Ngỡ đã là yêu Chương 8


Chương 8
không có gì, tuyệt đối không có gì giá trị hơn mạng sống của con... Và tính mạng của con cũng không giá trị hơn tính mạng của những người khác.

Kim cho hay, lãnh đạo bộ Y tế đã nhận được rất nhiều thư từ phía các bệnh nhân cũ của tôi và người thân của họ, họ nhận định rằng tôi cũng chỉ là nạn nhân giống như những người đã thiệt mạng trong nhà hàng bị vợ tôi làm nổ tung. Ở bệnh viện cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược; những xúc cảm mãnh liệt đã lắng dịu chút ít, phần lớn những người từng phản đối tôi giờ tự hỏi liệu những kiến nghị họ đã ký có hợp tình hợp lý hay không. Đứng trước sự phức tạp của tình hình, cấp trên của tôi tuyên bố không đủ thẩm quyền giải quyết và đã chuyển vụ việc cho các cơ quan quyền lực cấp cao quyết định.

Về phần mình, tôi đã có được quyết định - tôi sẽ không quay lại phòng làm việc của mình nữa, dù là để dọn đồ đạc cá nhân. Thủ đoạn mà Ilan Ros dựng lên chống lại tôi đã khiến tôi bị tổn thương sâu sắc. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thể hiện bản thân là người sùng đạo. Từ thời đại học, tôi đã luôn cố gắng hoàn thành đầy đủ những nghĩa vụ công dân của mình. Ý thức được thành kiến luôn hướng về mình ở chốn công cộng, tôi đã nỗ lực vượt qua từng thành kiến một, thể hiện những gì tốt đẹp nhất ở bản thân và nén chịu những lời miệt thị của các đồng môn người Do Thái. Từ khi còn trẻ, tôi đã hiểu rằng cứ đứng phân vân giữa đường thì sẽ chẳng đi về đâu được cả nên tôi phải nhanh chóng chọn cho mình một cái đích. Tôi đã chọn năng lực làm đích đến cho mình, và niềm tin làm bạn đồng minh của mình, tin tưởng rằng về lâu dài, rốt cuộc tôi cũng sẽ khiến người khác tôn trọng. Tôi không nghĩ mình đã vi phạm những quy tắc do chính mình đặt ra dù chỉ một lần. Những quy tắc ấy là kim chỉ nam của tôi - nó cũng sắc bén như lưỡi dao cạo vậy. Đối với một người Ả rập gặp may mắn - và đã phải trả giá rất đắt để được đỗ đầu khóa học - thì một bước đi sai lầm dù nhỏ nhất cũng là nguy hiểm. Đặc biệt khi anh ta là con trai của một người Ả rập du cư, bị những thành kiến hủy hoại, và giống như kẻ tội phạm bị kết án khổ sai phải đeo hòn lê ở chân, anh ta kéo theo hình ảnh biếm họa ấy diễu tới diễu lui trước thói nhỏ nhen của mọi người, những người lúc thì coi anh ta là đồng loại, lúc thì coi anh ta là quỷ sứ, và lúc nào cũng miệt thị anh ta. Ngay năm thứ nhất đại học, tôi đã xác định được sự tàn khốc cùng cực của con đường trước mắt, những nỗ lực vô cùng lớn lao tôi phải bỏ ra để xứng đáng với cương vị công dân hoàn chỉnh. Tấm bằng không quyết định được tất cả, tôi còn phải biết quyến rũ và làm yên lòng, biết nén chịu không đáp trả, biết kiên nhẫn chịu mất công mất sức còn hơn là mất danh dự. Bất đắc dĩ, tôi bất giác nhận thấy tôi đang đại diện cho cộng đồng của tôi. Trong chừng mực nào đó, tôi cần phải đặc biệt thành công vì cộng đồng ấy. Thậm chí tôi không cần phải được những người thân của tôi giao phó trách nhiệm; sự dòm ngó của những người khác đã mặc nhiên chỉ định tôi phải đảm nhận cái nhiệm vụ bạc bẽo và giả dối này rồi.

Tôi xuất thân từ một môi trường nghèo khổ nhưng trọng danh dự, đối với môi trường ấy, lời hứa và lòng trung thực là hai điều chủ yếu khiến người khác kính trọng. Ông tôi trị vì với tư cách trưởng tộc. Ông có nhiều đất đai nhưng không tham vọng, ông không biết rằng sự trường tồn không phụ thuộc vào quyết tâm tự mình làm mọi việc mà phụ thuộc vào việc thường xuyên xét lại những gì bản thân đã chắc chắn. Ông qua đời trong cảnh bị tước đoạt, đôi mắt mở trừng trừng, trái tim tan nát với nỗi sửng sốt vì bị lăng nhục. Cha tôi không muốn thừa hưởng tính thiển cận của ông. Thân phận nông dân không khiến cha tôi thỏa lòng; ông muốn trở thành một nghệ sĩ - trong vốn từ vựng của tổ tiên, nghệ sĩ đồng nghĩa với kẻ trốn lao động và kẻ ngoại tộc. Tôi vẫn nhớ những cuộc cãi vã không ngớt nổ ra mỗi lần ông bắt gặp cha đang vẽ những bức tranh trong một túp lều tồi tàn đã được cải tạo thành một xưởng vẽ tạm bợ trong khi các thành viên khác của gia đình, cả người lớn lẫn trẻ con, đều đang nhọc nhằn lao động trên các vườn quả. Cha tôi đáp lời, vẻ điềm đạm uy nghiêm, rằng cuộc sống không chỉ là nhổ cỏ, đốn cây, tưới tiêu gặt hái; mà cuộc sống còn là vẽ vời, ca hát cả viết lách nữa; học tập; và rằng thiên hướng tốt đẹp nhất là chữa lành. Mơ ước cao quý nhất của cha tôi là tôi trở thành bác sĩ. Tôi rất hiếm khi gặp được người nào lại không tiếc sức mình vì con cái như ông. Tôi là con trai duy nhất của ông. Nếu ông không muốn có thêm con, thì đó là vì ông muốn dồn nhiều may mắn nhất có thể cho tôi. Ông đã đặt cược toàn bộ những gì ông có để tặng cho thị tộc vị bác sĩ phẫu thuật đầu tiên. Khi thấy tôi giơ tấm bằng tiến sĩ lên, ông đã lao vào vòng tay tôi như con suối đổ ra biển lớn. Lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất tôi thấy nước mắt lăn trên má ông, chính là lần ấy. Ông đã qua đời trên một chiếc giường bệnh viện, tay vuốt ve chiếc ống nghe, như thể đó là một di vật thiêng liêng, tôi cố tình mang nó đến để làm ông vui lòng.

Cha tôi là một người rất tuyệt. Ông sống hòa hợp với tất cả mọi điều như chúng vốn vậy, tự nhiên và giản dị. Đối với ông, đương đầu với khó khăn chẳng có nghĩa lý gì hết và khi phải sống cơ hàn, ông cũng không lấy thế làm khổ sở. Đối với ông, bất hạnh không phải là thách thức, mà là những sự cố dọc đường ta phải vượt qua, thậm chí sau đó ta có thể phải chịu khổ đau vì những sự cố ấy. Đức tính khiêm nhường và minh bạch của ông khiến người ta yêu thích. Tôi mong được giống ông biết bao, được thừa hưởng vẻ thanh tao và đúng mực của ông biết bao! Nhờ ông, mà khi lớn lên ở một vùng đất vốn nhiều sóng gió từ thời kỳ mông muội đến nay, tôi mới từ chối không coi thế giới là một trường đấu. Tôi biết rõ rằng các cuộc chiến còn nối tiếp nhau, các vụ trả đũa còn nối tiếp nhau, nhưng tôi ngăn mình can dự dù bằng cách này hay cách khác. Tôi không tin những lời tiên tri dự báo xung đột và không bao giờ tạo cho mình suy nghĩ Đấng Tối cao có thể kêu gọi các bề tôi của mình đứng lên chống lại nhau và biến chuyện thực hiện đức tin thành một chuyện phi lý và đáng sợ là so sánh tương quan lực lượng. Do vậy, tôi rất nghi ngờ, như nghi ngờ một kẻ độc ác, kẻ nào đòi tôi ít máu để rửa sạch tâm hồn. Tôi không muốn tin vào những thung lũng nước mắt hay những thung lũng bóng tối - có những địa danh hấp dẫn hơn mà ít phi lý hơn ở quanh ta. Cha tôi thường nói: “Người nào rỉ tai con rằng có tồn tại một bản hợp xướng mạnh mẽ hơn luồng sinh khí trong con thì đó là kẻ nói dối. Kẻ ấy chỉ rình lấy những gì tốt đẹp nhất trong con: đó là may mắn được tận hưởng mỗi khoảnh khắc cuộc sống. Nếu con bắt đầu từ nguyên tắc coi kẻ thù lớn nhất của mình là kẻ có ý đồ reo rắc nỗi hận thù trong mình, thì con đã đạt tới một nửa hạnh phúc rồi đấy. Phần hạnh phúc còn lại, con chỉ việc đưa tay ra hái lấy nó. Và nhớ lấy điều này: không có gì, tuyệt đối không có gì giá trị hơn mạng sống của con... Và tính mạng của con cũng không giá trị hơn tính mạng của những người khác.”

Tôi đã không quên.

Thậm chí tôi còn coi đó là quy tắc sống cơ bản của mình, tôi tin rằng khi con người nắm được logic này, thì rốt cuộc họ cũng trở nên chín chắn.

Những tranh cãi nho nhỏ với Naveed đã khiến tôi cân bằng trở lại. Dù những tranh cãi ấy không hồi phục được phần minh mẫn trọng yếu của tôi, nhưng chúng đã giúp tôi bình tĩnh xem xét lại bản thân. Cơn giận vẫn còn đó, nhưng nó đã thôi khuấy động tâm can tôi giống như một vật thể lạ nằm chờ phản ứng nôn mửa để được tống ra ngoài nơi không khí thoáng đãng. Cũng có lúc tôi ngồi trên ban công ngắm những chiếc ô tô và phát hiện ra nét hấp dẫn nào đó ở chúng. Kim không còn kiểm soát ngôn từ của mình thận trọng thái quá như ba ngày trước nữa. Cô hay xuất khẩu thành những câu nói đùa để cố làm cho tôi mỉm cười, và mỗi sáng khi cô đi làm, tôi không còn chịu ngồi bó gối trong phòng mình cho đến lúc cô về nữa. Tôi đã học cách đi dạo phố. Tôi đến các quán cà phê để hút thuốc, hoặc vào một vườn hoa công cộng, ngồi xuống một chiếc ghế băng và quan sát lũ trẻ chạy nhảy dưới nắng. Tôi vẫn chưa thể tiếp cận nổi một tờ báo; thế nhưng, trong lúc đi dạo, nếu tình cờ nghe thấy một chiếc radio đang đưa tin tức, tôi cũng không vội vã đổi sang đi ở vỉa hè bên kia nữa.

Ezra Benhaêm đã tới nhà Kim thăm tôi. Chúng tôi không bàn đến giả thiết tôi quay lại làm việc cũng không nhắc tới Ilan Ros. Ezra muốn biết tình hình của tôi ra sao, liệu tôi đã bình phục chưa. Ông đưa tôi đến một nhà hàng để chứng tỏ cho tôi thấy ông không phiền hà gì khi công khai đi cùng tôi. Điều đó thật cảm động, mà chân thành. Tôi là người đã nằn nì xin được thanh toán. Sau bữa tối, Kim phải đi trực, ông và tôi đến một quán bia uống say mèm như hai vị thánh làm những chuyện ngông cuồng sau khi đã vắt kiệt sức toàn bộ những người bị rút phép thông công của họ.

- Anh phải đến Bethléem.

Tiếng bát đĩa lách cách vọng ra từ bếp ngưng lại. Mất mấy giây Kim mới thò đầu qua cửa. Lông mày cau lại, cô nhìn tôi chằm chằm.

Tôi dụi điếu thuốc vào gạt tàn và chuẩn bị châm điếu khác.

Kim chùi tay vào một chiếc khăn lau treo trên tường và bước vào phòng khách với tôi.

- Anh đùa à?

- Anh có vẻ đùa cợt hả Kim?

Cô khẽ giật mình.

- Dĩ nhiên là anh đùa. Anh định làm gì ở Bethléem chứ?

- Sihem đã gửi thư cho anh từ đó.

- Thế thì sao?

- Thế thì, anh muốn biết cô ấy làm gì ở đó trong khi anh đinh ninh cô ấy ở nhà bà mình tại Kafr Kanna.

Kim ngồi thụp xuống chiếc ghế đan bằng liễu giỏ trước mặt tôi, bực bội vì chuyến đi bất ngờ này. Cô hít sâu, như để nén cơn giận của mình lại, cô cắn môi tìm từ để nói, nhưng cô không tìm được và đưa hai tay lên ôm đầu.

- Anh đang điên đấy, Amine ạ. Em không biết điều gì đang diễn ra trong đầu anh, nhưng với chuyện này thì anh đi quá xa rồi. Anh chẳng có gì để làm ở Bethléem cả.

- Anh có một người chị cùng sữa ở đó. Chắc chắn Sihem đã tới nhà chị ấy rồi thực hiện nhiệm vụ điên cuồng của mình. Dấu bưu điện đề thứ Sáu ngày 27, nghĩa là một ngày trước khi xảy ra thảm kịch. Anh muốn biết ai là người đã tẩy não cô ấy, ai là người đã nhồi thuốc nổ đầy người cô ấy và gửi cô ấy đến chốn đoạn trường. Đối với anh, khoanh tay đứng nhìn hay vượt qua một chuyện mà anh không chịu nổi giờ không còn là chuyện đáng bận tâm nữa.

Kim chỉ còn thiếu nước vò đầu bứt tóc.

- Anh có hiểu những gì anh nói không? Em xin nhắc anh rằng ta đang nói đến bọn khủng bố đấy. Những kẻ đó không có chuyện nương tay đâu. Anh là bác sĩ phẫu thuật, chứ không phải cảnh sát. Anh phải phó thác việc này cho cảnh sát. Họ có những phương tiện thích hợp và đội ngũ nhân viên có năng lực để tiến hành loại hình điều tra này. Nếu anh muốn biết chuyện gì đã xảy đến với vợ anh, anh hãy đi gặp Naveed và nói cho anh ấy biết về lá thư.

- Đây là một việc cá nhân...

- Thật vớ vẩn! Mười bảy người đã chết và hàng chục người khác bị thương. Việc này chẳng có gì là cá nhân hết cả. Đó là một vụ khủng bố liều chết. Và chuyện xử lý việc này tuyệt đối thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Theo em, anh đang mất phương hướng đấy, Amine ạ. Nếu anh muốn mình trở nên thực sự có ích, anh hãy giao lại lá thư cho Naveed. Có lẽ đây là đầu mối mà cảnh sát đang đợi để tiến hành điều tra.

- Không có chuyện đó đâu. Anh không thích có ai đó tham gia vào việc của anh. Anh muốn đến Bethléem, và chỉ đi một mình thôi. Anh không cần ai cả. Anh quen nhiều người ở đó. Kiểu gì rồi anh cũng sẽ tìm được chỗ sơ hở và buộc được một vài người phun ra điều gì đó.

- Thế sau đó?

- Sau đó thì sao?

- Cứ cho là anh sẽ buộc được một vài người phun ra điều gì đó đi, thì phần kế hoạch tiếp theo là gì nào? Véo tai họ và bắt họ đền bù thiệt hại à? Coi nào, chẳng phải chuyện đùa đâu. Chắc chắn sau Sihem có cả một mạng lưới, cả một đội quân hậu thuẫn và cả một tiến trình. Người ta không tự nổ tung ở một nơi công cộng vì một phút ngớ ngẩn đâu. Đó là kết quả của một quá trình dài tẩy não, một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý và vật chất. Rất nhiều biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng trước khi đi đến hành động. Bọn trùm sò cần bảo vệ căn cứ của chúng, gây rối loạn mọi hướng điều tra. Họ chỉ chọn người chịu liều chết đánh bom sau khi đã tin tưởng vào quyết tâm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người đó. Giờ anh cứ thử tưởng tượng mình đột ngột xuất hiện ở lãnh thổ của chúng và lục tung xung quanh nơi trú ẩn của chúng lên xem. Anh nghĩ là chúng sẽ lịch sự chờ lúc anh lần ra được chúng ư? Chúng sẽ thanh toán anh nhanh đến mức anh thậm chí chẳng kịp thực hiện cái sáng kiến ngốc nghếch của mình. Em thề rằng chỉ riêng ý nghĩ anh đang lảng vảng quanh cái ổ rắn độc ấy cũng khiến em hoảng sợ rồi.

Cô giằng lấy hai bàn tay tôi, khiến chỗ đau ở cổ tay lại nhói lên.

- Đó không phải ý hay đâu, Amine ạ.

- Có thể vậy, nhưng anh chỉ nghĩ đến chuyện đó từ khi đọc được lá thư.

- Em hiểu, chỉ có điều mấy chuyện kiểu này không dành cho anh.

- Em đừng nhọc công, Kim à. Em biết anh cứng đầu thế nào rồi đấy.

Cô giơ hai tay lên để làm dịu tình hình.

- Được rồi... Chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận tối nay. Từ giờ đến lúc ấy, em hy vọng anh sẽ bình tâm lại một chút.

Đến tối, cô mời tôi tới một nhà hàng trên bờ biển. Chúng tôi dùng bữa ngoài hiên, cơn gió nhè nhẹ tạt qua mặt. Biển cuộn sóng; tiếng sóng ì ầm mang vẻ gì đó nghiêm trọng. Kim đoán cô ấy sẽ không làm tôi đổi ý được. Cô khều khều đĩa như một con chim mệt mỏi.

Nhà hàng này thật dễ chịu. Nằm dưới sự quản lý của một người Pháp di cư, nhà hàng có một không gian rất giản dị với những ô cửa kính rộng như chân trời, những chiếc ghế bằng da màu đỏ boóc đô nhồi nệm và những chiếc bàn phủ khăn thêu nhỏ. Một ngọn nến lớn rực cháy trong một chiếc cốc thủy tinh có chân. Quán không đông khách, nhưng những cặp đôi có mặt ở đó dường như đều là khách quen. Những cử chỉ của họ thật tế nhị và cuộc tranh luận giữa họ thật nhẹ nhàng. Chủ quán là một người đàn ông vóc dáng thấp bé, mảnh khảnh và nhanh nhẹn, ăn mặc chải chuốt và phong thái vô cùng lịch thiệp. Chính ông ta là người gợi ý món khai vị và rượu cho chúng tôi. Chắc chắn Kim đã có ẩn ý khi mời tôi đến nhà hàng này. Lúc này, cô lại dường như quên mất ẩn ý đó.

- Hình như anh rất thích thú khi đùa cợt với huyết áp của em, - cô vừa thở dài vừa buông rơi chiếc khăn ăn của mình như người ta ném một cái giẻ lau.

- Em thử đặt mình vào địa vị của anh đi, Kim. Không chỉ vì hành động của Sihem thôi đâu. Còn vì cả anh nữa. Nếu vợ anh tự mình tìm đến cái chết, thì đó là bằng chứng chứng tỏ anh đã không biết cách khiến cô ấy yêu cuộc sống hơn. Chắc chắn anh phải chịu một phần trách nhiệm.

Cô định phản đối; tôi giơ tay lên để xin cô đừng ngắt lời tôi.

- Đó là sự thật, Kim ạ. Không có lửa thì làm sao có khói. Cô ấy đã sai, đồng ý vậy, nhưng cứ chụp mũ cả cho cô ấy cũng không ngăn nổi nhận thức của anh.

- Anh chẳng liên quan gì cả.

- Có chứ. Anh là chồng cô ấy. Nhiệm vụ của anh là chăm nom cô ấy, bảo vệ cô ấy. Chắc chắn cô ấy có cố gắng làm anh chú ý đến biến động dữ dội đe dọa mạng sống của cô ấy. Anh khẳng định là cô ấy đã cố đánh tiếng cho anh. Trời ạ! đầu óc anh để đâu chứ trong khi cô ấy tìm cách thoát khỏi biến động đó?

- Chị ấy có thực sự tìm cách thoát khỏi biến động đó không?

- Tất nhiên là thế rồi! Cô ấy tìm đến cái chết đâu có giống như đi dự vũ hội. Chắc chắn là đúng lúc cô ấy chuẩn bị quyết định thì nỗi hoài nghi xâm chiếm cô ấy. Và anh lại không nhận ra được khoảnh khắc này. Chắc chắn Sihem có mong anh thức tỉnh cô ấy. Nhưng anh lại để đầu óc đi chỗ khác, và chuyện này, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được.

Tôi châm vội một điếu thuốc lá.

- Anh chẳng vui thích gì chuyện làm em lo lắng cả, - tôi nói với cô sau hồi lâu im lặng. - Anh đã mất hứng thú đùa cợt rồi. Từ lúc đọc lá thư chết tiệt đó, anh chỉ nghĩ đến dấu hiệu ấy, cái dấu hiệu mà anh không nhận ra kịp thời và cho đến lúc này, vẫn không chịu để anh thấy những bí mật của nó. Anh muốn tìm lại dấu hiệu ấy, em hiểu không? Cần phải tìm lại. Anh không còn chọn lựa nào khác. Từ khi đọc được bức thư đó, anh chỉ làm mỗi việc là khuấy tung mọi kỷ niệm để tìm lại nó. Dù ngủ hay thức, anh cũng chỉ nghĩ đến chuyện này. Anh đã điểm lại những thời khắc sóng gió nhất, những ngôn từ kém rõ ràng nhất, những cử chỉ mập mờ nhất; chẳng thấy gì hết. Khoảng trống ấy khiến anh phát điên. Em không thể tưởng tượng nổi nó giày vò anh thế nào đâu, Kim ạ. Anh không thể vừa chạy theo nó vừa chịu đựng nó được nữa...

Kim không biết phải làm gì với đôi tay nhỏ nhắn của mình.

- Có lẽ chị ấy không có nhu cầu ra hiệu cho anh.

- Không thể thế được. Cô ấy yêu anh. Cô ấy không thể lờ anh đến mức không cho anh biết gì được.

- Chuyện đó không phụ thuộc vào chị ấy. Chị ấy không còn là người phụ nữ trước kia nữa, Amine ạ. Chị ấy không được quyền mắc sai lầm. Cho anh biết bí mật là báng bổ thần thánh và vi phạm cam kết của chị ấy. Đó chính xác giống như trong một giáo phái. Không điều gì được lọt ra ngoài. Giáo phái được cứu rỗi là dựa vào đòi hỏi cấp thiết này.

- Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây liên quan đến mạng sống, Kim ạ. Sihem phải chết. Cô ấy ý thức được điều đó có nghĩa là gì với cô ấy, và với anh. Cô ấy quá trung thực để có thể đột ngột bỏ rơi anh như một kẻ đạo đức giả. Cô ấy đã ra hiệu cho anh, không còn nghi ngờ gì nữa.

- Điều ấy liệu có thay đổi được gì không?

- Ai biết chứ?

Tôi rít điếu thuốc của mình nhiều lần, như để ngăn không cho nó tắt. Cổ họng tôi nghẹn lại khi tôi buột nói:

- Anh thật bất hạnh vì đó là điều không thể.

Kim dao động, nhưng vẫn trụ vững.

Tôi di đầu mẩu thuốc lá vào gạt tàn.

- Cha anh thường nói hãy giữ những đau thương lại cho mình, chúng là tất cả những gì con còn khi đã mất mọi thứ...

- Amine, em xin anh.

Tôi không nghe cô nói và tiếp tục:

- Đối với một người đàn ông vẫn đang bị sốc - và cú sốc mới khủng khiếp làm sao! - thì thật không thể biết rõ được tang tóc kết thúc ở đâu và góa bụa bắt đầu khi nào, song có những ranh giới cần phải vượt qua nếu muốn tiến về phía trước. Về đâu? Anh không biết; điều anh biết, là không được đứng một chỗ chịu nhún bước trước số phận mình.

Đến lượt mình, và trong sự sửng sốt của chính mình, tôi túm lấy tay cô, nắm gọn chúng trong hai tay mình. Tôi cảm giác như đang nắm trong lòng bàn tay hai con chim sẻ cứng đờ. Tôi siết tay thận trọng đến mức hai vai Kim co rúm lại; đôi mắt cô lấp lánh một giọt nước mắt trong ngần, cô định giấu giọt nước mắt ấy bằng một nụ cười, một nụ cười tôi chưa bao giờ được thấy ở một người phụ nữ nào từ khi tôi học cách tiếp cận họ.

- Anh sẽ hết sức cẩn trọng, - tôi hứa với cô. - Anh không có ý định trả thù hay phá hủy hệ thống. Anh chỉ muốn hiểu tại sao người phụ nữ của đời anh lại loại trừ anh khỏi đời cô ấy, tại sao người phụ nữ anh yêu điên cuồng lại nhạy cảm với những bài giảng đạo của người khác hơn với những bài thơ của anh.

Giọt nước mắt của thiên thần hộ mệnh của tôi trào khỏi bờ mi đã mọng nước và lăn thành một vệt dài trên gò má. Bất ngờ và bối rối, Kim định lau nó đi; tôi đưa tay ra trước cô và đón lấy giọt nước mắt đúng lúc nó lăn đến khóe miệng.

- Em là một người tuyệt vời, Kim ạ.

- Em biết, - cô nói, - trước khi phá lên cười và đến giữa chừng thì òa lên nức nở.

Tôi lại nắm lấy tay cô và siết thật chặt.

- Anh phải thú thật với em rằng nếu không có em chắc anh khó lòng đứng vững.

- Không phải tối nay, Amine ạ... Có lẽ vào một ngày khác.

Môi cô run run nở một nụ cười buồn bã. Ánh mắt cô tìm dựa vào ánh mắt tôi để thoát khỏi cảm xúc đang khiến nó bối rối. Tôi nhìn cô chăm chú mà không biết mình đang vặn ngón tay cô.

- Cảm ơn em, - tôi nói.

Hết chương 8. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26834


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận