trong ngăn kéo và tủ áo cho có thứ tự như tôi muốn, trong khi tôi đi vắng một thời gian ngắn. Lúc ấy, tôi nghe tiếng Xanh Jôn rời khỏi buồng anh. Anh dừng lại trước cửa buồng tôi. Tôi sợ anh gõ cửa, nhưng không, anh chỉ luồn một mảnh giấy qua khe cửa. Tôi nhặt lên. Trong giấy viết như sau:
- Tối qua cô bỏ đi đột ngột quá. Giá cô ở lại thêm chút nữa thì cô đã đặt bàn tay lên thánh giá của con người Cơ đốc và lên vòng hoa trên đầu các thiên thần. Tôi sẽ chờ cô quyết định dứt khoát khi tôi trở về trong vòng mười lăm hôm nữa. Trong khi ấy, cô hãy cầu nguyện và giữ gìn, đừng sa vào con đường cám dỗ. Tôi tin rằng tinh thần cô thì đã thuận, nhưng tôi thấy phía thể xác còn yếu đuối. Từng giờ từng phút, tôi sẽ cầu nguyện cho cô - Xanh Jôn".
"Tinh thần tôi", tôi thầm trả lời, "thuận làm điều gì phải, còn thể xác tôi, tôi mong rằng cũng đủ mạnh để hoàn thành ý muốn của Trời, một khi tôi được biết rõ ràng ý muốn đó. Dầu sao đi nữa, nó cũng đủ mạnh để tìm tòi, dò hỏi, mò mẫm tìm ra con đường thoát khỏi đám mây mù của sự nghi hoặc này, mà thấy ánh sáng của sự vững tâm".
Hôm ấy là ngày mùng một tháng sáu, tuy vậy buổi sáng trời vẫn âm u và hơi lạnh. Mưa rào rào đập vào cửa kính phòng tôi. Tôi nghe thấy tiếng cổng trước mở và tiếng Xanh Jôn đi ra. Ngó qua cửa sổ, tôi thấy anh bước vào vườn. Anh đi vào con đường qua cánh rừng hoang mờ sương về hướng Waitơcrôt, ở đấy anh sẽ đi xe ngựa.
Trong vài giờ nữa tôi cũng sẽ nối gót anh trên đường ấy, ông anh họ của tôi ạ - tôi nghĩ thầm, tôi cũng cần đi một chuyến ở Waitơcrôt. Tôi cũng có người quen biết ở nước Anh cần đến thăm và dò hỏi tin tức, trước khi đi xa mãi mãi.
Còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ ăn điểm tâm. Trong khoảng thời gian đó tôi nhẹ nhàng đi lại trong buồng, và suy nghĩ về cái hiện tượng đã xoay chuyển dự tính của tôi ra hướng này. Tôi nhớ lại cái cảm giác nội tâm mà tôi đã thể hiện, và tôi nhớ lại được cảm giác ấy, với tất cả tính kỳ lạ khó nói của nó. Tôi nhớ lại tiếng nói tôi đã nghe thấy, tôi lại tự hỏi nó từ đâu đến, nhưng vẫn không trả lời được như trước, hình như không phải nó từ thế giới bên ngoài đến mà ngay ở trong tôi. Tôi tự hỏi phải chăng đó là một kích động của thần kinh, một ảo giác? Tôi không thể quan niệm như vậy, cũng không thể tin được, đúng hơn nó giống như một linh cảm vậy. Sự chấn động kỳ diệu của tình cảm ấy đã xảy ra như vụ động đất làm rung chuyển nền móng của nhà tù giam Pôn và Xilax(1); nó đã mở cánh cửa ngục giam giữ linh hồn, tháo bỏ xiềng xích, đánh thức linh hồn đang ngủ, cho linh hồn từ giấc ngủ vùng dậy, run rẩy nghe ngóng sửng sốt. Lúc ấy tiếng gọi kia ba lần vang lên bên tai, làm tôi sửng sốt, vọng vào trái tim run rẩy của tôi, và đi thấu vào tâm trí tôi, nhưng không làm cho nó run sợ, trái lại nó hân hoan, dường như độc lập với cái thể xác nặng nề vướng víu, nó đã thực hiện được một cố gắng có hiệu quả mà chỉ riêng nó có đặc quyền làm.
"Chỉ vài ngày nữa, tôi tự nhủ sau phút suy nghĩ triền miên đó, là mình sẽ biết tin về ông ấy, đêm qua hình như chính là tiếng ông ấy gọi mình. Thư từ đã chẳng đem lại kết quả gì, thì mình phải đích thân đi dò hỏi mới được".
Lúc ăn điểm tâm, tôi báo cho Đyana và Mary biết tôi sẽ đi xa, vắng nhà à, Jên? Họ hỏi.
- Vâng, tôi phải đi thăm, hay hỏi tin tức về một người bạn mà ít lâu nay tôi rất sốt ruột muốn biết.
Chắc hai người cũng muốn nói họ cứ tưởng tôi không có bạn bè thân thích nào ngoài họ, tôi cho rằng thế nào họ cũng nghĩ như vậy, vì quả thực tôi vẫn thường nói thế, song vì bản tính tế nhị, nên cả hai đều không nói gì thêm, chỉ riêng Đyana hỏi tôi liệu có đủ sức khỏe để đi xa được không. Cô bảo trông tôi xanh lắm. Tôi trả lời rằng tôi không đau ốm gì, chỉ có một nỗi lo âu mà tôi hy vọng sẽ sớm trút bỏ được thôi.
Tôi sửa soạn mọi việc khác cũng không khó nhọc gì vì không bị ai nghi ngờ dò hỏi gì cả. Sau khi giải thích một lần cho họ hiểu là hiện nay tôi không thể nói rõ dự kiến của tôi thì họ cũng tỏ ra khôn ngoan và nhã nhặn tán thành thái độ im lặng của tôi, và dành cho tôi cái quyền tự do hành động, mà trong hoàn cảnh tương tự, tôi cũng sẽ xử sự như vậy với họ.
Tôi rời Mua Haodơ lúc ba giờ chiều, và đến hơn bốn giờ chiều tôi đã đứng bên cột đá chỉ đường ở Waitơcrôt, chờ xe đến chở tôi đi tới Thornơfin xa xôi. Giữa sự yên lặng của những đồi núi hiu quạnh và những con đường vắng vẻ này, tôi nghe thấy tiếng xe từ đằng xa tiến lại.
Chính là cái xe một năm trước đây đã thả tôi xuống, vào một buổi chiều mùa hè, cũng ở đúng chỗ này, lúc ấy tôi mới cô quạnh tuyệt vọng, hoang mang làm sao! Tôi ra hiệu và xe dừng lại. Tôi bước lên, lần này thì không đến nỗi phải đem hết cả gia sản ra để trả tiền xe. Một lần nữa lại đi trên con đường tới Thornơfin, tôi cảm thấy như mình là con chim bồ câu đưa thư bay về tổ ấm.
Cuộc hành trình dài ba mươi sáu tiếng đồng hồ. Tôi bắt đầu đi từ Waitơcrôt vào chiều thứ ba, và đến sáng sớm thứ năm thì xe dừng lại cho ngựa uống nước ở một cái quán ăn bên đường, giữa một nơi mà tôi nhìn thấy những bờ giậu xanh rì, những cánh đồng thênh thang, và những ngọn đồi cỏ thấp, như gặp lại những đường nét của một khuôn mặt quen thuộc (những đồi cỏ ở đây có đường nét mới hiền hòa và màu sắc mới mượt mà làm sao, so với những cánh đồng hoang khắc khổ ở Mortơn!). Phải, tôi đã biết quang cảnh của đất này, tôi chắc mình sắp đến nơi rồi đấy.
- Từ đây đến Thornơfin còn bao xa nữa, ông? - tôi hỏi người coi chuồng ngựa.
- Thưa bà, nếu đi qua cánh đồng thì chỉ hai dặm thôi.
Tôi nghĩ thầm "Cuộc hành trình của mình thế là xong". Tôi xuống xe, gửi người coi chuồng ngựa giữ hộ cái hòm cho đến khi tôi trở lại lấy, trả tiền xe, đãi thêm bác xà ích tiền uống nước, rồi lên đường. Ánh nắng chói lọi chiếu sáng tấm bảng treo ngoài quán; tôi đọc thấy dòng chữ mạ vàng "Rôchextơ Arms"(1). Tim tôi thót lên; thì ra tôi đã ở trong địa phận của ông chủ tôi. Nhưng rồi tim tôi bỗng se lại, vì một ý nghĩ chợt đến:
"Có thể là ông ấy đã sang lục địa rồi. Mà dẫu ông ấy đang ở Thornơfin, nơi mình đang vội vã tìm đến, thì bên cạnh ông ta có ai nữa? Có người vợ điên của ông ta, và mình cũng chẳng thể làm gì được. Mình cũng chẳng dám tìm gặp hay chuyện trò với ông. Đến mất công thôi, thôi đừng đi nữa là hơn - tâm trí tôi cãi vậy. "Hãy hỏi những người trong quán, họ có thể mách mình những điều cần biết, họ có thể giải đáp những nghi ngờ của mình ngay lập tức. Thử ra hỏi ông kia xem ông Rôchextơ có nhà không?".
Ý định ấy rất nên, ấy thế mà tôi không sao đủ can đảm thực hiện, tôi chỉ sợ câu trả lời sẽ làm tôi tan vỡ hết hy vọng. Kéo dài sự nghi ngờ tức là kéo dài hy vọng. Vả chăng tôi còn muốn nhìn lại tòa lâu đài ấy với vẻ đẹp của nó một lần nữa kia mà. Tôi nhận ra hàng rào trước mặt, rồi đến chính những cánh đồng tôi đã vội vã đi qua vào buổi sáng tôi trốn khỏi Thornơfin, lúc ấy tôi như đui, như điếc, mê mẩn vì bị một nỗi giận giữ oán hờn đeo đuổi. Chưa kịp nghĩ ra mình định làm gì, thì tôi đã ở ngay giữa những cánh đồng ấy rồi. Sao mà tôi lại đi nhanh đến thế? Có lúc tôi còn chạy nữa? Sao mà tôi cứ ngóng trông để sớm được thấy những cảnh rừng lẻ loi quen thuộc với cánh đồng cỏ núi đồi thấp thoáng hiện ra phía sau, tôi cảm động biết bao!
Cuối cùng cánh rừng đã hiện ra, cành lá um tùm, nơi trú ẩn của đàn quạ, tiếng quạ kêu ầm ĩ phá tan sự im lặng của buổi sớm mai. Tôi cảm thấy một niềm vui sướng kỳ lạ, tôi bèn dấn bước, băng qua một cánh đồng nữa, đi hết một con đường nhỏ, và kia rồi, tôi đã trông thấy tường bao quanh sân đó là dãy nhà phụ, còn tòa nhà chính vẫn bị cây cối che lấp. "Mình phải nhìn mặt trước tòa đã" - tôi quyết định thế - ở đấy mình sẽ thấy lại những lỗ châu mai ngạo nghễ đập vào mắt người ta, và có thể nhìn thấy chính cửa sổ buồng ông chủ mình. Có lẽ ông đang đứng ở đó cũng nên - ông vẫn hay dậy sớm, cũng có thể ông đang đi trong vườn hay trên sân đằng trước. Giá mình được nhìn thấy ông ấy, dù chỉ một lát thôi? Dĩ nhiên trong trường hợp ấy, mình cũng chẳng điên để đến nỗi chạy xổ lại với ông. Ấy thế mà biết đâu đấy, cũng không thể chắc được. Và nếu mình chạy lại... thì rồi sao? Cầu trời phù hộ cho ông! Thì rồi ra sao? Có ai bị thiệt hại gì nếu một lần nữa mình được thưởng thức cái thi vị của cuộc sống nhờ cái nhìn của ông mang lại? Mình mê sảng mất rồi, biết đâu trong lúc này ông ấy chẳng đang ngắm mặt trời mọc trên dãy Pirênê, hay trên mặt biển không có thủy triều ở miền Nam".
Tôi đi men theo dãy tường thấp bao quanh vườn cây ăn quả, rồi vòng qua góc tường; ở đấy có một cái cổng lớn mở ra cánh đồng cỏ, hai bên là hai cột đá, ở trên có hai quả cầu đá. Nấp sau một cái cột, tôi có thể yên trí ghé nhìn khắp mặt trước tòa nhà. Tôi thận trọng ló đầu ra, muốn xem cho rõ màn cửa sổ các buồng ngủ đều đã vén lên cả chưa; từ chỗ ẩn này tôi có thể nhìn được hết, mặt trước nhà, các cửa sổ, các lỗ châu mai.
Trong khi tôi quan sát như vậy thì đàn quạ bay lượn trên đầu tôi, có lẽ đang theo dõi tôi. Tôi không hiểu chúng nghĩ gì. Chắc chúng đã nhận thấy lúc đầu tôi rất rụt rè cẩn thận, nhưng dần dần tôi trở nên táo bạo và liều lĩnh. Tôi ghé mắt, rồi ngó chằm chằm rất lâu, rồi tôi ra khỏi chỗ nấp, bước mạnh vào sân cỏ, và đột nhiên dừng lại trước mặt tòa lâu đài to lớn ấy và chăm chú bạo dạn ngắm nhìn. Hẳn những con quạ kia phải nghĩ rằng: "Sao lúc đầu thì vờ vĩnh nhút nhát, thế mà bây giờ lại vô tâm ngốc nghếch thế?".
Bạn đọc hãy hình dung thế này:
Một người tình thấy người yêu đang ngủ trên thảm rêu, anh ta muốn ngắm nhìn bộ mặt xinh đẹp của nàng mà không làm nàng tỉnh giấc. Anh thận trọng bước rón trên cỏ, để khỏi có tiếng động, anh dừng lại, tưởng nàng tỉnh giấc, anh vội lảng đi, dù thế nào cũng không được để nàng trông thấy. Tất cả đều im lặng, anh ta lại tiến lên, cúi xuống người nàng, một dải khăn mỏng che mặt nàng, anh nhấc khăn lên và cúi xuống thấp hơn và duyên dáng, đang nghỉ ngơi. Nhưng kìa, cái nhìn đầu tiên vội vã chừng nào, nhưng mắt anh bỗng trừng trừng bất động! Anh sửng sốt làm sao! Đột nhiên anh điên cuồng ghì chặt trong hai cánh tay tấm thân mà vừa mới đây anh đã chẳng dám đụng ngón tay! Anh gào to tên nàng, buông nàng rơi xuống, ngó nàng bằng con mắt ngây dại. Anh đã ôm chặt đã kêu, đã ghì nàng như vậy, bởi anh không còn sợ làm nàng tỉnh giấc vì bất cứ tiếng động nào, bất cứ cử động nào nữa. Anh những tưởng người yêu đang trong giấc ngủ êm đềm, thì lại thấy nàng đã chết cứng từ bao giờ.
Với một niềm sung sướng pha chút lo sợ, tôi chờ đợi nhìn tòa nhà trang nghiêm đồ sộ, nhưng tôi thấy một cảnh đổ nát cháy đen.
Quả là chẳng cần phải nấp sau cột nữa! Chẳng cần phải ngó trộm những ô cửa, sợ ở đằng sau cửa có bóng người động đậy? Chẳng cần phải lắng nghe tiếng cửa mở, chẳng cần phải tưởng tượng có tiếng chân bước trên nền nhà hay trên lối đi trải sỏi! Thảm cỏ, bồn hoa bị giẫm đạp, hoang tàn, cổng lớn mở toang, trống trải. Mặt trước tòa nhà, như có lần tôi đã nhìn thấy trong giấc mộng, chỉ còn là một bức tường trơ trụi, cao ngất ngưởng, lỗ chỗ những khung cửa sổ mất kính không còn mái nhà, không còn lỗ châu mai, không còn những ống khói lò sưởi nữa. Tất cả đều đổ nát.
Bao trùm lên tất cả là một sự im lặng chết chóc, là sự cô quanh của một nơi hoang vu hẻo lánh. Thảo nào những thư từ gửi đến đây đã không có hồi âm, chẳng khác gì gửi cho những hầm mộ trong giáo đường. Những viên đá đen sì rầu rĩ nói rõ vì đâu tòa nhà này đổ nát, vì hỏa hoạn, nhưng cháy ra sao? Cái gì gây nên thảm họa này? Ngoài đống gạch, gỗ và đá cẩm thạch, còn mất mát gì nữa không? Cùng với tài sản, có thiệt hại gì về tính mạng chăng? Nếu có thì ai chết? Câu hỏi thật đáng sợ, không ai ở đây để trả lời, cũng chẳng có lấy một dấu hiệu câm, một tang chứng lặng lẽ nào.
Đi lang thang quanh những bức tường đổ sụp và qua cảnh đổ nát bên trong, tôi thấy rõ tai họa không phải là mới xảy ra. Tôi nghĩ tuyết mùa đông đã chất đống dưới cái cửa cuốn trống rỗng này, mưa mùa đông đã xói vào những ô cửa sổ mất kính này, vì giữa đống gạch ẩm ướt ấy, mùa xuân đã làm nảy sinh cây cỏ, cỏ non và cỏ dại len lỏi mọc đó đây, xen giữa đám gạch đá và rui kèo gãy nát. Trời ơi! Còn người chủ bất hạnh của ngôi nhà tan hoang này thì ở đâu? Trên đất nước nào? Có được ai chăm sóc không? Tự nhiên tôi thẫn thờ đưa mắt nhìn cái tháp ngôi nhà thờ xám xịt gần cổng, và tự hỏi: "Hay chật hẹp xây bằng đá cẩm thạch kia rồi?".
Những câu hỏi này cần phải được trả lời. Muốn thế chỉ có cách hỏi ở ngoài quán ăn, tôi bèn vội vã trở về đấy. Ông chủ quán đích thân mang bữa điểm tâm đến cho tôi ở phòng khách. Tôi xin ông đóng cửa lại và ngồi xuống cho tôi hỏi vài câu. Nhưng khi ông ta ngồi rồi, tôi lại không biết bắt đầu như thế nào, vì tôi sợ ông sẽ cho tôi biết những tin dữ dội. Vậy mà cảnh tượng thê lương tôi vừa rời khỏi đã phần nào chuẩn bị cho tôi chịu đựng một câu chuyện đau buồn, ông chủ quán vào trạc trung niên, vẻ người đáng kính. Cuối cùng tôi vào đề:
- Chắc ông cũng biết lâu đài Thornơfin Hôn chứ?
- Thưa bà, vâng, trước đây tôi có ở đó.
- Thế à? - tôi nghĩ bụng, hẳn không phải vào hồi tôi ở đấy, nên tôi không biết ông.
- Hồi còn mồ ma ông Rôchexơtơ, tôi là đầu bếp của ông.
- Mồ ma! - tôi hổn hển nói - ông ấy chết rồi à?
- Tôi muốn nói ông Rôchexơtơ, thân phụ của ông chủ hiện nay, ông ta giải thích. Bây giờ tôi mới lại thở được, máu tôi mới lại lưu thông như cũ. Những câu ấy làm tôi biết chắc rằng ông Êđua - ông Rôchexơtơ của tôi dù sao vẫn còn sống, tóm lại là "ông chủ hiện nay". Những tiếng ấy mới làm tôi sung sướng làm sao! Hình như tôi có thể nghe được hết những chuyện tiếp theo với thái độ bình thản, dù kết cục ra sao mặc lòng. Miễn là ông ấy không nằm dưới mộ, thì dù biết tin ông đang sống ở địa cực tôi cũng có thể chịu đựng được, tôi nghĩ thế.
- Hiện nay ông Rôchexơtơ ở Thornơfin chứ? - tôi hỏi, tuy biết thừa câu trả lời như thế nào rồi, nhưng tôi còn trù trừ chưa muốn hỏi thẳng hiện ông đang ở đâu.
- Ồ, không đâu? Thưa bà, không đâu, chả có ai ở đây hết. Tôi chắc bà mới đến vùng này, nếu không hẳn bà đã biết chuyện xảy ra hồi mùa thu năm ngoái. Lâu đài Thornơfin bị đổ rồi, nó cháy rụi vào độ mùa gặt. Một tai hoạ khủng khiếp! Bao nhiêu của cải quý giá như thế mà bị cháy cả, chỉ chạy được một ít đồ đạc thôi. Bắt đầu cháy vào lúc gần sáng, đến lúc xe cứu hỏa từ Mincôt tới thì cả tòa nhà đã thành một đống lửa to rồi. Thật là một cảnh tượng ghê gớm, chính mắt tôi được chứng kiến.
"Vào lúc gần sáng!" - tôi lẩm bẩm. Phải, ở Thornơfin, giờ này bao giờ cũng là giờ độc địa - Thế ông có biết tại sao mà cháy không? - tôi hỏi tiếp.
- Thưa bà, người ta chỉ đoán phỏng thôi. Người ta chỉ đoán phỏng, nhưng tôi thì cho là đúng, chả phải ngờ gì nữa. Chắc bà không biết - ông ta nói tiếp, dịch ghế lại gần bàn, hạ thấp giọng xuống - rằng có một người đàn bà, một... một người điên, bị nhốt ở trong tòa nhà ấy!
- Tôi cũng có nghe nói qua về chuyện ấy.
- Thưa bà, bà ta bị giam giữ kỹ lắm kia, nhân dân ở đây trong mấy năm vẫn không biết rõ là có bà ta hay không. Nào ai có trông thấy bà ta đâu, cũng chỉ là nghe đồn ở trong lâu đài có một người như thế, còn bà ta là ai, là thế nào, thì khó lòng đoán được. Họ đồn rằng ông Êđua mang bà ta từ nước ngoài về, có người lại bảo bà ta trước kia là nhân tình của ông ấy. Nhưng mới cách đây một năm đã xảy ra một chuyện lạ, vâng, chuyện lạ lắm.
Tôi sợ phải nghe chính chuyện của mình. Tôi cố gắng nhắc ông ta nói đến việc chính.
- Thế còn bà kia?
- Thưa bà, bà kia thì ra lại là vợ ông Rôchextơ. Câu chuyện ấy vỡ lở ra một cách kỳ khôi. Chả là có một cô giáo trẻ, cô giáo ở lâu đài, mà ông Rôchextơ...
- Nhưng còn chuyện cháy nhà - tôi gợi ý.
- Vâng, thưa bà, tôi sắp kể đến chuyện ấy... mà ông Rôchextơ phải lòng. Bọn đầy tớ kháo nhau rằng chẳng thấy ai phải lòng cô ta đến như ông ấy, lúc nào cũng đi theo cô ta. Họ thường dò xét ông ấy - cái nghề bọn đầy tớ, thưa bà, thì bao giờ chả thế - ông quý cô ta quá cơ, vậy mà, ngoài ông ra, chẳng ai cho cô ta là đẹp lắm. Cô ta người bé nhỏ, họ bảo trông như trẻ con. Chính tôi thì chưa trông thấy cô ấy bao giờ, nhưng có nghe chị Li, chị qua một cửa sổ nhỏ trèo lên mái nhà. Chúng tôi nghe tiếng ông gọi: "Becta", rồi ông tiến đến gần bà ta, thế là bà ta rú lên, nhảy bỏ một cái, ngã xuống nền đá chết ngay lập tức.
- Chết à?
- Chết chứ! Chết tươi! Gớm! máu me, đầu óc bắn tung tóe trên mặt đá.
- Lạy chúa.
- Đúng thế, bà ạ, thật là kinh khủng! Ông ta rùng mình.
- Sau đó ra sao? - tôi giục.
- Thế là cả tòa nhà bị cháy trụi, chỉ còn vài mảnh tường trơ lại đến bây giờ.
- Còn ai chết nữa không?
- Không, nhưng thà chết có lẽ lại hơn...
- Ông nói thế nghĩa là thế nào?
- Tội nghiệp ông Êđua! - ông ta thở dài - tôi chẳng bao giờ ngờ đâu lại đến cơ sự ấy. Có người bảo ông bị trời trừng phạt như thế là đúng, vì ông đã giấu kín chuyện mình có vợ, vợ còn sống sờ sờ ra đấy mà lại muốn lấy thêm vợ nữa. Nhưng riêng tôi thì tôi thương ông ấy lắm.
- Ông bảo ông ấy còn sống kia mà? - tôi thốt hỏi.
- Vâng, vâng, ông ấy còn sống nhưng nhiều người cho rằng thà ông cứ chết đi còn hơn.
- Sao? Thế nào? Máu tôi bỗng lại lạnh đi. - Ông ấy ở đâu? Vẫn ở nước Anh chứ?
- À... à... vẫn ở nước Anh, ông ấy chả đi ra nước ngoài được nữa, tôi cho là cứ phải nằm bẹp một chỗ thôi.
Đau khổ cho tôi chưa! Mà cái nhà ông này hình như cứ định kéo dài nỗi đau khổ ấy. Sau cùng ông ta mới nói:
- Ông ấy mù tịt rồi. Vâng, ông ấy mù tịt rồi... ông Êđua ấy.
Tôi đã sợ một điều tai hại hơn, tôi đã sợ ông bị mất trí. Tôi thu hồi can đảm hỏi thăm vì đâu xảy ra tai ương ấy.
- Cũng do chỗ ông ấy can đảm, cũng có thể bảo rằng vì ông ấy tốt mà nên chuyện. Ông ấy nhất định không muốn rời khỏi tòa nhà, chừng nào mọi người chưa ra hết. Cuối cùng ông bước xuống cầu thang, sau khi bà Rôchextơ đã từ lỗ châu mai lao người xuống, thì đánh rầm một cái, thế là sập hết. Người ta bới được ông ấy ra khỏi đống gạch đổ nát, vẫn còn sống, nhưng bị thương nặng. Một cái giầm rơi xuống thế nào lại che đỡ cho ông một phần, nhưng một con mắt ông đâm lòi hẳn ra, một cánh tay thì bị giập đến nỗi ông thầy thuốc Cáctơ phải cắt cụt ngay đi. Con mắt kia thì sưng lên, rồi cũng không nhìn thấy gì nốt. Bây giờ thì chẳng cứu gì cho ông được nữa, mù lòa, què cụt.
- Ông ấy ở đâu? Hiện nay ông ấy đang ở đâu?
- Ở lâu đài Fơcđin, trang trại riêng của ông, cách đây ba mươi dặm. Chỗ ấy thì vắng vẻ, tiêu điều lắm.
- Ai ở với ông ấy?
- Vợ chồng ông lão Jôn, ông ấy không muốn có ai khác. Họ bảc ông ấy rầu rĩ chán nản lắm.
- Ông có xe cộ gì đi được không?
- Có, thưa bà, chúng tôi có một chiếc xe ngựa đẹp lắm.
- Ông cho chuẩn bị xe ngay đi và nếu người đánh xe của ông đưa tôi đến được Fơcđin hôm nay trước khi trời tối thì sẽ trả cả ông và anh ta gấp đôi số tiền thuê bình thường.
1. Hai nhà truyền giáo bị cầm tù, nhờ một vụ động đất mà thoát nạn.
1. Tên quán ăn, thường đặt theo tên lãnh chúa của vùng đó.