sổ. Mẹ nói, “Chihiro ơi, mắc sai lầm một lần thôi là suốt cả cuộc đời con sẽ sống trong bồn chồn, nóng nảy giống như mẹ. Con hiểu không? Lúc nào cũng nóng giận hoặc quát tháo tức là đang phải lệ thuộc vào người khác đấy.”

Con hiểu, con hiểu. Con biết thật ra mẹ không phải kiểu người thích mắng mỏ ai đó, hoặc gập mình trước những khách hàng quan trọng để duy trì quán bar, hoặc quát tháo bố qua điện thoại mỗi lần bố không tới và rằng “biết làm sao được khi tôi chẳng phải là vợ chính thức mà chỉ là vợ hờ của ông thôi”, mẹ đâu có con mắt lõi đời như vậy; mẹ thật ra không giống đóa hoa dại nở ngoài đồng mà là kiểu người mang trong mình sự tinh tế và trong suốt đến rùng mình, như đóa hoa âm thầm nở trên vách đá cao vút chẳng ai khác ngoài chim chóc, hươu nai lui tới.

Hẳn là bố đã nhận ra điều đó. Hẳn là bố luôn nhìn nhận mẹ theo cách hiểu riêng của mình.

Bởi khi thả lỏng mình bên bố, lúc nào mẹ cũng như một thiếu nữ. Hai người giống bọn con nít ấy. Nhưng chỉ tại xã hội, hay nhân thế, hay những thứ tương tự đã không để hai người tạo dựng một thế giới riêng, phải vậy không?

Mà hai người cũng không có được sự can đảm hay liều lĩnh để tạo dựng thế giới riêng ấy, phải vậy không? Mọi chuyện chấm dứt giữa khi cuộc đời tạm bợ vẫn đang chiếm giữ vị trí của cuộc đời thực sự, phải vậy không?

Tôi chỉ thầm nghĩ trong bụng, vậy mà, chắc tại trong mơ nên mẹ gật đầu thật dễ dàng. Rồi mẹ nói, “Kỳ thực mẹ không muốn thế. Mẹ ghét trang điểm, ghét phẫu thuật thẩm mỹ, mẹ sợ bệnh viện, sợ nhìn thấy những người tìm đến bệnh viện để làm đẹp. Thú thật là mẹ rất sợ đau. Khi được khuyên làm, mẹ chỉ mơ hồ cảm thấy cần thiết, và thế là quyết định. Đến lúc bước vào phẫu thuật thực sự, mẹ lại thấy sợ, và để đánh lừa bản thân, mẹ đã biến nó thành chuyện cười, nhưng tinh thần thì mãi mãi tổn thương.”

“Hơn nữa, mẹ đâu có muốn cằn nhằn suốt ngày với bố con. Nhưng mẹ chỉ sợ bố con đi mất, vì thế mới cố níu cho thật chặt. Mặc dù biết rằng còn có bao nhiêu cách bày tỏ khác mà không cần cáu giận, nhưng mẹ vẫn làm thế. Tự lúc nào mẹ đã dấn bước vào con đường này, con đường không thể quay ngược trở lại. Bất an khiến bất an càng thêm chồng chất, rồi mẹ nhận thấy đóng kịch để che giấu tình cảm thật của mình thì dễ được chấp nhận hơn, nên cứ trượt dài theo hướng đó. Mẹ không dừng lại được nữa. Và rốt cuộc, mẹ chết mà không thay đổi được gì.”

“Con biết không, từ chỗ hiện giờ, khi dùng tầm nhìn bao quát xem xét lại những ngày đã qua, mẹ hiểu ra rất nhiều điều. Mẹ nhìn thấy biết bao nhiêu chuyện, không phải những chuyện gây hối hận đâu, mà lại chính là những việc mà mẹ không cần phải lo lắng. Bởi vậy mẹ muốn nói…”

“Chỗ hiện giờ” có phải là thiên đường không? Có thiên đường sao hả mẹ? Tôi thầm hỏi, nhưng mẹ chỉ cười lấp lửng rồi tiếp, “Một kẻ sĩ diện như mẹ có quá nhiều nỗi sợ nên để bảo vệ mình, mẹ chỉ còn cách làm như thế. Nhưng con thì đừng vậy. Luôn luôn giữ ấm bụng, thả lỏng con tim và cơ thể để máu đừng bốc lên đầu. Hãy sống như một bông hoa con nhé. Đó là quyền lợi. Là việc nhất định con có thể làm khi hãy còn sống. Chỉ cần như thế thôi.”

Mẹ cười tươi. Phải rồi, hãy giữ ấm bụng là câu mẹ thường nói với tôi hồi bé mỗi lần tôi ngủ hở bụng để mẹ phải dậy đắp lại chăn cho. Nhớ đến câu nói ấy, tôi bỗng trào nước mắt dẫu đang trong mơ.

Hồi nhỏ, nửa đêm mỗi lần tỉnh giấc và hé mắt ra nhìn, tôi lại thấy mẹ đang vỗ nhè nhẹ vào cái bụng để hở của tôi, sửa sang áo ngủ rồi đắp lại chăn cho tôi.

Bằng cơ thể, tôi đã học được rằng: “Được yêu là thế. Là khi một người ‘muốn chạm vào mình, muốn tỏ ra dịu dàng với mình’”. Vì vậy tôi không bao giờ có phản ứng trước một tình yêu giả tạo. Đây là ý nghĩa của việc “được nuôi nấng” chăng?

Con muốn gặp lại mẹ một lần nữa, mẹ ơi. Con muốn được chạm vào người, được ngửi mùi của mẹ.

Khi nghĩ rằng ngay cả cái quán bar hơi dơ bẩn lúc ban ngày giờ đây cũng không còn nữa, tôi bỗng thấy nhớ thương.

Cho dù không phải một chốn tuyệt vời, nhưng đó đã từng là nơi chắp cánh cho tôi. Là thế giới có mùi của mẹ. Là nơi hơi ấm cũng nhiều như sự huyên náo. Tôi vẫn còn là đứa trẻ cần đến cha mẹ, vậy mà tự lúc nào đã phải bước đi một mình.

Trong mơ, tôi nhận thấy cảm giác đau buồn tăng lên gấp đôi, cõi lòng thì yếu mềm hẳn, tưởng chừng sắp bị nghiền nát tới nơi.

Tỉnh giấc rồi, nước mắt vẫn chảy thành dòng.

Chợt nhìn sang bên cạnh, thấy Nakajima vẫn ngủ ngon lành, cánh tay trần đang thò ra trên chiếu. Sợ lạnh, tôi kéo chăn đắp lên cho hắn.

Khi đã quay về với thực tại, giấc mơ không còn buồn nữa. Hình bóng mẹ vẫn in đậm trong tim tôi, song cảm giác nhớ nhung phố thị nơi mình sinh ra và lớn lên quả thật đã không còn.

Tôi ngạc nhiên tự hỏi: tại sao trong mơ mình lại có cảm giác như vừa trở về là một đứa trẻ? Tuy nhiên, giờ thì tôi đã hoàn toàn quay lại với “hiện tại”, tới mức có thể đưa ra một đánh giá thế này: nhất định trong mình vẫn còn chút quyến luyến nào đó với quá khứ.

Duy chỉ có căn hộ ấy, căn hộ giờ đây không còn nữa, là khiến tôi vương chút nhớ nhung. Đôi khi tôi muốn trở về nhà, quay lại làm tôi thuở bé…

Tôi hồi tưởng.

Bầu không khí hạnh phúc của một sáng Chủ nhật. Tiếng ti vi phát ra với nhịp điệu thong thả tới mức không thể kiếm đâu được vào thời buổi này, bố thư thái chờ đợi bữa cơm là sự kết hợp của bữa sáng và bữa trưa, mẹ ở trong bếp với ngổn ngang nguyên liệu nhập ngoại, đang thử chế biến món ăn truyền thống của một nước nào đó… Hai người vẫn còn dư âm của cơn say hôm trước, bây giờ nghĩ lại, tôi chắc rằng trong đó có cả sự rã rời đầy ngọt ngào của một cuộc yêu đương. Sự rã rời đó phủ lên hai người một vẻ uể oải thật dịu dàng. Từ trên giường, tôi thơ dại cứ ngắm mãi bầu không khí ấy như một điều gì tuyệt diệu.

Nếu là phố thị của thuở ấy thì tôi có thể quay về.

Tôi lại giật mình vì nhớ ra Nakajima đang nằm bên cạnh. Ô kia? Sao Nakajima lại ở đây? Nếu là mơ thì xin đừng tỉnh giấc!

Phải rồi, ra là vậy. Hình như Nakajima đã quyết định ngủ lại nhà tôi đêm qua.

Trí nhớ của tôi đang khôi phục dần dần.

Nhớ đến cuộc làm tình trang nghiêm mà chúng tôi vừa hì hụi đánh vật lúc trước, tôi chợt thấy hơi ngượng ngùng. Bây giờ thì cả hai đều đã mặc quần áo và đang ngủ như chưa có gì xảy ra. Tôi có cảm giác chúng tôi đã sống với nhau thế này từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn giật mình vì sự có mặt của Nakajima. Một cảm giác rất lạ, vừa như bấn loạn, vừa như điềm tĩnh. Có lẽ vì thế nên tôi mới mơ thấy mẹ.

Đâu phải lúc nào cũng có một kẻ kỳ lạ như thế này ở trong nhà mình.

Hơn nữa, tôi vẫn tưởng Nakajima là kẻ chẳng bao giờ ở lâu trong cùng một nhà với người khác. Đã có lần tôi từng nhìn thấy một người nữa, chắc là bạn gái, trong căn hộ của hắn, nhưng hình như không phải lúc nào cũng ở với nhau.

Hôm qua, Nakajima vừa khóc vừa nói: nếu bỏ lỡ dịp này, tớ có cảm giác cả đời mình sẽ không thể làm tình được nữa, tôi bảo: làm gì mà nghiêm trọng thế, nhưng rồi lại thấy Nakajima sao mà tội nghiệp lúc nói ra điều ấy, sau đó thì chính tôi cũng buồn bã, tâm trạng bỗng thành ra ủy mị.

Rồi thì sao nhỉ? Mình có làm đến cùng không nhỉ? Hay là không?

Tôi không hề uống rượu, vậy mà chỉ còn nhớ bập bõm. Mà thôi, Nakajima cũng đâu đã trốn mất, tôi tự nhủ.

Thế rồi hình bóng mẹ lại vụt hiện lên trong tâm trí.

Ôi, một giấc mơ buồn nhưng đẹp. Tôi thầm nghĩ.

Phần con người mà tôi muốn gặp, cái phần hiếm khi bộc lộ ra ngoài của mẹ đã ở đó trong giấc mơ.

Mẹ lúc nào cũng khoác lên mình cái vẻ ngoài ăn to nói lớn, cười xòa cho qua trước bất kể chuyện gì, cao ngạo, vững vàng và sảng khoái đến nỗi chính tôi cũng gần như quên mất phần nhân cách đích thực ẩn náu tận đáy sâu con người mẹ.

Song lẽ, hồi tôi còn nhỏ, những khi mẹ phá lên cười nhẹ bẫng, nhưng khi chúng tôi cùng nhau ủ ấm đôi bàn chân giá lạnh trong chăn, nhưng khi mẹ nghịch ngợm ướm dấu chân lên mặt tuyết tinh tươm buổi sáng trong lúc đi dạo… Những khi ấy, con người thực của mẹ từ từ lộ ra với hình hài một bé gái không bao giờ có tuổi.

Vừa hồi tưởng vừa ngắm vồng ngực phập phồng của Nakajima trong căn phòng tối, tâm trạng tôi cứ nhẹ nhõm dần, như bị thôi miên.

Nakajima, Nakajima… Một Nakajima có ngoại hình kỳ lạ.

Sao tôi lại yêu quý mọi thứ trên người Nakajima đến thế kia chứ: từ hai cái lỗ của chiếc mũi dài ngoẵng đến cổ tay gầy như que củi, những ngón tay dài, cái miệng há hốc, đường gân cổ mong manh, đôi má phinh phính như con nít, cả cái cách mà mớ tóc khô xơ xác xòa xuống mắt, rồi cặp mắt ti hí và hàng mi dài ẩn dưới mái tóc. Dù một ngày kia hơi thở tắt lịm, Nakajima biến thành một vì sao (đây hoàn toàn chỉ là lối ví von tôi nghe được ở đâu đó, nhưng thực sự không còn cách so sánh nào xác đáng hơn. Hắn thực phù hợp để làm một vì sao. Bởi cảm giác về sự tồn tại của hắn, ngay từ đầu, đã quá nhạt nhòa), thì tôi tin mình vẫn luôn ở bên linh hồn Nakajima. Tôi nghĩ đấy là nỗi kinh ngạc, thậm chí sửng sốt, nhiều hơn là một dạng tình yêu. Vì vậy tôi chỉ ngắm nhìn, mà không thể dấn sâu.

“Hôm nay hắn vẫn ở đây, hôm nay hắn chưa biến mất. Và hôm nay, cảm xúc này vẫn đang tiếp diễn!” Tôi thầm nghĩ.

Mỗi ngày trôi qua với tôi đều là một ngày tươi mới, khi mà mỗi ngày ấy tôi đều không thể cầm lòng trước sự lôi cuốn của Nakajima, một Nakajima kỳ lạ. Từ khi bắt đầu ở cùng Nakajima, nhịp sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Tôi vốn dĩ là kẻ chỉ biết nghĩ cho mình, sống chết cũng phải giữ lấy quan điểm, ra sức lao về phía trước mà chẳng thèm để mắt tới điều gì khác ngoài tương lai lý tưởng của mình; tôi là thứ cỏ rêu không nơi bám rễ, chỉ biết dồn tâm huyết cho việc lánh xa khỏi phố thị thuở nào. Thế nhưng, Nakajima mạnh mẽ quá, khiến tôi bị choáng ngợp và bị kéo lê đi.

Ở đây hoàn toàn không có cái gọi là thời gian. Tôi cảm thấy mình như bị tách khỏi thế giới. Cảm thấy như chỉ có Nakajima và tôi, không có thời đại, cũng không còn tuổi tác.

Có lúc tôi từng nghĩ: hay đây chính là hạnh phúc?

Thời gian đang ngừng trôi, và tôi đang nhìn Nakajima chẳng với bất cứ niềm hy vọng nào.

Tôi nghĩ, đó là cảm giác của hạnh phúc.

Liệu có phải tôi đang sống một cuộc sống bình thường không? Tất nhiên, tôi cũng hiểu, xét trên một nghĩa nào đó thì chỉ riêng việc tôi là con ngoài giá thú ở cái thành phố nhà quê mà chuyện gì cũng có thể trở thành đề tài ngồi lê đôi mách đã đủ biến tôi thành kẻ khác thường, nhưng thực tế tôi chẳng có chỗ nào khác thường cả.

Vì thế, một Nakajima hơi khác thường rõ ràng là quá sức đối với tôi, thành ra trong mối quan hệ với hắn, tôi luôn ở tư thế sẵn sàng bỏ chạy.

Tôi chỉ biết rằng, Nakajima đã phải trải qua điều gì đó kinh khủng trong quá khứ, nhưng chưa bao giờ tôi đi sâu vào câu chuyện.

Nakajima rất yêu người mẹ đã mất, mỗi lần nhắc đến mẹ là hắn khóc. Tôi không biết cụ thể, nhưng chắc chắn là hắn đã được nuôi nấng theo một cách thức nào đó khiến hắn yêu quý mẹ mình chân thành đến vậy, xét về mặt tình cảm yêu thương thì hắn chẳng có gì 4452 bất thường.

Và chắc chắn là trên đời này, không ai yêu thương Nakajima như mẹ hắn.

Tôi biết mình không có khả năng xử trí đối với những điều lớn lao như thế trong Nakajima, nhưng ngược lại, có khi chính nhờ vậy mà tôi mới đến được với hắn một cách vô tư.

Đã bao lâu kể từ lúc quen nhau cho tới khi Nakajima bắt đầu ngủ lại nhà tôi nhỉ? Phải một năm là ít.

Không biết tự lúc nào, chẳng cần đến một quá trình hay cao trào, hắn cứ tự nhiên lui tới nhà tôi vào các buổi tối.

Tôi nhớ mang máng là hễ tôi có nhà thì hắn sẽ sang vào chập tối, rồi tự động ra về vào lúc nửa đêm, sự giao lưu bình lặng ấy, quãng thời gian mà mọi việc chỉ dừng ở đấy, kéo dài khoảng ba tháng.

Tuy nhiên, bấy giờ tôi cảm thấy chúng tôi chỉ là bạn cùng ký túc không hơn không kém, kiểu như mỗi người có một phòng riêng nhưng hơi cách xa nhau, chứ không hề có cảm giác là đang sống chung. Cũng không có cảm giác gò bó. Ngược lại, chính nhờ có Nakajima mà trong lồng ngực tôi lúc nào cũng thấy ấm áp.

Tôi sống trong căn hộ này, còn Nakajima sống ở tầng hai của khu chung cư nằm chếch phía đối diện.

Tôi có thói quen đứng trước cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, Nakajima cũng vậy. Nhờ thế mà chúng tôi cùng nhận ra nhau bên bậu cửa sổ, rồi bắt đầu chào nhau từ lúc nào không hay. Ở quê tôi thì giao thiệp như thế là bình thường, nhưng ở thành phố, có lẽ hiếm ai đi chào một người lạ khi bắt gặp ánh mắt họ nơi cửa sổ. Song Nakajima không phải dạng câu nệ những chuyện kiểu này. Ở hắn có một loại uy lực. Uy lực của một kẻ không sợ cái chết và đang sống dưới đáy cùng vực thẳm.

Hẳn là nhờ thế mà tôi nhận ra hắn là người hợp với mình.

Đôi lúc dáng người mảnh khảnh bên cửa sổ của hắn biến thành một bức tranh. Thi thoảng hình ảnh bàn tay thon nhỏ đang buông thõng từ song cửa trông đẹp như của một chú khỉ hoang.

Dần dà, tôi bắt đầu có thói quen cứ sáng dậy là mở cửa sổ phòng mình để nhìn sang cửa sổ nhà Nakajima. Không cần biết mình đã thay quần áo chưa, đầu tóc như thế nào. Tôi luôn nghĩ ở bên ấy là một người thân thiết, là cái gì đó giống như một khung cảnh. Không hiểu vì lẽ gì, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ không bao giờ lại gần nhau.

Nhiều khi chẳng thấy bóng dáng Nakajima đâu, chỉ thấy đám đồ giặt phơi ngay ngắn (cách phơi đồ của hắn chỉn chu gần như một thứ nghệ thuật. Phơi kiểu ấy, có lẽ chỉ cần rút vào là mặc được ngay mà không cần ủi. So với hắn, cách phơi của tôi là quá cẩu thả, chỉ vo tròn rồi vắt ra ngoài cửa sổ), hoặc bóng dáng người phụ nữ dễ thường hơn tuổi Nakajima thỉnh thoảng vẫn ngồi thảnh thơi bên cửa sổ phòng hắn, thế nào tôi cũng nghĩ: “Ồ, vậy là hắn đã giữ bạn gái ngủ lại qua đêm, cố gắng đấy chứ!”

Cứ như thế, dần dần, từng mi li mét một, chúng tôi xích lại gần nhau.

Ngay cả khi mùa đông tới, trời trở lạnh, tôi vẫn thích ở cạnh cửa sổ và thường vẫy tay với Nakajima.

“Khỏe không?” tôi hỏi. “Khỏe!” Không nghe thấy tiếng, nhưng tôi hiểu vì môi hắn mấp máy theo khẩu hình như vậy kèm một nụ cười.

Tưởng chừng định mệnh đã sắp đặt cho hắn sống ở đó, nên chẳng ai khác có thể chia sẻ được những cảm giác này. Ngày nào cũng nhìn sang cửa sổ của nhau, tôi đâm ra có cảm giác như đang sống chung. Khi đèn tắt, tôi tự nhủ: “A, Nakajima ngủ rồi, mình cũng đi ngủ thôi.” Khi tôi về quê lên, vừa mở cửa sổ đã thấy Nakajima xuất hiện ở ô cửa bên kia và chào, “Đã lên rồi đấy à!”

Chúng tôi không mảy may nhận ra rằng, bản thân việc chúng tôi luôn quan tâm tới động tĩnh của nhau một cách tự nhiên như thế, tai bỗng thính nhạy tới mức có thể phân biệt được tiếng mở cửa một cách dễ dàng như thế, chính là khởi đầu của tình yêu.

Trong quãng thời gian dài dằng dặc cho tới ngày đưa tiễn mẹ sang thế giới bên kia, tôi thường xuyên phải về quê. Trở lại căn hộ của mình sau mỗi chuyến đi, lòng tôi được lắng dịu nhờ ánh đèn hắt ra từ khung cửa sổ nhà Nakajima. Đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất giữa chuỗi tháng ngày khó khăn ấy.

Ở quê, tôi có người mẹ sắp mất, có cha và những kỷ niệm đẹp đẽ với hai người, nhưng khi ra ga bắt tàu tối trở về nhà, tôi chỉ có một mình, mà mẹ lại chỉ có mình tôi là con.

Đó là một hành trình tôi không thể chia sẻ cùng ai.

Đứng trên sân ga buổi tối, với thực tế rằng mẹ sắp mất, kỷ niệm cũ và bầu không khí chán ngắt tỏa ra từ những con người đang sống cuộc sống bình thường kia như trộn lẫn với nhau khiến tôi chẳng còn phân biệt được gì. Tôi không biết mình thuộc về nơi nào, là người lớn hay trẻ con, sống ở đâu, bắt rễ vào đâu nữa, đầu óc tôi quay cuồng.

Tôi chẳng còn hơi sức để nghĩ được những chuyện như: Sao mình không yêu Nakajima? Sao không để hắn trở thành nguồn an ủi lớn hơn? Sao không để hắn trở thành chỗ dựa vững chắc hơn? Sao không để hình bóng trên nền cửa sổ kia trở nên gần gụi hơn? Như thế chẳng tốt hơn ư?

Giai đoạn ấy, Nakajima đã ở vào một vị trí vừa khéo. Nếu gần hơn hoặc xa hơn thế thì tôi nghĩ chuyện đã chẳng thành.

Hai ô cửa sổ bị ngăn cách bởi một con đường nên thực tế rất xa nhau, song tôi không thấy thế, lại còn có cảm giác chúng ăn thông với nhau. Tiếng nói của Nakajima đáng lẽ phải bị át mất bởi tiếng xe cộ, song kỳ lạ thay tôi tưởng như nghe được rõ ràng. Tôi cảm nhận niềm an ủi lớn lao khi gương mặt trắng trẻo và nụ cười vô ưu của Nakajima hiện ra trong bóng tối.

Lo đám tang cho mẹ xong, tôi cũng chẳng thông báo gì với Nakajima.

Trước đó, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cùng đi uống cà phê nếu tình cờ chạm trán trên đường. Hôm ấy, sau ba tuần vắng mặt vì phải lo ma chay cho mẹ, tôi trở về căn hộ của mình, quét dọn nhà cửa xong, đang đến siêu thị mua đồ ăn thì gặp Nakajima. Hai đứa vào Starbucks, ngồi xuống cạnh nhau bên một cái quầy nhìn ra cửa sổ.

Tôi bỗng váng vất khi gặp lại tất cả những gì thân thuộc sau bao ngày xa cách: bầu không khí huyên náo, mùi cà phê, tiếng trò chuyện của đám thanh niên. Nếu mình có ra ma, tôi nghĩ cuộc sống bình thường với những chi tiết ấy sẽ là điều tôi lưu luyến nhất. Chắc chắn tôi sẽ nhớ nhất cái sự tầm thường và tẻ nhạt này.

“Kể từ giờ tớ sẽ không phải về quê vào các ngày cuối tuần nữa. Ở quê gần như chẳng còn ai thân thích nên thỉnh thoảng về là được,” tôi nói. Nakajima nhíu mày như bị bỏng, nhấp một ngụm rồi hỏi, “Mẹ cậu mất rồi à?”

“Sao cậu biết?” Tôi ngạc nhiên.

“Tớ đoán thế, vì dạo này thấy cậu về quê suốt…” Nakajima đáp.

Không thể gọi đó là một lời giải thích thuyết phục. Tôi nghĩ là hắn đoán được qua dáng vẻ thiếu sức sống của tôi, hắn đúng là một kẻ rất nhạy cảm với trạng thái của các sự vật xung quanh. Soi vào cửa kính, trông tôi lúc này chỉ nhỏ bằng một phần so với bình thường. Có cảm giác hơi tiều tụy và nhợt nhạt. Quả thật, người nào tinh ý thì chỉ cần liếc qua cũng biết tôi vừa mất mẹ.

“Vậy là từ giờ trở đi, cuối tuần tớ không còn buồn nữa. Xin lỗi cậu nhưng mà tớ thấy vui. Thì bởi lẽ, thật là chán chết khi không có cậu, tuần trước, rồi cả tuần trước nữa, cửa sổ phòng cậu cứ tối đen. Cửa sổ phòng cậu rất được. Tớ nhận ra nó ngay trong khi những cái khác thì không. Không ồn ào, không hỗn tạp, mà lúc nào cũng sáng một cách lặng lẽ.”

“Thật á?”

Biết phản ứng thế nào đây khi có người tỏ ra vui mừng trước việc mẹ mình mất, nhưng khi đã nghe đến nhàm tai những lời chia buồn chiếu lệ, tôi mới thấy thấm thía sự thật thà của Nakajima.

“Thật. Không có ánh sáng từ cửa sổ phòng Chihiro, tớ thấy khổ sở và buồn bã.”

Lúc Nakajima nói ra ba tiếng “Chihiro”, từng âm tiết trong tên tôi bỗng ánh lên như ngọc. Tôi kinh ngạc. Ồ? Chúng vừa mới phát sáng. Cậu thử nhắc lại xem nào!

Nhưng làm sao tôi nói ra đề nghị đó được, đành phải thầm nhai lại cách hắn gọi tên mình. Tôi nghe trong cách gọi tên của hắn có cả sự háo hức đầy gợi cảm mà lần đầu tiên tôi nhận thấy, pha lẫn chút gì đó tự hào.

“Thế thì, có lẽ việc tớ quay trở lại đây là đúng đắn.” Tôi nói, và khóc một chút vì không cầm được nước mắt.

“Tớ hiểu khi mất mẹ thì đau khổ thế nào. Vì tớ cũng từng trải qua cảm giác ấy.” Nakajima nói.

Không biết nhiều về hoàn cảnh của Nakajima, nên tôi chỉ nghĩ: hóa ra hắn cũng không còn mẹ.

“Ừ, nhưng âu cũng là con đường mà mọi người đều phải trải qua.” Tôi vừa khóc vừa nói.

Tôi gần như ôm ghì lấy cốc trà Masala cỡ lớn đang cầm trên tay. Rồi chẳng hiểu tại sao, cảm giác nặng nề khi phải chứng kiến nhiều chuyện một cách bất đắc dĩ cũng như nỗi lo sợ vì mất gia đình và nơi chốn trở về bỗng nhiên vơi bớt, rồi phút chốc bỗng như tự do, nhẹ bẫng.

Sau đó chừng hai tuần lễ, vào một ngày cuối tuần, bằng một vẻ hết sức tự nhiên, Nakajima bắt đầu đều đặn sang nhà tôi chơi. Tựa hồ hắn thoắt một cái đã từ cửa sổ bên ấy bước sang cửa sổ bên này, mà cảm giác chẳng có gì thay đổi.

Hôm đó, lại đúng là lúc tình cờ gặp nhau trên đường, hắn hỏi, “À mà này, Chihiro đã có bạn trai chưa?”

Tôi trả lời, “Hiện giờ thì không. Trước đây tớ có qua lại với một biên tập viên, anh ta bận rộn suốt, chỉ rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần. Từ khi tớ phải chăm mẹ ốm, hai bên không còn thời gian gặp nhau nữa nên đã chia tay.”

“Ờ, ý cậu là mẹ cậu quan trọng hơn tay đó nhiều đúng không?”

Cái từ “tay đó” khiến tôi thấy vui vui.

Đối với tôi, bất cứ điều gì Nakajima làm cũng đáng yêu. Tôi chấp nhận mọi thứ ở Nakajima. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian dõi về nhau từ khung cửa sổ của mỗi đứa, tỉ mỉ cóp nhặt từng khoảnh khắc chung ấy để ghép lại thành một điều gì đó ở nơi sâu nhất trong tim mình, bởi thế mà trên bề mặt, giữa chúng tôi chẳng có con sóng lớn nào.

“Có lẽ vậy. Nên tớ chẳng mấy đau buồn. Thật khổ sở khi cứ phải tranh thủ thời gian để gặp nhau. Không có anh ta thành ra lại dễ chịu. Thì cậu bảo, dạo ấy tớ chỉ muốn có thời gian ở một mình, để được ngủ cho đã mà.” Tôi đáp.

“Tớ hiểu…”

Nakajima gật đầu. Hơi nhăn mặt mỗi khi gật đầu là thói quen của hắn.

Từ tối đó, hắn bắt đầu tới nhà tôi chơi, tự nhiên như ở nhà mình.

Chúng tôi bắt đầu cùng nhau dùng bữa, cùng nhau ra ngoài mua gà nướng (vì cả hai chúng tôi, đặc biệt là Nakajima, đều không ưa ăn quán nên chẳng bao giờ ra ngoài đi uống), chờ người kia tắm để đến lượt mình, chuyện gẫu trong lúc uống bia sau khi tắm, hoặc im lặng.

Cứ khi nào có Nakajima trong phòng là căn phòng lại sáng sủa một cách kỳ lạ, và lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình “có bạn”, “không đơn độc”.

Chẳng dựa trên căn cứ nào nhưng tôi mặc nhiên coi Nakajima là gay, người phụ nữ thỉnh thoảng ngủ lại nhà hắn chỉ là bạn, còn nhu cầu kia thì hắn đã giải quyết ổn thỏa ở bên ngoài.

Tôi luôn nghĩ về Nakajima thế này: ham muốn tình dục hầu như mờ nhạt; cơ thể gầy gò đến quái dị; thi thoảng cũng ăn ra trò, nhưng lúc đã không ăn thì hầu như chẳng ăn gì cả nên xét về tổng thể, hắn có vẻ ít năng lượng; quan hệ với phụ nữ thì có đấy nhưng không sâu sắc; và nếu có ra ngoài vào buổi tối thì chỉ là để tụ tập với gay loanh quanh đâu đó ở khu phụ cận.

Hoặc giả có thể vì lòng tự trọng mà tôi muốn nghĩ thế. Bởi lẽ hắn dường như chẳng thèm để ý tới tôi. Tệ tới mức, ví như tôi có thay đồ ngay trước mặt hắn thì chưa chắc hắn đã thấy ngượng.

Suốt cả tối qua, Nakajima không có vẻ gì là muốn ra về. Hắn viện đủ mọi lý do để trì hoãn, rốt cuộc tôi phải hỏi, “Nhà cậu đang có bọn bắt nợ hay bạn gái cũ đến à?”

“Hôm nay giống như cái ngày đã xảy ra chuyện chẳng lành trước đây, tớ cứ thấy bồn chồn. Đầu óc và cơ thể tớ có khả năng ghi nhớ rất kỳ lạ, cứ vào cái ngày kỷ niệm đáng sợ này là y như rằng tâm trạng lại có điều bất ổn.” Nakajima nói. “Nhưng lúc này thì tớ chưa thể nói về chuyện chẳng lành đó, cậu đừng giận nhé. Hồi tưởng lại chi tiết quá sẽ khiến tớ càng thêm bồn chồn.”

Ô hay, đây là nhà tôi, cậu tự tiện đến chơi rồi thích nói gì thì nói mà được à? Tôi muốn bảo hắn vậy, nhưng nhìn bộ dạng của hắn có vẻ khẩn khoản, hơn nữa câu chuyện xem ra sẽ nặng nề nên tôi quyết định không gặng hỏi thêm.

Tôi vốn chỉ hỏi lấy lệ: “Cậu ngủ lại đây chứ?”, nhưng thấy hắn gật đầu, nên đành tặc lưỡi.

Tôi trải đệm, để nguyên đèn và đọc sách. Nakajima xem một bộ phim trên ti vi sau khi hỏi “Tớ xem chương trình này được không?” Suốt một lúc lâu chúng tôi không trao đổi câu nào. Thế rồi bộ phim kết thúc và Nakajima tắt ti vi, đúng lúc tôi vừa gấp sách vừa nghĩ, “Mình cũng chuẩn bị ngủ thôi. Có một người nữa ở trong phòng thật thích. Có tiếng động của con người làm mình thấy yên tâm” thì Nakajima cất tiếng, mắt nhìn lên trần nhà:

“Thật ra, tớ không thể làm tình được dễ dàng.”

“Ồ, thế à…” Tôi đáp.

Tôi hơi ngạc nhiên, giống như khi nghe tỏ tình. Bởi tôi cứ ngỡ hắn luôn cố ý lảng tránh đề tài này.

Sau khi mất đi một người quan trọng đối với mình, tôi không còn ham muốn tình dục nửa. Giả sử trong lúc tôi đang thực sự cảm thấy như toàn bộ hơi nước vừa rút sạch khỏi người mình, mà Nakajima lại tỏ ra hăng hái thì chắc là tôi đã đuổi hắn ra khỏi nhà. Vì vậy chính tôi cũng luôn kín đáo tránh những việc gợi lên đề tài hoặc bầu không khí như vậy.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/80371


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận