Một bé gái trong tình trạng suy kiệt từ tinh thần đến thể xác được đưa về nhà chúng tôi vào tháng 3 năm 2002. Đó là bé Lý, mới ba tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ của bé ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh AIDS, để lại bé Lý với vi rút HIV trong người.
Anh Hùng thấy bé còn quá nhỏ, sợ tôi chăm sóc không nổi nên đắn đo. Tôi phải khẳng định với anh là tôi chăm sóc bé được. Cũng may lúc đó có cha Linh. Anh Hùng và tôi cùng xin ý kiến, cha Linh đồng ý nhận bé Lý vào nhà Hy Vọng. Từ đó trong nhà có tiếng cười đùa của trẻ thơ. Lần đầu tiên, tôi có được một đứa bé để săn sóc, lại là bé gái mang quá nhiều thứ bệnh trong người. Tôi lúng túng chưa biết phải làm sao. Từ việc cho uống thuốc, cho ăn, cho ngủ, tắm rửa… tôi đều đi hỏi những chị bạn đã từng làm mẹ hoặc mua sách về để học cách nuôi trẻ nhỏ. Thực tình mà nói, chăm sóc những đứa trẻ như thế này không đơn giản như tôi tưởng. Mỗi lần bé Lý bệnh, tôi đều đến gặp các sơ người Pháp để xin thuốc cho bé uống. Tôi xin được thuốc AZT nước[1] và thuốc viên khác cho bé Lý và các em trong nhà. Các sơ cho thuốc được bốn tháng thì bé Lý bớt bệnh. Sức khỏe bé phục hồi phần nào qua sự chăm sóc của tôi và các em lớn trong nhà. Bé lên cân khá nhanh, nhưng nhút nhát và rất ít nói.
Tôi còn nhớ như in. Hôm đó, có phái đoàn người Nhật đến thăm nhà Hy vọng của chúng tôi. Nhìn bé Lý, họ thích lắm. Họ bồng bế và hỏi chuyện em, dĩ nhiên là có phiên dịch. Họ hỏi em: “Bây giờ con thích điều gì?”. Bé từ từ trả lời, chậm rãi và nhỏ nhẹ: “Con muốn về thắp nhang cho mẹ con”. Tôi rớt nước mắt. Tôi thật sự bất ngờ và không thể hình dung một bé gái nhút nhát mà đã mang một tâm sự như vậy. Lúc đó, bé Lý mới 5 tuổi.
Rồi bé Lý cũng đủ tuổi đến trường. Chúng tôi lại đắn đo suy nghĩ tìm trường cho bé đi học. Nếu trường bình thường thì ngộ nhỡ trong lúc chơi đùa, bé bị trầy xước thì sao? Liệu có ảnh hưởng gì tới những bé khác không? Còn nếu báo cho cô giáo biết bệnh của bé, liệu cô có chấp nhận bé không? Bé có bị phân biệt đối xử không?... Tôi sợ bé sẽ bị tổn thương thêm lần nữa bởi sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Mà nếu để bé học tại nhà, bé không thể nào phát triển đầy đủ như các bạn cùng tuổi được. Tính tới tính lui vẫn chưa có cách nào ổn. Thật nhức cả đầu.
Cuối cùng, tôi qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gặp anh Cường, phòng Xã hội xin giúp đỡ cho bé được lên Trung tâm Tam Bình học. Anh Cường hướng dẫn tôi về lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương xin xác nhận lý lịch vì bé từng ở xã An Tây, và xác nhận là bố mẹ bé đã mất. Tôi và cô Phương tình nguyện viên của chương trình cùng đi. Nhưng đến nơi thì được cán bộ ở đây trả lời rằng giấy xác nhận của công an xã An Tây không hiệu quả, phải có giấy xác nhận của công an huyện Bến Cát nữa mới được. Tôi giải thích và năn nỉ họ xác nhận giùm để tôi có thể cho bé Lý đi học. Năn nỉ cỡ nào cũng không được, tôi và Phương đành quay về. Chúng tôi ngược về xã An Tây tìm gia đình bé Lý. Đến trạm xá xã thì thấy cửa đóng. Đến công an xã cũng thấy cửa đóng vì là giờ nghỉ trưa. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi thăm nhà của bé.
Trời nắng chang chang, vừa đói vừa khát, chúng tôi ghé quán nước bên đường và hỏi thăm nhà trưởng công an. Chị bán hàng tốt bụng chỉ cho chúng tôi đến đám cưới cách quán của chị khoảng hai - ba cây số để tìm. Trưởng công an xã đang ăn cưới tại đó. Đến đám cưới, tôi hỏi thăm. Các anh xe ôm hỏi chúng tôi tìm công an có việc gì. Tôi nói tôi từ thành phố Hồ Chí Minh đến đây tìm anh công an xã có việc cần. Anh xe ôm sốt sắng: “Chị đứng đây đợi chút, tui đi kêu ổng giùm cho”. Lát sau, một người đàn ông có gương mặt thật phúc hậu bước ra. Sau khi giới thiệu tên nhau và mục đích chúng tôi tìm anh, tôi nhờ anh chỉ giùm nhà bé Lý. Anh nhận ra ngay bé và nói: “Hồi đó tôi thường xuyên lo cho má nó lúc bệnh đau”. Anh hỏi bé Lý: “Con nhớ chú không?”. Bé cười tủm tỉm, không nói gì. Từ giã anh công an xã, chúng tôi tìm đường vào nhà bé. Đi một đoạn ngừng lại hỏi thăm tên mẹ của bé. Thật xót xa khi hỏi đến tên mẹ bé, người dân địa phương đều nói: “Bà Hòa hả? Bị si đa chết để lại đứa con gái mấy tuổi cũng bị si đa chớ gì? Mấy chị đi qua vài căn nhà nữa là đến”.
Chúng tôi tiếp tục đi thêm gần cây số, ngừng lại hỏi thăm bà cụ đang quét sân: “Bà ơi cho cháu hỏi…”. Bà ngước lên nhìn. Bỗng bà reo lên mừng rỡ: “Con Lý… Tèo ơi, con Lý về nè. Mèn ơi, con nhỏ bây giờ lớn bộn, đẹp gái nữa chứ”. Rồi bà hỏi tôi: “Mấy cô là bà con của mẹ nó à?”. Tôi đáp: “Dạ, tụi cháu là người chăm sóc bé Lý. Tụi cháu làm công tác xã hội, chứ không có bà con gì với mẹ của bé. Hôm nay tụi cháu về đây để tìm hiểu hoàn cảnh của bé Lý và cho bé thăm mộ mẹ”. Bà nhìn tôi vẻ lạ lùng. Tôi phải giải thích để bà cụ hiểu rằng chúng tôi chỉ là những người giúp đỡ bé Lý thôi và xin bà chỉ giùm nhà của bé. Bà nói: “Từ lúc mẹ nó chết, căn nhà không ai quét dọn. Tụi tui khóa cửa giữ giùm. Đó, căn nhà ở sát mé rừng cao su đó! Mấy cô đi theo đường mòn phía sau chuồng heo này một hồi là tới. Để tui biểu thằng nhỏ đi lấy chìa khóa xuống mở cửa cho mấy cô. Tội nghiệp lắm mấy cô ơi! Lúc mẹ nó bệnh có ai là người thân bên cạnh đâu cô, chỉ có con nhỏ bạn cùng quê đi chung vào đây là thường lui tới chăm lo cơm nước giùm thôi. Sau ông ngoại con Lý từ Nghệ An vào chăm sóc được mấy ngày là mẹ con Lý chết. Chôn cất mẹ con Lý xong ổng trốn về Bắc luôn, bỏ lại con Lý ở đây. Mà con nhỏ này cũng có phước, được mấy cô nuôi dưỡng giùm, chớ tụi tui ở đây nghèo rớt mồng tơi, lấy gì mà nuôi nó”.
Tôi, Minh Phương, bé Lý đi theo thằng bé. Vừa qua những lối mòn xuống mé rừng cao su đã thấy căn nhà bé tẹo nằm cô đơn giữa rừng. Bé Lý reo lên: “Nhà con đó má! Mẹ con nằm ở phía sau nhà”. Trong nhà bụi phủ và mạng nhện giăng đầy. Trên bàn thờ, di ảnh mẹ bé Lý như vui mừng khi thấy con mình về thăm. Tôi đốt nén nhang đưa cho bé Lý cắm lên bàn thờ. Tôi quét dọn căn nhà trống không. Chỉ có mỗi cái giường ọp ẹp lúc còn sống hai mẹ con nằm, vài cái nồi lăn lóc nơi góc nhà. Tôi tìm được một chiếc bình để cắm hoa và đặt ít trái cây để lên bàn thờ đốt nhang khấn: “Nếu linh hồn chị linh thiêng, chị hãy phù hộ cho bé Lý của chị có được sức khỏe”. Khấn xong, chúng tôi ra về.
Hôm sau, tôi đi gặp anh Cường, Phòng Xã hội của Sở, báo cho anh biết là sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Bình Dương khước từ việc xác nhận bé Lý mồ côi. Họ còn nói chỉ có xác nhận của công an xã chưa đủ, phải có xác nhận của công an huyện nữa mới được. Anh Cường nói: “Thôi, chị cứ để đó tôi lo cho”. Tôi xin anh Cường giúp sớm sớm một chút vì đã trễ niên học khá lâu rồi. Gần ba tháng sau, bé Lý mới được đi học tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhiễm HIV ở Tam Bình, Thủ Đức. Vì đường quá xa nên tôi xin cho bé Lý học nội trú, cuối tuần mới rước về chơi với các anh trong nhà Hy Vọng. Rồi ngày Thanh Minh đã tới. Nhớ lời hứa với bé, tôi thuê xe cho cả nhà cùng đi tảo mộ mẹ của bé ở Bình Dương. Tiền thuê xe, mua hoa quả để thăm mộ đều là tiền túi của cá nhân. Cả nhà chúng tôi đi, các em xúm nhau dọn sạch cỏ quanh ngôi mộ của mẹ bé Lý. Trở về nhà, bé Lý thỏ thẻ với em Nam: “Anh Nam biết không, hồi mẹ em còn sống mẹ thường đi vào rừng kiếm củi bỏ em ở nhà có một mình. Mẹ đi tới tối cũng chưa về. Em đi vào rừng tìm mẹ, nhưng mẹ về nhà trước em. Thấy không có em ở nhà, mẹ lại đi vào rừng dẫn em về. Mẹ cột em vào gốc cây cao su cho kiến cắn”. Kể xong, bé còn nói: “Mai mốt bé Lý lỳ, anh Nam nói với má Tâm không đánh đòn bé Lý nữa mà cột bé Lý ngoài gốc cây xoài nhà ông Bảy nha!”. Nghe hai anh em nói chuyện, tôi cười thầm: “Con bé khôn trước tuổi”.
Cho bạn, cho tôi
Năm 2004 là năm mà con số bệnh nhân HIV bắt đầu chuyển qua giai đoạn AIDS nhiều nhất, tính đến thời điểm đó. Đa số những người bệnh ấy ra đi trong cảnh nghèo đói và bị phân biệt đối xử. Họ chết dần mòn trong đau đớn vì thiếu sự chăm sóc của người thân và thiếu cả thuốc men cho các bệnh cơ hội. Dù có nhiều tổ chức, nhiều y, bác sĩ tự nguyện khám chữa bệnh miễn phí, nhưng khả năng của họ cũng chỉ có giới hạn. Các anh chị, các em bị AIDS giai đoạn cuối thường phải nằm ở vỉa hè, miếu hoang. Tất cả đều đói ăn, đói thuốc. Mà họ biết dựa vào đâu để xin chứ?
Thế là tôi cùng nhóm tự nguyện đứng ra làm cầu nối. Tôi đi gặp các ân nhân thân hữu từng quen biết để xin giúp đỡ cho bệnh nhân khi vài hộp sữa, lúc dăm bịch cháo và đưa người bệnh đến y, bác sĩ để được giúp đỡ khám chữa bệnh miễn phí.
Nhớ lần tôi tiếp cận chị Hoa ở khu vực Phường 5, Quận Gò Vấp. Khi chúng tôi đến chăm sóc, chị đang trong tình trạng suy kiệt nặng và nằm một mình tại ngôi miếu hoang. Chị nằm đó vì sự phân biệt đối xử của người thân và cộng đồng. Chứng kiến cảnh người dân đi ngang qua chỗ chị nằm đều né tránh vì sợ bị lây, tôi lập tức nói cho mọi người ở đây hiểu rõ những đường lây và không lây của HIV. Tôi phát những tờ bướm truyền thông cho họ đọc, song cũng không thay đổi được thái độ của cộng đồng nơi chị từng sinh sống hàng mấy chục năm qua. Sự kỳ thị trầm trọng của cộng đồng làm cho chị không thiết sống nữa. Chị bình thản chấp nhận số phận, không ngại sự phân biệt đối xử của họ hàng, người thân và cộng đồng. Chị đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình...
Được tin chị mất lúc 15 giờ chiều nhưng nhóm tôi không thể đến được. Mãi 21 giờ tối, tôi, chị Huệ và Ngọc mới đến với chị lần cuối lúc trời đang mưa. Thật không thể nào ngờ được, chị vẫn còn nằm trong ngôi miếu hoang! Xác chị ướt sũng vì mưa dột, không ai dám đến gần để tắm rửa cho chị. Người chị ruột của chị hơn bảy mươi tuổi đứng cạnh đó lặng lẽ khóc …
Tháng 9 năm 2004, tôi được Sở Y tế Lạng Sơn mời đi tập huấn cho nhóm đồng đẳng ở đây. Ra đến đó, tôi thật sự bất ngờ vì các em ở đây còn quá trẻ, trẻ hơn hình dung của tôi rất nhiều. Những anh chị em ở đây mới mười tám, đôi mươi đã có HIV trong người. Những đứa bé con của các cặp vợ chồng mười bảy, mười tám tuổi cũng bị lây truyền “căn bệnh thế kỷ” từ mẹ chúng. Những đứa bé thơ ngây ngước đôi mắt xoe tròn khi tôi đưa tay bế trong giờ giải lao của lớp tập huấn. Rồi các bé thơ này sẽ không có được tuổi thơ thật sự mà đáng ra chúng phải có!
Trong giờ học, tôi chia sẻ hết những kinh nghiệm mà tôi có được để cho các anh chị em trong lớp học hiểu rằng người nghiện vẫn từ bỏ được ma túy nếu quyết tâm, làm nghề mại dâm vẫn hoàn lương được nếu như chúng ta thực sự muốn sống tốt. Tôi cũng nói rõ về bản thân mình cho các anh chị ở Lạng Sơn biết. Sự cố gắng của tôi đã được xã hội quan tâm hỗ trợ. Tôi đã thể hiện sự cố gắng ấy bằng công việc thực tế hàng ngày, bằng những nỗ lực thật sự muốn vươn lên để làm một con người bình thường trong xã hội. Còn quá khứ, tôi xếp vào một góc, thỉnh thoảng nhìn lại để không phải vấp ngã thêm một lần nào nữa trong phần đời còn lại của tôi.
Trong lớp tập huấn có người tin tôi cùng hoàn cảnh, có người không tin vì nghe giám đốc Sở Y tế giới thiệu chúng tôi là “hai cán bộ của thành phố Hồ Chí Minh”. Tôi lại giải thích, chỉ có chị Huệ là cán bộ, còn tôi cũng như các anh các chị thôi, tôi là giáo dục viên đồng đẳng. Tôi nói các anh chị còn may mắn hơn tôi trong cuộc đời, bởi các anh chị còn có gia đình, bố mẹ yêu thương chăm sóc, động viên khuyên nhủ, còn tôi chỉ có cộng đồng, xã hội quan tâm. Tôi muốn chia sẻ với tất cả những anh chị em từng có hoàn cảnh giống tôi, từng một thời sa đọa, trụy lạc trong vũng lầy nhơ nhớp. Tôi kể một hơi về quá khứ của tôi cho tất cả anh chị em tham dự nghe. Mọi người mới thấy thấm thía và bắt đầu tham gia khóa tập huấn một cách tích cực. Sau những buổi tập huấn, các anh chị thường rủ tôi đến nhà cho biết cuộc sống của họ. Tôi cũng kể cho các anh chị ấy nghe rằng đây không phải là lần đầu tiên tôi đi tập huấn về giáo dục đồng đẳng cho những người mại dâm, ma túy, mà tôi đã đi rất nhiều nơi trong cả nước. Và giờ đây, các anh chị nhóm đồng đẳng ấy đã làm được nhiều việc cho địa phương của mình.
Điển hình là nhóm đồng đẳng của Hà Tĩnh. Sau khi chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn ấy trong năm ngày tập huấn, bây giờ các bạn ấy đã làm được rất nhiều việc cho những người cùng cảnh ngộ. Các bạn ấy đã giúp cho bạn mình cai nghiện ma túy. Kết quả tuy chưa nhiều nhưng ít ra đã làm được những việc có ích và chính quyền địa phương thấy được sự nỗ lực của nhóm đồng đẳng. Họ đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các bạn đồng đẳng làm công tác tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV ở nhóm người có nguy cơ cao. Ngoài Hà Tĩnh còn có nhiều tỉnh thành khác như Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Nha Trang…
Tôi kể một hơi về những nơi tôi đã huấn luyện nhóm đồng đẳng, họ đã tự tin và sống tốt, họ cũng nói về quá khứ của mình cho mọi người biết. Ở thành phố Lạng Sơn này, tôi tin là các bạn sẽ làm được như tôi, như các bạn ở các tỉnh thành khác. Nếu các bạn có quyết tâm cai nghiện ma túy, quyết tâm thay đổi cuộc sống thì tôi tin rằng không một ai trong xã hội từ bỏ các bạn.
Hiền, cô bé làm mẹ ở tuổi mười bảy, lên tiếng: “Em rất thích làm công việc giống như chị. Nhưng chị thấy rồi đấy, ở đây bọn em bị phân biệt đối xử rất rõ. Vậy ai sẽ giúp bọn em đây?”. Tôi đáp: “Mình phải tự giúp mình trước đã, như thế mới có thể lấy lại niềm tin của mọi người trong xã hội. Phải cố gắng làm lại từ đầu em à. Hiền còn rất trẻ, chị tin rằng em thừa khả năng để xây dựng cho mình một tương lai. Vả lại, nhiễm HIV không phải là chấm hết. Chỉ cần em quyết tâm sống tốt để nuôi con trai mình thì chị tin là em sẽ làm được. Vì tương lai của mình do mình quyết định. Khi bạn bè rủ em chích lại, em phải có cách từ chối nếu thật sự em không muốn xa con trai mình quá sớm. Còn việc làm? Chỉ cần em chịu khó ngồi bán sữa đậu nành, tiền lời tuy không nhiều như em kiếm được mỗi lần đi khách, nhưng hai mẹ con dư sức sống qua ngày, khỏi phải đêm đêm đứng lề đường, khỏi sợ bị bắt bỏ con không ai nuôi. Đây là lời chân tình chị chia sẻ với em. Ít nhiều gì chị cũng từng trải qua con đường mà em đang đi bây giờ, cũng từng bị bầm dập thể xác để kiếm được đồng tiền, cuối cùng không dư được đồng xu, chỉ để lại những bệnh hoạn, khổ đau mà thôi”.
Rồi những ngày tập huấn cho các bạn ở Lạng Sơn cũng hết. Trở về thành phố, tôi cứ suy nghĩ mãi về các bạn ở tận miền rừng núi xa xôi đó. Làm thế nào để giúp các bạn trẻ ấy bỏ ma túy, rời xa con đường mại dâm? Làm sao giúp các bạn thay đổi cuộc sống, trong lúc các bạn đang muốn có cuộc sống giống như tôi, các bạn cũng muốn bỏ ma túy, cũng muốn bỏ cái nghề đi bán thân xác? Tôi cảm thấy phải làm ngay một việc gì đó để giúp các bạn. Nếu để kéo dài, tôi e tinh thần họ suy sụp mất! Tôi muốn thực hiện một chuyến đi ra Lạng Sơn thêm lần nữa để giúp các bạn thay đổi cuộc sống.
Muốn đến với các bạn thì đường quá xa, khoảng cách hơn hai ngàn cây số, tôi lại không đủ điều kiện. Tôi đem những trăn trở của mình ra tâm sự với bạn bè. Những ân nhân thân hữu khi nghe tôi kể về các anh chị ngoài kia, ai cũng xót xa. Tôi cũng kể cho Cha Linh nghe nhân dịp Cha về Việt Nam. Cha cho được ít tiền để gọi là góp sức giúp các anh chị ở Lạng Sơn. Tôi cóp nhặt từ bạn bè mỗi người một ít, cộng thêm tiền đứng lớp tập huấn của tôi, vậy là cũng tạm đủ. Tôi chuẩn bị sắp xếp mọi thứ và bàn giao công việc nhà Hy Vọng cho thầy Linh trông coi.
Tôi ra Lạng Sơn lần nữa. Ba ngày đường, tôi tiêu pha rất dè sẻn, ăn bờ ngủ bụi. Đến nơi, các anh các chị ai cũng vui mừng. Ai cũng muốn tôi về ở tại nhà cho vui. Tôi đắn đo không biết nên ở nhà ai, cuối cùng tôi chọn Tiên, cô bé dễ thương nhất trong lớp tập huấn vừa rồi. Nhà Tiên rất nghèo, có ba người sống với nhau, gồm Tiên, mẹ và đứa con gái ba tuổi của Tiên. Ngày đầu tuy rất mệt vì đi đường xa nhưng tôi vẫn tranh thủ đi thăm tất cả các anh chị và chuẩn bị bắt tay vào việc. Vừa cai nghiện ma túy cho ba em Trung, Thảo, bé Duyên, tôi vừa lo đi mua đậu nành về hướng dẫn cho Tiên cách ngâm xay. Tôi hướng dẫn cho Tiên nấu sữa đậu nành để bán thay vì em phải đi hành nghề mại dâm vào mỗi đêm.
Ở Lạng Sơn được một tuần, tôi đã thay đổi được cách nhìn của những vị bác sĩ đối với các anh chị. Tối tối, một số bác sĩ còn đưa tôi đi thăm các địa bàn hoạt động của các anh các chị, ai cũng xúc động khi biết tôi từ miền Nam xa xôi ra tận đây để tìm cách giúp họ cai nghiện ma túy và giúp các chị thay đổi cuộc sống. Người giúp tôi nhiều nhất trong khoảng thời gian ở đây là y sĩ Thạch của Trung tâm Y tế phường Đông Kinh.
Các bạn ở đây đã cố gắng chịu đựng những cơn vã thuốc trong lúc cai để khỏi phụ lòng tôi. Tôi cũng tâm sự với các bạn rằng để có thể ra tận Lạng Sơn giúp các bạn, tôi phải xin nghỉ phép một tháng không lương. Từ tiền tàu xe, ăn uống của tôi đến tiền thuốc để cai ma túy cho các bạn, tôi đều đi xin của ân nhân thân hữu chớ bản thân tôi cũng như các bạn, nghèo rớt mồng tơi. Nhưng tôi hiểu và đồng cảm với các bạn. Tôi tâm tình: “Nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. Các bạn vẫn còn thời gian sống cho bản thân, chăm sóc gia đình và cống hiến cho xã hội, giống như tôi hiện giờ đang cố gắng giúp các bạn và tôi tin các bạn làm được”. Quả là công sức của tôi được đền bù. Sau 25 ngày ở với các bạn, tôi đã cai nghiện ma túy cho năm bạn và giúp thay đổi cuộc sống cho ba bạn bằng nghề bán sữa đậu nành ngay cổng trường học. Tiền lời mỗi ngày cũng được năm, sáu chục ngàn đồng.
Thêm một lần thử thách
Tôi trở về Sài Gòn trong tâm trạng thoải mái. Mặc dù còn khó khăn vì một tháng không có lương nhưng tôi rất hài lòng với công việc tôi vừa làm được cho người cùng cảnh như tôi trước đây.
Về lại với nhà Hy Vọng, tôi bắt đầu làm đơn xin nghỉ việc ởThảo Đàn. Cả tôi và thầy Linh đều phát hiện họ lợi dụng chúng tôi để làm công cụ cho họ kiếm tiền. Họ lợi dụng những đứa trẻ có căn bệnh HIV để làm đề tài xin tiền nhiều nơi, nhưng các em có hưởng được bao nhiêu đâu. Thế là biết bao nhiêu là việc xảy ra cho tôi và thầy Linh, nhất là với tôi. Thậm chí, đến anh Khuân chủ nhân của căn nhà mà chúng tôi đang ởcũng bị họ nói năng nghe khó lọt tai. Tôi không ngờ những con người mà tôi tôn sùng như thần tượng, bây giờ đã lòi ra đuôi của một con cáo: Con cáo đội lốt trí thức, khoác áo đạo đức, giả nhân giả nghĩa. Họ muốn tranh giành căn nhà vốn không phải là của họ.
Thật đáng sợ! Tôi, một con người có quá khứ chẳng mấy tốt đẹp, đôi khi cũng muốn học ở họ những cái mánh lới mà họ đang áp dụng, nhưng tôi sợ bị mất lòng tin mà 12 năm nay tôi cố công xây dựng hầu tìm lại những gì tôi đã đánh mất. Tôi từng sa đọa trong vũng lầy tối tăm, giờđây tôi biết phải tin vào ai đây? Cho đến giờ phút này, tôi vẫn biết những người như tôi khó lấy được lòng tin ở xã hội.
Nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có người hiểu và chịu giúp tôi vươn lên tiếp tục sống tốt, để tôi có đủ điều kiện giúp lại những con người từng gặp hoàn cảnh giống như tôi trước đây. Tôi muốn giúp họ lấy lại niềm tin trong cuộc sống và hòa nhập với xã hội giống như tôi bây giờ. Tôi không biết mình có thể làm được đến đâu, nhưng tôi sẽ cố gắng vì tôi từng được xã hội cưu mang giúp đỡ để được trởlại làm người phụ nữ bình thường. Cho đến bây giờ tôi vẫn đi giúp các anh, các chị, các em bệnh nhân AIDS ở giai đọan cuối, với tinh thần tự nguyện, dù rằng cuộc sống phía trước vẫn còn gian nan vất vả bởi tôi không có tài sản phòng thân, một căn nhà, một ít tiền dành dụm cũng không nốt. Tôi phải làm việc cật lực mới đủ chi tiêu trong dè xẻn.
Rời Thảo Đàn, tôi ra đi, mang theo những đứa trẻ đường phố. Cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao nếu không có tiền tài trợ? Tôi hoang mang thực sự. Về ở nhờ chị gái hay đi thuê nhà để sống? Còn Nam và những em khác nữa, chúng sẽ ra sao khi tôi quyết định sống cho riêng tôi? Cuối cùng, tình yêu thương các con đã chiến thắng. Tôi vay mượn tiền bạn bè làm vốn bán gạo, thuê căn nhà đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh mở tiệm bán gạo. Em Chiến, sau thời gian ở nhờ tiệm ảnh, lại xin về.
Nhà tôi bắt đầu chật vì có tới bốn đứa con trai: Nam, Thanh, Thắng và Nghĩa. Bên cạnh đó còn có bé Minh, bé Lý, bé Hồng. Một nách bảy đứa con, thật vất vả. Sau một năm, tiền vốn bắt đầu thâm hụt do tôi không có kinh nghiệm buôn bán. Vậy là tôi gom tiền trả lại cho chị bạn, để khỏi mang tiếng. Cũng may cho nhà chúng tôi, đúng lúc đó các anh chị ở Quỹ HIV đến thăm. Thấy tình cảnh của tôi và các bé nheo nhóc, cô Waka bảo tôi làm kế hoạch dự trù, Quỹ sẽ giúp cho tôi có điều kiện nuôi dạy các em. Tôi chỉ xin giúp các bé dưới 12 tuổi, còn các em lớn tôi tự lo được. Để khách quan hơn, tôi lại nhờ cô Minh Phương làm giúp kế hoạch, xin hỗ trợ tiền nhà (1.500.000đ/tháng), tiền ăn cho bốn em nhỏ (mỗi em 15.000 đồng/ngày), còn lại mọi thứ tôi tự xoay xở.
Vì muốn các em có được những niềm vui của tuổi thơ, tôi phải đi xin để có điều kiện nuôi dạy các em, để các em được cắp sách đến trường. Từng đợt trẻ vào nhà, tôi đều đi gõ cửa các ân nhân thân hữu để xin. Nhưng để các em học hành tử tế, lớn khôn như bao trẻ bình thường khác quả không đơn giản chút nào. Tôi phải đấu tranh không ngừng, có em đi học trong vòng một năm mà phải chuyển đến bốn trường. Trường thứ nhất bé chỉ học được vài tháng là bị đuổi học với lý do bé bị nhiễm HIV. Trường thứ hai, bé cũng học được hai tháng, lại bị đuổi cũng với lý do nhiễm HIV. Tôi có lạy lục, uốn bảy tấc lưỡi đem kinh nghiệm truyền thông phòng lây nhiễm HIV/AIDS để trao đổi với Ban giám hiệu cũng hoài công. Không những vậy, còn bị họ nặng nhẹ nghe đến đau lòng. Uất ức, tôi buộc phải đem pháp lệnh phòng chống AIDS ra nói cho họ hiểu, kể cả Quyền Trẻ em mà Nhà nước đã ban hành, nhưng họ vẫn phớt lờ. Tôi phải nhờ đến tiếng nói của báo chí, như Báo Thanh Niên, và tiếng nói của Ủy Ban Phòng Chống AIDS, Hội bảo trợ trẻ em, bác sĩ và luật sư... Cuối cùng, họ miễn cưỡng cho bé học trở lại. Nhưng tôi không dám để bé học ở ngôi trường này, bởi tôi sợ bé bị tổn thương tinh thần do sự phân biệt đối xử quá nặng của nhà trường. Tôi vẫn kiên trì đi xin cho bé được đi học ở ngôi trường thứ ba, được tám tháng, bé cũng bị cho thôi học vì giáo viên phát hiện bé có HIV trong người. Bé thắc mắc: “Má Tâm ơi, sao mà con được đi học trường mới hoài vậy má?”. Tôi chỉ biết nói dối: “Vì má muốn tìm trường nào có nhiều bạn để bé Hiền có thật nhiều bạn cùng học, cùng chơi với con, con không thích sao?”. Bé hớn hở: “Thích! Con thích lắm!”.
Trong những em tôi nuôi dưỡng, có những em bây giờ đã trưởng thành, cống hiến sức trẻ cho xã hội, góp phần ngăn chặn đại dịch AIDS. Có em đã tìm về sống bên gia đình, bên cha, bên mẹ. Có em cưới vợ, sống hạnh phúc trong tổ ấm nhỏ của mình. Có em đã ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh AIDS… Lại chỉ còn tôi và các bé thơ chưa biết gì với căn bệnh mà mình đang mang trong người. Các bé hầu như không biết vì sao cha mẹ mình chết. Có đứa hỏi: “Má Tâm ơi, con đâu có bệnh gì mà tại sao cứ phải uống thuốc hoài vậy má?”. Trả lời sao đây? Tôi nói: “Con có nhớ là có lần từng đi khám bệnh không? Bác sĩ dặn là phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, như vậy người mới khỏe được”. “Con nhớ rồi, nhưng uống thuốc hoài ngán lắm!”.
Nghe các em nói mà lòng tôi đau buốt từng cơn. Tôi lại nghĩ không hiểu tại sao những người làm cha, làm mẹ lại ích kỷ như thế, biết mình mang căn bệnh HIV trong người mà vẫn muốn có con, vẫn cho ra đời những đứa bé vô tội nhưng mang trọng bệnh, thêm gánh nặng cho xã hội. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng thèm lắm một đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau... Nhưng tôi k ebd hông cho phép mình ích kỷ, khi bản thân tôi không nhà, không giấy tờ tùy thân, không của cải vật chất, nói chung là không có gì để đảm bảo tương lai cho con trẻ. Thôi thì tôi lấy các em nhỏ tội nghiệp này làm con mình, má con tôi cùng làm điểm tựa cho nhau để tiếp tục mà sống.
Tuy nhiên, chuyện đời và lòng người khó đoán. Cũng có đứa vì muốn lấy vợ, lập gia đình riêng dù rằng đang nhiễm HIV và đang hoạt động trong nhóm mạng lưới người có HIV đã không tiếc lời miệt thị, trước khi rời khỏi sự chăm sóc của tôi. Nó cho rằng nếu không có nó, liệu tôi có được ngày hôm nay, liệu tôi có được cái ăn, cái mặc? Nghĩ lại tôi cảm thấy rất buồn vì nó sống với tôi gần mười năm. Nó từ Hải Phòng xa xôi, nghiện ma túy, vào miền Nam sống lang thang, hè phố. Tôi đi tiếp cận, đưa về nhà Hy Vọng cai nghiện, lo cho ăn học đến tốt nghiệp lớp 12. Tôi đi xin tiền các dự án của Thành Đoàn để lo cho nó được học đồ họa đa ứng dụng. Cuối cùng, tôi chỉ nhận lại sự rẻ khinh của nó. Vì quá khứ của tôi, tôi không hề giấu. Tôi thật sự ngạc nhiên đến sững sờ, bởi những câu nói như từng gáo nước tạt vào mặt. Lòng tôi nghe đau nhói. Khi còn trong vòng tay tôi, nó rất ư là ngoan. Đến khi nó trưởng thành, tạo ra đồng tiền, sự trở mặt mới lạnh lùng đáng sợ làm sao. Đây cũng là bài học đến khi nhắm mắt lìa đời tôi cũng không quên được. Phải chăng tôi không nên đặt hết yêu thương cho những đứa trẻ từng nghiện ma túy?
Không ai hiểu tôi bằng chính tôi. Nhiều khi trong nhà không còn tiền, tôi lo cuống cuồng và đâm ra nổi nóng với các con khi chúng quấy phá, lì lợm, nói hoài không nghe hoặc những đứa lớn đi chơi khuya quá giờ quy định của nhà, tôi chờ cửa đến mõi mòn rồi đâm ra suy nghĩ vẩn vơ…Nếu lỡ xảy ra tai nạn giao thông trên đường, có ai biết địa chỉ nhà để báo tin? Bởi giấy tờ tùy thân của các con đều ở tận miền Bắc xa xôi. Thế là tôi càng rầy la chúng nhiều hơn. Có thể các con lớn của tôi không hiểu hoặc không chịu hiểu nỗi lo lắng ấy của tôi. Nó cho rằng sống chung mái nhà với tôi không được tự do, không tiến thân được…
Nhiều lúc tôi đem những lo lắng ấy tâm sự với bạn bè, có người bảo tôi: “Tụi nó đã được bà nuôi nấng đến trưởng thành rồi, cha, mẹ nó không lo mắc gì bà lo? Bà để thời gian chăm lo cho mấy đứa nhỏ mồ côi không còn cha, mẹ thì xứng đáng hơn!”. Tuy ai cũng bảo mấy đứa đã lớn thì kệ chúng nó nhưng tôi vẫn lo, vẫn mong mỏi các con sống trong hạnh phúc, khỏe mạnh. Dẫu sao bọn trẻ cũng từng là con tôi, tôi vẫn dõi theo cuộc sống của chúng từng ngày.
[1]Thuốc AZT là một trong ba loại thuốc thuộc phác đồ điều trị bệnh AIDS do Bộ Y tế hướng dẫn. AZT còn được sử dụng trong phác đồ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. .