Khuôn Mặt Bị Đánh Cắp Chương 4


Chương 4
Những cuộc tàn sát và những phép màu

Tám giờ rưỡi tối theo giờ đài BBC. Cha bật đài và vặn nhỏ tiếng xuống hết mức có thể. Cả nhà tôi quây lại bên chiếc đài để có thể nghe được. Một hôm có người hàng xóm ở nhà bên kia đã nghe thấy và nhận xét với chị Soraya, “Đài nhà cháu mở to quá... Tôi nghe thấy rằng Taliban...” Soraya liền ngắt lời ông ta và lập tức xin lỗi vì đã làm phiền. “Chắc chị em cháu đã mở nhạc quá to. Chúng cháu xin lỗi ạ.”

Người hàng xóm này không nhắc đến chuyện đó nữa, nhưng về mặt nguyên tắc chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác.

Thành phố Mazar-e-Sharif quan trọng ở miền Bắc Afghanistan đã một năm nay trở thành điểm nóng của các trận đánh ác liệt giữa lực lượng Kháng chiến Mujahidin của Liên minh miền Bắc và Taliban. Nếu Taliban - đang bao vây thành phố này và chịu những tổn thất nặng nề ở đó, kể từ khi chiếm quyền ở Kabul vào năm 1996 - giành thắng lợi trong trận chiến này, điều đó sẽ đánh dấu sự sụp đổ của thành trì miền Bắc cuối cùng chưa rơi vào tay họ...

Chương trình phát thanh của ban quốc tế xác nhận những tin đồn loan khắp Kabul mà chúng tôi không bao giờ có thể biết chắc chắn thực hư ra sao. Kể cả khi một phóng viên nào đó cố gắng phỏng vấn được phe này hay phe khác, thì cũng thật khó có được bức tranh rõ ràng về tình hình chiến sự. Bất cứ điều gì quân Taliban khẳng định thì ngay lập tức bị phủ nhận bởi các chỉ huy của lực lượng Kháng chiến. Đôi khi chúng tôi cũng không nghe được các chương trình phát thanh. Chẳng hạn vào buổi sáng, tầm giữa năm rưỡi đến bảy rưỡi, thời gian đài phát thanh của Iran phát sóng, chúng tôi chỉ bắt được những mẩu lộn xộn. Ở Kabul người ta nói rằng đấy là do bọn Taliban cố tình làm vậy, vì đài Iran vẫn dành nhiều thời gian đưa tin về các cuộc tiến công của lực lượng Kháng chiến. Bất luận ai ở Kabul bị bắt quả tang đang nghe đài Iran đều có thể bị phạt ba tháng tù giam.

Có những lúc tin tức chỉ làm tăng thêm phần chán nản. Vào tháng Hai năm 1998, một trận động đất đã xảy ra miền Bắc ở vùng Taloqan và lan đến tận Tajikistan. Chỉ mỗi đài BBC đưa tin về số người thiệt mạng - 4000 người.

Đài phát thanh Sharia phát đủ loại tin tức về công lý tối cao của Taliban: hai tên tội phạm đã bị đích thân cha các nạn nhân của chúng giết chết tại Quảng trường Kabul. Taliban tự ước tính có 35.000 người đã chứng kiến màn đỉnh cao của mùa diễn này. May là bọn chúng không dùng truyền hình để đưa sự kiện này đến từng ngôi nhà của chúng tôi. Vào những lúc như thế này thì tôi chẳng thấy luyến tiếc về việc mình không còn ti vi để xem nữa.

Tin tức khiến mẹ tôi lo lắng nhất là việc một tổ chức nhân đạo chủ yếu do phụ nữ điều hành rời khỏi Kabul. Họ bị chính quyền Taliban tống cổ. Tổ chức phi chính phủ này là địa chỉ tìm kiếm hỗ trợ y tế cuối cùng của phụ nữ Afghanistan. Những phụ nữ làm việc cho tổ chức này bị buộc tội không tuân thủ luật đạo Hồi về cấm làm việc, cấm học tập và chăm sóc y tế cho phụ nữ. Mẹ tôi thất kinh.

“Đối với phụ nữ thế là chấm hết. Hết thật rồi. Chẳng còn lại gì. Đó là tội diệt chủng. Còn Liên hợp quốc thì đã để bọn Taliban này hăm dọa.”

Chị Soraya không nói gì nữa. Chị đi lại một cách buồn bã quanh nhà mà không bình luận gì. Những nỗ lực của cha để nói với chị ấy rằng sự thành thạo trong nghề của chị sẽ không bị mất đi vì thiếu điều kiện thực hành, rằng một ngày kia chị sẽ lại được đi làm, đều không còn tác dụng nữa. Chị không tin cha. Đất nước chúng tôi dường như đã bị lãng quên hoàn toàn. Không ai quan tâm đến chúng tôi. Các nhà báo thì quá hiếm hoi. Điều đó khiến chúng tôi nghĩ rằng thế giới này đã thừa nhận Taliban.

Vào mùa thu năm 1998, Đài Sharia - thứ chúng tôi có thể nghe vào buổi sáng mà không sợ những đôi tai hàng xóm vểnh lên nghe ngóng - đã loan tin một cách đắc thắng về việc quân Taliban chiếm được thành phố Mazar-e-Sharif ở gần biên giới Tajikistan và Uzbekistan. Quân Taliban đã xâm chiếm thành phố thiêng - nơi có thánh đường xanh chứa mộ phần của Ali(1), con rể của Đức tiên tri.

“Nhờ ơn Đức Allah vĩ đại, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Giờ đây tất cả các thành phố của miền Bắc lại về tay chính quyền.”

Sau đó đài phát thanh của Iran tiếp tục buộc tội Mỹ đã hỗ trợ cho Taliban để bôi nhọ hình ảnh của đạo Hồi. Bọn Taliban, như chúng tôi được biết, đã tàn sát hàng trăm thường dân ở thành phố thiêng và bắt cóc một số nhà ngoại giao Iran. Cha tôi nói đơn giản rằng, “Bọn chúng đang thuyết giảng về thánh chiến. Nhưng đã là một tín đồ Hồi giáo thì không giết tín đồ Hồi giáo khác. Không chỗ nào trong kinh Koran viết rằng chúng ta được giết người. Đây là bằng chứng cuối cùng rằng chúng đang bịa ra một thứ Sharia của riêng chúng, mà vẫn muốn chúng ta tin rằng bất cứ điều gì chúng quyết định đều được viết trong kinh Koran. Những luật lệ của bọn chúng không hề được viết trong sách thánh. Chúng được nghĩ ra từ những cái đầu của một số tên mullah mà có lẽ sẽ được việc hơn nếu chỉ áp dụng những luật lệ đó cho riêng chúng mà thôi.”

Tôi tới nằm dài xuống cạnh chị Soraya đang ngủ, khuôn mặt xinh đẹp vùi dưới chăn, bất chấp cái nóng. Tôi nghĩ về mọi chuyện đã ra sao ngày trước, về Mazar-e-Sharif và chuyến đi tuyệt vời đến đó, chuyến đi mà anh trai Wahid của tôi đã tổ chức năm tôi 12 tuổi.

Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi trên đất nước Afghanistan quê hương tôi và là chuyến đi duy nhất đến giờ. Tôi rất hạnh phúc được đi cùng người anh cả mà tôi hằng ngưỡng mộ, cũng như được đi cùng mẹ và chị Chakila. Cha ở nhà với chị Soraya, vì cả hai đều phải đi làm. Chúng tôi đi nghỉ Tết của Afghanistan - tết Nowroz, bắt đầu vào ngày khai xuân đầu tiên - ở thành phố có mộ phần của Ali. Chúng tôi đã ở đó một tháng.

Tôi vẫn nhớ một nơi trên đường đi có những người mặc quân phục lục soát đồ đạc của các du khách. Một trong số họ hỏi người lái xe của chúng tôi, “Những người này họ đi đâu đấy?”

“Họ tới Mazar-e-Sharif, đến thánh đường lớn.”

Người đàn ông này liền chìa một cái hộp đựng tiền ra trước mặt người lái xe.

Người lái xe bỏ vào đó vài tờ tiền mà không nói năng gì rồi chúng tôi đi tiếp.

Wahid đã thuê xe cho ba người chúng tôi suốt cả chuyến đi. Lái xe là một người tốt bụng. Trước khi lên đường, chú ấy nói với chúng tôi, “Nếu muốn dừng ở đâu đó thăm thú hoặc đi vệ sinh, cứ bảo tôi dừng xe lại nhé.”

Lúc xe mới đi, không có gì xung quanh chúng tôi ngoài sa mạc. Khi nhìn ra ngoài cửa kính, tôi thấy hai thiếu niên, cao hơn tôi một chút, có lẽ 14 tuổi. Họ đeo súng Kalashnikov. Vì lái xe vẫn cho xe chạy, một trong hai người này liền lao ra trước mũi xe và giơ tay lên để chặn chúng tôi lại.

“Tại sao vừa nãy ông không dừng xe lại?”

“Chẳng ai yêu cầu chúng tôi dừng cả.”

“Đỗ xe ra đằng kia và đưa một ít tiền đây.”

Người lái xe lại chi tiền. Rồi chú nói với chúng tôi, “Nếu khát, tôi khuyên mọi người nên dừng lại sau núi Salang và sau đường hầm. Nước ở đó dễ chịu lắm. Nó chảy ra từ tuyết trên núi.”

Nước quả là tuyệt vời, mát rượi, trong lành và quang cảnh thì thật tuyệt diệu. Có những ngôi nhà nằm cheo leo bên sườn núi và chúng tôi có thể nhìn thấy người ta đi lên đi xuống từ đỉnh núi xa nhất theo một lối mòn hẹp uốn lượn giữa cây xanh. Chúng tôi đã ăn món thịt nướng thật ngon. Lái xe của chúng tôi cả quyết rằng thịt nướng ở miền Bắc ngon hơn ở bất cứ nơi đâu.

Sau bữa trưa, chúng tôi lại lên xe và ngay trước khi đến Pul-e-Khomri, tôi đã nhìn thấy ngôi nhà mơ ước của tôi, ngôi nhà mà tôi đã vẽ đi vẽ lại hồi còn nhỏ. Nhà bằng đá xám có một cái ống khói đang tỏa khói, một bãi nhốt cừu và một giếng nước, nằm chính giữa những ngọn đồi xanh mướt. Tôi hẳn sẽ sung sướng được sống ở cái thung lũng giữa cây xanh đó. Ở đây thật êm đềm, tĩnh lặng. Nó quả là rất đẹp.

Anh Wahid trước đó đã bảo tôi rằng ngôi làng kế tiếp chúng tôi sắp đi qua có tên là Dacht-e-Kilaguyi, nghĩa là “chuối”.

“Anh vẫn thường nói với bọn em về nơi này còn gì.”

“Thế ở đây có nhiều chuối phải không ạ?” tôi hỏi.

“Không, không phải. Mà có nhiều dưa hấu.”

Chúng tôi cười. Vài phút sau người lái xe nói với anh Wahid, “Đưa đồng hồ của cháu và mẹ cho tôi. Đồng hồ của tất cả mọi người.”

Vì mẹ hỏi lý do, chú ấy đáp, “Thưa chị, nếu chị mang theo đồ trang sức, chị phải đưa tất cả chúng cho tôi, bởi lát nữa chúng ta sẽ qua một nơi mà bọn cướp có thể chặn xe ô tô lại và cướp đi tất cả.”

Sau khi giấu đồng hồ và đồ trang sức vào trong cốp xe, chú ấy bắt đầu chạy thật nhanh. “Nếu có kẻ ném đá vào chúng ta, thì cũng đừng sợ. Tôi sẽ không dừng xe lại.”

Trong khi chạy tiếp, tôi nhìn thấy một ô tô bị chặn lại, bị bọn cướp bao quanh. Vì bọn chúng đã có đối tượng để quan tâm, nên chúng tôi đã đi qua mà không bị động đến.

Ở cổng vào thành phố thiêng có một biểu ngữ lớn, “Chào mừng đến với Mazar-e-Sharif.” Toàn bộ dân ở đây là những người Uzbek vận y phục truyền thống - một chiếc áo sơ mi nâu dày mà họ gọi là gopitcha và một chiếc khăn xếp tròn rất dài. Tôi đã nhìn thấy dăm ba người Uzbek ở Kabul, nhưng ngày hôm đó đối với tôi dường như có rất nhiều người giống nhau và đều có vẻ ngoài rất “Mông Cổ”. Phụ nữ thì không phải ai cũng mặc áo burqa. Một số người đội khăn trùm đầu, còn những người khác thì không đội gì cả.

Chúng tôi đến khách sạn để nghỉ ngơi. Trong thị trấn có nhiều du khách đến mức chúng tôi suýt nữa không tìm được một phòng dành cho bốn người. Nhưng sau khi thỏa thuận với bà chủ khách sạn một lúc, Wahid đã thuê được phòng.

 

Wahid là người khá hách dịch. Thỉnh thoảng ở nhà anh ấy tranh cãi với chị Chakila và rồi họ không ai nói với ai suốt hai hoặc ba ngày liền mà cha mẹ chúng tôi không hề hay biết. Đó là chuyện riêng của họ và chị gái tôi không muốn mẹ buồn vì tất cả chuyện đó. Nhưng với tôi, anh Wahid lại khác. Anh đưa tôi đi chơi ở công viên và cho tôi cùng các em họ tôi chơi xe đụng. Anh không ngừng trêu chọc chúng tôi. Anh bật đèn pin bỏ túi soi cho chúng tôi xem các bưu thiếp hình những ngôi sao điện ảnh Ấn Độ và bắt mỗi đứa phải trả năm afghani, như ở rạp chiếu bóng. Hoặc anh bịa ra các tài khoản ngân hàng và chúng tôi phải gửi tiền cho anh để đổi lấy một tờ séc giả. Anh Daoud cười và gọi anh ấy là đồ lừa đảo, bởi tất cả chúng tôi đều biết tỏng là anh ấy đang kiếm thêm một ít tiền để đi xem phim trên đường đi học về. Hồi chúng tôi đi Mazar-e-Sharif, anh Wahid 22 tuổi.

Gương mặt anh Wahid thay đổi theo năm tháng. Anh tôi không còn cười nữa. Anh trở nên nghiêm trang, hết sức nghiêm túc. Mẹ nói rằng anh tôi đã phải chịu đựng quá nhiều. Đối với tôi, anh Wahid là một kho chuyện sống về các cuộc chiến tranh của đất nước chúng tôi. Có lẽ vì anh là người lính trong gia đình.

Anh học ở trường cấp ba Ansari, sau đó theo học trường quân sự. Anh đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp lớp sĩ quan của anh và được biệt phái vào đoàn bảo vệ chủ tịch. Để kết thúc khóa huấn luyện, người Liên Xô gửi anh ra mặt trận, tham gia quân đoàn ở Maidan Shahr. Anh đã ở đó khoảng ba tuần. Vào thời gian đó, những mặt trận nóng nhất là Kandahar, Maidan Shahr và Wardak. Khi trở về, Wahid kể với chúng tôi anh thấy lính Liên Xô tàn sát thường dân ngay trước mắt các anh. Anh thấy họ bắn trẻ em và người già mặc dù không hề bị khiêu khích. Ở nhiều ngôi làng, khi phụ nữ ném đá vào quân Liên Xô, quân lính đã đáp trả bằng súng Kalashnikov. Anh đã vô cùng thất vọng trước những gì anh thấy. Sau đó mẹ kể với tôi rằng đã nhiều lần mẹ khóc khi nghe chuyện anh kể. Mỗi lần anh phải quay trở lại mặt trận, mẹ đều lắc đầu buồn bã, “Nó lên đường như một kẻ lên đường đi tự sát vậy.”

Trong hai năm anh Wahid đã tham gia hơn 104 chiến dịch. Nhưng trong suốt thời kỳ đó anh đã nhiều lần bị cấm trại vì có hành vi chống đối. Hình phạt dành cho anh là phải ở trong một căn lều bé tí xíu và rất thấp trên nền đất trống trơn ẩm ướt nhiều ngày trời. Trong căn lều đó chỉ có thể nằm dài trên đất bằng hoặc cúi người xuống, chứ không thể đứng lên được. Hồi đó anh Wahid trở thành thuộc cấp của Đại tá Hazrat, thầy giáo của anh, luôn mồm ca ngợi sự trợ giúp của Liên Xô đối với Afghanistan và yêu cầu thuộc cấp tuân theo mệnh lệnh của các sĩ quan Xô viết một cách vô điều kiện. Anh Wahid đã chống lại mệnh lệnh của Liên Xô và thường tỏ ra không mấy lễ độ với các sĩ quan huấn luyện mình. Anh nói những câu như thế này, “Afghanistan có đủ quân lính và sĩ quan chiến đấu rồi, không cần Liên Xô bổ sung quân số.”

Có thời gian chúng tôi không nhận được tin gì của anh nhiều tuần liền. Mẹ cử anh Daoud đến doanh trại, tại đó anh Daoud được biết rằng anh cả Wahid đã bị phạt nhốt trong xà lim năm tháng vì dám ném ấm trà vào viên đại tá. Sau đó họ thuyên chuyển anh đến một phân khu khác đóng ở Paghman, tại ranh giới khu vực an ninh về phía Tây Kabul.

Một hôm, một mullah thuộc hội đồng các bô lão, một vị rất già, đã đến nhà để gặp cha tôi.

“Con trai ông bà đã làm một việc đặc biệt cho chúng tôi và tôi đến để cảm ơn.”

Khi cha nhìn thấy con trai về nhà nghỉ phép trong chiếc áo truyền thống và diện một chiếc mũ nồi Afghanistan, cha hiểu điều gì đã xảy ra, tuy nhiên cha vẫn hỏi.

“Con đã làm gì để cha đáng được ban mullah vùng Paghman đến cảm ơn thế?”

Nhiệm vụ của anh Wahid là bảo vệ phần vành đai an toàn thuộc Paghman gần Kabul. Sau khi chế ngự được quân Liên Xô, lực lượng Kháng chiến Afghanistan đã kiểm soát hầu hết các khu vực nông thôn và chính quyền cộng sản ở Kabul đã phải làm hết sức có thể để bảo vệ các thành phố lớn, các tuyến đường và sân bay. Hàng trăm người lính đóng quân trên các quả đồi bao quanh thủ đô. Thường thì quân đội không cho phép dân làng đi qua khu vực vành đai an toàn này để đi mua hàng ở Kabul. Nhưng anh Wahid vẫn cho người dân đi qua. Thật không may điều này đã đến tai sở Khad, sở mật vụ của chính quyền Xô viết. Tướng Farouq Yaqoubi, nhân vật số hai ở sở mật vụ, đã cho triệu tập Wahid. Anh tôi đã giải thích với ông ta lý do anh hành sự như vậy.

“Quân đội dạy tôi phải phục vụ nhân dân. Thế nên tôi đã cho phép đại diện của nhân dân đi qua. Nếu ngài không cho rằng đây là một lối hành xử thích hợp, tại sao ngài không trao việc của tôi cho người đưa tin nào đó đã do thám tôi.”

Dạo đó anh tôi không bị sa thải. Tôi hình dung câu trả lời của anh đã khiến viên sĩ quan Liên Xô, người trên nguyên tắc phải bảo vệ nhân dân này, hổ thẹn. Nhưng giờ thì anh Wahid biết rằng anh đã bị sở Khad theo dõi. Thực ra anh đã bị lực lượng Kháng chiến “ngỏ lời” từ lâu vì vị trí đứng gác của anh vốn là một điểm trọng yếu trong khu vực an ninh quanh Kabul.

Sau hai năm phục vụ trực tiếp ngoài mặt trận, anh tôi bị thuyên chuyển đến một căn cứ quân sự đóng tại Fronze ở Kyrgyzstan trong hai tháng. Cuối tuần nào anh cũng về nhà, cởi quân phục ra, mặc áo choàng truyền thống, đội mũ pakol rồi đi cầu nguyện ở thánh đường.

Một hôm, có ông Sangar nào đó, em rể của Chủ tịch nước Najibullah, sống ở tòa nhà gần đó trong cùng khu Mikrorayna, đã chặn anh tôi lại trên đường. Hồi đó tôi mới chín tuổi. Tôi đang đứng cùng cha mẹ trên sân hiên và nhìn thấy họ nói chuyện với nhau từ đằng xa chừng hai tiếng đồng hồ. Cha tôi lấy làm băn khoăn, bởi người này vốn rất gần gũi với chủ tịch, đồng thời điều hành một chi nhánh của sở Khad.

Ngay khi Wahid bước vào trong nhà, chúng tôi đã hỏi anh dồn dập.

“Sao, ông ta đã nói gì?”

“Ông ta muốn gì?”

“Không có gì đâu ạ. Chả có gì nhiều. Toàn những chuyện tầm phào không quan trọng. Cả nhà đừng lo.”

Vì muốn trấn an chúng tôi, anh chỉ trả lời những câu vô nghĩa. Nhưng chỉ ít lâu sau chuyện này, anh tôi mất tích, và chúng tôi không hay tin gì về anh suốt hơn ba tuần liền. Chúng tôi nghĩ rằng anh đã bị biệt phái đi đâu đó mà không có dịp nào để thông báo cho chúng tôi. Nhưng vào một đêm hè có một người lính trong phân khu của anh đã bí mật đến nhà. Anh ấy nói chuyện với chị Chakila rồi lại đi. Tôi nằng nặc muốn biết anh ấy đã nói gì nhưng chị Chakila không nói. “Phải đợi cha về đã.”

Cuối cùng thì trong lúc ăn tối, chị Chakila báo tin. “Anh Wahid đang bị tù.”

Cha tôi nổi điên. Cha tức giận vì quân đội đã không thông báo cho cha biết. Cha gọi điện cho Hashim, một người quen của gia đình tôi làm việc ở ban nhân sự của sở Khad, và họ hẹn gặp nhau vào sáng hôm sau để đi tìm anh Wahid.

Chỉ huy đơn vị đồn trú Paghman, Tướng Issa Khan, người phụ trách phân đội anh Wahid, nói với họ rằng anh tôi đang bị giam ở Trại 2 của nhà tù Pol-e-Tcharkhi, nhà tù dành cho các tù nhân chính trị. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Đây là sự kiện bi thảm nhất giáng xuống gia đình tôi. Anh Wahid là tù nhân chính trị của người Xô viết.

Cha tôi đến nhà tù, nhưng lần đầu ông không được gặp anh Wahid. Người lính gác chỉ có thể nhận quần áo sạch do cha tôi mang đến cho anh Wahid và, bởi vì cha tôi năn nỉ, anh ta nhận lời mang quần áo bẩn cần đem giặt của anh Wahid ra.

Ở bên trong quần anh Wahid đã giấu một mẩu giấy nhỏ, trong đó viết, “Cha ạ. Con vẫn còn sống. Cha phải có được thư cho phép có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để vào gặp con. Con Wahid.”

Phải mất gần một tháng sau chú Hashim mới kiếm được giấy phép do Bộ trưởng ký để cả nhà tôi tới thăm anh Wahid.

Đã có những câu chuyện khủng khiếp kể về các loại hình tra tấn được tiến hành trong nhà tù Pol-e-Tcharkhi. Một người bác của tôi, bác Mir Akbar, anh trai của mẹ tôi, đã bị cầm tù ở đó vào những năm 1970. Bác tôi đã kể lại những đòn tra tấn đã trải qua, lưng bác bị rạch dài và sâu, nay đã thành sẹo, móng tay bác bị rút sống...

Nhà tù Pol-e-Tcharkhi trông rất khác với nhà tù cũ ở Kabul vốn được xây bằng gạch nâu. Nhà tù này là một pháo đài thực sự theo kiểu Liên Xô, được xây dựng cùng lúc những người cộng sản đến Kabul. Chúng tôi có thể nhìn thấy nhà tù này ngay khi chúng tôi đến khu vực cách Kabul chừng 15 cây số. Nhà tù trông thật đồ sộ, nó lớn đến mức ô tô có thể chạy trên bờ tường của những bức tường dày bao quanh nhà tù.

Hàng trăm người đang xếp hàng để vào thăm thân. Tôi kinh ngạc. Tôi không ngờ rằng lại có quá nhiều người bị đi tù đến thế. Tôi tự hỏi mình vì sao?

Cách lối vào 200 mét có hai trạm kiểm soát được canh giữ bởi những cảnh sát chịu trách nhiệm kiểm tra người thăm thân. Một người kiểm tra phụ nữ, người kia kiểm tra nam giới. Sau một tiếng chờ đợi, cuối cùng tên của chúng tôi cũng được xướng lên. Chúng tôi đi vào nhà kiểm tra nơi có một phụ nữ lần lượt đóng dấu vào từng cánh tay của chúng tôi. Cha cũng bị đóng dấu như thế ở bên trạm kiểm soát nam giới.

Người phụ nữ lục soát người chúng tôi, sau đó phê chuẩn cho chúng tôi đi đến một cái cổng sắt rất lớn. Nó cao đến nỗi tôi phải ngửa người ra để đọc những câu khắc trên chóp cổng. “Nhà tù Trung ương của nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan” và “Nhà tù, Ngôi trường thứ hai để tái học nghề.”

Chúng tôi phải hiểu những từ “ngôi trường” và “học nghề” như thế nào đây? Tôi thực sự không hiểu nổi việc một ai đó lại có thể học được điều gì trong tù.

Mỗi lần chúng tôi đến thăm anh Wahid, chúng tôi không chỉ phải xếp hàng để đóng dấu trước khi đi qua đám đông, mà chuyện đó còn được tái diễn nhiều lần khi chúng tôi vào sâu bên trong. Chúng tôi đi qua sáu cánh cửa sắt. Ở mỗi một trạm các bảo vệ kiểm tra con dấu của nam giới và ký xác nhận lên da họ. Tính đến lúc chúng tôi đi đến cuối gian phòng đợi rất dài, cha tôi bị đóng hai con dấu và có sáu chữ ký trên cánh tay cha.

Sau đó chúng tôi được dẫn vào một cái sân trống ở trung tâm tòa nhà. Đất ở đây được vẩy ướt để ngăn không cho bụi bay lên. Tên của anh tôi được xướng thật to và cuối cùng anh ấy cũng đến chỗ chúng tôi. Anh tôi trải tấm khăn trên đất rồi tất cả cùng ngồi xuống. Tôi nhìn như nuốt chửng lấy anh. Anh để râu và mặc quần áo màu đen. Tất cả chúng tôi cùng khóc. Anh Wahid hôn tay mẹ cha và van xin chúng tôi đừng khóc. Chúng tôi chỉ có nửa tiếng đồng hồ trong khi anh có nhiều điều để kể, nhưng chúng tôi đang bị theo dõi bởi một tên bảo vệ có vũ khí đang nghe ngóng cuộc trò chuyện, nên Wahid chỉ có thể nói những gì cần nói mà thôi.

Anh tôi đã bị thẩm vấn. Anh cần một luật sư để ra tòa. Và anh muốn bác Mir Akbar nhà tôi bào chữa cho anh. Anh dặn mấy chị em chúng tôi phải luôn đội chador, cũng như mặc quần áo truyền thống như chúng tôi đã mặc ngày hôm đó. Anh tôi lúc nào cũng cả quyết phải ăn mặc như thế, nhưng lần này chị Chakila không còn tâm trí đâu mà tranh cãi với anh. Cuối cùng, trước khi rời đi, anh Wahid ôm lấy chúng tôi và thì thầm, “Sẽ có mấy người theo dõi nhà mình. Cả nhà đừng sợ. Họ có ba người và họ sẽ bảo vệ gia đình ta.”

Anh đưa cho chúng tôi đống quần áo bẩn và chúng tôi tạm biệt anh, mà không hiểu tại sao anh lại bị đi tù và tại sao lại có những người bảo vệ chúng tôi.

Bác tôi là công tố viên trong một tòa án quân sự. Nhờ vậy, bác biết rõ những quy định trong quân đội. Và vì bác có thời từng bị giam ở Pol-e-Tcharkhi, bác cũng biết cả những luật lệ của cuộc sống trong tù. Khi bác đến nhà chúng tôi, việc đầu tiên bác làm là hỏi chúng tôi xem anh Wahid có đưa quần áo bẩn về hay không. Bác liền lục lọi khắp gói quần áo để lấy ra những mẩu giấy nhỏ từ những nếp gấp trong quần. Những mẩu nhắn của anh Wahid viết bảo bác tự mình đến thăm anh ấy trong tù càng sớm càng tốt. Chúng nói rõ rằng anh chỉ muốn bác chúng tôi làm luật sư biện hộ cho anh mà thôi.

Tôi thấy sửng sốt trước cách thông tin này.

Từ đó trở đi, cứ mỗi thứ Tư trong ba tháng liền, chúng tôi đều đến thăm anh ở trong tù và ngồi trên cái sân nhỏ trên nền đất đen ẩm ướt. Wahid nói rằng bọn bảo vệ phải giữ cho nền đất luôn ướt để xóa đi những vết máu. Còn có cả dấu máu bám trên các bức tường.

Rất lâu sau đó, sau khi lực lượng Mujahidin của Thủ lĩnh Massoud tiến vào Kabul, chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu đáng sợ trên truyền hình. Khi đào lớp đất phì nhiêu trong nhà tù đó lên, người ta phát hiện thấy tử thi của những tù nhân bị xử kín. Vì không biết điều đó, thế nên chúng tôi đã vẫn đi và ngồi trên cái nghĩa địa khốn khổ này.

Mỗi lần đến thăm, anh Wahid đều kể cho chúng tôi những câu chuyện về cuộc sống trong tù. Có một tổng giám thị, sẵn sàng chuyển cho anh tôi những tiện nghi nào đó để được cho tiền. Tên anh ta là Khiali Gul... Một hôm anh ta đã đến cửa hàng gặp cha tôi. Anh ta đã lấy tiền và ngay đêm hôm đó, Wahid gọi điện về nhà cho chúng tôi. Anh tôi được nói chuyện một lúc lâu. Anh đang ở trong phòng của giám ngục Gul. Anh bảo cha tôi mang cho anh một chiếc tivi nhỏ, điều này khiến chúng tôi sửng sốt, bởi chúng tôi không hề nghĩ rằng lại được phép làm điều đó, cùng với một chiếc ăng ten và một đoạn dây cáp dài ba mét để có thể nối từ xà lim của anh lên nóc nhà tù. Khi ti vi được chuyển đến, việc lắp đặt nó chẳng gặp khó khăn gì cả.

Một lần, khi chúng tôi đang ngồi cùng anh trong sân nhà tù, anh chỉ vào một tù nhân. “Hắn tên là Ghazi. Một tên đâm thuê chém mướn ở trong tù. Với 5000 afghani (75 xu Anh), hắn sẽ giết bất cứ người nào bị kết án tử hình. Người ta kể với con rằng thủ lĩnh Abdul Wahid, một trong số những vị chỉ huy vĩ đại của lực lượng Kháng chiến, đã bị bắt trong một cuộc tấn công ở thung lũng Panshir. Ghazi đã bắn chết ông ngay tại đây.”

Một ngày mùa thu, khi trời mưa như trút nước, nhà tù bỗng bị một tốp lính có vũ trang tấn công. Và một tù nhân đã trốn thoát được bằng cách giả trang làm một phụ nữ mặc áo burqa dài.

Trên đường ra, bọn bảo vệ luôn khám xét từng người phụ nữ một trước khi cho họ đi qua các cánh cổng. Các xe tăng trấn giữ ở đằng trước. Sau vụ trốn thoát này, khi chúng tôi đi thăm thân, phụ nữ chúng tôi đã bị đóng hai con dấu trên cánh tay thay vì một. Wahid kể rằng tù nhân nọ đã trốn thoát bằng cách làm một con dấu giả bằng vỏ khoai tây và một chiếc bút phớt mực đen mà vợ anh ta đã mang đến. Trước khi bị bắt, người này là một tay chuyên làm giả tài liệu.

Một hôm khác một cuộc bạo động đã nổ ra giữa những tù nhân thuộc các phe phái Kháng chiến khác nhau bị giam cùng một tầng. Một tù nhân mới đến đã bị ám sát. Hung khí sử dụng là xương mài nhọn. Các tù nhân đã đào bới đống thức ăn thừa chất đống trong một góc sân và tìm được vật liệu để tạo ra hung khí giết người ở trong đó.

Một tù nhân khác lại chết vì bị một gã bạn tù hắt nước sôi vào mặt. Một người khác, ở Trại 4, khu khắc nghiệt nhất dành riêng cho các trọng phạm, đã dùng xăng tự đốt quần áo của mình rồi lao ra sân nhà tù. Hắn hy vọng rằng hành động của hắn sẽ khiến hội Chữ thập Đỏ Quốc tế phải can thiệp và hắn trù tính trước rằng sẽ nhảy xuống hồ chứa nước ở ngay đằng sau cánh cổng. Nhưng ngày hôm đó cổng đóng và hắn đã bị thiêu sống ngay trước mắt các bạn tù khác, lúc đó đang nhìn hắn từ sau các song sắt.

Một tù nhân trẻ, bị kết án vì tội ăn trộm năm 18 tuổi, đã bị một tên đầu bò đầu bướu ở Trại 4 dâng lên làm món nhắm cho lũ hiếp dâm. Tên này làm việc ở nhà bếp. Hắn đã bị lãnh đòn thù của nạn nhân bằng một con dao phay thái thịt cắt đứt cổ họng.

Chị Chakila nghe những câu chuyện anh tôi kể với sự tò mò của một nhà báo. Chị Soraya thường khóc và tôi... vâng, tôi tự hỏi mình rằng cái thế giới này là loại thế giới gì, sao lại rời xa Đấng Allah đến thế.

Một hôm, chị Chakila dẫn về nhà một bà tiên tri, vốn là mẹ một người bạn chị. Sau khi sờ mó đống quần áo của anh tôi và làm vài phép tính phức tạp dựa vào ngày sinh của anh, bà thông báo, “Cậu Wahid là một người ngoan đạo và thông thái, một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo luôn luôn cầu nguyện. Trong bốn tháng nữa, cậu ấy sẽ được tự do.”

Bà ấy nói cả quyết đến mức kể cả mẹ cũng phải tin. Mẹ muốn trả tiền cho bà ấy, nhưng người phụ nữ này từ chối. “Tôi sẽ không đòi hỏi bất cứ thứ gì cho đến khi lời tiên tri trở thành hiện thực.”

Tôi không tin bà ấy một chút nào. Cha chỉ nói rằng điều đó tốt cho tinh thần của mẹ. Đó là tháng Một năm 1992. Anh Wahid bị kết án 20 năm tù, một bản án mà bác tôi chỉ có thể giảm xuống còn 18 năm. Giờ anh tôi đã đi tù được ba năm và tôi luôn tự hỏi rằng điều gì có thể giúp anh ấy tự do ngoài Đấng Allah chứ. Hàng đêm ba chị em gái chúng tôi đều thành tâm cầu nguyện cho anh.

Sau đó, ngày 18 tháng Tư năm 1992, tướng Baqui, Sở trưởng Sở Khad và Tướng Yaquobi, cấp phó của ông ta, cả hai đều là cộng sự thân tín của Chủ tịch nước Najibullah, đều bị ám sát.

Tôi đang ở trường thì chị Chakila đến để xin phép đưa tôi về nhà. Chị hay tin có chuyện xảy ra và biết rằng ở bên nhau sẽ an toàn hơn. Khu Mikrorayan vốn là nơi có nhiều đảng viên cộng sản Afghanistan sống, nên tin tức lan truyền rất nhanh. Thêm vào đó, khu vực này lại nằm giữa Đài phát thanh Kabul và sân bay quốc tế, cũng như gần Phủ Chủ tịch. Vả lại chị Chakila còn là một nhà báo nữa.

Đêm hôm đó, khi bật tivi lên, chúng tôi chỉ nghe thấy toàn ái quốc ca. Vào lúc bảy giờ rưỡi, một phát thanh viên xuất hiện và phát biểu, “Kính thưa đồng bào cả nước. Tiến sĩ Najibullah, nguyên chủ tịch Afghanistan, người đã muốn rời khỏi Afghanistan một cách bất hợp pháp, v.v... Để tránh tình trạng chính quyền không có người đứng đầu sẽ tạo điều kiện để Pakistan xâm chiếm đất nước chúng ta, hiện nay chúng tôi đã liên lạc thường xuyên với Mujahidin...”

Vào lúc đó, chúng tôi không hiểu rõ ai là người chính quyền Cộng sản định liên minh để tránh tình trạng không có người đứng đầu. Và rồi một buổi sáng, trong lúc chị Chakila và tôi đang đi dạo, người bán rau quả nói với chúng tôi, “Thủ lĩnh Massoud sắp đến Kabul đấy. Mọi người trong thành phố đều đang nói chuyện này.”

Dân chúng đã từng khiếp sợ trước việc quân lính của Hekmatyar đến Kabul, bởi chúng là những kẻ đã trút mưa đạn rocket xuống Kabul. Ngày hôm sau, trên bản tin tối, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xuất hiện trên màn hình. “Tôi vừa ở thung lũng Panshir về bằng máy bay trực thăng. Ở đó chúng tôi đã đàm phán về việc chuyển giao quyền lực. Gulbuddin Hekmatyar và Ahmed Shah Massoud đã thỏa thuận ngừng bắn khi họ vào Kabul.”

Ngày hôm sau trên đường đi học, tôi nhận ra ngay một số thay đổi. Các cô giáo mặc quần thay vì mặc váy và quần bó, thêm cả áo choàng dài hoặc những tấm chador nặng nề. Tất cả bọn con gái đều luận bàn về những diễn biến đêm qua.

“Nếu những tên cực đoan của Hekmatyar chiếm quyền, chiến tranh sẽ xảy ra.”

“Thân phận của phụ nữ sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không được đi làm nữa.”

“Các trường học sẽ bị đóng cửa.”

Tôi không dám nói gì bởi anh trai tôi đang ngồi tù nên tôi sợ rằng những lời tôi nói có thể làm hại anh tôi. Tôi lo rằng quan điểm của anh Wahid sẽ khiến anh tôi đứng về phía những kẻ cực đoan.

Hai ngày sau, những kẻ mặc quân phục đã xuất hiện ở khu nhà chúng tôi. Một số còn trấn giữ ở góc trường chúng tôi. Vì họ mặc quân phục, nên các bạn gái trong lớp tôi không mảy may nghi ngờ rằng họ có thể là lực lượng Kháng chiến.

Cùng ngày hôm đó, một số người hàng xóm, nhất là những người làm việc trong Bộ Nội vụ, bắt đầu mang về nhà mình những thứ như ti vi, súng trường, máy ghi âm, máy nghe nhạc. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy những cuộc đột kích và cướp phá sắp sửa bắt đầu. Nam giới thì bắt đầu để râu.

Truyền hình tiếp tục phát sóng với những người phát thanh cả nam lẫn nữ. Vẫn có âm nhạc. Nhưng vào tối ngày 28 tháng Tư, một cô phát thanh viên, mặc dù vẫn trang điểm, đã đội khăn choàng trùm đầu. Đó là một điều mới mẻ với chúng tôi. Vài ngày sau đó, Sebghatullah Modjaddedi đã được bổ nhiệm làm tổng thống của Nhà nước Hồi giáo Afghanistan mới.

Ngày mồng 5 tháng Năm, các cánh cửa nhà tù đều được mở ra: các chính trị phạm và các tội phạm đều đồng thời được ân xá. Tối hôm đó, anh Wahid xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi. Anh để râu và mặc quần áo truyền thống. Mặc dù vừa mới ra tù, anh vẫn nắm được diễn biến tình hình tốt hơn chúng tôi. Anh tôi rất hạnh phúc, và chúng tôi cũng sung sướng được gặp lại anh. Nhưng ngày hôm sau anh đã ra chợ và mang về nhà ba chiếc chador to đùng chẳng giống gì với khăn trùm đầu chúng tôi vẫn đội cho đến tận khi ấy.

Đó là lúc chị Chakila nói với anh, “Được rồi, mấy chị em sẽ mang chador của em, bởi nó xem ra đang là đỉnh cao của thời trang.”

Sau đó là năm hai chị em tôi và mẹ đã đi hành hương cùng anh Wahid đến thành phố thiêng Mazar-e-Sharif để tham dự lễ đón Năm Mới trùng với lễ hội hoa tulip đỏ - lễ hội Gul-e-sorkh trong tiếng Afghanistan.

Khi chúng tôi đến Mazar-e-Sharif, quang cảnh đẹp tuyệt vời. Trải khắp thành phố là những cánh đồng hoa tulip đỏ rung rinh trên những cuống thon dài - một bộ sưu tập sống thực sự đối với chị Soraya! Tôi chưa từng thấy bất cứ cái gì giống như đại dương màu đỏ máu sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời này.

 Chúng tôi đi thăm thánh đường lớn với đỉnh vòm màu da trời và ngưỡng mộ nhìn cái chậu tắm cổ xưa bằng những tảng đá có khắc các tiết trong kinh Koran. Điện thờ bên ngoài làm bằng một thứ đá hoa cương xanh được viền màu đỏ thẫm và phẳng như một tấm gương soi. Khắp chung quanh điện thờ đậu đầy những con chim câu trắng. Vào ngày đầu năm này, các bình hoa tulip được đặt khắp nơi. Tôi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp nơi này.

Một số người hành hương, khiếm thị hoặc khuyết tật, đã cầu nguyện ở đây suốt năm trời để chờ tham dự lễ hội Năm Mới với hy vọng rằng phép màu sẽ xảy ra vào ngày hôm đó. Bên trong thánh đường có một cuốn kinh Koran khổng lồ đặt trên bục giảng kinh. Ai cần có thể giở cuốn kinh để tìm đoạn mình muốn đọc, nhưng một số người đang đọc thuộc làu các tiết mà không cần xem qua cuốn kinh. Chúng tôi quyên tiền cho thánh đường rồi đi đến mộ của Thánh Ali cầu nguyện.

Chị Chakila hỏi một người phụ nữ xem chúng tôi phải làm gì tiếp theo.

Cô ấy trả lời, “Đây là đền thờ Thánh Ali. Cháu có thể cầu nguyện xin Đức Allah điều gì đó. Điều ước của cháu sẽ thành hiện thực, bởi vì Ali vốn là một vị thánh tạo ra những phép màu.”

Tôi cầu nguyện cho sức khỏe của mẹ và xin Đấng Allah phù hộ cho cả nhà tôi. Sau đó chúng tôi chứng kiến một điều kỳ lạ: có hàng trăm ổ khóa bấm treo trên một thanh kim loại. Chúng có thể được dùng làm gì nhỉ? Tôi lấy làm băn khoăn và đi hỏi người khác.

“Cháu phải chọn một ổ và vặn nó ra. Nếu khóa mở ra, điều ước của cháu sẽ thành hiện thực. Chị dâu cô mấy hôm trước đã làm thế và chị đã cầu xin rằng chồng chị ấy, người chị ấy đang lo lắng không biết ở đâu, sẽ quay về Mazar-e-Sharif. Ngay đêm hôm đó, anh ấy đã trở về nhà.”

Chị Chakila không chịu vặn khóa. Tôi rất háo hức làm điều đó, nhưng chị đã kéo tôi đi ngay khi tôi vừa định chạm tay vào một cái.

“Chị không biết cái này là cái gì, Latifa ạ. Chị chưa bao giờ thấy điều gì như thế. Thay vì làm chuyện ngu ngốc, tốt hơn là em đừng có chạm vào những cái ổ khóa này.”

Anh Wahid đang đợi chúng tôi bên ngoài. Anh đã đi cầu nguyện ở một nơi dành riêng cho nam giới trong thánh đường.

Chúng tôi mua hạt giống cho chim câu trong thánh đường xanh ăn. Tôi nhận thấy có nhiều du khách, kể cả khách phương Tây, đều trầm trồ trước vẻ đẹp của nơi này. Ở Kabul cũng có các thánh đường tráng lệ và đồ sộ không kém, nhưng thánh đường này là độc nhất vô nhị và đặc biệt được tôn kính bởi nơi đây có mộ phần của Thánh Ali và những phép lạ của khu mộ này.

Tình cờ đến khó tin, chị Chakila và tôi đã chứng kiến một phép màu. Một vài người đã kéo cờ lên trước một đám đông lớn. Những người ốm yếu và tàn tật đang cầu nguyện ngay trước mặt chúng tôi. Bỗng có một người giơ tay lên trời rồi dụi dụi mắt mình và bắt đầu rú lên như điên rằng mắt ông ấy đã sáng trở lại! Ngay lập tức dân tình xung quanh đổ xô đến xé quần xé áo của ông ta, bộ quần áo mà lúc này đã trở thành vật thiêng. Người đàn ông này tạ ơn Đức Allah, không ngừng xoa mặt mình. Ông nhìn lên trời mê mẩn trong khi người ta bâu lại ngày càng nhiều hơn. Ông cho phép họ xâu xé mình. Tôi nhìn thấy những cánh tay hướng về phía ông ta một cách thành kính, nhưng những người nhào tới xé đồ của ông ta còn hăng hái hơn nữa. Tôi bắt đầu sợ là ông ấy sẽ không còn mảnh vải nào để cho họ nữa. Nhưng dường như ông ta không nhận biết được sự khích động chung quanh mình. Ông đang bị ánh nắng làm chói mắt và cứ liên tục lấy hai bàn tay che mắt lại rồi lại giơ tay lên, luôn miệng kêu rằng, “Tạ ơn Người, tạ ơn Người, Đấng Allah của con.” Gia đình ông ấy cố hết sức bảo vệ ông.

Tôi vô cùng sửng sốt. Tôi kéo mạnh tay áo của chị Chakila và nhắc đi nhắc lại, “Chị ơi nhìn kìa, nhìn kìa, đúng là một phép màu!”

“Chị đang nhìn đây. Buông ra đi, em làm chị đau đấy.”

Lúc đó mẹ lại ở quá xa chỗ chúng tôi để chia sẻ sự xúc động đó, nhưng mẹ cũng nhìn thấy cảnh tượng ấy và cũng tin rằng đấy quả là một phép màu. Sau đó, một người làm trong thánh đường đã kể lại rằng người hành hương này hàng ngày cầu nguyện ở đây đã một năm nay.

Anh Wahid cũng rất ấn tượng, nhưng điềm tĩnh hơn chúng tôi nhiều. “Đức Allah thực sự vĩ đại,” anh nghiêm trang nói.

Khi trở về Kabul, tôi lập tức thuật lại câu chuyện kỳ diệu này cho cha nghe.

“Có lần cha cũng đã chứng kiến một phép màu,” cha nói. “Một người bị liệt một chân đã bắt đầu đi lại được ngay trước mắt cha. Vẫn thường có những điều màu nhiệm xảy ra ở Mazar-e-Sharif.”

Nhưng đêm tháng Tám năm 1998 này tôi lại thấy thật khó hình dung nổi những phép màu và thấy sao mà khó ngủ. Người ta đang nói về những cuộc tàn sát ở thành phố thiêng liêng đó. Có hàng trăm người chết. Giờ không phải là mùa hoa tulip. Còn lâu mới đến lúc chúng rực nở. Bọn Taliban sẽ không được nhìn thấy những bông hoa đỏ ấy trải sắc huyết của nó lên tận bầu trời. Thay vào đó chúng sẽ trải màu máu, máu của những người đàn ông đàn bà Mazar-e-Sharif. “Đấng Allah thật vĩ đại,” hôm đó anh Wahid đã nói, “và nhờ phép lành của thánh Ali, người mù kia đã được sáng mắt.”

Nếu tôi có thể gửi lời nguyện cầu tới đức Ali trước ngôi mộ bằng đá hoa cương của người trong thánh đường xanh, tôi sẽ cầu xin người hãy ban phép màu cho những người dân Afghanistan tội nghiệp bị cả thế giới bỏ rơi. Tôi sẽ khẩn cầu người hãy răn dạy bọn Taliban - những kẻ dám bịa ra những luật lệ phi nhân tính, trái với kinh Koran, những tên Taliban hoàn toàn không biết đến những lời răn của kinh Koran - phải biết tôn kính Sách Thánh như chúng tôi luôn khiêm nhường tuân thủ.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27224


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận