Mùa Hè Thứ Hai Của Quần Jean May Mắn Chương 3

Chương 3
Chẳng có gì trên đời giống như việc trở lại một nơi không hề thay đổi chỉ để nhận ra rằng chính bạn đã đổi thay.

Mặc dù thị trấn Burgess ở bang Alabama có số dân hơn 12 nghìn người (theo Bridget là khá lớn), chẳng có gì hứa hẹn sẽ náo nhiệt như bến xe buýt trên tuyến Triangle này cả. Thật ra thì Bridget gần như đã ngủ suốt khi đi qua đó. May thay khi người tài xế phanh để dừng lại, nó đã bị đánh thức dậy và lảo đảo xô từ bên nọ sang bên kia, vớ lấy cái túi. Nó nhảy ra khỏi chiếc xe nhanh đến nỗi còn để quên chiếc áo mưa cuộn lại dưới ghế.

Nó đi bộ trên vỉa hè đến trung tâm thị trấn, chú ý đến đường thẳng thanh mảnh giữa những viên đá lát đường. Hầu hết những đường nứt trên vỉa hè mà bạn nhìn thấy đều là những đường nứt giả, vẽ trên xi măng ướt, nhưng những đường này là thật. Bee cố tình giẫm mạnh lên những đường nứt ấy một cách ngang bướng, cảm thấy mặt trời đang thiêu đốt sau lưng và năng lượng chực bùng nổ trong lồng ngực. Cuối cùng thì nó cũng đang làm một việc gì đó. Nó không biết chính xác đó là gì nhưng hành động luôn hợp với nó hơn ngồi đó chờ đợi.

Sau một thoáng nghiên cứu cấp tốc về thị trấn, nó nhận thấy có hai nhà thờ, một cửa hàng đồ gia dụng, một hiệu thuốc, một hiệu giặt tự động, một quán kem có đặt bàn ngoài trời, và cái gì đó trông như một tòa án. Xa hơn về phía Phố Chợ nó nhìn thấy một quán trọ trông hay hay mà nó biết giá phòng sẽ rất đắt, và ngay đầu góc phố ấy, trên phố Royal là một ngôi nhà kiểu Victorian trông ít hay ho hơn với tấm biển đỏ dãi dầu mưa nắng có chữ ROYAL STREET ARMS, và dưới đó là chữ, CÓ PHÒNG CHO THUÊ.Truyen8.mobi

Nó đi đến bậc tam cấp và rung chuông. Một phụ nữ mảnh khảnh tầm năm mươi tuổi ra mở cửa.

Bridget chỉ lên tấm biển. “Cháu thấy tấm biển của bác. Cháu đang tìm phòng để thuê trong khoảng vài tuần.” Hoặc vài tháng.

Người phụ nữ gật đầu, ngó Bridget thật kỹ. Đó là nhà của bác ấy, Bridget có thể nhận thấy thế. Có lẽ đó đã từng là một ngôi nhà lớn, có thể từng một thời nguy nga, nhưng nó, cũng như bác ấy, rõ ràng đã trải qua những thời điểm khó khăn.

Họ tự giới thiệu và người phụ nữ, bà Bennett chỉ cho Bridget một phòng ngủ ở tầng hai phía mặt tiền của căn nhà. Căn phòng bày biện rất đơn giản nhưng khá rộng và đầy ánh sáng. Có cả một chiếc quạt trần, một tấm sưởi và một chiếc tủ lạnh mini.

“Phòng này dùng buồng tắm chung, giá 75 đôla một tuần,” bà giải thích.

“Cháu thuê phòng này,” Bridget nói. Nó sẽ phải xử lý vấn đề chứng minh thư bằng cách nộp một khoản đặt cọc kếch xù, nhưng nó đã đem đi 450 đô tiền mặt, và hy vọng sẽ nhanh chóng tìm được một việc làm.

Bà Bennett đọc nội quy, và Bridget trả tiền.

Nó phân vân về tốc độ và sự đơn giản của toàn bộ quá trình giao dịch này khi chuyển đồ vào phòng. Nó mới ở Burgess có chưa đầy một tiếng, và đã ổn định xong. Cuộc sống lưu động có vẻ dễ dàng hơn người ta nói nhiều.

Không có điện thoại trong phòng nhưng có một chiếc điện thoại gọi bằng xu ở hành lang. Bridget dùng cái điện thoại ấy để gọi về nhà. Nó để lại lời nhắn cho bố và Perry rằng đã đến nơi an toàn.

Nó kéo sợi dây để bật cái quạt trần và nằm dài trên giường. Nó thấy mình đang gõ gót chân lên phía dưới của chiếc khung kim loại màu trắng, nghĩ về thời điểm tự giới thiệu với bà ngoại. Nó đã cố gắng phác họa ra thời điểm ấy không biết bao nhiêu lần, và đều không thể. Đơn giản là không thể. Nó không thích như thế. Điều mà nó muốn từ bà ngoại, bất kể đấy là một thứ gì đó không gọi tên ra được, đều sẽ bị nghiền nát trong cái ôm nghĩa vụ đầu tiên. Họ là những người lạ với nhau, nhưng giữa họ lại có một sự nặng nề đáng kể. Mặc dù Bee luôn dũng cảm, nó vẫn thấy sợ bà và tất cả những gì bà biết. Bee vừa muốn biết vừa không muốn biết những điều ấy. Nó muốn tự mình tìm ra chúng theo cách của riêng mình.

Bee cảm thấy luồng năng lượng quen thuộc xưa cũ trào dâng trong tứ chi.

Nó ra khỏi giường. Nó soi gương. Đôi khi bạn có thể nhìn thấy một điều mới mẻ trong một cái gương lạ.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên nó đã thấy sự tàn phá dung nhan thường lệ. Sự tàn phá này bắt đầu từ khi nó ngừng chơi bóng đá. Không, thật sự thì bắt đầu từ trước đó, vào cuối mùa hè. Nó đã phải lòng một anh chàng lớn hơn. Nó đã phải lòng anh chàng và đi xa hơn với anh ta hơn dự định. Mẹo mà Bee luôn giữ là liên tục di chuyển, di chuyển với nhịp độ nhanh đến hồi hộp thậm chí là liều lĩnh. Nhưng sau mùa hè vừa rồi nó đã dừng lại một chút, và những nỗi đau - cũ kỹ, lẽ-ra-nên-quên-đi - đã lại đuổi kịp nó. Đến tháng Mười một nó ngừng chơi bóng đá, ngay khi những người chiêu mộ cầu thủ trẻ ở các trường đại học bắt đầu vây quanh nó. Vào Giáng sinh cả thế giới kỷ niệm một ngày sinh, còn Bee thì nhớ tới một cái chết. Nó che giấu mớ tóc của mình dưới một lớp nhuộm màu nâu tro sậm số #3. Đến tháng Hai nó thường xuyên ngủ rất muộn và xem tivi suốt, kiên quyết biến các túi bánh rán và ngũ cốc thành trọng lượng của mình. Điều duy nhất giữ nó lại trên đời là sự quan tâm thường xuyên của Carmen, Lena và Tibby. Mấy đứa bạn ấy sẽ không mặc kệ nó, và nó yêu chúng vì thế.Truyen8.mobi

Nhưng ngay khi nhìn lâu hơn vào gương, Bridget nhìn thấy có gì đó khác. Nó nhìn thấy sự bảo vệ. Nó nhìn thấy một lớp mỡ trên cơ thể nó. Nó có một lớp thuốc nhuộm trên tóc. Nó có lớp vỏ dối trá nếu nó muốn.

Nó trông không giống Bee Vreeland. Ai nói rằng nó phải giống cô ta nào?

“Đây chỉ là một buổi tập dượt trước phải không?” mẹ Tibby nói một cách phấn chấn khi bố nó đậu chiếc xe tải mini màu bạc vào một chỗ đậu xe sau Lowbridge Hall.

Nếu đây là lần đầu tiên mẹ nó nói thế thì có lẽ đã không khiến Tibby bực mình đến vậy.

Mẹ sẽ phấn chấn thế khi tống cổ nó đến trường cao đẳng ư? Mẹ có cần phải bày tỏ lộ liễu điều ấy thế không? Giờ thì bà Alice đã có thể thích thú với cái gia đình trẻ ăn ảnh của mình mà không có con bé chuyên gây rắc rối này lẩn tránh phía sau rồi.

Lẽ ra đứa con thì vui vẻ được rời khỏi nhà còn bố mẹ thì buồn bã mới phải chứ. Thế mà Tibby mới là người đang thấy buồn. Niềm vui của mẹ nó đã gây ra một sự đảo ngược vị trí. Cả hai chúng ta đều có thể vui chứ, Tibby nghĩ thật nhanh, nhưng chính điều ngược lại đã hạ gục suy nghĩ ấy.

Rất cẩn thận, Tibby để lại chiếc iBook mới của nó vào trong hộp. Đó là quà sinh nhật sớm của bố mẹ, một ví dụ minh họa khác về việc bị mua chuộc. Lúc đầu Tibby lờ mờ cảm thấy tội lỗi về tất cả những thứ đó: chiếc tivi, đường điện thoại riêng, chiếc iMac, chiếc máy quay phim kỹ thuật số. Sau đó thì nó nhận ra rằng nó có thể chỉ không được quan tâm, hoặc nó có thể không được quan tâm đồng thời có thật nhiều đồ điện tử đắt tiền.

Khuôn viên trường Williamston là khung cảnh cổ điển của cuộc sống ở trường đại học. Ở đó có những lối đi lát gạch, thảm cỏ tươi tốt, khu ký túc phủ đầy dây thường xuân. Điều duy nhất không có vẻ thuyết phục là các học viên ngây thơ đang lượn quanh hành lang. Họ giống như những diễn viên quần chúng không được kiểm soát trong một bộ phim đời thực. Họ vẫn đang học cấp ba, và Tibby cảm thấy trông họ chỉ ra vẻ là sinh viên đại học. Việc này làm nó nhớ lại những lúc Nicky đeo ba lô của Tibby diễu hành quanh nhà.

Một tấm giấy dán cạnh thang máy liệt kê các phòng phân cho sinh viên. Tibby nghiên cứu tờ giấy một cách lo lắng. Một phòng đơn. Hãy làm ơn cho đó là một phòng đơn. Và đây. Phòng 6B4. Có vẻ không còn ai khác trong phòng 6B4. Nó ấn nút thang máy. Mọi thứ đi lên.

“Sau khoảng hơn một năm nữa, chúng ta sẽ thực hiện lại tất cả những việc này. Anh có thể tin được không?” mẹ hỏi.

“Thật kinh ngạc,” bố nói.

“Vâng,” Tibby nói, đảo mắt ngước lên trần nhà. Tại sao họ lại chắc chắn rằng nó sẽ học đại học đến thế nhỉ? Họ sẽ nói gì nếu nó cứ ở nhà và làm việc tại cửa hàng Wallman? Duncan Howie đã từng bảo nó rằng nó có thể trở thành trợ lý giám đốc trong vài năm tới nếu nó bỏ cái thái độ ấy đi và để cái lỗ khuyên trên mũi liền lại.

Cánh cửa phòng 6B4 đang mở, và có một chiếc chìa khóa treo lủng lẳng trên cái đinh ở bảng tin. Có một mớ giấy trên bàn chào đón nó và các thứ tương tự. Cạnh đó là một chiếc giường đơn, một cái bàn đầu giường và một cái bàn giấy bằng gỗ trông hết sức kỳ quái. Sàn nhà bằng vải sơn màu nâu với những vệt nôn trắng.

“Thật là... tuyệt,” mẹ nó thốt lên. “Xem quang cảnh nhìn từ đây này.”

Sau năm năm làm đại lý môi giới nhà đất, mẹ Tibby đã học được nghệ thuật tiếp thị bất động sản: Khi hoàn toàn chẳng có gì hay ho trong một căn phòng, hãy chỉ ra cửa sổ.

Bố nó đặt mấy cái túi của nó xuống giường.

“Xin chào?”

Cả ba người họ quay ra.

“Cậu là Tabitha à?”

“Tibby,” Tibby sửa lại. Cô gái vừa vào mặc một chiếc áo nỉ có mũ của trường Williamston. Mớ tóc nâu xòa ra khỏi cái đuôi ngựa phủ quanh đường rẽ ngôi. Da cô xanh xao và có rất nhiều nốt ruồi. Tibby đếm số nốt ruồi.

“Tôi là Vanessa,” cô gái nói, làm động tác chào kiểu quý tộc. “Tôi là RA. Đó là viết tắt của chữ Trợ lý về Nhà ở. Tôi có mặt ở đây để hỗ trợ bạn. Chìa khóa của bạn đây.” Cô ta chỉ tay. “Mũ của bạn ở kia.” Tibby liếc mắt nhìn chiếc mũ trường Williamston đang vui vẻ yên vị ở góc chiếc bàn đầu giường. “Các tài liệu hướng dẫn đều trên bàn giấy, còn hướng dẫn sử dụng hệ thống điện thoại ở trên bàn đầu giường. Nếu tôi giúp được gì nữa, hãy cho tôi biết.”

Cô gái liến thoắng tất cả những điều này, gần như đọc thuộc lòng, giống một cô bồi bàn khi có nhiều món đặc biệt.

“Cảm ơn Vanessa,” bố nó nói. Sau tuổi bốn mươi, ông có thói quen nhắc lại tên mọi người rất nhiều lần.

“Tuyệt quá,” mẹ nó nói. Đúng lúc đó, điện thoại di động của mẹ reo vang. Thay vì đổ chuông như bình thường, tiếng bản Minuet cung G của Mozart vang lên. Lần nào nghe thấy bài này Tibby cũng thấy ngượng. Cũng chẳng có gì hay ho hơn kể cả khi đấy chính là đoạn nhạc cuối cùng mà Tibby đã vật lộn vất vả để chơi cho được trước khi cô giáo dạy piano của nó hoàn toàn đầu hàng hồi nó lên mười.Truyen8.mobi

“Ôi không,” mẹ nó nói, sau khi nghe điện thoại một lúc. Bà rền rĩ và liếc nhìn đồng hồ, “Trong bể à...? Ôi trời... Thôi được.” Bà nhìn bố Tibby. “Nicky bị nôn ở lớp học bơi.”

“Khổ thân thằng bé,” bố nó nói.

Vanessa trông có vẻ như bị mắc kẹt và rất không thoải mái. Việc Nicky bị nôn ở lớp học bơi có lẽ không được nhắc đến trong sổ tay của cô ta.

“Cám ơn,” Tibby nói với Vanessa, tránh khỏi cuộc thảo luận của bố mẹ. “Em sẽ tìm chị nếu em, chị biết đấy, cần hỏi cái gì đó.”

Vanessa gật đầu. “OK. Phòng 6C1.” Cô trỏ ngón cái qua vai. “Ngay chỗ phòng đợi.”

“Tuyệt,” Tibby nói, nhìn cô ta đi ra. Khi quay lại chỗ bố mẹ, h đều đang nhìn thẳng vào nó. Lại ánh mắt ấy.

“Con yêu, Loretta phải đưa Katherine đến lớp học nhạc bây giờ. Mẹ phải quay lại chỗ làm để...” Mẹ Tibby ngừng lời một chút. “Mẹ đang cố nghĩ xem... Thằng bé đã ăn sáng món gì...?” Sau đó bà nhớ ra là đang làm Tibby thất vọng. “Dù sao thì chúng ta cũng sẽ phải hoãn kế hoạch ăn trưa lại vậy. Mẹ xin lỗi.”

“Không sao.” Tibby thậm chí còn chẳng hề muốn ăn trưa với họ cho đến khi họ hủy nó ấy chứ.

Bố quay sang ôm nó. Tibby ôm lại. Đấy vẫn là bản năng của nó. Ông hôn lên đỉnh đầu nó. “Chúc con vui vẻ, con yêu. Bố mẹ sẽ nhớ con.”

“Vâng ạ,” nó nói, chẳng hề tin ông.

Bà Alice dừng ở cửa và quay lại. “Tibby,” bà nói, dang rộng tay cứ như thể nãy giờ bà vẫn luôn chú ý và chỉ suýt quên nói câu tạm biệt thôi.

Tibby cũng tiến lại ôm mẹ. Trong một lúc nó đã tự cho phép mình nép trong lòng mẹ. “Hẹn gặp lại mẹ,” Tibby nói, đứng thẳng người lên.

“Tối nay mẹ sẽ gọi cho con để chắc là con đã ổn định xong mọi thứ,” bà Alice hứa.

“Mẹ không cần phải làm thế đâu. Con sẽ ổn thôi,” Tibby nói một cách nặng nề. Nó nói như thế để tự bảo vệ mình. Nếu mẹ nó quên không gọi điện, mà điều này dễ xảy ra lắm, cả hai sẽ đều có câu nói này làm lý do.

“Mẹ yêu con,” mẹ nó nói trên đường đi ra.

Vâng, vâng, Tibby cảm thấy như muốn nói thế. Các bậc phụ huynh có thể cảm thấy thoải mái khi nói với con cái câu đó vài lần một tuần. Cái đó gần như chẳng mất công gì, đã thế còn ghi được thêm nhiều điểm trong việc làm bố mẹ nữa.

Nó cầm lấy cuốn sách hướng dẫn sử dụng hệ thống điện thoại của khu ký túc xá. Nó cắm đầu đọc cuốn sách, nghiên cứu thật kỹ để khỏi cảm thấy buồn.

Đến trang mười một, đoạn ba, Tibby đã phát hiện ra rằng không những nó có hộp thư thoại và mã số riêng, nó còn có năm tin nhắn trong hộp. Nó bật lên nghe và mỉm cười khi nghe thấy những giọng nói đó. Một là từ Brian. Một từ Lena. Hai của Carmen. Tibby bật ra một tiếng cười khe khẽ. Kể cả Bee cũng để lại một tin nhắn kêu lạo xạo từ một điện thoại công cộng trên đường.

Tốt thôi, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhưng tình bạn, Tibby đột nhiên thấy, lại hơn cả hai thứ ấy.

“Con yêu. Mẹ muốn dừng lại đây một lát.”

Mẹ Lena chỉ thuê nó ngồi lại trong xe ôtô trong khi bà vào lấy đơn thuốc để khỏi phải gửi xe. Nhưng tất yếu là việc này sẽ lại dẫn đến một số những việc linh tinh khác. Đó là cách mẹ nó đảm bảo chất lượng cho khoảng thời gian hai mẹ con ở bên nhau - nhờ mưu mẹo. Lena có thể từ chối thẳng cánh, nhưng nó vẫn chưa có việc làm, điều này đã khiến ý thức về giá trị bản thân của nó tụt dốc thê thảm. 

Lena túm lấy mớ tóc dày của mình gạt ra khỏi cái cổ đẫm mồ hôi. Trời quá nóng đối với các mái chống nắng của ôtô. Trời quá nóng đối với mấy cái chỗ đậu xe này. Trời quá nóng đối với các bà mẹ.

“Được rồi.” “Đây” trong lời mẹ nó là Basia’s, một hàng thời trang đầy những phụ nữ như mẹ nó. “Mẹ có muốn con chờ để mẹ khỏi phải tìm chỗ đậu xe không?” Lena vẫn còn hỏi thế kể cả khi mẹ nó đã sà vào một điểm bán hàng đang mở rộng cửa ngay trước cửa hàng ấy.

“Dĩ nhiên không rồi,” mẹ nó vui vẻ trả lời, lúc nào cũng điếc đặc trước sự mỉa mai trong giọng của Lena.

Trước đó Lena đã dành nhiều thời gian nhớ Kostos đến độ nó đã nhiễm thói quen tưởng tượng rằng anh đang bên nó. Đó là một trò chơi nho nhỏ của nó. Và đôi khi sự có mặt tưởng tượng của anh cho nó viễn cảnh về giá trị con người của nó. Bây giờ nó đang tưởng tượng anh ngồi đó trên ghế sau ôtô, xem Lena hành động như một con ngốc vô ơn.Truyen8.mobi

Cô ta thật xấu xa, nó hình dung Kostos nghĩ khi anh ngồi toát mồ hôi ở chiếc ghế da đen phía sau.

Không, em chỉ xấu xa đối với mẹ em thôi, Lena hình dung ra mình đang tự biện hộ.

“Sẽ chỉ mất một phút thôi,” mẹ nó hứa hẹn.

Lena gật đầu trong trò chơi của mình, vì lợi ích của Kostos.

“Mẹ muốn mua gì đó cho buổi tốt nghiệp của Martha.” Martha là con gái đỡ đầu của họ hàng bên mẹ. Hoặc là họ hàng của con gái đỡ đầu của mẹ. Một trong mấy khả năng ấy.

“Vâng,” Lena theo mẹ ra khỏi xe.

Cửa hàng này lạnh như thời tiết tháng Hai. Đó là một điểm cộng. Mẹ nó đi ngay sang chỗ mấy giá quần áo màu be. Lướt qua một cái là bà đã cầm lên một chiếc quần màu be vải lanh và một chiếc sơ mi màu be. “Dễ thương không?” bà nói, nhấc lên ướm vào Lena.

Lena nhún vai. Mấy thứ đồ ấy trông chán đến nỗi mắt nó đờ cả ra. Lúc nào đi mua sắm mẹ nó cũng mua toàn những thứ y hệt những gì đã có. Lena nghe thấy tiếng mẹ nói chuyện với người bán hàng. Vốn từ vựng về quần áo của mẹ nó khiến nó nhăn mặt. “Quần âu... sơ mi nữ... màu kem... màu be nhạt... màu nâu sẫm.” Giọng Hy Lạp của bà làm những từ này nghe còn phát ngượng hơn. Lena lủi ra phía trước cửa hàng. Nếu Effie ở đây, hẳn con bé đang hớn hở thử mặc mấy món đồ hoa lá trong phòng thử đồ bên cạnh mẹ nó.

Lena nhìn qua mấy chiếc kính râm và mấy đồ phụ kiện tóc trên quầy tính tiền. Nó liếc ra ngoài cửa sổ đằng trước. IOUGN NEYUT(1), tấm biển trên cửa ghi thế.

Mẹ nó cuối cùng đã khoanh vùng đống đồ màu be thành một chiếc “áo sơ mi nữ màu vỏ trứng đáng yêu” và một “chân váy màu yến mạch dễ thương”. Bà đặt lên trên mớ đó một cái ghim cài áo tổ chảng mà Lena sẽ không bao giờ đeo, kể cả chỉ để làm trò hề.

Khi họ cuối cùng cũng đi ra cửa, mẹ nó chợt dừng lại và chộp lấy cánh tay Lena. “Con yêu ơi, nhìn kìa.”

Lena gật đầu nhìn tấm biển. “Ôi vâng.”

“Chúng ta đi hỏi xem sao.”

Mẹ kéo nó rẽ ngoặt trở lại cửa hàng. “Tôi nhìn thấy tấm biển trên cửa. Tên tôi là Ari, và đây là con gái tôi Lena.” Tên thật của bà Kaligaris là Ariadne, nhưng chẳng có ai, trừ mẹ của bà, gọi bà như thế cả.

Mẹ,” Lena nghiến răng thì thầm.

Với vài trăm đôla tiền tươi trên máy đếm tiền, người bán hàng tự giới thiệu tên là Alison Duffers, người quản lý cửa hàng, và rất nhiệt tình lắng nghe bài diễn văn chào hàng của bà Kaligaris.

“Công việc này có lẽ sẽ rất tuyệt, con có nghĩ thế không?” Bà Kaligaris phấn khởi kết luận.

“À...” Lena bắt đầu.

“Và Lena này,” mẹ cắt ngang, quay sang nó, “hãy nghĩ về những món hàng được mua giảm giá!”

“Vâng... Mẹ?”

Bà Kaligaris nói chuyện một cách thân tình, có được hàng mớ thông tin hữu ích, chẳng hạn như giờ mở cửa (thứ Hai đến thứ Bảy, từ 10h sáng đến 6h tối), tiền lương (khởi điểm là 6,75 đôla/giờ cộng thêm hoa hồng 7%), và thực tế là họ sẽ cần bà điền vào một số giấy tờ và số thẻ an sinh xã hội của bà.

“Tuyệt quá rồi,” bà Duffers nói, mặt rạng rỡ với cả hai. “Em được nhận.”

“Ơ mẹ ơi?” Lena nói khi họ đi bộ ra chỗ chiếc xe. Nó không thể nào nhịn cười được, dù đã cố kiềm chế.

“Ừ?”

“Con nghĩ bà ấy đã tuyển mẹ.”

Carmen đang mặc Cái quần Du lịch để bắt đầu chuyến du hành tuyệt vời khai mạc mùa hè thứ hai thì điện thoại reo.

“Thử đoán xem nào?” Đó là giọng của Lena. Carmen vặn nhỏ nhạc lại.

“Cái gì?”

“Cậu biết cửa hàng tên là Basia không?”

“Basia ấy à?”

“Cậu biết đấy, ngay Đại lộ Arlington ấy mà.”

“Ồ, tớ nghĩ là mẹ tớ thỉnh thoảng cũng đến đấy.”

“Chính xác. Này, tớ có một công việc ở đấy đấy.”

“Nghiêm túc đấy chứ?” Carmen hỏi.

“Ừm, thật ra thì mẹ tớ có một công việc ở đấy. Nhưng tớ sẽ khai thuế.”

Carmen cười lớn, “Tớ chưa từng hình dung ra rằng cậu sẽ tìm được việc gì trong ngành thời trang đâu.” Nó ngắm mình trong gương.

“Cám ơn nhiều.”

“Ê này, cậu có thật sự nghĩ rằng tớ nên mặc Cái quần tối nay không?” Carmen hỏi thăm dò.

“Dĩ nhiên. Cậu mặc trông rất tuyệt. Tại sao không?”

Carmen xoay người lại để ngắm đằng sau. “Thế nếu Porter cho những chữ viết trên quần là quái đản thì sao?”

“Nếu cậu ta không thể hiểu đúng giá trị Cái quần, vậy thì cậu đã biết là cậu ta không thích hợp với cậu,” Lena nói.

“Nếu cậu ta hỏi tớ về Cái quần thì sao?” Carmen hỏi.

“Vậy thì cậu gặp may rồi. Cậu sẽ nói không hết chuyện suốt cả tối.”

Carmen thật sự đã nghe thấy Lena mỉm cười qua điện thoại. Một lần, khi còn học lớp tám, Carmen đã lo lắng sẽ hết sạch chuyện để buôn điện thoại với Guy Marshall đến độ nó đã viết ra một danh sách các chủ đề vào một tờ giấy màu hồng. Nó ước gì chưa từng kể cho ai nghe chuyện đó.Truyen8.mobi

“Mẹ phải đi lấy máy ảnh của mẹ mới được,” mẹ Carmen tuyên bố vài phút trước khi Carmen vào bếp. Bà đang lấy bát đĩa sạch từ máy rửa bát ra.

Carmen rời mắt khỏi vết chai gần móng tay cái của nó. “Nếu mẹ muốn con tự tử chết thì cứ làm thế đi. Hoặc con sẽ trở thành kẻ giết người. Hay là kẻ giết mẹ, con nghĩ người ta dùng từ ấy đấy.” Nó lại bóc da khô chỗ móng tay cái một cách không thương tiếc.

Bà Christina cười, làm cái rổ đựng đồ bạc lanh canh. “Vậy tại sao mẹ lại không thể chụp ảnh nào?”

“Mẹ có muốn cậu ấy vừa hét vừa chạy ra khỏi nhà mình không?” Carmen nhíu cặp lông mày mới tỉa, vẫn còn đau vẻ khiếp đảm. “Đây chỉ là một buổi hẹn hò vớ vẩn thôi. Không phải một buổi khiêu vũ hay gì cả.”

Tính tuềnh toàng của Carmen đã bị phản bội bởi một thực tế là nó đã mất gần cả ngày với Lena để sơn sửa móng tay, móng chân, làm mặt, tẩy lông và hấp tóc. Thật ra thì Lena đã mất hết cảm hứng sau vụ chăm sóc móng chân và dành thời gian còn lại để đọc tiểu thuyết Jane Eyre trên giường của Carmen.

Mẹ Carmen kiên nhẫn nhìn nó và tặng nó một nụ cười của-một-người-mẹ-có-con-mới-lớn đầy vẻ tử vì đạo. “Mẹ biết, con yêu, nhưng tình cờ đây lại là buổi hẹn hò đầu tiên của con, dù là vớ vẩn hay không.”

Carmen hướng cặp mắt mở to kinh hoàng sang mẹ nó. “Mẹ mà nói câu đó khi Porter ở đây thì...”

“Được. Tốt thôi!” bà Christina giơ tay lên. Cười nhiều hơn nữa.

Dù sao thì đây cũng không phải là buổi hò hẹn đầu tiên của nó, Carmen tự trấn an mình một cách rầu rĩ. Nó chỉ chưa có phi vụ hẹn hò nào theo kiểu những năm 1950 khi chàng đến đón nàng tại nhà rồi khiến nàng ngượng chết đi được vì hành động của mẹ mình thôi.

Theo cái đồng hồ mặt trơn trên tường nhà bếp thì bây giờ là 8 giờ 16. Đây đúng là một việc đòi hỏi phải tinh tế vô cùng. Cuộc hẹn diễn ra lúc 8 giờ. Nếu Porter đến trước 8 giờ 15 chẳng hạn, thì có vẻ là hơi nhiệt tình quá. Điều đó sẽ truyền đạt một ý có thể hiểu ngầm về một kẻ thua cuộc. Nhưng nếu ngược lại, cậu chàng đến sau 8 giờ 25, như thế nghĩa là cậu ta không thích nó lắm.

Tám giờ mười sáu phút báo hiệu cho sự bắt đầu của thời hạn khoan hồng. Còn chín phút đếm ngược.

Nó hối hả đi vào phòng để lấy đồng hồ đeo tay. Nó từ chối không làm nạn nhân của chiếc đồng hồ treo tường xấu xa trong bếp thêm chút nào nữa. Với những con số to màu đen, những khắc phút rõ ràng và kim giây to tướng không ngừng chạy, đấy đúng là một cái đồng hồ ít khoan dung nhất trong nhà. Theo cái đồng hồ ấy thì nó thường xuyên đi học muộn và thật sự chẳng bao giờ tuân thủ lệnh giới nghiêm lúc mười hai giờ đêm cả. Nó đã thầm lặng lưu ý trong đầu rằng nó sẽ tặng mẹ một cái đồng hồ treo tường khác nhân dịp sinh nhật. Đó sẽ là một trong những chiếc đồng hồ kiểu cổ rất sành điệu, không có con số hay khắc phút, khắc giây hay bất cứ cái gì tương tự. Một cái đồng hồ như thế sẽ thỉnh thoảng cho bạn một chặng giải lao.

Điện thoại reo ngay khi nó quay lại bếp. Tâm trí nó lặp tức phi nước đại. Đó là Porter. Anh chàng sẽ giải thoát cho nó à. Hay là Tibby. Bảo nó đừng có đi cái đôi dép nhựa đế mỏng làm chân nó đổ mồ hôi ấy nữa. Nó nhìn chằm chằm vào cái màn hình nhỏ hiện số người gọi, chờ định mệnh của mình hiện lên... Đó là... số của hãng luật nơi bà Christina làm việc. Chán chết.

“Đó là ngài Chuyên đi lén theo,” Carmen bực dọc nói, không buồn nhấc máy lên.

Bà Christina thở dài và đi qua chỗ nó, “Đừng có gọi ông Brattle như thế, Carmen.”

Bà lại khoác cái vẻ mặt nhân viên văn phòng hơi cau có rồi nhấc máy lên. “Alô?”

Carmen đã quá chán cuộc hội thoại của mẹ nó kể cả khi họ còn chưa bắt đầu nói gì. Ông Brattle là sếp của bà Christina. Ông ta đeo một chiếc nhẫn cổ điển và rất hay nói từ “năng động”. Ông ta lúc nào cũng gọi điện vì những việc khẩn cấp quan trọng kinh khủng như không thể nào tìm được giấy in sẵn tiêu đề chẳng hạn.Truyen8.mobi

“Ồ... đúng. Dĩ nhiên. Chào nhé.” Mặt mẹ nó như được tháo kẹp ra. Má bà hồng lên. “Xin lỗi. Em nghĩ anh ở... Không.” Bà Christina cười khúc khích.

Không thể là ông Brattle được. Cả đời ông này chưa bao giờ nói gì khiến ai cười được, kể cả tình cờ cũng không. Hừm. Carmen đang xem xét bí ẩn này thì chuông dưới nhà reo vang. Rất tình cờ, mắt nó đảo qua chiếc đồng hồ treo tường xấu xa. Vậy là cũng có một lần tin tức không đến nỗi xấu: 8 giờ 21. Thật ra thì rất tốt là khác. Nó bấm nút mở cửa sảnh. Nó sẽ không hành hạ Porter đến mức chấn thương tâm lý đâu.

“Chào,” nó nói với cậu ta, sau khi đã chờ mấy giây cho phù hợp trước khi mở cửa. Nó cố làm ra vẻ như vừa mới mặc xong quần áo chứ không phải đang ngồi chờ cậu ta dài cổ.

Tình trạng đầu tóc của cậu ta (mượt mà, dài trung bình), tình trạng mặt mũi cậu ta (lanh lợi, có quan tâm) vẫn thế ngay cả khi cậu ta đang đứng trong nhà nó chứ không phải cạnh cái ngăn tủ cá nhân ở hành lang trường học. Nó chưa hề nhìn thấy một phiên bản nào thân mật hơn của cậu ta.

Cậu ta đang mặc một chiếc sơ mi xám cài khuy và một chiếc quần jeans đẹp. Như thế nghĩa là cậu ta thích nó hơn nếu chỉ mặc phông.

“Chào,” cậu ta nói, theo nó vào trong nhà. “Trông cậu tuyệt lắm.”

“Cảm ơn,” Carmen nói. Nó hất tóc một chút. Dù đúng hay không thì đấy là điều cần nói.

“Bạn, ừm, đã sẵn sàng rồi đúng không?” cậu ta vui vẻ hỏi.

“Ừ. Tớ chỉ cần lấy cái túi xách nữa thôi.”

Nó vào phòng mình lấy cái túi màu xanh dương đã sờn để trên giường, nơi nó đang chơ vơ như một thứ đạo cụ. Khi đi ra, nó chuẩn bị tinh thần là mẹ sẽ thình lình xuất hiện. Kỳ lạ là bà Christina vẫn đang nói chuyện điện thoại trong bếp.

“Okie. Xong rồi,” Carmen nói. Nó khoác túi lên vai rồi đứng ngần ngừ ở cửa. Mẹ sẽ thực sự bỏ lỡ cơ hội làm cho nó xấu hổ này sao?

“Con chào mẹ,” nó hét lên.

Carmen định sẽ nhẹ nhàng đi khỏi, nhưng nó không thể ngăn mình quay lại kiểm tra. Mẹ nó đã ra đến cửa bếp, điện thoại bên tai, đang vẫy tay rất nhiệt tình. “Đi chơi vui nhé,” bà nói to.

Thật là lạ.

Cả hai đi bên nhau dọc hành lang hẹp. “Mình đỗ xe ngay ở ngoài,” Porter thông báo với nó. Cậu ta đang nhìn Cái quần. Lông mày cậu ta hơi nhếch lên. Cậu ta đang hâm mộ Cái quần.

Không, cậu ta bị Cái quần làm bối rối.

Có thể nào nó lại lẫn lộn sự bối rối với lòng hâm mộ của cậu ta không nhỉ? Có lẽ đó không phải là một dấu hiệu tốt. 

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t25360-mua-he-thu-hai-cua-quan-jean-may-man-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận