Tôi đi theo thuyền trưởng Nê-mô. Cánh cửa khép ở cuối phòng ăn mở ra, chúng tôi bước vào căn phòng bên cạnh cũng rộng như vậy.
Đó là thư viện. Trong những chiếc tủ bằng gỗ mun, trên những giá rộng, sách xếp thành hàng, quyển nào cũng đóng bìa giống nhau. Tủ kê dọc tường, cao từ sàn tới trần. Cách tủ một chút là những chiếc đi - văng rộng, bọc da màu nâu, kê sát nhau. Giữa thư viện có một cái bàn trên bày nhiều tạp chí và một số báo cũ. Bổ sung cho tất cả sự hài hòa đó, bốn bán cầu bằng kính mờ rọi ánh sáng điện từ trần xuống. Tôi quan sát căn phòng đẹp đẽ đó, trong lòng hết sức ngạc nhiên và thán phục.
- Thưa thuyền trưởng, - tôi nói với Nê-mô lúc đó đang nằm dài trên đi-văng, - thư viện của ngài có thể là niềm tự hào cho bất cứ tòa lâu đài nào trên lục địa. Tôi rất sửng sốt khi nghĩ rằng cái kho báu này lại theo ngài đi du lịch dưới đáy biển!
- Thưa giáo sư, ngài có thể tìm thấy ở đâu những điều kiện thuận lợi để làm việc như thế này? Ở đây im lặng, tĩnh mịch hoàn toàn. Ở phòng làm việc của ngài trong Viện bảo tàng Pa-ri đâu có được những điều kiện tốt như vậy.
- Tất nhiên là không! Tôi phải thú thật rằng, so với phòng làm việc của ngài thì phòng làm việc của tôi ở Pa-ri còn rất nghèo nàn. Ngài có ít nhất sáu, bảy ngàn cuốn sách...
- Thưa ngài, mười hai ngàn cuốn tất cả. Sách báo là vật duy nhất nối liền tôi với mặt đất. Đối với tôi, thế giới này ngừng tồn tại từ ngày tàu Nau-ti-lux lặn xuống biển lần đầu. Hôm đó lần cuối cùng tôi mua sách và báo chí. Thưa giáo sư, ngài có thể sử dụng thư viện của tôi một cách tự nhiên.
Tôi cảm ơn thuyền trưởng Nê-mô, rồi đến xem những giá sách. Ở đây tập hợp các loại sách khoa học, triết học, văn học bằng các thứ tiếng. Nhưng tôi chẳng thấy một tác phẩm nào về kinh tế chính trị cả. Chắc là đã có lệnh nghiêm cấm không cho mang loại sách này lên tàu. Một chi tiết đáng chú ý: sách được xếp theo thứ tự a, b, c bất kể là được viết bằng thứ tiếng nào. Có lẽ thuyền trưởng Nê-mô thạo tất cả các thứ tiếng.
Trong số sách báo, tôi thấy tác phẩm của những nhà văn, những nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới cổ đại và hiện đại - tất cả những gì ưu tú nhất đã được thiên tài của con người sáng tạo ra trong lĩnh vực lịch sử, thơ ca, văn xuôi và khoa học, từ Hô-me đến Vích-to Huy-gô, từ Ra-ble đến Gioóc-giơ Xăng. Nhưng dù sao, sách khoa học cũng chiếm ưu thế trong thư viện này. Sách về cơ học, đạn đạo học, thủy văn học, khí tượng học, địa lý học, động vật học, v.v... xen kẽ với những tác phẩm về lịch sử tự nhiên, theo tôi hiểu, là đối tượng nghiên cứu khoa học chủ yếu của thuyền trưởng. Ở đây có toàn bộ tác phẩm của các nhà khoa học nổi tiếng thế giới, những “thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học”, những tuyển tập của các hội địa lý, v.v... Hai cuốn sách của tôi cũng vinh dự được đứng trong số sách đó, và có lẽ nhờ chúng mà tôi được đối xử tử tế trên tàu Nau-ti-lux này! Cuốn “Những cơ sở của thiên văn học” của Giô-dép Béc-tơ-răng xuất bản năm 1865 cho phép tôi kết luận rằng tàu Nau-ti-lux được đưa xuống nước không sớm hơn năm đó.
Như vậy, thuyền trưởng Nê-mô bắt đầu cuộc sống ngầm dưới nước mới ba năm trước đây. Tôi hy vọng sẽ xác định được thời điểm chính xác, nếu tìm thấy được sách báo nào đó trong thư viện xuất bản muộn hơn. Nhưng tôi còn đủ thì giờ để làm việc đó, hơn nữa tôi không muốn hoãn việc tham quan tàu Nau-ti-lux lại.
Tôi nói:
- Xin cảm ơn ngài đã cho phép tôi sử dụng thư viện của ngài. Ở đây có bao nhiêu sách khoa học quý giá! Tôi sẽ không bỏ lỡ dịp may này.
- Đây chẳng những là thư viện mà còn là phòng hút thuốc nữa, - Nê-mô trả lời.
- Phòng hút thuốc ư? - Tôi ngạc nhiên. - Phòng hút thuốc trên tàu Nau-ti-lux ư?
- Đúng vậy!
- Nếu thế thì, thưa ngài, tôi phải giả định rằng ngài vẫn còn quan hệ với La Ha-ba-na(1).
- Hoàn toàn không. Xin mời ngài hút thử một điếu xì-gà. Nó thực không phải là xì-gà La Ha-ba-na, nhưng nếu ngài sành hút thì chắc nó sẽ hợp khẩu vị của ngài.
Tôi lấy một điếu, hình dáng rất giống xì-gà La Ha-ba-na loại tốt nhất, nhưng hình như được cuốn bằng những lá vàng óng. Tôi châm lửa hút trên chiếc đèn lớn đặt trên cái đế bằng đồng hun rất đẹp, rồi hít một hơi dài với vẻ say sưa của một anh nghiện bị đói thuốc đã hai ngày.
- Xì-gà ngon tuyệt, nhưng đây có thật là xì-gà không, thưa ngài? - Tôi hỏi.
- Xì-gà thật, nhưng không phải là của La Ha-ba-na hay Thổ Nhĩ Kì. Biển cung cấp cho tôi loại tảo hiếm, có nhiều chất ni-cô-tin này. Bây giờ ngài còn thèm xì-gà La Ha-ba-na không?
- Thưa ngài thuyền trưởng, từ giờ phút này, tôi coi rẻ chúng rồi!
- Xin ngài cứ hút thỏa thích và đừng hỏi về nguồn gốc của nó. Chẳng ai đánh thuế vào nó cả, nhưng chẳng vì thế mà nó kém giá trị đi đâu!
- Ngược lại!
Lúc đó thuyền trưởng Nê-mô mở cánh cửa đối diện với cửa vào thư viện. Thế là tôi bước sang phòng khách ánh sáng chói lòa.
Đó là một gian phòng lớn, dài mười mét, rộng sáu mét, cao năm mét. Mấy ngọn đèn giấu trên trần tỏa sáng xuống những vật báu bày trong phòng bảo tàng. Đúng, đây là một phòng bảo tàng thực sự, nơi những tặng vật của thiên nhiên và những tác phẩm nghệ thuật được một bàn tay tài hoa tập hợp lại.
Khoảng ba chục bức tranh của các họa sĩ vĩ đại trang hoàng xung quanh tường, xen vào giữa là những lá chắn và áo giáp của các kỵ sĩ thời xưa. Đó là những bức họa hết sức quý giá mà tôi đã được chiêm ngưỡng trong những phòng tranh tư nhân ở châu Âu và những triển lãm nghệ thuật. Nhiều trường phái hội họa cổ điển được trưng bày ở đây. Lời tiên đoán của thuyền trưởng Nê-mô bắt đầu thành sự thật: tôi đã ngạc nhiên hết sức!
- Thưa giáo sư, - Nê-mô nói, - tôi mong ngài thứ lỗi cho về việc đón tiếp ngài quá đơn sơ, và phòng khách không được gọn gàng lắm.
- Thưa thuyền trưởng, - tôi trả lời, - tuy chưa hiểu biết gì về ngài, tôi vẫn mạnh dạn cho ngài là một họa sĩ!
- Nghiệp dư thôi! Xưa kia tôi rất thích sưu tầm những tác phẩm ưu tú do bàn tay con người làm ra. Tôi là người sưu tập say mê, không biết mệt mỏi và đã tìm được mấy tác phẩm rất quý giá. Bộ tranh này là kỷ niệm cuối cùng về mặt đất. Tôi xem những họa sĩ đương thời của ngài cũng như các họa sĩ thời xưa. Thiên tài đâu có tuổi tác!
- Thế còn các nhà soạn nhạc? - Tôi chỉ vào tác phẩm của Rốt-xi-ni, Mô-da, Bét-tô-ven... bày la liệt trên chiếc đại phong cầm, chiếm cả khoảng tường giữa hai cửa ra vào.
Thuyền trưởng Nê-mô trả lời:
- Đối với tôi, những nhạc sĩ này là những người đồng thời với Oóc-phê-ux(1) vì khái niệm thời gian đã bị xóa nhòa trong óc tôi...
Thuyền trưởng im lặng và suy nghĩ lắng xuống. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt ông ta, lòng vô cùng xúc động, Nê-mô tựa vào cái bàn gỗ quý và dường như đã quên bẵng tôi đi.
Không muốn cản trở dòng suy nghĩ của Nê-mô, tôi quay ra xem những vật báu.
Những tác phẩm nghệ thuật được bày cạnh những sản phẩm của thiên nhiên. Rong biển, vỏ ốc, vỏ trai và những tặng vật khác của đại dương, chắc do bàn tay Nê-mô sưu tầm, chiếm một vị trí nổi bật trong bộ sưu tập của ông ta. Giữa phòng khách có một bể phun nước được điện chiếu sáng từ dưới lên.
Trong mấy tủ kính rất đẹp, những vật mẫu hiếm nhất của đại dương được xếp loại và dán nhãn bên ngoài. Các bạn thử hình dung xem một người nghiên cứu tự nhiên như tôi lúc đó sung sướng đến mức nào!
Ở những ngăn đặc biệt có từng chuỗi ngọc trai đẹp tuyệt trần, óng ánh đủ màu sắc dưới ánh sáng điện, ngọc trai màu hồng lấy từ đáy biển Đỏ; ngọc màu xanh, màu vàng, màu da trời, màu đen - một sản phẩm kỳ lạ của loài nhuyễn thể ở tất cả các đại dương; cuối cùng là những viên ngọc vô giá lấy từ loại trai lớn nhất và hiếm nhất. Có mấy viên ngọc lớn hơn quả trứng chim câu, mỗi viên đều đắt hơn viên ngọc mà nhà thám hiểm Ta-véc-ni-ê đã bán cho vua Ba Tư lấy ba triệu đồng. Không thể xác định giá trị của bộ sưu tập này được. Thuyền trưởng Nê-mô phải tốn hàng triệu đồng để mua những vật báu này. Tôi tự hỏi, chẳng biết ông ta lấy tiền ở đâu để thỏa mãn những thích thú cầu kỳ của mình? Nhưng ngay lúc đó Nê-mô bảo tôi:
- Ngài xem những vỏ trai, ốc của tôi đấy ạ? Đúng là chúng có thể làm các nhà tự nhiên học thích thú, nhưng đối với tôi, chúng còn có một vẻ quyến rũ đặc biệt vì tự tay tôi đã sưu tầm chúng và chẳng còn vùng biển nào trên trái đất mà tôi chưa tìm đến.
- Thưa thuyền trưởng, tôi hiểu, rất hiểu là ngài thú vị biết bao khi ngắm nhìn những vật báu của mình. Và chúng lại do chính tay ngài sưu tầm được! Chẳng một viện bảo tàng nào ở châu Âu có nổi một bộ sưu tập động vật và thực vật biển phong phú như thế này. Nhưng nếu tôi quá say sưa những vật này thì còn đầu óc đâu để đi thăm tàu? Tôi hoàn toàn không muốn đi sâu vào những bí mật của ngài, nhưng xin thú thực rằng, cấu tạo của tàu Nau-ti-lux, những máy móc làm cho tàu có tính cơ động lạ thường như vậy, đã kích thích cao độ tính tò mò của tôi.
Trên tường phòng khách, tôi thấy những máy móc mà tôi không rõ dùng để làm gì. Tôi có thể tìm hiểu được không ạ?
- Thưa giáo sư, tôi đã nói rằng Ngài được tự do trên tàu của tôi. Như vậy, không có chỗ nào trên tàu Nau-ti-lux này mà ngài không thể đặt chân tới! Ngài có thể xem xét tất cả các bộ phận của tàu, và tôi xin sẵn lòng hướng dẫn ngài.
- Thưa thuyền trưởng, tôi vô cùng cảm tạ ngài! Tôi sẽ không dám lạm dụng lòng tốt của ngài! Chỉ xin ngài cho tôi được tìm hiểu công dụng của các dụng cụ vật lý này...
- Thưa giáo sư, trong phòng tôi cũng có những máy móc y hệt như ở đây. Tôi sẽ giải thích để ngài rõ công dụng. Nhưng trước hết, xin ngài hãy cùng tôi xuống phòng đã chuẩn bị riêng cho ngài. Ngài cần biết mình sẽ sống trên tàu Nau-ti-lux thế nào!
Tôi đi theo thuyền trưởng Nê-mô. Sau khi đi qua một cánh cửa ở góc phòng khách, chúng tôi bước vào một hành lang hẹp, chạy dọc thành tàu. Tới mũi tàu, Nê-mô dẫn tôi vào một căn phòng rất đẹp, có giường, bàn rửa mặt và những tiện nghi khác.
Tôi chỉ còn biết cảm ơn người chủ nhà đáng yêu đó thôi.
- Phòng của ngài liền với phòng tôi, - Nê-mô vừa nói vừa mở một cánh cửa khác, - phòng tôi lại thông với phòng khách, nơi ta vừa ra.
Phòng thuyền trưởng có vẻ khắc khổ gần như nhà tu. Một chiếc giường sắt, một bàn làm việc, mấy cái ghế, một chậu rửa mặt. Trong phòng tranh tối tranh sáng. Chỉ có những đồ dùng cần thiết nhất.
Thuyền trưởng chỉ một chiếc ghế và bảo tôi:
- Mời ngài ngồi.
Tôi ngồi xuống ghế, và Nê-mô bắt đầu giải thích.
(1) Thủ đô Cu-ba, nơi có loại xì-gà nổi tiếng - ND.
(1) Một nhà thơ và ca sĩ trong thần thoại cổ Hy Lạp, có tiếng hát làm say mê lòng người, hấp dẫn muôn vật, kể cả gỗ đá - N.D.