Hoa tư dẫn Chương 4

Chương 4
Ngày hôm sau trời nổi gió nam, gió thổi từ nước Triệu đến nước Trịnh, cũng chính là lộ trình chúng tôi định đi.

Nếu đi bằng thuyền sẽ thuận chiều gió, nhanh hơn nhiều. Tôi và Mộ Ngôn đều cho rằng, so với đi tìm Thập Tam Nguyệt theo kế hoạch đã định thì thà lẳng lặng đi theo Oanh Ca biết đâu lại tìm ra manh mối sớm hơn.

Nhưng Oanh Ca lại đi đường thủy ngược chiều gió từ Trịnh đến Triệu, lẽ ra có thể cưỡi sóng đạp gió lướt băng băng cuối cùng lại chịu cảnh nhích từng bước. Lại còn một khó khăn khác, chính là lúc này chỉ có một chuyến thuyền đi nước Triệu, việc theo dõi Oanh Ca chắc chắn rất dễ bị phát hiện.

May có Mộ Ngôn thân thủ khá trên đường đi mới không bị mất mục tiêu. Oanh Ca đang lơ đãng đứng tựa lan can thuyền, đầu đội mũ sa rộng, từng lớp rèm sa mỏng dài, màu tím xung quanh vành mũ rủ xuống tận đầu gối, bao bọc khuôn dung và vóc dáng yêu kiều, chỉ lộ một đường chân váy màu tím bạc và suối tóc dài chấm gót chân.

Tôi hơi ngạc nhiên, đêm qua dưới ánh nến mờ, quả thật không nhận ra mái tóc cô lại dài như vậy. Hơn nữa hôm nay dáng điệu và trang phục của cô lại ung dung trang nhã đến thế, giống hệt tiểu thư quý tộc của một gia đình gia giáo nghiêm khắc, trang trọng đi du ngoạn, có lẽ ăn vận như vậy là để tránh kẻ thù. Nếu không theo sát suốt dọc đường, chắc tôi đã không thể tin cô tiểu thư kiêu sa trước mặt chính là sát thủ áo tím đã kề dao vào cổ tôi đêm qua.

Lúc sắp xuống thuyền, Mộ Ngôn giữ tôi lại, nói là cần đi làm một việc quan trọng. Tôi đành đứng đợi, lúc thuyền sắp nhổ neo mới thấy chàng xách một cái lồng chim quay lại. Lồng chim bằng gỗ mun, trên chiếc cột đơn chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, bên trong có một con chim màu đen thoạt nhìn hơi giống quạ, nhưng hai bên mỏ có đường viền màu tím hồng, khác hẳn quạ.

Bước lên thuyền, để không bị Oanh Ca chú ý, chúng tôi tìm một góc vắng ngồi hóng mát. Cảm thấy buồn tẻ tôi ngồi trên ván thuyền bắt đầu ngắm nghía con chim đen trong lồng, ngắm một lúc, hỏi Mộ Ngôn: “Vừa rồi huynh đi mua con chim này phải không? Mua để làm gì?”.

Chàng cúi đầu nhìn tôi, thong thả đáp: “Mua cho cô chơi, thích không?”.

Lòng run run, tôi nắm chặt con hổ ngọc trong ống tay áo, sực nhớ lần trước chàng dùng con hổ này để đổi lấy cái nhẫn ngọc của tôi, do dự một hồi lâu, lại rụt rè hỏi: “Không phải huynh định dùng con chim quèn này để đổi con hổ ngọc chứ?”.

Con chim quèn trong lồng mở to mắt, kêu éc một tiếng. Mộ Ngôn ngây người, ánh mắt bắt gặp ánh mắt tôi, miệng nhoẻn cười.

Tôi lườm chàng, ngoảnh mặt đi: “Con chim quèn này chẳng đáng tiền”.

Lời vừa dứt, túm lông vũ trên đầu con chim dựng ngược, nó xông về phía tôi kêu một tiếng. Tôi bực mình khẽ đẩy cái lồng ra xa, tay n ắm chặt con hổ ngọc, không biết thái độ của Mộ Ngôn thế nào.

Thực ra con hổ này tôi đã gần như cưỡng đoạt của chàng, cho dù Mộ Ngôn đòi lại cũng đành chịu. Hơn nữa đây lại là món đồ quý, chàng có thể đòi lại bất cứ lúc nào. Nhưng tôi vẫn trợn mắt: “Tuyệt đối không đổi đâu, tôi không thích con chim quèn này tẹo nào”.

Con chim quèn kích động nhảy lên, đập cánh loạn xạ, kêu ầm ĩ, mọi người trên thuyền đổ mắt nhìn lại, Mộ Ngôn kéo tôi đứng lên, lúng túng: “Vừa cảm thấy trông cô ra dáng một cô gái giờ lại trẻ con rồi”.

Tôi nghĩ đây không phải là trò trẻ con, mà là quyến luyến, những bậc chân tu gọi là lòng tham, cho là xấu, nhưng lòng tham của tôi bé nhỏ như vậy, ngoài làm tổn thương chút tình cảm của con chim, thật sự chẳng hại đến ai, cho nên tuyệt đối chẳng có gì là xấu.

Tôi và Mộ Ngôn cuối cùng cũng sẽ xa nhau, tình cảm của tôi với con hổ ngọc chính là tình cảm với Mộ Ngôn, theo cách nói văn chương có thể gọi là gửi gắm tình cảm, nhưng có lẽ điều này không ai hiểu, chỉ có mình tôi biết.

Tôi nhìn Mộ Ngôn, tôi không biết chàng thích một cô gái như thế nào, tôi vẫn luôn muốn chàng nhìn thấy tôi trong dáng vẻ đẹp nhất, nhưng lúc nào cũng không như ý, khiến chàng cảm thấy tôi bướng bỉnh, cảm thấy tôi chỉ là đứa trẻ. Tuy là một người chết, không có tim tôi vẫn thấy đau lòng, quả là bất lực.

Phía xa xa là trời xanh nước biếc, Mộ Ngôn nhìn tôi, tôi sịt mũi tỏ vẻ phấn khởi, định chuyển chủ đề câu chuyện, bỗng bị chàng kéo mạnh vào lòng. Má ép vào ngực chàng, Mộ Ngôn ôm rất chặt, khiến tôi muốn ngoái đầu cũng khó.

Lòng run run, ý nghĩ đầu tiên là Mộ Ngôn có lẽ cũng hiểu lòng tôi, còn chưa kịp nảy sinh ý nghĩ thứ hai, giọng chàng đã từ trên đầu vọng xuống: “Đừng động đậy”. Tiếp đó là tiếng cười rất nhỏ: “A Phất, người cô muốn tránh cũng ở trên thuyền này”.

Tôi nép vào ngực chàng, vừa thất vọng thầm nghĩ mình đúng là khéo suy diễn, vừa lục tìm trong đầu xem gần đây người mình muốn tránh là ai, bất giác hỏi: “Huynh nói là ai?”.

Giọng chàng thản nhiên: “Bình hầu vương Dung Tầm”.

Tôi vội vàng chúi sâu hơn vào ngực chàng.

Trên sàn thuyền truyền đến những rung chấn mạnh mẽ, đều tăm tắp, chắc chắn phải là bốn người trở lên bước chân đều tăm tắp mới đạt hiệu quả như vậy, tiếng bước chân từ sau lưng vọng lại, lát sau, Mộ Ngôn kéo tôi ra, đoàn tùy tùng của Dung Tầm đã lên lầu .

Tôi vô thức nhìn về phía Oanh Ca ngồi tựa mạn thuyền phía xa, tưởng là lần này cố nhân tương phùng, có thể hé ra manh mối nào đó, nhưng cô vẫn ngồi ung dung, cơ hồ không thay đổi.

Điều thần tình là ánh mắt Mộ Ngôn cũng đánh về phía Oanh Ca, nhưng chỉ thoáng qua, cuối cùng quay lại nói vẻ dửng dưng: “Đừng nhìn, Dung Tầm ở trên lầu, không chạm trán Oanh Ca cô nương”. Chàng hơi dừng, lại tiếp:

“Trước khi lên thuyền tôi nghe được một bí mật cung đình rất thú vị, có muốn nghe không?”.

Tôi vui vẻ gật đầu lia lịa.

Trong gió sông mang hơi lạnh, Mộ Ngôn kể cho tôi nghe bí mật cung đình thú vị đó, cũng như mọi bí mật khác, thực ra chẳng có gì là bí mật, cũng chẳng có gì thú vị, nhưng cái hay là do chuyện xảy ra đã lâu, tình tiết phức tạp, tôi vẫn hào hứng lắng nghe.

Bí mật này truy về Trịnh hầu vương hai đời trước, tức là cha của Cảnh hầu Dung Viên, ông nội của Bình hầu Dung Tầm.

Theo tổ chế xa xưa, Trịnh hầu vương lúc đầu lập con trưởng là người kế vị, chính là thế tử, cha của Dung Tầm, nhưng do lão Trịnh hầu vương là người phúc dày, lập thái tử đã ba mươi năm vẫn không thấy dấu hiệu cưỡi hạc tây quy, khiến cha Dung Tầm vô cùng sốt ruột, mưu hoạch đã lâu, cuối cùng vào một đêm tối trời lặng gió quyết định phản loạn bức cung, kết cục tất yếu là bị giết, để lại đại gia đình thế tử bị l u đày đến miền tây bắc xa xôi, bao gồm cả Dung Tầm mới mười bốn tuổi văn võ song toàn nức tiếng vương đô.

Lão Trịnh hầu vương một đời phong lưu, con cái rất nhiều, nhưng dòng đích đa phần là gái, chỉ có bốn trai, trong đó hai người đã chết yểu, chỉ còn con trưởng và con út. May con trưởng mặc dù phạm tội phản nghịch, nhưng con út Dung Viên xem ra có tài kinh bang trị quốc hơn con trưởng. Năm sau, lão Trịnh hầu vương bố cáo thiên hạ lập con út Dung Viên làm thế tử, trở thành người kế thừa vương vị sau này.

Năm đó, Dung Viên mười lăm tuổi, ngoài danh hiệu công tử đẹp nhất Trịnh quốc còn được mệnh danh là Trịnh quốc đệ nhất đao thủ. Sau chuyện con trưởng phản loạn bức cung, lão Trịnh hầu buồn phiền mãi, trở thành mối tâm bệnh lớn, hai năm sau qua đời, Dung Viên mười bảy tuổi lên ngôi, trở thành Trịnh quốc Cảnh hầu vương.

Sau khi Cảnh hầu vương kế vị, rất thích tài năng của Dung Tầm, nhân lúc quốc gia cầu hiền, liền triệu đại gia đình huynh trưởng từ miền tây bắc trở về vương đô, vừa trấn áp, vừa trọng dụng. Dung Tầm quả không phụ lòng thúc phụ, chức đình úy làm rất tốt, quan hệ chú cháu vô cùng hòa hợp, sáu năm trước, Dung Tầm còn tặng thúc phụ một đại mỹ nhân, về sau được phong là Như phu nhân.

Nghe dân gian đồn, Dung Viên vốn lạnh tình quả dục lại tỏ ra rất mực sủng ái mỹ nhân mà người cháu tặng, mỹ nhân đó trong lúc thưởng hoa lãm nguyệt đã làm một câu thơ, “Cung hoàn thâm thâm nguyệt dung dung”(*). Dung Viên bèn đổi tên cung của mỹ nhân đó thành Dung Nguyệt cung.

Còn Trịnh sử lại ghi Dung Nguyệt cung phu nhân sau khi vào cung chưa đầy hai năm liền được phong chính cung phu nhân, phong hiệu Tử Nguyệt, mẫu nghi Trịnh quốc. Có vẻ là một giai thoại phong lưu của vương thất, nhưng chưa quá một năm sau, Tử Nguyệt phu nhân luôn được Cảnh hầu vương sủng ái lâm bệnh qua đời.

Sau khi Tử Nguyệt qua đời, Cảnh hầu phiền não bi thương, cuối năm đó bệnh nặng quyết định nhường ngôi, do không có con trai bèn truyền ngôi cho cháu ruột là Dung Tầm, năm sau tạ thế ở hành cung, tuổi mới hăm bảy.

Buổi tối hôm Cảnh hầu vương qua đời, hành cung Đông Sơn bốc cháy dữ dội, lửa ngút trời, không chỉ hành cung cháy tr i ngay cả anh đào trồng trên núi cũng cháy thành tro, ly kỳ hơn nữa là từ đó về sau anh đào ở đó không bao giờ ra hoa đỏ nữa.

Nghĩ lại cảnh trong mơ, Oanh Ca khuôn mặt xinh đẹp ửng hồng nói với Dung Tầm: “Em sẽ trở thành sát thủ tốt nhất của Dung gia”.

Nghĩ đến bóng cô loạng choạng dưới bầu trời lả tả cánh hoa anh đào, tôi hỏi Mộ Ngôn: “Mỹ nhân mà Dung Tầm tặng Dung Viên sau được phong Tử Nguyệt phu nhân chính là Oanh Ca phải không?”.

Chàng phe phảy cái quạt gật đầu: “Rõ ràng”.

Tôi băn khoăn: “Vậy cái chết của Tử Nguyệt phu nhân sau này là thế nào?”.

Mộ Ngôn ngập ngừng: “Theo chiếu bố cáo với thiên hạ, Cảnh hầu vương chủ động nhường ngôi, nhưng trước kia có tin đồn chính Bình hầu ép Cảnh hầu thoái vị, nguyên do cũng vì một cô gái”. Chàng mím môi cười. Tôi rất thích cử chỉ đó của chàng.

“Cô gái đó chính là Tử Nguyệt phu nhân. Đây quả là một tin thú vị, nhưng không biết thật giả thế nào, nghe đồn Bình hầu đã kề kiếm vào cổ Cảnh hầu, hỏi một câu: ‘Tôi đã trao nàng nguyên vẹn cho thúc, tại sao thúc lại giày vò nàng tan nát’, thì ra ngày xưa vẫn cho là một đồ vật, hôm nay mới biết là một mỹ nhân”.

Tôi lẩm bẩm: “Nhưng chàng ta đã đem cô ấy tặng người khác, còn trách ai? Thật không thể hiểu, nếu có người bảo tôi đem người trong lòng tặng cho kẻ khác, đánh chết tôi cũng không chịu”.

Mộ Ngôn liếc tôi: “Sao? Không chịu đem ai đi tặng?”.

“Chàng chứ ai”, mấy chữ đó đã ở trong miệng, ngập ngừng một lát, dưới cái nhìn ý tứ mập mờ của chàng, tôi đổi giọng: “Tiểu Hoàng...”.

Cái quạt đập lên đầu tôi, “Lại nói bừa”.

Phía xa núi trập trùng nhấp nhô, sương khói vấn vít, khu rừng cây trên núi xanh ngắt thấp thoáng trong sương. Mộ Ngôn lơ đãng nói: “Con người ta thường có rất nhiều ước vọng, nhưng trở thành hiện thực không nhiều, cho nên cần phân ra cái gì cần nhất, cái gì tương đối cần, cái gì có thể có, có thể không...”.

Tôi nghĩ một lát, “Ý huynh là chỉ cần đạt được cái mình cần nhất?”.

Chàng cười: “Không, cái cần nhất và cái tương đối cần đều phải đạt được, ví như Bình hầu, lúc đầu đem Oanh Ca cô nương tặng cho người khác có lẽ cảm thấy Oanh Ca cô nương không quan trọng lắm”.

Tôi nhìn chàng: “Ý huynh nói nếu huynh là Dung Tầm sẽ không mang Oanh Ca đi tặng, nhưng Oanh Ca không phải là thứ quan trọng nhất của huynh cơ mà?”.

Chàng phe phảy quạt như cười như không nhìn tôi: “Ai nói cái quan trọng nhất chỉ có một?”.

Tôi hiểu lơ mơ, nhưng chàng không nói gì nữa.

Nhìn lên phía mui thuyền, Oanh Ca không biết đã đi đâu, thuyền ra giữa sông, gió mạnh dần, tôi tìm một chỗ vắng, lấy mặt nạ da người đeo lên mặt, Mộ Ngôn ngắm nghía nói: “Đây là khuôn mặt thật của cô sao?”. Tôi nghĩ, nếu không có vết sẹo trên đầu đó, khuôn mặt tôi còn đẹp hơn nhiều, nhưng nghĩ lắm ích gì, quá khứ tốt đẹp nên quên hết thì hơn, để khỏi thêm buồn.

Tôi lắc đầu: “Không, tôi rất xấu, không muốn để ai nhìn thấy”.

Thực ra tôi chỉ không muốn để chàng nhìn thấy.

Bước lên lầu hai, nhìn thấy Dung Tầm toàn thân áo tím ngồi dựa lan can chạm trổ hoa văn, uống rượu một mình. Đây là quân vương Trịnh quốc, lúc này lại xuất hiện trên chiếc thuyền bình dân ở biên giới Trịnh, Triệu, thật là điều khó tưởng tượng. Cẩm Tước, Oanh Ca, Dung Tầm, tất cả lần lượt xuất hiện trước mắt tôi, giống như một lớp kịch đã diễn xong, lại giống như đóa hoa mùa thu chưa nở hết đã tàn, có gì đó khiến người ta muốn kêu lên, khiến ng ời ta muốn dừng lại cũng không được, nhưng vẫn không tìm ra bất cứ manh mối nào.

Dung mạo của Dung Tầm phía trước vẫn tuấn lãng đoan nghiêm như trong giấc mơ của Oanh Ca, những ngón tay dài cầm chiếc cốc gốm Long Tuyền màu xanh trông thanh tao nho nhã như nét cọ trong tranh thủy mặc.

Tôi vẫn chưa tìm được chỗ ngồi, đột nhiên nghe thấy dưới lầu có tiếng ẩu đả liền nhìn xuống, mặt nước sông bên ngoài thuyền đục ngầu, vọt cao cả trượng, khách trên thuyền kinh sợ tản ra tứ phía, dưới sông đột nhiên vọt lên mấy sát thủ áo đen bịt mặt. Thích khách áo đen thế hung mạnh, lưỡi kiếm lạnh lùng ép về phía cô gái áo tím dáng yêu kiều trên thuyền.

Tôi đã nhìn thấy Oanh Ca giết người không chỉ một lần. Nhưng đây là lần đầu nhìn thấy cô giết người bằng trường đao, bóng thanh đao dài hẹp lóe như tia chớp từ không trung thu về, tư thế vẫn không đổi, nhưng đều là nhát đao chí mạng, chính là chiêu thức Dung Viên đã dùng dưới tán anh đào.

Ngọc thạch màu lam khảm trên chuôi đao lóe lên lóng lánh trong chùm tia nước trắng xóa bắn lên từ dưới sông, tương phản với màu đỏ tươi của máu vọt ra từ cổ người áo đen, tạo nên một vẻ đẹp yêu ma. Còn Oanh Ca toàn thân áo tím vẫn ung dung đứng trên mũi thuyền, trông tựa bức sa nhẹ rủ trên mũi thuyền, mũi trường đao chạm đất, giết chết sáu người, thanh đao sắc chỉ dính một vết máu nhạt, quả là thanh đao tốt.

Xung quanh sặc mùi máu tanh, nhưng trên người cô lại không một vết máu. Một thủ pháp giết người sạch tinh nhanh gọn.

Tìm được chỗ quan sát, tôi và Mộ Ngôn đều nhìn chăm chú, chỉ tội cho một số khách trên thuyền sợ run lập cập, trong gió đã có hơi lạnh, trời sắp mưa, trời nước tĩnh lặng. Trong cái tĩnh lặng mênh mông, tiếng cười của Oanh Ca đột nhiên vang lên lạnh như nước: “Tại hạ đã được giáo huấn sát nhân cũng là một nghệ thuật, phải nhanh và gọn, đó là chính cái đẹp của sát nhân. Hôm nay chúa thượng các ngươi cử đến nhiều người như vậy để giết một tiểu nữ yếu đuối, tha lỗi cho tại hạ không chú ý tới vẻ đẹp của sát nhân”.

Một tiếng “choang” vang lên, tôi ngoái nhìn, thấy Dung Tầm bàn tay vẫn giơ ra như nắm cốc rượu, nhưng trong tay lại chẳng có gì, trên nền những mảnh gốm xanh vỡ nát, ánh mắt chàng ta theo dõi sát Oanh Ca chiến đấu với những người áo đen, khuôn mặt lạnh băng lộ vẻ thất kinh.

Oanh Ca đã phóng lên không, bóng trường đao lại lóe lên trong chùm tin nước vọt cao, dáng cô phóng lên giống như con bướm tím phá kén chui ra. Tôi đến gần Mộ Ngôn: “Cô ấy sẽ bị thương”, mối lo của tôi chưa bao lâu đã được giải tỏa khi mấy hộ vệ mặc thường phục bên cạnh Dung Tầm nhảy xuống tầng một tham chiến. Tôi chăm chú nhìn Oanh Ca, mặc dù đã thấy Dung Tầm tham chiến, tay vung trường đao vào người áo đen vẫn không một chút bối rối. Cô quả là một sát thủ đầy bản lĩnh.

Khi người áo đen cuối cùng mất mạng rơi xuống nước dưới trường đao của Oanh Ca, trường kiếm trong tay Dung Tầm lại lật trở lại hướng vào mũ sa của cô, cự ly nửa cánh tay, vốn không thể sơ sẩy, nhưng cô đã khéo léo xoay người đứng trên mép thuyền, sau lớp mạng không nhìn rõ nhưng có lẽ cô đang quan sát người đàn ông trước mặt. Gió sông ù ù, rèm sa bay phần phật, tựa như có một dải mây màu tím bỗng hé ra ở đường chân trời lúc ngày tàn.

Trường dao trong tay cô kề cổ Dung Tầm, chàng ta tiến lại gần, chỗ lưỡi kiếm cứa vào da rỉ ra một vệt máu. Trong tiếng gió ù ù vị công tử phong lưu hơi cau mày, nói như than: “Là em sao, Nguyệt nương?”. Thanh đao trong tay cô thu lại, không trả lời, quay người nhảy xuống mặt sông sủi nước đục ngầu, Dung Tầm vội giơ tay kéo lại, nhưng chỉ túm được một mảnh rèm sa. Một tiếng ùm vang lên, thị vệ bên cạnh kêu to: “Mau cứu lão gia, lão gia không biết bơi!”.

Tôi đứng ngây ra nhìn, tất cả cảnh tượng vừa diễn ra chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “quá đẹp” rồi lập tức lại nghĩ hỏng rồi, “Chúng ta đã mất dấu vết Oanh Ca”.

Mộ Ngôn đã ngồi xuống rót trà vào cốc, nói vẻ nghiêm túc: “Oanh Ca cô nương mặc dù là sát thủ cao cường, nhưng với trình độ theo dõi của tôi, có lẽ không thành vấn đề, vấn đề là vướng cô, trình độ phải chia đôi, thực lực giảm không ít”.

Tôi buông chiếc cốc quay người đi xuống lầu: “Núi cao không đổi, sông dài vẫn chảy, hôm nay chia ly, sẽ là mãi mãi”. Bị chàng kéo lại, “Tôi không định theo cô ta suốt dọc đường, một sát thủ như vậy, chỉ cần cô ta hơi sinh nghi là lập tức thoát khỏi chúng ta, như vậy chẳng phải bao công sức vừa rồi đi tong, cho nên mới mua con chim này, cô có nghe nói thuật theo dõi bằng cách dùng bột hoa tây mộc chưa, giấu bột đó trong người kẻ bị theo dõi, dù người đó đến chân trời góc bể con chim này cũng sẽ theo mùi hoa mà tìm được”.

Tôi lắc đầu: “Chưa từng nghe nói”.

Chàng gật đầu: “À, cũng phải thôi, đó là thuật theo dõi do tổ tiên chúng tôi truyền lại, người ngoài làm sao biết”.

Tôi “...”.

Thuyền cập bến, chỉ thấy Dung Tầm, không thấy Oanh Ca.

Địa điểm đến là thành Tùy Viễn ở biên giới nước Triệu, chúng tôi đi vào thành, chờ Oanh Ca đến, nghe Mộ Ngôn nói, nếu Oanh Ca vào thành, con chim nhất định phát hiện được. Nhưng điều rắc rối là, nếu gặp chim mái con chim đực trong lồng cũng có phản ứng như vậy, thật hết cách, đành chờ xem sao, bởi vì loài chim hiếm này đâu dễ gặp.

Tôi cảm thấy nếu đi lâu dài với chúng tôi, nhất thiết phải đặt cho con chim một cái tên, nghĩ một lát, tôi hỏi Mộ Ngôn: “Huynh thấy gọi nói là Tiểu Hắc được không?”.

Chàng trợn mắt “Cô dám?”.

Mới sực nhớ ra, hồi đầu tôi đặt tên cho chàng là Tiểu Lam.

Sau đó không lâu, lại nhận được thư của Quân Vỹ do chim bồ câu đưa đến. Mộ Ngôn tỏ ra kinh ngạc khi thấy tôi có thể nhận được thư trên đường đi, nhưng cơ chế vận hành của con bồ câu thực ra cũng gần như con chim đen của chàng, như vậy cũng dễ giải thích. Tôi mở thư ra xem. Nét chữ rồng bay phượng múa, vẫn mở đầu như sau:

“A Phất tiểu muội của huynh, xa cách bấy lâu, huynh nhớ muội vô chừng, muội có nhớ huynh chăng?

Ngủ trưa chiêm bao, mơ thời thơ ấu, huynh đến vương đô thăm muội, tay trái dắt Tiểu Hoàng tay phải cầm cây thương, tứ bề quạnh quẽ, lệ rơi hàng ngàn. Buồn thay!

Mấy hôm trước ngủ trưa, vẩn vơ nhớ muội, từ mắt đến tim, nhớ nhung chở mấy thuyền cho đặng, đang lúc mơ màng túi tiền bị người ta lấy mất...

Huynh nghĩ rất nhiều, chuyện này muội tự làm, muội nên tự chịu...”.

Mộ Ngôn hỏi: “Viết gì vậy?”. Tôi nói: “Anh ta ngủ trưa, không cẩn thận bị kẻ trộm lấy mất tiền, sau đó Tiểu Hoàng không chịu mãi nghệ, anh ta đành đem Tiểu Hoàng cầm cố cho một vườn thú, bảo tôi dùng con bồ câu này chuyển ngân phiếu cho anh ta”.

Mộ Ngôn lục hầu bao lấy ngân phiếu, tôi ngăn lại: “Không cần”. Tôi viết hồi âm cho Quân Vỹ: “Nội trong mười ngày nếu không chuộc Tiểu Hoàng ra, muội sẽ bán huynh cho kỹ viện, mong huynh sớm lo liệu”. Đợi thư khô mực, cuộn lại cho vào ống trúc nhỏ, buộc vào chân chim bồ câu thả cho bay, chuyện vậy là giải quyết xong.

Chúng tôi thu xếp chỗ ở trong thành Tùy Viễn, ở liền năm ngày. Chập tối ngày thứ sáu, con chim đen trong lồng bỗng hưng phấn khác thường, có thể quanh đây xuất hiện con chim mái, cũng có thể cuối cùng Oanh Ca đã vào thành, quả thật không biết thế nào.

Mộ Ngôn lặng lẽ quan sát màn đêm xung quanh, mở lồng chim, con chim đen lập tức xông ra, giương cánh bay vút lên, chúng tôi đuổi theo sau. Tôi thấp thỏm, không nén nổi hỏi Mộ Ngôn: “Huynh nói xem, sao nó hưng phấn thế? Có phải đã đánh hơi thấy bạn tình?”.

Mộ Ngôn không ngoái đầu: “Sao có thể”.

Tôi thở dốc chạy theo chàng: “Nhỡ thật thì sao”.

Chàng thản nhiên: “Thì làm thịt nó hầm cho cô ăn”.

Con chim trên trời giật mình kêu oác một tiếng.

Một canh giờ sau, quả nhiên phát hiện Oanh Ca ngã gục trên đám cỏ ở ven sông, toàn thân ướt sũng, cũng không biết năm ngày vừa rồi đã xảy ra chuyện gì.

Tôi còn nhớ vết thương trên vai cô, vội mở lớp vải băng dính kết, thấy một vết thương rất đáng sợ đã trắng nhợt vì ngấm nước sông.

Đêm đó chúng tôi ở lại một y quán phía bắc thành.

Lão đại phu kiểm tra vết thương, lấy ra thuốc tốt nhất của y quán, đem sắc với nhân sâm dùng thìa bón từng miếng cho Oanh Ca. Bón được quá nửa bát thuốc, cô vẫn chưa tỉnh, cơn sốt vẫn chưa hạ, trong mê sảng miệng liên tục lắp bắp nói gì chúng tôi không hiểu, dường như đang rơi vào ác mộng khủng khiếp nào đó.

Lão đại phu nói đại ý rằng nếu sáng hôm sau cô nương này vẫn không tỉnh, thì chỉ còn cách ra cổng sau rẽ phải, bên hàng xóm có cửa hiệu bán quan tài, cũng kiêm luôn lo liệu tang sự.

Chúng tôi hiểu ý tốt của lão đại phu, nhưng Oanh Ca tuyệt đối không thể chết ở đây. Cô chết, trước hết chúng tôi phải mua quan tài, sau đó đi tìm mua chỗ chôn cất, thuê người đào huyệt... việc nào cũng phải bỏ tiền, thật hậu họa vô cùng. Kế sách hiện nay là vẫn dùng kế cũ, đi vào giấc mơ của Oanh Ca, đưa cô ra khỏi ác mộng trước bình minh.

Tôi cảm thấy yêu một người nhất thiết phải trân trọng người đó, có nghĩa là không thể để Mộ Ngôn gặp bất kỳ nguy hiểm nào, nhưng tôi vẫn không kìm được đưa chàng vào mộng cảnh đầy nguy hiểm, điều đó làm tôi sợ, tôi biết trong tiềm thức, tôi vẫn muốn để chàng chết, chỉ không ngờ lý trí đã bị tiềm thức đánh bại nhanh như thế.

Nói cách khác, lý trí con người xưa nay đa phần không thắng nổi tiềm thức. Thắng được tiềm thức họa chăng chỉ có những bậc tu hành.

Đã nghe thấy tiếng trống điểm canh, bước vào mộng kiều nhìn về xa, không như cảnh đổ nát chia ly lần trước, lần này giấc mộng của Oanh Ca rất liền mạch cũng rất rõ ràng.

Nhất định phải tìm ra bí ẩn trong nội tâm của cô, hóa giải bí ẩn đó, mới có thể đưa cô trở về thuận lợi, chúng tôi không thể không bỏ thời gian lần theo dấu vết câu chuyện. Trong lòng bao hồ nghi thắc mắc, có những điều đã được giải đáp, nhưng vẫn chưa thể làm rõ bí ẩn của Oanh Ca thực ra là gì, mỗi nút thắt của câu chuyện này xem ra đều có khả năng giúp tìm ra bí ẩn đó. Đó chính là số phận của một sát thủ, một số phận bi thảm như thế nhắc người đời quả thật không thể suốt đời sống bằng nghề sát thủ.

Câu chuyện bắt đầu từ năm thứ bảy sau khi Cảnh hầu lên ngôi.

Năm Cảnh hầu thứ bảy, mùa xuân đã đi được quá nửa, hoa trên cành đã rụng lác đác.

Oanh Ca hai mươi tuổi là sát thủ giỏi nhất đình úy phủ, bắt đầu từ năm mười sáu tuổi lần đầu tiên giết người, bốn năm nay, bao người đã bỏ mạng dưới đoản đao của cô.

Những năm tháng đẹp nhất của đời con gái trôi qua trong màu đỏ choáng váng của máu tươi, trong mùi tanh và phế khí, dung mạo đẹp dần lên nhưng quanh năm làm bạn với đoản đao trường kiếm, chút yếu lòng cuối cùng trước phút sinh tử đã bị xóa sạch không còn dấu vết, từng cử chỉ, động tác, nụ cười đều lạnh toát như thanh lợi kiếm.

Những kẻ ăn người ở trong Dung phủ đều sợ cô, không ai dám nói chuyện với cô, cho nên cô thường xuyên vò võ một mình, không một ai lai vãng thăm hỏi, mọi việc đều tự làm. Có điều như thế cũng không hoàn toàn là không tốt, ít nhất lúc xem tiểu thuyết cũng không bị ai quấy rầy.

Trái ngược hoàn toàn, rõ ràng mặt mũi giống hệt nhau, Cẩm Tước được đón vào Dung phủ sau khi bà nội qua đời lại khiến người ta vừa nhìn đã yêu, nhân khí không mập mờ như Oanh Ca.

Tổng kết nguyên nhân, một là Cẩm Tước hay cười, lúc nói chuyện chưa nói đã cười, như một đóa hướng dương nở bừng trong ngày mưa, xinh đẹp, lại sạch sẽ. Hai là, Cẩm Tước thích giúp đỡ mọi người, nhổ cỏ giúp thợ vườn, nấu cơm, giặt giũ giúp nhà bếp, lại còn nhiệt tình dạy các cô hầu thêu thùa vá may.

Cẩm Tước bình dị dễ mến, có t t cả những đức tính tốt đẹp của một thiếu nữ mười bảy tuổi. So với cô em, Oanh Ca không hề biết nữ công là gì, chỉ duy nhất biết giết người, mà giết người rõ ràng không được coi là nữ công, nếu cũng được lớn lên bình thường như các cô gái khác, như cô em mỗi tháng có tiền của chị gửi về, đương nhiên những việc nấu ăn thêu thùa cô đâu chịu kém ai.

Nhưng cô không bận lòng, chín năm trước Dung Tầm nhặt được cô, Dung Tầm là ân nhân của cô, chàng ta muốn cô trở thành như thế nào thì cô sẽ cố trở thành như thế. Ví dụ cô nhìn thấy máu là choáng, nhưng lại trở thành sát thủ. Ví dụ cô sợ sấm, nhưng lại có thể thản nhiên ra tay lấy mạng sống của người khác trong tiếng sấm ầm ầm.

Ngày mười bảy tháng tư, sinh nhật lần thứ hai mươi tư của Dung Tầm.

Mưa xuân dai dẳng. Oanh Ca bị thương trong khi đi làm một vụ việc ở nước Triệu, cánh tay bị trúng một nhát kiếm dài khá hiểm, lẽ ra nên nghỉ ngơi chữa trị, nhưng lại nhớ sinh nhật Dung Tầm, cô đi suốt ngày đêm, vội vàng gấp gáp trong bảy ngày kịp về thành Tứ Phương trước một ngày, ngày mười sáu tháng tư.

Nước Triệu có đặc sản đồ gốm trắng, cô muốn tự tay làm một món đồ gốm từ nước Triệu mang về tặng sinh nhật Dung Tầm, đáng tiếc là vết thương quá nặng, tay lóng ngóng cử động đau đớn khó khăn, học theo sư phụ mấy ngày mới gắng làm ra một cái cốc trông là lạ, uống rượu thì hơi lớn, uống trà lại hơi nhỏ, không biết gọi là gì.

Nhưng màu sắc rất đẹp, nhẵn bóng sáng long lanh, thoạt nhìn biết ngay không tầm thường. Cô dùng vải lụa bọc kỹ mấy lớp, đi bảy ngày đường mang về thành Tứ Phương, vừa bước vào Dung phủ đã nóng lòng chạy ngay đến phòng Dung Tầm muốn khoe với chàng.

Mọi người đều nói Oanh Ca lạnh tình, người lạnh tình khi bộc lộ tính trẻ thơ thực ra là đáng yêu vô cùng.

Mưa rất to, cây ngô đồng trước sân tán lá che kín cả khoảng trời, những trận sấm xuân ẩn sau tán lá sum suê, hoa ngô đồng run rẩy trong mưa. Người hầu đứng ở cửa đưa cho cô chiếc ô, cô cởi áo ngoài bọc lại chiếc cốc đã được bọc mấy lần vải lụa, miệng cười mãn nguyện, tay giương ô đội mưa đi vào.

Không cho hầu nữ ở phòng ngoài bẩm báo, cô muốn dành cho chàng một bất ngờ, đang thầm nghĩ chàng nhìn thấy cô lúc này sẽ như thế nào, hàng lông mày sẽ nhướn cao ra sao, môi giãn ra nụ cười nửa có nửa không thế nào, thậm chí nghĩ đến câu đầu tiên chàng nói khi nhìn thấy cô: “Sao về nhanh thế, đi đường có vất vả không?”.

Đường xa, ngựa phóng gấp, bụi đường còn bám trên áo choàng, cô cởi áo choàng, trao chiếc ô cho cô hầu, chỉ ôm chiếc cốc, nhanh nhẹn lách qua cánh cửa phòng khép hờ. Chân trời lóe lên một tia chớp, giống như cây kiếm bạc trong tay thần sấm vung lên trong màn đêm mênh mang. Trong ánh chớp, nhìn Dung Tầm đứng trong thư phòng sau án thư đang cúi đầu viết gì đó.

Ngoài ra, trong thư phòng của chàng vốn rất ít người được bước vào, cô em Cẩm Tước cũng chống cằm tư lự ngồi bên án thư.

Trong phòng rất yên tĩnh, có thể nghe thấy tiếng ngòi bút lông cáo đi trên giấy, Dung Tầm chăm chú viết một hồi, ngẩng đầu nhìn Cẩm Tước, ánh mắt như cười: “Hai chữ này là Cẩm Tước, tên của nàng”.

Cẩm Tước tò mò đứng lên, ngắm nghía tờ giấy: “Vậy hàng chữ nhỏ bên cạnh là gì...”. Lời chưa dứt đã hốt hoảng bịt tai, miệng hét lên cùng với tiếng sấm đột nhiên bùng nổ phía chân trời, người run run, ngồi sụp xuống đất.

Dung Tầm tay đang cầm bút, sững người nhìn cô, giơ tay kéo cô lên: “Lớn thế này vẫn sợ sấm ư?”. Chưa dứt lời, một tiếng sấm nữa lại nổ vang, Cẩm Tước vừa được kéo đứng lên, lại bịt tai lùi về sau, chân va vào án thư suýt ngã, chàng đã kịp thời giơ tay kéo cô vào lòng, tránh cho cô khỏi va vào góc án thư, cau mày: “Sao lại không cẩn thận thế”.

Hồi lâu sau, chàng vẫn không buông ra. Hai tay Cẩm Tước vẫn bịt tai.

Có những thứ càng cố giữ càng không giữ được, giống như tình yêu của Oanh Ca, giống như chiếc cốc gốm trong tay cô. Phòng ngoài một tiếng động nặng nề vang lên, Cẩm Tước đột nhiên mở mắt, ánh mắt dừng lại trên đường gấu váy ở ngưỡng cửa thư phòng.

Trên giá nến đồng chỉ có một ngọn nến đang cháy, trong phòng ánh sáng lờ mờ. Trong ánh sáng lờ mờ đó, giọng Dung Tầm nhàn tản: “Ai?”.

Chân váy tím di chuyển, xiêm y gấm sột soạt như tiếng lá ngô đồng trước sân vào một ngày nắng đẹp có gió, Oanh Ca toàn thân váy tím đứng ở cửa phòng, mái tóc rối dính nước mưa bết vào trán, vào hai má, sắc mặt lạnh như nước mưa tháng tư.

Lại một tiếng sấm bùng nổ, như chiếc búa khổng lồ đập nát bầu trời, Cẩm Tước run lập cập trong lòng Dung Tầm, vội đẩy mạnh chàng ra, loạng choạng ngã xuống đất, chàng lại nắm tay cô, lửa nến ánh lên ống tay áo tím thêu hoa mộc lan.

Sau khi dìu Cẩm Tước đứng lên, Dung Tầm ngẩng đầu nhìn Oanh Ca đứng ở cửa thư phòng, dường như bấy giờ mới phát hiện ra cô: “Sao về nhanh thế, đi đường có vất vả không?”. Câu nói đúng như cô đoán, một chữ không sai.

Cô nhìn chàng, trên khuôn mặt lạnh hiện ra nụ cười, nụ cười đó lan dần đến góc mắt, giống hệt một cây khô đang từ từ nở hoa. Vẻ phong tình lộ trên khuôn mặt, giả dối như một gái lầu xanh lão luyện, khiến khách làng chơi nổi giận.

Nụ cười phong tình đó ẩn dưới hàng mi như cánh bướm, chưa lan đến đáy mắt: “Công việc xong sớm, nên trở về sớm”.

Trong phòng tĩnh mịch, Dung Tầm ngẩng đầu nhìn cô, lại cầm lên chiếc bút lông: “Vậy nghỉ ngơi đi”. Mắt liếc nhìn bọc vải trên đất, “Cái gì kia?”.

Cô quay người định đi, nghe vậy nhặt lên bọc vải vừa rồi đánh rơi, dừng một lát nói: “Không có gì, những thứ không quan trọng nên vứt đi”.

Công việc ở nước Triệu xử lý nhanh chóng, gọn gàng, Dung Tầm thưởng cho Oanh Ca ngôi nhà lớn bên đầm sen gọi là Thanh Đầm cư, món quà thưởng quả thực quá hậu, tự cổ chí kim mọi vật đều biến động thất thường, duy chỉ có nhà đất không ngừng tăng giá.

Trong Dung phủ, Thanh Trì cư chỉ đứng sau Thanh Ảnh cư nơi ở của a000 Dung Tầm, có nghĩa là hai toà viện lớn như vậy để phù hợp đối xứng trong thẩm mỹ kiến trúc, nhất định phải thiết kế ở hai đầu đông tây hoặc nam bắc trong phủ đệ, tóm lại tuyệt nhiên không thể tọa lạc cạnh nhau. Oanh Ca chuyển khỏi Tập Âm các sát bên tẩm cư của Dung Tầm, chuyển đến Thanh Trì cư cách Dung Tầm mười vạn tám ngàn dặm.

Cô sống sáu năm trong Tập Âm các, từ năm mười bốn tuổi đến năm hai mươi tuổi, cuối cùng chuyển ra ngoài, còn vị khách chuyển đến Tập Âm các thế chỗ cô là cô em Cẩm Tước.

Có một dạo người trong Dung phủ xì xầm bàn tán đủ kiểu. Có người cho rằng Oanh Ca đã bị thất sủng hoàn toàn, nhưng lại thấy, nếu đã bị thất sủng như vậy Dung Tầm không thể thưởng cho cô một ngôi nhà lớn như thế, về sau lại có tin nói, căn nhà đó có thể là Dung Tầm bù đắp cho Oanh Ca để chia tay.

Lại có tin, Dung Tầm yêu Cẩm Tước, nhưng ở đời phàm một người đàn ông vì một người đàn bà mà bỏ một người đàn bà chỉ có thể có một nguyên nhân, người đàn bà thứ hai phải cực kỳ giầu có lại rất đẹp, nhưng Cẩm Tước và Oanh Ca giống hệt nhau, nếu Dung Tầm thật sự vì Cẩm Tước mà bỏ Oanh Ca thì quả khó lý giải.

Về sau người ta lại cho rằng tình cảm vốn là chuyện mơ hồ, thế giới tình cảm của đàn ông càng mơ hồ, nếu không là đàn ông có lẽ mãi mãi không thể lý giải. Có điều, theo cách nói đó, đàn ông và đàn bà ở với nhau vĩnh viễn không thể hòa hợp bằng đàn ông ở với đàn ông, bởi vì cơ hồ chỉ có đàn ông với nhau mới dễ hiểu nhau. Vậy là lý lẽ khi phát triển đến nước này, người ta đành bỏ cuộc.

Trong khi Dung phủ không ngớt bàn tán xung quanh sự việc này thì hai trong số ba người trong cuộc lại tỏ ra vô cùng điềm tĩnh.

Dung Tầm thân ở ngôi cao, xưa nay vốn điềm tĩnh. So sánh hai người, sự điềm tĩnh của Oanh Ca càng khó hiểu. Hầu như tôi chưa từng thấy cô tỏ ra bối rối, cho dù cái đêm lọt vào phòng tôi, trong khi mơ mặt đầy nước mắt, nhưng không hề khóc lóc thở than. Người duy nhất không thể bình tĩnh là Cẩm Tước.

Hôm Oanh Ca chuyển khỏi Tập Âm các, Cẩm Tước đứng đợi cô ở bên ngọn giả sơn trên con đường thông đến Thanh Trì cư, mặt tiều tụy, đôi mắt hay khóc không một chút khí sắc, nhìn chị gái đăm đăm: “Sao chị không mắng em? Sao không trách em, có phải chị, có phải chị ghét em, ghét em...”.

Lời chưa dứt đã nước mắt chứa chan, ướt đẫm vạt áo, phía trên những đám hải đường đỏ cháy như lửa. Cô lao vào lòng Oanh Ca, ép cô vào vách hòn giả sơn, níu lấy cổ cô, giống như hồi nhỏ, nước mắt đẫm má.

Oanh Ca bị cô ôm riết, cuối cùng cúi đầu nhìn cô, trong tròng mắt đen thẳm in hình khuôn mặt cô em, như hai bông hải đường trên một cành. Cẩm Tước nghẹn ngào: “Chị, chúng ta hãy rời khỏi đây, Dung Tầm không phải là người tốt với chị đâu”.

Oanh Ca dựa lưng vào hòn giả sơn, trên chiếc váy dài gấm màu tím thêu những con bướm vờn hoa, một cảnh xuân sắc ngời ngời ở trên người cô lại trở nên lạnh lẽo đìu hiu. Cẩm Tước ôm chặt cô khóc nức nở. Đầu cô gối lên một mỏm đá nhô ra trên hòn giả sơn, hơi hếch cằm, nhìn bầu trời xanh miên viễn trên cao, khẽ cười: “Em có biết, sát thủ được Dung gia nuôi nếu rời bỏ chủ, hậu quả sẽ thế nào? Năm năm qua vì Dung gia chị đã gây cho mình biết bao kẻ thù”.

Cô em nép chặt vào người chị ngẩng đầu: “Kiếm cớ, chị không muốn đi bởi chị thích Dung Tầm phải không?”.

Hơi lạnh tụ trong mắt Oanh Ca.

Cẩm Tước vẫn ôm riết cô, răng đánh vào nhau lập cập: “Em sẽ chứng minh cho chị, chàng ta tuyệt đối không đối tốt với chị”.

Tay cô định đặt lên vai cô em, lại buông thõng, vẫn hơi ngẩng đầu, trong mắt ánh lên sắc hoa hải đường đỏ chói, giọng dửng dưng: “Cẩm Tước, bấy lâu nay chị không ở bên em, em buồn lắm phải không?”.

Sự chứng minh của Cẩm Tước đến rất nhanh, nhanh như con dao trong tay Oanh Ca, giả sử trong những việc khác cũng hiệu quả như vậy thì Cẩm Tước sớm đã thành một thiếu nữ tự cường.

Có điều, tiền đề là thích khách đêm mười sáu tháng năm đó chính là do cô em bố trí. Nhưng như vậy có vẻ như nghĩ về người khác quá xấu, có lẽ tất cả chỉ là ý trời, Cẩm Tước chẳng qua mượn ý trời.

Ý trời để cho khóm hoa trong hoa viên Dung Phủ nở đúng đêm đó, ý trời để Dung Tầm đột nhiên nổi hứng đưa Cẩm Tước đi dạo hoa viên ngắm trăng, ý trời để Oanh Ca không ngủ được, đang đêm chạy đến mài dao trên bậc cầu ao trước hoa viên, ý trời để thích khách đột ngột xuất hiện khi ba người họ không hẹn mà nên ánh mắt gặp nhau.

Phải nói, chức đình úy cai quản lao ngục Trịnh quốc của Dung Tầm khiến chàng ta luôn có thích khách viếng thăm, chuyện thích khách nhảy vào phủ mọi người đã quen, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, chỉ có điều mục tiêu lần này của thích khách không phải là Dung Tầm, dưới ánh trăng, bóng kiếm như một con rắn lao thẳng vào Oanh Ca đang cúi xuống cầu ao.

Nhát kiếm đó nhanh đến mức hầu như không thể tránh, nếu Oanh Ca không phải là sát thủ lão luyện, có thể đã mất mạng ở đây, may mà ngày ngày cô nghiên cứu cách giết người, cũng nghiên cứu cánh tránh kẻ địch giữ mạng sống, theo bản năng cô lăn lên bờ ao, thoát được.

Đối với thích khách, sau nhát kiếm đó đã mất thế chủ động, không dễ lấy lại. Chính lúc Oanh Ca cầm dao kháng cự, một đường kiếm khác đã nhằm thẳng lưng Dung Tầm đâm tới.

Khi đó tôi mới phát hiện hóa ra có hai thích khách hành sự, người trước chỉ khống chế Oanh Ca, người sau mới là người ra tay thực sự. Nhưng điều tôi không biết là thân thủ của Dung Tầm vượt xa Oanh Ca.

Thích khách áo đen kinh hoàng cúi nhìn mũi trường kiếm xuyên qua ngực mình, dường như không tài nào hiểu nổi, tại sao đình úy đại nhân vừa rồi còn quay về phía mình túm lấy cô gái áo hồng, vậy mà trong nháy mắt đã lấy đi tính mạng của mình. Nhưng mắt lóe lên tia ác độc cuối cùng, lật thanh kiếm trong tay lao vào Oanh Ca đang đấu với thích khách kia. “Chị!”. Tiếng hét thất thanh xé màn đêm hoa viên, Cẩm Tước vừa kêu vừa chạy vụt về phía thanh kiếm đang phi tới. Thanh kiếm đang đà đâm thẳng vào bụng phát ra một tiếng “bụp” nặng nề.

Cùng lúc đó, đoản đao của Oanh Ca đã xuyên qua cổ thích khách, đoản đao của thích khách cũng đồng thời đâm trúng hõm vai cô, ngập tới tận chuôi. Máu trào ra thấm xuống ngực, may trên người cô mặc màu áo tím sẫm nên cũng không rõ lắm, cô ngước nhìn về phía vừa phát ra tiếng kêu, thấy Dung Tầm hay tay run run ôm lấy Cẩm Tước trong vũng máu.

Chưa bao giờ nhìn thấy chàng thất thần như vậy, thực ra mũi kiếm đó đâm vào bụng, nhìn có vẻ nghiêm trọng, nhưng không trúng chỗ hiểm, năm mười tám tuổi cô cũng đã bị thương như vậy, nằm nghỉ mấy tháng là khỏi, chỉ có điều rất đau.

Cẩm Tước rên rỉ như con mèo trong lòng chàng: “... Đau... em đau...”.

Mặt Dung Tầm ghé sát mặt cô, giọng khàn khàn, nhỏ nhẹ: “Đừng sợ, có ta ở đây, lập tức đưa em đến đại phu, ngoan nào, cố chịu một chút”. Rồi thận trọng bế cô lên.

Cẩm Tước sục sùi: “Chị... chị.”. Dung Tầm cau mày, lúc này mới ngoái nhìn Oanh Ca.

Oanh Ca mặt tái nhợt, gượng cười, cố đi đến gần: “Chị đây”. Dừng lại một lát: “Chị không sao”.

Cẩm Tước nghe vậy gật đầu yên tâm rồi ngất đi, nhưng người Dung Tầm run run, nỗi kinh hoàng như sắp mất báu vật quý nhất đột nhiên xuất hiện trong mắt.

Oanh Ca sững người, lơ đãng nhìn chàng, “Không nghiêm trọng đâu, cô ấy chỉ bị choáng do nhìn thấy máu thôi”. Nhưng Dung Tầm cơ hồ không nghe thấy, cũng không nhìn cô, quay người bế Cẩm Tước đi thật nhanh.

Cô nhìn theo bóng chàng, cuối cùng kiệt sức, ngã khụy, sau đó một mình nằm trên bờ ao, gấu váy chấm mặt nước, trông như chiếc lá sen lớn màu tím, con dao găm lại cắm sâu hơn vào da thịt, khi cô ngã xuống, cuối cùng cô mới bật rên một tiếng, mắt mở to nhìn bầu trời đầy sao, nghĩ đến lời nói của Dung Tầm trong sinh nhật lần thứ mười sáu của cô: “Nguyệt Nương, vì ta, hãy trở thành sát thủ tốt nhất của Dung gia”.

Cô cười thành tiếng: “Cuối cùng chàng đã không cần tôi nữa”.

Không có tiếng trả lời, chỉ thỉnh thoảng có tiếng côn trùng kêu. Cô thôi cười, giơ tay, nhìn kỹ mười ngón tay dính máu: “Thực ra, mình rất ghét, rất ghét giết người”.

Dưới bầu trời sao, trên mặt ao đột nhiên có mấy bông hoa súng trắng hé nở, ánh trăng bạc màu trải trên mặt ao, những bông hoa súng thấm đẫm ánh trăng trông như hoa mùa thu làm từ băng tuyết. Oanh Ca nằm trên bờ cỏ, bên cạnh là mặt nước với mấy bông hoa súng trắng, từ từ nhắm mắt, giơ tay đè lên đó, nước mắt lặng lẽ rỉ ra từ kẽ ngón tay, lát sau tay vừa buông, mắt lại phẳng lặng như hồ thu, không chút xao động.

Đó là phút yếu mềm của một sát thủ, dẫu yếu mềm, cũng yếu mềm ở nơi không ai nhìn thấy, ngay chính mình cũng không nhìn thấy.

Vết thương của Cẩm Tước quả nhiên không nghiêm trọng, nhưng thể lực không bằng cô chị, vẫn phải nằm hơn một tháng, từ đó Dung Tầm ít gọi Oanh Ca theo hầu, giống như Dung phủ chưa từng có cô.

Nghe nói một số sát thủ khi đi làm nhiệm vụ muốn Oanh Ca cùng phối hợp, chủ động nói với Dung Tầm, mặt chàng lạnh lùng: “Dung phủ không có những hộ vệ không thể bảo vệ chủ, càng không có những hộ vệ phải nhờ người khác che chắn”. Chàng vứt bỏ cô như vậy, thậm chí còn không nói một tiếng.

Chàng là chủ, cô là tớ. Từ cái đêm chàng cứu cô, cô đã trao tính mạng cho chàng, chàng cũng chỉ coi như nắm trong tay một tính mạng, một thứ thuộc về mình, cần thì dùng, không cần thì vứt, không hề nghĩ đó là một trái tim chân thật độc nhất trên đời.

Tháng chín là mùa chim nhạn, vương thất tổ chức đi săn. Cẩm Tước cuối cùng đã bình phục hẳn, Dung Tầm sợ cô ở lâu trong phủ buồn chán, đưa cô đi chơi cho khuây khỏa. Có lẽ là giờ xuất hành không tốt, ngay chuyến xuất phủ đầu tiên đã xảy ra chuyện. Tuy nhiên chuyện chẳng có gì lạ, chỉ trách Dung Tầm sơ suất, có tài không nên lộ ra, tài nữ cũng không nên lộ diện, huống hồ Cẩm Tước lại đa tài như vậy.

Trong buổi đi săn, con báo gấm bé tí của Cảnh hầu vương Dung Viên không may bị trúng mũi tên vu vơ nào đó, đúng lúc gặp Cẩm Tước đang lạc đường bắt gặp, cứu chữa, xem ra chỉ là người tốt việc tốt, nhưng ngày hôm sau, con báo gấm với chi trước băng bó cẩn thận được một người trong cung ôm đến Dung phủ.

Phụ thân của Cảnh hầu vương là Thanh hầu do một con báo gấm mà nên duyên với mẫu thân Cảnh hầu là Hạ Mạt phu nhân, đó là mối lương duyên đẹp đẽ truyền khắp Trịnh quốc, con báo gấm nhỏ xinh bên cạnh Dung Viên là cháu của con báo gấm năm xưa, đưa nó đến Dung phủ, ý tứ của Dung Viên thế nào, khỏi nói ai cũng rõ. Nói đơn giản nghĩa là Cảnh hầu vương thích Cẩm Tước, ngầm ý bảo Dung Tầm đưa mỹ nhân đó vào cung.

Đang đêm, Oanh Ca nhận được mật thư của Dung Tầm, đó là lần đầu tiên trong ba tháng liền, thanh kiếm dài treo trên tường đã lâu không thấm máu, phần nào mất đi sát khí. Sắc mặt dửng dưng, ánh mắt đột nhiên sinh động, lóng lánh như thủy tinh. Bức thư run run trên tay, mãi mới mở được ra. Ánh nến chiếu sáng mực đen giấy trắng, Oanh Ca bình thường lạnh lùng, khó xúc động, khuôn mặt nhuận hồng đột nhiên không còn sắc máu, tia sáng long lanh trong mắt tắt ngấm, tay bám góc bàn lảo đảo, rất lâu sau mới bật cười một tiếng, trong đôi mắt đen in một hàng chữ rồng bay phượng múa, thanh thoát mà cứng cáp: “Thay Cẩm Tước vào cung”.

Cô cầm bức thư rất lâu, rồi đưa nó lại gần ngọn nến, lưỡi lửa liếm một cái, nháy mắt biến thành tro.

Đêm đó trăng hiện ra trên nền trời sao mờ như bụi. Thanh Ảnh cư của Dung Tầm lại một lần nữa đón thích khách, chủ nhân Dung Tầm không hổ danh là đại thần bị ám sát nhiều nhất đương triều, điều đó cho thấy chức đình úy quả thật nguy hiểm. Ánh trăng nhảy múa trên tán cây ngô đồng, lá xào xạc ngân nga như hát. Dung Tầm lặng lẽ đứng bên án thư, trong tay vẫn cầm nghiên mực, nến bị gió quạt tắt, từ lõi vừa tắt bốc ra làn khói xanh, đao của Oanh Ca kề sát cổ chàng.

Chàng ngẩng đầu nhìn cô: “Không ngờ, đao của em lại có ngày kề vào cổ ta”.

Cô cười: “Tôi cũng không ngờ”.

Gió đập cánh cửa lách cách, cô khẽ nghiêng đầu, thần sắc trở nên u ám: “Chàng không sợ bởi vì chàng biết tôi sẽ không giết chàng, chàng không tin tôi sẽ giết chàng phải không?”.

Chàng không nói, chỉ nhìn cô.

Người cô áp lại gần, cơ hồ đầu sắp đặt lên vai chàng, nếu không kể thanh đoản đao kề vào cổ chàng vẫn không một chút lỏng tay thì đó chính là tư thế tình tự âu yếm. Giọng cô nhẹ nhàng: “Tôi cũng không tin”.

Giọng dịu dàng nhưng lời hung mãnh, trong chớp mắt cô đã ấn thanh đao vào tay Dung Tầm, cô nắm bàn tay chàng đang cầm chuôi đao, trở mũi hướng thẳng vào ngực mình. Mũi đao nhọn dừng lại trên ngực, máu tươi men theo năm ngón tay nắm chuôi đao của Dung Tầm tụ thành một dòng đỏ, chàng cau mày, trầm giọng phẫn nộ: “Em điên rồi”.

Cô nhìn chàng dường như không hiểu, một lát sau như tỉnh ngộ: “Tôi không điên, tôi rất tỉnh, chàng xem, tôi vẫn biết đây không phải là nhát đâm chí mạng”.

Giọng cô thanh nhẹ ôn tồn, vang trong đêm: “Dung Tầm, tôi không thể giết chàng. Chàng đã cứu tôi, cứu cả nhà chúng tôi, đại ân như vậy tôi không dám quên, vì chàng chuyện gì tôi cũng làm là để báo ơn, báo ơn cứu mạng, ơn nuôi dưỡng, nhưng chàng để tôi làm chuyện đó, để tôi thay Cẩm Tước vào cung lấy thúc phụ chàng, chỉ bởi chàng không thể xa Cẩm Tước”.

Cô dừng lại, nụ cười trên môi trong sáng như hồi mười lăm tuổi, nhưng chỉ trong chớp mắt nụ cười đó lan qua mắt, miên man như ngàn sợi tơ, không biết thật tâm hay giả ý, cô nhìn Dung Tầm, chầm chậm nhắm mắt, tay nắm bàn tay cầm đao của chàng nhằm vào ngực mình: “Giết tôi đi, tôi sẽ được tự do”.

Ánh trăng lốm đốm trên tán lá ngô đồng, cô muốn hủy hoại bản thân, tay chàng cũng nắm chặt mũi đao, máu trên năm ngón tay tụ thành dòng nhỏ xuống, giọng chàng vang lên tai cô: “Ta không cần mạng của em. Thay Cẩm Tước vào cung, em giúp ta làm nốt một việc cuối cùng, sau đó em tự do”.

Hai mắt cô đột nhiên mở ra, kinh ngạc nhìn thẳng vào đôi mắt mông lung của chàng, cuối cùng nhòe ướt.

Tính cô vốn không nhẫn nại, nhẫn nhịn lâu như vậy, chỉ là bởi vì có lý do không thể đau lòng. Một người như thế khóc cũng phải nén, không bật thành tiếng, chỉ có nước mắt lặng lẽ tuôn. Đoản đao rơi xuống đất “cạch” một tiếng, cô nhìn vũng máu nhỏ trên nền đất, khó nhọc ngẩng đầu: “Dung Tầm, có phải chàng cho rằng sát thủ là kẻ không tim?”.

Chàng im lặng.

Cô từ từ sụp xuống đất, như người kiệt sức, uy phong ngày xưa và vẻ dữ dằn nhất thời hoàn toàn tiêu tan, toàn thân co rúm, run rẩy như một đứa trẻ: “Sao có thể không có tim, tôi đã để nó ở chỗ chàng rồi, nhưng Dung Tầm, chàng để nó ở đâu?”. Lại như hỏi chính mình, “... vứt nó ở đâu?”.

Người chàng khẽ run. Lát sau, đưa bàn tay không bị thương cho cô: “Hãy đứng lên đã”.

Cô ngây người, mặt lấm lem nước mắt, nhìn chàng nhưng không khóc, hơi cau mày: “Tôi vẫn muốn hỏi một câu, bao năm nay, tôi là gì trong lòng chàng?”.

Lát sau, chàng chậm rãi đáp: “Nguyệt Nương, trước nay em làm rất tốt, là thanh đao tốt nhất của Dung gia”.

Cô từ từ ngẩng đầu, từ từ đứng lên, sự yếu đuối vừa rồi đã tiêu tan vô hình vô ảnh, hình như sự bi lụy vừa rồi chỉ là ảo giác. Giơ ống tay áo lau nước mắt, xong xuôi lại là một Oanh Ca băng lạnh như xưa. Cô nhìn chàng, như đã quen chàng cả một cuộc đời, lại như chưa bao giờ quen, mắt hé ánh cười lạnh nhạt: “Tôi sẽ làm cho chàng nốt việc cuối cùng, sau đó tôi không nợ chàng gì nữa”.

Cô sải bước qua cửa phòng, đến bậc cửa hơi dừng lại: “Dung Tầm, nếu có ngày chàng không yêu Cẩm Tước nữa, xin hãy đối xử tốt với nó, đừng như đối với tôi, nó không giống tôi, không phải là sát thủ”.

Từ đó có thể thấy, lòng tin nên thận trọng, không thể tùy tiện đặt lung tung, giống như Oanh Ca mù quáng tin rằng mình là người đặc biệt nhất của Dung Tầm, bởi vì mình là sát thủ tốt nhất của Dung gia.

Tự cô đã đánh giá mình quá cao, đánh giá Dung Tầm quá thấp. Điều bất hạnh là từ năm mười một tuổi đến năm hai mươi tuổi, chẵn chín năm cô mới hiểu đạo lý đó. May mắn là cuối cùng cô đã hiểu ra.

 
Nguồn: truyen8.mobi/t18305-hoa-tu-dan-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận