Làn Da Của Đất Chương 5

Chương 5
Khu vườn âm thanh

Mogador vốn là thành phố có vô số dân nhập cư, nơi các dòng máu, ngôn ngữ và các giấc mơ giao nhau như những đường cong vô tận. Ở một nơi cổ kính trong thành phố, ngày xưa từng có khu phố Trung Hoa rất nhộn nhịp, nơi các khu vườn trong không trồng cây, mà trồng đá.

Đó là vài viên đá rất lạ lùng mà theo như người ta kể là do biển mang đến đây từ những xứ sở xa xôi nơi người ta bán lụa. Không những đẹp, chúng còn được phủ một lớp rêu xốp màu đỏ lan rất nhanh. Vì thế mà trong thành phố, người ta nói rằng ở nơi đó hơi ẩm làm đá cao tới nỗi chạm trời, và chỉ mây là có thể làm chúng dịu đi.

Ở nơi chốn huyền thoại đó, ngay sát tường thành, giữa Cửa Đông và biển, giờ là khu vườn dế mèn của một người làm vườn mù, nơi lũ côn trùng kêu suốt ngày.

Nếu đi thăm vườn vào buổi sáng, có thể thấy người làm vườn đang chặt mọi cái cây ông gặp trên đường đi, kể cả những cây đẹp nhất và lạ nhất, điều khiến không ít người ngỡ ngàng khi lần đầu được chứng kiến. Bởi trong khu vườn này không có cành lá cũng chẳng có bông hoa nào là không bị người làm vườn chặt rồi nhét vào những cái lồng nhỏ để nuôi dế.

Người làm vườn biết từng con dế thích ăn loại cây nào, và loại cây nào khiến tiếng kêu của dế trầm hơn hay cao hơn. Ông xếp loại và đặt tên các loài hoa theo giá trị tiêu hóa của chúng, nghĩa là theo thang âm dế tạo ra sau khi ăn hoa. “Hoa với tiếng hát cũng như con sâu với con bướm, sự biến đổi thật đáng kinh ngạc”, ông vẫn thích nói thế với các khách đến thăm.

Những chiếc lồng bằng gỗ, ngà hay xương nơi ông nhốt dế cũng thật đáng kinh ngạc. Vài chiếc trông rất đơn giản mà vẫn đẹp, với chấn song bằng sậy và cửa trượt trên những thanh gỗ mảnh. Chúng được treo trên cây như những quả cây biết hát khi có người lại gần. Những chiếc khác là những tác phẩm điêu khắc nhỏ. Người làm vườn tự tay làm chúng từ những loại gỗ mảnh và dùng dùi khắc thư pháp rất đẹp tên các chú dế có trong lồng, vì mỗi chú dế đều có tên riêng, đặt theo âm thanh chú phát ra. Người làm vườn mù còn ghi lên đó một dấu hiệu đánh dấu chỗ của cái lồng trong khu vườn âm thanh.

Trước kia, cha, ông, rồi cụ của người làm vườn cũng từng làm vậy. Cách đây một trăm năm, có hai mươi cái lồng mà cụ cố của ông trông nom như của báu. Ông nội của ông tăng số lồng lên gấp năm, còn cha ông thì tăng chúng lên gấp mười, vì vậy mà người làm vườn mù thừa hưởng đến một ngàn cái lồng và chút của cải để duy trì chúng, cùng với kỹ năng gia truyền từng được tôi luyện qua ba thế hệ trước ông, chưa kể đến hàng thế kỷ khi nghệ thuật này được trau dồi ở Trung Quốc. Trong hai mươi lăm năm, người làm vườn đã làm cho khu vườn thịnh vượng hẳn lên. Giờ thì gần ba ngàn lồng tạo thành những con đường ngoắt ngoéo như mê cung, tương tự như những con phố trong thành. Ai không định hướng được bằng cách nghe âm thanh thì rất dễ bị lạc trong vườn, mà cũng đã có nhiều người bị lạc trong vườn, và bị lạc rất lâu, vì có kêu cứu ở đây cũng vô ích.

Ngoài thức ăn thì còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tiếng dế kêu. Một trong những yếu tố đó vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Đó là ham muốn. Người làm vườn biết là một số lồng khi đặt cạnh một số lồng khác sẽ làm những tiếng kêu quyến rũ phấn khích vang suốt đêm. Và ông cũng biết là khi ông tách chúng ra xa nhau một chút thì tiếng dế kêu có âm hưởng đau đớn sâu sắc. Khoảng cách giữa các lồng là sợi dây đàn ham muốn có thể kéo căng hay chùng để điều khiển âm thanh.

Tiếng kêu gọi tình của loài dế nghe thống thiết và kiên cường đến mức đã từ lâu các thi sĩ Mogador và vùng phụ cận ví nó với đam mê trực giác của cơ thể này với cơ thể khác. Ibn Hazm nói rằng khi những người yêu nhau nhìn nhau từ xa, “tất cả những con dế trong cơ thể họ động đậy, thèm khát.”

Aziz Al-Ghazâl kể rằng ở Mogador, loài dế kiếm tìm hơi ấm của lửa, vì thế chúng thường tụ tập trong bếp hoặc cạnh lò, và trong hệ thống ống dẫn khí ở nhà tắm hơi. Các nhà tắm hơi thường coi dế là biểu tượng và khắc hình ảnh chúng ở cửa ra vào. Ông cũng kể rằng trong nhà một người đàn bà có tên là Fatma, “người thấy các giác quan bỗng dưng thăng hoa trước ánh sáng lạ lùng của ham muốn, những con dế đậu trên giường cô mà ngợi ca mùa xuân mùa hè ngay cả trong những thời khắc mùa đông giá rét nhất.”

Ở đây, mọi người đều sẽ nói với ta rằng tiếng dế kêu thay đổi theo mùa, thậm chí chúng còn có khả năng báo mùa nữa. Nếu được huấn luyện kỹ càng, chúng có thể đo chính xác nhiệt độ trong ngày. Người làm vườn mù còn đi xa hơn và huấn luyện được một loài dế có thể đo nhiệt độ cơ thể. Loài dế này đặc biệt bé, có giọng trầm nhẹ nhưng rung rất mạnh. Người ta gọi nó là “nụ cười của trăng”. Và người ta nhận ra rằng nó bắt đầu kêu khi ham muốn lớn dần lên giữa hai người, đồng thời thân nhiệt của họ cũng tăng lên. Một số người mang nó trong người khi đi hẹn hò, giấu kín nó trong quần áo, sát sạt da, và cố để cảm nhận chứ không phải để nghe thấy độ rung trong tiếng kêu của nó.

Vì thế mà trong một tập mới của bộ sách thơ về tình yêu của mình mang tên Vòng chim câu, Ibn Hazm đã viết một chương trong đó ông hướng dẫn cách tìm cẩn thận, với hy vọng nồng nhiệt, giữa hàng ngàn nếp gấp trong chiếc váy của người yêu, những con dế cho biết thân nhiệt nàng, rồi sau đó khuyên người tình tiếp tục tìm trong những nếp gấp trên cơ thể trần trụi của nàng như thể sẽ tìm được ở đó hàng ngàn “nụ cười của trăng.”

Trong khu vườn này ở Mogador, trước lúc mặt trời mọc, khi màn sương mỏng nhẹ nhàng phủ xuống những cái lồng và để lọt vào trong vài giọt to, người ta nghe thấy tiếng dế uống. Tiếng kêu của chúng ẩm ướt, chúng biểu lộ niềm hạnh phúc qua tiếng xòng xọc trong cổ họng. Nếu chúng uống quá nhiều sương trước khi những tia nắng đầu tiên tỏa xuống, người ta nghe thấy tiếng rung không chủ ý, như thể chúng run lên vì lạnh.

Đôi khi chiều muộn không có gió, người làm vườn mù cố lách vào đám muỗi sà xuống bãi biển trước khi mặt trời lặn. Ông để mặc cho chúng đốt thỏa thích đến khi no kềnh máu, lũ muỗi không bay lên được nữa, lúc đó, ông dễ dàng bắt lấy chúng và đem thứ thức ăn đặc biệt này cho một số con dế bị béo phì và đen. Lũ dế sung sướng ăn và thốt lên vài nốt trầm như chuông ống.

Người làm vườn biết rõ từng loại âm thanh. Ông biết là các nhà khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp chính xác để phân loại âm thanh, nhưng điều quan trọng nhất với ông là nhận ra lũ dế qua giọng của chúng. Và ông làm điều đó rất chính xác. Ông có thể xác định chính xác được 2633 loại âm thanh. Năm nay ông buộc phải rút đi bốn loại, vì ông nhận ra chúng không phải do dế phát ra, mà là do chính ông phát ra, hay đúng hơn là cơ thể ông, khi đi nhanh, khi khó thở vào những ngày oi bức, khi thở dài vui sướng nghe dế kêu, và khi ông thấy khó tiêu vài loại lá và hoa mà lũ dế bỏ lại còn ông thì không muốn bỏ phí.

Một nhà văn đã kín đáo vào vườn khi đêm xuống để giúp người làm vườn, phòng khi phải ghi lại những âm thanh mới. Danh sách của ông cứ dài thêm và các mô tả ngày càng tinh tế hơn. Ví dụ như bên cạnh Những tiếng động giọt rơi xuống lửa: âm thanh số 1327, ta đọc được mô tả như sau: “Giống như tiếng nước bọt qua kẽ răng, như cơn thèm uống bất thình lình. Lặp lại cứ mười giọt một lần, đều nhau.”

Nhưng người làm vườn không bao giờ hài lòng với những dẫn giải bằng lời ấy. Vì vậy ông thiết kế ra một thứ giống như bản nhạc gồm những viên cuội sông nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau đặt trên một cái bàn lớn. Ông biết rất rõ rằng đống đá cuội đó, thứ với người khác chắc chỉ giống như cái chòi săn, ký hiệu mà chỉ mình ông hiểu, cũng là tấm bản đồ âm thanh khu vườn của ông mà ông có thể nhận ra khi sờ vào. Có những đêm, ông chợt nghe thấy giọng mình đang hát theo bản nhạc đó. Và đã hơn một lần, tiếng hát theo bản nhạc đó khiến ông thay đổi vị trí các lồng trong vườn, và thay đổi vị trí đống đá cuội.

Cảm động trước cường độ của một số âm thanh trong khu vườn, và kiêu căng tin chắc là mình đã tạo ra chúng, trong danh sách của mình, ông đặt tên mình cho một số âm thanh ông khám phá ra. Đó là những thứ do ông sáng tạo. Ai đã được nghe hẳn vô cùng thích thú những câu chuyện mà ông vẫn say mê kể về cái lồng này hay cái lồng kia, về những kỳ công của ông với tư cách là người đi săn cũng như người nuôi dạy con dế này hay con dế kia, hay về cuộc sống và thói quen của lũ dế của ông, cứ như thể Chuyện cổ tích Canterbury_(1), Décaméron_(2) hay Ngàn lẻ một đêm đều sinh ra ở vườn dế này.

Ông kiểm soát được rất nhiều trong số hàng trăm âm thanh côn trùng này và tái tạo lại chúng, nói một cách nào đó, ông gieo được chúng và thấy vô cùng vui sướng khi nghe thấy chúng nảy nở, chín muồi.

Đôi khi có điều thực sự đáng ngạc nhiên đã xảy ra: những thứ người khác nhìn thấy mà người mù chỉ có thể nhận ra khi sờ vào biến thành âm thanh đối với ông. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh và theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng đặc biệt là với một con dế đến Mogador bằng tàu thủy từ một thành phố xa xôi ở Guyane có tường thành bao bọc. Đó là một loại dế kỳ lạ, rất đẹp, ngang nhiên ngự trị trong khu vườn của ông. Cánh nó lộng lẫy rực rỡ hơn cánh bướm morpho, dài gấp hai lần thân hình vốn đã rất dài của nó. Bộ cánh đó có màu xanh lục, vàng và tím, và tiếng kêu của con côn trùng này khoe những màu sắc đó theo cách mà chỉ có người làm vườn nhận ra được.

Với ông, người vốn mù bẩm sinh, cũng như cha và ông nội mình, không gian không tồn tại nếu nó không có bất cứ thứ âm thanh nào. Ý tưởng về khu vườn câm là điều ông thậm chí không thể tưởng tượng ra. Những âm thanh nổi lên quanh ông, nảy nở, tạo thành những khu vườn, tạo thành bầu không khí ôm lấy ông, tạo thành những cảm giác về khoảng cách xa gần, sâu nông, về cảnh sắc âm thanh, về vẻ đẹp không với tới được, và cả về ham muốn nữa.

Chắc vì vậy mà một số người nói là người làm vườn không hề mù, mà chỉ thường xuyên nhắm mắt lại để làm tăng thêm cảm giác đi giữa những âm thanh đang nảy mầm, nở hoa hay đã đạt đến độ chín và chỉ chờ được hái.

Anh cứ nghĩ mãi về khu vườn ấy khi em chạm vào anh, mắt nhắm nghiền, và hơi thở của em hòa vào anh, phai đi. Khi tên anh gắn vào tên em, không sao đoán ra trong đêm tối. Khi anh và em không biết mình đang nói gì và khi sự dịu dàng làm tràn đầy trong ta những nguyên âm dài, những tiếng rên, những tiếng than thở, những vết xước âm thanh. Khi anh tìm những nụ cười của trăng trong em, cho đến tận trong những nếp gấp của những giấc mơ ngắn ngủi nhất. Khi anh tạo ra em và nghe em như khu vườn âm thanh của anh.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26513-lan-da-cua-dat-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận