Hủy Hoại Vì Yêu Phần 1


Phần 1
Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã hiểu ra chân lý: tại Thành phố Quạt, tất cả những thứ không lộng lẫy, huy hoàng đều xấu xí.

Theo nhịp phi nước đại trên lưng ngựa, tôi lướt qua những chiếc quạt gió.

Khi đó tôi bảy tuổi. Không có gì dễ chịu hơn khi thật nhiều không khí tràn ngập đầu óc. Ngựa phi càng nhanh, không khí lùa vào càng nhiều và thổi bay mọi thứ.

Ngựa của tôi phi đến quảng trường Quạt Lớn, tên thường gọi là quảng trường Thiên An Môn. Nó rẽ phải vào đại lộ Xấu xí Ở được .

Tôi cầm cương bằng một tay. Còn tay kia vừa bận bịu với một điều thầm kín của thế giới nội tâm bao la, vừa vuốt ve con ngựa và bầu trời Bắc Kinh.

Tư thế cưỡi ngựa của tôi quá thanh lịch khiến người qua đường, những bãi khạc nhổ, lũ lừa và những chiếc quạt phải sửng sốt. Truyen8.mobi

Tôi chẳng cần phải thúc gót vào con ngựa. Đất nước Trung Quốc đã tạo ra nó theo đúng hình ảnh của tôi: toàn bộ những gì hoành tráng. Nhiệt huyết bên trong và sự thán phục của đám đông chính là nguồn năng lượng cho nó.

Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã hiểu ra chân lý: tại Thành phố Quạt, tất cả những thứ không lộng lẫy, huy hoàng đều xấu xí.

Điều đó có nghĩa là gần như mọi thứ đều xấu xí.

Hệ quả tức thì: tôi chính là vẻ đẹp của thế giới.

Không phải vì tạo vật bằng da thịt, tóc và xương bảy tuổi này có gì làm lu mờ các tạo vật như mơ trong những khu vườn của thánh Allah và trong khu biệt cư của cộng đồng quốc tế.

Vẻ đẹp của thế giới, đó là điệu nhảy thật dài của tôi ngay giữa ban ngày, là tốc độ chú ngựa của tôi, là trí óc tôi vênh vang giống như cánh buồm trước làn gió thổi từ cánh quạt.

Bắc Kinh có mùi như thể một bãi nôn của trẻ con.

Trên đại lộ Xấu xí Ở được, chỉ có tiếng phi nước đại của ngựa để át đi tiếng khạc nhổ, lệnh cấm tiếp xúc với người Trung Quốc và những ánh mắt trống rỗng khủng khiếp.

Khi đến gần tường rào, con ngựa phi chậm dần để những người gác cổng có thể nhận ra tôi. Trông tôi không khả nghi hơn thường lệ.

Tôi bước vào khu biệt cư Tam Lý Đồn, nơi tôi sống từ khi nghĩ ra chuyện viết lách, nghĩa là từ khoảng hai năm nay, bên cạnh những kẻ từ thời đồ đá, dưới chế độ của Bè lũ Bốn tên. Truyen8.mobi

 

Wittgenstein có một câu nói bất hủ: “Thế giới chính là những gì tồn tại”.

Năm 1974, Bắc Kinh không tồn tại: tôi không có cách nào tốt hơn để miêu tả tình hình.

Wittgenstein không phải là tác giả yêu thích của tôi khi bảy tuổi. Nhưng tôi đã dùng tam đoạn luận trên đây để đi đến kết luận rằng Bắc Kinh không có gì liên quan đến thế giới.

Tôi sửa tam đoạn luận này thành: tôi có một con ngựa và chứng bệnh nuốt hơi trong trí óc.

Tôi có tất cả. Tôi là một sử thi không có hồi kết.

Tôi thấy mình có mối liên quan với Vạn Lý Trường Thành: đó là công trình duy nhất của nhân loại có thể được nhìn thấy từ mặt trăng, ít nhất là công trình này đúng với tầm vóc của tôi. Nó không giới hạn tầm nhìn, mà kéo ra đến vô tận.

 

Mỗi sáng, một nô tì đến chải tóc cho tôi.

Cô ta không biết mình là nô tì của tôi. Cô ta tưởng mình là người Trung Quốc. Nhưng thực ra cô ta không có quốc tịch, vì cô ta là nô tì của tôi.

Trước khi đến Bắc Kinh, tôi sống ở Nhật Bản, nơi có những nô tì giỏi nhất. Còn ở Trung Quốc, chất lượng nô tì không được cao.

Ở Nhật, khi tôi bốn tuổi, tôi có một nô tì rất sùng bái chủ. Nó thường xuyên quỳ mọp dưới chân tôi. Thế mới là tốt.

Nữ tì Trung Quốc không biết làm như thế. Buổi sáng, cô ta bắt đầu bằng việc chải mái tóc dài của tôi: cô ta chải thật thô bạo. Tôi kêu lên vì đau và thầm nguyền rủa cô ta. Sau đó, cô ta bện tóc tôi thành một hoặc hai bím rất đẹp bằng nghệ thuật tết tóc có từ thời tổ tiên, thứ nghệ thuật mà cuộc Cách mạng văn hóa đã không làm mai một. Tôi thích cô ta chỉ tết một bím mà thôi: có vẻ như một bím tóc sẽ phù hợp hơn với một người cao quý như tôi.

Cô gái người Trung Quốc này tên là Trê, ngay lập tức tôi đã thấy không thể chấp nhận được cái tên này. Tôi nói rằng cô ta sẽ mang tên người nô tì Nhật Bản của tôi, đó là một cái tên rất duyên dáng. Cô ta ngơ ngác nhìn tôi và vẫn giữ tên Trê. Từ hôm ấy, tôi hiểu rằng có cái gì đó đang mục nát trong nền chính trị của đất nước này. Truyen8.mobi

 

Nhiều nước có tác động như thuốc phiện. Trung Quốc cũng ở trong số đó, đất nước này có một khả năng kỳ lạ là khiến cho bất kỳ ai đã đến đấy - thậm chí cả những ai đã nói về nó - đều trở nên tự phụ.

Thói tự phụ đã khiến người ta tốn nhiều giấy mực. Chính vì vậy, đã có vô vàn cuốn sách viết về Trung Quốc. Giống như hình ảnh của đất nước đã khơi nguồn cảm hứng cho chúng, những cuốn sách này hoặc là rất hay (Leys, Segalen, Claudel) hoặc là rất dở.

Tôi cũng không phải ngoại lệ.

Trung Quốc đã khiến tôi trở nên rất tự phụ.

Nhưng tôi có một lý do mà rất ít những kẻ rẻ tiền cuồng Trung Quốc có thể nghĩ ra: tôi chỉ mới năm tuổi khi đến Trung Quốc và tám tuổi khi rời khỏi đó.

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi biết tin mình sắp đến sống ở Trung Quốc. Khi đó tôi mới vừa năm tuổi, nhưng đã hiểu được điều cốt lõi, ấy là tôi sẽ có thể huênh hoang.

Đó là một quy tắc không có ngoại lệ: ngay cả những kẻ hay gièm pha Trung Quốc nhất cũng cảm thấy việc đặt chân đến đất nước này giống y như một lễ phong tước.

Không có gì gây ấn tượng hơn việc nói rằng “Tôi vừa trở về từ Trung Quốc” với vẻ mặt dửng dưng. Và ngay cả bây giờ, nếu tôi thấy ai không tôn trọng mình đúng mức, tôi chỉ cần thản nhiên thêm vào câu nói của mình một đoạn thế này: “hồi tôi sống ở Bắc Kinh”. Truyen8.mobi

Đó là một điểm độc đáo thực sự: bởi vì dù sao tôi cũng có thể nói “hồi tôi sống ở Lào”, chi tiết này rõ ràng là đặc biệt hơn nhiều. Nhưng lại kém cao sang hơn. Trung Quốc là cái gì đó cổ điển, là điều bắt buộc, là nước hoa Chanel số 5.

Thói học đòi làm sang không phải là lý do duy nhất. Ảo tưởng cũng là một nguyên nhân quan trọng và vững chắc. Nếu một lữ khách đặt chân đến Trung Quốc mà không có một lượng ảo tưởng vừa đủ về nước này, thì sẽ không thấy gì khác ngoài một cơn ác mộng.

Mẹ tôi luôn là người lạc quan nhất thế giới. Vào buổi tối chúng tôi đến Bắc Kinh, vẻ xấu xí gây ấn tượng mạnh với mẹ đến mức bà bật khóc. Và mẹ tôi là người chưa bao giờ khóc.

Tất nhiên là còn có Tử Cấm Thành, Thiên Đàn, Hương Sơn, Vạn Lý Trường Thành, Thập Tam Lăng. Nhưng những nơi đó chỉ dành cho Chủ nhật.

Những ngày còn lại trong tuần là sự uế tạp, tuyệt vọng, dòng chảy của bê tông, khu biệt cư, sự canh phòng - toàn là kỷ luật cao độ, sở trường của người Trung Quốc.

Không đất nước nào lại khiến người ta mù quáng đến thế: khi rời khỏi Trung Quốc, mọi người đều kể về những điều huy hoàng mà họ đã từng thấy ở đây. Dù rất thành thật, nhưng họ có xu hướng không nhắc đến vẻ xấu xí gớm ghiếc của cảnh vật khắp tứ phía mà họ đã thấy. Hiện tượng này thật kỳ lạ. Trung Quốc giống như một kẻ xu nịnh khéo léo, vừa có thể khiến người ta quên đi vô vàn những khiếm khuyết bề ngoài mà chẳng cần che dấu chúng, lại vừa khiến những người yêu chuộng phải phát cuồng lên.

 

Hai năm trước, bố tôi nhận quyết định bổ nhiệm đến Bắc Kinh với vẻ mặt nghiêm trọng.

Về phần mình, tôi không thể tưởng tượng nổi cảnh phải rời xa ngôi làng Shukugawa, những ngọn núi, ngôi nhà và khu vườn.

Bố giải thích cho tôi rằng vấn đề không phải ở đó. Theo như bố nói thì khi đó Trung Quốc là một nước không ổn lắm.

- Ở đấy có chiến tranh hả bố? tôi hy vọng.

- Không.

Tôi hờn dỗi. Người ta bắt tôi phải rời Nhật Bản yêu quý để đến một đất nước mà thậm chí còn không có chiến tranh. Tất nhiên, đấy là Trung Quốc: nghe thật hay ho. Đúng là như vậy. Nhưng Nhật Bản sẽ ra sao nếu không có tôi? Sự vô ý của Bộ làm tôi lo ngại.

Năm 1972, chúng tôi chuẩn bị rời đi. Tình hình thật căng thẳng. Đám gấu bông của tôi được gói ghém lại. Tôi nghe nói Trung Quốc là một nước cộng sản. Tôi sẽ phân tích chuyện này sau. Giờ có một việc còn nghiêm trọng hơn: ngôi nhà đang vơi dần đồ đạc. Đến một ngày, chẳng còn gì trong đó nữa. Phải đi rồi.

 

Sân bay Bắc Kinh: không còn gì nghi ngờ nữa, đây là một đất nước khác.

Vì những lý do khó hiểu, hành lý không đến nơi cùng lúc với chúng tôi. Phải ở lại sân bay vài tiếng đồng hồ để đợi hành lý. Mấy tiếng? Có thể là hai, có thể là bốn, có thể là hai mươi. Một trong những nét duyên của Trung Quốc, đó là sự bất ngờ. Truyen8.mobi

Tốt thôi. Như thế tôi sẽ có thể ngay lập tức bắt đầu phân tích tình hình. Tôi dạo quanh sân bay với cái nhìn xoi mói. Người ta đã không lừa tôi: đất nước này thật khác biệt. Tôi không thể nói chính xác là nó khác ở điểm nào. Đúng là nó xấu thật, nhưng là một vẻ xấu xí mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Hẳn phải có một từ nào đó để miêu tả mức độ xấu xí ấy: nhưng tôi vẫn chưa tìm ra.

Tôi tự hỏi cộng sản có thể là gì nhỉ. Tôi đã năm tuổi và tôi có ý thức rất cao về phẩm cách của mình nên không thể hỏi người lớn về nghĩa của từ này được. Dù sao, trước đây tôi cũng đâu cần người lớn giúp khi tôi học nói. Nếu lần nào tôi cũng phải hỏi nghĩa của các từ, thì chắc tôi vẫn chỉ mới chập chững về ngôn ngữ mà thôi. Tôi tự hiểu được con chó có nghĩa là con chó, dữ tợn có nghĩa là dữ tợn: tôi không hiểu tại sao người lớn lại phải giúp tôi trong việc hiểu thêm một từ.

Nhất là khi việc này hẳn là chẳng khó khăn gì: có điều gì đó rất đặc biệt ở đây. Tôi tự hỏi đó là điều gì: có những người ăn mặc giống hệt nhau, có thứ ánh sáng giống như ở bệnh viện Kobé, có ...

Chúng ta không được cuống lên. Chủ nghĩa cộng sản đang ở đây, chắc chắn là thế, nhưng không nên coi nhẹ nó. Chuyện này nghiêm túc đấy, vì đó là một từ.

Vậy đâu là điều kỳ lạ nhất ở đây?

Đột nhiên, câu hỏi này làm tôi mệt lả. Tôi nằm xuống đất, trên một tấm đá lát lớn ở sân bay, rồi tôi thiếp đi ngay lập tức.

 

Tôi tỉnh dậy. Tôi không biết mình đã ngủ bao nhiêu lâu. Bố mẹ tôi vẫn đang đợi hành lý với tâm trạng khá nặng nề. Anh chị tôi đang nằm ngủ dưới đất.

Tôi đã quên mất chủ nghĩa cộng sản. Tôi thấy khát. Bố đưa cho tôi tiền mua nước uống.

Tôi dạo quanh. Không thể mua được các loại nước sặc sỡ và có ga như ở Nhật. Người ta chỉ bán trà mà thôi. “Trung Quốc là đất nước mà tại đó người dân uống trà”, tôi tự nhủ. Tốt thôi. Tôi lại gần ông già nhỏ bé đang bán thứ đồ uống ấy. Ông ta đưa cho tôi một chén trà bỏng rãy.

Tôi ngồi bệt xuống đất với chén trà to. Nước trà thật đậm đặc và khác thường. Tôi chưa bao giờ uống thứ trà nào giống như thế. Nó làm đầu óc tôi ngây ngất trong vài giây. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là phấn khích. Điều đó khiến tôi rất hài lòng. Tôi sẽ làm những việc vĩ đại ở đất nước này. Tôi vừa nhảy nhót khắp sân bay vừa xoay tròn như một con quay.

Và đột nhiên, tôi giáp mặt với chủ nghĩa cộng sản.

 

Rốt cuộc hành lý cũng đến nơi khi trời đã tối đen.

Chiếc xe hơi đưa chúng tôi xuyên qua một thế giới vô cùng kỳ cục. Đã gần nửa đêm rồi, đường phố rộng rãi và hoang vắng.

Tâm trạng của bố mẹ tôi vẫn còn nặng trĩu, hai anh chị tôi thì ngạc nhiên nhìn ngắm cảnh vật.

Tinh chất trà đang tạo ra những màn pháo hoa trong đầu tôi. Không để lộ ra, nhưng tôi đang phát điên lên vì phấn khích. Mọi thứ đều có vẻ vĩ đại, trước hết là tôi. Các ý nghĩ cứ nhảy múa bên trong đầu tôi. Truyen8.mobi

Tôi không nhận ra rằng trạng thái ngây ngất này không phù hợp với hoàn cảnh. Tôi không phù hợp với đất nước Trung Quốc của Bè lũ Bốn tên. Tình trạng này sẽ kéo dài ba năm.

Xe đã đến khu biệt cư Tam Lý Đồn. Khu này được những bức tường cao vút bao quanh, những bức tường lại được quân lính Trung Quốc bao quanh. Những tòa nhà trông giống như nhà tù. Chúng tôi được phân một căn hộ ở tầng bốn. Không có thang máy và cả tám nhịp cầu thang đều đẫm nước tiểu.

Chúng tôi đem hành lý lên. Mẹ tôi bật khóc. Tôi hiểu là sẽ thật bất lịch sự nếu tôi để lộ ra rằng mình đang vô cùng sảng khoái. Tôi giữ điều ấy cho riêng mình.

Nhìn từ cửa sổ căn phòng mới của tôi, Trung Quốc trông xấu xí đến buồn cười. Tôi nhìn bầu trời với vẻ ban ơn. Tôi nhảy tưng tưng trên giường.

 

“Thế giới là những gì đang diễn ra”, Wittgenstein viết.

Theo báo chí Trung Quốc, ở Bắc Kinh diễn ra đủ mọi chuyện tốt đẹp.

Không thể kiểm chứng được thực hư ra sao.

Hằng tuần, túi ngoại giao đem các loại báo sở tại đến các đại sứ quán: những đoạn viết về Trung Quốc tạo cảm giác như đang đề cập đến một hành tinh khác.

Một bản thông tư với số lượng ấn bản có hạn được phát cho các thành viên của chính phủ Trung Quốc và, do một mối lo ngại bất thường về tính minh bạch, nó được gửi cho cả các nhà ngoại giao nước ngoài: thông tư này thuộc cùng một cơ quan báo chí với tờ Nhân dân nhật báo nhưng lại đăng những tin tức hoàn toàn khác hẳn. Các tin được đưa trong thông tư không quá lạc quan nên có thể là tin thật, nhưng người ta cũng không thể kết luận được gì về tính chính xác của chúng: dưới thời Bè lũ Bốn tên, ngay cả các tác giả của những thông tin trái chiều cũng bị lẫn lộn.

Cộng đồng quốc tế khó có thể xác định được thực hư trong hoàn cảnh đó. Và thế là các nhà ngoại giao nói rằng suy cho cùng, họ cũng chẳng hề biết chuyện gì đang diễn ra ở Trung Quốc.

Vì vậy, những bản báo cáo mà họ phải gửi về bộ chủ quản là những bản báo cáo hoa mỹ và văn vẻ nhất trong sự nghiệp của họ. Rất nhiều thiên hướng văn chương đã nảy nở ở Bắc Kinh mà chẳng phải tìm đâu lý do nào khác.

Nếu Beaudelaire biết được rằng sự tích tụ của những điều thật, giả và những điều không thật, cũng không giả ở Trung Quốc có thể là một ví dụ về “bất cứ nơi nào ở bên ngoài thế giới”, thì chắc ông đã không mong muốn cái nơi ấy mãnh liệt đến thế.

 

Ở Bắc Kinh, vào năm 1974, tôi không đọc Wittgenstein, hay Beaudelaire, mà cũng chẳng đọc Nhân dân nhật báo.

Tôi ít đọc sách: tôi có quá nhiều việc phải làm. Đọc sách là công việc hợp với những kẻ vô công rồi nghề, tức là người lớn. Họ phải có việc gì đó để làm.

Còn tôi, chức trách của tôi rất quan trọng.

Tôi có một con ngựa, nó chiếm ba phần tư thời gian của tôi.

Tôi phải làm đám đông choáng ngợp. Truyen8.mobi

Tôi cần giữ gìn hình ảnh cao quý.

Tôi cần phải dựng nên một huyền thoại.

Hơn nữa, và đặc biệt là, chiến tranh đang diễn ra: cuộc chiến kỳ lạ và khốc liệt ở khu biệt cư Tam Lý Đồn.

Hãy tập hợp một đám trẻ con thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: nhốt chúng ở một nơi chật hẹp xây bằng bê tông. Để cho chúng tự do và không có ai trông nom.

Những ai nghĩ bọn trẻ này sẽ bắt tay nhau thân ái thì thật là hết sức ngây thơ.

Chúng tôi đến nơi đúng vào lúc diễn ra một hội nghị thượng đỉnh, hội nghị đã ra quyết định Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã kết thúc một cách qua quít.

Cần phải làm lại mọi thứ, nhưng dĩ nhiên là không có gì thay đổi: những kẻ hung dữ vẫn luôn là người Đức.

Và ở Tam Lý Đồn thì chẳng thiếu người Đức.

Ngoài ra, quy mô của cuộc chiến tranh thế giới lần trước không được lớn lắm. Lần này, quân đội Đồng minh sẽ bao gồm nhiều quốc tịch nhất có thể, kể cả người Chilê và người Camơrun.

Nhưng không có người Mỹ và người Anh.

Phân biệt chủng tộc ư? Không, vì lý do địa lý.

Cuộc chiến tranh được giới hạn trong phạm vi khu biệt cư Tam Lý Đồn.

Mà người Anh lại sống trong khu biệt cư cũ tên là Đại lộ Ngoại giao. Còn người Mỹ sống tập trung ở khu phức hợp riêng của họ, quây quần bên ông đại sứ, một ông George Bush nào đó. Truyen8.mobi

Việc thiếu vắng hai quốc gia này chẳng hề ảnh hưởng gì đến chúng tôi. Chúng tôi có thể bỏ qua người Mỹ và người Anh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua người Đức.

Chiến tranh nổ ra vào năm 1972. Chính vào năm đó, tôi hiểu ra một sự thật to lớn: trên trái đất này, chẳng có ai được coi là không thể thiếu, ngoại trừ kẻ thù.

Nếu không có kẻ thù, con người chỉ là một vật đáng thương. Cuộc sống của anh ta là một thử thách, một gánh nặng đầy những hư không và ưu phiền.

Kẻ thù, đó là Đấng cứu thế.

Chỉ mỗi sự tồn tại của kẻ thù thôi đã đủ để tiếp sức sống cho con người.

Nhờ có kẻ thù, cái biến cố tai hại mà người ta gọi là cuộc đời sẽ trở thành một áng sử thi.

Chính vì thế, Chúa có lý khi nói rằng: “Hãy yêu thương kẻ thù của mình”.

Nhưng Chúa lại suy ra từ đó những hệ luận lệch lạc: phải hòa giải với kẻ thù, phải chìa nốt má trái ra v..v...

Thật là láu cá! Nếu hòa giải với kẻ thù, hắn sẽ không còn là kẻ thù của ta nữa.

Và nếu không còn kẻ thù nữa, cần phải tìm được một kẻ thù khác: vậy là lại phải bắt đầu lại từ đầu.

Như thế thì sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Vì vậy, phải yêu thương kẻ thù của mình nhưng không được nói cho hắn biết điều đó. Dù thế nào đi nữa, cũng không được nghĩ đến chuyện giảng hòa.

Đình chiến là một thứ xa xỉ phẩm mà con người không thể tự thưởng.

Bằng chứng là những thời kỳ hòa bình luôn luôn dẫn đến những cuộc chiến tranh mới.

Trong khi các cuộc chiến lại thường kết thúc bằng các giai đoạn hòa bình.

Vì thế hòa bình có hại cho con người, còn chiến tranh thì có lợi.

Như vậy, phải quân tử chấp nhận một vài khía cạnh không tốt của chiến tranh.

Không một tờ báo, một hãng thông tấn, hay một cuốn biên niên sử nào từng nhắc đến chiến tranh thế giới tại khu biệt cư Tam Lý Đồn, diễn ra từ năm 1972 đến năm 1975.

Chính vì vậy, ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã biết thế nào là kiểm duyệt và ém nhẹm thông tin.

Bởi lẽ, rốt cuộc, làm sao người ta có thể coi nhẹ một xung đột kéo dài ba năm, với sự tham gia của hàng chục nước, và trong thời gian đó đã liên tiếp diễn ra bao hành động tàn bạo khủng khiếp?

Cái cớ giải thích sự im lặng của báo chí: độ tuổi trung bình của các bên tham chiến là khoảng mười tuổi. Vậy là trẻ con là những kẻ đứng ngoài lề Lịch sử ư?

 

Sau hội nghị quốc tế năm 1972, một tên chỉ điểm đã mách lẻo với người lớn về cuộc chiến sắp diễn ra. Truyen8.mobi

Các phụ huynh hiểu rằng không khí căng thẳng và hiếu chiến đã dâng quá cao và họ không thể ngăn chặn cuộc xung đột tiềm tàng.

Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh mới chống lại người Đức đã gây ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ với những người lớn người Đức. Ở Bắc Kinh, các nước không cộng sản phải sát cánh bên nhau.

Vì vậy, một phái đoàn phụ huynh đã đến và ra điều kiện: “Đồng ý với chiến tranh thế giới, vì đấy là điều không thể tránh khỏi. Nhưng không được coi bất kỳ người Tây Đức nào là kẻ thù.”

Điều khoản này không gây phiền phức gì cho chúng tôi: có khá nhiều người Đông Đức, đủ để chúng tôi chọn làm đối thủ.

Nhưng người lớn lại muốn nhiều hơn: họ yêu cầu cho người Tây Đức gia nhập quân đội Đồng minh. Chúng tôi không thể quyết định được chuyện này. Chúng tôi đồng ý không tiêu diệt họ, nhưng cùng chiến đấu bên họ có vẻ như là chuyện trái tự nhiên đối với chúng tôi. Hơn nữa, bọn trẻ Tây Đức cũng không tỏ vẻ đồng ý hơn: vì không có kẻ thù, những đứa trẻ tội nghiệp ấy bị biến thành con số không. Chúng chết vì buồn chán.

(Trừ một vài tên phản bội nhỏ bé đã chạy sang phe phía Đông: chỉ là vài trường hợp đào ngũ cá biệt, chưa bao giờ được nhắc đến.)

Như vậy, trong suy nghĩ của người lớn, tình hình đã được điều chỉnh: cuộc chiến của bọn trẻ là một cuộc chiến chống cộng sản. Tôi chứng nhận rằng trong mắt bọn trẻ, mọi việc hoàn toàn không phải như thế. Để đóng vai kẻ ác, chỉ có người Đức mới khiến chúng tôi thấy thích thú. Bằng chứng là chúng tôi chưa bao giờ chiến đấu chống lại người Albani hoặc người Bungari ở Tam Lý Đồn. Những nhóm thiểu số này đứng ngoài cuộc chơi.

Với người Nga, không vấn đề gì: họ cũng có khu phức hợp của riêng họ. Các nước phía Đông còn lại sống tại Đại lộ Ngoại giao, trừ người Nam Tư, chúng tôi không có lý gì lại coi họ là kẻ thù, và người Rumani, người lớn ép chúng tôi phải cho họ nhập hội, vào thời đó, thật là tuyệt nếu có bạn là người Rumani.

Đó là những can thiệp duy nhất của các bậc phụ huynh vào tuyên bố chiến tranh của chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đối với chúng tôi, những can thiệp đó có vẻ hết sức giả tạo.

Năm 1974, tôi mới bảy tuổi, là em út trong phe Đồng minh. Đứa lớn nhất mười ba tuổi, trông giống như một ông già. Phần lớn quân số của chúng tôi là người Pháp, nhưng châu lục có nhiều đại diện nhất lại là châu Phi: người Camơrun, Mali, Daia, Marốc, Angiêri... rất đông đảo trong đội quân của chúng tôi. Ngoài ra còn có người Chilê, người Ý và những người Rumani nổi tiếng mà chúng tôi chẳng ưa gì, vì chúng tôi bị buộc phải cho chúng nhập hội và vì chúng giống như một phái đoàn chính thức.

Chỉ có ba người Bỉ thôi: anh André của tôi, chị Juliette của tôi và tôi. Không còn đứa trẻ nào khác cùng quốc tịch với chúng tôi. Năm 1975, xuất hiện hai cô bé tốt bụng người xứ Flandre, nhưng chúng quá hiền hòa: vì thế chúng tôi không thể lôi kéo được.

Từ năm 1972, trong hàng ngũ của chúng tôi, hình thành một nòng cốt gồm ba nước luôn luôn gắn bó cả trong tình bạn và trong chiến đấu: Pháp, Bỉ và 154d Camơrun. Bọn trẻ người Camơrun có những cái tên khiến người khác phải rối trí, chúng nói rất to và lúc nào cũng tươi cười: chúng thật đáng yêu. Bọn trẻ người Pháp có vẻ độc đáo: chúng chân thành đề nghị chúng tôi nói tiếng Bỉ, điều đó khiến chúng tôi buồn cười, và chúng thường nhắc đến ai đó tên là Pompidou - cái tên làm tôi phá lên cười. Truyen8.mobi

Đám người Ý bao gồm những kẻ giỏi nhất và những kẻ tồi tệ nhất: có cả những kẻ nhát gan và những đứa dũng cảm. Còn nữa: mức độ anh dũng của những đứa quả cảm tùy thuộc vào tính khí thất thường của chúng. Những kẻ táo bạo nhất có thể trở thành những kẻ hèn nhát nhất ngay sau khi lập được chiến công. Trong số đó, có một cô gái Ý lai Ai Cập tên là Jihan: mới mười hai tuổi nhưng đã cao một mét bảy mươi và nặng sáu mươi lăm cân. Có được cô ấy trong hàng ngũ là một thuận lợi đối với chúng tôi: chỉ cần một mình cô ấy thôi đã đủ để đánh bại một đội tuần tra Đức, xem cảnh cái cơ thể ấy tung ra những cú đấm cũng giống như xem một buổi biểu diễn vậy. Nhưng tốc độ lớn nhanh như thổi đã làm hỏng tính cách của cô ấy. Vào những ngày Jihan lớn lên, cô ấy thật vô dụng và khó gần.

Người Daia chiến đấu rất tuyệt: vấn đề là chúng đánh lẫn nhau cũng nhiều như chiến đấu chống lại kẻ thù. Và nếu chúng tôi can thiệp vào cuộc chiến nội bộ của chúng, thì chúng đánh luôn cả chúng tôi.

 

Chiến tranh nhanh chóng đạt đến quy mô lớn và có vẻ như đội quân của chúng tôi không thể không có bệnh viện.

Ở trong khu biệt cư, gần xưởng gạch, chúng tôi tìm thấy một cái thùng gỗ khổng lồ để đựng đồ đạc khi chuyển nhà. Mười đứa chúng tôi có thể đứng thoải mái ở trong đó.

Chiếc thùng dùng khi chuyển nhà đã được chúng tôi nhất trí chọn làm nơi đặt quân y viện.

Chúng tôi vẫn còn thiếu đội ngũ y bác sĩ. Mọi người quyết định rằng chị Juliette của tôi, mười tuổi, quá xinh xắn và quá yếu ớt để có thể chiến đấu ngoài mặt trận. Chị ấy được chỉ định làm y tá-bác sĩ-phẫu thuật viên-bác sĩ tâm thần-nhân viên hậu cần và chị ấy xoay xở rất giỏi. Chị ấy lấy trộm gạc vô trùng, thuốc đỏ khử trùng, aspirin và vitamin C của các nhà ngoại giao Thụy Sĩ, những người nổi tiếng sống lành mạnh - chị ấy cho rằng vitamin C là liều thuốc hữu hiệu chống lại sự hèn nhát. Truyen8.mobi

Trong một chiến dịch quy mô lớn, đội quân chúng tôi vây hãm thành công nhà để xe của một gia đình Đông Đức. Nhà để xe là một vị trí vô cùng chiến lược, vì đấy là nơi người lớn cất đồ dự trữ. Và chỉ Chúa mới biết được những thứ đồ dự trữ này quý giá như thế nào ở Bắc Kinh, nơi mà các chợ hầu như chỉ bán thịt lợn và bắp cải.

Trong nhà để xe của gia đình người Đức, chúng tôi khui ra một thùng chứa đầy các gói xúp khô. Thùng xúp bị tịch thu và đưa về bệnh viện. Cần phải nghĩ xem dùng nó như thế nào nữa. Một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức để giải quyết vấn đề này và hội nghị nhận thấy tốt nhất là để xúp đựng trong túi ở dạng bột. Các tướng lĩnh họp kín với cô y tá kiêm bác sĩ và ra quyết định rằng thứ bột này sẽ là liều thuốc trấn an binh sĩ: nó sẽ có giá trị như một phương thuốc chữa bách bệnh, dùng cho cả các vết thương trên cơ thể và những nỗi đau tinh thần. Ai dám đổ nước vào bột này sẽ bị đưa ra trước tòa án binh.

Liều thuốc trấn an thành công đến nỗi bệnh viện lúc nào cũng đông nghẹt. Cũng phải thông cảm cho những kẻ giả vờ ốm: chị Juliette đã biến phòng khám bệnh thành ngưỡng cửa địa đàng. Chị ấy đặt “người ốm” và “người bị thương” nằm trên những tấm đệm làm bằng Nhân dân nhật báo, dịu dàng và lo lắng hỏi xem chúng đau ở đâu, chị ấy hát cho chúng nghe những bài hát ru, rồi vừa quạt mát, vừa đổ gói xúp khô vào những cái miệng đang há rõ to. Những khu vườn của thánh Allah cũng không thể là một nơi nghỉ dưỡng dễ chịu hơn thế được.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25117


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận