Khi Trời Gặp Đất Chương 2

Chương 2
Những ngày tháng sắp tới, cộng với sự phản ứng của cô vợ yêu quý, trong lòng anh thấy buồn bực không yên.

Ngoài trời tối đen như mực, cả thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ dưới ánh đèn đường vàng vàng mờ ảo.

Ngày hôm sau, hai đồng nghiệp hẹn hò ra ngoại ô thị trấn leo núi, khớp gối cô bị đau nên không đi. Một mình đi đến Đài truyền hình. Trên đường đi cô rẽ qua mua ít bánh ngọt để làm quà. Chiêu bài của cô chính là nụ cười quyến rũ, nụ cười ấy chân thành, rạng rỡ chẳng khác gì ánh nắng bừng lên trong mùa đông, ai thấy cũng mê.

Thấy người bận rộn cô nói vài câu khách sáo rồi rút lui cho nhanh, gặp người nhàn nhã như mình cô tán dóc lâu hơn, toàn bàn tán về những chủ đề vô thưởng vô phạt. Ba ngày trôi qua như vậy, toàn bộ Đài truyền hình từ trên xuống dưới đều quen cô hết.

Ngày bốn tháng tư, sáng bảnh mắt ra mắt cô đã giật liên hồi. Các cụ hay nói mắt trái nháy báo hiệu điềm lành, mắt phải nháy là báo hiệu điềm dữ. Nhưng mà cả hai mắt cô cứ thay nhau nháy liên tục thì là lành hay dữ đây?

Thấp tha thấp thỏm đến bảy giờ, tầm này ba mẹ đều đã dậy. Có khi ba cô còn đang xuống dưới khu chung cư mua đồ ăn sáng rồi ấy chứ, mẹ nhất định đang rửa ấm chén để pha trà. Cô gọi điện về nhà bị mẹ chất vấn y như dự đoán: “Con đi huyện Chương từ bao giờ thế hả? Sao bây giờ mới nói cho mẹ biết?”.

“Con đi hôm mùng một, đi gấp quá, nhưng con nói với chồng con rồi mà...”.

“Đừng có đem chồng ra làm bia đỡ đạn. Giờ có thấy bóng dáng, tăm hơi nó đâu hả?” Mẹ cô bực bội nói.

Cô sững người trong giây lát rồi vội nói: “Mấy hôm nay anh ấy cũng đi công tác ở bên ngoài, nhưng chồng con nói rồi anh ấy sẽ tranh thủ về qua nhà mà”.

Bà Hoàng Tu Dĩnh, mẹ cô, im lặng và rồi thở dài rồi buồn bã nói: “Mẹ biết ngay mà, các con có ai để tâm đến việc tảo mộ đâu!”.

“Mẹ, con...”.

“Thôi khỏi phải khéo chống nữa. Con nghĩ gì ba mẹ đều biết hết”. Bà Dĩnh nói khẽ rất nhạt nhẽo. Bà còn nói: “Con không muốn đi sao không nói thẳng cho ba mẹ biết? Việc gì phải lấy cớ bận công việc này nọ”.

Máu nóng bốc hết lên đầu, cô nói: “Ba mẹ nói đúng đấy, đúng là con không muốn đi, nhưng chồng con đi là được rồi còn gì nữa!”.

“Được... được chứ sao không được. Có giỏi sau này cô đừng về đây nữa!”.

Cộp một cái, mẹ cô gác luôn điện thoại.

Cô bực quá bấm điện thoại luôn cho Thiếu Hàng, ai ngờ anh lại tắt máy, có lẽ là đang ở trên máy bay. Cô không biết phải làm sao, chỉ cầu khấn sao cho chồng mình sớm về, giúp mình mau chóng dập tắt cơn giận của mẹ.

Mỗi lúc thế này, cô cảm thấy trong lòng thật khó chịu mà không nói ra lời. Giống như là một nơi xa xôi đang dụ dỗ cô, chỉ cần tiến thêm chút thôi là quả pháo xịt là cô cũng sẽ nổ tan tành.

Không phải là những lúc ương bướng thì tình cảm và lý trí luôn ở thế đối lập nhau, mà hai thứ này luôn va chạm, kêu gào trong đầu óc cô. Lý trí chiến thắng tình cảm, cô sẽ lùi bước; còn tình cảm chiến thắng lý trí, cô sẽ nhấc chân lên sải bước về phía trước, và trong đầu luôn ẩn hiện một hình bóng thật cao thật dài và một khuôn mặt dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt trên khuôn mặt ấy sáng long lanh và sâu thăm thẳm. Ánh mắt ấy đủ để đầu óc nóng nẩy của cô quay về con số không tròn trĩnh.

Phật giáo có nói đến luật nhân quả, có nhân ắt có quả. Thế sao họ gây ra nhân gì thì tại sao lại phải kéo cô một người ngoài cuộc để gánh cái quả ấy.

Đến giờ cô vẫn chưa thể nào hiểu nổi.

Hôm sau, cô ôm lấy cuốn sách rồi ngồi suốt cả ngày trong phòng hội nghị của Đài truyền hình, ngay cả bữa trưa cũng chẳng buồn nhấc mình ra khỏi ghế xuống dưới tầng ăn trưa. Khoảng thời gian này anh gọi điện thông báo đã về đến nhà, cô còn nghe rõ mẹ mình đang tiếng bấc tiếng chì ở bên cạnh nên chẳng buồn nhiều lời.

Chạng vạng tối, trên đường về khách sạn cô bỗng thấy đầu nặng như chì, chân nhẹ bỗng. Cô đoán chắc là do không khí trong phòng họp không thông thoáng nên não bị thiếu oxy. Cô vội vẫy một chiếc xe bus nhỏ, cũ rích lên ngồi ở gần cửa sổ. Lái xe hỏi đi đâu cô đáp luôn: “Đến bến cuối!”

Chẳng ngờ chiếc xe bus này lại đi đến thị trấn bên cạnh, vừa đi vừa bắt khách ven đường, mãi 8 giờ tối mới đến trạm xe bus ở thị trấn bên cạnh. Gia Hảo xuống xe, cô bị vài người đi đường vội vã va vào mấy lần, khó khăn lắm mới tìm được một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ. Cô vội cầm chai nước suối hỏi tiền để trả, tay thò vào trong túi khoắng một hồi giật mình nhận ra ví và điện thoại đều không cánh mà bay.

Trời ơi, cô đã bị móc túi ở một nơi xa xôi hẻo lánh thế này.

Thiếu Hàng lòng nóng như lửa đốt bước từ trên xe xuống, nhìn thấy ngay cô ngồi ở trong quán ăn nhỏ bé. Người đang ở trên mây giờ đã chạm được đất, anh đi nhanh đến chỗ cô. Thấy trước mắt cô là một bát súp còn nóng hôi hổi. Vì nóng quá nên cô cứ lắc lắc, vừa thổi vừa húp, toát hết cả mồ hôi. Mái tóc dài đen óng ả lúc này càng đen, làm nổi bật làn da trắng bóc hồng hào, mềm mại của cô.

Thiếu Hàng ngẩn ngơ, như trở về mấy năm trước đây. Trên phố C toàn hàng ăn, cô đang ngồi ăn chè xanh ở một cái quán ven đường. Anh thấy trái tim mình run rẩy trước sự vui vẻ, thoả mãn của cô. Năm ấy cô mới mười sáu tuổi.

Năm ấy Thiếu Hàng cũng như bây giờ, đứng xa ngắm cô và rốt cuộc vẫn không dám đến gần.

Cô nhìn quanh quẩn xem chai giấm ở đâu thì chạm phải ánh mắt của Thiếu Hàng. Cô sững người lại, rồi kinh ngạc thốt lên: “Sao anh đến được đây?”.

Quan Thiếu Hàng lấy lại được tâm trạng, đi đến trước mặt cô: “Hai tiếng trước anh đến khách sạn em ở. Đồng nghiệp của em cho anh biết em đang ở đây đấy”.

Gia Hảo hớn hở nhưng vẫn bán tín bán nghi: “May quá anh đến rồi. Em ngại làm phiền đồng nghiệp chạy một chuyến đến đây lắm, nhưng mà sao anh lại đến khách sạn em ở nhỉ?”.

“Hôm nay rảnh nên anh đến thăm em thôi”. Thiếu Hàng cầm chiếc ghế ở bàn bên đặt xuống ngồi, hình như chàng chẳng muốn giải thích thêm về việc này. Anh nhìn chăm chú vào bát của cô: “Vằn thắn à?”.

Gia Hảo cười, lắc đầu nói: “Là há cảo đấy. Đây là món đặc sản của vùng này. Anh có muốn thử miếng không?”.

Chàng gật đầu lia lịa và há mồm ra.

Gia Hảo ngó cái rồi vội vàng lẩn tránh ánh mắt của bà chủ quán, cô cầm thìa lên xúc cho chàng một miếng: “Ngon không anh?”.

“Cũng được đấy”, Thiếu Hàng nói: “Sao em lại đến đây?”.

“Em đi đổi gió...”.

“Ngồi xe bus đi đổi gió?” Chàng bật cười nói: “Đổi gió kiểu này chẳng rẻ chút nào”.

Gia Hảo bực mình trừng mắt nhìn chàng quát: “Cấm anh cười!”.

Hai người ngồi tán gẫu lan man, nói nói cười cười, chẳng ai muốn động đến chủ đề đáng nhẽ phải nói vào hôm nay. Thiếu Hàng mặc bộ đồ thể thao màu đen, chiếc nhẫn cưới đeo ở ngón áp út đã được tháo. Cô biết tảo mộ xong anh đến thẳng đây. Gia Hảo chẳng muốn hỏi xem hôm nay anh đã phải chống đỡ những lời trách mắng của mẹ vợ ra sao. Thực sự là cô không muốn hỏi bất cứ chuyện gì xoay quanh việc tảo mộ. Cô không hỏi, Thiếu Hàng cũng không nhắc đến.

Mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ riêng, mặt thì tươi cười vui vẻ nhưng trong lòng vẫn bao trùm bởi một màn đêm u ám.

Xe về đến khách sạn đã quá nửa đêm. Huyện này không có cuộc sống đêm, các sạp quầy đã được dọn sạch sẽ, cửa hàng đóng cửa từ sớm, bốn bề vắng vẻ, thỉnh thoảng vẳng lại tiếng chó sủa.

Thiếu Hàng rút từ trong ví ra mấy tờ bạc và thẻ tín dụng đưa cho cô. Gia Hảo thần người ra hỏi: “Ơ thế đêm nay anh không ở lại đây với em à?”.

“Không. Sáng sớm mai anh có việc gấp rồi”.

Cô nhìn chằm chằm vào khuôn mặt tiều tuỵ, xanh xao của anh trong lòng dấy lên nỗi xót xa: “Vội thế này thì việc gì anh phải chạy đến đây. Có thời gian tranh thủ ngủ một chút có tốt hơn không!”.

Thiếu Hàng cười tươi nói: “Nhìn thấy em anh mới yên lòng”.

Cô nhìn sâu vào mắt anh rồi nhận lấy mấy thứ đút vào trong túi và xuống xe. Đến lúc chợp mắt ngủ bên tai cô vẫn văng vẳng câu nói này của Thiếu Hàng. Cô luôn nghĩ chàng là người cứng rắn, hoá ra lòng anh cũng có điều lo lắng, nhưng tại sao chàng lại lo lắng chứ?

Gia Hảo không dám hỏi, e ngại nghe được câu trả lời vượt quá khả năng chịu đựng của mình.

Kết thúc một tuần đi cơ sở trở về nhà. Vừa bước vào nhà, Bò sữa lập tức nhào vào ngay. Cô vứt hết hành lý xuống ngồi bệt trên đất ôm lấy Bò sữa.

Một người phụ nữ bước ra từ trong phòng đọc sách.

Gia Hảo thoáng thấy có người xuất hiện, giật thót cả mình, ngồi bật dậy: “Cô... cô... sao cô lại ở đây?”.

Trương Quần cầm tập hồ sơ trong tay nói lạnh tanh: “Tôi qua lấy tập tài liệu cho anh Hàng. Tôi đi đây”.

Cô ngước nhìn đồng hồ trên tường, giờ đang là lúc tan tầm mà. Không kìm nổi trí tò mò cô hỏi: “Tối nay mọi người lại làm thêm à?”.

Trương Quần lạnh lùng nhìn cô một cái rồi buông thõng một câu: “Không!”.

Không hiểu tại sao, nhưng cô cảm thấy đây như màn kịch được sắp đặt. Trương Quần luôn giữ một khoảng cách nhất định với cô, nhưng lần nào gặp cũng làm ra vẻ khách khí, thái độ như hôm nay thật hiếm gặp. Gia Hảo bất giác ngẫm nghĩ lại xem gần đây mình có làm gì phật ý cô ta không.

Trương Quần ra ngoài cửa đi giày vào và đi thẳng không thèm quay lại nhìn lấy một lần.

Gia Hảo là người nề nếp, có văn hoá thấy thái độ ấy cũng bực mình vô cùng. Cô vội cầm điện thoại lên gọi cho Thiếu Hàng hỏi xem rốt cuộc việc gì xảy ra. Gọi mãi mới thấy anh nhấc máy.

“Em yêu, em về rồi đấy à?”.

“Em về rồi. Anh bận vậy sao? Bận đến mức phải để người ngoài về nhà mình lấy đồ à?”.

Quan Thiếu Hàng ngẩn người ra rồi nói: “Ý em nói là Trường Quần chứ gì?”.

“Còn ai vào đây nữa?” Gia Hảo càng tức khi thấy thái độ như chẳng có gì xảy ra của chồng.

“Anh xin lỗi, bận quá mà công ty lại đang cần gấp nên nhờ cô ấy về lấy hộ”. Quan Thiếu Hàng cười lấy lòng: “Em về cũng chẳng nói với anh một câu. Nếu không anh đã bảo em mang đến cho anh rồi, anh đâu muốn làm phiền người ta”.

Gia Hảo ừ hử rồi nói: “Lần sau không được như vậy nhé. Em cúp điện thoại đây”.

“Ừ”.

Gia Hảo ngồi ngẩn người trên ghế sô pha, Bò sữa cũng nằm trên sô pha liếm láp chân của nó. Bỗng nhiên ánh mắt của cô bị hút bởi một chiếc ví màu nâu sậm. Cái đó không phải của cô, cũng không phải của Thiếu Hàng. Cô tò mò mở ra xem. Trong ngăn trong có để một tấm ảnh chứng thực những gì cô đoán không sai. Đó chính là của Trương Quần.

Gia Hảo lập tức gập ngay ví lại, quay về ngồi nguyên ở vị trí cũ. Cô có cái cảm giác mình đang lục lọi đồ của người khác.

Ai cũng có bí mật riêng tư, cho dù đó không còn là bí mật nữa.

Trương Quần, cô và Thiếu Hàng đều lớn lên ở khu chung cư của giáo viên trường đại học C. Họ chơi với nhau từ thuở nhỏ. Ba Trương Quần là giáo viên của Trường đại học C, mẹ cô là kế toán. Mấy năm trước gia đình cô mới chuyển ra khỏi khu chung cư này thì mới chấm dứt được những ngày tháng chạm mặt nhau chan chát. Trương Quần và Thiếu Hàng học vẽ cùng nhau ở Cung Thiếu nhi, chơi với nhau nhiều nên tình cảm rất thân thiết.

Loại bỏ những nguyên nhân gì gì đó thì Gia Hảo rất khâm phục Trương Quần. Thích ai là chuyện hết sức bình thường, nhưng đúng là chưa gặp ai có thể làm được đến ngưỡng như Trương Quần. Dù đối tượng ấy của Trương Quần chính là chồng mình, nhưng Gia Hảo vẫn không thấy ghét cô ấy.

Trương Quần có tình cảm đặc biệt với Thiếu Hàng. Điều này mọi người trong khu chung cư đều biết.

Năm ấy đăng ký thi đại học, để được cùng học đại học với Thiếu Hàng cô đăng ký nguyện vọng duy nhất là một trường đại học danh tiếng. Hành động ấy khiến nhiều người ngạc nhiên, ngay cả ba mẹ cô cũng suýt phát điên. Hết mềm mỏng lại đến cứng rắn với con gái, mong con hiểu được lực học của mình thế nào để đừng trèo cao rồi ngã đau, nhưng Trương Quần nhất mực không nghe. Năm đầu tiên thất bại trong thấp thỏm, nhưng ngã đau cũng không chịu khuất phục, cố gắng thi lại năm nữa nhưng vẫn nguyện vọng thi vào trường đại học danh tiếng ấy. Kết quả năm thứ hai cũng vẫn thất bại ê chề như năm đầu tiên. Đến năm thứ ba, không hiểu vì sao Thiếu Hàng lại quyết định không theo học nghiên cứu sinh ở trường đó mà chuyển đến học thiết kế nội thất ở Học viện Mỹ thuật. Thấy vậy, Trương Quần cũng theo luôn và rồi cũng đỗ đại học như mong ước.

Mấy năm nay, ba mẹ Trương Quần vô cùng ghét Quan Thiếu Hàng, nên ghét lây cả người nhà anh. Bà Ngô Nhân Hợp, mẹ Quan Thiếu Hàng, thoạt đầu rất thông cảm với thái độ thù hằn một cách mù quáng của ba mẹ Quần. Cũng là vì bà cảm thấy tự hào khi có một cậu con trai hấp dẫn, giỏi giang, nhưng mặt khác bà thấy lo thay cho tiền đồ của Trương Quần. Tiếc là, nỗi lòng áy náy của bà dần bị mai một bởi mẹ Trương Quần năm lần bảy lượt tìm cách bới móc. Giờ đây gặp Trương Quần là thấy đau đầu, tưởng tượng ngay ra bà mẹ chanh chua, rắc rối của cô, chỉ mong sao hai nhà đến chết cũng chẳng qua lại với nhau.

Dù gì đó chỉ là suy nghĩ riêng của bà Hợp, chứ hai đương sự chẳng kiêng kị gì. Giờ Trương Quần là nhân viên thiết kế của Công ty Thiếu Hàng, gặp mặt nhau suốt ngày ở Công ty, thản nhiên như thường. Ngay cả người có quyền nói như là Trì Gia Hảo cũng không có gì dị nghị.

Các bậc phụ huynh thấy khó hiểu về ba cô cậu này. Thoạt đầu họ cực lực phản đối, ra sức can thiệp, giờ chẳng buồn hỏi han và cũng chẳng còn suy nghĩ vẩn vơ nào nữa.

Gia Hảo tắm xong, choàng hờ hững chiếc khăn tắm lên người bước từ phòng tắm ra đụng ngay phải Trương Quần đang vội vàng quay lại lấy ví. Trương Quần không có ý ở thêm chút nào, chỉ gật đầu rồi quay người đi luôn. Nể mặt ông xã, Gia Hảo quyết định không thèm đôi co với cô ta.

Không ngờ bước đến cửa chống trộm Trương Quần đột ngột quay đầu lại nhìn cô nói: “Tối nay cô định nấu món gì?”.

“Hả?” Gia Hảo chưa kịp có phản ứng gì thì Trương Quần chau mày nói tiếp: “Tốt nhất cô nên nấu cháo, người ốm ăn thanh đạm một chút sẽ tốt cho sức khoẻ”.

Gia Hảo sững người trong phút chốc: “Thiếu Hàng ốm ư?”.

Trương Quần tròn xoe đôi mắt nhìn cô như động vật quý hiếm: “Cô không biết gì sao? Hôm tết Thanh minh anh ấy đã hơi sốt rồi thế mà cứ mấy phút mẹ cậu lại gọi điện thoại giục giã, chẳng để cho người ta có thời gian thở nữa. Anh ấy đã gắng gượng đi tảo mộ, ngày hôm sau suýt nữa bị ngất trong cuộc họp đấy. Ba hôm rồi vẫn chưa hạ sốt”.

“Sao cô không nói sớm? Giờ anh ấy đang ở đâu?” Gia Hảo lo lắng hỏi. Nghĩ đến việc Thiếu Hàng lái xe mấy chục cây trong đêm đến huyện Chương thăm mình, cô đã thấy gì đó không ổn ở anh. Nhưng cô không giữ anh lại.

Trương Quần ném ánh mắt khinh bỉ về phía cô: “Cả chiều nay anh ấy đang truyền dịch trong bệnh viện. Sao cô không gọi điện thoại cho anh ấy hả? Xem ra cô đúng là con người bận rộn”.

Gia Hảo chẳng buồn để ý đến cô ta, vội vàng vào trong phòng thay quần áo. Ra đến ngoài cô không thấy bóng dáng Trương Quần đâu nữa. Cô ra bãi đỗ xe lấy xe đi tìm Thiếu Hàng. Ngồi lên xe cô gọi điện ngay cho anh.

“Anh đang ở đâu?”. Cô vào thẳng vấn đề luôn.

Thiếu Hàng ngần ngừ vài giây rồi nói: “Anh ở bên ngoài. Sao thế em?”

“Anh đang ở bệnh viện nào?” Cô chẳng buồn đôi co với anh nữa. Biết được thông tin cô dặn ngay: “Anh phải ở đó chờ em. Em đến đón anh đây”.

Vào đến phòng bệnh nhân đúng lúc y tá đang thay chai truyền, không biết có phải do Thiếu Hàng ngồi ngược sáng hay không mà cô thấy anh gầy đi nhiều quá. Khuôn mặt tái xanh, đôi môi khô cong, đỏ ửng vì sốt cao.

Anh ngẩng đầu mỉm cười nhìn cô.

“Mấy ngày không gặp nhau sao lại ra nỗi này...”. Cô sốt ruột quá.

Y tá đi khỏi cô bèn ngồi cạnh anh. Cô không kìm được bèn lên tiếng trách móc: “Anh ốm mà chẳng nói với em một câu. Bảo sao người ta chẳng thèm tôn trọng em”.

“Hả? Có chuyện gì vậy?”

“Thì vẫn là chuyện hồng nhan tri kỷ của anh nhất quyết đòi lại sự công bằng cho anh đấy”. Gia Hảo nắm lấy bàn tay đang bị châm kim truyền dịch. Da mu bàn tay căng lên lộ rõ mấy vết lấy ven bị tụ máu xanh tím xung quanh.

“Xót anh à?” Thiếu Hàng chọc cô.

“Ai thèm xót?” Cô không chịu thừa nhận, nhưng mắt cứ mãi dõi theo bàn tay của anh.

Anh bật cười và giơ cánh tay còn lại vuốt ve đầu cô. Tóc cô vẫn còn âm ẩm, toả ra mùi hoa oải hương dìu dịu.

Gia Hảo quay nghiêng cười, môi chạm nhẹ vào trán anh, vẫn nóng lắm, lòng càng nặng trĩu lo âu. “Bác sĩ nói sao hả anh? Sốt mấy hôm rồi còn gì. Đừng có để sốt hỏng cả não nhé”.

“Hỏng sao được. Anh thử rồi, lần trước còn lâu hơn lần này nhiều...” Nói được nửa anh dừng lại luôn. Gia Hảo nghe vậy quay sang hỏi: “Sao cơ?”.

Quan Thiếu Hàng nhếch môi nói: “Không sao mà, bác sĩ nói thể chất anh tốt nên không sao”.

Cô nhớ ra, cơ thể anh rất dễ bị sốt, nghe nói có mùa đông còn bị sốt cao quá biến chứng thành viêm phổi phải nằm viện hơn nửa tháng.

Cuối tuần cô không chịu đi đâu cả, ở rịt nhà đôn đốc Thiếu Hàng nghỉ ngơi, nấu những món ăn thanh đạm ngon miệng dành cho chàng.

Tối chủ nhật Dao gọi điện báo tin xấu.

Gia Hảo làm MC bao nhiêu năm nay nhưng chỉ phụ trách mỗi chuyên mục chương trình thiếu nhi lúc 6 giờ chiều mỗi ngày. Cũng vì nhiều nguyên nhân nên chương trình này không được quan tâm, ủng hộ nhiều lắm từ bên trên. Năm ngoái phong thanh có tin lãnh đạo Đài sẽ ngừng phát sóng chương trình này thay bằng chiếu phim hoạt hình. Trước đó toàn là tin vỉa hè, lần này thì thật rồi. Dao nói không thể sai vì cô ấy quan hệ với lãnh đạo rất tốt, thông tin nắm được đều rất chuẩn xác.

Quả nhiên mấy hôm sau lãnh đạo Đài ra thông báo chính thức, chương trình cô dẫn sẽ dừng phát sóng từ cuối tháng.

Cô bình thản đón nhận và hôm ấy chủ động tìm gặp Trưởng ban trình bày tỏ ý định rút lui vào sau hậu trường của mình. Kết quả là hai ngày sau được hai vị lãnh đạo nhà Đài mời lên nói chuyện.

“Hảo này, em phải bỏ ngay cái ý nghĩ đó đi. Đừng có bao giờ nghĩ như vậy”, giám đốc nhà Đài nói với cô một cách nghiêm túc, “Đài đã tốn bao nhiêu năm đào tạo em từ một người mới chưa có kinh nghiệm gì, giờ trở thành một MC giỏi giang. Lãnh đạo mọi người ai cũng quý mến em, khán giả hâm mộ em. Giờ em nói em rút vào sau hậu trường thì bao tâm huyết của bọn anh đều uổng phí hết à?”.

“Phải đấy, tuổi trẻ không nên bốc đồng. Chương trình của em bị dừng phát sóng bởi nhiều nguyên nhân, chứ đâu phải lãnh đạo không coi trọng em, không cho em cơ hội. Cái gọi là mài dao ba năm dùng một giờ chính là cần phải biết kiên nhẫn, biết chờ đợi cơ hội”.

Các sếp nói chẳng khác gì quy sự việc cô lùi ra sau hậu trường là một hành động ngốc nghếch, ăn cháo đá bát.

Gia Hảo than thở với chồng: “Em làm việc ở Đài ngần đấy năm có thấy họ hỏi han câu nào đâu. Lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, không gây xì căng đan, chuyên tâm vào chương trình thiếu nhi của mình. Giờ chương trình dừng phát sóng, em chẳng nói thì thôi, thế mà em muốn rút về hậu trường lại bảo là em bốc đồng, bảo sao không tức được cơ chứ? Em chỉ thích bình yên, không ai biết đến mình thì sao nào?”.

Hiếm khi mới thấy cô càu nhàu như thế nên Thiếu Hàng thú vị lắm: “Họ đã đánh giá cao lòng chuộng hư vinh của em, nhưng lại đánh giá thấp sự tiến bộ của em”.

Gia Hảo vẫn chưa nguôi tức liền cầm chiếc gối ném về phía chồng, Bò sữa ngốc nghếch đứng chắn ngay trước mặt chồng nên bị ném một cái rõ đau kêu ăng ẳng, đuôi vẫy loạn lên.

Chồng xoa xoa đầu Bò sữa nói: “Thôi mà em, tái ông mất ngựa là phúc hay hoạ đều chưa biết mà. Không cho em lui về sau hậu trường, chắc hẳn sẽ bố trí cho em một vị trí tốt hơn”.

“Ngoài chương trình thiếu nhi ra em chẳng muốn đi đâu hết”.

Chồng không hiểu hỏi: “Sao em cứ quyết theo chương trình thiếu nhi nhỉ?”.

“Em chẳng thích làm các chương trình giải trí”, cô thẳng thắn nói: “Có tin đồn Đài đang chuẩn bị xây dựng một chương trình đại loại như vậy, em thấy mình có thể nằm trong danh sách MC được lựa chọn”.

“Chương trình hot thế, vừa có tiếng lại vừa có tiền, người ta muốn không được thế mà em đòi hất ra. Chắc là có người nào tốt bụng giúp em phải không?”.

Cô ngẩn người: “Ý anh là Chu Tân Di ư?”.

“Thì em nói rồi đấy, bao năm nay em không có quan hệ gì đặc biệt với các sếp, công việc làm tốt nhưng cũng chỉ bình thường thôi. Tại sao bỗng dưng các sếp lại quan tâm đến em thế?”. Chồng gặp sách lại cầm lấy miếng xương bằng nhựa gí gí trêu Bò sữa: “Nếu không có hậu thuẫn thì lấy đâu ra được sếp ưu tiên hàng đầu như vậy”.

Cô biết những gì anh nói hoàn toàn đúng nhưng vẫn nói: “Chẳng nhẽ lại không được Giám đốc chỉ đích danh à?”.

“Trời ạ, cô bạn ơi cô có điểm gì đủ hấp dẫn để Giám đốc chỉ đí ch danh hả?”.

“Thì em có kém cỏi ai đâu?”.

“Cái này á”, anh cúi người nhẹ nhàng nâng cằm cô lên rồi nói: “Xinh thì có xinh đấy, nhưng mà không dịu dàng, ăn nói lại thẳng băng, chẳng biết khéo léo, không biết lấy lòng ai cả, cũng chẳng biết nịnh sếp”.

Cô nhắm hờ đôi mắt lại: “Vậy sao? Em nhiều tật xấu vậy ư?”.

“Không sao”, anh cười để lộ hàm răng trắng muốt đều tăm tắp, “anh sẽ không bao giờ ghét bỏ em đâu”.

Rầm một cái. Cùng với âm thanh ấy thì bức tranh treo tường mới mua về đặt bên cạnh ghế sô pha đã bị Bò sữa đụng vào đổ xuống nền nhà. Bò sữa làm như kẻ vô tội quay lại nhìn hai vị chủ nhân.

Gia Hảo đang điên đầu: “Anh treo tranh lên đi. Đây là lần thứ mấy rồi nhỉ, em thấy Bò sữa ngày càng thích bức tranh ấy rồi đấy”.

Thiếu Hàng cười ha hả rồi đứng dậy đi vào phòng ăn, Bò sữa thấy thế ngoáy tít đuôi đi theo sau.

“Phải lui về hậu trường thôi, mình phải thử xem sao”. Gia Hảo lẩm bẩm một mình.

Thiếu Hàng nghe thấy nhưng không nói gì, anh hiếm khi can thiệp quyết định của cô. Dù trong công việc hay trong cuộc sống thì cơ bản hai người rất ăn khớp nhau, trừ mỗi chuyện.

“Em rút về sau hậu trường rồi liệu chuyện của chúng ta có thể công khai được chưa?”.

Gia Hảo ngớ người nhìn anh: “Anh... anh luôn phiền não vì việc ấy sao?”.

Thiếu Hàng lặng đi trong giây lát rồi nói thẳng: “Anh biết Chu Tân Di đang theo đuổi em”.

“Ở Đài chưa ai biết em có chồng cả nên vài anh chàng trồng cây si là chuyện hết sức bình thường mà. Em chẳng bao giờ giấu giếm anh những chuyện ấy cả”, cô nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm, “hơn nữa cũng có biết bao cô gái cũng đang đeo đuổi anh đấy thôi kể cả họ biết thừa anh đã có vợ”.

“Đấy là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”. Anh trợn mắt nhìn cô.

“Em chẳng thích Chu Tân Di”. Gia Hảo đùn đẩy sạch sẽ.

Thiếu Hàng ừ khẽ trong họng rồi nói: “Anh biết Chu Tân Di không thuộc loại người hợp với gu thẩm mỹ của em. Nhưng mà anh ghét cái kiểu mọi người chỗ em cứ ra sức gán ghép em với anh ta”.

Cô phá lên cười và hiểu rằng anh vẫn còn canh cánh trong lòng chuyện xảy ra ở phòng hát của Bãi biển vàng hôm ấy.

“Được rồi. Nếu rút được về hậu trường em sẽ dán một tờ giấy vào ngực thông báo với toàn Đài mình đã lấy chồng được 5 năm rồi”.

Thiếu Hàng bật cười: “Đấy là em nói đấy nhé”.

Khúc nhạc đệm này khiến cô nhớ lại câu chuyện năm xưa khi mình đi phỏng vấn xin vào Đài truyền hình. Hồi ấy cô đang ở trong nốt trầm của cuộc sống. Hình như làm cái gì cũng trắc trở, bị tai nạn giao thông chết đi sống lại. Qua vài tháng điều trị, vết thương da thịt đã lành nhưng tâm lý thì vẫn còn chòng chành lắm. Ban ngày ở nhà ra ngẩn vào ngơ, đến tối toàn nằm mơ những giấc mơ lạ lùng. Giật mình tỉnh dậy nhìn trong gương khuôn mặt trắng bệch chẳng khác gì ma. Con người cô vốn lạc quan nhưng cô cũng thấy đời mình thế là chấm hết.

Để quay về quỹ đạo cũ cô bắt mình phải phấn chấn tinh thần, tham gia thi tuyển nhân viên của Đài truyền hình mỗi năm một lần. Cô đã vượt qua vòng thi viết rất xuất sắc, đến lúc phỏng vấn cô cũng nằm trong danh sách hàng đầu. Cuối cùng cô đã lọt vào trong danh sách dự tuyển MC của Đài bằng thành tích cao chót vót ấy, Lãnh đạo Đài trực tiếp đứng ra chọn người và rồi cũng đã vượt qua được vòng cuối cùng này. Sau đó cô và một cô gái nữa, một trong hai người sẽ được chọn làm người dẫn cho chương trình thiếu nhi. Cô gái kia rất xuất sắc, lớn hơn cô hai tuổi. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, cô ấy đã trả lời luôn là mình đã có chồng. Gia Hảo vốn là người tỉ mỉ, cẩn thận nên nhanh chóng nhận ra sự thay đổi trong sắc mặt của người phụ trách, dù chỉ thoáng qua thôi. Cô không chắc chắn lắm nên được hỏi câu tương tự cô chỉ lắc đầu mà không nói gì.

Sự thực chứng minh giác quan của cô đã đúng, hai chọn một, cô đã được lựa chọn là người ở lại.

Giờ lại bị gián đoạn, cô tạm thời gác lại mọi phiền muộn về biến động công việc, cầm điều khiển ti vi bấm chuyển kênh liên tục, vô tình chuyển đến kênh chương trình “Đối thoại với Dao Dao” phát sóng buổi nói chuyện với Quan Thiếu Hàng.

Lòng cô bồi hồi ngắm người đàn ông đang cười nói trên màn hình ti vi.

Tưởng Dao Dao hỏi anh: “Anh Hàng này, theo anh thế nào là tình yêu hoàn hảo?”.

Khuôn mặt anh tỏ ra đăm chiêu.

Dao Dao lại hỏi: “Nói theo cách khác là anh hướng tới một tình yêu thế nào? Là tình yêu sét đánh hay là thanh mai trúc mã hoặc không thuộc cả hai loại đó?”.

“Tình yêu của tôi là thanh mai trúc mã”. Chàng trả lời dứt khoát.

“Em tóc vừa xoã trán

Ngắm hoa chơi trước nhà

Chàng vờ cưỡi ngựa đến

Đuổi nhau quanh ghế ngồi

Có phải tình yêu này không anh?”, Dao nói luôn.

Không hiểu chàng đang nghĩ đến việc gì thú vị mà mỉm cười gật đầu: “Đúng thế, đó chính là tình yêu của đời tôi”.

“Đó chính là vợ anh đúng không?” Dao nhìn vào chiếc nhẫn vàng trắng anh đang đeo trên ngón áp út và mỉm cười tế nhị.

“Đúng thế. Cô ấy luôn ở bên tôi”.

“...”

Sau rồi cô không tài nào nhồi nhét được vào đầu hai người nói chuyện những gì nữa. Cô nhìn chằm chằm không chợp mắt vào khuôn mặt điển trai, dịu dàng ấy, trong lòng dấy lên cái cảm giác chán nản khó tả.

Đêm đó Gia Hảo mất ngủ. Hễ chợp mắt trong đầu lại hiện lên rõ mồn một hình ảnh Thiếu Hàng trả lời phỏng vấn ở trên đài truyền hình và bên tai văng vẳng mấy câu thơ “Em tóc vừa xoã trán. Ngắm hoa chơi trước nhà. Chàng vờ cưỡi ngựa đến. Đuổi nhau quanh ghế ngồi”.

Nguồn: truyen8.mobi/t80729-khi-troi-gap-dat-chuong-2.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận