Ga Sài Gòn chiều ngày 28 tết.
Phòng chờ đông nghẹt người. Ngoài sân ga dòng người tiếp tục đổ vào. Tại các cửa bán vé, hàng dây người cứ dài ra mãi. Những gương mặt mệt mỏi, bơ phờ vì thức đêm, vì chen chúc. Nỗi lo lắng âu sầu khắc hằn lên các khuôn mặt lữ khách. Trong nhà ga chuyến xe lửa tốc hành Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh vừa mới vào đến sân ga. Hành khách lác đác xuống tàu, qua cửa trả vé cho nhà ga. Có lẽ toàn bộ số hành khách ấy chưa đông bằng số nhân viên và công nhân phục vụ của nhà ga. Trái ngược hẳn với chiếc tàu chạy từ ngoài Hà Nội vào, chiếc tàu thống nhất thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội, ký hiệu SE3 đỗ ở đường sắt số hai, hơn một chục toa xe đã chật cứng hành khách đang chờ khởi hành.
"Ga Sài Gòn kính chào Quý khách! Chuyến tàu SE3 đỗ ở đường sắt số 2 theo đúng kế hoạch sẽ khởi hành vào lúc 16 giờ 30 ngày 4 tháng 2 tức ngày 28 tết. Để phục vụ đồng bào được đông đảo hơn, nhà ga quyết định nối thêm hai toa xe vào đoàn tàu SE3. Như vậy đoàn tàu thống nhất chạy suốt Hà Nội sẽ chậm lại 1 giờ 30 phút so với lịch trình. Nhà ga chúng tôi thành thật cáo lỗi với tất cả những hành khách đã có vé trên chuyến tàu SE3 khởi hành vào lúc 16 giờ 30. Nhà ga chúng tôi thông báo quý khách đã có tích kê mua vé ngày 5 tháng 2 tức ngày 29 tết xin mời qua cửa bán vé số 4, nhà ga sẽ phục vụ bán vé bổ sung cho chuyến tàu SE3 sẽ khởi hành vào lúc 18 giờ ngày hôm nay".
Hành khách đã có vé ngồi đóng cứng trên các toa tàu nghe nhà ga thông báo chậm giờ lập tức phản ứng ồn ào, nhiều tiếng văng tục chửi rủa ngành đường sắt. Sự tức giận của các hành khách trên tàu nổi lên bao nhiêu thì càng làm gia tăng sự vui mừng bấy nhiêu cho những khách còn đợi ngoài phòng chờ, thắp cháy biết bao niềm hy vọng về một tấm vé tàu về quê ăn tết. Hàng trăm người với lỉnh kỉnh hành lý lập tức đổ xô đến cửa bán vé số bốn. Họ tách ra từ các cửa bán vé của ngày hai chín. Họ từ sân ga chạy xô cả vào, cuộn lên như một cơn sóng thần. Cơn sóng người ấy không tàn phá cái gì, không gây hại cho ai nhưng cứ xô đẩy, sục sôi lên trong sự tranh giành. Nếu may mắn có một tấm vé về quê ăn tết hôm nay sẽ làm cho họ hân hoan, vui sướng đến vô bờ. Nếu được về ngày hôm nay, con tàu chạy xuyên qua đêm, chạy suốt cả ngày mai để rạng sáng ngày ba mươi họ đã được về đến quê, để sáng ngày ra họ có dịp cùng với vợ con, anh em máu mủ, ruột già sảnh sang đi chợ mua sắm cho một cái tết, cho bõ cả một năm trời quăng quật trong cái thành phố nhung nhúc những người, vất vả làm việc quần quật đến kiệt sức vì kiếm tiền.
*
Viên, Vân, Vi ra đến ga ngay từ đầu giờ chiều. Viên đã ngót ba mươi tuổi, Vân tuổi hai lăm còn Vi mới mười sáu tuổi. Họ cùng làm trong một nhà máy đóng giầy. Họ không cùng một quê nhưng xuống cùng một ga, một cái ga xép của cái tỉnh Hà Nam đói nghèo có hạng. Cả đêm họ không tài nào ngủ được vì cái nỗi háo hức về quê, nhưng cũng không làm họ mệt mỏi. Nghe nhà ga thông báo chậm tàu, Viên nói:
- Biết thế mình bốn giờ ra ga cũng vừa.
- Thì ai mà biết được nhà ga lại tăng thêm toa. Nếu ngộ nhỡ họ không nối thêm thì có phải nhỡ tàu không? Vân nói với chị Viên.
Cả ba chị em chưa vội vào ga, cứ đứng ngoài phòng chờ chuyện phiếm với nhau. Khác với hai chị vào thành phố làm đã được mấy năm, Vi năm ngoái theo bạn bè vào trong này, thiếu hai tháng nữa cô mới tròn mười sáu tuổi. Bỏ lại làng quê với người bố nát rượu, đánh vợ như đánh rắn, lúc phê rượu còn đe đánh cả Thành Hoàng làng. Cô bỏ cả tuổi thơ, không cả ngất ngây cái tuổi trăng tròn của một thời con gái. Cô muốn trốn đi thật xa, thật xa cái quê nghèo kiết xác, cái quê với đầy rẫy các thứ người cứ hành hạ nhau trong cái cảnh nghèo, túng thiếu kinh niên. Quê hương! Người ta cứ ca ngợi cho lắm vào, còn với cô, cô thấy quê cô không đẹp tí nào. Vào đến Sài Gòn, cô thấy đường xá rộng rãi và phẳng lì đẹp hơn quê cô nhiều! Chứ không như cái đường đất quê cô vừa bé, vừa lở lói, lầy lội và đầy những cứt trâu. Nhà cửa ở đây sàn sạt và vút cao như thử thách trời xanh, chứ không như những nếp nhà gỗ quê cô mái ngói dột đã mục ruỗng dui mè. Nhưng không hiểu sao, từ ngày vào Sài Gòn càng ngày cô lại càng thèm nhớ quê nhà, nhớ cả những trận đòn nhừ tử của ông bố nát rượu. Nhớ nhất là mấy đứa bạn gái mà hôm bỏ nhà trốn đi cô không kịp chào hỏi chúng nó. "Quê hương ơi! Người có ma lực gì mà làm lay động, day dứt đến tận gan, óc thế kia?
Mải nghĩ ngợi, bất giác Vi nghe thấy tiếng người khóc thút thít cách cô một đoạn. Vì người qua lại, chen chúc nên Vi không phát hiện ra được nơi người khóc. Hết vé, cửa số bốn đã đóng sập lại. Vừa mới ít phút đây thôi, Vi còn chứng kiến cái cảnh huyên náo, hỗn độn của hàng trăm con người dồn cục lại, giờ họ đang tản ra, tan loãng trong phòng chờ và lại mệt mỏi trong cái dây người xếp hàng mua vé cho chuyến tàu sau.
- Kìa! Nhìn kìa. Hai mẹ con nhà kia có hai người lại chỉ mua được có một vé, khổ thân quá! - Vân từ nãy để ý đến tiếng khóc sụt sùi và chị đã nhìn thấy hai mẹ con nhà kia, cô chỉ cho Viên và Vi. Người mẹ chừng ngót bốn mươi, cạnh chị là cô con gái cũng trạc tuổi Vi, cũng gầy guộc như cô, có cái trán bướng bỉnh nhưng cặp mắt dịu dàng ẩn dưới hàng mi dài và cong không cần tỉa tót. Vi nhìn hai mẹ con nhà kia và thấy thương họ quá chừng. Họ quê ở đâu? Thanh Hoá, Ninh Bình, Bắc Ninh? Hay cũng ở Duy Tiên quê cô cũng nên. Họ làm gì trong cái thành phố đông dân nhất nước này? Cái thành phố lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cuồn cuộn những công việc, cái thành phố nhìn góc nào trông cũng giống như một chiếc cối xay thịt khổng lồ và cô bỗng ước ao cho mỗi bước về quê, đem cái món quà tình yêu dâng hiến cho quê, quê cũng tặng lại mỗi người, quê sẽ mạnh như thượng đế đem những con tàu chạy hàng vạn dặm một giờ ra để tặng lại…
"Nhà ga chúng tôi xin thông báo, đoàn tàu SE3 đỗ ở đường sắt số 2 sắp được lệnh chuyển bánh. Nhà ga chúng tôi xin mời những hành khách đã mua vé mời qua cửa kiểm soát để lên tàu".
Những dòng người hối hả, tất bật đi qua chỗ hai mẹ con đang đứng giằng co. Người phụ nữ cuống quýt ấn tấm vé vào tay con gái, cô gái vừa vằng ra vừa nói với mẹ:
- Mẹ không phải lo cho con, con lớn rồi. Đã hai năm nay mẹ không về rồi. Tết này không thấy mẹ ra, thế nào bố cũng vào, lúc ấy biết tính sao?
- Muốn ra sao thì ra nhưng mẹ không đành lòng để con ở lại một mình.
“Đoàn tàu SE3 đỗ ở đường sắt số 2 sắp đến giờ
chuyển bánh…".
Những dòng người hối hả, tất bật đi qua chỗ hai mẹ con đang đứng giằng co.
Vi cùng với hai chị bị dòng người đẩy lên, qua ngang chỗ hai mẹ con nhà kia, Vi nhìn rõ hơn khuôn mặt người đàn bà cũng trạc tuổi mẹ cô. Trên khuôn mặt lấm tấm tàn nhang, có những đám cháy mờ trên gò má. Cô chạnh lòng nhớ đến mẹ cô. Tháng trước mẹ cô có gọi điện vào cho cô, hẹn tết này bất kể giá nào cũng về ăn tết. Từ ngày Vi bỏ đi, bố cô đã bớt hẳn uống rượu và cứ suốt ngày kêu nhớ thương cô. Tết! Vi nghĩ không biết ai đã nghĩ ra cái tết, tết có từ bao giờ? Ai đã phát minh ra nó? Ôi tết ơi, cái định lượng thời gian ấy mới khắc nghiệt làm sao. Tết là gì mà khiến cho ai ai cũng tất bật, vội vàng? Tết là gì mà đến nỗi làm cho những kẻ lao động phải chạy đua với thiếu ăn, thiếu mặc, đến biết bao những phiền muộn trong đời? Liệu những kẻ nghèo hèn như cô có mong được gì ở cái vận may mỗi lần tết đến? Hay ngày càng phải cày sâu hơn vào cuộc sống vốn đã nhọc nhằn...
"Đoàn tàu SE3 đang đỗ ở đường sắt số 2 sắp được lệnh chuyển bánh. Mời quí khách cách xa đường sắt số 2 để đoàn tàu chuyển bánh được an toàn".
Những dòng người hối hả, tất bật đi qua chỗ hai mẹ con đang đứng giằng co.
Vi là hành khách cuối cùng.
Cô sắp bước qua cánh cửa soát vé, cô đã đi qua chỗ hai mẹ con nhà kia. Nhà chờ trong ga thưa hẳn người đi, tiếng loa gọi khách của nhà tàu thôi thúc. Người phụ nữ kia cố sức đẩy người con gái đi vào, cô con gái lại vòng ra phía sau đẩy người mẹ vào trong. Một bàn chân Vi đã đặt trong sân ga, cô nghe tiếng người phụ nữ nói đằng sau:
- Đã thế mẹ quyết ở lại với con, mẹ không đời nào lại để con bơ vơ giữa đất khách quê người. Còn nếu không về, ông ấy có vào đây có đánh, có chửi, có bỏ mẹ, mẹ cũng cam lòng.
Vi bỗng thấy lòng cô nghẹn lại. Phải đúng rồi, tết là cái khoảng thời gian có định lượng, có cái đích, có cái thời khắc thiêng liêng nhất lúc chuyển giao thời gian giữa năm cũ với năm mới, là cái lúc làm cho người ta dễ yếu mềm nhất, dễ tha thứ nhất và thật cảm động biết bao, hạnh phúc biết bao được ở giữa những người thân hân hoan đón chào năm mới, một năm mới đầy sức sống, đầy hy vọng, đầy niềm vui và sẽ thăng hoa trên cái nền kết quả của năm cũ đi qua. Vi bước nốt bàn chân qua cửa soát vé, cô nghe rõ tiếng ken két của cánh cửa sắt đóng lại phía sau lưng. Chị Viên và Vân giục Vi bước nhanh nhanh lên. Chiều trên sân ga Sài Gòn, nắng vàng như màu mật ong và cô cảm giác thấy vị chan chát của nắng. Vi nghe tiếng người con gái có cái trán dô ấy, con của người phụ nữ ấy hét lên:
- Nếu mẹ không về thì bố bỏ mẹ thật đấy!
Cô thấy lòng mình thắt lại. Chị Viên đã ngót ba mươi, mấy năm chị cũng chả thiết về, tết cũng chả là gì hết, quê hương của chị đã dần gắn với cái cối xay thịt Sài Gòn, nhưng còn hai mẹ con nhà kia? Tết là cần thiết, không gì sánh được. Một năm làm việc gom lại chỉ có mấy ngày tết là ý nghĩa nhất, thiêng liêng nhất, là một tấm vé đảm bảo hạnh phúc gia đình, ngất ngây đoàn tụ.
- Mẹ lạy con, con vào đi, nhanh lên!
- Mẹ không về với bố thì con sẽ ở lại với mẹ, ra giêng mẹ con mình về cũng được.
- Nếu mẹ con mình không có ai về thì ở nhà còn
gì là tết!
Tiếng còi tàu rúc lên, tiếng còi trên miệng nhân viên toa xe róng riết từng hồi. Sân ga lác đác bóng người. Tiếng người nhân viên soát vé quát lên, tiếng người mẹ xin đừng đóng cửa, tiếng người con gái thét lên...
Vi quay phắt lại, cô không kịp nghĩ, cô chỉ kịp dặn lại hai chị tết này về quê nhớ đến nhà em chơi. Cô lao nhanh lại phía cửa soát vé, đẩy hai người nhân viên đang ngăn cô lại. Cô chạy đến bên người phụ nữ, đưa tấm vé của mình rồi giục:
- Cô ơi, cô với bạn ấy vào ga đi, nhanh lên!
Hai người nhân viên nhìn nhau:
- Đúng là đồ điên!
Người kia đáp lại:
- Thật là vớ vẩn! Sao còn lắm người điên đến thế.
Người phụ nữ không kịp phản ứng bị cô đẩy qua cửa soát vé. Vi đứng ngoài cánh cửa sắt đã đóng lại, mỉm cười nhìn vào trong sân ga, nhìn theo người phụ nữ vừa chạy ra tàu vừa ngoái cổ lại nhìn cô.