Làn Da Của Đất Chương 4

Chương 4
Khu vườn không trở lại

Mặc dù kiến trúc sư León R. Zahar khẳng định rằng Cung điện xanh Al Azrak nổi tiếng và bí ẩn nằm ở đâu đó giữa Samarkand và Bagdad, nhưng một vài tài liệu được lưu trữ ở Mogador lại phản bác luận điểm đó. Trong một bức thư, Alonso Páez, kẻ ly khai trong cuộc viễn chinh nổi tiếng của sứ thần Tây Ban Nha Ruy González de Clavijo ở Samarkand và Boukhara từ 1403 đến 1406, đã chứng minh rằng cung điện đó nằm ở nơi khác, một nơi không kém phần mơ hồ.

Alonso Páez bị buộc phải chia tay với các bạn đồng hành vì đã đưa ra những ý kiến hoàn toàn đối lập với người chỉ huy đồng thời là sứ thần lỗi lạc về một vấn đề cơ bản. Páez khăng khăng rằng nước từ một con suối ở gần doanh trại là tinh khiết và uống được. Vẻ trong suốt như pha lê và ánh phản chiếu nắng vàng óng là đủ để tin điều đó. Vốn được giáo dục trong môi trường ngoại giao luôn ngờ vực mọi vẻ bề ngoài rực rỡ, người chỉ huy của ông cho rằng đó chỉ là những lý do hời hợt bên ngoài.

Nhưng cơn khát đã ảnh hưởng đến ý kiến của Páez về vẻ rực rỡ và độ trong suốt sâu thẳm của dòng suối. Tin chắc như vậy nên ông dám công khai cưỡng lại người chỉ huy, uống rất nhiều nước suối và hơn nữa còn xui các bạn đồng hành cùng uống, cùng chia sẻ thú vui sung sướng thấy mình có lý, lý lẽ của vị giác đầu lưỡi.

Trong nhật ký hành trình của Ruy González de Clavijo, vụ việc này kết thúc bằng việc Alonso Páez và năm người cùng uống nước với ông đều bị ốm và mê sảng. Một người viết sử đã hài hước gọi vụ việc này là “sự nổi loạn của lưỡi khô bị chết chìm trong dòng nước bí mật biến chất từng là đối tượng của tính đỏng đảnh thất thường và là lý do của sự nổi loạn”.

Tuy nhiên, trong bức thư viết cho một người đàn bà vùng Andalucia thời ấy từng làm ông điên đảo hơn cả cơn sốt, Páez kể chuyện ông đã vô tình phát hiện ra Cung điện xanh và các khu vườn trong cung. Dù đang bị sốt, ông vẫn nhớ là người ta khiêng ông trên cáng đi tụt lại phía sau đoàn người, và đến vùng ngoại vi Samarkand, đoàn quân viễn chinh đóng quân trên một quả đồi nơi họ nhận được lệnh của nhà vua phải bỏ lại người ốm và tới một trong những cửa thành. Vì thế mà những người nổi loạn uống nước suối lúc trước mới quyết định dần dà đi ngược lại, về hướng thành phố trước đó họ đã đi qua.

Toán quân đau ốm cùng với hai người gác và vài phụ nữ đi theo họ bị lạc. Người dẫn đường bị lây bệnh, chẳng ai biết tại sao, nhưng đoán là do ôm hôn những người bệnh.

Đi được một thời gian, không biết chính xác là bao nhiêu ngày, vì chẳng có ai trong nhóm người còn nhớ đã bao lần trăng mọc hay mặt trời lên, họ đến một vùng toàn các đụn cát mà chẳng mấy chốc họ sẽ biết là chúng bao quanh thành Mogador.

Trước khi biết được điều đó thì họ trông thấy ở phía xa một màu xanh lam rực rỡ che khuất tầm nhìn. Và họ tự nhủ rằng truyền thuyết về thành phố Abatón và Cung điện xanh của nó, thành phố không định vị một chỗ, mà chỉ có ham muốn mới làm cho nó sống, chắc phải có thật. Ai cứ khao khát tìm nó sẽ chẳng bao giờ thấy, trong khi rất nhiều lữ khách lại bỗng thấy nó ở phía chân trời dù chẳng hề nghĩ đến nó. Rồi người ta sẽ thấy cần được nhìn lại nó lần nữa, và sẽ không thể sống nổi nếu thiếu nó. Những truyền thuyết cổ hơn kể về cung điện mà chỉ có những người đang yêu mới nhìn thấy từ xa, như thể sự nhạy cảm đặc biệt của họ làm cái nhìn trở nên sắc sảo hơn.

“Tòa cung điện trong sa mạc ấy, Páez viết tiếp, cũng giống như mọi thứ bao quanh Mogador, đều tuân theo những quy luật phiêu lưu của thứ đáng được ao ước, nó tước của ta những gì ta thèm muốn vụng về và lại bất ngờ cho ta những thứ thật nồng nàn rực lửa và hợp với xác thịt ta đến hoàn hảo.”

Theo ngài Thomas Bulfinc h, người mà ba thế kỷ sau hẳn là nhà viết biên niên sử về Abatón lớn nhất ở phương Tây, cùng với màu xanh chói lọi của cung điện, lữ khách thường nghe thấy vẳng lại từ thẳm sâu phía chân trời tiếng nhạc chơi bằng trống và nhạc khí dây mà không ai có thể quên, cùng một mùi hương thoang thoảng rất đỗi dịu dàng trộn lẫn với hương hoa vô danh làm mê hoặc những ai ngửi nó.

Páez mô tả chi tiết, nhưng hơi vội vàng, cảnh ông đến cung điện và chỉ quan tâm tới các khu vườn. Nhờ vậy, ông bổ sung cho sự mô tả vừa chi tiết vừa gợi mở của León R. Zahar, vì ngược lại với Páez, người này lại chỉ tả lướt qua về các khu vườn mà tập trung vào cung điện. Cả hai người đều đạt đến cái tinh túy khôn cưỡng của chốn này mà nhiều người vẫn bướng bỉnh cho rằng không tồn tại.

“Trong nhiều ngày, chúng tôi không biết mình còn sống hay đã lên tới thiên đường. Bởi khi đã vào tới những khu vườn của Cung điện xanh thì chẳng ai tìm nổi bất cứ cớ gì để ra khỏi đó nữa. Những khu vườn này khiến người ta cảm giác chúng thuộc về sân trong; riyad giữa bốn bức tường cung điện. Nhưng đó chỉ là ảo ảnh, vì từ bất cứ vị trí nào chúng tôi cũng không thể nhìn được toàn cảnh cái được coi là tường bao quanh cung điện ấy. Sau khi xuống nhiều tầng bậc, ta đến một trong những nơi có thể là trung tâm của khu vườn xanh, đó là một đài phun nước đào xuống dưới đất, nơi bốn con suối hợp lưu làm ta nhớ đến bốn dòng sông trong vườn địa đàng. Vài cái cây trồng phía dưới các bậc thềm tạo thành một thứ giống như công viên sâu hơn mặt đất với những sơ đồ hình kỷ hà không dễ đoán ra. Khi đã vượt qua những thềm đất đó, ta bỗng nhận thấy mình đã ra ngoài khuôn viên của cung điện còn khu vườn, thay vì nằm trong lòng cung điện, thì lại ôm lấy nó.

“Cấu trúc kỳ diệu của những viên gạch men nom giống như một bông hoa thiên đường. Ban ngày, những bông hoa xanh lam nổi bật như biển dập dềnh dưới cây cối, với đàn ong bao quanh. Ban đêm, những bông hoa in bóng trên gạch hoa khép lại, trong khi những bông hoa trắng lại nở dưới ánh sáng trăng, như lớp sóng ngầu bọt.

“Các đài phun nước reo hát như trong các khu vườn Ả rập mà chúng tôi từng thăm trong chuyến viễn du, nhưng ở đây dường như chúng hát tên những người tình mà theo một truyền thuyết người ta từng kể thì không bao giờ ra khỏi được những lối đi trong vườn này. Và nếu tên tôi không bị dòng nước trong các khu vườn Cung điện xanh ghi lại thì chắc tôi sẽ rất vui lòng được về tìm gặp em.”

Anh muốn được lạc trong cơn khát và trong những cơn sốt của em, thấy em xuất hiện ở phía chân trời và biến mình thành người mãi mãi không thể thiếu với anh. Anh muốn bước vào nơi trong em mà người khác không ngờ có tồn tại, vì họ không biết độ sâu và quyền năng của những khu vườn bên trong em. Chính những khu vườn đó bao bọc lấy anh, ôm siết lấy anh một cách mạnh mẽ, trong khi trông chúng thật bé nhỏ, chỉ như bãi chăn thả của anh. Anh muốn tên mình mãi mãi được đài phun nước của em khắc ghi, và không bao giờ có thể ra khỏi lãnh địa của em nữa.


Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26512-lan-da-cua-dat-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận