Mà kẻ dùng độc kia lại không hề liên thủ với đồng bọn, ngược lại còn thoái lui về phía rừng cây.
Kẻ áo xám kia, nương theo thế kiếm của Hà Y, lùi một bước dài ba thước, thừa cơ hóa giải lực kiếm của Hà Y rồi vung kiếm đâm trả, chỉ nghe “keng” một tiếng, hai kiếm tóe lửa, hai luồng lực đạo xô nhau, Hà Y chỉ cảm thấy một luồng lực rất lớn men theo sống kiếm truyền đến, chấn động tới mức hổ khẩu[7] tê dại. Kiếm pháp của nàng vốn theo hướng nhẹ nhàng linh hoạt, khéo léo, phải đấu với người có nội lực thâm hậu, về phương diện thể lực mà nói, không tránh khỏi phải ăn quả đắng. Huống chi kiếm pháp của người này lão luyện, tinh thâm, chẳng phải chỉ là một cao thủ bình thường.
[7] Khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ gọi là hổ khẩu.
Dưới tình huống này, nàng nghĩ tới phương án thích hợp nhất “chạy”. Chạy thật nhanh. Nhưng kiếm của nàng lại chẳng chịu nghe lời, tựa như dây dưa không chịu đi. Chính bởi nàng không thể chịu được việc bản thân vẫn chưa nỗ lực hết sức đã nhận thua. Huống chi trong chuyện này vẫn còn một Thẩm Bân. Bất kể như thế nào, ít nhất cũng phải nghĩ cách làm rõ thân phận thật sự của hung thủ.
Trong lúc suy nghĩ ấy, hai người đã đấu hai mươi chiêu rồi, kiếm pháp của kẻ áo xám càng thêm quyết liệt mà Hà Y thì càng chiến càng quả cảm. Sau ba mươi chiêu, nàng đã phát hiện ra một sơ hở của kẻ áo xám. Nàng xoay người đâm một nhát, đánh thẳng tới cổ tay phải của kẻ áo xám, nhưng kẻ áo xám lại tựa như đã lường trước chiêu này của nàng, hạ thấp người xuống, tay trái đánh ra một chưởng, nhắm thẳng đỉnh đầu nàng, buộc nàng thu kiếm tự vệ. Hà Y vặn eo một cái, nghiêng người tránh thoát trong gang tấc, vung tay, dải lụa trắng cuốn lấy tay trái của hắn ta, thân hình nàng nương theo lực kéo của dải lụa phóng tới sau lưng kẻ áo xám.
Cùng với thân hình còn có kiếm của nàng. Cuối cùng nàng cũng thở phào được một tiếng. Lần này nàng tính toán đúng rồi. Toàn bộ tấm lưng của kẻ áo xám đã như một cánh cửa mở rộng ra cho nàng.
Nhát kiếm này nhắm đâm tới điểm cách tim của hắn ba tấc về bên phải. Ấy là bởi nàng đã dự liệu trước, kẻ áo xám nghe thấy tiếng gió sẽ tránh về bên phải. Sau đó nàng nghe “keng” một tiếng. Thanh kiếm của nàng đã đâm trúng sống kiếm của kẻ áo xám. Hắn nghiễm nhiên không tránh né, lại đoán chính xác nơi kiếm của nàng nhắm tới, đem kiếm làm khiên, vừa khéo bảo vệ bản thân.
Cao thủ giao đấu, quả nhiên chỉ trong gang tấc. Mảy may sai lầm, giá phải trả chính là tính mạng.
Hai kiếm giao nhau, hai người ai nấy đều lùi lại ba thước. Kẻ áo xám đột nhiên lên tiếng: “Ngươi không phải Đường Thập”.
Trong rừng đã tối tới mức chỉ còn nhìn thấy hai bóng người.
Hà Y lạnh lùng hừ một tiếng, nói: “Không phải. Chính ngươi giết Thẩm Bân?”.
Kẻ áo xám đáp: “Không hề”.
Hà Y hỏi: “Các hạ là ai?”.
“Tạ Đình Vân.”
“Tạ tổng quản?” Hà Y kinh ngạc: “Tôi là Sở Hà Y, ngài… sao ngài lại ở đây?”.
Kẻ áo xám thoáng động, cũng rất ngạc nhiên, nói: “Là Sở cô nương? Tại hạ và Đường môn có chút thù riêng, đang ở chỗ này giải quyết. Đang giao đấu với Đường Thập, hắn bị thương bỏ chạy”, ông ta ngừng một lát rồi nói tiếp: “Độc của Đường Lục không làm cô nương bị thương chứ?”.
Thì ra là Đường môn. Độc của Đường môn, dính phải một chút coi như mất mạng.
Hà Y bán tín bán nghi nói: “Không sao. Ngài quả đúng là Tạ tổng quản?”.
Người đó cười, nói: “Chúng ta mới rồi còn ở đình giữa hồ gặp mặt, sao cô nương mau quên thế?”.
Quả nhiên là Tạ Đình Vân.
Hà Y thầm nhủ trong lòng một tiếng: “Thật xấu hổ”. Giả sử trong hai người có một người võ công kém hơn một chút, há chẳng phải đã thành ma sao? Vân Mộng cốc quả là nơi ngọa hổ tàng long.
Hà Y thở ra một hơi, nói: “Tạ tổng quản sao biết được tôi không phải Đường Thập? Lẽ nào Đường Thập cũng là nữ nhân?”.
Tạ Đình Vân đáp: “Không những là nữ nhân, mà còn là một nữ nhân cực kỳ lợi hại. Cứ theo tính tình của cô ta, trong vòng mười chiêu nhất định sẽ phóng ra ngũ độc thần châm. Mà cô nương sau ba mươi chiêu vẫn không phóng ra ám khí, bởi thế tôi mới đoán có thể không phải là Đường Thập. Có điều tại hạ có may mắn lĩnh giáo ‘Tố Thủy Băng Tiêu’ của cô nương rồi”.
Hà Y nói: “Xin hãy theo tôi”. Nàng dẫn Tạ Đình Vân đến chỗ Thẩm Bân bị giết, lại phát hiện ra thi thể của Thẩm Bân đã biến mất, đến bao hành lý của mình trên lưng ngựa cũng chẳng thấy đâu nữa.
Tạ Đình Vân nói: “Xem ra đến khu rừng này hôm nay không chỉ có một nhóm người. Giết người thu xác tuyệt đối không phải là tác phong của Đường môn”.
Hà Y chau mày nói: “Có lẽ là người của chính phái Nga My làm. Thẩm Bân tới tìm tôi, nhất định có không ít sư huynh đệ biết chuyện. Hoặc giả bọn họ sợ có điều gì ngoài ý muốn nên lén bám theo đến đây, vừa hay thu dọn thi thể”.
“Hy vọng không dẫn tới hiểu lầm gì”, Tạ Đình Vân thở dài một tiếng: “Phái Nga My người đông thế mạnh, nhưng gần đây trên giang hồ lại liên tục chịu nhục…”.
Hà Y lên ngựa, cười khổ nói: “Hiểu lầm giữa tôi với phái Nga My đã chẳng ít. Tôi còn có việc, xin đi trước đây”.
“Cô nương cẩn thận.”
Phong lai tứ diện ngọa đương trung.[8]
[8] Câu cuối cùng trong bài thứ tư của chùm năm bài thơ Mộng Mộ Tạp Thư ngũ thủ (…) của họa gia nổi tiếng đời Thanh - Kim Nông (1687 - 1763) ý tả sự thanh cao thoát tục, nguyên văn:
Âu ba đình ngoại thủy mông mông,
Ký đắc kim thu huề điếu đồng.
Tiêu thụ bạch liên hoa thế giới,
Phong lai tứ diện ngọa đương trung.
(Chim âu bỡn nước ngoài đình,
Thu nay đã nhớ mang theo đồ câu cá.
Đắm mình trong thế giới tràn ngập hoa sen trắng,
Bốn phương gió nổi vẫn nhởn nha nằm giữa.)
Ngô Du để chân trần, cuộn mình nằm trên giường nhỏ đan bằng mây đặt trên gác nhỏ. Đôi chân của nàng mềm mại, tinh tế, móng chân sơn màu mận chín.
Mái tóc dài đen tuyền rủ từ giường buông chạm đất.
Trên tóc có vương một vài chiếc lá ngô đồng khô vàng, nhưng nàng chỉ nhìn chúng, lười không đưa tay gỡ xuống.
“Tiểu thư, nên ăn cơm chiều thôi”, Nguyệt Nhi đặt một đĩa bánh sữa, một đĩa bánh mật ong lên chiếc bàn trước giường. Bưng bát canh long nhãn tới trước mặt nàng.
Ngô Du ngồi dậy, uống được hai ngụm rồi đăm đăm nhìn bát canh, ngây người ngơ ngẩn.
“Lại nghĩ ngợi linh tinh rồi”, Nguyệt Nhi than thở: “Tuy đúng là ngài ấy thích ăn long nhãn nhất nhưng tiểu thư có nhìn đắm đuối bát canh ý đến chết cũng chẳng thấy được ngài ấy đâu”.
Vừa nhắc tới chàng, trong lòng Ngô Du nhói đau, cáu gắt: “Em lại nói linh tinh gì thế. Cái gì mà ta với ngài ấy. Em phải đi lấy bệnh án tiên sinh phê cho ta mới đúng”.
Nguyệt Nhi lấy trong người ra một tập giấy, nói: “Chẳng phải đây rồi sao? Nguyệt Nhi có bao giờ dám quên đem theo bảo bối của tiểu thư chứ? Chỉ là bệnh án hôm nay quá nhiều, em sợ tiểu thư xem đến hoa mắt, cho nên chỉ đem một nửa tới thôi”.
Tiện tay rút ra một tờ giấy mai hoa, bên trên có mấy chữ lối tiểu khải ngay ngắn cẩn thân do chính tay nàng viết:
Trẻ nhỏ ho về đêm, đau bụng, mặt xanh xao, ấy là chứng nhiễm lạnh. Một nhánh tỏi, năm phần trầm hương, giã nhuyễn vê thành viên to bằng hạt cải, mỗi lần uống bảy viên, chiêu bằng sữa. Lại thấy, co quắp chân mà ho, dáng vẻ như động kinh, có đổ mồ hôi lạnh. Dùng viên An tức hương. Lại thêm một tiền nghệ, mạt dược, trầm hương mỗi thứ hai tiền lấy ngọn, dùng mật vê thành viên to bằng hạt đỗ, mỗi lần uống một viên, rang câu đằng sắc nước để uống.
Bên dưới “viên An tức hương” có phê mực đỏ của chàng: “Nên dùng canh tía tô”.
Chữ viết có chút đá thảo. Xem ra hình như viết vào lúc tinh thần không tốt. Hay là… lại bệnh rồi?
Bình thường, lúc tinh thần của chàng tốt nhất, chữ viết từng nét từng dòng đều nắn nót không khác lối trong Ngô Hưng Phú[9]. Nhưng lúc bệnh phong thấp tái phát, nét bút lại có phần cứng chắc của Liễu thể[10]. Lúc cực kỳ mệt mỏi, thì có thể viết thành hành thảo, khi bệnh tình nghiêm trọng hơn thì sẽ là chữ tiểu khải của Trần đại phu chép lại lời chàng. Chàng nghiêm khắc nhắc các đại phu tránh viết bệnh án theo lối thảo thư, bởi vì chữ thảo khó nhìn rõ, có lúc chỉ sai một chữ đã là mạng người rồi.
[9] Ngô Hưng Phú: Tác phẩm thư pháp nổi tiếng của thư pháp gia đời Nguyên, Triệu Mạnh Phú (1254 - 1322). Ông là một trong bốn thư pháp gia tiêu biểu của Khải thư (Khải thư tứ đại gia) ba người còn lại là Âu Dương Tuân, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền.
[10] Tức Khải thư viết theo lối của Liễu Công Quyền.
Còn nhớ lần đầu tiên nàng viết bệnh án, viết chính bằng lối thảo thư mình quen tay nhất, kết quả là bị chàng nghiêm khắc dứt khoát trả về, bắt phải viết lại.
Chàng là người không tùy tiện nói cười. Rất ít khi cười, cũng ít khi uể oải, ủ rũ. Phần lớn thời gian, trên mặt chàng chẳng thể hiện chút biểu cảm nào.
Cứ cách mười ngày, trong cốc lại có một lần y hội, các đại phu từ bốn phương tám hướng đều đến, có người trong cốc, có người ngoài cốc, người quen biết có, người không hề quen biết cũng có. Mọi người họp lại một chỗ, nghiên cứu các chứng bệnh khó chữa, có lúc cũng nói chuyện phiếm, chuyện cười. Sái đại phu là người cao hứng nhất trong ngày này. Sái đại phu thích náo nhiệt, lúc gặp gỡ luôn là người mồm miệng liến thoắng.
Những người tranh nhau đến tiếp chuyện chàng đương nhiên rất nhiều. Có nhiều vị đại phu đến từ những nơi cách Vân Mộng cốc mấy trăm dặm. Họ chớp lấy cơ hội, hỏi mãi không thôi. Mà chàng mỗi khi nói đến việc y thì luôn thao thao bất tuyệt.
Nhưng kể cả những lúc như thế, chàng cũng rất ít khi cười. Trước sau rất khiêm tốn, khách khí mà tiếp chuyện mọi người. Bây giờ thịnh cái kiểu nhà Nho học sách y, các đại phu ai ấy đều là người từng học đạo thánh hiền, luôn tin một điều “không thành được tể tướng nổi danh, thì thành danh y nức tiếng”. Có lúc chàng cũng cùng bọn họ lý luận chuyện chữ nghĩa.
Có khi bên ngoài tổ chức kỳ bình văn, đôi khi cũng có đại phu trong cốc tới tham gia. Nhưng chàng luôn từ chối.
Thực ra đúng là vì việc chữa bệnh bận rộn. Nhưng cũng là vì đi đứng bất tiện, mỗi lần ra khỏi cửa đều không tránh khỏi người đưa kẻ đón.
Chàng ghét nhất là làm phiền đến người khác, thậm chí đối với chính bản thân mình cũng hà khắc quá mức.
Chàng không thích người khác nhắc tới bệnh tật của mình. Lúc phát bệnh cũng không chịu để người khác thăm khám.
Việc gì có thể lo liệu, chàng đều tự mình lo liệu. Cho đến khi thực sự không làm nổi nữa mới để Trần đại phu thay mặt làm.
Mỗi ngày, trước lúc đi ngủ, chàng đều phải phê duyệt tất cả bệnh án của các đại phu trong cốc. Những cái quan trọng thì tuyển chọn, sưu tầm biên thành sách rồi truyền cho các đại phu đọc. Những cái không quá quan trọng thì trả về, để các đại phu tự lưu giữ.
Mười năm nay, chỉ cần chàng không ốm nặng, việc phê duyệt chưa hề gián đoạn.
Đúng là không thể nghĩ tới, một người thân thể yếu ớt như chàng lại có thể kiên cường cứng cỏi đến vậy.
Không biết vì sao, lần đầu tiên gặp chàng, khuôn mặt nàng đã đỏ ửng, tim đập thình thịch như muốn bắn ra khỏi ngực, hồi hộp tới mức khi đó chàng đang hỏi mình cái gì cũng không sao nhớ nổi.
Chàng vẫn đang trai trẻ, chỉ lớn hơn nàng vài tuổi. Dáng vẻ vô cùng anh tuấn, cũng lạnh lùng vô cùng. Nhưng lại không có nửa phần ngạo mạn mà ngược lại đối với bản thân vẫn giữ thái độ khách khí. Tuy nàng là nữ đệ tử của chàng, nhưng trước giờ chàng đều gọi nàng là “Ngô đại phu”.
Có một lần hai người ngẫu nhiên gặp nhau trong hành lang, nàng bỗng thấy hốt hoảng, cũng chẳng rõ vì sao mặt mũi đỏ lựng lên, chân nhũn đi, tim đập dữ dội. Miệng thì lắp ba lắp bắp, nói mãi không thành câu.
Chàng vẫn rất bình tĩnh, điều khiển xe lăn sang một bên, nhường đường cho nàng, nàng thì cứ thế mà cắm đầu chạy như gió.
Ngày hôm sau là ngày có y hội, bản thân nàng cảm thấy giữa mình và chàng có một bức tường vô hình ngăn cách. Mọi người ai cũng muốn tiếp cận chàng, còn nàng ngược lại luôn giữ mình cách chàng một khoảng, không có dũng khí thu hẹp khoảng cách, hoặc mặt đối mặt nói chuyện. Cứ đến lúc đó là nàng cảm thấy hình như bản thân bị một sức mạnh vô hình nào đó trói buộc rồi, chỉ cần lại gần chàng một bước thôi là muốn xỉu.
Ngô Du đến Vân Mộng cốc đã ba năm, nói chuyện với Mộ Dung Vô Phong, ngoài lúc ở y hội luận bàn việc khám bệnh không thể không trao đổi ra, cộng lại cũng chẳng được ba chục câu.
Chàng có bệnh nhân riêng của mình, không nhiều nhưng là những ca bệnh khó khăn nhất. Trong cốc có người mắc chứng bệnh nguy cấp khó chữa, những đại phu khác không xử lý nổi nữa, cuối cùng đều chuyển đến tay chàng. Có lúc các đại phu gặp phải ca khó, cũng có thể mời chàng dời bước đến phòng mạch của mình để bàn bạc. Nếu như không bận, chàng sẽ đi. Có khi lưu lại cả một ngày, cơm trưa, cơm tối đều ăn ở hiên nhỏ bên cạnh phòng mạch. Các đại phu thì đến từ nhiều miền khác nhau, cho nên nhà ăn của mỗi người đều nấu những món khác nhau. Chàng không kén chọn. Chàng ăn không nhiều nhưng cái gì cũng có thể ăn được. Cơ hội để thân thiết hơn với chàng, chẳng có ai muốn bỏ qua. Ngô Du cũng từng mời chàng đến Ngẫu Phong hiên của mình hai lần. Ca bệnh làm nàng mất ăn mất ngủ mấy ngày, đến tay chàng thì nhanh chóng thuốc vào bệnh hết. Cơm trưa do nàng từ buổi sớm đã cẩn thận chú tâm chuẩn bị, thanh đạm mà tinh tế, thế nhưng chàng đều lấy cớ có việc mà khước từ, nhanh chóng bỏ đi. Từ trước đến nay chàng chưa từng dùng cơm ở Ngẫu Phong hiên.
“Tổng cộng có mỗi năm chữ, có cần phải xem lâu đến vậy không?”. Nguyệt Nhi nhìn dáng vẻ ngẩn ra của nàng, cũng nhón lấy tờ giấy: “Để em cũng xem xem, ‘canh tía tô’ có phải tiểu thư mê chữ của ngài ấy rồi? Hay là đang thầm làm thơ đấy?”.
“Nói linh tinh”, nàng đẩy Nguyệt Nhi ra, cẩn thận thu tờ giấy ấy lại. Nói cho cùng đây cũng là nét chữ do chính chàng viết.
“Tối nay làm gì?”
“Đọc sách. Tranh thủ xem cho kỹ tránh để tiên sinh lại dùng mực đỏ phê lại cho ta.”
“Đơn thuốc lại có gì sai rồi?”
“Cũng không sai, chỉ là còn thiếu cái gì đó thôi. Tối nay ta cần tập trung, em ở cùng mài mực cho ta, gọi cả Cầm Nhi nữa.”
Nguyệt Nhi chớp chớp mắt nhìn nàng: “Tối nay cốc chủ làm gì, tiểu thư có biết không?”.
“Làm gì?”, nàng hỏi bâng quơ.
“Em vừa gặp Tiểu Bối chỗ Triệu tổng quản, cô ấy nói tối nay cốc chủ muốn ra ngoài, chỉ đem theo hai tùy tùng. Dọa cho Triệu tổng quản thiếu chút nữa là quỳ xuống lạy ngài ấy.”
“Hả!”, Ngô Du kinh hãi: “Sao tiên sinh lại làm thế? Sao có thể như thế?”.
“Tuy chân cốc chủ đi lại không tiện nhưng vẫn có thể cưỡi ngựa. Chỉ là không biết ngài ra khỏi cốc có việc gì?”.
“Tất nhiên là có bệnh nhân nguy kịch, ra ngoài chẩn bệnh.”
“Không phải đâu. Trước nay cốc chủ không bao giờ ra ngoài chẩn bệnh.” Nguyệt Nhi từ nhỏ đã ở trong cốc, những việc biết được tất nhiên là nhiều hơn Ngô Du nhiều.
“Hôm trước em nhắc tới vị Sở cô nương ấy… cô ta… có phải cô ta vẫn ở tại Trúc Ngô viện?”
“Việc này… em không biết. Chỉ biết sáng nay cốc chủ dậy rất muộn, lại còn… hình như thân thể ngài có chút không khỏe. Đến chỗ Sái đại phu, ngồi lại chưa được nửa giờ đã về Trúc Ngô viện rồi.”
Tâm tình Ngô Du hỗn loạn, không nhịn được hỏi: “Sao tiên sinh lại không khỏe? Liệu có phải bệnh tim tái phát rồi?”.
“Có lẽ thế. Dù không phải bệnh tim tái phát, mấy ngày nay sương nồm trời ẩm, cốc chủ chịu không nổi.”
“Nhưng mà, tối nay tiên sinh vẫn muốn ra ngoài?”.
“Vâng. Nếu không Triệu tổng quản sao phải lo lắng đến thế?”.
“Tiên sinh vẫn không chịu quan tâm đến sức khỏe của bản thân”, nàng nhè nhẹ thở dài một tiếng, rồi lại tựa xuống giường: “Nguyệt Nhi, giúp ta đem đèn lên. Ta muốn ở đây đọc sách một lúc. Em với Cầm Nhi đi nghỉ đi.”
Đột nhiên nàng cảm thấy tối nay chẳng còn hứng thú làm gì nữa.