Lạc Chốn Phù Hoa Chương 4


Chương 4
Người bạn của Mạc Úy Thanh tên là Tùng Dung, năm nay khoảng bốn mươi tuổi.

Chị ta thường đeo cặp kính trắng gọng vàng, vẻ mặt luôn nghiêm túc và cứng nhắc. Chị ta không chú trọng đến ăn mặc trang điểm, rõ ràng không cùng loại người với Mạc Úy Thanh. Ban đầu, Tô Mạt không thoải mái khi làm việc ở chỗ Tùng Dung, bởi vì chị ta luôn tạo cho cô cảm giác bị áp bức cực mạnh. Hơn nữa, chị ta còn lắm yêu cầu đòi hỏi, không vừa ý thường lảm nhảm mãi không thôi hoặc hùng hổ dọa người.

Tô Mạt hơi tò mò, không biết Tùng Dung và Mạc Úy Thanh làm thế nào trở thành bạn bè.

Nhưng cô lập tức gạt bỏ lòng hiếu kỳ, bởi vì mỗi khi nhắc đến Mạc Úy Thanh, trên mặt Tùng Dung không che giấu vẻ khinh thường. Xem ra, "người bạn" mà Mạc Úy Thanh nhắc tới không coi cô ta là bạn bè, cùng lắm chỉ là người quen mà thôi.



Tùng Dung có một thói quen kỳ lạ, bất kể Tô Mạt làm gì, chị ta đều đi theo quan sát. Nhất cử nhất động của cô đều không lọt qua mắt chị ta. Hành động này khiến Tô Mạt có cảm giác trở lại thời học sinh, lúc thi cử gặp phải đề bài khó, thầy giám thị lại đứng bên cạnh xem cô viết đáp án, khiến cô hoảng loạn trong lòng.

Tới lúc làm xong công việc chuẩn bị cáo từ, Tùng Dung mới liệt kê chi tiết những điều chị ta không hài lòng, sau đó bắt Tô Mạt làm lại từ đầu. Như vậy, công việc vốn hoàn tất vào lúc tám giờ tối, Tô Mạt mãi đến mười giờ mới rời khỏi nhà Tùng Dung.

Về đến nhà cậu, Tô Mạt cảm thấy xương cốt rã rời, cô vội vàng tắm rửa rồi lên giường. Nhắm mắt rồi mở mắt lại bắt đầu một ngày mới.

Kể từ khi nhận công việc làm thêm, hàng ngày Tô Mạt buộc phải dậy sớm. Nếu nhà xưởng của cậu nhiều việc, cô sẽ là người đi làm đầu tiên, để bù vào thời gian làm thêm lúc ban ngày. Nếu nhà xưởng tương đối rảnh rỗi, cô sẽ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Lâu ngày, mọi người thành quen. Cũng không phải Tô Mạt khách sáo hay muốn lấy lòng ai, mà cô vui vẻ tự nguyện làm việc đó.

Tô Mạt đầu tắt mặt tối nên cô tương đối mệt mỏi, nhưng cô chỉ cảm thấy mệt mỏi mà thôi. Cô không cho rằng người xung quanh cô ngày càng lười nhác là một vấn đề, cũng không cảm thấy thái độ hà khắc của Tùng Dung là đáng ghét. Cô dựa vào bọn họ để nuôi sống bản thân và con gái, khiến bố mẹ cô vui mừng. Trong lòng cô thậm chí còn cảm kích bọn họ.

Nhận tiền của người khác thì phải làm việc, người thuê có quyền khắt khe, hơn nữa là việc chăm sóc trẻ con. Tùng Dung vô cùng coi trọng cậu con trai bảy tuổi của chị ta, đến mức căng thẳng: lúc nào ăn cơm, lúc nào ăn hoa quả và uống sữa, lúc nào lên giường đi ngủ. Thậm chí bữa tối có tiêu chuẩn riêng về độ mặn nhạt và hàm lượng dầu muối...

Ban đầu, Tô Mạt không tán thành cách nuôi dạy của Tùng Dung. Cô cũng là người mẹ, từng trải qua giai đoạn lúc nào cũng lo lắng và bảo vệ. Nhưng cô không ngờ, Tùng Dung về phương diện này quá bảo thủ.

Đối với lời góp ý dè dặt của Tô Mạt, Tùng Dung khịt mũi khó chịu, chị ta nói: "Đây là con tôi, tôi có quyền bắt nó sống theo cách mà tôi cho là khỏe mạnh. Nếu nó có thể uống nước trắng thì đừng đưa nó nước hoa quả. Tốt nhất không ăn đồ ngọt, tuyệt đối cấm chỉ kẹo hay chocolate. Vị chua là vị chua, vị đắng là vị đắng, đừng bao giờ bỏ đồ ngọt lẫn vào để khiến thằng bé thèm ăn kẹo."

Thỉnh thoảng thưởng cho cậu bé cốc nước hoa quả, trên gương mặt nó lộ vẻ si mê và thèm thuồng. Đó là biểu cảm mà con người bộc lộ khi thuận theo dục niệm của bản thân.

Tô Mạt rất không tán thành phương thức giáo dục này. Trẻ con rồi cũng sẽ có ngày trưởng thành, rời khỏi tòa lâu đài kính. Nó sẽ phát hiện thứ bạn cho nó không phải là tất cả. Đầu óc nó có thể trở nên mê muội bởi cám dỗ bủa vây, thậm chí đánh mất khả năng tự kiềm chế vốn rất mỏng manh của mình.

Tô Mạt đột nhiên nghĩ đến bản thân. Nếu nói tình yêu là nước hoa quả, vậy thì một số người chính là đứa trẻ chưa uống đủ nước hoa quả. Cô và Đồng Thụy An quen nhau gần mười năm, trong thời gian yêu nhau không có người thứ ba. Nhưng kích tình cũng sẽ có ngày tàn phai, những nhiều vụn vặt của hiện thực cuộc sống như cơn sóng dồn dập tấn công, khiến bọn họ không có sức lực chống cự.

Tô Mạt chưa bao giờ có ý định che giấu cuộc hôn nhân thất bại của mình. Trên thực tế, dù muốn cô cũng chẳng thể giấu giếm, bởi con người trong xã hội ngày nay đã sớm luyện thành "hỏa nhãn kim tinh", nhìn thấu chuyện riêng tư của người khác. Mặc dù tiếp xúc không lâu, Tùng Dung đã nắm đại khái quá khứ của cô.

Tùng Dung đưa ra nhận xét: "Cô nên học tập Mạc Úy Thanh."

Tô Mạt không hiểu: "Học gì cơ?"

Tùng Dung mỉm cười khi thấy bộ dạng ngây ngốc của Tô Mạt: "Học cách hầu hạ đàn ông."

Tô Mạt tỏ ra không vui: "Tại sao tôi phải học điều đó?"

Tùng Dung nói một câu trúng chỗ hiểm: "Bởi vì cô yếu thế."

Tô Mạt không có cách nào phản bác. Bây giờ cô ở dưới đáy tầng xã hội, hiện thực bày ra trước mắt, cô không thể mạnh mồm. Tô Mạt im lặng, đem tất cả năng lượng vào công việc, bận rộn từ sáng sớm đến tối muộn.

Con trai Tùng Dung không thích Tô Mạt, có lẽ nó chê cô ăn mặc quê mùa, khác xa mẹ nó. Trẻ con chính là hình ảnh thu nhỏ của người lớn. Bọn chúng biểu đạt rất trực tiếp: thích giàu chê nghèo, chú trọng ngoại hình. Hiện thực cuộc sống truyền bá vào tư tưởng của chúng: nghèo khó chính là tội lỗi.

Con trai Tùng Dung không thích Tô Mạt đến trường đón nó, vì nó cảm thấy mất mặt. Gặp bạn bè, nó giới thiệu Tô Mạt là osin nhà nó. Cô không biết lái xe, chỉ biết làm việc nhà.

Tô Mạt đương nhiên không so đo với thằng bé. Nó không phải con trai cô, nên cô không nghĩ đến chuyện làm thế nào giáo dục nó. Nhưng thằng bé ngày càng hỗn láo, suốt ngày càu nhàu trách mắng cô. Tô Mạt cuối cùng không chịu đựng nổi, lên tiếng dạy bảo thằng bé ở trên đường khi cô đi đón nó: "Bây giờ cô vất cháu ở ngoài đường, cháu chẳng có gì cả. Mẹ cháu không tìm thấy cháu, cháu cũng không có cơm ăn, không có tiền mua quần áo và đồ chơi, chỉ có thể chờ chết đói chết khát, cuối cùng bị đám ăn mày bẻ gãy tay, ném ra đường đi xin ăn. Rời khỏi mẹ cháu, cháu chỉ là một kẻ bần cùng. Cô nghèo nhưng cô vẫn có năng lực kiếm tiền, cháu có khả năng không?"

Thằng bé vừa khóc vừa rủa Tô Mạt. Tô Mạt nghiến răng để nó một mình trên đường phố, còn cô trốn vào một góc âm thầm theo dõi, đề phòng thằng bé xảy ra chuyện.

Thằng bé òa khóc trên đường phố vắng người vào lúc trời chạng vạng tối. Trong lòng nó rất sợ hãi, nó tìm mãi cũng không biết đường về nhà.

Đến khi Tô Mạt xuất hiện, thằng bé trở nên ngoan ngoãn vô cùng.

Sau giây phút kích động, Tô Mạt bắt đầu hối hận. Thằng bé tất nhiên sẽ kể cho Tùng Dung nghe chuyện xảy ra ngày hôm nay, Tô Mạt chuẩn bị sẵn tâm lý bị đuổi việc. Nhưng vài ngày sau, Tùng Dung vẫn như không có chuyện gì xảy ra. Lúc cần nổi nóng thì nổi nóng, lúc cần khắt khe thì khắt khe như thường lệ, chị ta không nhắc một từ đến con trai.

Trước mặt Tô Mạt, thằng bé ngày càng dễ bảo, hai cô cháu dần chung sống hòa bình. Tô Mạt bắt đầu phụ đạo thằng bé làm bài tập, cuối tuần dẫn nó đi công viên chơi, hoặc dạy bảo nó biết tiết kiệm lễ phép. Về việc này, Tùng Dung không phát biểu ý kiến, mà gần như giao con trai cho Tô Mạt.

Tùng Dung làm lãnh đạo cấp trung bình tại một công ty điện tử tương đối lớn, công việc vô cùng bận rộn. Có lúc chị ta đi làm về muộn, Tô Mạt phải ở lại nhà chị ta, kiểm tra bài tập, cho con trai chị ta lên giường đi ngủ. Mặc dù vượt quá thời gian làm việc theo thỏa thuận nhưng Tùng Dung giả câm giả điếc trước việc tăng lương.

Tô Mạt ngại đưa ra yêu cầu. Cô là người lương thiện, mỗi lần bắt gặp bộ dạng mệt mỏi tiều tụy của Tùng Dung khi đi làm về muộn, cô lại nghĩ Tùng Dung cũng là bà mẹ độc thân như cô, lời muốn nói đến miệng lại nuốt xuống cổ họng.

Ngày tháng tích tụ càng nhiều, Tô Mạt cảm thấy bản thân tê liệt, tê liệt đến mức thể lực cạn kiệt. Tuy nhiên, cô không có thời gian thưởng thức mùi vị mệt nhọc đó.

Cô nhớ có người từng nhận xét về cô như sau: "Tô Mạt, cô là người có sức chịu đả kích rất kém trong khi độ nhẫn nại cực lớn. Vì vậy cô chỉ bị người khác bắt nạt mà không biết bắt nạt người khác." Nghĩ đến đây, Tô Mạt cảm thấy chán ghét bản thân.

Buổi tối ngày hôm nay, Tùng Dung lại một lần nữa về muộn. Nhưng lần này không phải chị ta bận rộn công việc mà là đi hẹn hò với người bạn trai mới. Lúc chị ta về nhà với bộ dạng trang điểm đẹp đẽ và tâm trạng phơi phới, Tô Mạt đã suýt nữa ngủ gật bên cạnh giường nhỏ của con trai chị ta.

Tô Mạt quan sát Tùng Dung, lại nghĩ đến bản thân. Hoàn cảnh như nhau nhưng cuộc sống khác hoàn toàn, trong lòng cô lần đầu tiên nảy sinh nỗi bất bình.

Tùng Dung vô tư đẩy cửa vào nhà. Đi qua nhà bếp, liếc thấy máy hút mùi, chị ta chỉ tay: "Cái này hình như vẫn chưa lau chùi sạch sẽ. Lần trước người làm công đến tôi quên không nói. Dù sao cô vẫn chưa về, hay là lau sạch đi?"

Bấy giờ đã là tối muộn, Tô Mạt liếc qua Tùng Dung, cô cảm thấy chị ta không thích hợp bôi son trát phấn, bởi trông chị ta rất đáng ghét.

Nhưng Tô Mạt lại một lần nữa phát huy "đặc điểm" của mình. Cô không lên tiếng, đi vào nhà bếp lấy dụng cụ cọ rửa, bắt đầu xử lý máy hút mùi đầy dầu mỡ.

Cô bận rộn suốt hai tiếng đồng hồ, cho đến khi sức cùng lực kiệt, cho đến khi nhà bếp sạch như được làm mới. Tô Mạt rửa tay, đang chuẩn bị ra về, Tùng Dung hiếm có dịp mở lòng từ bi: "Muộn quá rồi, để tôi lái xe đưa cô về nhà."

Hai người phụ nữ ngồi trong ô tô, chẳng ai lên tiếng. Gần đến nơi, Tùng Dung mới mở miệng: "Tô Mạt, thật ra tôi cảm thấy con người cô có "độ co giãn" rất lớn, quan trọng là cô gặp phải đối tượng như thế nào. Nhiều lúc đàn ông là đồ chứa, phụ nữ là nước. Cô chính là loại đàn bà có thể thay đổi theo hình dạng của đồ chứa."

Tô Mạt tự giễu: "Đúng vậy, tôi là người không có nguyên tắc và chủ kiến, người khác nói sao tôi làm vậy. Do đó, tôi chỉ có thể sống trong cái bóng của người khác."

Tùng Dung liếc Tô Mạt một cái, không khẳng định hay phủ nhận lời cô nói. Vài giây sau, chị ta đột nhiên mở miệng: "Sau này không cần cô chăm sóc con trai tôi nữa." Tô Mạt giật mình, lại nghe chị ta hỏi: "Cô làm việc ở nhà xưởng của cậu cô, bọn họ trả cô một tháng bao nhiêu tiền?"

Tô Mạt chẳng giấu giếm, nói ra con số.

Tùng Dung mỉm cười: "Có mấy đồng bạc thế thôi à? Bọn họ coi họ hàng là công nhân nô lệ sao? Vậy đi, cô đến công ty tôi làm việc, mức lương tuy không cao nhưng sau này cô không cần phải đi làm thêm ở bên ngoài nữa. Cô tốt nghiệp ngành máy tính, vào công ty tôi coi như đúng chuyên ngành, cô thấy thế nào?"

Tô Mạt khấp khởi mừng thầm, nhưng cô ngập ngừng: "Chuyện này tôi phải về báo với cậu mợ tôi một tiếng, hai ngày sau trả lời chị có được không?"

Tùng Dung nhếch miệng: "Cô đúng là người thật thà, thật thà quá sẽ trở thành ngốc nghếch. Đổi lại là người khác đã cao chạy xa bay từ lâu." Chị ta cảm thán: "Thảo nào chồng cũ của cô thay lòng đổi dạ. Đàn bà không xấu xa, đàn ông sẽ không yêu. Con người cô nhạt nhẽo vô vị, giống như "gân gà". Nếu tôi là chồng cô, tôi cũng chán cô từ lâu." ("Gân gà": vất bỏ thì không nỡ, để lại cũng chẳng có vị gì)

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/75918


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận