Khi Trời Gặp Đất Chương 3

Chương 3
“Chương trình của chúng tôi đến đây là kết thúc, xin chân thành cảm ơn các khán giả nhỏ tuổi đã theo dõi”.

“Xin chào các bạn nhỏ”.

Gia Hảo và Trương, cậu bạn dẫn chương trình cùng, mỉm cười nói lời kết thúc chương trình. Đạo diễn ra hiệu đã quay xong, mọi người có mặt tại phòng thu không ai hẹn ai đều thấy lòng thanh thản lạ thường.

Gia Hảo thở phào, bụng thầm nghĩ: “Thế là kết thúc rồi” và bắt tay vào dọn dẹp các bản thảo để đầy trên bàn.

“Chị Hảo ơi, có một anh tên là Hàng gửi đồ ăn trưa tặng chị này”. Cậu nhân viên bảo vệ cầm chiếc túi đựng đồ bước đến.

“Eo ơi, lại còn đồ của nhà hàng Sinh nữa đấy! Trà sữa của nhà hàng này ngon lắm, xếp hàng mỏi chân mới mua được một cốc đấy. Anh chàng Hàng này cũng tốt bụng thật, có phải là fan hâm mộ Hảo không đấy?” Một đồng nghiệp nói.

“Phải đấy, phải đấy, nhất là món bánh kem phômai của nhà hàng này nữa chứ... Mỗi ngày chỉ làm vài cái thôi, đến muộn tí là hết sạch”. Một đồng nghiệp khác lên tiếng hùa theo.

Gia Hảo nhận túi đồ từ tay cậu bảo vệ và hỏi: “Em có thấy anh ấy đâu không?”.

“Anh ấy đưa đồ xong là đi ngay chị ạ”.

“Vậy à. Cám ơn em nhé!”. Gia Hảo mở túi đồ bỏ trà sữa và bánh kem ra mời mọi người ăn cùng.

Cô cũng cầm một cốc trốn vào một góc bấm điện thoại gọi cho anh.

“Thu hình xong rồi à?” Giọng anh cho thấy rõ ràng đang có gì rất vui.

“Dạ. Đang uống trà sữa anh mua đây này”. Thấy chàng vui Gia Hảo cũng vui lây: “Hôm nay trời bão hay sao mà lại tốt, lại quan tâm và dịu dàng với em thế nhỉ?”.

“Sao em nói thế? Lẽ nào trước đây anh không đủ tốt, không đủ dịu dàng, không đủ quan tâm tới em à?”.

Gia Hảo không kìm được lòng, phì cười: “Vâng vâng, hôm nay anh đặc biệt tốt, đặc biệt quan tâm và đặc biệt dịu dàng với em đã được chưa đại gia Hàng?”.

“Ấy thế sao anh lại thấy là mình luôn đặc biệt tốt, đặc biệt quan tâm và đặc biệt dịu dàng với em nhỉ?”.

“Anh bớt khoác lác đi được không, ai thèm xem phim Quỳnh Dao với anh chứ?”.

“Không phải có em đấy sao?”.

“Vớ vẩn, xem trong mơ nhá”. Gia Hảo mỉm cười định nói thêm điều gì nhưng nhìn thấy Chu Tân Di đi về phía mình vội nói: “Thôi không nói chuyện với anh nữa. Em lại có việc rồi”.

Mọi người chào đạo diễn Chu Tân Di: “Chào anh, anh đến rồi ạ”.

“Chào đạo diễn, sao đạo diễn lại có thời gian rảnh đến đây thế?” Cậu Trương cầm một cốc trà sữa đưa cho đạo diễn: “Fan hâm mộ của chị Hảo mời mọi người đấy ạ... bọn em đang hưởng lộc của chị ấy đấy. Tiếc là anh đến muộn quá nên bánh kem ăn hết rồi”.

Đạo diễn Di cầm lấy cốc trà sữa, nhìn cô thật lâu rồi quay sang cậu Trương nói rất hoà nhã: “Tôi tới thăm các cậu mà, tập cuối cùng đã quay hình xong rồi đúng không?”.

“Dạ xong rồi ạ. Nói chung là thấy vẫn lưu luyến lắm”.

“Chuyện thường ấy mà, đời này làm gì có bữa tiệc nào ăn mãi không tàn đâu. Chương trình này dừng thì có chương trình khác phát sóng tiếp theo, con người ai chẳng muốn vươn lên. Cậu trẻ thế này tương lai còn rộng mở lắm”.

Cậu Trương xem chừng có vẻ xúc động trước lời nói động viên của sếp: “Cám ơn đạo diễn, em sẽ cố gắng hơn nữa”.

Đạo diễn Di vỗ vỗ vai cậu để đuổi khéo cậu ra chỗ khác. Xong xuôi đạo diễn quay ra nhìn Gia Hảo: “Hảo à, họp xong đừng về vội nhé. Anh đã trao đổi với Trưởng ban bọn em rồi, mọi người làm việc với nhau lâu nay cũng là có duyên với nhau nên trước khi kết thúc nên đi ăn một bữa vui vẻ”.

Nghe nói là hoạt động tập thể nên cô gật đầu: “Dạ vâng ạ!”.

Đạo diễn Di uống một ngụm trà sữa cười hỏi: “Ai tặng đấy? Cũng có lòng đấy nhỉ?”.

Cô không biết nói làm sao, đành cười trừ đổi chủ đề: “Đạo diễn Di, anh có biết em được điều đến ban nào khôn g?”.

“Sao thế? Nóng lòng muốn biết à?” Đạo diễn nở nụ cười rất nhiều hàm ý: “Em yên tâm, em là người nổi tiếng của Đài, nghiệp vụ vững, hình ảnh lại trong sạch, chắc chắn sẽ được chuyển sang chương trình tốt hơn”.

Gia Hảo biết đạo diễn đang hiểu nhầm, nhưng lại không tiện nói thẳng, đành phải nhịn: “Đạo diễn Di quá khen rồi. Em chỉ là một người dẫn chương trình bình thường, không chuyên nghiệp gì cả. Em biết là anh đã quan tâm giúp đỡ em rất nhiều. Em rất cám ơn sự quan tâm của anh”.

“Anh và em cần gì phải những lời khách sáo ấy”.

Cô cắn răng nói: “Anh Di à, tối nay ăn liên hoan xong em mời anh đi uống trà nhé?”.

“Được chứ!” Đạo diễn Di mừng rỡ ra mặt. Cô là người đặc biệt với ông. Ông đã để ý đến cô ngay từ hôm đầu tiên cô đặt chân vào Đài truyền hình. Bốn năm trước cô gầy hơn bây giờ nhiều, làn da không được trắng trẻo, hồng hào mà trông rất là xanh xao, ốm yếu. Khi ấy cô luôn im lặng, rất hiếm thấy cô cười, chỉ khi nào quay hình mới thấy được sự nhiệt tình, nụ cười của cô.

Và rồi ông đã không kìm được lòng mình và phải lòng cô. Ông thích cái tính độc lập, thoáng đạt và nhẹ nhàng của cô. Làm việc mấy năm nay, cô luôn chung sống hoà bình với mọi người dù không hay ngồi tán gẫu, chỉ suốt ngày đi đi về về một mình.

Đài truyền hình không bì được với giới giải trí, nhưng những người dẫn chương trình giỏi vẫn có cơ hội nổi tiếng. Như Dao Dao chẳng hạn, nhận quay hình quảng cáo nhiều, làm đại diện cho nhiều nhãn hàng, tiền vào như nước, ra vào Đài truyền hình lúc nào cũng ra vẻ là người nổi tiếng. So với Dao Dao, Gia Hảo đúng là chẳng chút tiếng tăm gì, chỉ có bề ngoài thay đổi chút ít, còn lại mấy năm trời ngày nào cũng như ngày nào chủ trì chương trình thiếu nhi. Cô luôn đến và về luôn đúng giờ, không bao giờ mắc sai sót trong công việc, và cũng chẳng bao giờ thấy cô cố tranh thủ cái gì, trong khi rõ ràng có thể có được những thứ tốt hơn. Người con gái như vậy thật là hiếm có trong cuộc đời của đạo diễn Di. Ông ngày càng si mê cô.

“Ừ thế anh đi nhé. Tối nay ta gặp nhau sau nhé”.

“Dạ, hẹn gặp anh buổi tối”.

Cô nhìn bóng đạo diễn đi khuất và thở dài não nề.

Tối ấy, cả Ban rủ nhau đi ăn lẩu. Chọn nồi lẩu thật cay, ai ăn cũng xuýt xoa và mồ hôi nhỏ tong tong. Trừ mấy người tìm được chỗ khác ngon hơn, còn lại đa số mọi người đều không hài lòng với quyết định dừng chương trình của cấp trên. Chỉ có điều lúc này không ai muốn nhắc tới chuyện đó vì không muốn phá hỏng không khí bữa liên hoan. Tập trung vào ăn uống chính là chủ đề chính của tối nay.

Gia Hảo cũng mặc kệ tất cả, cô chăm chú ăn uống ngon lành. Cô vốn là người thoáng tính, cho dù tương lai mịt mù nhưng lòng vẫn thấy thoả mãn, không đến mức phải ảo não, hoang mang.

Đạo diễn Di ngồi đối diện, chốc chốc lại nhìn cô với ánh mắt cháy bỏng như thiêu đốt. Mọi người ngồi đó nhìn thấy hết và quay sang nhìn nhau như biết tỏng mọi việc. Cô hăm hở ăn đến đâu cũng cụt hết cả hứng.

Cô bịa bừa một cái cớ rút lui về trước. Ra đến bãi đỗ xe cô gửi tin nhắn cho đạo diễn Di hẹn một tiếng sau ở quán trà phía đông thành phố. Nhắn xong cô lái xe đi luôn.

Gần quán trà có một dãy phố buôn bán sầm uất, các cửa hàng cửa hiệu, từ quần áo, giày dép, đến mỹ phẩm, trang sức, sách vở, đĩa nhạc đủ cả. Nói chung là những gì thanh niên thích xem, thích mua đều có hết ở đây.

Hấp dẫn cô nhất chính là quán lòng chua cay ở ngay đầu con phố. Quán này tuy nhỏ, không bày ghế ngồi nhưng đông khách lắm. Chủ quán là hai người phụ nữ luống tuổi, lúc nào cũng tất bật nhưng miệng luôn tươi cười.

Cô dẫn Thiếu Hàng đến đây ăn một lần, hai người đều thích ăn cay. Bữa ấy đứng xếp hàng tranh nhau với mọi người, hai tay cầm mười mấy xiên, vừa ăn vừa nhai nhồm nhoàm rất thú vị.

Lúc đó là mùa đông, trời lạnh như cắt. Đứng đằng sau họ còn một dãy khách hàng. Cô mặc chiếc áo khoác lông vũ dày, đầu đội mũ len trông giống hệt chú gấu béo phì nằm cuộn trong lòng anh. Ăn no rồi thì nhẹ nhàng ngó qua vai anh xem khách hàng rồng rắn đứng đằng sau đang lạnh, răng va vào nhau lập cập. Đa số là các cặp sinh viên đang yêu nhau, không khoác tay nhau thì cũng ôm nhau rõ tình tứ. Cô ngẩng cao đầu, rất gần với khuôn mặt điển trai của anh nên chỉ muốn kiễng chân lên hôn anh âu yếm.

Rõ ràng là trời lạnh buốt thế mà trong lòng lại thấy ấm áp lạ thường.

Giờ thời tiết đã ấm lên nhiều nên khách ăn cũng không đông lắm. Cô gọi hai xiên lòng, hai xiên nấm hương, hai xiên đậu phụ và hai xiên mộc nhĩ cay cho vào trong chiếc hộp xốp đứng ăn ngấu nghiến, bù đắp cho sự sung sướng bị đứt đoạn vừa nãy.

Quán trà ở phía Đông thành phố khá đẹp, không gian rộng, không khí trong lành. Tiếng nhạc du dương quyện lẫn với mùi hương trà nồng nàn khiến cho ai bước vào cũng thấy tâm hồn thư thái, dễ chịu.

Đạo diễn Di nhìn xung quanh không thấy bóng dáng Gia Hảo đâu. Ông kiếm một cái bàn ở góc khuất rồi gọi loại trà đặc biệt của quán. Ông không rõ sở thích của Gia Hảo. Ở Đài truyền hình ông để ý cô luôn đặt trên bàn làm việc một cốc sứ trắng đựng đầy nước lọc. Xem chừng không mấy chú trọng về khoản uống này nên nghe theo giới thiệu của nhân viên ông gọi thêm một ấm trà “các cô gái đều thích” là trà hoa quả Paris.

Tối nay là buổi Gia Hảo chủ động hò hẹn đầu tiên với ông. Đó là dấu hiệu khởi đầu tốt đẹp, ông không mảy may nghi ngờ về điều này.

Đạo diễn Di ngoài bốn mươi tuổi, xuất thân gia đình danh giá, sự nghiệp thành công và tất nhiên ông không thiếu những mối tình lãng mạn. Nhưng ông không phải là kiểu người lạm dụng tình cảm. Từ khi si mê Gia Hảo, ông kiên trì tiếp cận cô, lấy lòng cô, từ từ làm những việc mà những kẻ si mê từng làm khi đeo đuổi ai đó, thậm chí ông còn tranh thủ tạo cơ hội làm việc cho cô. Nhưng ông không bao giờ khoe khoang, không cố ý nói cho cô biết rằng mình đã làm những gì, chỉ để lại chút dấu vết cho cô tự đoán là đủ. Với cô gái như Gia Hảo ở ngoài kiểu gì cũng có hàng tá chàng trai theo đuổi, buổi chiều có một anh chàng tặng trà sữa đấy thôi? Nhưng ông không quan tâm đến những điều đó, ông tin rằng mình có đầy đủ các điều kiện, chỉ cần dùng đúng cách chắc chắn cô sẽ thuộc về mình.

Nên cô hẹn hò ông cho rằng thời cơ đã đến, ông thấy phấn chấn, sung sướng lạ, cầm chắc phần thắng trong tay.

21 giờ 15 phút, cô xuất hiện rất đúng giờ. Cô đang cân nhắc không biết phải vào thẳng vấn đề thế nào. Đạo diễn Di mỉm cười đẩy một chiếc hộp gỗ vuông màu đỏ đun đến trước mặt cô.

“Đây là...”

“Mấy hôm trước anh đi công tác ở Pháp. Thấy đẹp quá nên mua làm quà tặng em. Hy vọng là em sẽ thích món quà này”.

Cô do dự trong chốc lát, nhưng quyết định mở ra và thốt lên: “Ôi đẹp quá!”

Ông nở nụ cười mãn nguyện nhìn cô nhẹ nhàng đóng hộp lại và đẩy về phía mình: “Đạo diễn Di ạ, món quà này quý giá quá em không dám nhận đâu ạ”.

Ông không thấy bất ngờ trước hành động này của cô: “Anh có ý gì đâu. Chuyến công tác vừa rồi không có thời gian đi đâu nên vô tình nhìn thấy chiếc đồng hồ này anh mua ngay vì nghĩ rằng nó rất hợp với em”.

Gia Hảo cúi đầu nhìn chăm chú chiếc đồng hồ đeo trên tay mình. Tất nhiên chiếc đồng hồ này chênh đến mấy chục triệu so với chiếc đồng hồ Cariter đắt giá kia. Hơn nữa cô cũng đeo nhiều năm rồi, mặt đồng hồ đã xước sát rất nhiều nhưng cô chưa bao giờ có ý nghĩ thay chiếc khác: “Anh Di à, tính em hay quên, để đâu vứt đó nên không dám đeo đồng hồ đắt tiền”.

Ông cầm chiếc hộp trong tay, nở nụ cười tiếc nuối: “Hảo à, chúng ta làm việc với nhau bao năm nay, anh đối với em thế nào chắc hẳn em đã rõ? Lẽ nào em không hiểu tình cảm của anh ư? Em phải nhận lấy món quà này. Anh mua nó cho em mà. Đây là đồng hồ nữ. Nếu em không nhận thì anh biết phải làm sao”. Ông nói một tràng chẳng để cho cô có cơ hội trả lời. Và rồi ông nắm lấy đôi tay mềm mại, trắng trẻo của cô nói đắm đuối: “Ngoài em ra không ai được đeo chiếc đồng hồ này hết”.

Cô cúi gằm mặt, mái tóc đen huyền xoã xuống che khuất cặp lông mày rậm. Phụ nữ có cặp lông mày rậm như vậy rất hiếm, về tướng học mà nói người có cặp lông mày này là những người có tính cách cởi mở, thẳng thắn.

Lúc sau cô ngẩng đầu mỉm cười và nói: “Anh Di, em có bạn trai rồi ạ”.

Khuôn mặt tươi của đạo diễn Di bỗng tắt phụt, cô vội vàng rút tay về và vén tóc ra sau tai. “Anh Di à, trong công việc em luôn tôn trọng anh. Anh là một cấp trên tốt bụng, giỏi giang, luôn biết quan tâm tới cấp dưới. Mấy năm nay nhờ có sự giúp đỡ, tạo cơ hội của anh nên công việc của em ở Đài rất thuận lợi”.

“Đừng nói thế. Em là người tài giỏi nên cần phải được bồi dưỡng, quan tâm”. Ông nhanh chóng điều chỉnh lại tâm trạng của mình: “Sao trước đây không thấy em nói gì về việc này. Có phải là anh chàng đưa trà sữa không? Hôm nào rảnh bố trí gặp nhau nhé. Em phải đưa đến giới thiệu đấy”.

“Dạ được ạ”. Cô mỉm cười.

Đúng lúc này ông có điện thoại, vừa hay để phá tan không khí gượng ép. Nửa tiếng sau cuộc hẹn hò được kết thúc vội vã. Hai người sánh vai nhau ra khỏi quán trà, ông không lái xe đến nên cô định đưa về nhưng ông từ chối.

“Cháu anh đang ở gần đây, cũng vừa gọi điện đến nói là sẽ qua đón anh. Thôi em cứ về trước đi, đi đường cẩn thận nhé”.

Cô gật đầu nói lời tạm biệt rồi đi đến chỗ đỗ xe của mình. Một người đàn ông đi ngang qua cô, bỗng dưng dừng bước quay lại nhìn cô. Cô loáng thoáng nghe thấy người ấy nói gì đó, nghe giọng quen quen cô quay đầu lại.

Người đàn ông ấy đầu cắt cua, khuôn mặt tròn, lông mày rậm, mắt to, và cao to cường tráng, mặc áo phông màu trắng và quần bò màu xanh, hai tay đút trong túi quần. Trông ngoại hình hay khí chất chả khác gì vận động viên bóng rổ.

“Gia Ưu, đúng là em rồi!” Chàng trai xúc động chạy ào tới ôm chặt lấy cô.

Gia Hảo đứng trơ như phỗng. Thoáng cái cô trấn tĩnh lại được, liền dùng hết sức đẩy ra và nói lắp bắp: “Anh nhận lầm người rồi. Tôi không phải là Gia Ưu”.

“Đừng có đùa, tuy chúng ta lâu không gặp nhau, nhưng anh không đến nỗi quên em”. Chàng trai cười nói.

“Đàm Áo, có việc gì đấy?” Đạo diễn Di thấy vậy liền đi lại hỏi.

Gia Hảo lẩn tránh ánh mắt thẳng thắn của chàng trai và quay sang nói với đạo diễn Di: “Hai người quen nhau ạ?”.

“Quen, cậu ấy chính là con trai chị gái anh, tên là Đàm Áo”.

Gia Hảo do dự trong chốc lát rồi nói với Đàm Áo: “À tôi nhớ ra rồi, anh chính là Đàm Áo. Trước đây chúng ta đã gặp nhau. Chào anh, tôi là Trì Gia Hảo”.

Đàm Áo bừng tỉnh ngộ: “Cô là Trì Gia Hảo ư? Xin lỗi cô, tôi nhận lầm người rồi. À này, chị cô giờ sống ở đâu? Tại sao tôi không liên lạc được với cô ấy nhỉ? Cô ấy thay số điện thoại rồi à?”.

“Chị ấy...” Gia Hảo cắn chặt môi và rồi cũng phải thốt lên: “Chị ấy không còn ở đây nữa!”.

“Cô ấy đi đâu? Nước ngoài à?”.

Ngập ngừng trong giây lát, cô hạ quyết tâm và hắng giọng nói: “5 năm trước chị ấy đã mất trong vụ tai nạn giao thông rồi ạ”.

Đàm Áo rùng mình, nhìn cô trừng trừng với ánh mắt nghi hoặc: “Không thể nào... Không thể nào!”.

Anh lặp lại câu nói này và rồi đột nhiên nắm chặt lấy tay Gia Hảo kéo cô về sát mình.

“Đàm Áo, cháu làm cái gì thế? Bỏ tay ra đi!”. Đạo diễn Di nghiêm giọng quát.

“Em lừa anh! Gia Ưu chưa chết. Noel năm ngoái chúng ta còn gặp nhau mà... Làm gì có chuyện 5 năm trước? Em đùa cái kiểu gì thế?”. Anh nhìn cô với ánh mắt hằn học chẳng khác gì muốn ăn tươi nuốt sống cô.

“Có ai đùa trò này đâu”, Gia Hảo mỉm cười đau khổ, “Thế này tôi đành phải nói thật với anh, Noel năm ngoái đi gặp anh không phải là chị ấy mà là tôi”.

“Cô nói gì?”. Đôi mắt vằn đỏ của Đàm Áo nhìn cô sửng sốt.

Đạo diễn Di có lẽ đã đoán được đại khái câu chuyện nên tiến tới kéo anh: “Đàm Áo à...”.

Gia Hảo ở thế cưỡi lên lưng hổ, cô biết nếu không nói rõ anh sẽ không chịu buông tha cho mình: “Tôi biết hai người rất thân với nhau nên mới phải làm vậy. Làm thế cũng là vì không muốn nhìn thấy anh đau buồn. Chị ấy thực sự không còn sống trên cõi đời này nữa rồi. Nếu anh không tin, tôi sẽ đưa anh đi thăm mộ chị ấy”.

“Mộ...” từ này đã chạm vào nọc của Đàm Áo, anh chẳng khác gì bị sét đánh trúng, buông thõng tay ra và rồi chạy thẳng ra đường cái. Đạo điễn Di lo xảy ra chuyện nên vội vã chào cô và đuổi theo sau.

Cô đưa tay lau mắt, càng lau thấy mắt càng cay hơn.

Quan Thiếu Hàng ở văn phòng công ty đến nửa đêm, mọi người trong nhóm thiết kế đã lục tục về hết chỉ còn lại Trương Quần. Trương Quần nhẹ nhàng đi đến: “Anh chưa về à?”.

Quan Thiếu Hàng quay sang nhìn Gia Hảo đang nằm dài trên ghế sô pha, mặt cô vùi vào chiếc gối ôm mềm mại để lộ chiếc cổ trắng ngần, nằm yên như đang ngủ say.

Hai tiếng trước, Gia Hảo hồn bay phách lạc chạy đến công ty tìm Thiếu Hàng. Từ trước tới giờ, hiếm khi cô đặt chân đến nơi đây. Hỏi có chuyện gì xảy ra, cô nhất mực im lặng, ngồi thần người trên ghế sô pha nhìn anh làm việc.

“Về thôi nào”. Tắt máy tính xong anh đi đến định ôm cô. Ai ngờ vừa chạm vào người, cô giật nảy mình như chim trúng tên và ngẩng phắt đầu lên hỏi: “Về hả anh?”.

Anh gật đầu, choàng chiếc áo khoác của mình lên người cô.

Trên đường về, hai người không ai nói với ai câu nào.

Gia Hảo vô cùng mệt mỏi, còn anh im lặng lái xe.

Trương Quần đi nhờ xe cũng nhận ra có gì đó không ổn. Quần tìm cách gợi chuyện Thiếu Hàng để Gia Hảo chú ý, nhưng từ đầu chí cuối cô vẫn không lên tiếng.

Trương Quần xuống xe rồi. Gia Hảo liền nghiêng người dựa đầu vào cửa kính ô tô. Thiếu Hàng giơ tay gõ nhẹ vào đầu cô dịu dàng hỏi: “Em yêu, nói cho anh biết, đã xảy ra việc gì nào?”

Gia Hảo im lặng, nhắm nghiền mắt. Mãi sau mới nói: “Không có gì đâu anh. Chương trình cuối cùng đã thu xong nên em thấy trống trải quá”.

Thiếu Hàng thấy cô có vẻ miễn cưỡng nên lặng lẽ rụt tay lại, khởi động lại động cơ.

Đêm ấy, hai người nằm ngủ quay lưng lại với nhau. Gia Hảo không tài nào chợp mắt nổi. Cô lần mò trong bóng tối ôm choàng lấy anh từ phía sau, chẳng khác gì chú mèo con sợ hãi.

Thiếu Hàng khẽ cựa người, nàng càng ôm chặt hơn và lên tiếng đề nghị: “Anh đừng quay người lại, cứ nằm như vậy cho em ôm, ôm một lúc thôi”.

Chàng làm theo ý nàng và nắm chặt lấy tay nàng đang siết ở eo mình. Đôi tay anh thô ráp, to lớn, lan toả khí nóng sang người nàng khiến cho trái tim đang dao động của nàng quay về nhịp đập cũ.

Hai hôm sau, Gia Hảo nhận được điện thoại của đạo diễn Di. Thoạt đầu, ông nói vài câu khách sáo chẳng thân chẳng quen, sau đó lại vồn vã nói: “Gia Hảo à, Đàm Áo đang ở chỗ anh, cháu nó muốn nói chuyện với em”.

“Dạ được ạ” Cô trả lời nhạt nhẽo, không còn tỏ ra lo lắng như bữa trước.

“Xin chào, tôi là Đàm Áo”. Giọng Đàm Áo nghe có vẻ khản đặc.

“Chào anh!”.

“Xin lỗi cô về chuyện hôm ấy, tôi tưởng nhầm cô là Gia Ưu”. Hình như anh đang nuốt mọi thứ vào lòng, rồi nói tiếp: “Tối nay cô rỗi không?”.

Cô ngần ngừ: “Có việc gì không ạ?”.

“Có thể gặp nhau được không? Tôi muốn hỏi trực tiếp cô một số chuyện”. Anh ngập ngừng: “Là chuyện liên quan đến Gia Ưu”.

Cô im lặng trong giây lát rồi nói: “Dạ được ạ”.

Hết giờ làm việc, cô lái xe đến chỗ hẹn, đó là quán cà phê Cũ ở tầng 1 toà nhà Quốc mậu. Vừa xuống xe cô đã nhìn thấy Đàm Áo đang ngồi thần người trên ghế sô pha qua tấm kính. Không biết anh đang nghĩ gì, cô đến trước mặt mà anh vẫn chưa phát hiện ra.

“Chào anh”. Trì Gia Hảo cất tiếng chào.

Đàm Áo ngẩng đầu lên nhìn, sắc mặt u ám, mới có hai ngày không gặp mà anh đã thay đổi hẳn: “Cô đến rồi à. Ngồi xuống đi”.

Gia Hảo ngồi ghế đối diện, hai người nhìn thẳng nhau mà chẳng nói câu gì.

Vô tình gặp nhau ở quán trà khiến mọi thứ rối tung lên, hai người mới bắt đầu quan sát nhau. Đúng là Đàm Áo không thay đổi nhiều, trừ kiểu tóc húi cua ra thì khuôn mặt ấy chẳng tìm thấy dấu vết của thời gian. Anh có khuôn mặt tròn, lông mày rậm, mắt to, làn da trắng hồng như con gái. Mười mấy năm trước ai nhìn thấy cũng yêu nhưng mười mấy năm sau đó lại không phải là ưu điểm của đàn ông. Rất dễ bị mọi người nhầm lẫn là thiếu chín chắn, chưa trưởng thành. Cũng may bù lại là dáng vóc cao lớn, tính tình hào phóng, trực tính. Thôi thì lấy khí chất bù cho diện mạo nên cũng thuộc típ đàn ông độc đáo.

Mãi sau vẫn là Đàm Áo mở lời trước: “Từ sau khi Gia Ưu qua đời đến giờ, người tôi gặp mấy năm nay đều là cô phải không?”.

Cô quan sát kỹ càng lúc anh hỏi, thấy anh khá bình tĩnh. Có lẽ anh lấy lại được thăng bằng rồi nên gật đầu: “Vâng là tôi đấy. Rất xin lỗi anh”.

“Tại sao cô biết được nhiều chuyện giữa tôi và Gia Ưu như vậy?”.

“Chị em tôi có thói quen trao đổi nhật ký cho nhau”.

Đàm Áo không tức giận khi biết mình bị lừa, anh nhìn cô và miệng cười đau khổ: “Hoá ra là như vậy”.

Mẹ anh là người thành phố này, ba anh là người Hồng Kông đến đây kinh doanh. Năm anh tốt nghiệp cấp 3, ba anh quyết định ngừng kinh doanh ở đây và đưa vợ con sang Hồng Kông sinh sống. Hồi ấy Đàm Áo không muốn đi vì không muốn xa Gia Ưu.

Hai người quen nhau từ lớp một, ngồi cùng bàn ba năm, năm cấp ba cũng học chung một lớp. Lớp chia thành nhóm xã hội và tự nhiên, dù rất ghét xã hội nhưng anh vẫn nhất quyết chọn xã hội để học cùng Gia Ưu. Tuy không nói ra lời nhưng mọi người đều biết tình cảm của anh dành cho Gia Ưu vô cùng sâu sắc. Sau này lớn lên không thuyết phục được ba mẹ nên anh đành sang Hồng Kông.

“Năm năm trước, Gia Ưu 21 tuổi, học đại học năm thứ hai...”. Anh lẩm bẩm, ánh mắt dừng lại ở người cô. “Tai nạn giao thông ấy xảy ra thế nào?”.

Trên đường đi cô đã chuẩn bị sẵn câu trả lời nên giờ chỉ việc lặp lại: “Hôm ấy trời mưa to, lúc lái xe qua khúc ngoặt cầu Thuỵ Vân, đường xấu quá và tránh xe khác nên đã đâm vào thành cầu...”

Anh nhắm nghiền mắt lại, đau khổ ôm chặt lấy đầu.

Trong ký ức, Gia Ưu là một cô gái đam mê lái xe với tốc độ nhanh. Anh chưa gặp một cô gái nào bạo gan đến vậy, thích lái xe còn hơn cả con trai. Một hôm đến nhà anh thấy dưới sân có một chiếc xe Honda, cô thích thú đến độ muốn lao đến bãi tập xe ngay lập tức. Tốt nghiệp phổ thông trung học, cô hào hứng đăng ký đi học lái xe ô tô ngay. Chỉ vài ngày sau cầm vô lăng thuần thục. Các kỳ nghỉ hè sau, mỗi khi anh quay lại cô sẽ lái xe đưa anh đi hóng gió, tiện thể khoe luôn trình độ lái xe ngày càng điệu nghệ của mình.

Nhớ lại chuyện cũ khiến đầu anh ong ong, mắt sưng húp trông thật ái ngại. Anh thực sự không chịu đựng nổi cái tin ấy. Người con gái mình thầm yêu trộm nhớ bao lâu nay giờ đã phải âm dương cách trở. Anh ước giá như đó chỉ là cơn ác mộng.

Anh gào thét, giãy giụa trong lòng: “Trì Gia Ưu, không phải em bảo em là tay đua siêu hạng sao? Không phải em nói em là đệ tử ruột của thần xe hay sao? Tại sao em lại chết vì chính nó? Tại sao em không chờ anh quay trở về?”.

Gia Hảo ngồi yên lặng, im lặng thở dài thấy nước mắt lăn dài trên má anh.

“Thảo nào mỗi lần nói đến thăm nhau cô đều tìm cớ để lẩn tránh. Chắc là sợ bị lộ tẩy đúng không?” Đàm Áo buồn bã nói.

Mấy năm nay khó khăn lắm anh mới có được cơ hội về đây, Gia Ưu hết bận đi học nâng cao trình độ lại đưa ba mẹ đi du lịch. Muốn gặp thật khó, chứ đừng nói gì đi hóng gió. Điều đó rõ ràng là những sơ hở mà anh không nhận ra, lại còn âm thầm trách móc, thậm chí là nghi ngờ cô đã có anh chàng khác. Mãi đến lễ Noel năm ngoái cô dẫn theo một chàng trai đi gặp anh.

“Năm ngoái người đàn ông đi cùng cô đến Hồng Kông chơi là ai?”.

Gia Hảo nhếch nhếch mép nói: “Là đồng nghiệp của tôi, Đài tổ chức cho nhân viên đi du lịch”.

Đàm Áo ra sức bứt bứt khuôn mặt mình: “Nếu cô đã không muốn đóng giả tiếp thì tại sao không nói thật với tôi?”.

Gia Hảo lẩn tránh: “Tóm lại là tôi xin lỗi anh”.

Quan Thiếu Hàng tắm xong thay bộ quần sáo sạch sẽ. Phòng khách có tiếng mở cửa lạch xạch, bố mẹ anh đi ra ngoài quay về, mẹ anh nhìn giá giầy để ở cửa biết con trai về cao giọng hỏi: “Thiếu Hàng, Hảo có về cùng con không?”.

“Có ạ, đang xem ba cô ấy đánh cờ ở dưới sân”.

Hai bên thông gia, nhà ở tầng trên nhà ở tầng dưới, ba mẹ đều là giáo sư của Trường đại học C. họ vừa là đồng nghiệp, lại là hàng xóm, bạn bè, thông gia nên hai vợ chồng về nhà thăm ba mẹ hai bên cứ chạy lên chạy xuống suốt.

Bà Hợp đi vào trong phòng nói: “Năm nay Hảo lại không đi tảo mộ à?”.

“Vâng”.

“Thảo nào bà Dĩnh cứ sa sầm mặt, lúc nào bà ấy cũng chỉ nghĩ đến người đã khuất”. Bà Hợp quay đầu lẩm bẩm với chồng: “Bà ấy trách được ai chứ? Từ nhỏ tiểu Ưu nghịch ngợm, ham chơi thành tật. Con gái lại còn học đòi lái xe, tự hại mình không nói làm gì, lại còn hại cả tiểu Hảo phải chịu tội cùng. Nếu không phải thằng Hàng nhà mình mạo hiểm nhảy xuống sông cứu người thì sao cứu được mạng sống của tiểu Hảo. Như thế bà Dĩnh làm sao mà sống nổi”.

“Mẹ, con nói với mẹ bao nhiêu lần rồi. Từ giờ đừng nhắc đến chuyện ấy nữa”. Quan Thiếu Hàng nhắc nhở mẹ.

“Mẹ chỉ nói ở đây thôi, có nói với ai đâu. Trưa các con ăn ở tầng trên à?”.

“Vâng, bọn con ăn ở bên trên ạ”. Quan Thiếu Hàng nói xong ra khỏi cửa.

Vừa lên được mấy bậc thang, anh đã nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc ở phía tầng dưới. Anh quay lại chờ đợi. Lát sau thấy Gia Hảo đi tới. Hôm nay cô buộc tóc ra đằng sau, mái tóc đen dài được buộc lại gọn gàng để lộ cái trán cao, mặc bộ đồ thể thao màu ghi bằng nhung của hãng Juicy, nổi bật khuôn mặt trong trắng mộc mạc, không son phấn. Một tay cô xách hai chiếc túi nặng trịch, tay còn lại đang cầm chiếc bánh bột mì nướng ăn dở, là bữa sáng anh ra ngoài mua cho.

Thiếu Hàng vội vàng cầm lấy túi đồ: “Gì đấy em yêu?”.

“Trà, kỷ ử, long nhãn và mấy thứ nữa. Gia đình bác Vương đi du lịch mua về làm quà cho hai nhà chúng ta”. Gia Hảo nhìn vào túi rồi nói: “Một túi cho ba mẹ anh đấy”.

Xách túi đồ vào trong nhà, Gia Hảo chào ba mẹ chồng xong rồi mới cùng Thiếu Hàng đi lên tầng trên.

Trì Thượng Thu, bố của Gia Hảo, đang ngồi trên ghế sô pha đọc báo, thấy hai vợ chồng bước vào liền đưa mắt ra hiệu. Bà Hoàng Tú Dĩnh, mẹ của Gia Hảo, đang cố nén giận trong lòng, nhắm mắt làm ngơ ngồi xem ti vi.

Gia Hảo quen với bộ mặt này của mẹ nên không quan tâm, nàng mỉm cười chào ba, rồi xắn tay áo đi vào bếp: “Để con đi nấu cơm”.

Thiếu Hàng giúp cô xách đồ vào trong bếp và nhẹ nhàng nhắc nhở: “Lát nữa em nhớ để ý vào đấy, nói ít thôi, nhất là đừng có cãi mẹ”.

“Em biết rồi, đánh không tránh, chửi không cãi là được chứ gì”. Gia Hảo vặn vòi nước rửa tay: “Mai anh lại đi công tác à? Anh bay chuyến mấy giờ thế?”.

“Chuyến hai giờ chiều. Sáng mai anh còn có buổi họp ở công ty”.

“Đại gia à, anh đã khỏi ốm đâu, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng chứ. Em không muốn bị Trương Quần lên mặt dạy bảo”. Gia Hảo cầm miếng bánh bột mì nướng lên ngoạm một miếng.

Anh dở khóc dở cười cốc cô một cái, nhìn miếng bánh trên tay cô đòi ngay: “Cho anh ăn một miếng”.

“Nhân xúc xích đấy. Anh không thích ăn thứ đó còn gì?”.

Anh không buồn quan tâm đến lời cô nói, cúi xuống ngoạm một miếng bánh trong tay cô. Đúng là anh ghét ăn xúc xích, nhưng thấy cô ăn rất ngon miệng nên thử miếng xem sao.

Nguồn: truyen8.mobi/t80730-khi-troi-gap-dat-chuong-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận