Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển Lời giới thiệu

Lời giới thiệu
Cách đây khoảng một thế kỷ, ở nước Pháp có một nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng được mọi người, nhất là bạn đọc trẻ, hết sức yêu thích.

 Họ nóng lòng mong đợi từng tác phẩm của ông, chuyền tay nhau đọc và tranh luận sôi nổi về những vấn đề ông đặt ra. Ở nước ngoài, người ta vội vã dịch các tác phẩm của ông để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người đọc.

Nhà văn đó là Jules Verne (1828-1905). Ở Jules Verne, nhà văn và nhà bác học chỉ là một. Ông có kiến thức sâu rộng, có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, có nhiều tư tưởng tiến bộ và là một tấm gương lao động sáng ngời. Ông đã để lại một di sản văn học - khoa học lớn cả về số lượng và chất lượng: năm mươi bảy tác phẩm của Jules Verne đưa chúng ta đi rất xa vào thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, đi “Vòng quanh trái đất trong 80 ngày”, đi từ trái đất lên Cung trăng rồi lặn xuống biển mà đi “Hai vạn dặm...” Ông đã mời bạn đọc tham gia cuộc phiêu lưu mạo hiểm của “Những đứa con của thuyền trưởng Gơ-răng” ở châu Mỹ, châu Úc và Thái Bình Dương...

Nhiều dự kiến thiên tài của Jules Verne tới nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Nhiều ước mơ của ông đã được những người đời sau biến thành hiện thực. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và in lại nhiều lần với số lượng hàng triệu bản. Jules Verne được xem là bậc thầy của các nhà văn viết về đề tài khoa học.

Truyện “Hai vạn dặm dưới biển” Jules Verne viết xong năm 1868 và đưa in lần thứ nhất trong “Tạp chí giáo dục và giải trí” năm 1869 - 1870. Năm 1870 ông mới đưa in riêng thành sách.

Trong lời đề tựa in trong tạp chí, Jules Verne nói với các độc giả trẻ tuổi:

“Bạn đọc của “Tạp chí giáo dục và giải trí” sẽ hiểu vì sao khi đưa in truyện mới này, trước hết tôi muốn cảm ơn các bạn, vì các bạn đã là những người bạn đường tốt và chung thủy của tôi trong các cuộc thám hiểm châu Mỹ, châu Úc và Thái Bình Dương cùng với những đứa con của thuyền trưởng Gơ-răng, thám hiểm Bắc Cực theo dấu vết của thuyền trưởng Gát-tơ-ráx.

Tôi hy vọng rằng cuộc du hành dưới biển sẽ làm bạn đọc thích thú và hiểu biết phong phú như các cuộc hành trình trước, nếu không hơn. Xin các bạn đừng sợ. Tôi tin rằng tôi sẽ đưa các bạn tham dự cuộc du lịch mới lạ và độc đáo này được trở về bình yên vô sự. Đáy biển mà lần đầu tiên chúng ta sẽ quan sát kỹ ở các độ sâu khác nhau sẽ không có gì là khủng khiếp như đối với biết bao thủy thủ đã thiệt mạng vì tàu thuyền bị đắm.

Hơn nữa, chúng ta sẽ vượt qua hai vạn dặm một cách khá nhanh chóng, có lẽ không mất đến một năm, nếu như giữa thủy thủ và hành khách có sự nhất trí hoàn toàn. Về phần tôi, tôi đã làm mọi việc để đạt được sự nhất trí ấy, vì lẽ bạn đọc chính là hành khách của tôi, và tôi có nhiệm vụ săn sóc họ thật chu đáo trong chuyến đi để họ được hài lòng khi trở về nhà.

Lòng ham muốn bằng mọi cách khám phá ra cái thế giới bí ẩn, kỳ lạ đó đã khiến tôi phải cố gắng rất nhiều để vượt qua những khó khăn to lớn.

Các bạn sẽ thấy rõ điều nói trên khi đọc tới trang cuối cùng của cuốn sách, khi về tới trạm cuối cùng của cuộc hành trình hai vạn dặm dưới biển này”.

Jules Verne hy vọng rất nhiều vào cuốn truyện và phỏng đoán một cách chính đáng rằng “Hai vạn dặm dưới biển” sẽ là một trong những tác phẩm ưu tú nhất của ông.

Đối với nhiều người sống cùng thời với Jules Verne, ý đồ đi ngầm dưới nước vòng quanh thế giới là hoàn toàn không tưởng, vì những nhà chế tạo tàu ngầm đó đã mất bao năm tháng khó nhọc mà chẳng đạt được kết quả gì đáng kể. Nhưng trái lại, Jules Verne vững tin rằng ước mơ ngàn năm của con người về việc chinh phục biển sâu sớm muộn sẽ được thực hiện, và chiếc tàu ngầm lý tưởng của ông hoàn toàn không phải là một cái gì viển vông vô căn cứ.

 

Trong thư viết gửi cụ thân sinh trước khi cho xuất bản cuốn truyện, ông viết:

“Đã có lần con viết cho cha rằng con đang nảy ra những ý nghĩ rất xa hiện thực. Nhưng không phải như vậy. Tất cả những gì con người có khả năng hình dung ra được thì họ sẽ tìm được cách thực hiện”.

Trong những bức thư gửi nhà xuất bản, Jules Verne cũng khẳng định như vậy. Vì, lúc đầu đối với nhà xuất bản, tư tưởng du hành quanh thế giới dưới biển sâu cũng quá viển vông.

Mùa hè năm 1868, ông viết cho họ: “Khó khăn là ở chỗ biến những cái rất xa thực tế thành hiện thực. Hình như tôi đã đạt được điều đó. Giờ đây chỉ còn phải gọt giũa thêm về mặt tu từ...”

Jules Verne viết xong tập I của cuốn truyện "Hai bạn dặm dưới biển" trên chiếc du thuyền Xanh Mi-sen chạy dọc bờ biển La Măng-sơ, và mùa thu năm 1868 ông ngược sông Xen lên Pa-ri để đưa bản thảo cho nhà xuất bản. Trước đó ít lâu, ông đã báo để họ biết: “Ông Ét-xen thân mến, tôi sẽ có mặt ở Pa-ri ngày mùng 1 tháng 10. Nếu ông có nhà thì ông nên đọc ngay tập I của cuốn “Hai vạn dặm dưới biển”. Tôi nghĩ rằng cuốn sách đã đạt yêu cầu. Tất cả những sự việc trong truyện đều thật khác lạ và bất ngờ. Từ trước tới nay tôi chưa hề viết một truyện nào như vậy... Tôi hy vọng cuốn sách độc đáo này sẽ được người đọc ưa thích.

Trong truyện có đôi chỗ nhiều tình cảm như ông đòi hỏi, lại thêm vài mẩu dự trữ nữa có thể chép vào truyện được, nếu ông thấy chưa đủ. Tôi sẽ cố gắng cung cấp cho ông đủ số lượng nước mắt như ông yêu cầu”...

Những dòng thư trên đây một lần nữa xác định rằng Jules Verne đã phải chiều ý nhà xuất bản và đôi khi đã phải đưa vào tác phẩm những đoạn văn đi ngược lại những nguyên tắc sáng tác của mình. Ét-xen, vừa xuất bản sách vừa sáng tác cho thiếu nhi với bút danh Xtăng, chủ trương rằng những tác phẩm viết cho lứa tuổi nhỏ không những phải mở mang trí tuệ các em, giúp các em giải trí, mà còn phải tác động nhiều đến tình cảm các em nữa. Vì vậy, khác với Jules Verne, khi viết, Ét-xen đã tỏ ra quá ướt át về tình cảm. Nhưng may thay, Jules Verne đã bảo vệ được tác phẩm của mình vì trong “Hai vạn dặm dưới biển” ta không hề thấy bóng dáng của chủ nghĩa tình cảm.

Sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, nhiều nhà bác học thừa nhận rằng nó đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng sáng chế phát minh trong lĩnh vực tàu ngầm, và để kỷ niệm cuốn truyện, người ta đã lấy tên “Nau-ti-lux” để đặt tên cho tàu ngầm ở nhiều nước trên thế giới (Nau-ti-lux là tên chiếc tàu ngầm trong truyện).

Chúng ta đều biết đất liền chỉ chiếm 30% diện tích của hành tinh chúng ta. Phần còn lại là màu xanh mênh mông của biển cả.

Bốn đại dương của trái đất: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương giàu có vô tận. Các nhà bác học còn cho rằng chính từ dưới các đại dương ấy đã nảy sinh ra sự sống đầu tiên trên trái đất. Mãi sau này sự sống ấy mới thích nghi với môi trường không khí trên cạn. Hiện có khoảng mười lăm vạn loài vật sống dưới biển...

Những bí mật của biển sâu bao giờ cũng gợi trí tò mò của con người. Từ thời rất xa xưa, con người đã ước mơ tới khả năng bơi ngầm dưới biển. Mơ ước đó gắn liền với những nhu cầu vật chất của họ. Những bộ lạc nguyên thủy đã biết tìm kiếm thức ăn ngoài biển và biến vỏ sò, ốc... thành vật dụng hàng ngày...

Jules Verne đã đưa những nhân vật trong truyện và bạn đọc của mình đi sâu vào thế giới huyền bí củ a đại dương...

Người đọc sẽ sửng sốt trước vẻ đẹp của thủy cung mà Jules Verne đã miêu tả một cách tuyệt vời qua ô cửa phòng khách của thuyền trưởng Nê-mô trên chiếc tàu ngầm Nau-ti-lux.

Nhiều người cho rằng Jules Verne đã có một dự kiến thiên tài về kỹ thuật, và ông chẳng những đã đoán trước được sự xuất hiện của tàu ngầm, mà còn cho nó những tính năng mà khoa học kỹ thuật ngày nay chưa đạt được.

Một số khác lại cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã vượt quá ước mơ của Jules Verne từ lâu, và những tàu ngầm hiện đại ở nhiều nước về mặt kỹ thuật chẳng thua kém gì chiếc Nau-ti-lux của thuyền trưởng Nê-mô.

Cả hai ý kiến trên đều không đúng.

Theo tài liệu để lại thì chính A-lếch-xăng Ma-xê-đoan, một vị tướng nổi danh thời cổ đại Hy Lạp (356 - 323 tr. C.N.), là người đầu tiên đã tìm cách lặn xuống nước trong một cái hộp kín tựa như một cái thùng gỗ nhỏ. Ta có thể ngạc nhiên, không hiểu vì sao vị tướng tài và nhà chính trị nổi tiếng của thế kỷ IV trước Công nguyên ấy lại tìm mọi cách để thăm dò đáy biển.

Nhưng điều đó cũng dễ hiểu, nếu ta nhớ lại rằng A-lếch-xăng Ma-xê-đoan là học trò của nhà tự nhiên học và triết học A-ri-xtốt. A-ri-xtốt rất quan tâm tới các máy móc dùng để lặn và đã để lại cho đời sau một tài liệu miêu tả những máy móc đó. Người thầy vĩ đại ấy đã biết gợi lên cho người học trò có tài lòng ham mê thí nghiệm khoa học.

Ở thế kỷ IV sau Công nguyên, Vê-hê-xi, một nhà văn - quân sự cũng đề cập tới những máy lặn, nhưng chưa giải quyết được gì cho vấn đề du hành ngầm dưới nước.

Năm 1620, một bác sĩ người Hà Lan là Coóc-ne-li Van Đrê-ben, làm quan trong triều đình vua Anh, đã chế tạo ra chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới. Tất nhiên nó còn rất thô sơ vì chỉ là một chiếc thùng to xung quanh bọc da có tẩm dầu. Ông ta làm cả thảy ba chiếc dùng để mua vui cho những cận thần của vua Anh. Mỗi chiếc có thể đưa được hai mươi người xuống đáy sông Tem-dơ (chảy qua Luân Đôn).

Từ đấy, người ta liên tiếp thiết kế các kiểu tàu ngầm, nhưng chỉ có số ít được thực hiện và có tiếng vang nào đó trong lịch sử kỹ thuật.

Một trong những đồ án đáng kể nhất được thực hiện là đồ án “chiếc tàu bí mật” của nhà sáng chế người Nga là Ê-phim Ni-cô-nốp. Năm 1720, Pi-ốt đệ nhất đã chứng kiến cuộc thử tàu đó ở Pê-téc-bua. Ni-cô-nốp đoán chắc rằng chiếc tàu của mình có thể bí mật lẻn đến và đánh tàu chiến địch từ dưới đáy lên.

Cuộc thí nghiệm thành công. Ni-cô-nốp đã điều khiển tàu lặn xuống, nổi lên và làm nhiều động tác khác nhau. Sau đó ông được lệnh đóng một chiếc tàu kiểu ấy nhưng lớn hơn và có trang bị hỏa lực. Công việc mới bắt đầu thì bị đình lại vì Pi-ốt qua đ i.

Đầu thế kỷ XIX, Sin-đe - một kỹ sư người Nga - đã có cống hiến lớn trong việc chế tạo tàu ngầm. Năm 1834, ông đóng xong chiếc tàu ngầm bằng kim loại đầu tiên, trọng tải mười sáu tấn dùng vào mục đích quân sự. Tàu có kính viễn vọng và chuyển động được là nhờ sức đẩy của những mái chèo đặc biệt đặt trên đó.

Đồ án của Sin-đe là đỉnh cao của tư tưởng kỹ thuật lúc đó, nhưng tàu của ông có nhược điểm lớn là không có động cơ. Sức người chèo không thể đưa con tàu đi nhanh và đi xa được.

Vấn đề động cơ tàu ngầm được nhà sáng chế người Pháp là Ri-u đặt ra đầu tiên. Năm 1861, Ri-u đóng xong hai chiếc tàu ngầm. Trên chiếc thứ nhất, ông đặt một máy hơi nước; trên chiếc thứ hai, ông tìm cách đặt một động cơ điện, nhưng thất bại. Có lẽ, ý đồ của Ri-u đã được Jules Verne dùng để thiết kế chiếc tàu ngầm cho thuyền trưởng Nê-mô...

 

*

 

Như vậy, Jules Verne không phải là người tiên đoán ra tàu ngầm. Nó đã có lịch sử từ trước khi ông ra đời. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tầm mắt của nhà tiểu thuyết viễn tưởng làm ta phải kinh ngạc. Ngay cả kỹ thuật hiện đại nhất cũng chưa đủ sức thực hiện hết những mơ ước của Jules Verne.

Về kích thước và trọng tải (1.500 tấn), tàu Nau-ti-lux chẳng phải là quá lớn đối với chúng ta, vì đã có những chiếc lớn hơn gấp hai, ba lần. Nhưng tốc độ năm mươi hải lý một giờ thì chưa một chiếc tàu ngầm hiện đại nào đạt được.

Điều đáng ngạc nhiên nhất ở chiếc Nau-ti-lux là nó có thể lặn xuống bất cứ độ sâu nào, trong khi loại tàu ngầm vững vàng nhất hiện nay không dám xuống sâu quá hai, ba trăm mét. Xuống sâu hơn nữa thì vỏ tàu có thể bị áp lực nước bóp nát như ta bóp một vỏ trứng.

Một dự kiến kỹ thuật hết sức thú vị của Jules Verne là việc dùng điện năng để điều khiển toàn bộ tàu Nau-ti-lux. Muốn thấy hết ý nghĩa của dự kiến này, ta cần nhớ lại rằng khi Jules Verne viết cuốn truyện, điện chưa phải là năng lượng chủ yếu của công nghiệp, tính ưu việt của điện chưa được các nhà chuyên môn thấy rõ như ngày nay. Thời đó chưa có đèn điện, mà tàu Nau-ti-lux đã được các bóng đèn hình bán cầu gắn trên trần chiếu sáng trưng. Trong công nghiệp chưa có động cơ điện mà chân vịt tàu Nau-ti-lux đã được quay tít bằng sức điện...

 

*

Mặc dù Jules Verne nhìn xa thấy rộng, nhưng ông không thể đoán trước rằng sẽ có những máy móc tuyệt diệu để định hướng và thăm dò đáy biển như chúng ta hiện có. Vì lẽ nhiều loại máy móc đó được chế tạo trên cơ sở những nguyên lý được tìm ra sau khi Jules Verne mất.

Thí dụ, ở thời Jules Verne, bản đồ hàng hải rất ít khi được ghi chú về độ sâu của vùng biển xa bờ, vì muốn đo độ sâu đó, người ta phải buộc dây vào một vật nặng rồi thả xuống. Do đó xác định độ sâu rất không chính xác và mất nhiều thời giờ vì mỗi lần đo, tàu phải đỗ lại...

Từ đỉnh cao của khoa học kỹ thuật cuối thế kỷ XX, ta có thể phê phán một cách dễ dàng những thiếu sót và sai lầm của Jules Verne trong “Hai vạn dặm dưới biển”.

Chẳng hạn, cách xếp loại động vật của giáo sư A-rô-nắc và Công-xây (trong truyện) nói chung đã lạc hậu so với cách xếp loại của sinh vật học hiện nay(1). Các nhân vật mặc quần áo lặn đã chuyển động một cách quá nhẹ nhàng, điều này không đúng với thực tế công việc rất vất vả và phức tạp của thợ lặn. Ta có thể không thừa nhận rằng bạch tuộc lại có khả năng làm cho tàu Nau-ti-lux không chạy được, vì khi nó đã bị băm nhừ ra thì không thể có một sức cản nào đáng kể.

Nhưng tất cả những điều đó chẳng phải là lỗi của Jules Verne mà là do những hạn chế về kiến thức của thời đại ông. Ngày nay, chẳng ai lại dùng truyện của Jules Verne để nghiên cứu về cá. Nhưng mặt khác, cũng chẳng ai có thể thống kê được là cuốn sách tuyệt vời này đã là ngọn đuốc soi đường cho bao người sau khi đọc truyện đã trở thành những nhà ngư học, hải dương học và nhà nghiên cứu chế tạo tàu ngầm.

 

*

 

“Linh hồn của Nau-ti-lux” - thuyền trưởng Nê-mô - đã được Jules Verne xây dựng với tất cả lòng yêu mến, cảm phục. Qua tư tưởng và tình cảm của Nê-mô, Jules Verne giãi bày phần nào thái độ của mình đối với xã hội tư sản lúc đó. Nê-mô căm ghét những cảnh bất công đầy dãy trong xã hội, nguyền rủa sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đối với nhân dân lao động. Nhưng Nê-mô không tìm ra con đường đi đúng đắn. Ông không biết làm gì hơn là tập hợp một số người cùng chí hướng, tự nguyện từ bỏ xã hội thối nát đó, chung sức đóng chiếc tàu Nau-ti-lux rồi đi khắp các đại dương...

Tuy nhiều lần tỏ ý căm ghét và xa lánh xã hội loài người, nhưng Nê-mô vẫn một lòng hướng về những người cùng khổ, những người bị áp bức, những người ông thấy cần được trả thù. Đọc truyện, ta có thể đoán ra số vàng bạc trị giá hàng triệu đồng lấy được từ đáy biển lên, Nê-mô đã gửi cho ai khi tàu Nau-ti-lux tiến vào vùng biển gần đảo Cret đang sôi sục phong trào khởi nghĩa.

Nổi bật lên trong tính cách của Nê-mô và các thủy thủ tàu Nau-ti-lux là lòng nhân đạo sâu sắc, tình bạn và tình đồng chí chân thành, cao cả. Những trang viết về mối tình đồng chí đó thật là cảm động.

 

*

 

Mặc dù có một số hạn chế nhất định, “Hai vạn dặm dưới biển” vẫn là một trong những tác phẩm thành công nhất của Jules Verne. Hơn một trăm năm đã qua, những hiểu biết mọi mặt của con người về biển đã tiến những bước dài. Nhiều khái niệm đã đổi thay về căn bản. Nhưng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật không làm chúng ta giảm lòng yêu mến và kính phục Jules Verne, vì cuốn sách này đã góp phần hướng biết bao thanh thiếu niên tiến vào khoa học và bao người sau này đã trở thành những nhà hải dương học, ngư học và chế tạo tàu ngầm!

Đối với chúng ta, những bạn đọc của Jules Verne, cái chủ yếu trong tác phẩm của ông là ngọn lửa nhiệt tình không bao giờ tắt trên con đường nghiên cứu khoa học, là sự khẳng định ý chí và trí tuệ con người, là chất thơ của việc chinh phục thiên nhiên nhằm phục vụ lợi ích của những người lao động.

 

NGƯỜI DỊCH


(dựa theo tài liệu của giáo sư
L.A. Đen-kê-vich và Bran-dix)



(1) Khi dịch, chúng tôi lược bỏ một số chi tiết về phân loại, miêu tả sinh vật học và về địa lý tự nhiên (ND).

Nguồn: truyen8.mobi/t83755-hai-van-dam-duoi-bien-loi-gioi-thieu.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận