Mẹ Thơm Một Cái Chương 12

Chương 12
Thế là, mẹ đem thuốc sỏi thận “của người” ra nghiền thành bột, trộn với sữa hay cái gì đó, hằng ngày dùng bơm tiêm đổ vào kẽ miệng Puma, còn xen kẽ với phương thuốc điều trị thần kỳ đã kể ở trên để tăng cường thể lực cho Puma.

Mẹ nhận xét Puma rất ngoan, không giãy giụa, như thể biết mẹ sắp cứu được nó vậy.

Puma sống sót, giờ đây “con triêm” màu đỏ nhỏ bé không chỉ biết vọt nước tiểu, còn biết ôm ống chân tôi mà bắn tinh.

Thay vì bảo rằng thuốc có tác dụng tốt, nói thực lòng, trong mắt tôi mẹ mới là linh đơn thần dược của Puma.

Từ bé, ở bên ngoài ốm sốt thế nào, hễ về nhà có sự chăm sóc của mẹ, thông thường đều khỏi nhanh chóng một cách thần kỳ. Thậm chí còn có kỷ lục là về đến nhà chỉ mới tắm nước nóng xong đã khỏi. Mẹ vốn coi Puma như con, đương nhiên cũng xóa tan những đau đớn của Puma và xoay chuyển nguy cơ sống còn của Puma như lời bác sĩ thú y, một cách dịu dàng.

—

Nói xong phần về Puma, tiếp theo là một thất bại khiến người ta tím ruột.

Hôm trước làm xét nghiệm đờm của mẹ, xem có phát hiện ra nguyên nhân mẹ ngày nào cũng sốt không. Kết quả cực kỳ hoang tưởng, bệnh lao phổi.

Vâng ạ, chính là cái bệnh truyền nhiễm “pháp định” ấy!

Nhưng mẹ nằm trong buồng cách ly, loại buồng cách ly mà ai cũng phải mặc áo cách ly, đội chụp đầu, đeo khẩu trang, rửa tay như điên và thay dép! Tại nơi bệnh viện bảo vệ nghiêm ngặt nhất mà để một bệnh nhân máu trắng với sức đề kháng rất yếu bị phơi nhiễm lao phổi, có phải khiến người ta quá mức sửng sốt, không hiểu, phát rồ, muốn gào muốn rít không?

Bác sĩ nói, mẹ bị nhiễm lao phổi từ trước khi nhập viện.

Vấn đề là, trước khi vào viện, mẹ đã làm X quang lồng ngực theo quy định, nhưng bệnh viện chẳng nhận xét gì. Sau đó mẹ liên tục sốt, đã lại chụp X quang lồng ngực và làm siêu âm, bệnh viện cũng chỉ nghi hơi bị tràn dịch màng phổi. Thế mà, bây giờ lại bảo với chúng tôi là “trước khi mẹ nhập viện đã mang vi khuẩn lao trong cơ thể...”

Chúng tôi hầu như không kịp phẫn nộ, không kịp nghi ngờ liệu đây có phải là điều hoang đường nhưng rất nghiêm trong: lây nhiễm bên trong bệnh viện, chỉ tỏ vẻ thất vọng khôn cùng, ngay cả mẹ cũng lộ vẻ chán nản thất vọng hiếm thấy. Đành an ủi nhau: “Ít nhất cũng đã tìm ra nguyên nhân ngày nào cũng sốt, giờ chỉ cần dùng thuốc là được.”

Trong thời điểm cần sự chăm sóc thật nhiều của bệnh viện, chúng tôi, mặc dù rất bực mình, vẫn đành phải chuyển mẹ từ chỗ bảo vệ nghiêm ngặt nhất bệnh viện sang nơi lây nhiễm cao nhất, ở phòng cách ly nằm chung với bệnh nhân lao phổi.

Lúc đầu ung thư ở phòng khí áp cao, không khí chỉ lưu thông từ trong phòng ra bên ngoài chứ không thổi từ bên ngoài vào được. Bây giờ lao phổi lại ở phòng khí áp thấp, không khí chỉ có thể lưu thông từ không gian bên ngoài vào trong chứ không từ trong ra ngoài được.

Chúng tôi và những người tiếp xúc với mẹ đều phải đi chụp X quang kiểm tra theo luật định, tạm thời nghe nói không sao, may thay. Nếu không lực lượng chăm sóc mẹ lại thêm mất mát, nghĩ tôi cũng chẳng dám nghĩ nữa.

Thế là, túi to túi nhỏ, chuyển từ tầng bảy lên tầng chín.

Trước tiên, khẩu trang được nâng lên thêm 100 cấp, từ khẩu trang y tế mỏng mỏng xanh nhạt chuyển một phát lên khẩu trang N95 tự mua, mỗi cái bảy lăm đồng, hai ngày thay một cái.

Thứ hai, vẫn là cửa kính dày và nặng dùng chân điều khiển, hết lớp này đến lớp khác, nhưng thêm một lớp cửa thép, phải vặn tay nắm cửa rồi kết hợp tay kia ấn xoay nút màu cam thì mới vào được.

Sau khi sang phòng mới là một chuỗi ác mộng.

Giường bên cạnh cũng là bệnh nhân lao phổi, chẳng ai muốn mắc bệnh để phải vào viện bị cách ly, nên cũng chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng không may thay, người nhà của bệnh nhân này thuộc dạng vô địch nói to của tầng chín.

Bệnh nhân là một người già thường xuyên ngủ mê man, cô con gái chăm sóc trạc 35 tuổi, là một nhân vật không phân biệt được lời nói ra mồm với suy nghĩ trong đầu, nút volume lắp ở cổ họng đã bị hỏng hoàn toàn, nói lẩm bẩm mà không khác người ta lớn tiếng diễn thuyết là mấy, càng miễn bàn lúc chị này nỗ lực phàn nàn với y tá về bác sĩ, lạc cả giọng.

Hình như, chị ta vốn không hề biết trong phòng còn một bệnh nhân nữa?

Bố chị ta ban ngày toàn ngủ, gọi sao cũng không tỉnh, ban đêm không ngủ thì ồn ào liên tục, nên cứ về đêm là cuộc thi lớn tiếng bắt đầu. Có lúc hai mẹ con chị ta cãi vã nhau, hoặc cùng nhau điều khiển y tá, lúc đó mới càng hấp dẫn... Nếu mẹ không bị miễn cưỡng làm khán giả, tôi sẽ coi đây là một chuyện rất KUSO để cười.

Ông bố ốm đau của chị ta bị nôn, chị sẽ vừa dọn dẹp vừa chửi mắng. Lỡ đái ra giường, chị ta nổi khùng. Ông bố không chịu ngồi dậy, nước sữa để ăn bị đặc quá, bác sĩ mỗi tuần chỉ thăm khám vài lần v.v... chị ta đã nhiều lần phàn nàn với y tá, rồi tự ca thán, cuối cùng là vận động cả nghị sĩ gọi điện thoại thẳng đến văn phòng giám đốc bệnh viện để chửi. Đến lúc bác sĩ đến thật, chị ta lại câm tịt, vâng vâng dạ dạ. Bác sĩ vừa chân trước chân sau đi khỏi, chị ta lại bắt đầu chửi rủa cùng với mẹ mình, sao lại có loại bác sĩ như vậy..., sau đó cùng bà mẹ nghiên cứu biện pháp gây sức ép các y tá.

Quá ồn ào!

Mẹ làm ba viên thuốc ngủ vẫn không ngủ nổi, hai đêm liền hầu như trằn trọc không yên, đêm qua còn khóc nữa. Mẹ không ngủ được, kéo theo chúng tôi cũng không yên tâm ngủ. Tôi còn đỡ, cùng lắm thì viết sách đến sáng, nhưng anh cả thì thảm hại, một cuốn tạp chí ô tô đã bị anh đọc thuộc lòng.

Trong tình trạng giày vò cùng cực mệt mỏi, tôi và anh cả hễ thay ca về nhà là vùi đầu ngủ luôn ba tiếng.

Trong tình hình không biết phải ở với nhau bao lâu, mẹ nhất quyết ngăn cản tôi và anh cả qua “nói chuyện”, nhất là với cái bộ dạng chan tương đổ mẻ của họ. Ba có mấy người bạn trong giới y khoa, đang nghĩ cách vận dụng các loại quan hệ có thể để xin đổi phòng bệnh, nhưng tôi e cơ hội rất mong manh, bởi vì dù sao đây cũng là dạng điều trị “cưỡng chế” theo luật định, nếu các phòng cách ly khác đã đầy giường, thì chúng tôi chỉ còn cách tứ thủ ở cái chốn ồn ào chết tiệt con mẹ nó này.

“Vậy nhịp độ hóa trị bây giờ phải điều chỉnh thế nào?” Tôi hỏi.

Bác sĩ nói, trước hết phải dừng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, tạm thời tập trung chiến đấu chống lao phổi.

“Vậy là sẽ phải ở đây bao lâu?” Mẹ có vẻ mệt mỏi.

Bác sĩ bảo, ít nhất hai tuần, chờ đến lúc mật độ khuẩn lao không đủ mức truyền nhiễm thì sẽ đổi phòng. Nhưng thuốc lao phổi thì phải uống liên tục chín tháng đến một năm, đồng thời kiểm tra định kỳ xem có còn tàn dư bệnh nữa hay không.

Tâm trạng rất tồi tệ.

Chỉ có nhìn thấy mẹ được ngủ say và không bị sốt, thì mới bình tâm được một chút.

17/12/2004

Mấy hôm trước, nhà văn Xuân Tử gọi điện thoại cho tôi. Cô ấy gần đây hay làm vậy. Cô nói không chỉ người ốm cần động viên, người đồng hành cùng người bệnh cũng cần sức mạnh động viên. Nhất là sau khi đọc tự truyện đồng hành cùng mẹ này của tôi, cô thấy cảm động và hy vọng có thể làm điều gì đó.

Nói khá nhiều chuyện. Xuân Tử nhắc tới những thứ cô từng nghĩ lung tung trong thời gian trầm cảm trước đây. Trong đó có triết lý ma quái về cái chết, rất kinh khủng, nhưng cũng kinh khủng một cách thú vị. Đại khái là, loài sâu róm không biết cái chết là gì, cũng không biết việc hóa bướm là lịch trình cố định của vòng đời mình. Sâu róm nghĩ, biết đâu cái gọi là chết, chính là con bướm diễm lệ sau khi phá vỡ quan tài là cái kén. Cái chết chẳng qua là một hình thái khác, hoặc, trở nên một bản ngã mới tốt đẹp hơn.

Sau đó tôi liên tưởng tới họa sĩ truyện tranh kinh dị Ito Junji, có một truyện rất ngắn là Triết lý ma quỷ, rất tà ác. Trong trường truyền tai nhau có một thứ triết lý hễ nghe xong sẽ bị mê hoặc, sinh ra ý nghĩ tự hủy diệt, thế là học sinh liên tiếp tìm các phương pháp để tự sát.

Nhưng trong toàn bộ câu chuyện đó không hề nhắc đến nội dung triết lý khiến mọi người tò mò kia. Tôi nghĩ có 3 khả năng, một là Ito Junji vốn không hề nghĩ ra một triết lý có sức thuyết phục mạnh mẽ như vậy. Hai là, dù có sức thuyết phục lớn cũng không thể thuyết phục mọi loại độc giả, cho nên thà không viết ra còn hơn. Thứ ba, cũng là khả năng lớn nhất, đó là hoàn toàn không cần thiết.

Tôi nói với Xuân Tử, nếu Ito Junji nghe thấy những thứ cô tâm sự, không chừng sẽ sử dụng cũng nên.

Có thể là sự sống quá đẹp đẽ, nên đối với triết lý về cái chết, tôi chỉ có mấy từ đơn giản: “đừng vội chết làm gì.”

Nếu chắc chắn có thể hóa thân thành bướm, thì càng phải biết tận hưởng những cay đắng ngọt bùi khi làm sâu róm, bởi vì bướm sẽ không biến trở lại thành sâu róm được nữa, không còn cơ hội cảm nhận thêm lần nữa những mùi vị cuộc đời của sâu róm.

Suy nghĩ này cũng giống như tình yêu.

Cho dù biết rõ người đó không phải một nửa đích thực của mình, cũng nên yêu chân thành.

Bởi vì ta chỉ có thể yêu người ấy một lần thôi.

—

Bây giờ là 9 giờ 26 phút. Anh cả đi chơi với người yêu, tôi ngồi hoàn thành cuốn tiểu thuyết điện thoại di động thứ bảy trên giường phụ.

Hôm qua mẹ bắt đầu đọc một cuốn sách: Từ bệnh sắp chết đến chạy maraton, tác giả lấy bút danh là bác sĩ Aegerter. Sách kể về quá trình điều trị của một bác sĩ mắc bệnh ung thư máu. Nội dung rất sinh động, không chỉ đơn thuần mô tả quá trình điều trị. Trọng tâm là vị bác sĩ đã giành thắng lợi cuối cùng, còn chạy được maraton để khoe thể lực, vì vậy được chúng tôi xếp vào loại “sách tốt đẹp”.

Nhưng vừa xong, trước khi ngủ, mẹ ngồi trên giường bỗng nức nở khóc rất yếu đuối.

Tôi hoang mang, ngồi xuống sát bên cạnh ôm lấy mẹ, đưa giấy vệ sinh.

“Mẹ ơi, sao thế... cả nhà đều yêu mẹ lắm.” Tôi xoa nắn vai mẹ.

“Tự nhiên rất muốn khóc.” Mẹ nói, người co ro.

Trong sách rất hay nói đến bệnh nhân trước khi đi ngủ thường rơi vào trạng thái dễ suy sụp, bởi vì sự yên tĩnh vào thời điểm đó dễ khiến người ta nghĩ quẩn nhất.

Tôi đoán có lẽ đây là nguyên nhân?

Nhưng mẹ vừa khóc vừa nhắc tới một đoạn trong sách, nói về “phương pháp quan niệm sóng biển” tác giả lĩnh hội từ sách nhà Phật.

Tưởng tượng bản thân đang ngồi bên bờ biển, ngắm sóng biển. Sóng biển xô vào bờ hết lớp này đến lớp khác. Ta biết sóng cứ xô mãi, nhưng ta không nhất định phải có phản ứng gì. Tự ta quyết định có phản ứng với nó hay không. Phương pháp này có hai điều quan trọng: thứ nhất không nên nghĩ đến việc xóa sổ những con sóng biển liên tục ập đến trước mặt ta, bởi vì muốn xóa cũng chẳng được; thứ hai, bình thản quan sát chúng, không nhất thiết phải có phản ứng với chúng...

Tôi buồn bực, đoạn này có gì đáng khóc?

“Lúc xem kết quả xét nghiệm, mẹ ở dưới nhà, không dám khóc, đành lên tầng bốn mới khóc, ba cũng khóc ở tầng hai, khóc to lắm… Mẹ chưa bao giờ thấy ba khóc như vậy, tự nhiên thấy ba đáng thương lắm.” Người của mẹ run run.

“Vâng, ba rất đáng thương, cũng rất ăn năn. Ở nhà bây giờ ba toàn nói với bọn con vào bệnh viện phải động viên mẹ thật nhiều, để mẹ thêm lạc quan, thêm cứng cỏi.” Tôi nói.

“Mẹ chỉ nhớ cảnh hồi xưa với ba ở bên bờ biển, nhìn sóng vỗ bờ liên tục.” Mẹ vẫn khóc.

Hóa ra là vậy.

Mẹ thật đáng yêu.

“Vâng, sau đó ăn trái cây với nhau đúng không?” Tôi nhớ lại.

“… sao mày biết?” Mẹ khựng một cái.

“Mẹ kể với con rồi mà, mẹ đem theo trái cây, để trong hộp cơm, đúng chưa nào?” Tôi cười, lúc này đâu phải lúc khóc.

Mẹ gật gật đầu nói, đó là hồi mẹ học trung cấp hộ lý ở Cơ Long, ba đến thăm mẹ vào một ngày nghỉ.

Chỗ đấy hình như tên là núi Ngoại Mộc. Kết quả nhiều năm sau mới biết là một chuyện hiểu lầm đẹp đẽ, chỉ có điều không biết bãi biển tên gì. Mẹ tiếp tục nói về chuyện hồi đó.

“Hồi đó ba có lớn hơn con bây giờ không?” Tôi hỏi.

Mẹ lắc đầu nghĩ ngợi.

“Hồi đó có lẽ chỉ hai mươi hai tuổi.” Giấy vệ sinh ướt đẫm trong tay mẹ đã nhiều đến bết cục lại.

“Ồ, nhỏ hơn cả thằng út.” Tôi nói, thật khó tưởng tượng.

Thế rồi, mới ra ba thằng chúng tôi.

Đó là cuộc đời của mẹ.

Mẹ nguôi khóc, bảo tôi nhỏ thuốc mắt rồi đi nghỉ, cố thử ngủ.

Giường bên cạnh đang mở đại hội phê phán về điều trị y khoa trong phạm vi họ hàng, ghế ngồi thành vòng, may thay âm thanh cũng cố kiềm chế.

Tôi mượn cớ ra ngoài uống lon cà phê và hỉ mũi. Vừa ra khỏi phòng bệnh lập tức gọi điện thoại cho ba.

“Ba ơi, mẹ mới nhớ lại chuyện ba mẹ ăn trái cây với nhau bên bờ biển, mẹ khóc mãi.” Tôi rất xót xa.

“À, núi Ngoại Mộc.” Ba lập tức trả lời.

“Mẹ nhớ ba lắm, tiệm đóng cửa xong ba có thể đến thăm mẹ một lát không?” Tôi hỏi.

“Ừ, ba đã định đi rồi.”

Không lâu, ba đóng tiệm sớm, vạch tấm rèm ra, nắm chặt lấy tay mẹ.

Tôi xuống dưới lầu ăn bánh bao xá xíu, để cho hai vợ chồng già hò hẹn trong không gian hai mét vuông.

—

Chuyện kể thêm

Sau khi ba về, mẹ vui mãi, thế là mất ngủ.

“Thôi thì dậy khiêu vũ cho rồi.” Mẹ nói, chân đá đá.

“Chi bằng ra phòng hộ lý ăn vụng đồ ăn.” Tôi nói.

Sau đó bắt buộc mẹ mau ngủ đi.

Sáng sớm mẹ hắt hơi, xì ra được cục vảy làm khổ mẹ suốt bốn tuần qua.

Nguồn: truyen8.mobi/t126408-me-thom-mot-cai-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận