Mẹ Thơm Một Cái Chương 2

Chương 2
Cửa ải tiếp cửa ải, ải nào cũng qua, mẹ của đại ca đã vượt qua ải khó, một việc vốn có thể đánh sập đại ca, nhưng không thành

tôi nghĩ từ đây chắc sẽ chẳng còn sự việc nào đốn gục được đại ca nữa! Chúng tôi đã cùng vượt qua được cửa ải. Thật là vinh dự lúc bấy giờ người quản lý đồng hành cùng anh là tôi, được chứng kiến sự biến chuyển của một nhà văn mạnh nhất quả đất, vô giá.

Sau đó, tôi vẫn giống một người mẹ, giúp đại ca xếp lịch, theo anh ta đi diễn thuyết, tổ chức hoạt động ký tặng, thương lượng hợp tác với nhà sản xuất… công việc ngày càng bận rộn hơn khiến tôi ngừng suy nghĩ về rất nhiều thứ. Tôi chỉ tâm niệm cùng đại ca mạnh hơn nữa, hơn nữa, mặc kệ tình trạng sức khỏe, mặc kệ làm ngoài giờ rồi lại ngoài giờ, đầu óc tôi ngoài quản lý nhà văn chẳng còn chứa được thứ gì khác, bởi vì đây là công việc của tôi và nhà văn mà tôi ngưỡng mộ, rất hiển nhiên.

Công việc ngày càng quen tay và cái tôi ngày càng teo tóp. Niềm vui của tôi xây lên từ thành công của mỗi dự án, mỗi hợp đồng được ký kết. Có vẻ rất hợp lý, nhưng thật ra có chút bệnh hoạn. Nửa đêm tôi thường mất ngủ, lo lắng sự kiện và hợp đồng của tháng này có thuận lợi hay không, ban ngày tôi thường xuyên bỏ bữa, lo lắng với chỉ số bảng xếp hạng của tuần, tôi không biết vấn đề nằm ở đâu, niềm vui của tôi hình như không còn đơn giản nữa, đây là ước mơ của tôi sao? Tôi đã nghiêm túc tự vấn bản thân. Cuối cùng, tôi nhớ ra một giấc mơ đã bị tôi phủ bụi quá lâu ngay… Tôi muốn làm những điều tôi muốn làm.

“Đại ca, nếu tôi ra đi, anh sẽ thế nào?” Tôi hỏi.

“Tôi không giữ chân cô đâu, không phải là không muốn, mà là không nỡ.” Đại ca trả lời một cách cảm tính hiếm hoi.

Thế là, tôi đưa đơn thôi việc, mặc dù quyến luyến, nhưng tôi rất vui.

Trước khi thôi việc, không bận rộn như tôi tưởng tượng, cảm ơn sếp đã thông cảm với tôi, cho tôi nhiều thời gian để kết thúc công việc.

“Sắp nghỉ rồi, xin cô sớm yêu đương tận tình.” Đại ca lắng nghe tiếng gõ bàn phím lách cách của tôi.

“Tôi chẳng cần.” Tôi trả lời bướng bỉnh, kiểm tra nội dung chi tiết của hoạt động ký sách Sát thủ 2 vàThợ săn mạng sống 6.

“Ừm… cô thế này là rất không lành mạnh đấy!”

“Tôi vốn là đứa nghiền công việc mà.” Tôi ngoáy lỗ mũi.

“Đại học Trung Sơn, đi cùng nhé!”

“Ok!” Tôi gật đầu.

Buổi thuyết trình cuối cùng trong nhiệm vụ người quản lý nhà văn, đã giúp tôi tìm thấy ngã rẽ cuộc đời. Trong buổi chia tay ký tặng sách Sát thủ, công lý rõ ràng, tôi đã kết thúc đời độc thân.

“Cảm thấy tình yêu rất được nhỉ?” Giờ thì đến lượt đại ca bù đầu cho kịp đăng tạp chí HERE.

“Rất được.” Tôi hài lòng ôm bạn trai.

“Mẹ, thơm một cái sắp xuất bản, viết cho tôi một lời tựa nhé!” Đại ca nói.

“Tôi viết tựa á? Hơi bị kỳ cục đấy.” Tôi nhíu mày.

“Để làm kỷ niệm!” Đại ca cúp máy, tiếp tục cày.

Tôi ngồi trước máy tính, sắp xếp lại từng li từng tí của năm qua. Thực lòng, tôi không thể cầm bút viết trọn vẹn cảm giác của mình. Nhìn lại những gì đã qua khiến tôi khóc lên khóc xuống, làm cuốn sách trở nên u buồn.

Nếu nói tôi sẽ không quyến luyến thì là nói dối, bởi một năm qua tôi đã được rất nhiều rất nhiều, từ độc giả hâm mộ, đối tác công việc (cảm ơn hai nhà xuất bản Xuân Thiên và Cái Á đã bao bọc và hỗ trợ tôi, không có sự giúp đỡ của quý vị sẽ không có tôi hôm nay), dĩ nhiên còn có niềm tự hào về kết quả nữa. Tôi rất không nỡ rời xa, nhưng nếu chỉ có chìm đắm trong thành công đã qua thì sẽ không có thành công hơn sắp tới. Tôi quyết định lau khô nước mắt, và hồi tưởng lại những hình ảnh vui tươi. Bởi vì đây là một cuốn sách kết thúc có hậu.

Cuốn sách bắt đầu vào khoảng thời gian tôi được giao làm người quản lý nhà văn, viết xong sau khi tôi thôi việc chừng một tháng, cảm ơn đại ca tặng tôi một kỷ niệm thôi việc đặc biệt thế này, có thể chúng ta sẽ không bao giờ là quan hệ chủ tớ nữa (xin lỗi nhé, tôi không nghĩ ra từ nào thích hợp hơn), nhưng chúng ta mãi mãi là bạn!

8/11/2005 tại đại học Trung Sơn, Cao Hùng

(đúng ngày sinh nhật tuổi 28 của tôi).

Lời tựa của mẹ Đao

Khoảnh khắc thông báo mắc bệnh ung thư máu, đúng là nhớ mãi không quên.

Vẫn nhớ hôm đó, một mình đối diện bác sĩ, hai mắt đỏ hoe, đạp xe, về đến nhà còn thấy mình rất dũng cảm. Ai ngờ chồng ở nhà đã đầm đìa nước mắt từ lâu, nhìn thấy tôi thì gần như suy sụp, tôi không còn kiềm chế được nữa, khóc òa ngay trong tiệm thuốc.

Vẫn chưa đủ, tôi chạy lên phòng ngủ, nhìn từng căn phòng, khóc trong từng căn phòng, thậm chí ngồi ở phòng bóng bàn trên tầng bốn vừa kêu vừa khóc, không còn phân biệt được mồ hôi hay nước mắt nữa.

Ngay tối hôm đó, tôi nhẫn tâm bỏ mặc một chàng trai khóc lóc ở nhà, đi ra Kim Thạch Đường, mua một lèo bốn cuốn sách về huyết học, đây không phải là phong cách thường ngày của tôi, nhưng có lẽ trong thâm tâm từ khi đó đã bắt đầu chuẩn bị chiến đấu. Đúng lúc mẹ chồng đang về nhà ngoại, ba thằng con trai đều đang học ở Đài Bắc, chúng tôi thấy cô đơn vô vọng biết bao.

Vào nằm điều trị ở khoa huyết học và u bướu bệnh viện Chương Cơ, sau đó về nhà thì đã bốn mươi ngày sau. Ở trong phòng bệnh cách ly, sốt, ngất, ngã, ho ra máu, ba đứa con trai thành tâm cầu xin Bồ tát phù hộ, chép Tâm kinh và niệm Tâm kinh cho tôi, mỗi đứa nguyện giảm thọ sáu năm để chuyển cho tôi, chồng thì bảo giảm thọ mười năm để cho tôi, tôi bằng lòng tiếp nhận những tình yêu đó của mọi người. Thật vậy, bởi vì tôi cần những năm tháng đó biết chừng nào, tôi còn rất nhiều việc chưa kịp làm, lâu nay tôi cứ tưởng mình là robot vô địch, không đời nào ra đi sớm.

Sống trong sự động viên của yêu thương, hóa trị liệu càng ngày càng thuận lợi, hiện tại tôi làm theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị Vương Toàn Chính, mỗi tháng vào Chương Cơ lấy máu xét nghiệm theo dõi một lần, chú ý đề phòng cảm cúm, tôi đi bơi để tăng cường vận động, tự tập khí công, mỗi tuần đi chợ hai lần như trước, làm những món ăn mà tôi thấy có lợi cho sức khỏe, ăn trong niềm vui. Còn cả đi du lịch ở Nhật Bản và Đại lục với đôi giày bạn đọc Tỏa Nhi của Cửu Bả Đao tặng nữa, tôi vô cùng hạnh phúc.

Cảm giác được sống lại bao trùm quanh tôi mỗi ngày. Tôi trưng bày cuốn sách của Cửu Bả Đao trên giá trong tiệm thuốc, khoe với bà con hàng xóm. Ngày tháng của tôi đầy đặn và vui vẻ. Sắp tới con dâu trưởng sinh nở, một sự sống mang lại hy vọng mới cho tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị cho em bé Umi một căn phòng mới, bắt đầu mua sắm rất nhiều thứ, gia đình tôi sắp tới chắc chắn rất đông vui.

Vui lắm.

22/11/2004

Đang ở bên mẹ, thời gian 8 giờ 44 phút, tối 22 tháng 11 năm 2004.

Đến phiên tôi và ba.

Hôm nay mẹ nằm viện đêm đầu tiên, bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Lúc trưa, báo cáo xét nghiệm vừa “ra lò”, bác sĩ sải bước tới trước giường bệnh, tuyên bố tin dữ này với người đang ngồi bên chân mẹ là tôi. Tôi đang bê hộp cơm, mồm đầy giá đỗ với thịt nướng, ngồi khoanh chân trên giường bệnh, đang tỏ vẻ háu đói cho mẹ xem.

Trong tích tắc bác sĩ nói tên căn bệnh, tôi phát hiện trong phòng chỉ có mẹ tôi, tôi và thằng út, tôi vụt biến thành chỉ huy tối cao, nhưng tôi gánh không nổi việc đó.

“Đợi đã, để cháu gọi anh cháu đến nghe!” Tôi buông vội hộp cơm, lao ra khỏi phòng bệnh đi tìm anh.

Từ khi mẹ ngã bệnh, anh trở thành trụ cột gia đình, vô số họ hàng đều hỏi thăm bệnh tình mẹ qua anh. May vì anh học đại học ngành dược, làm thạc sĩ về dược phẩm thô, làm tiến sĩ về trị liệu ung thư. Càng may sao anh là một người anh đúng nghĩa.

Tìm mãi mới thấy anh, bình tĩnh thông báo ý nghĩ ngây thơ “mẹ chỉ bị thiếu máu nặng, vất vả lâu ngày sinh bệnh mà thôi” của chúng tôi đã tan thành mây khói, sau đó níu chân bác sĩ ở sảnh để hỏi sau đây phải làm thế nào.

Bác sĩ họ Vương rất tốt bụng, chẳng chịu nói thẳng gì hết. Trong đầu tôi xoay mòng mòng kết quả google, một bác sĩ quen qua mạng, và một bạn cũ của mẹ đã qua đời mấy năm trước vì căn bệnh tương tự.

Bác sĩ nói xong bỏ đi, đầu tôi trống rỗng. Anh cả nắm chặt vai tôi lay lay bằng một thái độ tôi chưa từng thấy: “Làm sao đây!”

Làm sao đây? Chúng tôi đều chưa hết bàng hoàng, nước mắt chưa kịp chảy, trong đầu hiện ra mấy cú điện thoại cần gọi. Ba, ông ngoại, mợ, cô hai, cô ba, chú ba, cậu út…

Trở lại phòng bệnh, anh tôi thật thà khai hết tình hình với mẹ. Dù sao hồi trẻ mẹ tôi cũng từng làm hộ lý, giấu sao nổi. Sáng nay lúc ở chỗ đợi, mẹ còn đọc cuốn Phân tích chẩn đoán lâm sàng mới mua, sáng suốt lắm.

Ba anh em cùng nhìn mẹ.

“Cấm đứa nào khóc.” Mẹ nói.

Tôi cuộn tròn ôm lấy đầu gối mẹ, lén gạt mấy giọt nước mắt.

“Đương nhiên không được khóc, bây giờ phát hiện ra sớm, chắc chắn vượt qua được.” Anh cả động viên mọi người, thằng út phụ họa.

Nói là phát hiện sớm có khi cũng đúng. Hồi tháng Tư, mẹ thấy mệt đã tự đi xét nghiệm máu, các chỉ số về máu đều không cho thấy điều gì, mãi tận đến tuần trước.

“Mẹ, mẹ là người quan trọng nhất của tụi con, thực sự không thể thiếu mẹ được.” Tôi nắm chặt bàn tay mẹ. “Ở trên mạng, con được công nhận là nhà văn tự cao tự đại tự tin trầm trọng, nên mẹ cũng phải tự tin vượt qua hóa trị liệu.”

“Biết rồi mà. Đây là di truyền.” Mẹ gượng cười.

Sau đó, từng người lần lượt ra chỗ ti vi bên ngoài bệnh viện lén khóc, rồi phân công nhiệm vụ tiếp theo.

Là nhà văn tự do và học viên cao học đang bị treo bằng, tôi quyết định dời nơi ở trọ từ Bản Kiều về Chương Hóa, ngày ngày bám mẹ và viết truyện. Anh cả thì hoãn tiến độ ở phòng nghiên cứu lại, lái con xe mười hai năm tuổi, phi đi phi về giữa Đài Bắc với Chương Hóa. Thằng út đang học cao học năm hai bận nhất, chỉ dặn nó cố gạt bỏ mọi việc ngoài lề không quan trọng, năng về Chương Hóa với mẹ.

Bởi vì là mẹ. Người quan trọng nhất trong nhà.

Mọi người lau nước mắt, xốc lại tinh thần, trở về phòng bệnh nói chuyện cùng mẹ. Bảo là “nói chuyện”, thực ra thần sắc của mẹ rất yếu, chỉ muốn mọi người yên tâm mà thôi. Khuyên nhủ vài câu xong, mẹ bắt đầu thử cố nhắm mắt ngủ.

Sau đó chị dâu tương lai của tôi đến. Mắt cũng đỏ hoe.

Tranh thủ lúc anh cả và chị dâu tương lai ở đây “trấn giữ”, tôi tranh thủ bắt taxi về nhà trám răng, sau đó đi cắt mớ tóc sắp mọc thành cái nấm trên đầu mình.

Kể ra cũng lạ, chiều hôm qua lúc tôi dùng chỉ nha khoa móc kẽ răng, không biết tại sao răng cửa bên phải bung ra một miếng ở mặt sau, đó là miếng trám bằng sứ trước đây, dùng chỉ nha khoa móc qua móc lại một hồi thế nào mà bung mất. Bung ra dĩ nhiên không dùng lại được, vì xung quanh lỗ thủng đã bị vết sâu răng mới, bây giờ cần đục rộng thêm lỗ răng để trám lại.

Nằm trên ghế tại phòng khám nha khoa êm ái, kể như đang tranh thủ “ăn cắp” chút nhàn rỗi, tranh thủ thở lấy hơi.

Đúng lúc mơ màng sắp thiếp đi, đầu óc chợt lóe sáng, nhớ lại một chương trình truyền hình bói toán từng nói rằng, nếu chiêm bao thấy rụng răng cửa, thì trong đời thực bố mẹ sẽ bị bệnh rất nặng. Chính là sự việc của hôm qua. Nhưng chương trình đó còn bảo rằng, có thể cứu chữa được.

Lòng tôi chợt nhẹ nhõm, may sao mình kịp thời quyết định trám răng, để còn ăn thật nhiều lấy sức chăm mẹ, theo nguyên tắc mệnh lý, chắc chắn mẹ sẽ bình phục.

Trám răng xong, tôi đến hiệu cắt tóc.

Vừa ngồi xuống, dưới bàn tay xoa bóp dễ chịu của cô nhân viên phục vụ, tôi bèn nhắm mắt lại, bắt đầu hồi tưởng mọi chuyện về mẹ.

Mẹ thích màu tím. Nhưng hiếm khi mua đồ màu tím.

Mẹ thích mường tượng cảnh mua nhà mới. Giấc mơ này chúng tôi mới thực hiện được tuần trước. Cố gắng vay ngân hàng gần hết giá trị căn nhà, chuẩn bị sau sinh nhật mẹ sẽ chuyển về nhà mới.

Mẹ thích những thứ chúng tôi thích. Bao gồm cả chó, và các cô gái.

Về tình yêu, tôi không phải là đứa “chín sớm” nhất nhà, nhưng mở mồm ra toàn nói tình yêu thì tôi là độc nhất vô nhị.

Trong nhà, buồng tắm và nhà bếp chỉ cách một tấm rèm, những đứa bạn tôi có may mắn đến nhà tôi tắm rửa thường không thoải mái, cảm thấy mọi riêng tư đều lộ liễu theo tiếng nước giội. Nhưng chính vì vậy mà ba anh em tôi từ nhỏ đều thích vừa tắm vừa nói chuyện với mẹ đang nấu ăn bên kia tấm rèm.

Thời gian đa phần là lúc đi học về, nhân tiện huyên thuyên chuyện trường lớp linh tinh. Tiếng lạo xạo của cái “bồ cào” sắt mẹ đảo thức ăn hòa lẫn tiếng giội nước tắm của chúng tôi, nhưng không hề ảnh hưởng tới câu chuyện giữa mẹ và con. Hơi nước nóng từ dưới tấm rèm nghi ngút bốc lên, tôi nghĩ đó là lúc mẹ vui nhất trong ngày.

Trong lúc tắm tôi rất thích nói với mẹ những chuyện đại loại như “con nhất định sẽ cưới ai làm vợ”, hoặc “có vẻ như con sắp cưa được ai ai ai đó rồi”. Từ tiểu học đến đại học, nữ nhân vật chính trong các lời thề của tôi đã thay không biết bao lần, nhưng tấm rèm chỉ thay có một lần.

“Mới bằng này tuổi nghĩ làm gì nhiều thế! Chăm chỉ học hành đi là được!” Mẹ lúc nào cũng trả lời như vậy, nhưng chưa bao giờ trong lời nói của mẹ có sự nghiêm túc.

Đôi khi cũng tự nhiên thành cự cãi, tôi đội khăn tắm, thở phì phò tức giận, ném ra một câu “Hừ! Không nói với mẹ nữa!” Ra khỏi buồng tắm, sẽ thấy mẹ vừa bê thức ăn ra bàn vừa lặng lẽ rơi nước mắt, lần nào tôi cũng lấy làm hối hận, chỉ muốn mẹ thưởng cho vài tát tai.

Có thể mẹ thích sự theo đuổi của con trai đối với tình yêu, càng có thể đơn giản là mẹ thích chìm đắm trong những cuộc trò chuyện đời thường với con mình.

Miên man nghĩ ngợi, tôi định bụng thay mẹ viết gì đó.

Hoặc, thay cả gia đình lưu giữ lại những kỷ niệm chung đẹp đẽ.

Đoạn ký ức này nên đặt tên gì nhỉ? Ngồi trong tiệm cắt tóc, gần như ngay lập tức tôi hình dung ra bóng dáng bé nhỏ của mẹ dắt chiếc xe đạp, bẽn lẽn ngoái lại nhìn chúng tôi.

Ngồi trước gương, tôi không dám mở mắt ra.

Mẹ ơi, mẹ nhất định phải bình phục.

—

9 giờ 30 phút tối.

Ba đi về rồi, lát nữa thằng út tắm xong sẽ đến thay. Phòng bệnh chỉ còn tôi ở với mẹ.

“Hì hì, bây giờ mẹ chắc phải lo lắng nhất rồi.” Tôi mở ibook (ứng dụng đọc sách điện thoại), ngồi trên giường phụ, tựa lưng vào tường.

“Vì sao?” Mẹ ngạc nhiên.

“Vì chỉ còn lại thằng vô tích sự nhất.” Tôi tự trào. Quả thật thường ngày tôi đúng là thằng sống lôi thôi luộm thuộm nhất.

“Làm gì có, nhiều khi con rất chu đáo tỉ mỉ.” Lúc nói, hình như mẹ đã phát hiện tôi lén dùng ibook che nước mắt, nhưng rồi mải nói một lúc lại ngoảnh cả đầu sang.

Cho nên, tôi không hề chu đáo tỉ mỉ chút nào.

Nguồn: truyen8.mobi/t123655-me-thom-mot-cai-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận