Lá Cờ Ma Chương 3

Chương 3
Bí mật ẩn sâu dưới lòng đất

Trở về tòa soạn, tôi bắt tay ngay vào viết bài, ý văn ào ạt xuất hiện. Tôi kể lại tỉ mỉ lịch sử “khu ba tầng”, tất nhiên sự thật đã bị thôi thay hình đổi dạng: bốn anh em nhà họ Tôn trở thành ngươi sưu tập lá cờ và vác nó đi diễu phố mọi lúc mọi nơi; bậc đại học giả Chung Thư Đồng là chứng nhân lịch sử, đã từng mục sở thị bốn anh em nhà họ Tôn mà người đời cứ ngỡ là người nước ngoài vẫy một lá cờ vào đúng thời điểm quân Nhật ném bom oanh tạc; máy bay quân Nhật cho rằng đó là những người ngoại quốc vẫy lá cờ nước ngoài nên họ tránh không ném bom, nhờ vậy “khu ba tầng” được bảo vệ vẹn nguyên trong bom đạn như một huyền thoại.

Bởi có quá nhiều chi tiết tôi không thể đề cập đến nên bài viết của tôi thiếu sức hấp dẫn, may mà sự kiện “khu ba tầng” may mắn thoát nạn trong mưa bom bão đạn một cách li kì bản thân nó khá có sức hút, nhờ thế mà bài viết của tôi cũng khiến độc giả có thể chấp nhận được. Lẽ dĩ nhiên là nó không thể làm thỏa mãn lòng kì vọng của sếp Lam, vì thế tôi chẳng hề nghe thấy anh ta nhắc đến chuyện thưởng này thưởng nọ như anh ta vẫn nói.

Bác Chung Thư Đồng đồng ý sẽ không căn vặn tôi. Tôi cũng không lo lắng những người thấu tỏ sự tình như ông lão Dương Thiết và bác Phó Tích Đệ sẽ ra mặt nói rằng tôi đăng tin giả. Mà giả sử các bác ấy nghĩ thế thì tôi e, người đầu tiên ngăn cản hành động của họ chính là đám con cháu. Tôi tin chắc, không một người bình thường nào có thể tin lời các bác ấy, độc giả sẽ tin những điều tôi viết trong bài báo là gần với sự thật nhất.

Có một lá cờ ma ư? Ai tin được?

Nhiệm vụ mà sếp Lam giao phó coi như đã hoàn thành, nhưng công cuộc điều tra về “khu ba tầng” thì chỉ mới bắt đầu. Không chỉ vì tôi hứa với bác Chung Thư Đồng mà còn vì một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là mỗi khi trí tò mò bị kích thích, tôi không bao giờ dễ dàng bỏ cuộc khi chưa làm rõ sự thật.

Bởi thế tôi quyết định buổi chiều hôm tòa soạn ra số báo có đăng bài viết của tôi về “khu ba tầng”, tôi sẽ trở lại tòa nhà ba tầng trung tâm một lần nữa, ghé thăm người dở dại dở điên là bác Tiền Lục. Mặc dù bác Chung Thư Đồng đã nói, tôi không thể hỏi được điều gì, nhưng chỉ cần có một tia hi vọng tìm ra một chút manh mối nào đó, tôi sẽ không dễ dàng đầu hàng.

Tôi định bụng như thế thì buổi tối nhận được điện thoại của mẹ, mẹ bảo gần đây sức khỏe của bố mẹ đều kém đi, mẹ mong tôi có thể tới chùa Long Hoa thắp hương cầu phúc cho bố mẹ. Mẹ tôi vốn là người tín Phật.

Tôi đứng bên ngoài đại điện Bảo Hùng châm hương rồi bước vào trong điện, tới trước tượng Phật Tổ Như Lai bái lạy. Tuy tôi không phải là Phật Tử, nhưng tôi đứng trước Phật đài để cầu phúc cho bố mẹ nên tôi nghĩ, phải thật cung kính và chí tâm chí thành cầu nguyện.

Lúc ra khỏi chùa, đang đi tới tiền viện, tôi bất ngờ trông thấy một người làm tôi sững sờ. Nhưng người ấy đã mỉm cười và lên tiếng gọi tôi.

“Na Đa”.

Tôi vốn không có ý làm phiền vị trụ trì trẻ tuổi của chùa Long Hoa, không ngờ lại vừa hay gặp mặt.

“Tới đây rồi thì qua phòng thầy uống chén trà nhạt đã”, sư thầy Minh Huệ cười nói.

Sư thầy Minh Huệ mời tôi vào ngồi trong gian tiếp khách ngay cạnh phòng phương trượng. Đây không phải lần đầu tiên tôi tôi tới gian phòng sáng sủa này.

Tôi quen biết sư thầy Minh Huệ cũng là do công việc. Tuy tôi vẫn luôn nói mình là một phóng viên không có mối dây liên hệ nào, nhưng trên thực tế vẫn có một mối dây liên hệ, ấy là Ban Tôn giáo thành phố. Có điều, mối dây liên hệ này có hay không có cũng thế cả, vì tòa soạn có không ít quy định về vấn đề tôn giáo nên dường như cả năm không có tin bài liên quan, mà dẫu có cũng là những tin bài thống nhất đăng tải được duyệt đi duyệt lại nhiều lần, cứ sao chép lại cũng được. Hồi đầu, khi mới tiếp nhận mối dây liên hệ này, tôi vẫn thật thà tới phỏng vấn các mắt xích trên sợi dây đó. Tôi không những được chụp ảnh với các vị lãnh đạo của Ban Tôn giáo thành phố mà còn được coi là người nhà của nhiều chùa, miếu và nhà thờ lớn ở Thượng Hải. Tôi đã quen sư thầy Minh Huệ trong hoàn cảnh đó. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nhau nên về sau cũng hay đi lại, thỉnh thoảng đi qua chùa Long Hoa, tôi qua chỗ sư thầy ngồi chơi. Những người tu hành tuổi dưới bốn mươi thường rất khó trở thành người đứng đầu của một ngôi chùa hay nhà thờ lớn, tuy những năm gần đây có xu hướng trẻ hóa lãnh đạo, nhưng trở thành trụ trì một ngôi chùa lớn ở tuổi ba mươi lăm như sư thầy Minh Huệ thật sự không có nhiều.

“Biết là thầy bận nên con không có ý định làm phiền tới thầy”. Tôi nói lời thực từ đáy lòng, vì tôi biết trụ trì một ngôi chùa lớn như chùa Long Hoa có tới trăm công nghìn việc phải nhọc tâm, ngay một chút thời gian tĩnh tâm để nghiên cứu Phật pháp cũng không có nhiều, nói chi đến uống trà.

Sư thầy Minh Huệ mỉm cười: “Cũng bởi bận bịu suốt nên gặp con thầy mới có lý do để dừng lại uống trà đấy. Có điều, tuy nói là thầy bận nhưng thầy lại thấy con có việc đấy, vì thế mới không có lòng nào ngồi uống trà với thầy chứ”.

Tôi cười, sư thầy Minh Huệ nói cũng đúng.

Trong lúc uống trà, tôi kể qua câu chuyện về “khu ba tầng” với sư thầy Minh Huệ. Những người tôi có thể chia sẻ câu chuyện dị thường này có lẽ không nhiều và sư thầy Minh Huệ là một trong số những người hiếm hoi đó. Hoàn cảnh và địa vị của sư thầy khiến nhãn giới và tư tưởng của sư thầy khác hẳn với những người thưởng.

“Ồ, chuyện này đúng là một kì án đang còn dang dở đấy, khi nào con điều tra có kết quả, đừng quên tới đây uống trà với thầy lần nữa nhé”, sư thầy Minh Huệ tràn trề cảm hứng với câu chuyện.

Tôi nhận lời và bất giác nhớ tới một chuyện. Tuy sư thầy Minh Huệ chưa chắc đã biết nhưng gặp rồi thì cứ thử hỏi xem sao.

“À đúng rồi, thầy có biết một người tên là Viên Thông không ạ?”

“Viên Thông à?”

“Con tiện thì bạch thầy thế thôi. Ông ấy là khách cũ của ‘khu ba tầng’, hiện nay đã hoàn tục rồi. Viên Thông là pháp danh của ông ấy từ hơn 60 năm trước, khi chưa hoàn tục”.

Sư thầy Minh Huệ tỏ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi: “Nếu quả đúng là ông ấy thì con người này là một nhân vật không tầm thường đâu đấy”.

“Ồ, vậy hả thầy?”, tôi khấp khởi mừng thầm, vội vã dỏng tai lên nghe.

“Khoảng 70 năm về trước, trong chùa Ngọc Phật có một tăng nhân tên là Viên Thông”.

“Chuyện qua lâu như vậy làm sao mà thầy biết được, không lẽ khả năng thiên phú của thầy đã đạt tới trình độ cao siêu đó rồi ạ?” Tôi mỉm cười hỏi. Sư thầy Minh Huệ được mệnh danh là thiên tài trong giới Phật học, tuy còn trẻ tuổi nhưng đã cực kì tinh thông giáo lý nhà Phật, ngộ tính rất cao, nếu không sư thầy đã không ngồi ở ngôi cao như bây giờ.

“Khà khà, so với Viên Thông, thầy chẳng thấm vào đâu. Năm mười hai tuổi Viên Thông đã thuộc làu Phật điển trong chùa, năm mười bốn tuổi được phương trượng vinh danh là Đệ nhất Phật pháp chùa Ngọc Phật, năm mười bảy tuổi, tại Đại hội Phật giáo được tổ chức tại Ngũ Đài Sơn, Viên Thông tỏ rõ tài năng hơn người. Các vị cao tăng tham gia Đại hội đều hết lời khen ngợi Viên Thông, tán xưng Viên Thông là tăng nhân có Phật pháp cao nhất thời đó. Không những thế, Viên Thông còn có một khả năng siêu phàm”.

“Ồ”, thật không ngờ ông lão Tô Miễn Tài năm xưa lại nổi danh thiên hạ đến thế. Cũng đúng thôi, ba người mà bốn anh em nhà họ Tôn mời về hẳn nhiên là những bậc kì tài xuất chúng, có điều tôi không biết ông lão Trương Khinh có tiểu sử thế nào. Còn nữa, bốn anh em nhà họ Tôn mời một cao tăng trẻ tuổi như Viên Thông với mục đích gì?

Trong lúc tôi băn khoăn với những câu hỏi trong đầu thì sư thầy Minh Huệ đã tiếp tục và thắc mắc của tôi từ từ được giải đáp theo lời kể của ngài.

“Khả năng siêu phàm đó là biểu hiện cao nhất của Phật tính trong con người Viên Thông. Người ta kể lại rằng, khi Viên Thông ngồi tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất, vị cao tăng này có thể giao lưu với chư Phật, không những tinh tấn giáo lý nhà Phật mà còn có thể tiên đoán một số sự việc”.

“Tiên đoán một số sự việc ư?” Ra là thế. Bốn anh em nhà họ Tôn mời Viên Thông tới ở trong “khu ba tầng” đương nhiên không phải vì muốn cùng bậc cao tăng đàm đạo Phật pháp, mà rõ ràng là vì họ có việc cần tới khả năng tiên đoán của ngài. Có điều, tại sao một vị cao tăng có Phật pháp cao nhất một thời cuối cùng lại hoàn tục, không biết năm đó ngài ấy đã tiên đoán được điều gì?

Qua cuộc trò chuyện với sư thầy Minh Huệ, tôi biết được thân phận thật sự của Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài. Buổi chiều, tôi tới tòa nhà trung tâm và thay đổi ý định ban đầu, tôi lên tầng ba, gõ cửa nhà bác Tô Miễn Tài trước.

Bác Tô Miễn Tài mở cửa, trông thấy tôi, bác ngỡ ngàng một lúc, nhưng bác vẫn lịch thiệp mời tôi vào trong phòng.

“Cháu chào bác ạ, cháu đã tới thăm bác Chung Thư Đồng, bác ấy có kể cho cháu nghe về mối quan hệ của bác ấy với bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa và bảo, bản thân bác ấy rất muốn biết sự thật của câu chuyện ngày ấy, cháu cũng rất hiếu kì, vì thế, hôm nay cháu lại tới làm phiền bác”.

“Ồ…”, bác Tô Miễn Tài trầm ngâm không nói.

“Đại sư Viên Thông, phong thái của ngài trong Đại hội Phật giáo tại Ngũ Đài Sơn năm xưa khiến cho các bậc tiền bối trong giới Phật học tới tận bây giờ vẫn còn thở dài tiếc nuối khôn nguôi”, tôi nói thẳng tuột thân phận của người đứng trước mặt rồi thôi không cất lời nữa.

“Không ngờ tới tận bây giờ vẫn còn có người nhớ tới tôi”, gương mặt ông lão Tô Miễn Tài lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ, ông lão không sao tưởng tượng nổi, chỉ sau mấy ngày, tôi đã biết được nhiều sự thật như thế.

“Việc ngài bất ngờ hoàn tục khiến không biết bao nhiêu vị cao tăng đại đức phải ngậm ngùi tiếc nuối”. Tôi không hề đả động tới chuyện bốn anh em nhà họ Tôn hay lá cờ ma, mà chọn chủ đề này trước, vì nếu tôi đoán không nhầm thì việc đại sư Viên Thông hoàn tục chắc chắn có liên quan tới bốn anh em nhà họ Tôn, hoặc chủ đề này có lẽ là một điểm đột phá tốt hơn hai chủ đề kia.

Ông lão Tô Miễn Tài khép hờ đôi mắt, thở dài: “Sáu mươi bảy năm về trước, cõi lòng tôi đã vương bụi trần tục, bao nhiêu ngày tháng qua, không một giây phút nào tôi không phản tỉnh về sai lầm của mình năm xưa, những mong có thể gột rửa thật sạch tâm hồn mình”.

Điểm đột phá đã mở, ông lão Tô Miễn Tài thôi không giữ bí mật nữa, kể cho tôi nghe tất cả những điều ông biết.

Đầu năm năm 1937, bốn anh em nhà họ Tôn tới chùa Ngọc Phật gặp riêng nhà sư Viên Thông. Bốn anh em bày tỏ nguyện vọng có thể thỉnh mời cao tăng Viên Thông tới “khu ba tầng” tu hành một năm, để báo đáp ân tình của ngài, họ nguyện công đức tiền đúc tượng Phật bằng vàng trong chùa và trùng tu lại chùa.

Đó là một việc làm đại công đức, hơn nữa bản thân nhà sư Viên Thông cho rằng, tu trì ở nơi nào cũng như nhau nên ngài nhận lời sau khi xin ý kiến của phương trượng.

Sau khi Đại sư Viên Thông tới sống trong “khu ba tầng”, bốn anh em nhà họ Tôn hi vọng đại sư mỗi ngày có thể ngồi trong phòng thiền định một lần và thông báo với họ dự cảm trong ngày của đại sư. Với Đại sư Viên Thông, tham thiền nhập định là việc phải làm mỗi ngày, bởi thế ngài hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị này. Từ đó, mỗi ngày bốn anh em nhà họ Tôn đều cử một người tới thăm viếng Đại sư Viên Thông, hỏi ngài tình hình nhập định trong ngày, để biết ngài có dự cảm gì hay không.

Đại sư Viên Thông không có bất kì yêu cầu nào đối với việc ăn ở hàng ngày. Thời gian cứ thế trôi, Đại sư Viên Thông ngồi trong phòng tu hành, so với lúc ở trong chùa Ngọc Phật, ngài chỉ thấy mình thay đổi chốn nương thân mà không có bất kể sự khác biệt nào trong việc tu hành Phật pháp.

Tuy Đại sư Viên Thông mang theo tâm thái đó tới ở và tu hành trong “khu ba tầng” nhưng ngài nhận ra, dự cảm của mình sau mỗi lúc nhập định ngày một ít dần. Ở nơi này dường như có một thứ gì đó khiến ngài không thể dễ dàng tham thiền nhập định tới tầng sâu nhất giống như ở trong chùa Ngọc Phật lúc trước, hoặc giả có một sức mạnh nào đó chi phối sự giao lưu của ngài với những sự vật chưa được biết trong thế giới u minh.

Lâu dần, ngài cảm nhận sức mạnh ngăn trở sự giao lưu của ngài xuất phát từ mảnh đất nơi ngài đang gửi mỉnh. Một đôi lần, sau khi nhập định, ngài mơ hồ cảm nhận, dưới lòng đất có một thứ gì đó khiến ngài run sợ.

Khi ngài chia sẻ cảm nhận với bốn anh em nhà họ Tôn, bốn anh em không có biểu hiện bất ngờ nào, họ chỉ hỏi ngài về cảm nhận cụ thể của ngài, nhưng ngay cả bản thân ngài cũng cảm thấy, dự cảm ấy rất mờ mịt.

Sau khi phát giác sức mạnh kì lạ từ trong lòng đất, Đại sư Viên Thông càng ngày càng khó tĩnh tâm thiền định, ngài cảm nhận cảnh giới của mình từ từ, từ từ giảm dần, tới mức ngài hoài nghi không biết bản thân mình có phải đã bị tâm ma dần xâm chiếm. Ngài thường xuyên hỏi mình có nên quay về chùa Ngọc Phật hay không, nhưng ngặt vì lời hứa với bốn anh em nhà họ Tôn nên rốt cuộc ngài không nói ra ý định ấy.

Một ngày đầu tháng 9 năm 1937, Đại sư Viên Thông tỉnh lại sau khi nhập định, mồ hôi đầm đìa khắp người, cảm giác trống rỗng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Mấy tiếng sau, khi Tôn Diệu Tổ tới thăm, ngài vẫn đang trong tình trạng ấy.

“Các thí chủ có thể tới đó”, Đại sư Viên Thông chia sẻ dự cảm của mình. Đã từ rất lâu rồi, ngài không có được dự cảm tương đối rõ ràng như thế, dù vậy, bóng tối vẫn bao trùm quanh dự cảm của ngài.

“Dạ vâng thưa đại sư”, Tôn Diệu Tổ gật đầu, “sau đó thì sao ạ?”

“Sẽ xảy ra một số chuyện”.

“Sao cơ ạ?” Nét mặt của vị huynh trưởng nhà họ Tôn lúc này vừa phấn khích, vừa chờ đợi, vừa căng thẳng.

Những giọt mồ hôi lạnh lại tràn trề trên trán Đại sư Viên Thông, ngài nhắm mắt lại và nói: “Không lành, dự cảm của bần tăng rất không lành”.

Tôn Diệu Tổ trầm ngâm hồi lâu rồi đứng dậy cáo từ.

Hôm sau, bốn anh em nhà họ Tôn không tới viếng thăm Đại sư Viên Thông như thường lệ. Và từ đó trở đi, họ không bao giờ tới nữa. Về sau, mỗi lần Đại sư Viên Thông ngồi xuống tham thiền nhập định, ngài lại thấy tâm ma bùng lên, không thể thiền định, càng không thể giao lưu với thế giới u minh để cảm nhận trước sự việc.

Không thể nhập định là một sự đả kích vô cùng lớn đối với Đại sư Viên Thông. Ngài ngẫm lại chuyện ngày trước và nhận ra rằng, kể từ khi bị bốn anh em nhà họ Tôn lấy việc đại công đại đức làm lễ vật, ngài đã thấy mình sinh lòng tham được mất, mà tâm ma không thể tự phản tỉnh, để đến mức rơi vào cảnh ngộ này, bản thân không còn thích hợp nương nhờ cửa Phật, bởi thế, ngài lặng lẽ hoàn tục. Bao nhiêu năm qua, tuy là một người trần tục nhưng ngài vẫn ăn chay niệm Phật, làm việc thiện và thường xuyên chép kinh Phật, những mong có thể gột rửa sạch tâm hồn.

Tôi vừa lắng nghe vừa thầm thở than trong bụng. Tôi vẫn nghĩ, việc con người ta có thể cảm nhận trước một số chuyện xảy ra trong tương lai chưa hẳn đã có mối dây liên hệ với Phật tính, vì những người hoàn toàn không tin vào Phật nhưng vẫn có khả năng này thì tôi đã gặp, đã nghe nói đến nhiều. Hơn nữa, không ít người từng trải qua cảnh “tôi đã từng mơ thấy tình cảnh hiện giờ”. Tuy khoa học hiện đại ngày nay vẫn chưa thể giải thích được khả năng tiên đoán sự việc tương lai này, nhưng như thế không có nghĩa chắc chắn nó có sự liên quan tất yếu với tôn giáo. Hẳn nhiên, Đại sư Viên Thông là một người kiệt xuất, vì chỉ những nhân tài kiệt xuất mới có được những thành tựu đáng kinh ngạc, song đôi khi họ lại đi sai đường vì chính sự kiệt xuất của mình.

Cuối cùng, tôi cũng không kìm nén được, trước khi cáo từ ra về, tôi hỏi ông lão Tô Miễn Tài sau một hồi đắn đo: “Thưa thầy, theo con nghĩ, có phải thầy đã trì niệm quá mức không, những người xuất gia tu trì Phật pháp được như thầy trong giới Phật học ngày nay ít lắm, mà chuyện năm xưa có quá nhiều điều không rõ ràng, đâu phải là vấn đề của mỗi bản thân thầy đâu ạ”.

Dường như cảm thấy những lời tôi nói là đúng, Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài khẽ gật đầu.

Xem ra, bốn anh em nhà họ Tôn dựa dẫm vào Đại sư Viên Thông nhiều hơn vào nhà sử học Chung Thư Đồng, tuy thế bậc cao tăng một lòng hướng Phật không màng tới thế sự bên ngoài năm xưa lại không giúp ích nhiều cho tôi như bác Chung Thư Đồng. Chuyện Tô lão tiên sinh Tô Miễn Tài kể với tôi chỉ càng làm cho kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn ngày ấy thêm phần kì bí, khó hiểu.

Rõ ràng, mục đích của họ không hề nhỏ, nếu không họ đã chẳng bỏ qua lời cảnh báo của Đại sư Viên Thông như thế. Ngẫm kĩ thì cũng đúng thôi, họ đã chi biết bao nhân lực vật lực cho kế hoạch ấy, xây nhà, di dân đi nơi khác, làm sao họ có thể từ bỏ chỉ vì một câu nói của Đại sư Viên Thông được, cùng lắm là họ phải chuẩn bị nhiều hơn, cảnh giác nhiều hơn.

Theo cảm nhận của Đại sư Viên Thông thì hình như mảnh đất dưới chân tôi ẩn giấu điều gì đó cổ quái?

Nghĩ miên man như thế, tôi đã đặt chân xuống tầng một từ lúc nào.

Tôi đứng trước cửa cầu thang cân nhắc một lúc, tuy đôi mắt đã quen với luồng ánh sáng ảm đạm của tầng một nhưng vẫn còn nhiều chỗ chưa nhìn rõ. Tôi đi khắp một lượt rồi xác định mục tiêu ở chỗ tối nhất, nơi tôi đã từng nghĩ đó là cửa ra vào của nhà bếp tập thể.

Tôi đi tới phía trước, quả nhiên có một cầu thang nhỏ dẫn xuống dưới. Bên dưới là một khoảng không gian đen đặc dù lúc này đang là ban ngày, chứng tỏ ở đó không có bất kể một khung cửa sổ nào để đón ánh sáng. Tôi quan sát xung quanh, ấn mấy cái công tắc, không thấy có phản ứng nên đành dò dẫm trong bóng tối, cẩn thận từng li từng tí.

Tôi từ từ mò xuống theo từng bậc thang, tới chân cầu thang thì thấy một cánh cửa.

Tôi gõ cửa. Không có động tĩnh. Tôi phát hiện cánh cửa chỉ khép hờ.

Tôi đẩy cánh cửa, bên trong có lẽ là một gian phòng ngầm. Ở đây vẫn tối đen như hũ nút.

Tôi đi vào bên trong, chưa được mười bước, bàn chân tôi đá phải vật gì đó mà âm thanh của nó vang rất to giữa không gian im phăng phắc của gian phòng ngầm, tiếp theo đó là một giọng khàn khàn từ phía sau vọng lại:

“Ai đấy?”

Tôi giật mình đánh thót, không để ý xem bàn chân vừa đá phải vật gì, bèn quay người về phía vừa phát ra giọng nói, chỗ đó có lẽ là một chiếc giường và người vừa lên tiếng đang nằm trên giường.

“Dạ thưa, bác Tiền phải không ạ? Xin lỗi bác, cháu là Na Đa, phóng viên của báo ‘Ngôi sao buổi sớm’, cháu mạo muội làm phiền bác vì muốn hỏi bác một số chuyện liên quan tới tòa nhà này”.

Gian phòng lặng như tờ.

Tôi chờ một lúc rồi cất tiếng hỏi: “Tiền lão tiên sinh?”

“Tiền… Tiền Lục?”

Một tiếng cười trầm đục vang lên.

Tôi cảm thấy rờn rợn, liệu ông ấy có điên thật không nhỉ?

“Anh là ai?”, ông lão Tiền Lục đột ngột hỏi sau khi dứt điệu cười.

Xem chừng phải cho ông lão uống một liều thuốc mạnh. Tôi trấn tĩnh lại, nói: “Đại sư Viên Thông nhờ cháu tới hỏi bác, bốn anh em nhà Tôn Diệu Tổ ở đó có khỏe không ạ? Đại sư Viên Thông muốn tới thăm họ”.

“Tôn… Tôn…”, giọng nói đó bỗng trở nên gấp gáp.

“Còn cả Tôn Hoài Tổ, Tôn Huy Tổ, Tôn Niệm Tổ nữa, mấy ngài ấy ở đó có khỏe không ạ?”, tôi tiếp tục nói. Nếu đầu óc của ông lão Tiền Lục trở nên mơ hồ thì chí ít những cái tên này cũng sẽ khơi dậy trí nhớ của ông lão.

“Đại gia, nhị gia…”

Tôi đã có thể khẳng định, ông lão đang nằm trên chiếc giường ở phía đối diện với tôi thần trí không rõ ràng.

Tôi khẽ khàng bước lên phía trước, hỏi lớn: “Mấy ngài ấy và lá cờ đó đã đi đâu?”

“Hây hây hây, đi rồi… đi rồi…, ha ha ha”.

Tôi lắc đầu. Bầu không khí ở đây quả thật rất quái dị. Trong lòng tôi đã vang lên “tiếng trống thu binh”, xem ra tôi không thể moi được thông tin nào từ lão già này rồi.

Lúc quay trở lại cửa phòng, tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt vang lên trên giường. Tôi ngoái đầu lại nhìn, hình như ông lão Tiền Lục đã ngồi dậy.

“Anh đi đi, ở chỗ đó, đi đi”, đôi tay lão huơ huơ trong bóng tối, cả thân mình lờ mờ chuyển động.

“Đi đâu cơ ạ?”

“Ra quân chưa thắng thân tan trước - Mãi để anh hùng tay áo ướt[1]”, ông lão Tiền Lục đột nhiên khóc nấc lên, giọng nghẹn ngào.

[1] Nguyên văn: “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử - Trường thử anh hùng lệ mãn khâm”, cũng có thể dịch thành “Ra trận chưa thắng thân đã mất - Mãi để anh hùng lệ rơi đầy”.

“Anh đi đi, tới chỗ đó, đi đi”, cánh tay ông lão đung đưa một hồi rồi lão ngã vật xuống giường nín lặng.

Lúc ra khỏi tòa nhà ba tầng trung tâm, tôi mới thấy người ấm lên một chút.

“Ra quân chưa thắng thân tan trước - Mãi để anh hùng tay áo ướt”, câu thơ ấy là nỗi xót xa của ông lão Tiền Lục với bốn anh em nhà họ Tôn hay là do lão cảm khái bật ra khi nghe thấy câu hỏi của tôi?

Cứ cho là tôi đã gợi ý cho lão đi nữa thì câu thơ này vẫn vô cùng tối nghĩa. Hoặc cứ cho là ông lão Tiền Lục muốn gợi mở cho tôi thì trông bộ dạng của ông lão, lời gợi ý này rốt cuộc có liên quan gì đến câu trả lời cuối cùng? Không ai có thể giải thích tỏ tường được.

Trở về tòa soạn, tôi gọi điện cho anh chàng Triệu Duy ở Thư viện Thượng Hải, dặn anh ngày mai tôi tới thư viện tra tìm một ít tư liệu, tư liệu lần trước đơn giản quá, lần này tôi muốn tìm kiếm thêm nhiều tư liệu nữa, nhất là những tư liệu liên quan đến người xây dựng “khu ba tầng”.

Tôi nghĩ, bốn anh em nhà họ Tôn khoanh vùng phạm vi và xây bốn tòa nhà ba tầng ở bến Thượng Hải, quy mô hành động không hề nhỏ, chắc chắn họ phải có mối quan hệ bang giao với các cơ quan chính quyền. Lần đầu khi tra cứu tư liệu, tôi không ngờ “khu ba tầng” lại ẩn giấu nhiều bí mật sâu kín đến thế, nên ngay cả khi xem bức ảnh, tôi chỉ bàng hoàng đôi chút chứ trong lòng không hề nghĩ nó sẽ ngang tầm với những trải nghiệm của tôi trước đó. Lúc sau, khi bước vào phỏng vấn những người liên quan và điều tra sâu hơn, tôi mới ý thức được mình đang khám phá một bí mật to lớn đến nhường nào.

Nếu có thể tìm được tư liệu liên quan tớibốn anh em nhà họ Tôn thì tôi sẽ có thêm nhiều manh mối và nhiều cách tiếp cận để phân tích toàn bộ sự việc.

Hôm sau, khi tới Thư viện Thượng Hải, Triệu Duy dẫn tôi vào phòng làm việc của anh ta.

“Anh vào mạng nội bộ của chúng tôi tìm xem thế nào, nếu không tìm được thì để tôi nghĩ cách khác”.

“Sao lại ưu ái tôi thế?”, tôi tủm tỉm nhìn Triệu Duy mở mạng nội bộ, nhập mật mã và đăng nhập vào website nội bộ của Thư viện Thượng Hải.

Website nội bộ của Thư viện Thượng Hải là một dự án được bắt đầu thực hiện từ khá lâu, với mục đích đưa dữ liệu của hàng triệu cuốn sách mà thư viện lưu giữ vào trong máy tính và xây dựng một quy trình tìm kiếm để giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm. Dự án này bao quát cả một khối công việc đồ sộ, nên tuy người sử dụng đã có thể tìm thấy danh mục điện tử của những cuốn tiểu thuyết hay các tác phẩm đương đại, nhưng nếu muốn tìm kiếm nhiều hơn thì phải rà lần lượt và đối chiếu từng tí một. Bởi vậy, qua mấy năm thực hiện, tới tận bây giờ, dự án này vẫn chưa hoàn thành được non nửa. Ngay cả khi hoàn thiện dự án, trang mạng nội bộ của thư viện cũng không để mở hoàn toàn cho người sử dụng tra tìm dữ liệu, nói chi đến khi dự án chưa hoàn thành như bây giờ.

“Thực ra thì chúng tôi đã hoàn thành xong phần hệ thống từ lâu rồi, công việc bây giờ chỉ là nhập dữ liệu chi tiết vào thôi. Sách lịch sử, sách khoa học, địa chí các địa phương… được nhập trước nên bây giờ có thể tra cứu rồi”, Triệu Duy mở giao diện, đứng dậy nói với tôi.

Tôi vào danh mục tìm kiếm, gõ chữ “khu ba tầng”, cách một khoảng cách trống rồi gõ tiếp “anh em nhà họ Tôn”, ngẫm nghĩ một lúc, tôi sửa cụm từ “anh em nhà họ Tôn” thành “Tôn Diệu Tổ”.

Rồi nhấp chuột vào nút tìm kiếm.

Có bốn dòng thông tin liên quan tới “khu ba tầng”, liệt kê những cuốn sách ghi chép các công trình kiến trúc cũ, trong đó có cuốn “Những công trình kiến trúc cũ của Thượng Hải” tôi đã xem lần trước. Tôi nghĩ, nội dung của những cuốn sách này đều từa tựa nhau.

Không có dòng thông tin nào viết đồng thời về “khu ba tầng” và Tôn Diệu Tổ, nhưng có một dòng thông tin liên quan tới Tôn Diệu Tổ

Đó là cuốn “Sạp Bắc năm 1937”.

Trong sách ghi chỉ đúng nội dung: “Một người tên là Tôn Diệu Tổ đã thực hiện dự án lấp ao Khâu Gia để xây vườn hoa Sạp Bắc với danh nghĩa hỗ trợ chính quyền. Công trình này được khởi công vào tháng 2, tới tháng 9 thì hoàn thành”.

Sạp Bắc, năm 1937, tháng 2 khởi hành, tháng 9 hoàn thành, Tôn Diệu Tổ, từ thời gian và địa điểm ghi trong sách có thể xác định người này chính là người anh cả Tôn Diệu Tổ trong bốn anh em nhà họ Tôn.

Ngón tay của tôi lẹ làng lướt trên màn hình máy tính, nếu tôi đoán không nhầm thì cái ao Khâu Gia này cũng giống như bãi Triệu Gia, là một cái ao tù nên việc lấp ao xây vườn hoa quả là một nghĩa cử cao đẹp, tạo phúc cho những người dân xung quanh.

Nhưng vì bốn anh em nhà họ Tôn hành động kì quặc và bí ẩn nên tôi không thể nào tin rằng họ lại vô duyên cớ làm một việc công ích cho xã hội như thế.

Cái ao Khâu Gia này có mối quan hệ như thế nào với “khu ba tầng”?

Tôi gọi Triệu Duy, chỉ cho anh ta xem mẩu thông tin vừa rồi.

“Chính phủ Quốc dân thời đó liệu có văn bản ghi chép về những sự việc như thế này không nhỉ?”

Triệu Duy gật đầu: “Có lẽ sẽ có những văn bản như Biên bản ghi nhớ chẳng hạn”.

“Có cách nào tìm được văn bản ấy không?”

“Những văn bản như thế này hiện vẫn lưu trữ trong thư viện, có điều, thứ nhất là lượng tài liệu nhiều quá, tìm rất mất thời gian; thứ hai là…”, vẻ mặt Triệu Duy hơi khó coi một chút.

“Không sao đâu, cứ có văn bản để tra tìm la tốt rồi, để tôi đi tìm Âu Dương Hưng và nói với anh ấy một tiếng”.

Nếu mấy vị lãnh đạo biết được Triệu Duy trực tiếp đưa tôi đi tìm đọc những tài liệu đã được lập hồ sơ và niêm phong lưu trữ thì anh ta thật khó ăn khó nói. Tôi bèn gọi điện cho Âu Dương Hưng, phó giám đốc thư viện. Âu Dương Hưng là người thích xuất đầu lộ diện, anh ta thường tham gia những cuộc họp báo về việc đăng tải tin quan trọng, tôi đã chụp ảnh cùng anh ta mấy lần, cũng có thể coi là quen biết.

Việc tôi nhờ cũng không lớn lắm, Âu Dương Hưng vui vẻ gật đầu, bảo để Triệu Duy trực tiếp đưa tôi đi, nhưng dặn lại tôi chỉ được tra cứu, không được mượn về.

Chúng tôi mở cánh cửa lớn của khu nhà B là nơi lưu trữ các hồ sơ văn bản, một thứ mùi riêng có của đống giấy chất lâu ngày xộc thẳng vào mũi, khiến mũi tôi hơi ngưa ngứa.

Triệu Duy dẫn tôi đến tủ sách ở hàng số 5, chỉ vào một tủ sách sắt phía trước mặt tôi nói: “Ở trong này đấy. Nhưng anh phải tự tìm nhé, tôi còn cả núi việc phải giải quyết, mà anh nhớ đừng làm lộn xộn nhé, lấy ở đâu thì cất lại vào chỗ đó hộ tôi”.

“Tất nhiên rồi”, ngoài miệng tôi tới tấp đồng ý mà trong lòng thì âm thầm kêu khổ, một đống sách lớn như vậy, biết tìm đến bao giờ!

Hai tiếng sau, tôi bước chân ra khỏi Thư viện Thượng Hải, tới siêu thị Lawson ngay bên cạnh mua hai hộp cơm ăn cho qua bữa. Sau đó, tôi tìm một salon tóc để vào gội đầu, mấy ngày chưa gội, lại hì hụi lật giở đống tài liệu của thế kỉ 20 lúc ban sáng, khiến người tôi dính đầy bụi bặm, đầu tóc ngứa ngáy khó chịu.

Bàn tay của anh thợ gội đầu tác động một lực rất vừa phải lên da đầu làm tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu, những việc nhỏ nhặt như thế này lại khiến người ta thấy sảng khoái, thật tuyệt vời biết bao!

Sau khi xả nước và lau khô tóc, anh thợ gội đầu bắt đầu mát xa. Tôi bảo anh nên chú ý mát xa phần vai và cổ, dùng lực thật mạnh vì những người phải làm việc lâu với máy tính như tôi, tuy còn trẻ nhưng đốt sống cổ đã bắt đầu trục trặc rồi.

Anh thợ gội ấn mạnh đến mức tôi phải nghiến răng nghiến lợi, nhưng lại cảm thấy rất đã. Phần vai được thư giãn nhiều, đầu óc lại bắt đầu vận động, những thông tin có được lúc ban sáng giúp tôi quay ngược thời gian, mơ hồ cảm nhận được kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa.

Buổi chiều tôi nhận được nhiệm vụ của tòa soạn. Độc giả gọi điện tới đường dây nóng phản ánh bà lão nhà bên suốt ngày nhặt đồ thiu thối mang về nhà khiến cả một tầng lầu bốc mùi nồng nặc. Phần lớn thời gian của những phóng viên cơ động là dành để tìm hiểu và đưa tin về những vấn đề mà độc giả phản ánh tới đường dây nóng. Những lúc không có nhiệm vụ quan trọng, ngay cả một phóng viên gạo cội như tôi cũng bị xoay như chong chóng bởi những cuộc điện thoại do nhân viên trực tổng đài đường dây nóng thông báo, giống hệt như mấy cô cậu phóng viên tẹp nhẹp mới chân ướt chân ráo về tòa soạn.

Phỏng vấn xong tôi về tòa soạn viết bài. Buổi tối tôi ăn luôn ở tòa soạn. Mỗi phóng viên đều có trong tay dăm ba số điện thoại mua hàng bên ngoài ở những cửa hàng gần tòa soạn, lâu dần mọi người giao lưu với nhau để cho giản tiện, bớt rườm rà phức tạp, những đồ còn lại đều là hàng chất lượng. Hôm nay tôi gọi món sủi cảo Đông Bắc, vỏ mỏng nhân thơm.

Về tới nhà đã gần 9 giờ tối, tôi bật máy tính vào mạng như thường lệ. Thời gian trôi vèo trong khi tôi chat trên MSN và xem Đông Du Ký. 10 giờ, tôi bật truyền hình vệ tinh, nó giúp tôi xem được nhiều chương trình truyền hình của Đài Loan. Từ 10 giờ đến 11 giờ mỗi tối, tôi đều phải xem chương trình “Khang Hy đến” của đài truyền hình tổng hợp Trung Thiên, hai MC là tiểu S và Thái Khang Vĩnh phối hợp rất ăn ý với nhau, kẻ tung người hứng. Những kênh truyền hình của Trung Quốc đại lục không có chương trình trò chuyện nào thú vị như vậy, cả ngàn chương trình đều rập khuôn giống nhau, càng xem càng nhảm.

11 giờ, tôi tắt ti vi và máy tính, ngồi trước bàn viết, giơ cuốn Sổ tay công tác ra.

Cuốn sổ kẻ ô vuông từ bao năm rồi vẫn chẳng đổi thay này tôi nhận từ phòng hành chính của tòa soạn. Hàng tháng, mỗi phóng viên đều được cấp phát một cuốn sổ. Nhiều phóng viên không tới phòng hành chính nhận sổ, vì kiểu sổ này thời nay trông quê kệch và xấu xí, khi phỏng vấn lấy ra ghi chép rất mất mỹ quan, mà nó lại nhỏ quá. Phóng viên chúng tôi thích dùng sổ to, không phải lật giở nhiều, đỡ ảnh hưởng tới tốc độ viết.

Tôi nhận cuốn Sổ tay công tác này không phải để ghi chép khi phỏng vấn mà để ghi vào cuốn sổ tay nho nhỏ rất đỗi tầm thường đó những sự việc không tầm thường.

Cũng giống như học trò viết nhật ký hàng ngày, chỉ cần điều kiện cho phép, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều ghi lại vắn tắt những sự việc liên quan xảy ra trong ngày. Tôi làm như thế có hai mục đích, một là để làm cho đầu óc tỉnh táo, giúp tôi lần tìm manh mối, tiếp cận chân tướng sự việc; hai là để làm cơ sở cho cuốn “Bút ký Na Đa” mà từ nay về sau tôi sẽ chính thức viết.

“Thứ ba, ngày 15 tháng 6 năm 2004,

Tìm được thông tin về bốn anh em nhà họ Tôn lấp ao Khâu Gia xây dựng công trình vườn hoa Sạp Bắc.

Tìm thấy Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa bốn anh em nhà họ Tôn với chính quyền địa phương.

Biên bản ghi nhớ nêu rõ, bốn anh em nhà họ Tôn giúp chính quyền xây dựng công trình này vô điều kiện. Lấy danh nghĩa là đào hầm trú ẩn dưới nền nhà, phần đất thừa dùng để lấp ao Khâu Gia.

Với chính quyền, đó là cái cớ để người thiện làm việc thiện, không cần phải truy cứu”.

Tôi dùng bút gạch hai gạch dưới cụm từ “hầm trú ẩn”.

Hầm trú ẩn ư? Lấy đâu ra hầm trú ẩn? Nếu có hầm trú ẩn thật sự thì tại sao khi quân Nhật ném bom, người ta không trốn dưới đó?

Câu trả lời rất đơn giản. Bốn anh em nhà họ Tôn đào thứ gì đó dưới nền đất của “khu ba tầng”. Có thể họ đào đường hầm nhưng tuyệt đối không phải là hầm trú ẩn. Hầm trú ẩn có những tiêu chuẩn riêng, sức chống đỡ của mỗi một cen ti mét vuông đều có yêu cầu tương ứng, không phải người ta cứ tùy tiện đào một cái hầm thì được gọi là hầm trú ẩn. Bởi vậy, khi quân Nhật ném bom, bốn anh em nhà họ Tôn mới lo lắng đến thế, họ sợ công trình họ đang thực hiện dưới mặt đất kia sẽ bị ảnh hưởng bởi trận bom. Lúc ấy, họ đang cách thành công rất gần, rất gần rồi.

Tôi liên tưởng tới lời kể của bác Chung Thư Đồng. Tôi đã biết thứ mà bác nhìn thấy nhưng không rõ cụ thể là vật gì trong sớm tháng năm năm ấy. Thứ người ta chất lên xe đẩy rồi đẩy ra khỏi khu nhà chính là đất được đào lên từ dưới nền nhà. Đám công nhân đào đất vào buổi tối và vận chuyển tới cái ao Khâu Gia cách đó không xa, đổ xuống để lấp ao để xây vườn hoa.

Có cái ao Khâu Gia làm lá chắn, lượng đất khổng lồ đào lên từ dưới nền nhà sẽ có điểm đến hợp pháp. Nếu tôi đoán đúng thì lượng đất đào lên từ dưới nền nhà “khu ba tầng” lớn hơn gấp nhiều lần lượng đất người ta đào lên khi làm hầm trú ẩn. Giả sử không có cái ao Khâu Gia làm lá chắn, sớm muộn người ta cũng thấy hành động của bốn anh em họ Tôn thật kì lạ.

Vừa là một việc làm công ích vừa có thể che đậy vết chân ngựa to lớn.

Kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn thật chu đáo và tỉ mỉ vô cùng.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm thế nào để đặt chân vào công trình ngầm dưới đất ấy?

Bác Chung Thư Đồng và bác Tô Miễn Tài đều không biết lối vào, không biết lão Trương Khinh gàn dở, người luôn không chịu phối hợp với tôi có biết không nhỉ?

Dù thế nào đi nữa thì ông lão Tiền Lục chắc chắn phải biết.

Lòng tôi bất giác rung động, tôi bèn viết một câu vào trong cuốn sổ.

“Ra quân chưa thắng thân tan trước - Mãi để anh hùng tay áo ướt”.

Trong câu thơ mà ông lão Tiền Lục đọc lên cho tôi nghe ấy, liệu có ẩn giấu bí mật về lối vào đường hầm dưới lòng đất kia hay không?

Hay là bốn anh em nhà họ Tôn sau khi tiến vào đường hầm rồi thì vĩnh viễn không bao giờ trở ra nữa, tất cả bọn họ, đều ở đó!

“Khu ba tầng” rốt cuộc cất giấu bí mật gì dưới lòng đất của nó?

Khi tôi tỉnh dậy, trời đã trưa.

Tôi có thói quen để mình thức dậy tự nhiên, nhưng hiếm khi chào ngày mới vào lúc gần 12 giờ trưa như hôm nay. Phải khó khăn lắm tôi mới mở mắt ra được vì cảm thấy đầu óc nặng trĩu.

Có một thứ mùi là lạ vấn vít trong không khí. Tôi bật điều hòa cả đêm, tuy thế nó không phải là nguyên nhân gây ra thứ mùi lạ này.

Tôi cố gắng ngồi nhỏm dậy trên giường và đột nhiên thấy mình hít phải một luồn hơi lạnh.

Có người đã tới đây!

Căn phòng bị lật tung, ngăn kéo và tủ sách để mở. Tôi quay đầu nhìn về phía giường, chiếc túi của tôi cũng bị lục lọi.

Có trộm vào nhà, một việc tày trời như thế, tại sao tôi không hề có chút phản ứng nào nhỉ?

Chắc chắn là do tác dụng ma quái của thứ mùi đó, có lẽ nó là một thứ gì đó giống như thuốc gây mê.

Tôi mở toang cửa sổ để thứ mùi dị thường đó mau chóng bay hết ra ngoài.

Rồi tôi chạy tới mấy gian phòng xem xét suốt một lượt. Tình trạng của các gian phòng gần giống nhau, những chỗ có thể cất đồ đều bị lật tung. Tôi kiểm tra cửa ra vào, không có dấu vết của một sự tấn công mạnh bạo, thời buổi ngày nay thật hiếm có gã trộm nào cao tay như thế.

Cũng may là tôi không để tiền trong nhà, tất cả đều gửi vào thẻ tín dụng, mật mã không phải là ngày sinh nên dù kẻ trộm có lấy được chứng minh thư của tôi đi nữa cũng không thể làm gì, nhưng cũng phải nhanh chóng trình báo mất giấy tờ. Đầu tôi ong ong như phát điên khi nghĩ tới một mớ việc phiền toái sau này.

Trước khi báo cảnh sát, tôi phải kiểm tra xem mất bao nhiêu đồ đạc.

Ít nhất thì tôi cũng mất tiền và thẻ tín dụng để trong chiếc ví da, mong là cái gã chôm chỉa kia không cuỗm mất chứng minh thư và thẻ bảo hiểm xã hội của tôi.

Tôi lấy ví ra khỏi túi, mở ra nhìn và bỗng sửng sốt.

Các loại thẻ tín dụng vẫn còn nguyên trong ví. Số tiền hơn một nghìn tệ không mất đi đồng nào.

Sau khi kiểm tra tất cả đồ đạc, tôi đẩy ngăn kéo và túi sách về chỗ cũ, tự tay hủy hiện trường. Vì tôi không hề bị thiệt hại về tài chính.

Tuy thế, tôi không thể vui lên được bởi vì tôi đã mất một thứ.

Cuốn Sổ tay công tác tôi để trên bàn viết trước khi đi ngủ đã không cánh mà bay.

Hôm qua, tôi đã tự tay tắt chiếc điện thoại di động thế mà hôm nay nó lại bị mở, gã trộm chắc chắn đã kiểm tra nhật ký điện thoại và tin nhắn của tôi.

Máy tính cũng bị gã bật lên và sử dụng, dù gã đã tắt máy khi dùng xong nhưng công tắc ổ điện cắm dây nguồn thì hắn quên không tắt.

Thì ra những kẻ quan tâm tới “khu ba tầng” không chỉ có một mình tôi.

Lần đột nhập này có thể coi là một hành động thị uy của hắn với tôi không? Hay là tôi nắm giữ bí mật mà kẻ đột nhập không biết? Trong điện thoại di động và máy tính không có một thông tin nào hữu ích cả, nhưng trong cuốn Sổ tay công tác thì lại khác, tôi đã ghi vào đó những trải nghiệm của tôi kể từ khi sự việc bắt đầu xảy ra cho tới hôm qua và cả những suy đoán của bản thân nữa.

Tôi không bị người ta trực tiếp uy hiếp hay làm hại, điều đó chứng tỏ kẻ đột nhập nhà tôi không phải là người từng tham gia vào câu chuyện năm xưa, mà gã cũng chỉ là một người muốn biết chân tướng sự việc giống như tôi.

Xem chừng mình phải đề cao cảnh giác rồi, tôi tự nhủ. Vốn dĩ, tôi cứ nghĩ, chỉ một mình tôi đơn thương độc mã trên hành trình khám phá sự thật, không ngờ vẫn còn có kẻ song hành với mình trong bóng tối.

Tôi tin là nếu tiếp tục theo dõi thì tất có một ngày tôi sẽ gặp kẻ song hành đó.

Tôi quyết tâm đẩy nhanh tốc độ, nên vội gọi điện cho trưởng phòng xin nghỉ ngày hôm nay với lý do nhà bị trộm. Thời điểm hiện tại tòa soạn không có cuộc phỏng vấn nào quan trọng, vì thế xin nghỉ khá dễ.

Tôi định tới vườn hoa Sạp Bắc tìm kiếm manh mối, không biết bây giờ nó có còn tồn tại không.

Chắc chắn vườn hoa Sạp Bắc nằm trong quận Sạp Bắc và cách “khu ba tầng” không xa lắm. Tôi gọi một chiếc taxi, đi được nửa đường, tôi bảo anh lái xe đổi hướng, tôi muốn tới Thư viện Thượng Hải thêm lần nữa.

Quả nhiên, tôi đã tìm thấy vị trí của vườn hoa Sạp Bắc trên tấm bản đồ Thượng Hải năm 1935.

Tuy trên tấm bản đồ không chú thích rõ là “ao Khâu Gia” nhưng vị trí của nó ở ngay gần “khu ba tầng”. Tôi lấy tấm bản đồ hiện tại ra so sánh, phát hiện thấy vườn hoa Sạp Bắc chính là Công viên Giao thông ngày nay. Diện tích của Công viên Giao thông lớn hơn diện tích của ao Khâu Gia một chút.

Tôi tự đi bộ từ “khu ba tầng” tới Công viên Giao thông. Tôi định tới thăm ông lão Tiền Lục trước với hi vọng có thể dò được chút tin tức nào đó, không ngờ cánh cửa trước gian phòng ngầm đã bị khóa chặt.

Ông lão Tiền Lục đã về cõi tiên.

Hôm qua, lúc đến gõ cửa gian phòng ngầm, nhân viên thu tiền nước của Tổ dân phố phát hiện ông lão Tiền Lục đã chết trên giường. Ông lão tử vong trước đó vì bệnh tim. Tôi không thể ngăn nổi suy đoán trong lòng mình, không biết cuộc thăm viếng của tôi ngày hôm kia có phải là nguyên nhân khiến bệnh tim của ông lão bột phát hay không. Có điều, ông lão đã ngót tám mươi tuổi, lại thêm cả ngày chỉ quanh quẩn trong gian phòng âm u tối tăm, ít khi ra ngoài hoạt động nên cơ thể vốn rất yếu.

Ông lão Tiền Lục sống lẻ loi một mình, đơn vị công tác trước đây đã bị phá sản, vì thế người dân trong phố góp tiền lo hậu sự cho ông lão. Khi ông lão Tiền Lục còn sống, gian phòng ngầm luôn để ngỏ cửa, giờ ông lão đã sang thế giới bên kia, gian phòng liền bị khóa cửa im ỉm.

Từ “khu ba tầng” tới vườn Công viên Giao thông chỉ mất chừng mười lăm phút.

Tôi ước chừng Công viên giao thông cách “khu ba tầng” khoảng một cây số. Ở đây không phải mua vé vào cửa. Tôi đi qua công trình phá tường trồng cây xanh của thành phố Thượng Hải, trước mắt tôi hiện ra một khu đất xanh công cộng. Công viên không có nhiều người. Mặt trời đã lên rất cao, các cụ già tới công viên tập thể dục buổi sáng đa phần đã về nhà.

Tôi tìm tới phòng quản lý công viên. Phòng bật điều hòa, người nhân viên quản lý tuổi ngoài ngũ tuần đang vừa uống tràvừa đọc báo.

Đúng như tôi nghĩ, sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người ta xây dựng Công viên Giao thông trên cơ sở mở rộng từ vườn hoa Sạp Bắc ngày trước.

“Anh cứ đi thẳng về phía trước sau đó rẽ trái, đi thẳng, tới khi trông thấy một tượng đài bằng đá là nó đấy”, nhân viên quản lý giơ tay về phía khung cửa sổ ngăn cách chỉ cho tôi đường tới vườn hoa Sạp Bắc ngày trước.

Vườn hoa Sạp Bắc ngày trước được hợp nhất với công trình xanh được xây dựng mở rộng sau này, cây xanh được cắt tỉa theo cùng một kiểu, bởi thế giữa vườn hoa Sạp Bắc và Công viên Giao thông không có quá nhiều điểm khác biệt, chỉ có một thứ duy nhất làm tôi thấy u uẩn trong lòng, ấy là tượng đài bằng đá trong vườn hoa Sạp Bắc.

Tượng đài này chạm khắc hình ảnh của một cổ nhân, ngẩng cao đầu, và đứng ngạo nghễ trên bệ tượng, cánh tay phải giơ thẳng, chỉ về phía xa xăm, sống mũi cao và đôi mắt sâu nổi bật trên gương mặt. Hình hài của con người ấy không giống với người phương Đông.

Có lẽ tượng đài này đã sừng sững ở đây từ ngày xưa, khi mới xây dựng vườn hoa Sạp Bắc, nhưng để tưởng nhớ nhân vật nào?

Tôi tiến lại gần, khom lưng, quan sát kĩ những nét chữ khắc trên bệ tượng:

“Tôn Quyền[2], tự Trọng Mưu…”

[2] Tôn Quyền (182-252), tức Ngô Thải Tổ hay Ngô Đại Đế, tên tự là Trọng Mưu, người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phủ Dương, Chiết Giang), là vị vua đầu tiên của nước Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Tại sao tượng đài Tôn Quyền lại được đặt ở chốn này?

Nếu tượng đài này tạc bốn anh em nhà họ Tôn…

Thình lình, một ý nghĩ khẽ lướt qua đầu óc tôi.

Trong sử sách có miêu tả về tướng mạo của Tôn Quyền, râu tía mắt biếc, bốn anh em nhà họ Tôn khi vừa tới quận Sạp Bắc người ta cứ lầm tưởng là người nước ngoài…

Lẽ nào bốn anh em nhà họ Tôn lại là hậu duệ của Tôn Quyền?

Nếu thế, lòng đất dưới nền “khu ba tầng” hẳn nhiên cất giấu vật liên quan tới Ngô chủ Tôn Quyền của hơn hai nghìn năm về trước?

Là mộ Tôn Quyền? Bốn anh em nhà họ Tôn muốn vào mộ Tôn Quyền, phải thế hay không? Mộ Tôn Quyền nằm dưới “khu ba tầng” ư?

Ý nghĩ ấy quẩn quanh trong đầu tôi một lúc rồi lại bị chính tôi phủ định ngay tức khắc, đám con cháu làm sao dám trộm mộ của tổ tông mình cơ chứ? Nếu họ cả gan làm chuyện đại nghịch bất đạo như thế thì không thể đúc tượng để tưởng nhớ tổ tiên ở vườn hoa Sạp Bắc được.

Vậy câu thơ “Ra quân chưa thắng thân tan trước - Mãi để anh hùng tay áo ướt” mà ông lão Tiền Lục cảm khái đọc lên vốn dĩ để gợi nhớ Khổng Minh Gia Cát Lượng[3], liệu có ám chỉ tượng đài này hay không?

[3] Khổng Minh Gia Cát Lượng (181-234), hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là một vị quân sư và đại thần của nước Tây Thục thời Tam Quốc. Ông đồng thời là một vị chính trị gia, nhà quân sự, học giả và nhà phát minh kĩ thuật.

Nói thế hơi miễn cưỡng vì nước Ngô của Tôn Quyền tuy cuối cùng vẫn bị diệt vong, nhưng Tôn Quyền sống khá thọ, đâu đến nỗi phải dùng câu “Ra quân chưa thắng thân tan trước” để hình dung.

Tôi ngắm nghía tượng đài Tôn Quyền rồi quay đầu bước đi theo cánh tay người quản lý công viên chỉ.

Theo hướng đó thẳng về phía trước khoảng ba mươi mét là một cây to.

Cây long não này hai vòng tay người ôm không xuể, dễ có đến vài trăm năm tuổi rồi. Tại sao nó lại được trồng ở đây nhỉ? Hơn một trăm năm trước, nơi này vẫn là một cái ao tù, cái cây đại thụ này chắc chắn là do người ta sau này bứng đến.

Tôi bước đến trước cái cây, ngẩng đầu nhìn lên, ở chỗ cách mặt đất chừng ba mươi mét có một hốc cây lớn. Không biết khoảng bao nhiêu năm về trước cái cây này đã từng bị sâu đục, nhưng nó vẫn kiên cường vươn mình giữ lấy sự sống.

Hốc cây vừa đủ để một người trèo vào. Tôn Quyền chỉ tay về phía này, lẽ nào ông ta muốn ngầm bảo, bên dưới gốc cây là một con đường có thể thông tới lòng đất “khu ba tầng” cách đó hơn một cây số?

Tôi nhìn xung quanh, không có ai cả. Tôi đang ngẫm nghỉ xem nên bấu vào đâu để trèo lên, chui vào hốc cây quan sát thử thì bỗng nghe thấy đám lá trên đầu kêu xào xạo, một người thò đầu ra khỏi hốc cây.

Gã thanh niên khoảng hai mươi tuổi, mặt mày xanh xám, trán lấm tấm lá cây khô. Gã nhổ phì đám mùn vụn trong miệng. Trông bộ dạng của gã thì hình như gã đang cáu tiết. Lúc này, tôi và gã bốn mắt nhìn nhau, cả hai cùng sững sờ.

Gã chần chừ một lúc rồi nhoài người ra khỏi hốc cây, bàn tay bám chặt trên cành cây, hắn đu người, nhảy xuống đất rất lẹ làng.

“Anh...”, gặp gỡ trong hoàn cảnh này khiến người trong cuộc có phần hơi lúng túng, nếu tôi đoán không nhầm thì...

“Đầu không đau nữa chứ hả? Cái thứ đồ chơi đó tuy không có tác dụng phụ nhưng vẫn làm đầu óc người ta choáng váng khá lâu sau khi thức dậy đấy!”. Gã thanh niên gạt lá cây vương trên mặt, chìa tay về phía tôi, “Chào anh, tôi là Vệ Tiên”.

Tôi chìa tay ra bắt tay gã, lòng thầm kinh ngạc về mức độ thẳng thắn của cái gã chôm chỉa này, có điều người ta đã nói như thế thì mình cũng phải tỏ ra khí khái một chút: “Tôi là Na Đa, chắc anh biết rồi!”.

“Nhưng tại sao anh lại thẳng thắn thừa nhận như thế?” Tôi nhếch miệng cười hỏi dù trong lòng có chút bực dọc. Tôi thấy mình hơi bị động nên đành cố làm ra vẻ nắm chắc mọi thứ, không muốn để gã ăn trộm chiếm thế thượng phong.

“Tôi không thừa nhận thì anh cũng đoán ra thôi. Tôi vốn nên nói mà. Anh tìm ra nơi này nhanh như thế xem ra cũng đủ trình để cùng chiến tuyến với tôi đấy”.

Tôi hừ một tiếng, không thèm đáp lời.

“Song trên thực tế...”, Vệ Tiên bẻ một cành cây, “ở đây chẳng có gì cả, chỉ là một hốc cây không sâu lắm, hai ta đã đi nhầm hướng rồi. Nói ra thì cũng là do cuốn sổ của anh dẫn tôi đi sai đường đấy. Muốn tìm ra lối vào mộ, tôi nghĩ hai ta phải thành thực hợp tác với nhau, như thế sẽ tốt hơn”. Vừa nói hắn vừa rút ra cuốn sổ đã chôm của tôi, “mượn xem một lúc giờ trả nó lại cho chủ cũ”.

“Không có gì ư?” Rốt cuộc tôi cũng không thể giả đò trấn tĩnh thêm được nữa. Gương mặt tôi lộ rõ vẻ sửng sốt.

Nguồn: truyen8.mobi/t80513-la-co-ma-chuong-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận