Trong “bảng phong thần” của giang hồ Sài Gòn trước 1975, tên tuổi Điền Khắc Kim cũng lừng danh không kém gì Đại Cathay, Sơn Đảo, Lâm Chín ngón, Y Càlết… những hung thần lề phố. Nhưng trước sau gì hắn vẫn là một tên tướng cướp không giống ai, một “tướng không quân”. Con đường leo lên vị trí đàn anh của hắn hoàn toàn nằm ngoài qui luật chung của giới giang hồ: không hề gây bè kết đảng, không xưng hùng xưng bá, không hề tổ chức những cuộc thanh trừng đẫm máu để tranh giành lãnh địa.
Điền Khắc Kim nổi tiếng vì là tác giả của hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa với giá trị tài sản rất lớn mà nạn nhân tất tật đều là người Mỹ. Cứ cướp xong là hắn hiếp các nữ nạn nhân, sau đó không quên ghim lại một mảnh giấy ghi ba chữ: “Điền Khắc Kim”. Đã là tướng cướp thì chuyện vướng vòng lao lý là lẽ tất nhiên, nhưng với Điền Khắc Kim, nhà tù chỉ là chốn “vui thì ở, buồn là đi”, bắt hắn chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Tất cả những phi vụ kinh hoàng ấy, Điền Khắc Kim cũng chỉ đơn thương độc mã thực hiện, không hề có trợ thủ. Vì lý do này, báo chí Sài Gòn trước năm 1975 mới gán cho hắn biệt danh “Tướng cướp cô đơn” hoặc “Tướng cướp sôlô”. ít ai biết rằng, bức chân dung kinh khủng ấy lại được vẽ nên từ những nét cọ đầu tiên là một chuyện tình buồn trên một nền khung nghèo khó.
Điền Khắc Kim tên thật là Lê Văn Minh, con trai thứ hai trong một gia đình nheo nhóc có bốn anh chị em ở làng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Tuổi thơ không êm đềm của hắn trôi qua dưới một mái nhà rách nát, lợp bằng những tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ, vách là một hỗn hợp gồm ván ép, mảnh bìa carton, vỏ thùng phuy cũ và vô số mảnh tôn, thiếc đầu thừa đuôi thẹo khác. Mùa nắng, ngôi nhà nóng hầm hập. Mùa mưa, nóc dột tứ tung, nền thấp nên nước mưa từ các đường hẻm, rãnh cứ thi nhau cuốn rác rều ồng ộc tuôn vào nhà. Bốn chị em hắn tha hồ gọi nhau lội tứ tung, nhặt nhạnh lại những đôi dép đứt, giấy vụn, bao nilon đang nổi lều bều giữa nhà đã thành một bể nước bẩn và thi nhau chổng mông lên trời khua xô, thùng tát nước.
Cha mất sớm, toàn bộ gánh nặng mưu sinh đè trĩu lên đôi vai mẹ hắn. Cứ sáng tinh sương, thằng bé con đen đúa, mắt đầy ghèn lại bị lôi cổ dậy để ra lò bánh mì lấy những mẻ bánh đầu tiên đi bán bánh mì “chạy”. 8 giờ sáng, quẳng cái giỏ cần xé đã hết nhẵn, hắn lại lo chạy về phụ giúp mẹ bán bánh mì “nằm”. Tuổi thơ vất vả và thiếu thốn nên Minh không lớn nổi, người cứ loắt choắt, gầy và đem nhẻm, có phần nhút nhát vì mặc cảm. Việc học hành của hắn vì thế cũng chẳng bằng ai, chữ vào tai này lại ra tai kia rồi rụng mất.
Con nít nhà nghèo thế kỷ trước đói ăn nhưng lại dễ no đòn. Mỗi lần Minh bị đánh, có một con bé hàng xóm lại cạy vách nhìn vào trề môi trêu chọc. Con bé tên là Diễm, Nguyễn Thị Diễm, nhưng dân trong xóm cứ nôm na hình hài mà gọi nó là Diễm đèo, cũng như gọi Minh là Minh con bởi cả hai đều gầy quắt như quả dưa chuột đẹt trồng trên đất cằn bị ong chích. Bị trêu, Minh con tức lắm, rắp tâm tìm cách trả đũa. Làng Hạnh Thông Tây có nghề làm pháo gia truyền, hầu như nhà nào cũng có mâm quấn pháo nên quanh năm làng cứ đầy những tiếng đì đùng. Không có tiền mua, thằng oắt Minh con cứ lăn xả vào dưới những bánh pháo đang tóe lửa của các đám giỗ chạp, cưới hỏi, xô nhau giành giật với trẻ con hàng xóm để nhặt pháo lép cất dành, chờ Diễm đèo đi ngang qua đốt ném để “khủng bố”. Ban đầu, Diễm sợ khóc thét lên. Sau, nó lại ton ton chạy theo Minh nhặt pháo, miệng cười rổn rảng trong khi mắt nhắm tịt và hai ngón tay thì bịt chặt hai tai. Lâu dần thành quen, hai quả dưa chuột đẹt bị ong chích phải lòng nhau lúc nào không biết.
Con gái thường mau lớn hơn con trai. 16 tuổi, Diễm đèo trông phổng phao hẳn lên, mái tóc đỏ quạch đã mượt ra, nước da cũng trở nên mịn màng chứ không đen đúa, sần sùi như trước nữa. Đúng thời điểm đó, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Khu vực Hạnh Thông Tây, trại lính, sở Mỹ mọc lên nhan nhản. Trên các trục đường lộ quanh cái xóm nghèo của Minh con, Diễm đèo, quán rượu, nhà chứa, snack-bar cũng thi nhau mọc lên để hứng những tháng lương lính và bán đi tất tật những gì có thể bán. Dù chưa phải thiên nga, Diễm đèo cũng không còn là con vịt trời xấu xí nữa. Chưa kịp ngỏ lời, Minh con đã phải cay đắng nhìn mối tình đầu của mình lột xác thành một Hélen Diễm, cô tiếp viên xinh đẹp với váy ngắn cũn cỡn hằng đêm nằm lọt thỏm trong vòng tay lông lá của những tên lính Mỹ to con gấp đôi nó trong snack-bar. Minh cũng không khá gì hơn, nó bỏ học, trở thành một thằng ma cô dắt mối cho gái điếm. Tháng ngày của hắn được nối nhau bằng những trận đập lộn tóe lửa với đủ loại sắc lính, từ biệt động quân, thủy quân lục chiến, lính dù đến lính bộ binh – những kẻ thường kéo cả đoàn mò vào xóm Hạnh Thông Tây tìm gái chơi bời rồi giở trò ăn quịt. Đánh nhau tay không cũng có mà bằng gậy gộc, gạch đá, dao phay cũng có… Thằng bé hiền lành ngày xưa biến mất, thay vào đó là một thằng Minh con ma cô lầm lì, bất chấp với một vết sẹo dài cỡ hai lóng tay vắt qua má trái, một tay đứng bến được cả vùng Hạnh Thông Tây – ngã ba Chú ía – vành đai sân bay Tân Sơn Nhất nhớ mặt biết tên.
Lì lợm là thế nhưng với Diễm đèo, đúng hơn là với Hélen Diễm, Minh con vẫn không thể can đảm hơn để nói được một câu tỏ tình đàng hoàng thành thật. Chỉ duy nhất một lần, tức quá không chịu nổi, Minh con đã chặn Hélen Diễm khi cô đang cặp kè với một tên lính Mỹ, hỏi dấm dẳn:
- Mấy thằng lông khỉ này có gì hay? Sao cô cứ…
Cơn ghen của nó bị Diễm tàn nhẫn cắt đứt nửa chừng:
- Hỏi dzô duyên. Hổng có gì hay, nhưng tụi nó có tiền!
Rồi cô kéo tên Mỹ trẻ măng đang đứng trố mắt đi một nước, bỏ lại Minh con đứng trơ như phỗng, ngơ ngác giữa đường.
Khoảng cuối năm 1967, một biến cố nho nhỏ đã xô Minh con ra khỏi nghề dắt gái ở Hạnh Thông Tây: mẹ hắn lấy chồng. Bố dượng của hắn là một hạ sĩ quan lái xe người gốc Campuchia nhưng nói tiếng Việt nhuyễn như ăn cháo, tên là Kalon Rim. Bố dượng cũng cục tính, lầm lì y như thằng con, được cái cũng không tệ bạc gì với mấy đứa con riêng của vợ nên Minh con chẳng có lý do gì mà ghét lão. Nhưng chính vì tử tế nên lão đã nhất quyết bắt bốn anh em Minh cải họ theo mình để mang những cái tên rất Miên mà nó không hề thích, cũng chẳng hiểu nghĩa là gì. Minh con trở thành Kalon Theo, con Hòa em nó trở thành Kalon Hòa. Những cái tên có vẻ “cà chớn” khiến thằng ma cô bất mãn. Không nói không rằng, nó bỏ nhà, bỏ miệt Gò Vấp mò lên sống bụi đời ở trước khu chợ Dân Sinh, quận 1. Làm đủ thứ nghề, ngày bán báo, đánh giày, đêm ra lề đường Nguyễn Công Trứ thuê ghế bố ngủ. Không có tiền thì lót báo cũ nằm vạ vật. Chưa hề sung sướng bao giờ nên kiếp bụi đời, với Minh cũng chẳng có gì là khổ sở.
Trước lúc ra đi, thu hết can đảm, nó mò đến cái snack-bar nơi Hélen Diểm làm tiếp viên, trong túi là một bánh pháo dài cả thước. Diễm chưa kịp ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ, Minh con đã lôi bánh pháo ra, cầm trên tay trần, giơ cao và rút điếu thuốc trên miệng châm vào ngòi pháo. Pháo nổ tung tóe khiến gái bán bar và khách làng chơi cả Mỹ lẫn Việt được một phen nhốn nháo. Nhưng Diễm thì không. Không nhắm mắt, không bịt tai cũng không bỏ chạy, cô cứ đứng ngó trân trân dây pháo nổ điếc màng nhĩ trên tay tên bạn bụi đời. Viên pháo cuối cùng, Minh con bóp đít búng tung lên trời đúng khi nó vừa phát ra tiếng nổ. Xong, nó quay lưng đi thẳng, đi một mạch, không hề nói câu nào, bỏ lại một Hélen Diễm phía sau đang ngây người, nước mắt ròng ròng trước lời tỏ tình có một không hai của thằng con trai hàng xóm.
Khoảng nửa tháng sau, tháng 4.1968, tình cờ trên mục “đua xe cán chó” của một vài tờ báo, Minh con đọc được mẩu tin: “Một cô gái điếm cỡ 18 tuổi bị một toán lính Mỹ thay nhau hãm hiếp rồi lột truồng vứt xác ngoài bãi rác ở Gò Vấp”. Lòng điên dại, hắn vứt xấp báo chạy ngay về Hạnh Thông Tây. Nhưng đã quá muộn: cỗ quan tài có Hélen Diễm nằm trong đó đã vùi sâu vào đất lạnh! Mối tình đầu câm lặng kết thúc quá sớm trong bi thảm, hắn nhờ một cô bạn bán bar cùng với Diễm mua giúp khẩu Colt 45 với mấy kẹp đạn giắt vào bụng rồi lặng lẽ bỏ đi.
Ba năm liền sau đó, báo chí Sài Gòn thỉnh thoảng lại bị khuấy động bởi những vụ cướp hết sức kinh hoàng, nghi phạm tỏ ra cực kỳ liều lĩnh, hung hăng như thể đi cướp để mong được chết, như thể chỉ ngày mai là tận thế. Nạn nhân của những vụ cướp này đều là người Mỹ. Kẻ cướp, không ai khác chính là Lê Văn Minh, hắn đi cướp để trả thù.
Giữa tháng 2.1968, cùng một tên du thủ du thực khác là Lê Văn Hùng, Minh con đột nhập vào nhà một kỹ sư công chánh Mỹ trên đường Trần Quang Khải, dùng khẩu Colt 45 khống chế bà vợ ông ta cướp đi 5.000 USD và một số nhẫn, dây chuyền vàng, kim cương trị giá 17 triệu đồng. Đó là một số tài sản kếch xù, bởi vào thời điểm đó, giá vàng chỉ có 25.000đồng/lượng và 1 USD thì trị giá bằng 10 USD theo giá ngày nay. Nhưng vẫn chưa thỏa mãn, sau khi dồn hết số tài sản của viên kỹ sư vào bao tải, Minh con còn bắt tên Hùng cảnh giới để hắn lôi bà vợ Mỹ của ông kỹ sư ra hãm hiếp.
Bảy tháng sau, kịch bản lặp lại nhưng hung thủ chỉ một mình Minh con. Lần này, tại một cư xá Mỹ trên đường Trần Cao Vân, quận 1, gần hồ Con Rùa, Minh con lần lượt “viếng thăm” và dọn sạch 3 căn hộ, cướp đi một số tư trang tiền bạc trị giá 11 triệu đồng. Cả 3 bà vợ Mỹ đều bị hắn giở trò thú vật.
Bảy tháng sau nữa, tháng 5.1969, đến lượt vợ của tay Giám đốc hãng sản xuất băng đĩa Columbia, nhà riêng ở Xóm Chùa, Bình Thạnh trở thành nạn nhân của Minh con. Lần này, hắn cướp được khoảng 8 triệu đồng và hơn 2 kg magne dùng để sản xuất đĩa nhạc.
Cả Sài Gòn nhốn nháo, thất kinh nhưng cảnh sát thì chịu chết, không tài nào mò nổi tung tích hung thủ, bởi hắn hành động cực kỳ xuất quỷ nhập thần. Dù không bị nhận diện danh tánh, bóng ma Minh con cũng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bà mệnh phụ giàu có có chồng là người Mỹ. An ninh tại nhà riêng và các cư xá Mỹ được tăng cường tối đa, nhưng nỗi khiếp đảm thì vẫn đeo đẳng. Đúng lúc đó, tháng 11.1969, Minh con lại đột nhập nhà một gái bán bar hạng sang lấy chồng Mỹ ở cư xá Đô Thành cướp 6 triệu đồng. Lần này, cô vợ là người Việt nên Minh con chỉ “đùa bỡn” một chốc rồi bỏ đi, không cưỡng đoạt.
Quá ngạc nhiên trước sự may mắn của mình, nàng kiều “me Mỹ” đã buột mồm hỏi thằng cướp vừa quay lưng bỏ ra đến cửa:
- Anh tên gì vậy?
Đến lượt thằng cướp ngạc nhiên. Không lẽ xưng tên thật, hắn bèn xưng đại một cái tên vừa chợt hiện trong đầu:
- Điền Khắc Kim!
Rồi còn cẩn thận viết cái tên này ra giấy ném lại cho cô gái. Trước khi rút lui, không hiểu sao hắn còn giải thích:
- Cô may mắn đấy. Tôi chỉ trả thù mấy thằng Mỹ chứ không trả thù người Việt.
Ngay tức khắc, báo chí Sài Gòn lại tranh nhau chạy những hàng tít giật gân về vụ “cướp nhà người Mỹ”, với đích danh thủ phạm là Điền Khắc Kim, dù chẳng ai có thể xác định được ai là Điền Khắc Kim giữa thành phố 4 triệu dân này. Chưa hết, nhiều tờ báo còn nhanh nhảu tự “điều tra”, gán thêm rất nhiều nguyên nhân ly kỳ rùng rợn, biện minh cho hành động làm nhục nạn nhân của Điền Khắc Kim ở các vụ trước đó là để “trả thù dân tộc (?!)”.
Sau vụ cướp này, để tránh bị tóm, Điền Khắc Kim đăng ký đi quân dịch. Với cái tên giả là Lê Minh Hùng, hắn trở thành một binh nhì mang số quân 71/116964 của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 48 bộ binh (ngụy). Ba tháng quân trường vừa kết thúc, máu giang hồ trỗi dậy, hắn lại đào ngũ về Sài Gòn tiếp tục đi ăn cướp.
Tháng 5.1970, Điền Khắc Kim đột nhập vào nhà một người Mỹ là Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần). Đi đêm lắm có ngày gặp ma, trong khi hắn sắp sửa giở trò đồi bại với bà vợ ở phòng ngủ thì trong phòng tắm, ông giám đốc đã cởi được dây trói chạy thoát ra ngoài gọi cảnh sát. Hoảng quá, hắn vội bắt cóc bà vợ làm con tin và tẩu thoát xuống quận 8. Sau khi hành hạ bà đầm chán chê, Điền Khắc Kim đã gọi taxi đưa trả bà về với ông chồng Mỹ. Vì sự liều lĩnh bỡn cợt này, hắn đã bị cặp vợ chồng Mỹ kia nhận diện và bị bắt, phải ra tòa lãnh án 20 năm tù.
Vào trại Chí Hòa, họp mặt với toàn những tay anh chị đầu trâu mặt ngựa, Điền Khắc Kim dù không băng đảng, người không một hình xăm vẫn nghiễm nhiên được đám tù hình sự xếp vào “chiếu trên”. Sự táo tợn, liều lĩnh và những cú “trả thù dân tộc” được các báo lá cải khai thác tối đa đã vô tình tạo cho Điền Khắc Kim một lai lịch đầy ánh hào quang, khiến những tên du thủ du thực phục lăn phục lóc. Nhờ có sự hỗ trợ của những tên đại bàng cộm cán ở Chí Hòa, Điền Khắc Kim có đủ tiền để mua được một tờ “giấy đi phép”, tức được phép tự do ra ngoài 12 hoặc 24 giờ, sau đó về trình diện. Lợi dụng “giấy đi phép”, hắn trốn luôn. Vừa ra khỏi nhà giam, hắn đã mò vào nhà một tên thiếu tá CIA Mỹ để cướp. Là một quân nhân quen hoạt động trong bóng tối, tên “xịa” không dễ gì để bị Điền Khắc Kim bắt nạt, đã kịp thời móc súng chống trả. Đang loay hoay trèo qua ban công, tính nhảy từ lầu hai xuống đất, Điền Khắc Kim đã bị tên thiếu tá CIA quất trúng một viên vào bụng, sụm ngay tại chỗ và bị cảnh sát ngụy tóm cổ, đưa vào Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Quân Y viện 175) chữa trị.
Vết thương vừa tạm bình phục, người còn xanh rớt như tàu lá, Điền Khắc Kim lại cưa còng trốn thoát. Sau mấy tháng nằm dưỡng thương, hắn lại lên kế hoạch tấn công một nhà buôn Mỹ trên đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi), cướp được 5.000 USD và 20 triệu đồng. Đúng lúc hắn đang hành hạ nữ nạn nhân người Mỹ xinh đẹp thì ông chồng bà ta trở về. Một cuộc đọ súng đã nổ ra. Trước khi ngã quị vì đạn khẩu Colt 45 của tên tướng cướp, tay nhà buôn Mỹ cũng đã kịp bấm cò tặng cho tên tướng cướp một viên vào ổ bụng.
Vết thương quá nặng, Điền Khắc Kim đã không còn cơ hội để trốn tù. Lần này, vì là một quân nhân, phạm tội khi đang đào ngũ, Điền Khắc Kim đã bị tống vào quân lao Gia Định, nơi giam giữ toàn những tên du đãng xuất thân từ lính tráng.
Vào tù, để “giựt le” với đám du đãng đa phần thất học, Điền Khắc Kim tự khai đã học hết đệ nhị (lớp 11), dù kỳ thực hắn chưa hề học hết trung học đệ nhất cấp (cấp 2), kiến thức bị gió giang hồ thổi bay gần hết nên chữ xấu như gà bới. Lờ tịt sự khai man này, chỉ nhằm lợi dụng uy thế của tên cướp lừng danh để trị bọn tiểu yêu trong quân lao, đám cai ngục ở đây đã phong cho hắn cái chức “thư ký quân lao”. Dù là tên cướp đang ở tù, hắn vẫn ăn mặc tử tế như một sinh viên với áo sơmi đóng thùng cẩn thận, trên nắp túi còn giắt thêm một cây viết paker cho thêm phần trí thức.
Có một điều kỳ quái là, trong giới giang hồ, ngôi vị cao thấp thật sự chỉ được phân định rạch ròi khi ở… trong tù. Là “thư ký đề lao”, nghiễm nhiên Điền Khắc Kim trở thành vua một cõi. Đó chính là lúc bản chất lưu manh mạt hạng của tên tướng cướp bộc lộ đầy đủ nhất. Không có gì để nghi ngờ, việc Điền Khắc Kim trở thành hung thần, chuyên cướp, hiếp những người Mỹ giàu có khởi nguồn từ cái chết bi thảm của Hélen Diễm, mục đích chính là để trả thù. Nhưng, đó chỉ là những vụ đầu tiên, còn sau này, hắn đi cướp chỉ vì một mục đích duy nhất: kiếm tiền ăn chơi phè phỡn. Diễm đèo chỉ là kỷ niệm thoáng qua, một màn sương mờ cay nồng khói pháo, một gam màu lạ để Điền Khắc Kim tô vào bức tranh đầy hào quang ảo cho thêm phần thê thiết. Đích thực, hắn là một tên bệnh hoạn. Mỗi lần cướp về, hắn thường xổ tung tiền, vàng cho chúng bay vung vãi khắp nhà rồi nằm lăn lộn trên đó để tìm khoái cảm. Trong tù, bao nhiêu tiền làm luật hoặc do đàn em cống nộp, Điền Khắc Kim trải đầy ra dưới tấm drapp để “nằm cấn lưng nghe kêu rột rột đã tai chơi”. Đồng tiền được phong thánh thì nhân cách hóa tên đồ tể. Điền Khắc Kim không tiếc tay đánh đập đàn em, những tên tù hạng tép riu tứ cố vô thân, để thị oai và tiêu khiển. Và, khi gặp đúng đối thủ, hắn sẽ phải trả giá cho điều đó.
Sự buông lơi kỷ luật đã khiến khối hình sự trại giam Chí Hòa ngày càng trở nên hỗn loạn; đâm chém, thanh trừng nhau diễn ra liên miên. Không chịu nổi, cuối năm 1974, nhà tù Chí Hòa đã tiến hành một đợt thanh lọc, tống những tên đầu bò đầu bướu nhất của trại này sang quân lao Gia Định để tiện bề quản lý, tất cả có 32 tên. Vừa đến nơi ngồi tù mới, những tên cộm cán này đã la ó vang trời tính chuyện “làm reo”. Là “thư ký đề lao”, Điền Khắc Kim cũng có mặt trong buổi tiếp nhận những thành viên mới. Muốn thị oai, hắn xông ra quát:
- Muốn làm loạn hả? Không biết ông nội bay đang ở đây sao?
Nổi nóng, Lâm Chín ngón nhảy xổ ra:
- Mày là thằng chó nào?
Điền Khắc Kim tức lắm bảo:
- Đừng lộn xộn, ông nội mày là Điền Khắc Kim đây.
Lời hắn chưa dứt, Lâm Chín ngón đã nhảy xổ tới, một tay kẹp ngang cổ họng, một tay rút luôn cây paker trên túi áo hắn đâm thẳng xuống đầu kẻ mạnh mồm. Hung hăng nhưng nhỏ con, Điền Khắc Kim không chọi lại gã hộ pháp Lâm Chín ngón, cứ quẫy đạp lung tung nhưng vẫn không thoát, lãnh nguyên nhát đâm vào giữa trán. May cho hắn, đầu bút chọc trúng vết thẹo cũ do đạn của Biệt đội hình cảnh trước đây tặng. Thẹo trơn, vết đâm chệch đi nên Điền Khắc Kim không chết nhưng máu cứ tuôn xối xả, đỏ lòm khuôn mặt. Đến lúc đó, Lâm Chín ngón mới chịu buông tay, vứt “thằng oắt” sang một bên mặc cho hắn kêu la chói lói.
Sau trận đó, Điền Khắc Kim mới hết ngổ ngáo, tỏ ra biết điều hơn. Tháng 4.1975, sau khi phân loại, Điền Khắc Kim và một loạt tù trọng án tại quân lao Gia Định bị đổ xuống tàu, tống ra Côn Đảo. Tàu cập bến ngày 22.4.1975 thì 8 ngày sau, Côn Đảo giải phóng. Lợi dụng tình hình lộn xộn, Điền Khắc Kim và nhiều tên tù hình sự khác đã đánh lính gác, cướp súng chạy thoát ra ngoài.
Vừa được hít thở khí trời, hắn đã lập tức xông vào khu gia binh, gây liền hai vụ cướp tại nhà hai cảnh sát chế độ cũ. Côn Đảo đã giải phóng, “thù dân tộc” không còn nhưng trò đồi bại thì vẫn tồn tại, tên súc sinh đã không quên cưỡng đoạt hai bà vợ lính rồi rút lên núi trốn. Nhưng chỉ ba hôm sau, hắn đã bị lực lượng quân quản của đảo tóm cổ.
Sau một thời gian thụ hình tại Côn Đảo, Điền Khắc Kim được chuyển về trại giam Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tại đây, giữa tháng 5.1978, cùng với tên Nguyễn Ngọc á – một trí thức ngồi tù vì tội… buôn heo lậu – Điền Khắc Kim đã cạy vách tôn nhà xí phòng giam trốn trại, sau đó trốn về Sài Gòn, lén lút trốn tại nhà vợ bé ở đường Hưng Phú, quận 8.
Trước khi trở thành tên cướp lừng danh (1968), Minh con đã lấy vợ – một phụ nữ bình thường nhà ở đường Tôn Đản, quận 4. Khi vợ sinh con đầu lòng, gió giang hồ đã cuốn Minh con đi mất, vợ con hầu như chẳng mấy lúc đoái hoài. Tiền bạc cướp được, hắn chỉ ăn chơi, đập phá cho kỳ hết, chẳng giúp được gì vợ con. Đã thế, hắn lại còn đeo thói trăng hoa. Năm 1969, trong một lần trốn sự truy lùng của Biệt đội hình cảnh (ngụy) tại khu vực Bến Tàu, quận 8, hắn tình cờ gặp chị Phạm Thị Dung. Khuôn mặt ưa nhìn của cô gái bán sương sâm đã khiến tên cướp sa cơ thoáng chạnh lòng. Ngoắt chị Dung lại, tướng cướp Điền Khắc Kim gọi một lúc 10 ly sương sâm, ngồi tì tì húp. Xong xuôi, hắn chùi mép, bảo:
- Đói quá, tôi ăn sương sâm trừ cơm. Bữa nay không có tiền, em cho tôi thiếu, mai mốt muốn bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu.
Khuôn mặt hiền lành, khắc khổ, giọng nói có vẻ thành thật khiến cô gái bán sương sâm nghèo không nỡ làm dữ, chỉ im lặng thở dài và quảy gánh đi. Độ một tuần sau, khi quay trở lại chỗ cũ chị đã thấy Minh con đứng từ xa toét miệng cười. Đưa cho chị một xấp tiền dày cộm, hắn bảo:
- Khỏi thối, để đó tôi ăn sương sâm trừ dần.
Rồi hắn lại bắt chị ngồi múc từ từ đủ 10 ly để hắn ngồi nhẩn nha ăn, vừa ăn vừa nói đủ chuyện huyên thuyên chi địa.
Khi số sương sâm đã đủ với số tiền Minh con đưa thì cũng đủ thì giờ để cô chủ buông đòn gánh nằm vào lòng hắn. Hắn bảo:
- Anh làm công nhân, nghèo, không có tiền đám cưới, em chịu không?
Thở dài, chị lại gật đầu. Đã thương rồi thì không đám cưới với ăn sương sâm thiếu nào có khác gì nhau.
…ở với nhau được một mặt con, chị Dung mới biết Minh con đã có vợ có con, nhưng ván đã đóng thuyền, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Lâu lâu, hắn tạt về, đưa cho chị một số tiền lớn (vừa cướp được) bảo là mới “trúng áp phe”, để chị sửa lại cái nhà, sắm thêm cho mẹ, cho con vài ba tấm áo mới, thế là đủ mãn nguyện để khoe với xóm giềng. Không ngờ, cuối năm đó, sau nhiều tháng hắn đi biền biệt, Dung mới ngớ ra: Minh con – anh chồng hiền lành tử tế – lại là Điền Khắc Kim, “tướng cướp cô đơn” khét tiếng. Chị khóc, khóc rất nhiều. Sau ba bốn bận thăm nuôi, chị đành xem như Minh con đã chết, chỉ câm nín bán sương sâm nuôi mẹ già và ba đứa con thơ.
Đùng một cái, thằng chồng dối trá quay trở lại. Hung thần với ai, tướng cướp với ai, chứ với chị, hắn mãi mãi là một “anh Minh”, cha của ba đứa nhỏ. Khuyên không được, chị cũng không nỡ tố giác chồng, đành nhẫn nhục cưu mang che giấu Điền Khắc Kim, dù chị biết rất rõ chồng mình là tên tù vượt ngục. Với Điền Khắc Kim, tấm lòng người vợ chính là nơi trú ẩn cuối cùng. Vợ lớn của hắn ở đường Tôn Đản, ngay sau khi hắn bị đày ra Côn Đảo đã bán nhà, ôm con đi biệt xứ, không còn trông mong gì nữa…
ở nhà một thời gian, Điền Khắc Kim mò ra đường Hồ Văn Ngà, tìm một người bạn gái cũ đang sống lắt lay bằng nghề bán hàng lạc-xoong (đồ cũ) tính cậy nhờ để tìm sinh kế. Vừa ra đến nơi, hắn đã bị công an phát hiện và bắt giữ, sau đó bị đưa lên cải tạo tại trại Tống Lê Chân (Sông Bé). Ngồi trại đến tháng 7.1983, hắn lại trốn. Con thú dữ sổng chuồng ngày càng liều lĩnh và hung bạo hơn. Vừa đặt chân trở lại Sài Gòn, hắn đã một mình gây hàng loạt vụ cướp mới. Lần này, đa số nạn nhân của tên cướp hết thời đều là đàn bà, con nít, những kẻ yếu ớt, cô đơn.
Một lần, vừa cướp được một chiếc xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thì hắn bị công an vây bắt. Cùng đường, hắn kê súng vào bụng anh công an bóp cò nhưng đạn lép, không nổ nên bị tóm tại trận.
Trở vào trại giam, cố hết sức, Điền Khắc Kim vận công, gồng bụng làm bục vết thương Mỹ bắn ngày nào. Được công an đưa vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu. 3 giờ sáng, lợi dụng lúc anh công an gác cửa ngủ gục, hắn lại bẻ còng trốn thoát. Vì vụ đào tẩu này, dư luận Sài Gòn lại có dịp ồn lên.
Trong khi Điền Khắc Kim đang bị truy nã ráo riết thì tại những quầy sách ở đường Đặng Thị Nhu, quận 1 lại có kẻ táo gan xuất hiện xưng danh hắn. Ông ta đi tất cả quầy sách, gom hết những cuốn “Bố già” của Mario Puzzo mà không hề trả tiền. Nghe xưng Điền Khắc Kim, các chủ quầy sách thất kinh, vội đi báo công an. Bị bắt, gã điên này sửng cồ:
- Để xem Điền Khắc Kim với bố già Victor Don Carléon ai bảnh hơn ai. Nó ngon, tôi thách nó đấu súng.
Không thể nhốt một gã điên, công an đành phải cho xe chở hắn về chỗ cũ. Được thả, hắn phản đối quyết liệt:
- Sao không bắt tôi?
Người ta bảo:
- Ông có tội gì mà bắt?
Hắn tỉnh queo:
- Sao không? Điền Khắc Ki 5e8 m là tôi, kẻ cướp, hiếp, bắn lòi ruột cả chục thằng Mỹ, sao không có tội?
Tiếng tăm đen đúa lẫy lừng là thế nhưng đoạn cuối cuộc đời ngang dọc, Điền Khắc Kim đã tự biến mình thành một tên lưu manh mạt hạng. Không còn những vụ đột nhập xuất quỉ nhập thần, không còn các phi vụ rượt đuổi và đấu súng dữ dội, cũng không vấn vương mùi thuốc pháo đớn đau hay vị ngọt mát lãng mạn của ly sương sâm bên bến tàu vất vả, cái còn lại của hắn chỉ là những vụ trộm cắp, cướp giật vặt vãnh của một tên hạ lưu bần tiện. Lần cuối cùng, hắn bị dân phòng phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh tóm cổ trong đêm khi đang tẩu tán một chiếc xe đạp và mớ quần áo cũ do một đàn em là Lê Văn Thanh trộm được ở một căn nhà bên cầu Rạch Ông, quận 8. Lúc đó là tháng 4.1985. Khi chị Dung dẫn ba đứa con, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3 vào trại giam thăm nuôi, Điền Khắc Kim đã ngượng ngùng cúi mặt. Và khóc. Hắn biết thời làm gió làm mưa đã hết. Cái tên Điền Khắc Kim đã vĩnh viễn không còn ám ảnh hay khuấy động được ai nữa.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!