Mê Hiệp Ký Chương 4 part 1

Chương 4 part 1
Đèn bắt đầu được thắp,

có thể trông thấy Thần Nông trấn thấp thoáng trong khói bếp lơ lửng trên không trung. Vó ngựa đạp lên nhưng viên đá xanh lát đường cũ kỹ phát ra những âm thanh giòn giã, vừa qua cổng trấn, tiếng vó ngựa dần chìm vào sự ồn ã chốn đông người.

Vốn “Thính Phong Lâu” có tên là “Lâm Giang Tiên”, là chỗ lớn nhất, có khí thế nhất trong Thần Nông trấn. Chỉ bởi nơi này nằm bên bờ sông, bất kể anh có ngồi đầu đi chăng nữa đều có thể nghe thấy âm thanh vù vù của gió thổi, cho nên mới đổi tên như hiện nay. Chỗ đặc biệt của Thần Nông trấn so với những nơi khác, ngoài việc tiệm thuốc nhiều, phòng mạch lắm, khách điếm nhan nhản ra thì chính là nhiều tửu lâu, cơ hồ cứ mười bước lại có một quán. To nhỏ khác nhau, phục vụ đầy đủ cho mọi loại du khách. Những người phải tới đây tìm thuốc bệnh thường không nhẹ, cho nên hơn nửa đều phải ở lại trong trấn mười ngày nửa tháng. Bệnh nhân, lại thêm người đi theo chăm sóc, tự nhiên phải có chi phí rồi. Cho nên, quán rượu tuy nhiều nhưng quán nào cũng có việc cả. Lại thêm bệnh tật đến chẳng phân thời tiết, thời điểm nào trong năm cũng có người bệnh đến tìm đến, cho nên việc làm ăn ở đây đơn giản là không phân biệt mùa đắt khách, mùa đông. Thính Phong lâu tính ra chính là nơi tấp nập nhất.

Trà thơm được rót ra, khói nghi ngút bốc cao. Hà Y vừa tiến vào cửa lớn lập tức có tiểu nhị ân cần chào hỏi. Nàng đang cảm thấy khát cho nên trước tiên gọi một chén trà hoa cúc. Chén trà làm bởi sứ men đen, vừa rót nước sôi vào, qua một lúc, hoa cúc đã nở trong chén, thật giống hệt như tranh thủy mặc. Quán hạng nhất đương nhiên dùng đồ hạng nhất, chén men đen này làm phỏng theo hình dạng chén thời Tống, người thời Tống rất thích so sánh trà, màu trà quý ở chỗ trắng, cho nên dùng chén sứ đen thì có thể làm sắc trà hiển hiện rõ ràng nhất. Như bây giờ tuy trên thị trường đồ mô phỏng nhiều nhưng phần lớn là các nhà giàu có cất giữ. Hà Y lăn lộn trong giang hồ, đã uống trà ở không biết bao nhiêu quán rượu, nhưng quán dùng đồ thưởng trà quý giá nhường này thì thật sự hiếm thấy. Chẳng qua, giá cả ở Thính Phong lâu cũng đắt đến dọa người ta khiếp vía.

Tiểu nhị nói: “Cô nương là khách lần đầu tới, bản quán có lệ khách lần đầu tới đều giảm giá bốn phần. Không biết cô nương muốn mua thứ gì”.

Hà Y nghĩ, hôm qua vừa kiếm được một khoản lớn, tuy vừa mất đứt hai trăm lương ngân phiếu trong bọc hành lý, nhưng vẫn quyết định phải tiêu xài một phen. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên trong đời nàng thoải mái tiêu pha. Bèn nói: “Quán các vị có món gì ngon, đặc sắc thì cứ đem lên đi”.

Tiểu nhị đáp: “Có đương nhiên có. Bản quán gần đây có để ra một suất ăn Đạo gia thất tinh, tùy theo khách nhiều hay ít phân thành ba loại lớn, vừa, nhỏ. Cô nương dùng bữa một mình, đồ không cần quá nhiều, gọi loại nhỏ được rồi”.

Hà Y nói: “Gọi như thế đi, nhanh đem lên”.

Một lát sau, tiểu nhị bưng lên sáu đĩa thức ăn nhỏ, xem ra có vẻ rất cầu kỳ tinh tế. Nhưng ở giữa lại có một chiếc đĩa trống không. Hà Y hỏi: “Cậu nói là bảy món, thế thì phải có bảy đĩa mới đúng, thế nào lại chỉ có sáu đĩa? Cái đĩa trống ở giữa có phải dùng để bỏ xương không?”.

Tiểu nhị khẽ cười, sớm đã dự liệu nàng sẽ hỏi như thế, bèn đáp: “Không phải đâu. Đĩa trống ấy cũng là một món. Tên gọi là ‘Hỗn nguyên nhất khí’”.

Hà Y trợn tròn mắt hỏi: “Ông chủ chỗ các vị muốn phát tài đến phát cuồng rồi sao? Một cái đĩa trống mà cũng tính là một món?”.

Tiểu nhị đáp: “Cô nương không biết rồi, khách đến bản quán đa phần đều xuất thân từ dòng dõi thư hương. Món này chính là chỉ cái ý lấy không làm có mà Đạo gia nhắc tới. Chẳng giấu gì cô nương, bản quán giới thiệu món này ra đã hơn hai tháng, những người nếm qua đều khen là có ý tứ. Không ít quan khách còn cố tình dẫn theo bạn bè đến ăn, chuyên gọi món này đê thể hiện trình độ học vấn. Còn nữa, cái dĩa đựng món này làm bằng sứ men xanh Châu Quang của trấn Cảnh Đức, trăng như ngọc, sáng như gương mỏng như giấy, gõ vào âm thanh trong như tiếng khánh. Chỉ mỗi cái đĩa không đã có giá trị năm lượng bạc rồi”.

Hà Y vừa ăn vừa lắc đầu, mới ăn xong một đĩa đã nghe thấy trên lầu có tiếng đánh lộn vọng xuống. Chỉ là lầu dưới đông khách, mọi người ai nấy đều lo việc của mình, vui đùa uống rượu, ồn ào huyên náo che lấp luôn tiếng đánh nhau kia. Hà Y không nhịn được hỏi tiểu nhị: “Trên lầu hình như không được yên ổn cho lắm?”.

Tiểu nhị gật đầu nói: “Là huynh đệ của Thủy Long bang và Phi Ưng đường có chút quá khích, làm loạn lên ở trên ấy. Đây là việc bình thường, cô nương không cần phải lo sợ”, vừa nói xong, chợt nghe “bịch, bịch” hai tiếng, hai đại hán cường tráng đã bị người ta quăng từ lan can lầu hai xuống dưới. Hai người kia nặng nề rơi xuống đất, làm vỡ một cái bàn lớn, rượu và đồ nhắm vung vãi khắp nơi. Khách ở lầu dưới gặp việc lạ mà cứ như không, ai nấy chỉ quay đầu nhìn một cái rồi lại quay đi tiếp tục ăn uống.

Tại cái bàn vừa bị vỡ tan kia có hai thanh niên áo đen ăn cơm, một người rất cao, mắt to mày rậm, vận áo vải gọn gàng, dáng vẻ từng trải. Người kia thấp hơn nửa cái đầu, nhìn vẫn cao hơn người bình thường rất nhiều, eo thon, tay dài, khoác một cái áo khoác màu xám. Hai người này từ bên ngoài tới và rõ ràng đã tới nhầm nơi. Trên bàn của người khác toàn là thức ăn ngon lành, bọn họ thì mỗi người một bát cơm trắng, trên bàn trống không. Hai người này trông thấy có người rơi tới, liền nhanh chóng bưng bát cơm của mình, chuyển đến một cái bàn sát tường, tiếp tục và cơm ăn. Vừa ăn xong một miếng, trên lầu lại có hai người nữa bị ném xuống, lại thấy sắp rơi xuống bàn của họ, chỉ thấy người cao lớn hơn vươn tay tới lưng của kẻ đang ngã xuống, một đỡ một đẩy, kẻ bị ngã kia vốn đang trong tư thế chân tay chổng hết lên trời, vậy mà bị anh ta, giữa không trung tính chuẩn như dùng bàn tính, xoay một vòng, hai chân liền đứng vững, vừa chạm đất một cái lập tức cắm đầu cắm cổ chạy vội vàng ra ngoài. Người còn lại rơi xuống bên cạnh thanh niên áo đen thấp hơn, anh ta chẳng thèm để ý, mặc kể kẻ kia lổm ngổm trước mắt. Chỉ nghe thấy người cao hơn hỏi: “Trên kia rốt cuộc có chuyện gì vậy?”.

Người đi cùng đáp: “Có người rơi xuống, lại chẳng phải họ tự nhảy, tất nhiên là có chuyện rồi”.

Người cao hơn nói: “Để đệ lên xem sao”, nói xong cất bước định đi. Người đi cùng kéo lại, nói: “Đệ chờ đi. Nơi đây lắm người, nhiều chuyện phức tạp, không dưng chớ có đi tìm phiền phức. Phải nhớ cho kỹ điều thứ tám trong nguyên tắc an toàn khi hành tẩu giang hồ: Tài cao phải sợ gan lớn”.

Hà Y vừa nghe đươc, khúc khích một tiếng, thiếu nữa thì phì cười.

Người cao hơn rõ ràng không màng đến lời người kia nói: “Đệ muốn lên xem xem, rốt cuộc là kẻ nào ngang ngược ở đây”. Không đợi người kia đáp lời, thân hình của anh ta đã biến mất tựa khói, đi lên trên rồi. Chẳng bao lâu sau, lại nghe thấy “bịch” một tiếng, có một người ngã xuống. Người áo đen kia ở dưới lầu vội vươn tay đỡ được người bạn của mình, trên mặt người ấy đã bị đánh cho ứa máu, người kia vội giúp bạn mình đứng dậy, nói: “Đã bảo đệ chớ đi, đệ cứ nằng nặc không nghe. Cứ để người ta dánh cho sưng mặt rồi mới thôi”. Thanh niên cao hơn hiển nhiên không phục, đưa tay quyệt máu trên mặt một cái, đẩy bạn mình ra rồi lại xông lên.

Hà Y vẫn điềm nhiên uống trà hoa cúc, cảm thấy hai thanh niên này rất thú vị. Chẳng bao lâu sau, trên tầng lầu lại vang lên tiếng ồn ào, có mấy người bay qua cửa sổ văng ra ngoài, hàng loạt tiếng loảng xoảng chén đĩa vỡ tan tành. Sau đó mọi thứ yên lặng trở lại, người thanh niên cao lớn hơn nghênh ngang đắc ý từ trên lầu đi xuống.

Người thấp hơn hỏi: “Đòi được công bằng chưa?”

Người cao hơn đáp: “Đòi được rồi”.

Người thấp hơn hỏi: “Cuối cùng thì sao bọn họ lại đánh lộn?”.

Người cao hơn đáp: “Đệ không biết”.

Người kia cười khổ: “Đệ không biết? Đệ cũng không hỏi?”.

Người cao hơn nói: “Đông người quá, hỏi không nổi. Chẳng qua là chút ân oán giang hồ, giống như đàn bà cãi nhau thôi, vĩnh viễn chẳng biết được ai đúng ai sai”, còn đang nói chợt nhìn thấy một người trung niên béo lùn không biết từ lúc nào đã vô thanh vô tức tới dứng sau lưng mình, tủm tỉm cười. Người trung niên này bụng to, eo tròn, mang một dáng vẻ nhàn nhã, thung dung. Ông ta một bên vuốt cái thắt lưng gấm xanh mới toanh trên người, dường như cực kỳ hài lòng với chất liệu của trang phục, một bên dùng một chiếc khăn lau đi lau lại cái nhẫn làm bằng ngọc thời Hán có vân trên ngón trỏ, có vẻ như đang đợi thanh niên áo đen cao hơn nói xong.

Thanh niên áo đen cao lớn hỏi: “Các hạ tìm tôi có việc gì?”

Người trung niên nói: “Không dám. Tại hạ là Ông Anh Đường là chủ cái quán nhỏ này. Vừa rồi công tử đạp vỡ của bản quán năm mươi hai cái đĩa, lại đánh hỏng ba cái bàn. Loại đĩa này là bản quán nhập từ trấn Đức Cảnh về, bàn bằng gỗ hồng, tất cả cộng lại là năm trăm linh ba lượng, năm tiền. Nếu như trên người công tử có sẵn tiền vậy phiền công tử thanh toán, bằng như không tiện thì ngân phiếu cũng được, Ngân phiếu của Đại thông, Bách Hối, Long nguyên, Bảo Phong tứ đại điền tranh chúng tôi đều nhận”.

Người thanh niên kia cười lạnh, nói: “Vừa rồi những kẻ kia cũng đập của ông bao nhiều đồ, phá của ông bao nhiêu bàn? Ông cũng muốn bọn chúng bồi thường à?”

Ông Anh Đường đáp: “Bọn họ đã bồi thường rồi. Không tin thì công tử nhìn xem, đây chính là bằng chứng”.

Quả nhiên ông ta đưa ra một tờ kê với một ngân phiếu. Thanh niên cao lớn kia nhíu mày, nói: “Tôi không có nhiều tiền như thế”.

Ông Anh Đường nói: “Như thế này thật quá kỳ lạ rồi. Cái bàn này không phải đồ nhà công tử, công tử cũng không định đền, vậy tại sao công tử đập vỡ nó? Vừa rồi những người kia sở dĩ đập phá, ấy là bởi bọn họ đã bảo trước với tôi bọn họ chuẩn bị đầy đủ tiền bồi thường rồi, tôi mới để bọn họ đập phá”.

Thanh niên cao lớn nói: “Đám người ấy, lẽ nào bọn họ ăn no rửng mỡ? Vừa đập đồ đạc vừa đền tiền?”.

Ông Anh Đường cười nói: “Thế thì có gì là lạ? Hai bang tranh chấp, muốn tìm một chỗ giải quyết. Bọn họ cũng bàn với nhau chọn đúng chỗ này của tôi, cảm thấy đập bàn phá chén cũng rất thú vị, chỉ cần có đủ tiền, cứ vô tư mà phá. Ấy là bởi chỗ này người ra kẻ vào tấp nập, tin tức lan đi rất nhanh. Bọn họ muốn là muốn danh tiếng, để người trên giang hồ biết thế lực của Thủy Long bang và Phi Ưng đường, lại muốn biểu diễn một chút, cũng định tổ chức ở đây, cho nên đã lo liệu hết rồi. Các hạ hồ đồ nhảy vào, phá bao nhiêu là đồ đạc, Người hai bang ấy nói họ chỉ bồi thường những thứ họ phá, họ không quen biết các hạ, cho nên không thể tùy tiện bồi thường giúp được”.

Thanh niên cao lớn bị ông ta nói một tràng như thế, cũng cảm thấy mình đuối lý, nói: “Việc này…” dáng vẻ rất bối rồi.

Hà Y đứng bên cạnh nói: “Tiền vị công tử này nợ, tôi trả giúp là đươc”.

Ba người đều quay sang nhìn nàng. Thanh niên cao lớn hơn nói: “Đa tạ. Có điều tại hạ không hề quen biết cô nương, không dám tùy tiện nhận ân tình này. Món tiền này, tại hạ tự nghĩ cách”.

Hà Y nói: “Công tử cả nghĩ rồi. Tiền tài là vật ngoài thân, có rồi mất chẳng qua cũng chỉ là phút chốc mà thôi”, nàng rút ra một tờ giấy hoa văn tinh tế, bên trên kín mít các loại hoa văn. Ông Anh Đường vừa trông thấy ngân phiếu, nụ cười trên mặt lại càng tươi như hoa, nói: “Được, được, chỉ cần có người bỏ tiền là được. Tiền cũng chẳng có ai ký tên, tiền của ai cũng không thành vấn đề”, ông ta săm soi hoa văn, chợt biến sắc, nói: “Cô nương, xin hỏi tờ ngân phiếu này từ đâu mà có?”.

Hà Y đáp: “Chẳng lẽ ngân phiếu là giả?”.

Ông Anh Đường nói: “Ngân phiếu thì đúng là thật. Chỉ có điều, tờ ngân phiếu này là của Mộng Vân cốc phát ra. Phải chăng cô nương là người của Mộng Vân cốc”.

Hà Y đáp: “Tuy là không phải, nhưng tờ ngân phiếu này đúng là do Mộ Dung tiên sinh đưa cho tôi”.

Ông Anh Đường hỏi: “Trong cốc có khá nhiều người mang họ Mộ Dung, không biết người cô nương nhắc tới là vị Mộ Dung nào?”

Hà Y đáp: “Mộ Dung Vô Phong”.

Ông Anh Đường trợn tròn mắt nhìn nàng, nhìn chằm chằm cả buổi mới nói: “Cô nương từng gặp Mộ Dung cốc chủ”.

Hà Y nói: “Đã gặp”.

Ông Anh Đường bỗng nhiên cúi thấp đầu nói: “Cô nương tuy rộng rãi, nhưng tại hạ không dám nhận tiền của cô nương”.

Hà Y hỏi: “Tại sao?”.

Ông Anh Đường kéo Hà Y sang một bên, nhỏ giọng nói: “Việc hôm nay, cũng mong sau này cô nương đừng nói với cốc chủ”.

Hà Y hỏi: “Tại sao?’.

Ông Anh Đường nghĩ ngợi một lúc rồi nói; “Nguyên cớ bên trong không tiện nhiều lời”, nói xong quay người lại cười với người thanh niên áo đen, nói: “Công tử, việc hôm nay không tính toán nữa, Sau này hạ cố tới bản quán, thấy có người đánh nhau cũng xin công tử hỏi trước một câu rồi hãy đánh”.

Thanh niên áo đen cao lớn trợn mắt nhìn ông ta, bộ dang tỏ ra không thèm nhận món ân tình này. Nhưng người đi cùng đứng bên cạnh lại nói ngay: “Đương nhiên, đương nhiên”.

Ông Anh Đường cười ha hả nói: “Nói hay lắm, nói hay lắm, chuyện vừa rồi quấy rầy ba vị dùng bữa, đồ ăn xem ra cũng nguội cả rồi. Xin ngồi đợi một chút, tôi lập tức kêu người chiếu theo các món cũ mà mang lên đồ mới, coi như là một chút tâm ý của tôi”.

Thanh niên cao lớn nhìn ông ta rời đi, nói: “Kỳ quái. Sao ông ta tự nhiên lại rộng rãi thế?”.

Người đi cũng nói: “Xem ra ắt là đối với thần y Mộ Dung có chút úy kỵ”.

Anh ta ngừng một chút rồi nói tiếp: “Việc vừa rồi đa tạ cô nương giúp đỡ, tôi họ Uất Trì, gọi là Uất Trì Tĩnh Lôi. Đây là tiểu đệ, Uất Trì Tĩnh Đình”, nói rồi chỉ sang người thanh niên cao lớn vừa nãy xông lên lầu.

Thì ra là một cặp huynh đệ, thảo nào tướng mạo giống nhau đến thế.

Hiển nhiên Hà Y chưa từng nghe tới hai cái tên này, nói: “Hân hạnh. Tôi họ Sở, gọi là Sở Hà Y”.

Uất Trì Tĩnh Lôi kinh ngạc đổi sắc mặt, nói: “Lẽ nào chính là Sở cô nương, một kiếm đánh bại Phi Ngư đường? Chúng tôi đã từng đọc trênGiang hồ khoái báo rồi”.

Hà Y hỏi: “Giang hồ khoái báo?”.

Uất trì Tĩnh Lôi nói: “Chẳng lẽ cô nương không biết Giang hồ khoái báo của Phấn Trai tiên sinh? Giang hồ danh nhân bảng mỗi năm đều đăng trên đó”.

Hà Y nói: “Thế sao?”.

Uất Trì Tĩnh Lôi nói: “Chúng tôi tới từ vùng Tây Bắc. Cô nương đã nghe tới phái Côn Lôn chưa?”.

Trên giang hồ ấn tượng về phái Côn Lôn đơn giản giống hệt như ấn tượng về dãy Côn Lôn, xa tít mù tắp. Tựa như chỉ tồn tại trong truyền thuyết thôi. Ít nhất là trong vòng hai ba chục năm gần đây, chẳng hề thấy một ai thuộc phái Côn Lôn vào trung nguyên hành tẩu.

Hà Y cười chiếu lệ, nói: “Đương nhiên là có nghe qua”.

Uất Trì Tĩnh Lôi vui mừng nói: “Tuy mười mấy năm gần đây, phái Côn Lôn không có ai trới trung nguyên nhưng nếu Sở cô nương từng đọc Giang hồ cựu văn san của Phấn Trai tiên sinh, nhất định sẽ không thấy lạ lẫm với chúng tôi”.

Uất Trì Tĩnh Đình cũng sáp lại nói: “Sư tổ của chúng tôi, ‘Côn Lôn nhị lão’, năm xưa ở tây bắc, điểm những người dám bằng vai phải lứa với hai vị cũng chỉ có mỗi mình Thiên Sơn Băng Vương thôi. Chỉ đáng tiếc hai vị lão gia một lòng theo đạo, cả năm không xuống núi, cho nên mới khiến cả trung nguyên chỉ biết tới mỗi Thiên Sơn Băng Vương mà không biết tới Côn Lôn nhị lão”.

Hà Y nói: “Chẳng trách, chẳng trách. Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡi mộ đã lâu. Danh tiếng của Côn Lôn nhị lão, không chỉ ở vùng tây bắc, mà ngay cả ở trung nguyên cũng vang dội không thôi”.

Nguồn: truyen8.mobi/t32928-me-hiep-ky-chuong-4-part-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận