Karlsson Trên Mái Nhà Chương 20

Chương 20
Karlsson chợt nhớ là mình có sinh nhật

Thực sự là Karlsson gặp may khi ông biến mất trước khi mẹ Nhóc Con từ phòng du lịch về đến nhà. Mẹ rất bực mình, một phần vì chậu hoa phong lữ, phần khác vì nhà bị ướt. May mà Nhóc Con đã lau khô gần hết.

Mẹ biết ngay ai đã đạo diễn trò này. Khi bố đi làm về và ngồi vào bàn ăn tối, mẹ kể hết.

“Em biết, em làm việc này thì tồi tệ quá,” mẹ nói, “dần dần em cũng đã quen sự có mặt của Karlsson, nhưng đôi khi em có cảm giác là mình sẵn sàng trả mười nghìn cu ron để tống khứ hắn đi.”

“Ác quá!” Nhóc Con nói.

“Mà thôi, mình không nói chuyện ấy nữa,” mẹ nói, “vì bữa ăn phải đầm ấm chứ.”

Lúc nào mẹ cũng nói thế: “Bữa ăn phải đầm ấm chứ.” Đúng như Nhóc Con vẫn nghĩ. Và không khí thực sự đầm ấm khi tất cả cùng ngồi quanh bàn nói đủ chuyện trên đời. Nhóc Con nói nhiều hơn ăn, nhất là khi có món cá tuyết hấp hay xúp rau hay chả cá trích. Nhưng hôm nay có món sườn bê cùng dâu đất tráng miệng, cũng chỉ vì kỳ nghỉ hè bắt đầu và Birger, Betty sẽ đi xa - Birger học lái thuyền buồm, còn Betty về một nông trang có ngựa. Cả nhà có dịp làm một liên hoan chia tay. Thỉnh thoảng mẹ lại làm một bữa tiệc tưng bừng.

“Nhóc Con à, con không việc gì phải buồn đâu nhé,” bố nói. “Mình cũng đi du lịch, bố, mẹ và con.” Và bố kể ngay tin mới. Mẹ đã đến phòng du lịch đặt mua vé đi tàu thủy, giống như con tàu hơi nước mà Nhóc Con đã thấy trên báo. Một tuần nữa họ sẽ khởi hành. Trong mười bốn ngày, con tàu trắng sẽ cập đủ các bến cảng và đưa khách đến nhiều thành phố. Có thích không, mẹ hỏi. Và bố hỏi. Cả Birger và Betty cũng hỏi. “Có hoành tráng không, hả Nhoc Con?”

“Có chứ,” Nhóc Con nói và cảm thấy chuyến đi nhất định rất hoành tráng. Nhưng cậu cũng cảm thấy có gì đó không hay, và cậu cũng biết ngay tại sao: Karlsson! Làm sao cậu có thể để Karlsson ở lại một mình, đúng lúc Karlsson đang thực sự cần cậu cơ chứ! Quả thật Nhóc Con đã suy nghĩ lung lắm trong lúc lau khô nước của trận lụt. Ngay cả khi Karlsson không phải gián điệp mà đơn giản chỉ là Karlsson thì vẫn có thể xảy ra những chuyện bất trắc, nếu mọi người ra tay săn đuổi Karlsson để kiếm mười nghìn cu ron tiền thưởng. Có trời mà biết họ sẽ làm những gì! Biết đâu họ sẽ nhốt Karlsson vào một cái chuồng ở công viên hoặc nghĩ ra trò gì đó khủng khiếp hơn. Gì thì gì, nhất định người ta sẽ không cho Karlsson ở nhà mình trên mái nữa, đó là điều chắc chắn.

Vậy là Nhóc Con quyết định ở nhà canh chừng cho Karlsson. Và cậu cũng thông báo thẳng thừng bên bàn ăn trong khi gặm món sườn.

Birger phì cười. “Karlsson trong chuồng ở công viên - ôi ôi ôi! Thử tưởng tượng mà xem, Nhóc Con cùng lớp mình ra công viên, tất cả chạy loăng quăng và Nhóc Con đọc các tấm biển bên cạnh chuồng. Gấu Bắc cực, rồi tuần lộc, chó soi, hải ly, và Karlsson.”

“Im đi,” Nhóc Con nói.

Birger khúc khích cười. “Karlsson, đề nghị không cho ăn - nếu có cái biển ấy thì chắc Karlsson bực mình lắm.”

“Anh ngốc lắm,” Nhóc Con nói. “Ngốc không tưởng tượng được.”

“Nhóc Con nay,” mẹ nói, “nếu con không muốn đi cùng thì bố mẹ cũng không đi được, chuyện ấy con hiểu chứ?”

“Tất nhiên bố mẹ vẫn đi được,” Nhóc Con nói. “Karlsson và con có thể cùng nhau làm mọi việc trong nhà.”

“Ha ha,” Betty nói. “Và gây ra một trận lụt nữa, đúng không nào? Và ném hết giường tủ ra cửa sổ chứ gì?”

“Chị ngốc lắm,” Nhóc Con nói.

Bữa ăn không thể nào đầm ấm như mọi hôm được. Mặc dù Nhóc Con là cậu bé đáng yêu và tốt bụng, đôi khi cậu vẫn cứng đầu không tả nổi. Bây giờ thì cậu rắn như đinh và không thể lay chuyển.

“Nhưng, bé con của bố...” bố lên tiếng. Nhưng bố không nói tiếp được nữa, vì đúng lúc đó nắp đậy khe bỏ thư dập mạnh xuống.

Betty đứng phắt dậy mà không xin phép. Cô bé đợi thư của rất nhiều chàng trai tóc dài, vì vậy lúc nào cũng nhanh nhảu chạy ra hành lang trước tiên. Quả đúng là, trên tấm thảm chùi chân có một lá thư. Nhưng không phải thư của anh bạn trai tóc dài nào gửi Betty cả - ngược lại: thư gửi cho bố, người gửi là bác Julius đầu trọc lông lốc.

“Bữa ăn phải đầm ấm chứ,” Birger nói. “Vì vậy không được nhận thư của bác Julius.”

Bác Julius là người có họ xa lắc xa lơ với bố. Mỗi năm bác ra Stockholm một lần để tư vấn y tế và thăm gia đình Svantesson. Bác Julius không thích ở khách sạn, vì bác nói là đắt quá. Mặc dù có nhiều tiền như cát ngoài sa mac nhưng bác vẫn rất căn cơ.

Không ai trong gia đình Svantesson thực sự vui mừng khi bác Julius đến cả. Bố lại càng không. Nhưng mẹ thường nói:

“Bố là người họ hàng duy nhất của bác Julius, khổ thân cho bác ấy quá. Nhà mình phải thân mật với bác Julius tội nghiệp.”

Nhưng khi bác Julius tội nghiệp ở nhà vài hôm liền và luôn mồm kêu ca lũ trẻ, chê bai đồ ăn, than phiền đủ chuyện thì giữa hai đầu lông mày của mẹ hằn một nếp nhăn rồi mẹ trở nên kiệm lời và khó hiểu, hệt như bố khi bác Julius vừa bước qua ngưỡng cửa vào nhà. Birger, Betty thì tránh xa và hầu như luôn vắng nhà, chừng nào bác Julius có mặt.

“Nhóc Con là người duy nhất khá thân thiện với bác Julius,” mẹ thường nói.

Nhưng đôi khi cả Nhóc Con cũng hết kiên nhẫn. Hồi bác Julius đến nhà lần gần đây, Nhóc Con vẽ chân dung bác ấy vào vở và chú thích xuống dưới: đồ ngốc.

Tình cờ bác Julius nhìn thấy bức vẽ, và bảo:

“Cháu vẽ con ngựa này không đạt lắm!”

Không, hầu như chẳng có gì được bác Julius khen là đạt lắm cả. Bác không phải là vị khách dễ chiều, đó là điều chắc chắn, và rốt cuộc khi bác sắp xếp va li quay về Vstergtland thì Nhóc Con cảm giác ngôi nhà như sáng bừng lên và mừng rỡ hát một điệu nhạc hân hoan. Ai cũng tươi tỉnh và hưng phấn, tựa như đang có chuyện gì đó cực kỳ vui vẻ, trong khi thực tình chẳng có gì ngoài việc bác Julius tội nghiệp vừa lên đường về quê.

Nhưng, như đã báo trong thư, bác Julius sắp đến và ở lại ít nhất mười bốn ngày. Nhất định sẽ rất thú vị, bác viết, ngoài ra bác sĩ còn bảo bác phải điều trị và tẩm quất, vì sáng nào dậy tay chân bác cũng tê cứng.

“Thôi, thế là chuyến đi biển hỏng rồi,” mẹ nói. “Nhóc Con không muốn đi cùng, còn bác Julius thì muốn đến nhà!”

Nhưng lúc đó bố đập bàn nói, bố muốn đi du lịch tàu thủy và muốn đưa mẹ đi cùng, kể cả khi trước đó phải bắt cóc mẹ, Nhóc Con muốn đi cùng hay ở nhà thì tùy, bố cho phép tự quyết định, và bác Julius thích đến ở nhà này và đến bác sĩ bao lâu thì tùy, hoặc nếu muốn thì ở lại luôn Vstergtland cũng được, nhưng bố thì muốn đi tàu thủy hơi nước, kể cả mười bác Julius đến cũng vậy, thế đấy, giờ thì cả nhà đã biết ý bố.

“Thôi được,” mẹ nói, “thế thì mình phải suy tính lại.”

Và khi đã suy tính xong thì mẹ nói sẽ hỏi bà Bock là người giúp việc hồi mẹ dưỡng bệnh trong mùa thu xem liệu bà có đến đây làm việc nhà vài hôm - giúp cho hai người đàn ông độc thân cứng đầu là Nhóc Con và bác Julius được không.

“Cùng một người đàn ông độc thân cứng đầu thứ ba tên là Karlsson Trên Mái Nhà nữa chứ,” bố nói. “Chớ quên Karlsson là người suốt ngày bay ra bay vào ở đây.”

Birger cười sằng sặc suýt ngã khỏi ghế. “Quản Tù, bác Julius và Karlsson Trên Mái Nhà, có lẽ đây là gia đình thú vị nhất mọi thời đại!”

“Và chớ quên Nhóc Con là người luôn có mặt trong vụ này,” Betty nói. Cô bé giữ chặt Nhóc Con bằng cả hai tay và chăm chú nhìn vào mắt cậu. “Thật khó tin rằng cậu Nhóc Con của chị lại ngoan cường như vậy,” cô bé nói. “Thích ở nhà với Quản Tù, bác Julius và Karlsson Trên Mái Nhà hơn là cùng bố mẹ đi một chuyến tàu thủy hoành tráng.”

Nhóc Con vùng ra. “Nếu người ta có một người bạn thân nhất thì cũng phải chăm sóc người ấy chứ,” cậu làu bàu.

Ấy nhưng chớ nghĩ rằng Nhóc Con không biết sự việc rồi sẽ rối rắm ra sao! Sẽ cực kỳ rối rắm khi với Karlsson bay lượn xung quanh bác Julius và bà Bock. Đúng thế, rất cần một người ở nhà lo lắng mọi việc.

“Và người đó chính là tao đấy, hiểu không hả, Bimbo?” Nhóc Con nói khi đã nằm trên giường còn Bimbo thì nằm trong giỏ bên cạnh giường thở phì phò.

Nhóc Con luồn ngón trỏ gãi dưới vòng cổ của Bimbo.

“Tốt nhất là mình ngủ đi,” cậu nói, “để có sức làm hết mọi việc.”

Đột nhiên có tiếng động cơ kêu ù ù và Karlsson bay vào phòng.

“Thế đấy, thật là quá quắt,” ông nói. “Cái gì mình cũng phải để mắt đến! Quả thực là chẳng có ma nào giúp mình lấy một giây!”

Nhóc Con nhỏm dậy trên giường. “Giúp việc gì hả chú?”

“Việc chú hôm nay có sinh nhật chứ việc gì nữa! Cả một ngày dài dằng dặc hôm nay là sinh nhật của chú, nhưng chú quên bẵng đi mất, vì không ai chúc mừng chú lấy nửa câu!”

“Thật sao,” Nhóc Con nói. “Làm sao chú lại có sinh nhật vào mùng Tám tháng Sáu được? Như cháu nhớ thì trước lễ Phục Sinh chú đã có sinh nhật rồi mà!”

“Ừ, hồi ấy thì thế,” Karlsson nói. “Nhưng người ta không nhất thiết cứ phải lúc nào cũng có ngày sinh nhật giống nhau, khi một năm có tới 365 ngày. Mùng Tám tháng Sáu là một ngày sinh nhật tốt, có gì mà cháu không bằng lòng nào?”

Nhóc Con cười. “Không, theo cháu thì chú muốn có sinh nhật hôm nào chả được.”

“Vậy thì,” Karlsson nói và ngoẹo đầu với vẻ cầu khẩn, “bây giờ chú muốn có quà sinh nhật.”

Nhóc Con vừa trèo khỏi giường vừa ngẫm nghĩ. Vội vàng kiếm ngay ra một món quà sinh nhật nào đó hợp ý Karlsson đâu có đơn giản. Nhưng cậu sẽ cố gắng.

“Cháu phải lục trong ngăn kéo đã,” cậu nói.

“Ừ, lục đi,” Karlsson nói và đứng chờ. Trong lúc chờ, ông nhìn thấy chậu hoa mà ông đã chôn hạt đào vào, lập tức ông ra xem ngay. Ông chọc ngón tay trỏ xuống và moi bật hạt lên.

“Chú phải xem nó mọc đến đâu rồi chứ,” ông nói. “Ồ, chú nghĩ là nó mọc dài quá.”

Nói đoạn, ông lại nhanh nhẩu đút hạt đào vào đất rồi chùi ngón tay lấm lem vào áo ngủ của Nhóc Con.

“Mười, hai mươi năm nữa thì ở đây sẽ đẹp lắm đấy,” ông nói.

“Tại sao?” Nhóc Con hỏi.

“Lúc đó cháu có thể nằm ngủ trưa dưới bóng râm của cây đào. Hạnh phúc là thế đấy! Nhưng cháu phải quẳng cái giường khỏi phòng. Không thể kê một đống đồ gỗ cùng với cây đào được. Nào, tìm được món quà nào chưa đấy?”

Nhóc Con giơ chiếc ô tô nhỏ trong bộ sưu tập lên, nhưng Karlsson lắc đầu. Ô tô không đúng nguyện vọng. Lần lượt Nhóc Con thử đưa hộp xếp ảnh rồi trò chơi Halma rồi một túi đầy bi ve, nhưng lần nào Karlsson cũng lắc đầu. Nhóc Con chợt hiểu ra Karlsson muốn gì: khẩu súng lục! Nó nằm tận cùng trong góc ngăn kéo bên phải bàn học, trong một bao diêm. Đó là khẩu súng lục đồ chơi nhỏ nhất thế giới và cũng tinh xảo nhất. Một lần đi công tác nước ngoài về, bố đã mua cho Nhóc Con, khiến Krister và Gunilla ghen tị mấy ngày liền, vì bọn nó chưa bao giờ nhìn thấy một khẩu súng như vậy. Trông nó giống một khẩu súng lục thật, mặc dù rất nhỏ. Và khi bắn thì tiếng nổ cũng to như súng lục thật. Bố nói, không hiểu tại sao nó lại nổ to như vậy được.

“Con phải cẩn thận,” bố nói khi đưa súng vào tay Nhóc Con. “Con không được cầm súng đi lung tung làm người khác sợ.”

Vì những lý do nhất định mà Nhóc Con không cho Karlsson xem khẩu súng này. Như thế cũng không phải là chơi đẹp, nhưng giấu giếm cũng chẳng ích gì vì hôm qua Karlsson đã phát hiện ra khi lục tung ngăn kéo của Nhóc Con lên.

Karlsson cũng thấy khẩu súng rất đẹp. Có thể đó là lý do tại sao chú ấy có sinh nhật hôm nay, Nhóc Con nghĩ bụng. Cậu khẽ thở dài và lấy bao diêm ra.

“Nhiệt liệt chúc mừng sinh nhật chú,” cậu nói.

Karlsson rú lên sung sướng, rồi ông xông đến hôn chùn chụt vào hai má của Nhóc Con, sau đó ông mở bao diêm lôi khẩu súng lục ra với một tiếng rên đầy cảm xúc.

“Cháu là người tốt nhất trong những Người Bạn Tốt Nhất Thế Giới, Nhóc Con ạ,” ông nói. Bỗng chốc Nhóc Con cảm thấy vui sướng như có đến cả trăm khẩu súng lục vậy. Tuy r t thích khẩu súng này, nhưng cậu rất sẵn sàng nhường nó cho Karlsson.

“Cháu phải thông cảm,” Karlsson nói, “chú thực sự cần nó. Tối đến chú rất cần nó.”

“Tại sao ạ?” Nhóc Con lo lắng hỏi.

“Khi chú nằm trên giường và đếm cừu,” Karlsson nói.

Thỉnh thoảng Karlsson vẫn ta thán với Nhóc Con vì tật mất ngủ của mình.

“Đêm đến thì chú ngủ say như chết,” ông thường nói, “cả buổi sáng cũng vậy. Nhưng buổi chiều thì chú cứ nằm mở chong chong hai mắt, quay hết bên nọ qua bên kia, và đôi khi buổi tối chú cũng không ngủ được.”

Vì thế Nhóc Con đã bày cho ông một mẹo. Nếu không ngủ được, người ta cứ nhắm mắt lại và tưởng tượng ra một đàn cừu nhảy qua hàng rào. Người ta phải lần lượt đếm từng con một, đúng vào lúc nó nhảy qua rào. Làm thế người ta sẽ buồn ngủ và đột nhiên thiếp đi.

“Cháu biết không, tối nay chú không sao ngủ được,” Karlsson kể. “Và thế là chú nằm đếm cừu. Song có một con cừu con khó bảo không chịu nhảy, không, nói thế nào thì nói, nó cũng không chịu nhảy,” Karlsson nói.

Nhóc Con cười. “Tại sao nó không chịu nhảy?”

“Đơn giản là nó muốn chọc tức và gây sự,” Karlsson nói. “Nó đứng cạnh hàng rào và dở chứng nhất định không chịu nhảy. Thế là chú nghĩ, nếu có một khẩu súng lục thì tao sẽ biết cách bắt mày nhay. Và chú chợt nhớ là cháu có khẩu súng trong ngăn kéo bàn học, sau đó chú cũng nhớ ra hôm nay có sinh nhật,” Karlsson nói và mê mải vuốt ve khẩu súng.

Rồi Karlsson muốn dùng thử món quà tặng của mình. “Phải nổ thật to và thật vui, không thì chú không bằng lòng đâu.”

Nhưng Nhóc Con kiên quyết phản đối. “Tuyệt đối không được! Cả nhà sẽ bị thức dậy mất.”

Karlsson nhún vai. “Thì đã sao! Vĩ nhân không đếm xỉa chuyện vặt. Ai dậy thì lại ngủ lại! Nếu nhà ai không có cừu để đếm thì chú cho mượn mấy con của chú.”

Mặc dù vậy Nhóc Con vẫn không cho bắn thử, vì thế Karlsson nghĩ ra ý khác.

“Hai chú cháu mình bay lên nhà chú đi,” ông nói. “Chú phải làm một bữa tiệc sinh nhật chứ. Có bánh kem không?”

Nhóc Con phải thú nhận là không có bánh kem, và khi thấy Karlsson phật lòng thì cậu nói rằng chuyện vặt ấy đâu đáng để vĩ nhân đếm xỉa.

“Bánh kem không dính dáng gì đến vĩ nhân,” Karlsson nói. “Vậy thì mình phải thử tổ chức tiệc với bánh quế xem sao. Cháu lấy tất cả bánh quế có trong nhà ra đây.”

Nhóc Con lẻn vào bếp rồi quay lại với một ôm bánh quế. Mẹ vẫn luôn cho phép Nhóc Con đưa bánh cho Karlsson khi cần. Và lần này đúng là cần thật.

Ngược lại, mẹ chẳng bao giờ cho phép Nhóc Con cùng bay với Karlsson lên mái nhà cả. Tuy nhiên Nhóc Con quên điều cấm đó và chắc cậu sẽ ngạc nhiên nếu bị ai nhắc nhở. Nhóc Con đã quen bay cùng Karlsson; cậu cảm thấy dễ chịu, an toàn và không thấy giật thột trong bụng khi cùng Karlsson lao vút qua cửa sô để bay lên căn nhà nhỏ xíu của ông trên mái nữa.

 

Những đêm tháng Sáu ở Stockholm không thể đem so sánh với thứ gì khác trên thế gian. Không nơi nào bầu trời tỏa xuống thứ ánh sáng lạ lùng đến nhường ấy, không nơi nào hoàng hôn kỳ ảo, yêu kiều và xanh lam đến nhường ấy. Dưới ánh hoàng hôn xanh ấy, thành phố yên tĩnh trải dài bên bờ nước trong vắt, dường như trỗi dậy từ một truyền thuyết cổ kính và phi thực.

Những đêm như thế thật lý tưởng cho một bữa tiệc bánh quế trước thềm nhà Karlsson. Hầu như chẳng mấy khi Nhóc Con cảm nhận chút gì từ ánh sáng trên trời hoặc từ hoàng hôn kỳ ảo, và Karlsson cũng đâu thèm quan tâm. Nhưng giờ đây khi họ ngồi cạnh nhau uống nước quả và ăn bánh quế thì ít nhất Nhóc Con cũng có cảm giác đêm nay không thể đem so sánh với những đêm khác. Còn Karlsson thì nhận xét bánh quế của mẹ Nhóc Con không thể đem so sánh với các loại bánh quế khác.

Ngôi nhà nhỏ xíu của Karlsson có lẽ cũng không thể đem so sánh với các nhà khác được, Nhóc Con nghĩ. Không nơi nào có thể tìm ra một ngôi nhà dễ thương ở địa thế đẹp và có tầm nhìn như vậy, và không nơi nào có trăm thứ bà rằn tập trung vao một chỗ như ở đây. Karlsson giống một chú kiến tha mọi thứ chất đầy tổ. Nhóc Con không biết ông lấy đâu ra tất cả những thứ đó, và liên tục có thêm đồ mới. Đa số mọi đồ vật đều được Karlsson treo lên tường cho dễ lấy khi cần.

“Cháu treo các Đồ bên trái và Vật bên phải nhé,” Karlsson giải thích cho Nhóc Con rõ. Giữa Đồ và Vật Karlsson treo hai bức tranh tinh xảo mà Nhóc Con rất thích ngắm. Hai bức này do Karlsson tự vẽ. Một bức vẽ chú gà trống có tên là “Chú gà trống đỏ rất cô đơn”, bức kia vẽ con cáo với tên là “Chân dung các chú thỏ của tôi”. Tuy nhiên chẳng thấy thỏ đâu cả, lý do là thỏ nằm hết trong bụng cáo rồi, Karlsson nói thế.

“Khi nào có thì giờ, chú sẽ vẽ chân dung một con cừu con khó bảo không chịu nhảy,” Karlsson thông báo, mồm đầy bánh quế.

Nhưng Nhóc Con không chú ý nghe. Những thanh âm và hương vị đêm hè quây quanh khiến cậu ngây ngất. Cậu ngửi thấy mùi thơm của cây đoan ngoài phố và nghe tiếng gót giày lách cách khua trên vỉa hè tít tận dưới kia. Mọi người dạo chơi trong đêm tháng Sáu đẹp trời và những tiếng giày khua cũng mang hơi thở mùa hè, Nhóc Con thấy thế. Tiếng nói văng vẳng từ những ngôi nhà hàng xóm, đêm  yên tĩnh nên nghe rất rõ mọi tiếng động. Tiếng người nói chuyện, hat hò, quát mắng, kêu la, cười và khóc, tất cả trộn lẫn nhau, và họ không biết rằng trên mái nhà có một cậu bé đang ngồi dỏng tai nghe, dường như đó là một loại âm nhạc.

Không, họ hoàn toàn không biết mình đang ngồi đây với Karlsson thật đầm ấm và ăn bánh quế, Nhóc Con hài lòng nghĩ.

Từ một phòng áp mái xa xa có tiếng quát tháo và hò la ầm ĩ.

“Cháu có nghe tiếng bọn lưu manh trộm cắp không?” Karlsson hỏi.

“Bọn nào cơ? Chú định nói đến Fille v à Rulle à?” Nhóc Con hỏi.

“Ừ, chú có quen bọn lưu manh trộm cắp nào khác đâu, chú nghĩ thế,” Karlsson nói.

Nhóc Con cũng biết Fille và Rulle. Đó là hai tên bợm tồi tệ nhất quận Vasa và tắt mắt như những con quạ. Do đó Karlsson gọi chúng là lũ lưu manh trộm cắp. Năm ngoái chúng lẻn vào nhà Svantesson để ăn trộm. Nhưng Karlsson đã diễn trò ma làm chúng sợ đến nỗi hôm nay vẫn chưa hoàn hồn. Hồi đó chúng không lấy cắp được gì.

Nhưng khi Karlsson nghe Fille và Rulle la ó trong căn phòng áp mái của chúng thì ông đứng dậy phủi các vụn bánh quế trên người.

“Chú nghĩ bây giờ tốt nhất chú phải đi hù chúng một chút,” ông nói, “để chúng đừng đi mó máy vào những đồ vật không phải của mình.”

Ông chạy như gió qua mấy mái nhà về phía căn phòng áp mái. Chưa bao giờ Nhóc Con chứng kiến một người chân ngắn như thế mà lại chạy nhanh đến vậy. Ai cũng sẽ khó lòng theo kịp, và Nhóc Con lại càng chưa quen chạy trên mái nhà, nhưng cậu cố sức mò mẫm theo chân Karlsson như mọi khi.

“Bọn lưu manh trộm cắp tởm lắm,” Karlsson vừa chạy vừa nói. “Nếu chú lấy gì thì chú trả ngay một đồng 5 xu, vì chú là Người Thật Thà Nhất Thế Giới. Nhưng số tiền 5 xu của chú sắp hết rồi, chú cũng chẳng biết kiếm đâu ra vài đồng mới cả.”

Cửa sổ phòng Fille và Rulle mở toang hoác, nhưng rèm cửa khép kín. Sau rèm cửa người ta nghe tiếng cười nói la hét váng tai.

“Bây giờ ta sẽ ngó xem có chuyện gì mà vui đến vậy,” Karlsson nói và mở hé một khe rèm, đủ để nhòm qua. Nhóc Con cũng được nhòm cùng, cậu thấy Fille và Rulle nằm sấp trên nền nhà của căn phòng nhem nhuốc, trước mặt chúng là một tờ báo trải rộng. Có lẽ có gì đó trong báo làm chúng phấn khởi.

“Mười nghìn cu ron cậu ạ, ôi, tớ không tin nổi!” Rulle hét to.

“Cái tay dở hơi này, hắn bay lượn lung tung ở quận Vasa này cậu ạ! Đúng là đồ dở hơi,” Fille rống lên cười ngặt nghẽo.

“Này Fille,” Rulle nói, “tớ biết có một người sắp kiếm được mười nghìn cu ron đấy, ha ha ha!”

“Này Rulle,” Fille nói, “tớ cũng quen một người như thế đấy, người ấy sắp tóm được một tên gián điệp nhỏ tí bí hiểm, hi hi hi!”

Nghe chúng nói chuyện, Nhóc Con giật mình, mặt tái mét, nhưng Karlsson chỉ cười.

“Còn chú thì biết có một người sắp bày trò nghịch ngợm,” ông nói và bắn luôn một phát súng lục. Tiếng nổ vang xa trên mái nhà, và Karlsson quát: 

“Mở cửa ra, cảnh sát đây!”

Trong phòng, Fille và Rulle nhảy dựng dậy như vừa ngồi phải lò than.

“Ru-ru-ru, cha-cha-cha!” Fille hét lên.

Hắn định nói “Rulle, chạy đi,” nhưng khi hốt hoảng thì Fille không nói được ra câu.

“Nhanh, chạy vào t-t-tủ tường đi,” hắn rú lên. Fille và Rulle nhảy bổ vào tủ tường rồi đóng cửa lại. Nhưng vẫn có thể nghe tiếng Fille hoảng hốt kêu:

“Ru-ru và Fi-fi không có nhà, họ dặn tôi nói lại là không có nhà, họ đi ra ngoài rồi!”

Về sau, khi hai người quay lại bậc thềm nhà Karlsson, Nhóc Con ngồi thừ ra và chẳng vui vẻ gì. Cậu hiểu là có một giai đoạn gay go trước mắt, khi cậu phải luôn canh chừng vì Karlsson là người thiếu cẩn trọng. Đã thế lại có những kẻ xấu như Rulle và Fille ngay cạnh nhà! Thêm vào đó là bà Bock và bác Julius - ôi, cậu quên chưa kể cho Karlsson biết.

“Chú Karlsson này,” Nhóc Con lên tiếng. Nhưng Karlsson đâu có để ý. Ông đã chăm chú trở lại với bữa tiệc bánh quế và húp nước quả soàn soạt từ cái cốc màu xanh lam mà ngày xưa Nhóc Con tặng nhân sinh nhật cách đây ba tháng. Ông bưng cốc bằng cả hai tay, giống như trẻ con vẫn làm, và mới được một ngụm thì cốc tuột khỏi tay, giống như vẫn hay tuột khỏi tay trẻ con.

“Ối,” Nhóc Con thốt lên. Cái cốc nhỏ màu xanh rất đẹp rơi xuống, nhưng không vỡ, vì rơi gần xuống chân thì Karlsson lấy ngón chân trỏ móc lại. Ông đi tất sọc đỏ nhưng ngón chân trỏ lại thò ra ngoài qua lỗ thủng như hai mẩu xúc xích nhỏ màu đen.

“Cháu đoán xem ai có hai Ngón Chân Trỏ Tốt Nhất Thế Giới nào!” Karlsson nói.

Ông âu yếm ngắm hai đoạn xúc xích đen thui và nghịch ngợm vui vẻ hồi lâu bằng cách thò ngón chân trỏ ra lỗ thủng rồi lại rụt vào.

“Chú Karlsson này,” Nhóc Con lại lên tiếng, nhưng Karlsson ngắt lời cậu.

“Cháu biết làm tính chứ?” ông hỏi. “Khi từ chân lên đầu chú có giá mười nghìn cu ron thì cháu tính xem chú sẽ được nhận bao nhiêu đồng 5 xu cho hai ngón chân trỏ này?”

Nhóc Con cười. “Cháu không biết. Chú muốn bán chúng đi hay sao?”

“Ừ,” Karlsson nói. “Bán cho cháu. Cháu sẽ được mua với giá tương đối hời, vì chúng đã qua sử dụng một chút rồi. Với lại...” ông tư lự nói tiếp, “chúng cũng kha khá là bẩn nữa.”

“Chú thật là ngớ ngẩn,” Nhóc Con nói. “Làm sao chú có thể sống thiếu ngón chân trỏ được!”

“Chú có nói thế đâu hả?” Karlsson hỏi. “Chú vẫn giữ chúng lại chứ, nhưng mặc dù vậy chúng là của cháu. Chú chỉ cho mượn thôi.”

Ông đặt hai chân lên đầu gối Nhóc Con để cậu hiểu là chúng sắp thuộc về cậu, rồi cố thuyết phục:

“Cháu nghĩ mà xem, mỗi lần nhìn chúng là cháu sẽ nói: ‘hai ngón chân cái đáng yêu này là của mình đây!’, có tuyệt vời không nào?”

Nhưng Nhóc Con không muốn làm cú đổi-chác-ngón-chân-trỏ này tí nào. Cậu hứa sẽ tặng Karlsson tất cả những đồng 5 xu mình đang có trong con lợn tiết kiệm mà không cần lấy ngón chân. Sau đó thì đến lúc kể chuyện cậu muốn kể từ nãy.

“Chú Karlsson này,” cậu nói. “Chú có đoán ra ai sẽ trông cháu khi bố mẹ đi du lịch không?”

“Người Trông Trẻ Tốt Nhất Thế Giới, chú đoán thế,” Karlsson nói.

“Chú định nói là chú phải khôn g?” Nhóc Con hỏi, mặc dù cậu biết thừa Karlsson ám chỉ ai. Và Karlsson gật đầu xác nhận.

“Đúng thế, nếu cháu chỉ cho chú một người trông trẻ tốt hơn thì cháu được một đồng 5 xu.”

“Bác Bock,” Nhóc Con nói. Cậu sợ làm Karlsson giận vì mẹ đã mời bà Bock đến, trong khi Người Trông Trẻ Tốt Nhất Thế Giới ở ngay trên mái và có thể đến khẩn trương, nhưng lạ thay, có vẻ như Karlsson rất sung sướng và thích thú.

“Ha ha!” ông chỉ thốt ra một câu. “Ha ha!”

“Chú nói ‘ha ha’ nghĩa là gì?” Nhóc Con lo ngại hỏi. 

“Chú nói ‘ha ha’ nghĩa là ha ha,” Karlsson cả quyết và nhìn Nhóc Con, mắt sáng rực.

“Cả bác Julius cũng đến nữa,” Nhóc Con nói. “Bác ấy phải đi bác sĩ chữa bệnh, vì sáng nào dậy tay chân bác ấy cũng tê cứng.”

Cậu kể cho Karlsson nghe bác Julius khó chịu ra sao và bác sẽ sống ở đây suốt thời gian bố mẹ đi trên con tàu hơi nước màu trắng và Birger, Betty không có nhà.

“Cháu thực sự muốn biết rồi sự thể sẽ ra sao,” Nhóc Con lo ngại nói.

“Được rồi,” Karlsson nói. “Họ sẽ có những tuần lễ không thể nào quên.”

“Ai cơ? Mẹ, bố hay Birger và Betty?” Nhóc Con hỏi.

“Chú nói đến Quản Tù và bác Julius,” Karlsson nói.

Giờ thì Nhóc Con càng lo ngại thêm. Nhưng Karlsson đã xoa má cậu an ủi.

“Bình tĩnh, bình tĩnh đã nào! Mình sẽ chơi vài trò hiền lành với họ, vì chúng mình là những Người Đáng Yêu Nhất Thế Giới - ít nhất là chú.“

Nói đoạn ông bắn một phát súng lục sát tai Nhóc Con khiến cậu giật mình nhảy dựng dậy.

“Bác Julius tội nghiệp cũng không cần phải đi bác sĩ để chữa bệnh cho mất thì giờ,” Karlsson nói. “Để chú làm việc đó cho.“

“Chú làm thế nào?” Nhóc Con hỏi. “Chú có biết điều trị những người bị tê cứng chân tay đâu?”

“Chú ma lại không biết hay sao!” Karlsson kêu lên. “Chú hứa với cháu sẽ làm cho bác Julius khỏe mạnh và nhanh nhẹn như một con béc giê. Có ba phương pháp cả thảy.”

“Phương pháp gì cơ?” Nhóc Con hỏi đầy ngờ vực.

“Chọc nguấy, làm mắc lỡm và cho thượng đài,” Karlsson nói. “Không việc gì phải điều trị cả.”

Nhóc Con lo ngại ngó quanh, vì chỗ nào cũng có người thò đầu ra nhìn xem ai vừa bắn, đã thế cậu lại thấy Karlsson đang lên đạn lần nữa.

“Đừng, Karlsson,” cậu nói. “Không, Karlsson, chú đừng bắn nữa!”

“Bình tĩnh, bình tĩnh đã nào,” Karlsson nói. “Cháu này, chú đang suy nghĩ đến chuyện khác. Cháu có nghĩ là Quản Tù cũng hơi bị tê cứng chân tay không?”

Trước khi Nhóc Con kịp đáp lại thì Karlsson đã tưng bừng chĩa súng lên trời và bóp cò. Tiếng nổ kinh hoàng vang vang trên mái nhà. Từ các nhà lân cận có tiếng người hoảng sợ và bực bội, có ai đó gọi “cảnh sát!”. Nhóc Con bực mình quá. Nhưng Karlsson vẫn ngồi đó nhai miếng bánh quế cuối cùng còn sót lại.

“Có gì mà mọi người phải làm rộn cả lên thế?” ông nói. “Họ không biết là hôm nay chú sinh nhật hay sao?”

Ông nuốt miếng bánh cuối cùng. Và cất tiếng hát một bài. Bài hát vui nhộn và ngân vang tuyệt vời trong đêm hè:

 

“Phải nổ thật to và thật vui

Đồ rê mi vui quá đi thui

Bánh quế sinh nhật lại càng hay

Mi pha son ta thấy vui thay

Xin mời quý vị nghe bắn súng

Và yêu tôi đi, thế mới đúng

Pha son la và son la xi

La xi đô ta hãy vui đi.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30121-karlsson-tren-mai-nha-chuong-20.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận