Hồ Phần 4


Phần 4
“Vậy là cô ấy nghe được đúng không? Chào Chii, lâu quá rồi, anh Nobu đây.

Xin lỗi vì suốt thời gian dài không tới thăm em được. Hôm nay anh có dẫn theo bạn gái, chị Chihiro, đến đây. Anh muốn giới thiệu với em. Mọi việc của anh khá ổn. Vào đại học, rồi bây giờ đang học cao học. Anh chỉ biết có học thôi.” Nakajima nói.

Mino lấy tay ôm đầu, sau một lát mới cất tiếng.

“Ồ, anh đã cố gắng nhiều đấy chứ!”

Đó là một giọng nói hoàn toàn khác. Hóa ra đây là giọng nói từ trong ý thức của em gái mà cậu ta nhắc tới ư, tôi thầm nghĩ.

Giả sử toàn bộ chuyện này là sự tự ám thị của Mino, em gái cậu ta chỉ đơn giản mắc một chứng bệnh tinh thần, ốm yếu và sắp chết, nhưng cậu ta không muốn thừa nhận nên cố tình ngụy tạo giọng nói từ trong ý thức của em gái mình thì sao???



Đứng giữa bầu không khí đặc biệt và cao quý đang lan tỏa khắp phòng, một ý nghĩ theo kiểu thường tình như thế chưa kịp hình thành đã vội biến mất không một vết tích.

“Lại còn đưa đến đây một người bạn gái khá phức tạp nữa.” Mino tiếp tục. “Không hé lộ dù chỉ phân nửa tâm tư của mình… chị không thấy khổ sở sao? Tôi biết chị đã đem thứ tình yêu vô ưu trời phú để trung hòa sự căm ghét đối với cha mẹ mình. Chị bận tâm nhiều về điều ấy nên bề ngoài trông có vẻ trầm lặng, nhưng kỳ thực là một kẻ cả gan, tự do, thích làm nũng, ham muốn tình dục cũng vô đáy, đúng không? Tuy nhiên, chị thực sự là một người biết tôn trọng kẻ khác. Rồi chị sẽ một mình trở lại đây vào một dịp không xa. Khi ấy chúng ta sẽ lại nói chuyện với nhau.”

Tôi thảng thốt khi nhận ra đó là câu chuyện về mình.

Không thể phủ nhận cô ấy nói đúng, nhưng cũng chưa thể coi đó là những thông tin có tính quyết định.

Mino trở lại là chính mình.

“Xin lỗi cô, em gái tôi hơi cay nghiệt, nó không học được cách che đậy ý nghĩ nên đi đâu cũng toàn gặp rắc rối. Nói bất kỳ điều gì với ai người ta cũng phàn nàn, đến nỗi tôi nghĩ hay là vì thế mà nó mới ngủ suốt ngày. Cho nên, cô đừng để bụng.”

“Vâng, đúng là em gái anh khá thẳng tính.” Tôi nói. “Nhưng về cơ bản, đó không phải lối thẳng tính khiến tôi khó chịu, mà ngược lại tôi cảm thấy thích.”

Bị nói như vậy trong lần gặp mặt đầu tiên thì quả là bất ngờ, nhưng tôi không cho rằng có sự ác ý vô duyên nào ở đây.

“Cảm ơn vì cô đã nói vậy. Thêm nữa, cũng xin cô chớ nghĩ rằng những lời đó là do tôi tự ý nói ra.” Mino cười.

Tôi cúi đầu đáp lễ rồi bước xuống cầu thang. Nhưng trong bụng thì nghĩ: lại phải đến đây lần nữa để nghe những lời vạch trần với cấp độ hơn cả vừa rồi về bản thân mình thì tôi xin kiếu. Song tôi không lấy làm buồn bực. Chẳng hiểu sao, tôi lại thấy cảm động trước sự cao quý đến kỳ lạ của những con người trong ngôi nhà này.

Tôi không biết Nakajima hỏi Chii điều gì.

Nhưng nhìn vẻ mặt hắn lúc đi từ cầu thang xuống, tôi lập tức nhận ra rằng đó không phải là về chuyện giữa tôi và Nakajima, cũng không phải về dương mệnh của hắn, mà là một điều gì đó sáng sủa hơn. Hắn nói:

“Bữa trước tớ cũng có nói qua với cậu rồi, là tớ định sau khi kết thúc chương trình tiến sĩ thì sẽ tới làm việc tại một viện nghiên cứu danh tiếng ở Paris. Tớ chỉ hỏi xem liệu điều đó có thể thực hiện được không thôi.”

Là thế đấy. Paris ư, vậy sao? Với khả năng của mình, hắn sẽ học điên cuồng, viết báo điên cuồng và sẽ ngay lập tức lấy được bằng tiến sĩ. Và nếu vậy, cuộc sống chênh vênh của chúng tôi sẽ chấm dứt? Tôi choáng váng vì nhận ra câu chuyện làm mình đau lòng hơn tưởng tượng. Không thể thế được, ruột tôi như quặn lại.

Tôi vốn là kẻ không muốn bị ràng buộc nên cố tự thuyết phục rằng: thôi, vì dù sao chúng tôi cũng chỉ mới bắt đầu.

“Khả năng đó là chắc chắn, cậu còn nghi ngờ gì nữa chứ?” Tôi nói. “Đến tớ cũng có thể trả lời cho cậu, rằng nhất định cậu sẽ làm được.”

“Tớ có cảm giác chính bản thân đang cản trở tớ làm việc đó.” Nakajima nói. “Nhưng Chii bảo rằng rất có thể bằng giờ này sang năm tớ đang ở Paris cũng nên.”

Khi nói ra điều đó, Nakajima có vẻ rất vui. Tôi cho rằng chỉ thế cũng đủ khiến chuyến đi này có ý nghĩa.

Uống thêm một tuần trà ngon, trò truyện dăm ba câu nữa, rồi tôi và Nakajima để ngôi nhà dễ thương lại sau lưng.

Dưới ánh đèn hiên, Mino cứ vẫy tay mãi. Bóng dáng cậu trông như một bức ảnh ngược sáng rất đẹp, ánh đèn nhòe đi, lấp lóa như một viên ngọc trong góc tối.

Hồ nước chìm vào màn đêm như một cái hố sâu, đen hun hút tới nỗi phải khó khăn lắm mới nhận ra rằng nó không phải bóng đêm, nhờ sự tương phản với hàng cây.

“Nakajima này, cậu nóng lòng muốn đi Paris đến thế sao?” Tôi hỏi.

“Tớ không vội, nhưng tớ cứ cảm thấy mình sẽ không thực hiện được. Tớ không biết diễn đạt thế nào cho rõ ràng, nhưng bên trong tớ có một cảm giác tội lỗi khiến tớ cố gắng ngăn cản chính mình. Nhưng tớ sẽ ổn vì chỉ cần một lần cảm thấy làm được thì mọi chuyện sẽ đi theo hướng ấy. Với tớ thì thời điểm nào không quan trọng.” Nakajima trả lời.

“Thế à, vậy thì tốt. Nghĩa là chưa phải ngay lập tức đúng không?” Tôi nói. “Tớ nghĩ thế thì tốt, vì tớ vẫn muốn sống như hiện tại.”

Nakajima không trả lời. Hắn vui hay buồn, tôi không thể nào đo được lòng dạ hắn.

Và tôi nghĩ, biết đâu hắn đang rắp tâm quay trở lại căn hộ của mình để ngay lập tức lao vào việc học hành? Nếu vậy, thỉnh thoảng tôi sẽ sang xem xét tình hình đề phòng hắn đổ bệnh. Gì chứ việc này thì tôi làm được. Ý nghĩ của tôi cũng lưu loát và đẹp đẽ như cơn gió lướt trên mặt hồ. Giống như lối suy nghĩ của tôi từ trước tới nay.

Chúng tôi bước đi lạo xạo trên con đường rải đá. Ánh đèn đường tạo thành những quầng tròn, cứ liên miên xếp chồng lên nhau trắng xóa.

Tôi tự nhiên vòng tay mình qua tay Nakajima. Nhiều chỗ tối quá, nhìn không rõ đường, nhỡ có rắn lao ra thì sợ lắm. Tôi bảo hắn thế.

“Mùa lạnh này, đã làm gì có rắn.” Hắn nói.

“Nhưng biết đâu có thứ gì khác, như côn trùng chẳng hạn.” Tôi tiếp tục.

Cánh tay hắn khẳng khiu như que củi nhưng ấm áp. Hắn đột nhiên bảo tôi:

“Tớ cũng thích cuộc sống như thế này. Vì mình có thể về nhà cùng nhau.”

Đó là câu trả lời cho điều tôi nói khi nãy.

Tôi có cảm giác như chúng tôi đã đi dạo bên nhau mãi như thế này. Men theo bờ hồ. Trong một khung cảnh tưởng chừng thuộc về thế giới khác. Tôi nghĩ… rồi đây có lẽ tôi sẽ tản bộ cùng rất nhiều người khác, nhưng chắc chẳng bao giờ có lại được cảm giác này nữa.

Khi ở bên Nakajima, tôi thấy thời gian thật quý giá, không phải vì xót thương cho hắn. Mà vì tôi nghĩ, thế giới của chúng tôi thật đẹp đẽ, thật tĩnh lặng, nhưng nó sẽ bị phá vỡ nếu có thêm dù chỉ một người khác. Giả sử đó là người như Mino thì chắc sẽ không sao. Nhưng chỉ cần một nhân tố khác xen vào, cái thế giới tinh tế của chúng tôi sẽ lắc lư và sụp đổ. Tôi cảm thấy thế. Giữa chúng tôi có một sợi dây bền chắc là vậy, nhưng sao thật mong manh.

“Nakajima, cậu đừng đi đâu cả.” Tôi nói. “Không phải tớ đang nói về Paris, cậu cứ đi Paris cũng được. Nhưng tớ muốn cậu tiếp tục ở lại trên thế gian này.”

“Tớ chẳng muốn đi đâu cả, thật đấy.” Nakajima nói. “Nhưng trong cơ thể này, có cái gì đó như đang bảo tớ rằng tớ không được ở lại đây.”

“Phải chiến đấu chứ, Nakajima.”

“Tớ vẫn đang chiến đấu, nhưng có quá nhiều thứ bị tước đoạt, khiến tớ không thể làm tốt được.”

“Cậu không được phép yếu đuối.” Tôi nói.

“Vậy cậu bảo tớ phải làm sao, khi mà đến việc làm tình với người con gái mình thích đang ở ngay bên cạnh, tớ còn chẳng thể làm cho ra hồn?”

“Chuyện đó không quan trọng, tớ không ham muốn nhiều đến thế.”

“Cậu nói dối, tớ biết mà. Thực tế thì ham muốn của cậu là vô đáy!”

“Bất lịch sự chưa kìa!!!” Tôi nói. Tôi cảm thấy giọng mình phá vỡ sự tĩnh lặng, vang vọng giữa trời đêm.

“Cho dù là như thế, thì cũng bởi vì hiện giờ cậu chưa phát huy được bản thân.”

Nakajima cười khúc khích.

Nakajima, Mino và cả Chii nữa, thực tình thì tôi không rõ lắm vì cô ấy lúc nào cũng ngủ, đều có điểm chung.

Ấy là bầu không khí cô độc, mong manh đến vô hạn; là quang cảnh hoang tàn được dựng lên một cách gắng gượng, chắp vá từ những thứ đã bị phá nát tới tận nền móng và không sao cứu vãn được.

Họ đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra. Chỉ là phỏng đoán, nhưng ít nhất cũng có thể nói tôi linh cảm được.

Mặc dù vậy, nó đen tối tới mức tôi không muốn thừa nhận rằng đó là một khía cạnh của thực tế cuộc sống.

Dạo ấy, tôi đã tin hơn bây giờ rất rất nhiều rằng, sự vui tươi trong những thanh âm của bữa cơm chiều, hay của nụ cười tiễn tôi ra khỏi nhà vào buổi sáng, hay hơi ấm ở ngay bên cạnh mình mỗi lần thức giấc nửa đêm là tất cả trên đời.

Nhưng Nakajima hoàn toàn khác trong thế giới của mình, một thế giới bao gồm tất cả những gì đen tối đã vĩnh viễn tồn tại ở đó. Đó không phải sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà, mà là sự khác nhau của chặng đường đời mỗi người trải qua. Tôi tưởng mình biết nhiều về thế giới hơn những người cùng trang lứa, nhưng lại hoàn toàn bị hạ gục trước những trĩu nặng trong lòng Nakajima.

Nakajima cười khúc khích trong lúc cầm tay tôi, cùng lặng lẽ vòng qua hồ nước để đi ra ga. Thật bình yên. Chúng tôi bảo nhau mua cơm hộp để ăn trên đường về. Đêm đó tôi tưởng như mỗi bước đi là một bước tiến tới tương lai.

Ngoảnh đầu lại đã thấy hồ nước bị bao phủ trong màn sương, trông chập chờn mờ ảo.

Cuộc sống vẽ tranh tường của tôi bắt đầu từ tuần kế tiếp.

Tôi ra khỏi nhà vào lúc tám giờ sáng, giống như một người lao động trên công trường xây dựng. Vì tôi thích nhất là ánh nắng buổi sáng.

Tôi hôn lên má Nakajima bấy giờ còn đang ngủ rồi đi thẳng tới địa điểm vẽ tranh.

Ngày đầu tiên, sau khi đã vẽ mấy chú khỉ nghịch ngợm, tôi quyết định vẽ một hồ nước lớn ở vị trí tương đương một phần ba bức tường tính từ mép trái. Tất nhiên, tôi sẽ vẽ cả đàn khỉ ở xung quanh đó nữa. Cây cối, cùng lũ khỉ trầm lặng. Hai anh em nhà khỉ, rồi khỉ mẹ và con trai nó chăm chú nhìn hồ nước.

Tôi thừa hiểu nếu vẽ những thứ ấy, lòng mình sẽ thấy xót xa, nhưng dù thế nào tôi vẫn muốn làm vậy.

“Cô đang vẽ khỉ à?”

Đầu tiên một cô bé đến bắt chuyện với tôi, dần dần những đứa trẻ khác cũng xúm lại. Tôi đã nổi khùng với mấy cậu nhóc định nghịch màu vẽ, sau đó tôi xin lỗi và các chú ta cũng bắt đầu tỏ ra hiểu biết đôi chút. Có một cậu bé hỏi tôi, chắc chắn là đã được cha mẹ và Sayuri mớm lời:

“Nếu có tranh của cô thì ngôi trường sẽ không mất đi phải không ạ?”

Đó là một cậu bé còm nhom, có đôi mắt to và cái mũi tẹt. Cậu ta xưng tên là Yotchan và kể đang theo học một lớp hội thoại Anh văn.

“Dù cho có tranh của cô, nhưng nếu ngôi trường bị đóng cửa thì nó vẫn cứ bị đóng cửa thôi cháu ạ.”

“Thế thì tại sao cô lại vẽ?”

“Vì có chỗ để vẽ và có người nhờ cô. Cháu cũng thích bức tường có nhiều màu sắc, dù không tồn tại lâu, đúng không?”

“Như thế là nghệ thuật hả cô?”

“Rất tiếc là không phải anh bạn ạ. Chỉ là tranh vẽ các chú khỉ thôi.” Tôi cười.

“Cô ơi, mấy chú khỉ này có phải những bóng ma không?” Yotchan hỏi.

Quay sang, tôi thấy Yotchan đang chỉ bốn con khỉ cạnh hồ nước. Tôi mới chỉ vẽ phác, chưa tô màu nên trông gần như trong suốt.

“Không phải đâu, cái đó cô sẽ tô màu sau.”

“Thế ạ, làm cháu giật cả mình.” Yotchan nói.

Trẻ con thật đáng nể, tôi thầm nghĩ. Tôi không hề nghĩ tới việc vẽ ma trong một bức tranh vui vẻ thế này. Tôi vừa tô màu vừa suy nghĩ.

Chỗ hồ nước sẽ nhiều màu sắc nhất nên tôi định tô màu cuối cùng để đảm bảo sự hài hòa, nhưng không thể để chúng là những bóng ma mãi được. Tôi sẽ tô những chú khỉ âm thầm ấy bằng một tông màu không lòe loẹt nhưng vui tươi. Tôi quyết định chọn tông màu hạnh phúc. Tôi sẽ vẽ cả hồng trà. Cả bánh ngọt. Và tô màu thật đẹp xung quanh nàng công chúa cay nghiệt đang ngủ nữa.

Thật bất ngờ là Nakajima không biến mất khỏi căn hộ của tôi, mặc dù hàng ngày vì việc vẽ tranh tôi phải vắng nhà trong suốt khoảng thời gian còn trông thấy mặt trời.

Không hiểu sao, ở đâu đó trong ý nghĩ, tôi luôn cảm thấy hắn sẽ bốc hơi khi dự án tranh tường của tôi bắt đầu.

Đã nhiều lần tôi ngồi phắt dậy vì mơ thấy điều ấy. Tôi ngạc nhiên bởi mình khóc. Giấc mơ như thế này: Tôi về đến nhà thì Nakajima không còn đó, đồ đạc cũng biến mất. Tôi cuống quýt chạy tới bên cửa sổ, mở ra xem nhưng chỉ thấy căn hộ của Nakajima tối om. Chẳng còn một dấu tích nào cho thấy Nakajima đã thực sự tồn tại. Và giấc mơ dừng lại ở đó…

Lần nào tôi cũng khẳng định với mình bằng một giấc mơ đau buồn, rằng chẳng có gì là lạ nếu chuyện đó xảy ra ngay lúc này.

Tuy nhiên, cứ hết một ngày mệt nhọc trở về nhà, vẫn thấy Nakajima như bình thường.

Thậm chí có lần hắn còn đang nấu cơm cho tôi.

Cũng có khi hắn đang ngủ vì học hành căng thẳng, bên cạnh luôn chất hàng chồng sách khó nhằn về sinh hóa hay kỹ thuật di truyền, trên đó dán phất phơ rất nhiều mảnh giấy nhớ.

Những ngày tháng không có gì là chắc chắn của hai chúng tôi. Duy chỉ có một điều chắc chắn, ấy là Nakajima vẫn ở nhà và đang sống.

Một buổi chiều muộn, trở về nhà, tôi thấy Nakajima đang nằm ngủ và ngáy o o.

Chiếc PowerBook vẫn để mở trên bàn nên chắc là hắn đã ngủ quên đây mà, nghĩ thế, tôi định nhẹ nhàng đắp chăn cho hắn thì phát hiện ra.

Nakajima đang kẹp dưới nách một vật gì đó. Một vật cứng hình vuông, màu bạc.

Rất lấy làm lạ nên lúc đầu tôi không sao hiểu được đó cái gì. Không, không hẳn vậy. Thật ra thì mặc dù biết nó là cái gì nhưng trong đầu tôi vẫn không chịu chấp nhận. Nó quá lạc lõng với xung quanh khiến tôi cảm thấy có cái gì siêu thực.

Đúng, đó là một cái vỉ nướng bánh dầy đã cũ.

Tôi hơi sợ. Vì không hiểu ý nghĩa của nó.

Rồi tôi lại nghĩ cứ kẹp nguyên như thế mà ngủ thì chắc đau lắm nên định khẽ khàng rút ra, nhưng hắn kẹp chặt kinh khủng, giống như bọn trẻ con thường hay kẹp nhiệt kế vào nách với lực mạnh hơn mức cần thiết, đến nỗi không thể rút ra nổi nếu không đánh thức hắn dậy.

Nhờ vậy mà tôi lờ mờ hiểu rằng, đây là một vật vô cùng quan trọng đối với hắn, nhưng linh cảm dị thường vẫn cứ lắng sâu ở trong tôi.

Liệu mình có nên hỏi về việc này khi hắn tỉnh dậy không?

Tôi tự hỏi mình, một cách nghiêm túc.

Tất nhiên mình cũng không thể giả vờ không biết được, tôi tự nhủ. Bởi vì đây là nhà mình. Hay là mình nên đi ra chỗ khác lúc hắn thức giấc? Cách này xem ra cũng kỳ quặc.

Và rồi, tôi suy luận đôi chút. Chẳng hạn, hắn không có cảm hứng tình dục với cái gì khác ngoài vỉ nướng bánh dầy thì sao?

Giả sử đúng là có cái khía cạnh ấy trong con người hắn (con người là một cái gì thực sự không hiểu nổi, trước đây tôi từng biết một gã đàn ông chỉ hưng phấn với cá vàng. Anh ta không sao thủ dâm hay làm tình được nếu không nhìn cá vàng), thì liệu tôi có yêu hắn tới mức thật lòng mà bảo rằng: “Ôi dào, chuyện ấy là bình thường” được không?

Tôi không biết. Thành thật mà nói thì câu trả lời là: “Có thể, nhưng tôi chưa yêu hắn tới mức ấy.”

Tôi vẫn đang vắt óc suy nghĩ thì Nakajima bất thần tỉnh giấc.

Hắn ngồi phắt dậy, bộ dạng không đề phòng và vẻ mặt đờ đẫn, nách vẫn kẹp cái vỉ.

“Uống cà phê không?” Tôi hỏi.

“Ồ, Chihiro, đã về rồi à! Hôm qua không chợp mắt tẹo nào nên vừa rồi ngủ quên đi mất.” Nakajima nói.

“Cậu cứ ngủ tiếp đi.” Tôi bảo.

“Thôi, tớ dậy rồi. Cho tớ tách cà phê.”

Nakajima nói rồi bỏ cái vỉ ra khỏi nách như không có chuyện gì. Đoạn hắn ngáp, đờ đẫn nhìn ra phía trước với cái đầu bù xù đúng kiểu vừa ngủ dậy.

Thế rồi, cuối cùng hắn cũng nhận ra tôi đang nhìn chòng chọc vào cái vỉ nướng bánh dầy và ngập ngừng muốn nói, nên cất tiếng.

“Cái này? À, đây là di vật của mẹ tớ. Hễ khi nào cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ là tớ đều kẹp nó vào dưới nách để ngủ.”

“Ra là vậy…”

Nghi vấn được giải quyết một cách quá đơn giản khiến tôi chưng hửng. Tại sao lại là vỉ nướng bánh dầy? Có vẻ như tôi đã để lộ thắc mắc ra mặt. Nakajima giải thích:

“Chẳng có lý do gì ghê gớm cả, đây là vật mà mẹ tớ rất quý, nên tớ mang theo thôi. Vừa mỏng, lại có thể kẹp vào nách. Nghe đâu cái vỉ này được dùng ở nhà tớ từ thời bà ngoại.”

“Không có gì khác nữa à?”

“Giấy tờ thì không ngủ cùng được, đá quý thì không đeo lên người được, thú nhồi bông thì mất vệ sinh, đồng hồ kiểu nữ mà đeo vào thì kỳ cục, nên cái này là phù hợp nhất.”

“Phù hợp á, tại sao? Tớ thấy đau chết đi được.”

“Làm gì đến nỗi. Nó cũng mỏng mà.” Nakajima cười rồi chìa cái vỉ về phía tôi.

“Tớ sờ được không?”

“Được chứ.”

Một cái vỉ nướng bánh dầy thông thường, hình vuông, hơi có vết cháy sạm. Nhẹ, cứng và lạnh.

Việc Nakajima sử dụng nó bình thường như một đồ dùng kiểu bàn chải đánh răng hay dao cạo râu khiến tôi hơi ngạc nhiên. Một hành động dị thường, nhưng bản thân hắn không hề thấy thế.

“Cái chăn Linus của Nakajima cứng quá nhỉ!” Tôi cười.

Nakajima đỏ dừ mặt, hỏi:

“Có phải, tớ đang làm một việc chẳng ai làm và rất đáng xấu hổ?”

Tôi cười trước vẻ đáng yêu trong phản ứng của hắn.

“Không có chuyện đó đâu, ở nhà tớ không tồn tại cái gọi là ‘việc chẳng ai làm và rất đáng xấu hổ’. Vì đây là ở trong nhà.” Tôi bảo hắn.

“May quá. Cứ tưởng mình lại đang làm một việc ngớ ngẩn.”

Nakajima kẹp cái vỉ vào quyển sách với một vẻ nâng niu, nhưng không ngay ngắn.

Còn tôi thì đang hơi ngạc nhiên với câu nói của mình ban nãy. Sao mà giống như đúc cách mẹ hay nói ở quán bar.

“Ở đây không có bất cứ một điều luật nào ngoài yêu cầu ngồi trước quầy và uống cho đàng hoàng. Quý vị nói gì cũng được. Quán không cấm nói ra những điều bình thường không ai nói hay những thứ mà xã hội cho là không tốt. Bởi lẽ chỗ này là nơi mọi người tới, trả tiền để mua sự tự do trong tâm hồn.”

Mẹ thường hay nói vậy.

Mẹ bao giờ cũng nói như vậy với các vị khách mở đầu câu chuyện bằng những kiểu rào đón như: tôi hơi xấu hổ khi phải nói ra điều này, hoặc chuyện này không được hay ho cho lắm…

Tấm lòng cởi mở của mẹ giúp đem đến sự tự do trong tâm hồn của mọi người và của bố.

Ôi, mẹ vẫn còn ở đây, trong lồng ngực này, tôi tự nhủ.

“Này, cho tớ hỏi được không? Cậu biết khi nào mình sắp gặp một giấc mơ đáng sợ à?”

“Ừ, trước khi ngủ mà thấy chóng mặt, nặng đầu thì tớ biết chắc chắn mình sẽ gặp phải một giấc mơ chẳng dễ chịu gì. Tớ nghĩ phần lớn nguyên nhân là do thể trạng, ví dụ mệt mỏi, hoặc huyết áp thấp.” Giọng Nakajima đều đều. “Tớ thì chẳng ôm được mẹ nữa, cũng chẳng thể làm nũng với Chihiro nên đành kẹp cái vỉ vào nách, lúc nào cũng như vậy cả.”

Tôi gật đầu, nhưng lòng rất buồn.

Buổi tối, nhìn bóng lưng Nakajima trong lúc cậu đang đánh răng, tôi đã khóc chút ít. Tôi không cầm được nước mắt khi hình dung ra Nakajima, suốt từ ngày mẹ mất, lần nào buồn bã hoặc sợ hãi cũng kẹp cái vỉ nướng bánh dầy vào nách để ngủ, bình thường như việc “khi sốt thì uống thuốc hạ sốt”, hay “khi nấc cụt liên hồi thì dọa cho giật mình” vậy.

Nhưng khóc cũng có ích gì đâu?

Bởi hắn đã luôn đối diện với nỗi buồn của mình theo một cách hợp lý. Tôi khóc chẳng hóa ra là sỉ nhục hắn vì đã làm thế ư, tôi nhủ thầm.

Nghĩ thế, tôi thôi khóc.

Nhưng nửa đêm, lúc đi vệ sinh, nhìn thấy cái cạnh vỉ kẹp trong quyển sách ánh lên trong bóng tối, tôi lại khóc.

Nakajima đang say giấc.

Tôi chợt ngộ ra. Con người này đâu phải một kẻ dễ dàng lang chạ nhà người khác. Vậy nên, khi làm thế nghĩa là hắn thật lòng.

Tôi cầu nguyện, một cách thành thực, đến độ đầu đau buốt, sao cho tôi, với bản tính còn trẻ con, mà thực tế vẫn là một đứa trẻ, đừng bao giờ gây tổn hại đến niềm tin nơi hắn; và sao cho hắn có thể mãi mãi yên tâm mà ngủ trong ngôi nhà này.

Tranh tường đã xong phần phác thảo, giờ đây là công đoạn tô màu, hình dạng hoàn chỉnh của bức tranh đã hiện ra, không có gì phải phân vân nữa. Việc còn lại chỉ là làm nốt các khâu theo hướng đã định mà thôi.

Hằng ngày, tôi thấy vui khi miệt mài tập trung vào những chuyển động của đôi tay. Đây là công đoạn vui nhất. Khi đích đến đã ở ngay trước mắt, mỗi ngày chỉ cần chồng thêm các lớp màu là lúc mọi thứ cứ thế diễn ra một cách trôi chảy. Hơn nữa, đầu óc không phải suy nghĩ nên có đôi chút rảnh rang để chơi cùng lũ trẻ. Hôm qua, tôi đã để các cô bé tô hộ màu hồng. Tuy sau đó phải khá vất vả để sửa lại những chỗ bị lem ra, nhưng như thế cũng vui vì thời hạn cho tôi còn dài.

Song đôi khi tôi chỉ trơ trọi một mình. Ấy là những lúc rảnh rỗi tới mức tôi chợt nhận ra xung quanh không một bóng người qua lại, vạn vật tĩnh lặng đến diệu kỳ.

Tôi không có nhiều giây phút bình yên một mình, không lũ trẻ, không người phụ tá, không phải băn khoăn về bố cục… vào những lúc như thế, tôi nghĩ gì, như thế nào là điều tôi không muốn bị ai nhìn thấu.

Tôi tựa lưng vào tường, rót chỗ cà phê đã hơi nguội từ bình giữ nhiệt ra cốc.

Cả mông và cổ đều đau. Cánh tay như sắp bị chuột rút đến nơi. Cơ thể cũng tự dưng thấy sởn lạnh khác thường. Suốt thời gian cử động đôi tay, tôi đã không mảy may để ý đến những hiện tượng này. Và khi chợt nhận ra thì đã không còn một ai, bầu trời trải rộng lên cao. Lá cờ trên nóc ngôi trường đằng xa đang bay phần phật, mọi thứ khác dường như lại đứng im.

Những lúc như thế, tôi vừa uống cà phê vừa nghĩ ngợi gì, mang trong lòng nỗi buồn ra sao, là điều tôi muốn được giữ riêng cho mình. Không nói với một ai.

Thường thì tôi tự nhủ: Chà, hôm nay mình đã tiến một bước dài.

“Hôm nay tớ làm canh đậu phụ đấy?”

Về đến nhà thấy Nakajima vẫn thức, đón tôi cùng cái tạp dề. Mùi rong biển ninh kỹ thơm phức trong phòng.

“Nakajima này, trông cậu thế này giống một tay bám váy đàn bà lắm.”

Tôi bảo hắn. Tay và giày vẫn còn dính đủ loại màu vẽ, tôi đặt phịch đống đồ nghề theo đúng phong cách hoang dại của một gã thủy thủ vừa về bến.

“Nếu vậy, nên nói là tớ bám váy một gã đàn ông đang lao động ngoài công trường xây dựng mới phải.” Nakajima đáp trả. “Làm gì có thứ phụ nữ về nhà mà người dính đầy sơn, cơ bắp cuồn cuộn và mặt mũi rám nắng thế kia.”

“Cũng có thể. Trông tớ không giống một cô gái làm nghề tiếp khách nhỉ.” Tôi cười. Trong bộ áo nỉ với quần jean, tóc búi ra sau, khuôn mặt thoa đẫm kem chống nắng của tôi trắng như bị mốc, màu vẽ dính tới tận tất và cánh mũi.

“Tớ cảm thấy sẽ lãng phí rất nhiều thứ nếu chỉ nấu cho một người ăn. Lãng phí nguyên liệu, lãng phí thời gian. Còn nấu cho hai người ăn thì lại khác.” Nakajima nói.

Tôi vào nhà, ngó qua bếp rồi bảo hắn:

“Cảm ơn cậu, ái chà, cậu thái đậu khéo thế!”

Đậu phụ trong xoong được thái vuông vức như căn bằng thước vậy.

Sau khi rửa tay, hai chúng tôi ngồi đối diện nhau ăn canh đậu.

Hồi tôi còn nhỏ, vào giờ này mẹ luôn ở ngoài quán bar; Nakajima thì có vẻ lớn lên trong một gia đình khác thường, thành thử chúng tôi giống như những kẻ đang sao chép cuộc sống của người khác vào trò chơi gia đình vậy. Chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống thế này là chuyện đương nhiên, nên với cả hai đứa bữa tối là khoảng thời gian thật hạnh phúc, tới mức lúc nào cũng thèm khát tự đáy lòng.

“Được ăn canh đậu cùng ai đó thật là tuyệt.” Tôi nói.

“Tớ bảo này.” Nakajima cất tiếng. “Tốt nghiệp xong, dù gì tớ cũng muốn sang Viện Pasteur Paris theo diện học bổng càng sớm càng tốt. Tớ thấy tự tin vì được Chii bảo đảm và có Chihiro ở bên, nên đột nhiên nảy ra ý định ấy. Khả năng là sẽ lấy được bằng tiến sĩ, nên tớ đã quy 35e3 t định nộp hồ sơ. Tất nhiên còn phải nộp cả thư giới thiệu, luận án, tóm tắt nghiên cứu, và phải vượt qua đợt sát hạch nữa, nhưng tớ tìm hiểu rồi, nghe đâu viện đó liên kết với một quỹ của Nhật Bản nên chương trình tương đối dễ dàng. Giả sử năm nay không đỗ thì năm sau thi lại, còn nếu đỗ, tớ nghĩ chắc chắn sẽ phải sang Paris nửa năm.”

Trước khi buồn, tôi thấy mừng cho Nakajima. Hắn chẳng thể làm gì ngoài những việc mình thích, nên như thế sẽ tốt hơn.

“Chihiro thì định thế nào?”

“Định thế nào là thế nào?” Tôi hỏi lại. “Tớ chả hứng thú gì với Pasteur. Nếu buộc phải kể ra một vài chuyện thì tớ chỉ biết ông ta đã làm gì đó với lũ tằm và sáng chế ra vắc xin bệnh dại mà thôi. Với lại, mộ ông ta nằm ngay bên dưới viện nghiên cứu thì phải?”

“Biết cả những chuyện kỳ quặc như thế thì cũng đáng nể đấy.”

“Tớ xem trên ti vi thôi. Trong chương trình phim tài liệu của NHK.”

“Vậy à. Mà nói chung, Chihiro không quan tâm tới việc tớ đang học ngành gì, ở khoa nào thuộc trường nào phải không?”

“Không quan tâm lắm. Thì cậu bảo, nghe xong rồi tớ cũng có nhớ được đâu. Hình như cậu nói với tớ về AND hay là bản đồ gien người gì đó đúng không? Rồi, thuộc ngành y nhưng không phải để trở thành bác sĩ? Rồi, mặc dù là nhà nghiên cứu nhưng chẳng liên quan gì đến aji-no-moto hay men bia? Hay là cám gạo gì đó.”

“Ừ thì đúng là như vậy. Nhưng nghe Chihiro nói, tớ mới hiểu kiến thức của một người bình thường lệch lạc tới mức nào.”

“Tớ chả nghĩ thế.”

“Cậu thực sự chẳng hề quan tâm, đúng là như vậy.”

“Nhưng mà này, tớ vẫn nhớ cậu bảo cậu từng muốn nghiên cứu tảo lam đấy nhé. Tức là ban đầu cậu vào Khoa Nông nghiệp chứ gì?”

“Không phải tớ quan tâm tới việc nghiên cứu tảo lam, mà là các thí nghiệm có sử dụng tảo lam. Tức là nghiên cứu điều kiện để nuôi khuẩn hoặc cấy gien. Và vốn dĩ tớ không ở Khoa Nông nghiệp, cũng có thể ngày xưa nó được gọi như thế, mà chính xác là Khoa Tài nguyên Sinh vật, một bộ môn về khoa học sự sống. Hoàn toàn khác nhau phải không nào? Còn bây giờ, tớ đang ở Bộ môn Nghiên cứu thuộc Khoa Y học.”

“Những thứ ấy làm sao tớ nhớ được. Nhắc đến tảo lam thì tớ hình dung ra khoa nông nghiệp chứ gì nữa. Thế còn cậu, cậu có quan tâm xem tớ đã học ở khoa nào không?”

“Bộ môn Trình diễn và Thiết kế Không gian, Khoa Cao đẳng, trường Đại học Nghệ thuật N chứ gì? Cậu theo chuyên ngành thiết kế nghệ thuật đúng chưa? Chứ không phải ngành thiết kế trưng bày.”

“Tớ khâm phục đấy, cậu nhớ ngay cả những thứ tớ đã quên.”

“Thường thì, đã nghe một lần là tớ không bao giờ quên.”

“Thôi được rồi, lúc nãy mình đang nói gì nhỉ? Cậu bảo tớ định thế nào, nhưng về cái gì?”

“Ở Paris chắc chắn có rất nhiều trường mỹ thuật đúng không?” Nakajima nói.

“Có chứ sao.”

“Mà thời gian thì những nửa năm hoặc một năm cơ mà.”

“Thì đúng là như thế.”

“Đi đi. Đi với tớ. Tớ đã quyết định sẽ sống thế này cả đời với Chihiro.” Nakajima nói.

“Cậu bảo đã quyết định, ý là sao? Cầu hôn tớ à?”

Ôi trời, sao mà nặng nề. Tôi hỏi, trong lúc tự nhủ: chả có gì vui sướng.

Nakajima lắc đầu một cách lịch sự, rồi dứt khoát nói, “Không phải.”

“Thế thì là gì?”

Tôi hỏi, thì Nakajima trả lời:

“Chỉ đơn giản là sự tất yếu. Vì tớ không thể sống cùng ai khác ngoài Chihiro. Và vì tớ chán phải sống một mình rồi. Chán phải kẹp cái vỉ nướng bánh dầy và ngủ một mình rồi. Từ khi không còn ở một mình, tớ chẳng thể nào quay trở lại cuộc sống cũ được nữa.”

“Nếu mọi việc đều đâu vào đấy như thế thì còn gì là thú vị cơ chứ.” Tôi nói. “Paris à, tớ cũng muốn đi thử, chỉ tiếc là, tớ cảm thấy công việc lúc này đang thú vị.”

“Nhưng công việc tiếp theo vẫn chưa chính thức quyết định mà?” Nakajima nói.

“Ừ, chỉ là có một vài nơi đang đánh tiếng. Và hình như họ cũng không vội.”

“Vậy thì còn vấn đề gì nữa nào. Tại sao cậu lại cứ phải ở Nhật Bản vào thời kỳ này trong độ tuổi này cơ chứ?” Nakajima nói.

Đúng là như vậy. Không phải tôi có hứng thú đặc biệt gì với Paris, nhưng dù sao tôi cũng muốn bỏ ra vài ngày để xem từ đầu này đến đầu kia Bảo tàng Louvre mà hồi đi cùng mẹ tôi chỉ có một giờ đồng hồ để ngắm nghía, vả lại tôi còn chưa được tới Cung điện Versailles.

Và hơn hết, vì mẹ đã mất nên tôi chẳng còn bất cứ lý do gì để buộc phải ở Nhật Bản vào lúc này.

Nghĩ thế, tôi đột nhiên rơi vào tâm trạng buồn bã.

Ước gì mẹ vẫn còn sống để níu giữ tôi. Ước gì mẹ làm mặt khó dễ bảo tôi rằng: nước ngoài xa xôi lắm, mẹ chỉ sợ không gặp được con. Tôi muốn nghe mẹ nói thế. Nhưng tất thảy những điều ấy giờ không còn nữa.

“Cái đó cũng không sai.”

“Lối suy nghĩ của cậu là lối suy nghĩ đặc trưng của một kẻ luôn cho rằng nhà mình lúc nào cũng chỉ ở nguyên một chỗ…”

Đang định nói ra điều gì đó có vẻ rất đáng sợ thì Nakajima im bặt. Kiểu im lặng ý chừng muốn bảo: “Tớ không thể nói thêm và cũng không thèm nói nữa”, mà dạo gần đây tôi đã dần quen. Tôi chẳng có căn cứ gì rõ ràng mà chỉ cảm nhận được một cách đại thể là như vậy.

Một lát sau, Nakajima cất tiếng:

“Chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều nếu tụi mình cùng chia phòng, cùng góp gạo thổi cơm chung. Tớ sẽ chi trả những phần ngoài khả năng của cậu, không nhất thiết cái gì cũng phải cắn đồng tiền vỡ đôi đâu, vì tớ là người đề cập đến chuyện này trước.”

“Ồ, lâu rồi tớ mới nghe thấy câu ‘cắn đồng tiền vỡ đôi’ đấy.” Tôi thốt ra một câu chẳng ăn nhập gì, đoạn tiếp tục, “Tớ nghĩ là mình đi được, vì dù gì cũng có tiền của mẹ để lại. Bố chắc cũng sẽ cho tớ kha khá.”

Nakajima gật đầu, rồi nói:

“Còn điều này nữa, cái quán của mẹ Chihiro ấy, sau khi mẹ cậu mất nó được coi như phần tài sản nằm trong tay bố cậu đúng không? Xin bố cậu một chút tiền gọi là, như thế đâu có là gì không chính đáng nào. Đôi khi, nhận những thứ có thể nhận được cũng là cách thể hiện tình yêu mà.”

Về điều này, hắn cũng đúng. Tôi đã cố gắng không ngưng để loại bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi đầu.

“Nói cách khác, tớ cho rằng Chihiro quá đại khái về chuyện tiền nong.”

Tôi mỉm cười, vui vui vì được Nakajima thuyết giáo về thực tế.

Gần đây, lời lẽ của Nakajima đã bắt đầu tuôn ra từ sâu bên trong hắn. Tôi thấy sung sướng vì điều ấy và bởi thế, tôi sẵn sàng làm mọi thứ.

Ngay cả việc tới gặp bố và mỉm cười với bố, tôi cũng sẵn lòng.

Một buổi chiều nọ, Yotchan - đã hoàn toàn trở nên thân thiết với tôi - cùng cô bạn thân Mikichan đem tới cho tôi ít quà vặt gồm bánh gạo, khoai tây chiên và sô cô la.

“Cô sắp tô hết màu rồi, không còn giống ma nữa đúng không?” Tôi hỏi.

Bức tranh đã xong hầu hết, hằng ngày tôi ngắm nghĩa, rồi thêm màu chỗ này sửa lại chỗ kia sao cho hài hòa. Đây là công đoạn mà tất cả mọi thứ đang dần thu lại thành một thế giới.

“Vẫn giống ma, trông chúng có vẻ buồn bã.” Yotchan nói.

“Cậu đừng nói thế, tớ sợ lắm.” Mikichan bảo. “Tớ ghét ma.”

“Cháu ghét cả khỉ à?” Tôi hỏi.

Trong lúc ấy, tôi tự hỏi: ngay cả khi đã tô màu mà sự cô độc của những con người ấy vẫn hiện ra trên tranh ư?

“Vâng.”

“Tớ còn chưa nhìn thấy hồ bao giờ.” Yotchan nói.

“Tớ thì thấy rồi. Hồ Ashi-no-ko.” Mikichan nói.

Tôi lắng nghe vì cảm thấy cuộc đối thoại giữa chúng thật mới lạ. Tôi cũng nghĩ: không được rồi, những con người đó trông vẫn giống ma. Bọn trẻ sẽ nhận ra ngay rằng có điểm khác thường so với những con khỉ khác. Nhưng nếu thực sự toát lên được điều đó thì tranh tôi đâu đến nỗi bỏ đi…

Sau đó, hai đứa trẻ chuyển sang đề tài về ti vi, tôi tiếp tục tô màu. Nói rằng chúng quấy rầy tôi hoặc khiến tôi hạnh phúc đều đúng cả.

Ngoảnh đầu lại, tôi thấy bọn trẻ đang ngồi xổm, vừa nói chuyện vừa ăn chỗ bánh mình mang đến và màn thầu được Sayuri cho lúc trước. Còn tôi, vừa uống trà thảo dược nóng từ bình giữ nhiệt, vừa ngẫm nghĩ xem có thể đưa được vào tranh cái gì trong số những tia sáng đầy màu sắc đang ánh lên từ câu chuyện của bọn trẻ hay không.

Ngồi bệt xuống nền đất thì lạnh mông, hơn nữa bả vai cũng đã ê ấm do phải giơ tay suốt một lúc lâu, nhưng tôi không thể dừng vẽ.

Vừa tô xong màu này, một màu khác đã lại hiện ra trước mắt, tôi mải mê đuổi theo chúng cho tới khi mặt trời tắt nắng và không thể vẽ thêm được nữa, người tôi mệt nhừ nên chắc sẽ ngủ ngon.

Khi nghĩ đến chuyện về nhà, hình ảnh đầu tiên hiện lên là Nakajima. Hình ảnh Nakajima ở nhà tôi, lúc nào cũng miệt mài học bất kể tôi có mặt hay không. Có lẽ hắn muốn được ở bên tôi. Phải rồi, hắn sang nhà tôi nghĩa là muốn ở lại với tôi. Liệu còn người nào mà tôi có thể tin cậy nhiều hơn thế này không?

Nơi có con người ấy chính là nơi tôi trở về. Nhờ hắn mà cả ngày tôi không phải suy tư, về những chuyện như là tới đây mình sẽ phải làm thế nào.

Rốt cuộc bọn trẻ cũng ra về. Hôm nay làm được đến đây thật không tồi, tôi đang tự nhủ nhân lúc nghỉ giải lao thì thấy Sayuri bước về phía mình với vẻ mặt không vui.

Ban nãy khi đi ngang qua chỗ tôi, cô còn tươi cười vẫy tay cơ mà, chắc là đã có chuyện gì rồi đây, nghĩ thế nên tôi đứng đợi.

“Nhờ cậu một chút được không Chihiro?” Cô nói.

“Xem chừng không phải là tin tốt lành?”

Tôi hỏi, thầm suy đoán: mặc dù dự án vẽ tranh đang được tiến hành, người ta vẫn quyết định phá đi để xây lại.

Nhưng hóa ra là một vấn đề hơi tế nhị, khiến tôi phải cân nhắc đôi chút.

“Chuyện là thế này, thị trưởng gọi điện cho tớ, bảo là đã có nhà tài trợ.”

“Sao cơ, không phải dự án này là do chính thành phố tài trợ à?”

“Không, qua trao đổi, tớ được biết nhà tài trợ sẽ chi trả toàn bộ kinh phí, họ nói miễn sao việc đó góp phần tiếp thêm sức sống cho thành phố.”

“Thế là sao nhỉ, họ đâu cần phải làm thế lúc này?”

Tôi nói. Sayuri gật đầu.

“Bù lại, họ hỏi có thể đưa biểu tượng của công ty vào tranh, càng to càng tốt, được không. Cái biểu tượng trên nóc nhà máy sản xuất thạch Konjac to đùng ở gần lối vào đường cao tốc ấy.”

Sayuri đưa tôi xem một biểu tượng xám xịt kỳ quặc được phối màu chả ra làm sao, hình ảnh chính là miếng thạch Konjac có mắt và mũi.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/80374


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận