Mẹ Thơm Một Cái Chương 10

Chương 10
Sáng sớm, trước khi truyền tiểu cầu máu, xảy ra một chuyện khiến tôi hết sức ăn năn.

Y tá giúp mẹ lấy máu xét nghiệm thành phần định kỳ. Sau khi rút kim ra, y tá dặn tôi giữ chặt chỗ lấy máu, tôi làm theo nhưng không đủ mạnh tay. Kết quả là sau chục phút, chỗ lấy máu ở cánh tay mẹ sưng tấy và thâm quầng. Tôi gần như chết lặng.

“Do máu thiếu tiểu cầu đấy, nên mạch máu dễ bị vỡ hơn bình thường, lần sau nhớ giữ chặt hơn nữa.” Y tá giải thích, mẹ cũng nói tôi mấy câu. Tôi đủ muốn đâm đầu vào tường.

Còn mẹ bắt đầu cảnh tượng ho ra máu đầy kinh hoàng.

Đều là do nguyên nhân thiếu tiểu cầu, từ niêm mạc họng cho đến mao mạch phổi đều rất dễ bị tổn thương khi ho mạnh. Thêm vào đó là điều hòa làm cho không khí khô lạnh, niêm mạc càng dễ bị khô hơn bình thường.

Mẹ vừa cẩn thận bọc máu ho vào trong giấy vệ sinh, vừa xem bảng nhiệt độ mà anh em tôi ghi chép, tự nghiên cứu chu kỳ và quy luật lên cơn sốt của mình, rồi chỉ đạo tôi đi xin y tá thuốc giảm sốt.

“Mẹ rất không muốn bị sốt nữa.” Mẹ nói, giải thích rằng rất có thể trong vòng nửa tiếng nữa sẽ bắt đầu sốt, trong khi nhiệt kế cũng cho thấy rõ ràng thân nhiệt của mẹ đang tăng dần.

Lòng tôi cứ thắt lại vì lo lắng. Để vỗ yên nỗi bất an về cơn ho của mẹ, tôi lại bắt đầu chép “Tâm kinh”.

Y tá cuối cùng cũng cho mẹ uống thuốc giảm sốt. Mẹ bắt đầu đổ mồ hôi trộm, tôi cầm khăn bông lau lưng ướt đầm của mẹ.

Tôi lại nhắc đến Puma, tôi rất sợ nó chết khi tôi không ở nhà.

“Không chừng Puma thấy mẹ không có nhà, biết mẹ bị ốm rồi. Thế nên nó mới ốm theo. Chà, lúc tụi mày không ở nhà, mẹ toàn nói chuyện với nó…” Mẹ nói, hình như có chút an ủi trong lòng khi Puma “tâm ý tương thông”.

Mẹ vẫn quanh quẩn giữa sốt với ấm, tay trái tiêm thuốc chống nấm, tay phải truyền máu. Còn mười hai bịch tiểu cầu trông rất ngộ nghĩnh thì vừa mới tiêm hết.

“Chắc chắn là như vậy rồi. Mẹ ơi, cho nên mẹ nhắm mắt lại đi.” Tôi nói.

Mẹ nghe lời, nhắm mắt lại.

“Mẹ ơi, mẹ bắt đầu đi từ Chương Cơ về nhà, sau đó thăm Puma.” Tôi nói.

Mẹ gật gật đầu, hơi nhíu lông mày.

Tôi có thể cảm thấy hình ảnh trong đầu mẹ như một cuộn phim đang chiếu.

“Mẹ xuống bên dưới lầu của Chương Cơ rồi, chuẩn bị đạp xe về nhà đây.” Mẹ nói, hai mắt vẫn nhắm.

“Vâng ạ.” Tôi hân hoan.

“Mẹ nhìn thấy Puma rồi. À, mẹ phải nói gì với nó?” Mẹ mở mắt ra hỏi tôi.

“Thì nói Puma mày phải chóng khỏe, phải cố gắng ăn.” Tôi trả lời.

Mẹ lại nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm một hồi.

“Nói xong rồi, mẹ phải về Chương Cơ đây.” Mẹ nói, như thể vừa thở phào.

“Vâng ạ, về nhanh nhanh.” Tôi đồng ý.

“Mệt quá, đạp xe lâu, hết cả hơi.” Khá lâu sau, mẹ lại mở mắt.

“Vâng, Puma nhất định sẽ khỏi.” Tôi gật gật đầu, rất cảm động.

Sau đó mẹ tiếp tục ngủ, tôi ở bên cạnh vừa chép “Tâm kinh” vừa canh tiến độ truyền máu.

Mãi mới truyền xong. Mẹ tỉnh dậy, hết sốt, thuốc giảm ho do y tá tiêm cũng có tác dụng. Mẹ không còn ho dữ dội nữa.

Mẹ ngồi dậy trên giường, ghi chép tình trạng sức khỏe. Thật dễ dàng đã tập trung vào công việc.

S’TENT

Tôi rất buồn ngủ. Tinh thần rất rệu rã, chẳng viết nổi bất cứ truyện gì. Tôi quyết định ngủ một tiếng đồng hồ.

Trải giường xong xuôi, đặt đồng hồ báo thức, tôi hớn hở với cảm giác sắp được ngủ ngon.

“Mẹ ơi, con về thăm Puma đây.” Tôi nói, xoay mình ôm chăn.

“Ừ, mày lấy xe đạp mà đi, mẹ để dưới nhà.” Mẹ trả lời, tay sửa kính.

Tôi giật cả mình.

Ái cha cha, mẹ thật là thánh đối thoại của tiểu thuyết!

Nếu ai cũng bình phục, thì tốt biết mấy…

10/12/2004

Tôi rất thích ngồi bên giường bệnh, sờ tay của mẹ, mân mê nhẹ nhàng những đường tĩnh mạch màu xanh xung quanh vị trí kim truyền, ấn, trượt, gảy gảy từng ngón tay. Sau cùng nắm trọn.

Chăm sóc một người từng li từng tí có thể khiến bản thân trở nên dịu dàng.

Mặc dù vậy, vẫn quá tàn nhẫn khi phải nhờ vào việc mẹ mắc bệnh tôi mới hiểu ra điều đó.

Để tránh truyền nhiễm, sau khi làm bất cứ việc gì đều phải chăm rửa tay. Ra vào buồng cách ly phải rửa kỹ bằng thuốc đỏ sát trùng rất hắc, sau khi đi vệ sinh và sau khi ăn cơm đều phải bôi sữa rửa tay, còn phải nhắc nhở mẹ làm theo. Rửa đến mức tay thành ra tay quý tộc, sờ vào quần áo thôi cũng thấy dăm dăm rậm rạp, phải thoa kem bôi trơn da. Dĩ nhiên cũng phải bôi giúp mẹ.

Trong lỗ mũi mẹ có một vết thương rất khó lành. Trước khi dùng tăm bông chấm thuốc bôi vào đó, mẹ nhắc tôi dùng nước muối sinh lý rửa tăm bông, sau đó chấm một lớp kem thuốc mỏng, lúc bôi phải ngưng thở định thần, chỉ sợ làm mẹ đau.

Sợ nước ở máy uống nước không sạch, anh cả kiên quyết chỉ cho mẹ uống nước khoáng đóng chai, còn chỉ định cả thương hiệu. Cả ống hút để uống nước cũng phải chọn loại của 7-11 được bọc trong gói giấy, ít bị bụi bám. Bình thường, một chai nước khoáng kèm một ống hút, uống hết là vứt đi luôn, không được tiếc rẻ. Thành thử mỗi lần ra hiệu tạp hóa mua nước, tôi lại như thằng ăn trộm, cố lấy thêm vài cái ống hút.

Nhưng không ai bán nước khoáng loại nóng cả, vì vậy vấn đề nước nóng chết tiệt, đến giờ vẫn chưa giải quyết ổn thỏa.

Anh cả rất “cầu kỳ cục”, nếu đổ nước khoáng vào bình nước nóng của bệnh viện cấp cho mỗi giường bệnh trong phòng cách ly, anh cũng nghi ngờ bình nước đó có thể không sạch sẽ, dù tôi đã rửa hai lần. Nhưng cứ thế này mãi thì mẹ không bao giờ có nước nóng để uống. Chỉ trông vào tôi đi lạy lục y tá cho dùng lò vi sóng hãm trà gừng đường đen và sô cô la sữa 7-11 để mẹ uống cho ấm người.

Thế là tối nay anh cả đi mua một cái bình nước nóng mới tinh và nhỏ hơn một chút.

Trước khi uống nước, phải pha trò cho mẹ uống Ensure (một loại thức uống bổ sung dưỡng chất chuyên dùng cho bệnh nhân) để bổ sung đạm và năng lượng cho mẹ. Sau khi uống Ensure cũng phải pha trò để mẹ uống nước súc miệng cho hết vị trong mồm. Uống nhiều như thế, lại thêm liên tục chích truyền các loại thuốc và thường xuyên uống nước, nên mẹ cực nhiều dịch cơ thể, dĩ nhiên cũng phải chăm động viên mẹ đi toa lét.

Chỉ một quãng đường ngắn ngủi, nhưng là cơ hội vận động quý giá của mẹ. Đi tiểu nhiều một chút xem có thể bài tiết các thứ linh tinh ra khỏi cơ thể nhiều hơn hay không.

Mỗi lần cần đi toa lét, phải ấn cái tay vịn bên cạnh giường xuống, một tay đỡ lưng mẹ, tay kia kéo tay phải của mẹ giúp mẹ dậy, sau đó cúi xuống xếp đôi dép lê vào đúng vị trí, mắt không ngừng theo dõi mẹ xuống khỏi giường, tay gỡ túi dịch truyền ra khỏi móc, sau đó một tay giơ túi dịch truyền tay kia dùng sức đỡ mẹ, đi từ từ ra toa lét.

Ra đến toa lét, đầu tiên treo túi dịch truyền lên móc bên cạnh bệ xí, lấy giấy vệ sinh lau sạch chỗ ngồi của bệ xí, sau đó quan sát tình hình của mẹ, sẵn sàng đưa giấy vệ sinh bất cứ lúc nào. Để cho tiện (ừ thì, tôi chính là vua lười biếng), tôi điều chỉnh thời gian đi toa lét của mình giống với mẹ, lúc mẹ đứng dậy rửa tay, tôi liền tè tiếp ngay sau, giải quyết cùng một lần. Đương nhiên, vẫn phải rửa tay rồi lại rửa tay.

Mẹ ăn xong cái gì cũng phải bóp một ít nước rửa tay (có chứa cồn) ra tay mẹ và xoa đều. Bôi vaseline có vitamin khá đắt đỏ lên môi mẹ, bôi vaseline rẻ tiền hơn lên chân mẹ. Nhưng thường phải đến lúc mẹ nhắc tôi mới nhớ ra phải làm như vậy.

Thử thách lớn nhất là chuẩn bị thức ăn gì cho ba bữa mỗi ngày của mẹ.

Thời gian này mẹ nằm giường bệnh nhiều, ít hoạt động nên cảm giác thèm ăn giảm sút (hoặc cũng có thể cả do tác dụng phụ của thuốc), trong khi đồ ăn ở các tiệm gần bệnh viện lại ít đổi món, loanh quanh vẫn là cơm rang mì xào, muốn làm mẹ no bụng thì phải trợn mắt ra quan sát xem mẹ ăn gì ít để thừa nhất, lần sau vẫn có thể mua món đó. Trí nhớ cũng phải tốt một chút, nhớ xem mẹ từng nói thích ăn cái gì, nếu hôm nay không mua được hoặc cửa hiệu không mở cửa, thì nhớ lần sau tìm mua.

Từng mua phải cơm cà ri bị mẹ chê cay, thất bại. Không sao cả, lập tức chạy đi mua cơm thịt bò đĩa nóng bù vào, tiếc thay mẹ đang muốn tìm ra và thanh lọc các nguồn gốc nghi gây dị ứng, nên không ăn thịt bò, thế là lại thất bại. Với những thứ mẹ chỉ ăn một chút hoặc không ăn (hoặc nên gọi chung là mua nhầm), nghiễm nhiên sẽ biến thành bữa tiếp theo của tôi.

Có những món phải ăn nóng mới thơm ngon. Nhằm bảo vệ hơi nóng quý giá đó, nhất định phải mua canh cá lô hoặc các món hấp trong cốc vào phút chót, sau đó phi lên tầng bảy của bệnh viện với tốc độ chạy ra toa lét khi đau bụng. Hôm trước đi chợ đêm mua một cái bánh bao kẹp, nhét vào trong vạt áo ấm, phi xe như bay về bệnh viện, quăng cho anh cả đang ở đó chăm mẹ.

“Mau hỏi mẹ có ăn bánh bao kẹp không! Nếu không em chạy xuống luôn!” Tôi thở phì phò.

“Cái gì…” Anh cả nhìn cái bánh mới cầm vào tay, không hiểu gì cả.

Cánh cửa kính của phòng cách ly đóng lại giữa chúng tôi.

Năm phút sau, anh cả gọi điện, tôi đang thong thả khởi động xe máy bên dưới bệnh viện, chuẩn bị về nhà.

“C. thật. Mày quên mua đồ uống bỏ tủ lạnh rồi!” Anh nói.

Oái, đành phải chạy đi mua chuyến nữa.

Nước cam ép cũng vậy.

Bác sĩ nói tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó là làm mất ion kali, cách bù đắp ngoài nhỏ mấy giọt ion kali vàng vàng vào dung dịch truyền gluco ra, có thể thêm uống nước cam tươi ép.

Nhưng nước cam tươi ép của 7-11 vị hơi nặng, hoặc hơi đắng, trong khi các cửa hàng ven đường ép cam tại chỗ lại chắc chắn không hợp vệ sinh, nên anh cả và thằng út đều kiên quyết xử trảm cam từ nhà mang vào bệnh viện cho mẹ uống.

Tối nay đến lượt thằng út chăm mẹ, nó cũng rất cầu kỳ cục, quy định tôi chỉ được dùng một con dao chuyên để xử cam. Đi mua một con dao mới toanh, một cái thớt từ nay trở đi chỉ được dùng để trảm cam cho mẹ, rồi còn mua một miếng xơ mướp nhỏ màu nâu chuyên để rửa ly nhựa uống nước cam của mẹ.

Ai ai cũng lên cơn “cầu kỳ cục” rồi à?

Nhưng tôi nghĩ không phải mọi người trong nhà bỗng dưng mắc bệnh sạch sẽ cấp tính, mà chỉ là nghĩ hết các cách để bảo vệ mẹ.

Người ta hay nói, ốm lâu con bất hiếu, dường như chăm sóc dịu dàng đến mấy cũng có giới hạn.

Mấy hôm trước, chúng tôi đều cảm thấy cùng phòng bệnh có ông Ngô rất dịu dàng với bà xã. Ở chung hai tuần qua, chỉ thấy một mình ông Ngô chăm vợ, ba thằng con trai và ba cô con dâu chưa gặp lần nào, thế mà lần nào mua đồ ăn ông Ngô cũng về đích trước tôi. Hễ bà lên cơn sốt ông liền mượn chúng tôi nhiệt kế đo tai. Chăm chỉ và vất vả. Cũng từng chứng kiến ông Ngô chu đáo nâng chân bà lên, lặng lẽ cắt móng chân cho bà. Hình ảnh đó khiến tôi xúc động lạ thường, bởi vì chưa từng thấy ba chăm mẹ như thế bao giờ.

Nhưng anh cả bảo, anh từng thấy những lúc bà Ngô đi toa lét hơi nhiều, ông Ngô đang ngủ bỗng nổi quạu phàn nàn: “Sao lại có nước tiểu rồi? Tôi thấy bà bị yếu bàng quang rồi đó!” Tôi nghĩ nói vậy sẽ hại bà Ngô cố nhịn tiểu.

Cũng không phải không thể hy vọng có sự dịu dàng vô hạn, dù sao chính từ con người mẹ vẫn luôn toát ra sự hy sinh vô hạn như vậy đấy thôi. Có quá nhiều ví dụ, vài hôm nữa tôi định viết về sự kiện quan trọng hàng đầu trong mười sự kiện ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tính cách của tôi trong đời này.

Tôi cũng không hy vọng tự mình sẽ trở thành “ốm lâu con có hiếu”, bởi vì tôi rất sợ hai chữ “ốm lâu”, nó đồng nghĩa với mẹ phải chịu đau chịu khổ rất lâu nữa.

Đồng hành sẻ chia là sự gắn bó sẻ chia chân thành không toan tính. Trước đây vậy, bây giờ vậy, sau này vẫn vậy.

Bởi vì cho dù tôi nhắm mắt bao nhiêu lần, thì cái thằng tự nhận là sinh vật có trí tưởng tượng mạnh nhất trên đời là tôi, cũng không thể hình dung ra cảnh tượng mẹ lìa bỏ chúng tôi.

11/12/2004

Nghe nói, nếu chẵn năm ngày liên tục không sốt, có thể lấy được vé ra viện.

Hôm qua khi vợ chồng ông Ngô chuyển ra khỏi buồng cách ly, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Không phải vì có thể ra viện, mà vì mẹ mỗi ngày ít nhất một lần bị sốt, chứng tỏ sức đề kháng của mẹ chưa sẵn sàng, còn phải bồi dưỡng thêm.

Hôm qua có kết quả xét nghiệm máu, chỉ số hồng cầu là 9, tiểu cầu 20000, bạch cầu về tổng lượng là 700 nhưng bạch cầu khả dụng chỉ có khoảng 300, phần còn lại bị dị dạng, coi như rác vứt đi.

“Lượng bạch cầu khả dụng phải đạt ít nhất 2000, mới được ra viện.” Anh cả nói. Để giúp các vị ôn tập lại, người bình thường có số lượng bạch cầu trong mỗi đơn vị máu là 10000.

Nhưng mà thái độ ông Ngô khi rời phòng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng rất kém.

Lúc đó anh cả đang ở phòng bệnh. Anh kể, lúc ông Ngô bắt đầu chuyển đồ đạc, đã thay đôi giày đi bên ngoài rồi mà vẫn đi qua đi lại trong buồng cách ly, không thèm mặc áo cách ly, không cả đeo khẩu trang nữa. Anh cả ngồi một bên nổi cáu toàn phần. Y tá cũng thấy chướng mắt, lên tiếng trách ông Ngô quá ích kỷ. Lúc đó ông Ngô mới bớt tùy tiện một chút.

À phải, nói đến y tá, chị đối xử với mẹ thật tốt.

Chị này tên Vương Kim Ngọc, rất hay trò chuyện với mẹ, hai mắt khá mảnh, lời ăn tiếng nói ngắn gọn lưu loát, nghe vài lần là có thể hình dung lại rất dễ dàng trong đầu, các bộ phận khác của khuôn mặt chị Kim Ngọc đều khuất sau khẩu trang.

Chị Kim Ngọc có hai nhóc, cũng là một người mẹ, có thể lâu ngày thấy anh em tôi luân phiên chăm sóc mẹ, chị rất quan tâm cảm xúc và bệnh tình của mẹ. Điều này khiến chúng tôi thấy mát ruột.

Cũng vì mẹ từng làm hộ lý, chị Kim Ngọc còn giải thích với mẹ lý do của mỗi bước điều trị. Nếu thuốc đang truyền cho mẹ đã hết trong lúc chị Kim Ngọc bận không kịp xử lý, tôi giúp chị khóa dây truyền lại, chị sẽ nói cảm ơn tôi.

“Kim Ngọc, cháu có cho con gái mình làm y tá không?” Mẹ hỏi, đúng là một kẻ giả thân giả quen rất bạo.

“Không đâu.” Chị Kim Ngọc hơi ngạc nhiên, sau đó liền quả quyết. “Làm giáo viên tốt hơn. Làm y tá mỗi ngày thay ba ca, mệt lắm.”

Đúng thế, làm y tá rất vất vả. Tôi ở bên cạnh dễ dàng quan sát thấy điều đó.

Nguồn: truyen8.mobi/t124919-me-thom-mot-cai-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận